Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.187
123.214.378
 
Tình Yêu Không Đơn Giản
Mang Viên Long

Năm 1971 Lê Kiêm Toàn là sinh viên năm thứ 2 Đại học Sư phạm Saigon – khoa Vật lý. Toàn từ miền Trung vào ăn ở trọ tại một căn hộ trong hém đường Võ Tánh, bên hông  khu Tổng Nha Cảnh Sát.

 

Căn nhà ba tầng ( nếu kể cả tầng trệt dưới đất ) – nhỏ thôi, của một  góa phụ, chồng mất tích ở tận vùng rừng núi cao nguyên giáp giới Dakto và Pleiku mờ mịt, không tìm được xác vào giữa năm 68; có ba người con, hai cô gái – một cậu trai út. Tầng hai và ba, dành cho sinh viên ăn ở trọ. Tổng cọng hai căn phòng, mỗi phòng rộng khoảng hai mươi lăm mẻt vuông, nhốt mười người. Mười anh sinh viên, ở nhiều miền – tụ lại, nấn ná tạm trú để được đi học. Toàn tìm đến muộn, nhưng còn một chố ở tầng ba.

 

Hằng tháng, Lê Kiêm Toàn là người nhận được bưu phiếu của chị gởi cho muộn nhất – thường bà chủ nhà phải nhắc đến lần thứ hai. Chín người kia, có lẽ Mễ là người giao tiền cho bà sớm nhất, vì anh là con của một thương gia giàu có ở miền tây. Mễ cũng đang học năm thứ hai trường Quốc Gia Hành Chánh – hào hoa, sang trọng, nhưng tiếc là hơi bị lùn, mặt dài, giọng nói đôi lúc cà lăm – nhưng ưa tranh cải, nói nhiều nhất trong mười người.  Việc chọn ngành học của Mễ phần nào cho thấy cũng rất phù hợp với con người, cá tính của anh.

 

Hai cô con gái của bà chủ đều đang học ban đệ nhị cấp – Thương – cô lớn, học lớp mười hai. Sương - cô em , đang học lớp 10.

 

Cả hai cô đều có nhiều nét giống mẹ:  Mũi cao, mắt sâu đen. dáng người cao cao – nói chung, là rất xinh xắn, dễ thương, có sức hấp dẫn tự nhiên của tuổi dậy thì ở đôi ngực nhô cao được làm dáng bằng cách không quên đeo thêm chiếc souchien bằng mousse trước lúc khoát chiếc áo dài.

Kiêm Toàn chỉ biết lo miệt mài với mớ sách vở, với cours bài, cặm cụi mãi trên tầng ba cách biệt. Anh chỉ xuống nhà để đi học và ăn cơm thôi. Ngày chủ nhật, phòng dưới còn hai người, phòng trên chỉ còn một mình Toàn. Những lúc ngồi lâu, mệt mói – Toàn thường ra đứng ở balcon, nhìn xuống dòng người trôi chảy miên man phía dưới, mà nhớ nhà. Nhớ lại cuộc đời gian khó lận đận của mình. Nhớ da diết người chị nghèo vừa đi lấy chồng xa đã đùm bọc anh từ năm lớp 10 khi người anh cả nói thẳng là không thể nuôi nổi Toàn ăn đi học được nữa, dầu phần lớn gia tài của cha mẹ để lại, anh đã nhanh tay “ thanh toán “ dần  trước khi các em được 18 tuổi!

 

Một buổi chiều chủ nhật, Thương bất ngờ lên tầng ba – một điều lạ mà trước đây chưa hề có  – Toàn đang quần cụt ở trần trùng trục. anh vội xỏ ngay chiếc quần dài, choàng tấm áo sơ mi – lớ ngó chưa biết nói gì thì Thương mỉm cười – bước vào phòng, : “ Anh Toàn đi chơi một chút  được không? “

- Anh biết đi đâu bây giờ? Toàn phân vân.

- Có chỗ đi, anh có đi không? Thương nhìn thẳng vào mặt Toàn vừa dò xét, vừa chờ đợi.

- Mà đi với ai mới được chứ?

- Đi với em – được không?

 

- Dĩ nhiên là được rồi! - Toàn nhìn chậm lên mặt Thương, cười.

Vậy là Toàn xuống nhà, dắt chiếc Velo Solex dần ra đầu ngỏ. Toàn mặc vội bộ đồ đã lê lết ở giàng đường gần tuần lễ chưa kịp giặt, đủng đỉnh ra chỗ hẹn.

 

Thương trao xe cho Toàn chở mình – ngồi sau – Thương cười lớn : “ Chủ nhật vầy có vui không? “ - “ Anh không thấy ở Saigon có chỗ nào vui cả! “ - “ Vậy nơi nào vui? “ - “ Ở quê anh vui hơn nhiều ! “-  “ Hôm nào anh Toàn dẫn em về quê anh nhé? “ – “ Nếu em đừng chê! Chịu khổ được! “ – “ Anh chịu được thì em cũng chịu được mà? Khổ, có chết ai đâu ? “ – “ Có đấy, em à! “.

Theo lời hướng dẫn của Thương, Toàn quẹo xe vào quán Kim Sơn. Hai người đẩy cửa bước vào nhà kính, ngồi vào chiếc bàn ở góc phòng còn trống. Thương gọi ly ca cao sữa cho mình, và Toàn một café sữa đá. Dù đã vào Sài gòn hơn hai năm, nhưng đây là lần đầu Toàn bước chân vào quán Kim Sơn sang trọng. Anh thường đi ngang qua, nhìn vào căn phòng rộng lấp lánh ánh đèn mầu , nghĩ đó không phải là chỗ của anh.  Khách ngồi phía ngoài sân, bên hè - ngắm nhìn thiên hạ đi dạo phố chủ nhật, nhâm nhi café hay lai rai vài chai bia cao một cách thỏa mãn, an nhàn. Ngày chủ nhật thật rộn rã, muôn mầu…

 

Hút một ngụm nhỏ cacao đặc quánh sữa từ ống hút mầu xanh – Thương mở túi xách lấy ra một phong thư. Ngoài bì thư không ghi một chữ nào. Thương đưa về phía Toàn: “ Anh Toàn đọc thư này giúp em !“

- Thư của ai? – Toàn không nhận thư, nhìn sững lên đôi mắt đen sâu của Thương. Hớp một ngụm café nhỏ…

 

- Của ai anh Toàn đọc sẽ biết mà…

- Nhưng thư gởi cho ai? – Toàn vẫn e dè, ngạc nhiên.

- Cho em! – Thương nói gọn, vẻ lạnh lùng.

- Gởi cho em sao lại…kêu anh đọc? – Toàn cười, từ chối.

- Em nhờ anh đọc rồi cho em biết ý kiến mà…

- Lại có vụ…làm “ cố vấn “ …tình yêu sao?

- Không phải ai cũng làm “ cố vấn “ cho em được đâu? Em tin anh mà…

Thương giơ cao bức thư trước mặt Toàn – chò đợi . “ Thôi được, anh xem thử…”. Toàn nhận thư, cầm trên tay giây lâu – ngạc nhiên vì không thấy có đề tên ngưởi gởi và người nhận. Toàn mở thư ra, đọc…

 

Khi Toàn vừa xếp ngay ngắn bức thư bỏ lại vào phong bì – Thương hỏi:

- Anh Toàn thấy thế nào?  Không những em rất ngạc nhiên, mà còn rất sợ…

- Có ai sợ một…lá thư tỏ tình nồng nàn như vậy đâu? Thường thì họ vui mừng, tri ân nữa là đằng khác?

- Mà người viết không thành thật, không xứng đáng!- Thương dừng một chút – anh không thấy vậy sao?

- Anh không thấy! – Toàn đốt một điếu thuốc, con gái thường nhạy cảm, khôn ngoan hơn cánh con trai tụi anh nhiểu…

 

- Chỉ cái tên mà không can đãm ghi vào phong bì, không có trong lá thư – thì là …thế nào?

- Em biết là ai, là được rồi!

- Anh Toàn không biết là ai sao?

- Có nhận ra, nhưng… Mễ yêu thương em vậy mà?

- Nhưng em không thể đáp lại được…Đâu phải nghe những lời tha thiết dịu ngọt là đáp lại ngay,  là mừng rỡ ngay, anh?

- Đúng là vậy!

 

Im lặng một lát, Thương phân vân: “ Anh Toàn khuyên em nên thế nào bây giờ đây? “

- Anh cũng… mù mịt mà! – Toàn thoáng nhìn, thấy được vẻ buồn, băn khoăn của Thương đọng cứng trên nét măt im lìm mà xao lòng.

- Sao vậy? Anh không muốn giúp em? – Giọng Thương rắn rỏi bất ngờ.

- Anh thú thật là chưa…có kinh nghiệm về mấy chuyện này, em ạ! Nói sai, là có tội! Không khéo em nghĩ anh…

 

- Em nghĩ sao?

- Anh… ghen tức, hay nói xấu kẻ khác …Nhận xét về một con người cũng không đơn giản em à! - Cần có thời gian và nhiều điều kiện khác…

- Em muốn anh nói tức thì thôi! – Thương nao núng.

- Nói thì nói – Toàn cười, có gì đâu? Như thế này nhé…Toàn bỏ lửng câu nói – lại đốt tiếp một điếu thuốc, cầm ly café lên …

- Thế nào, anh?

 

- Mễ không xứng đáng với em, em đừng giận – anh nói thật lòng mình!

- Em cũng nghĩ không thích hợp với con người, bản tính của Mễ dầu anh ấy nhà giàu…Nhưng bây giờ em phải xử sự thế nào đây, anh?

- Tùy em thôi…

- Anh lại tránh né giúp em rồi!

- Anh không là em, nên điều anh sẽ nói, nhiều lúc không…hợp ý em – thì sao?

- Vậy là anh không có chút tình thương yêu nào dành cho em rồi, đúng không?

- Không đúng!

- Vậy sao anh do dự?

- Anh ví dụ: nếu bức thư ấy là của người mà anh cảm thấy tin tưởng, biết rằng nếu gần gũi – thương yêu, em sẽ hạnh phúc – thì anh sẽ rất vui khi đồng ý với em…

- Em không hề muốn nghe anh ví dụ như vậy! – Giọng Thương tức tưởi.

- Thì anh chỉ…ví dụ thôi mà! – Toàn tha thiết nhìn Thương.

 

Thương im lặng giây lâu – cúi  nhìn xuống đôi bàn tay mình đặt trên đùi như để tránh né tia nhìn nồng nàn của Toàn, như để cho tình cảm đang sôi nỗi trong lòng mình lắng xuống.

 

Như phản ứng của một công tắt điện – Thương chợt ngước lên, nhìn sững vào mắt Toàn đang lặng lẽ nhìn mình – Thương nói – giọng dứt khóat: “ Anh Toàn, em yêu anh nhiều lắm, anh có biết không? “.

 

Cuối năm 1972, Toàn buộc phải gác lại chuyện học, bị lệnh tổng động viên đẩy vào quân trường như hàng ngàn sinh viên khác. Lệnh tổng động viên do đại tướng Cao Văn Viên - Tổng Tham Mưu Trưởng ký ngày 14 tháng 8 năm năm 1972 , đã có hiệu lực trong các trường đại học ngay sau đó. Theo tinh thần lệnh ấy – chỉ tạm hoãn nhập ngũ cho những SV đang học năm cuối, chờ thi tốt nghiệp. Ngoài ra, mọi trường hợp hoãn dịch trước đây đều tạm thời không còn giá trị nữa.

 

Sau mấy lần dật dờ lên xuống Trung Tâm 3, Toàn được đưa ra Nha Trang – vào quân trường huấn luyện Đồng Đế. cùng hằng trăm sinh viên non choẹt như anh, thành lập tiểu đoàn 4 ( tiếp theo 3 tiểu đoàn đã được đưa ra trước mấy tháng). Qua giai đoạn “ khổ hạnh”, sinh viên được phép gặp thân nhân ở khu tiếp tân trên bãi cát rợp bóng dương – cách quân trường chừng một cây số.

 

Người đến thăm Toàn đầu tiên là người chị ở ngoài quê với túi xách lỉnh kỉnh đủ thứ đều là thức ăn, và thuốc bổ. Chị đã  phải nhịn ăn, tằn tiện cả tháng mới có thể vào Nha Trang với cái túi xách nặng trĩu ấy! Toàn hiểu rõ điều đó – nên anh cứ sững sờ nhìn chị, rồi nhìn cái túi xách mà lòng nao nao buồn. Lúc đưa chị lên xe về lại quê – Toàn mới dặn ;” Em ở đây đầy đủ rồi, chị đừng khổ công mang xách như vậy nữa nhé? Lúc nào cần thứ gì, em sẽ viết thư về cho chị …Chị nên để dành mà lo cho hai cháu! “.

 

Người đến thăm Toàn thứ hai là Thương - cách nhau một tháng, khi anh vừa hết giai đoạn 2. Thương đến thật bất ngờ, vì trong thư mới nhất, nàng không hề nói đến dự định này. Có thể nàng bất ngở quyết định hay Thương muốn dành cho anh sự bất ngờ? Sự “ bất ngờ “ trong tình yêu luôn là những gặp gỡ nhiệm mầu, đáng nhớ. Gặp Toàn, Thương đã chạy đến ôm chầm lấy anh – gục đầu lên vai, khóc. Toàn bối rối giữ yên hai vai nàng, nghe lòng rưng rưng. Trong ba tháng, Toàn đã nhận hơn 15 lá thư của Thương đầy ắp những lời yêu thương nồng nàn,  những chia sẻ chí tình như người vợ nhỏ. Bây giờ Thương đang nức nở trong vòng tay của anh…Một nỗi hạnh phúc vừa mong manh, vừa dịu dàng dâng lên. chiếm trọn tâm hồn anh như lần mới được ôm hôn nàng đầu tiên…

 

Sau chuyến công tác về huyện kéo dài một tháng, sinh viên lục đục trở lại trường tiếp tục giai đoạn cuối. Ngày mãn khóa, Toàn nhận sự vụ lệnh đến sư đoàn 22 bộ binh. Thăm chị được một tuần, Toàn lại được điều động đến Trung đoàn 42 đang trú đóng ở Phú Bổn. Hơn hai năm ở rừng núi, tham dự vài trận đụng độ cấp tiểu đoàn – giữa tháng 3 năm 1975 , trận chiến ngày càng dữ dội, bò dần vào tận chi khu, các vùng lân cận quanh thị xã như vết cháy rừng.  Mặt trận ở các tỉnh Tây nguyên bị cô lập, co cụm, và sau cùng – là một cuộc tháo chạy ào ạt, hốn loạn…

 

Toàn theo dòng người đổ theo liên tỉnh lộ số 7 về Phú Yên. Con lộ nhỏ, hoang phế, gập ghềnh đâ sỏi mà đám người ùn ùn tiếp nối ngày càng đông. Đủ loại xe chen nhau từng khúc đường bất an. Các binh chủng từ các tình phía trên Phú Bồn cũng dồn nhau về con lộ 7 huyết mạch này để mong đến Tuy Hòa, trong lúc tiếng đạn, bom –lựu đạn, mìn, từng chặp vang lên chát chúa, kinh hoàng. Nhiều gia dình có con nhỏ, người già, nằm vật vã bên đường, dưới gốc cây, trên tảng đá vì kiệt sức và đói khát. Lúc này Toàn chỉ còn bộ đồ trận đã rách, khẩu súng ngắn đã hết đạn, bị dồn đẩy từ phía sau như bị cơn nước lũ cuốn đi.

 

Khi gần đến thị xã Tuy Hòa – cách quốc lộ I khoảng 10 cây số, Toàn bị chận bắt cùng với những quân nhân từ nhiều tỉnh gom lại. …

 

Sau gần hai năm làm “ tù tàn binh “, Toàn được “ phòng thích” đợt 1 vời khoảng 50 tù binh của trại 53. Ngày khai nơi trở về, Toàn ghi địa chỉ nhà người chị ở khu xóm mới - Gò Vấp. Anh nhận được thư nhắn của chị đã trôi dạt vào Sài gòn để kiếm sống khi không thể nấn ná ở lại quê lâu hơn. Chị đã bán rẻ căn nhà, vườn tược – mọi thứ, vợ chồng chị chỉ bồng bế hai con vào nam lập nghiệp như một sự trốn chạy. Vào đến Gò Vấp – nhờ người bạn thân cũ của chồng. chị gom góp tất cả để mua được căn hộ nhỏ, được chủ nhà nhiệt tình lo giúp cho một hộ khẩu…Thật sự là Toàn không còn ai ở quê, ngoài gia đình người anh cả đã lạnh lùng quên bẵng anh từ lâu. Về Sài gòn, được gần chị, gần Thương là ước mơ của anh bấy lâu…

 

Một tuần sau, vào khoảng ba giờ chiều - Toàn tìm đến căn nhà ở hẻm Võ Tánh để thăm Thương. Sương – em nàng, cho biết chị Thương vừa có việc phải đi rồi. Kêu Toàn ngồi chơi khoảng một giờ, chắc là chị Thương sẽ về thôi. Hút xong điếu thuốc, Toàn xin phép mẹ Sương được lên thăm căn phòng tầng ba lần cuối sau bao năm xa vắng. Bước lên từng bậc thang vòng xoắn bằng sắt, Toàn nghe như anh đang trở về, bước dần vào căn nhà cũ – rất thân yêu của ngày xưa một thời: Phòng trống trơn. Giường chiếu, bàn ghế. kệ sách…đều được dọn sạch – như dĩ vãng đã được dọn sạch ở đây. Ở đây không còn chút gì của quá khứ, chỉ còn ngùn ngụt nỗi tiếc nhớ chiếm trọn lòng người lao đao trở về…Tất cả đã đổi thay chóng vánh vậy sao?

 

Ngồi chuyện vãn với mẹ Thương và Sương thêm một lát, Toàn xin phép có viêc cần đi – sẽ quay lại nếu kịp. Ra đường, Toàn lơ ngơ không biết nên đi về đâu trong một giờ chờ đợi. Phố thưa người. Nhiều căn phố đóng kin cửa. vài căn phố mở hờ. và vài ngôi nhà bày kệ ra trước hè như một sạp hàng xén. Thành phố đang co cụm, âm ỉ quặn mình trong đổi thay từng ngày…Toàn đi dần lên ngã Tư Nancy – bất chợt ghé quán CafeThanh Trúc ngày nào đã cùng Thương ngồi nhâm nhi trò chuyện. Dựng, khóa xe – Toàn bước vào cửa. Ngay dãy bàn trước mắt anh –bên trái, Thương đang ngồi với một gã sáng láng, dân chơi. Như chạm vào bức tường lửa, Toàn vội lui ra ngoài. Tìm một chỗ ngồi ở góc vỉa hè trước cửa quán, goi ly café đen…

 

Hơn nửa giờ sau, cửa mở : Thương và gã ông bước ra. Nói cười dòn dã.  Chợt, Thương quay lại - nhìn thấy Toàn đang ngồi một mình, lặng lẽ nhìn theo. Thương bước đến, đối diện Toàn – giọng ngập ngừng : “ Anh được về bao giờ? Sao không báo tin cho em biết? “ . Toàn nhếch cười: “ Em còn muốn biết nữa sao? “. Gã đàn ông giục : “ Mình về thôi, em! “.

 

Ngày hôm sau, theo lời mẹ ( và Sương ) kể lại - Thương đã tìm đến Xóm Mới thăm Toàn. Thương cho biết, hôm đó – người đàn ông kia đã đề nghị Thương cùng vượt biển với ông ta – mọi chi phí, ông ta sẽ bao hết, kể cả đến giờ hẹn sẽ có xe riêng đưa xuống Vũng Tàu.

Toàn hỏi :

- Em trả lời thế nào?

- Em bảo để xin ý kiến của mẹ, để cho em suy nghĩ một tuần…

- Gã thế nào?

- Gã bảo sẽ chờ đến thứ hai…

Thương đã khóc với Toàn – như lần khóc ở khu tiếp tân Đồng Đế ngày nào…

 

Hằng tuần hai người vẫn có cái hẹn vào chiều thứ bảy – chỉ ở quán café Hoa Sen nằm sâu trong con hẻm đường Phan Xích Long, Phú  nhuận. Nơi ấy, Toàn có thể hôn Thương mà không ngại ai dòm ngó. Có lúc, Thương cũng đã sà vào lòng anh – như một cánh chim nhỏ diệu hiền. Toàn đã xin làm kế toán cho một cơ sở sản xuất mì sợi ngoài giờ phụ giúp chở hàng cho chị lên khu chợ trời ở ngã tư Chuồng Chó. Anh rễ Toàn quản lý cửa hàng thu mua phế liệu, phế phẩm. Công việc dần ổn định, lây lất theo ngày tháng…

 

Một hôm – vào sáng sớm thứ hai, Toàn phải theo xe chở mì đến giao hàng cho các cửa hàng bán lẻ dọc khu phố Bùi Viện vì cô nhân viên xin nghỉ bệnh.  Trong lúc chờ đợi xuống hàng -Toàn ghé vào một quán café tìm ly café muộn. Đẩy cửa bước vào – Toàn thấy ngay Thương đang ngồi với một người đàn ông quay lưng về phía anh. Hình như gã ta nhận biết nét mặt thay đổi bất thường và phản ứng vụng về của Thương, đã vội quay lại, nhìn ra phía cửa.

- Toàn – gã đàn ông kêu lên, lại đây…

- Chào cậu – Toàn cười, không ngờ gặp lại cậu ở đây?

 

Mễ đứng dậy, vội kéo ghế mời Toàn ngồi. Mễ kể lại chuyện từ sau ngày rời nhà trọ Võ Tánh, sau ngày tổng động viên năm 72 vào muộn học ở tiểu đoàn 8, ngày 30 tháng tư vẫn sum họp ở nhà, những tháng ngày kế tiếp vẫn được an lành không ăn cơm tù bữa nào, công chuyện làm ăn ở dưới quê rất thuận lợi  -  và nhất là chuyện tình rất ướt át của anh với Thương…Mễ nói nhiều – nói hết, cả Thương và Toàn không  còn chen vào chỗ nào được nữa. Toàn yên lặng, ngồi nghe.  Lơ đãng nhìn ra đường. Hút thuốc.Toàn thoáng nghĩ : “ Mình có còn gì để nói nữa đâu? “.

Tiếng Mễ vang lên: “ Thôi, mình đi về, em! “

Thương đứng bật dậy.

Mễ bước lại cầm lấy bàn tay nàng.

Toàn đẩy ghế đứng lên.

Lúc Toàn đưa Thương và Mễ ra chiếc xe La Dalat đang đỗ bên kia đường – anh đến bên Thương, mỉm cười: “ Anh xin phép được bắt tay em, lần cuối…”

 

Nghe tiếng gõ cửa gấp gáp, bất thường, chị của Toàn vội bước xuống giường – mở cửa : Trước mắt chị là một cô gái trạc hai mươi tuổi – vẻ lúng túng và sợ hãi, nhìn chị - ngập ngừng: “ Thưa chị, có phải là nhà của anh Toàn không ạ ? ”  - “ Đúng rồi ! Mà cô là ai? “ – “ Em nhờ chị chuyễn bức thư này của chị em cho anh Toàn, nghe chị? “ .

 

Chị Toàn cảm thấy an tâm và có chút vui vui hiện lên trong đôi mắt nhìn cô gái, thầm cám ơn. Chị mở rộng cửa:

- Mời em vào nhà chơi , chị sẽ gọi Toàn xuống ngay… –  liếc nhìn lên cầu thang - nó đã dậy rồi, chắc là đang viết gì ở trên gác…

 

- Em xin lỗi chị - cô gái vội quay đi – hôm nào em sẽ ghé thăm …Bước ra xe, cô gái lại quay nhìn chị giây lâu – giọng ân cần – nhờ chị chuyễn giúp sớm cho…

 

Cô gái đã lên xe đi một quảng đường, nhưng chị Toàn vẫn còn tần ngần cầm lá thư trên tay – chưa bước lên gác. Chị ngờ ngợ không biết lá thư nói gì trong đó, mà mới sáng sớm vậy đã mang đến cho Toàn? Chị hiểu đây không phải là một lá thư bình thường, lại do “ một người chị “ của cô ấy gởi, lại nhắc “ chị chuyễn giúp sớm cho “ – nhưng chị vẫn đi dần đến chân cầu thang…

 

Chị lên gác, trao thư choToàn – lặng lẽ quay đi.

“ Anh yêu thương !

Suốt đêm qua em không thể nào nằm yên được bởi mọi chuyện cứ ám ảnh, quây cuồng, lần quẩn trong cái đầu nóng ran, nhức buốt. Khi gặp anh ở quán café cùng với Mễ - em không thể nói gì được? Em cảm thấy uất nghẹn, nhưng phải đành nín lặng chịu đựng…

 

Mễ đến mời em đi uống café để chỉ nhắc lại đề nghị lần cuối là sẽ  lo giúp cho em ( và Sương ) có việc làm ồn định hơn, mức lương cao hơn – cho dầu trước đó em ( và mẹ em ) đã cám ơn và từ chối nhiều lần. Em đã nói thẳng với Mễ, cuộc sống của gia đình em đã ổn định, đầy đủ - không có gì phải làm phiền đến anh ấy cả! Lần nầy, em cũng đã lập lại quyết định ấy một cách dứt khoát. Anh đã hiểu bản tính “ hoang dã và ngang như cua “ của em rồi! Em yên lặng, nhưng không phải không hiểu gì.  Em luôn có thể tự đứng vững trên đôi chân của chính mình. Mọi sự ỷ lại, nương nhờ vào người khác, em không hề có từ thuở nhỏ…

       

Lúc em vừa đòi về, thì anh lại xuất hiện – nên em đã phải ngồi nán lại. Mễ từng biết em đã yêu thương anh, tin tưởng anh đến không thể có sức mạnh nào có thể lay chuyễn, nên đã có  “ ác ý, nói thêm “ nhiều điều về em, về anh ấy – không hề đúng sự thật. Trước Mễ, em không dại gì phản đối ngay để anh ấy xấu hổ, có thể sinh lòng thù hận - mà đành yên lặng lần nữa…

 

Câu nói của anh khi bắt tay em ra về, đã khiến em uất ức, không muốn sống thêm giây phút nào nữa! Em đã kịp kiềm giữ cho đến khi vừa bước vào nhà, đã bật khóc. Mẹ và Sương hốt hoảng, lo lắng – rồi an ủi, vỗ về em, nhưng em vẫn nín lặng, vào phòng riêng, vật vã với nỗi buồn và thất vọng. Em đã nghĩ đến cái chết cho đời mình như một mệnh số không thể cưỡng lại dược. Em thật sự không cần đến sự sống nữa, nếu không có anh bên cạnh cuộc đời em. Và em đã mê thiếp, đến mãi bây giờ - gần 3 giờ sáng, viết vội cho anh thư này – trước khi đón nhận sự bất hạnh cho tình yêu, cho cuộc đời tạm gởi của mình : “Nếu anh không còn tin yêu em như xưa,  thì Anh hãy sống mà nhớ lấy khi không còn bóng dáng em trên cõi trần gian đầy hệ lụy này…”

Rất mong được gặp lại anh yêu!  “./.

 

Quê nhà, Tháng 5 năm 2011

Mang Viên Long
Số lần đọc: 2218
Ngày đăng: 18.06.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Trở Về Lưng Chừng Núi - Nie Thanh Mai
Ngoài Tầm Bão Xoáy - Tiêu Đình
Những sợi tóc măng - Nam Dao
Một Vì Sao Lạc Trên Dải Ngân Hà - Trần Minh Nguyệt
Ký Ức Làm Báo - 2 - Đỗ Ngọc Thạch
và cả hỏa ngục cũng đã rằng không - Bùi Hoằng Vị
Một pho tượng biết suy nghĩ - Trần Hoài Thư
Vượt thời gian - Lưu Quang Minh
Một lối tiện lợi - Lê Văn Thiện
Chuyện Chưa Kết Được - Tiêu Đình
Cùng một tác giả
Ngã rẽ(*) (truyện ngắn)
Bóng hạnh phúc** (truyện ngắn)
Vôi trường úc(*) (truyện ngắn)
Quán bụi (truyện ngắn)
Người chị(1) (truyện ngắn)
Dì Lucia (1) (truyện ngắn)
Chim trời (5) (truyện ngắn)
Ông ngoại tôi (truyện ngắn)
Quà nhỏ (tạp văn)
Bèo dạt, hoa trôi … (truyện ngắn)
Quà Trung thu của ba (truyện ngắn)
Giàn hoa cát đằng (truyện ngắn)
Mùa xuân đến muộn (truyện ngắn)
Gã nhà quê vui tính (truyện ngắn)
Bà ngoại tôi (truyện ngắn)
Chữ Hiếu (truyện ngắn)
Chim bay về đâu (truyện ngắn)
Bóng ngựa qua song (truyện ngắn)
Chuyện ngày xưa (truyện ngắn)
Vầng trăng khuyết (truyện ngắn)
Biển của hai người (truyện ngắn)
Chuyện xóm củi (truyện ngắn)
Dáng mộng (1) (truyện ngắn)
Lại một mùa xuân (truyện ngắn)
Ông Ba Phải (truyện ngắn)
Chim chuyền buội ớt (truyện ngắn)
Truyện ngăn ngắn -1 (truyện ngắn)
Truyện ngăn ngắn-2 (truyện ngắn)
Chiếc cà vạt (truyện ngắn)
Tiên Thủy (truyện ngắn)
Vội vàng (truyện ngắn)
Vết son (truyện ngắn)
Truyện ngăn ngắn-3 (truyện ngắn)
Truyện ngăn ngắn-4 (truyện ngắn)
Có những mùa trăng (truyện ngắn)
Một trường hợp (truyện ngắn)
Một cõi đời riêng (truyện ngắn)
Chờ bão (truyện ngắn)
Bên trời mơ ước (truyện ngắn)
Mèo con yêu dấu (truyện ngắn)
Phố người (truyện ngắn)
Một câu chuyện tình (truyện ngắn)
Bà già khòm (truyện ngắn)
Ăn tết ở chùa (truyện ngắn)
Những kẻ tạm trú (truyện ngắn)
Quê nhà , chiều 30… (truyện ngắn)
Phút chót (truyện ngắn)
Khoảng cách (truyện ngắn)
Một Ngày Cô Độc (truyện ngắn)
Chùa Cô Ba (truyện ngắn)
Thị Trấn Êm Đềm (truyện ngắn)
Mây hoàng hôn (truyện ngắn)
Ngôi Nhà Mùa Hè (truyện ngắn)
Quán Café Tulip (truyện ngắn)
Nỗi Khổ Không Rời (truyện ngắn)
Về Lại Chốn Xưa (truyện ngắn)
Bên Tách Trà Khuya (truyện ngắn)
Sáu Bẹo (truyện ngắn)
Lộn Ngược (truyện ngắn)
Quán Bên Sông (truyện ngắn)
Tách trà cổ (truyện ngắn)