Vịn cớ chuyện con heo, con gà, liếp hành, bờ cải mà tôi lấy tấm đăng sậy dựng hàng rào ngăn giữa nhà tôi và nhà Tám Khum. Nói ngoài miệng là vậy, nhưng trong bụng thì khác: Tôi không thích bên đó. Mấy đứa con Tám Khum chơi bời bậm trợn (con lính ngụy mà), thường gây gổ với hai đứa con tôi. Lại nữa, hồi còn ở xóm xích lô ngoài thị xã dưới thời Mỹ ngụy, y là thương phế binh, hay lấn lướt những gia đình lao động nghèo chúng tôi. Từ ngày cách mạng về, tất cả được đưa vào vùng kinh tế mới, tôi cũng chấp nhận cái lý lẽ “sống hòa hợp”, nhưng thật ra cái tình thì chưa thấm bổ vào đâu.
Giữa hai bên, tôi với Tám Khum cũng có xích mích một vài chuyện lặt vặt. Chú Hai Lộ, người đại diện xóm nầy, trước chú cũng ở thị xã và cùng làm một trong những người đại diện nghiệp đoàn xe xích lô với ba sắp nhỏ, chú thường khuyên tôi: “Bây giờ độc lập rồi, mình làm chủ nước nhà mình, tất cả phải thương yêu nhau, đoàn kết xây dựng đất nước. Tiếng là mình ở vùng kinh tế mới, được Nhà nước cứu trợ, tổ chức cho làm ăn, sanh sống tập thể, nếu lỏi chỏi nhau hoài thì còn gì cái ý nghĩa tập thể nữa ?”. Nghe lời chú thì nghe, nhưng tôi cảm thấy nỗi thông cảm trong lòng đối với Tám Khum còn một cự ly nào đó chưa với tới. Cái thằng cha lưng gù, mặt mày sầm uất, cặp giò đi ruồng bố bị du kích tỉa cho một viên đạn đến bây giờ mỗi bước đi còn chấm phẩy đó. Hồi trước thằng chả thường mặc áo nhà binh, đứng chống nạnh hai quai, chửi vãi tụi nầy mỗi khi có rượu vô. Thằng chả huênh hoang nào là “ân nhân của chánh thể Cộng hòa”. Sao “Cộng hòa” của nó không rước nó về Mỹ nuôi đi! Cái bản mặt thấy khó ưa. Ai biểu tôi đoàn kết tôi cũng đoàn được, chớ thằng cha đó thì đừng...
Ở đời, cái gì chưa được hài lòng, càng ém nó càng ấm ức mạnh hơn. Do đó mà mỗi khi có một chút chuyện tôi và Tám Khum cũng có thể quậy lớn ra để mà cự nự nhau.
Có một bữa, tôi đi làm về mệt, đang nằm trên võng gác tay qua trán nghĩ ngợi lang bang, thì hai bên bất ngờ lại xảy ra một chuyện nữa; cũng chuyện mấy đứa nhỏ. Thằng Tỷ con tôi vạch rào chun qua phía Tám Khum chơi, rồi đánh lộn với con y, vì một chuyện cãi lẫy sao đó. Trời ơi! Đã từ lâu tôi cấm đứt đám nhỏ hai bên chơi với nhau rồi mà. Cũng cứ lẽo đẽo qua lại chơi với nhau, đánh nhau, hỏi thử ai chịu nổi? Tôi nổi tam bành, kêu thằng Tỷ về, lấy roi quất cho túi bụi và mắng chàng gây om sòm lên:
- Chỉ còn nước tao lạy tụi bây thôi. Con Sang nữa. Vô cúi! Đã nói dòng nó có mang máu lính ngụy nè, đánh người nó có nương tay đâu ?
Bên kia Tám Khum cũng lôi thằng Thum con y vô nhà vừa đánh đòn vừa nghiến ngầm xách khóe:
- Tại sao mầy không biết cái thân? Sống giữa chế độ nầy, đồ con lính ngụy như mầy là loại đồ dởm bỏ đi, người ta dòm như dòm cây đinh đóng trước mắt vậy.
Mặt y nghiêng nghiêng, miệng đay nghiến cái giọng châm chọc vào chế độ mình, thử hỏi có trời mà nhịn được? Tôi vụt roi, thôi đánh con, tiến sát đến hàng rào, trỏ thẳng tay qua mặt y:
- Nói cho mà biết, mấy người không được quyền nói cái giọng đó nghe! Chế độ nào? Mấy người muốn chửi chế độ nào? Ráng nhớ, tôi đưa câu nói đó ra trước tập thể cho mấy người trả lời.
Tám Khum quơ tay la dậy lên:
- Mặt nầy chưa từng ngán ai. Có giỏi thì làm đi, tao thách đó !
Y vớ một gộc tre vừa chặt ra để vót câu cắm, chồm chồm tới, nhưng vẫn ở bên kia. Tôi cũng thộp con dao xắt chuối xốc lại sát rào bên nầy:
- Tao đố! Con nầy đã từng cầm đòn gánh đánh đuổi bọn cảnh sát chúng bây chạy như trâu rồi mà. Muốn thì tao thí luôn cho.
Tám Khum chùn lại:
- Đồ đàn bà sức mấy. Ngon qua đây !
Thấy y hạ cây, thụt lui, tôi cũng quăng dao, lùi lại mấy bước. Mặc dù cái hào khí “đấu tranh vũ trang” hạ ngọn, nhưng hai bên cố moi ra những lời lẽ cay độc mà gài nhau, mà xoi xỉa, moi móc nói xấu nhau. Đến lúc má Tư bên kia kinh Hội chống xuồng qua, tôi với Tám Khum mới chịu im và đứng thở dốc. Má Tư là tổ trưởng của xóm nầy. Hồi còn ở ngoài thị xã má cũng là người cùng phố, làm nghề đan lưới mướn.
Má Tư chống lủi mũi xuồng đại lên mé. Má quăng cây sào, nhảy lên bờ. Một tay má lôi chiếc khăn rằn đỏ trên vai xuống, giũ giũ, một tay xỉa cục thuốc ngoay ngoáy bên mép miệng. Má hét vào tôi và Tám Khum:
- Bộ tụi bây loạn rồi hả? Chuyện chòm xóm, có gì thì to nhỏ phải quấy, tại sao làm ong óng chẳng khác bọn cao bồi thời Mỹ ngụy vậy? Dẹp! Dẹp! Không biết xấu hổ.
Má Tư là người công bằng nhứt xóm. Từ lúc về đây đến giờ ai cũng trọng má. Tôi tiu nghỉu bỏ vào nhà. Tám Khum còn gầm gừ, nhưng cũng gù gụ cái lưng, quay vào nhà y. Má Tư chỉ giải quyết cách dùng uy tín mình mà phá huề như vậy rồi má cũng xuống xuồng chống về nhà.
Tôi ngồi bên nầy, cầm khăn lau mồ hôi trán, thở ra. Nghĩ lại, tôi thấy hơi lo. Mình là hội viên nông hội, không tỏ ra được một chút tư cách giác ngộ hơn Tám Khum, cứ sấn sả ăn miếng trả miếng ngang nhau, đố khỏi bị “tổ” phê bình cho sát xương sống. Tôi liếc nhìn qua bên kia hàng rào sậy, thấy Tám Khum ngồi bên ngạch cửa, mặt ngó ra ruộng, cái lưng gù gù của anh ta càng cong xuống.
Chiều ngày ấy nghe chú Hai Lộ nhắn tôi có rảnh chống xuồng xuống nhà chú cho chú bàn công chuyện. Tôi lại càng lo lắng! Chắc Tám Khum đã tố cáo rồi. Tôi thấy vừa sợ vừa xấu hổ, muốn trốn luôn. Nhưng lại nghĩ: không đi thì không được. Chẳng lẽ mình lánh mặt chú Hai đến suốt đời sao? Đã lỡ khuyết điểm thì mình phải ráng đến mà nghe chú phân tách đặng sửa chữa. Chú Hai Lộ ngồi tiếp chuyện tôi. Gương mặt chú phúc hậu nhưng hơi lạnh. Đôi mắt chú lồ lộ, rực sáng cũng như những lần bàn chuyện đấu tranh chống bọn Mỹ hiếp đáp anh em phu xe xích lô ở thị xã hồi đó. Chú ngồi chồm hổm trên bộ vạc cau, hút thuốc phì phèo. Khổ người ôm ốm của chú, có đôi vai nhô lên chứng tỏ sức vóc ấy đã gánh nhiều thời gian và sức nặng. Chú nói... Có lúc tôi cảm động muốn rớt nước mắt, có lúc tôi xấu hổ kéo chéo khăn giả vờ lau mặt, có lúc tôi ngó lãng ra sau, có lúc tôi lại nhìn chằm chặp vào chú... Cuối cùng, chú nói:
- Theo chú thì chuyện cãi vã đó mình phải đưa ra cho bà con phân tách coi ai phải quấy, đừng để đôi bên mang thành kiến với nhau hoài không lợi. Còn chuyện kia, trách nhiệm tập thể phải giúp đỡ những gia đình neo đơn, cháu đừng ngại, mà cũng đừng bận tâm lo cơm nước gì! Làm xong buổi, nhà ai nấy về.
Chú thôi nói, tiếp tục hút thuốc. Tôi nhìn vào từng cuộn khói của chú nhả bay bay như những dấu hỏi cuốn tròn. Những cuộn khói ấy nó cứ tới tấp hỏi tôi: “Thật vậy sao?...”.
Bỗng nghe tiếng xuồng khua lụp cụp dưới kinh, tôi nhìn ra. Tám Khum tay cắp chiếc nón lá đi ngay lên. Bụng tôi bồn chồn: “Chắc thằng cha nầy đến để thưa gởi thêm gì đây”. Không còn chỗ nào tránh mặt, tôi vội vớ lấy chiếc nón, hấp tấp từ giã chú Hai. Tám Khum bước vô chạm mặt tôi tại cửa nhà.Y lấm lét, lúng túng úp chiếc nón dựa bệ cửa, không chào hỏi ai. Y cứ lựng bựng, không biết phải đứng hay ngồi...
Chuống xuồng về ngang nhà má Tư, má ngoắc tôi lại. Má cũng muốn biết chú Hai kêu tôi bàn bạc việc gì. Ngồi hồi lâu tôi mới nói được:
- Thật, con không ngờ - Tôi ngập ngừng, kéo chéo khăn chậm khóe mắt. Má Tư thảng thốt, chồm tới:
- Sao? Ổng kỷ luật bây nặng lắm sao ?
Tôi lắc đầu:
- Không! - Tôi hất mối khăn lên đầu - Chuyện... tập thể định xốc bờ vỡ đất trồng mía cho con. Con xấu hổ quá...
Má Tư thở phào, chùn đôi vai xuống:
- Vậy... tưởng chuyện gì dữ lắm. Sống với nhau vậy mới gọi là tập thể chớ. Mình sắp đến còn tiến lên làm ăn hợp tác nữa kia. Đâu phải mạnh được yếu thua như thời Mỹ Thiệu vậy.
Má còn nói nhiều danh từ mới gì đó mà tôi chưa hiểu hết nghĩa. Và ý chính của má muốn nhắc nhở là: Việc giúp đỡ nhau không phải là chuyện lạ. Vì chế độ nầy tình người là cao hơn hết.
- Má nói vậy chớ mười bốn người đàn ông xốc đất một buổi đâu phải là ít công sức.
- Hừ! Không phải mười lăm sao ?
- Dạ, nghe chú Hai nói chắc chắn là mười bốn.
Má gật đầu “à à” mấy tiếng:
- Cũng chưa chắc gì nó (má ám chỉ Tám Khum) vui lòng làm giúp mầy. Ai mà không ngại, chuyện mới xảy ra còn nóng hổi... Nhưng thôi, rồi đâu cũng vào đó. Hai Lộ có bảo là chiều nay mời nó xuống động viên thêm xem sao.
Má lại thầm thì với tôi như người mẹ dạy con. (Tôi tưởng tượng vậy chớ tôi mồ côi mẹ hồi thuở còn chưa biết lời phải quấy của mẹ dạy dỗ):
- Hồi sáng bây làm vậy trật dữ lắm nghe! Mình là nông hội viên, phải giác ngộ trước để cho những người chậm tiến học tập theo. Phải nên tội nghiệp nó. Nó đã chịu ảnh hưởng cái thói lính ngụy lâu ngày nên ăn nói thô lỗ vậy chớ cội gốc nó cũng nghèo khổ. Hồi trước nó chạy xe lôi như chồng mầy, rồi bị bắt lính. Cái âm mưu của thằng Mỹ mà, chúng muốn biến dân mình thành kiểu Mỹ nầy kiểu Mỹ khác. Dân ở thành phố ai cũng là nạn nhân của chúng. Bây giờ Mỹ chạy, chúng bỏ lại cho mình đủ thứ loại người. Mình phải biết thương nhau mà sửa chữa cho nhau.
Càng nghe Má nói, tôi càng thấy như trong ngực mình có nhiều con cua đang cào cấu xạo xự. Bụng tôi nôn nao chịu hết nổi. Tôi siết cứng tay Má:
- Thôi đi má! Nhắc hoài, mắc cỡ thấy mồ.
Như vậy là bữa sau cái bờ dài của tôi được tất cả là mười bốn người vác cuốc đến xốc đất liếp đúng một buổi. Đúng như chú Hai Lộ và má Tư dự liệu, vẫn là mười bốn người, không có mặt Tám Khum. Từ ngoài mặt tiền anh em xốc dài vô hậu bối được hơn tám phần mười con bờ. Còn vài tầm đất trong cùng, vì gần tối nên phải bỏ cù lại. Vậy là quí hóa quá rồi! Cù lại bao nhiêu đó, tôi xốc tiếp chừng một buổi nữa là xong! Mặc dù bữa đó chú Hai dặn đừng nấu cơm, nhưng tôi không nghe. Nghèo nhiều chớ nghèo một bữa cơm sao? Người ta làm giùm mình, mình không cho ăn cơm coi sao phải. Trong lúc anh em xốc đất ngoài bờ, tôi lén đi lại cửa hàng cung cấp thực phẩm của xóm mua hai trái bí rợ và một cặp dừa khô về làm một bữa cơm. Tôi nấu hết một trái rưỡi bí, còn dành lại nửa trái. Đến lúc anh em về, thấy cơm lỡ nấu, đành phải ở lại ăn.
Nghe lời má Tư, sáng hôm sau, tôi lại nghĩ ra một cách hàn gắn tình giao hảo chòm xóm lại với gia đình Tám Khum. Thú thật, bước đầu tôi không thể vạch hàng rào sậy mà qua nhà anh ta được. Tôi sai thằng Tỷ con tôi ôm nửa trái bí còn lại, qua cho nhà y. Tôi ngồi trong nhà bên nầy lén vạch vách nhìn qua. Thấy Tám Khum ngồi vót câu cắm trước hàng ba nhà, anh ngẩng lên nói gì rù rì với thằng Tỷ, rồi thằng nhỏ ôm trái bí trở về. Tôi vội chạy ra đứng bên nầy rào, phân trần:
- Anh Tám làm vậy coi kỳ lắm! “Nhứt cận lân nhì cận thân” mà. Anh không nhận, tôi ngại lắm à.
Tám Khum ngó mặt qua, trả lời:
- Chị để mà dùng đi.
Tôi không chịu:
- Chèn ơi, bí đầm đó, dẻo mà thơm lắm anh Tám ơi. Anh không nhận là anh chưa hết giận tôi đó - Tôi bảo thằng Tỷ - Đem trở lại cho bác Tám đi con - Tôi nói với anh - Không lấy hết thì anh dùng nửa miếng với tôi lấy thảo !
Tám Khum chần chừ rồi gật đầu:
- Cũng được.
Anh dùng cây mác đang vót câu, bửa miếng bí ra làm đôi rồi đưa thằng Tỷ một nửa bảo xách về. Anh chỉ chấp nhận đến ngần ấy, nhưng trông vẻ mặt vẫn chưa vui.
Tôi vào nhà, nằm thở khì một hơi dài.
Mặc dù bận nhiều việc đồng áng lu bu nhưng tôi cũng yêu cầu má Tư tranh thủ họp xóm để thanh toán vụ rầy lộn cho rồi. Cuộc họp được “xuôi buồm thuận gió”. Ai cũng thành khẩn nhận lấy phần quấy của mình. Cuối cùng, bà con đề nghị tôi và Tám Khum phải cố gắng hàn gắn lại sự quan hệ bình thường trong tình chòm xóm. Hai bên hứa hẹn sẽ tiến hành từ từ...
Từ cuộc họp hôm ấy đến mấy tuần sau, tôi chưa tạo được điều kiện hợp lý để phá hàng rào sậy. Có những lúc tôi nằm gác tay qua trán mà nhớ lại quãng đời chìm nổi của mình. Thuở nhỏ tôi mồ côi mẹ, sống với một ông cha luôn chè chén say sưa. Cũng không được bao lâu cha lại mất. Hết ở đợ đến bán bánh tầm, gánh nước mướn... Nhờ má Tư với chú Hai Lộ làm mối mới gặp được tía thằng Tỷ. Suốt cuộc sống hơn ba mươi tuổi chưa có được một ngày vui sướng. Sau những năm tía thằng Tỷ bị xe Mỹ cán chết, gia đình càng ngặt nghèo hơn. Bây giờ được cách mạng đổi đời, dìu dắt đi vào con đường làm ăn tập thể, tự mình làm chủ lấy mình, tôi nhứt định phải cố gắng đặt từng bước đi lên cho nhịp nhàng với bà con chòm xóm. Tía thằng Tỷ hồi còn sống thường nói: “Ở đời, phải biết lấy cái hay mà lấn át cái dở. Ngược lại, nếu mình cứ đi moi móc cái dở của nhau ra hoài thì thế gian nầy nhìn đâu cũng thấy toàn là người dở cả”. Tôi nhớ rồi! Tám Khum cũng có những cái hay. Như chuyện hôm trước, lúc hai gia đình chưa xích mích nhau, y cũng cư xử phải lẽ một cách. Bữa ấy, cậu Tư thằng Tỷ (anh ruột tôi) về thăm bà con xóm nầy. Rất đông người đến chơi, có cả Tám Khum. Anh ta cũng hãnh diện chẳng khác cậu Tư sắp nhỏ là người cật ruột vậy. Anh ta thăm hỏi một cách chân tình. Thấy cậu Tư có đeo cây súng lục, có người xì xầm là: “Coi chừng ổng mượn côn của ai đeo về xóm để “giựt le” với bà con”. Tôi nghe mà tức ứa gan, nhưng không tiện lên tiếng binh vực cho anh mình. Tám Khum liền chận ngay: “Cán bộ cách mạng không ai có ý “lo le” gì đâu. Mấy người mà biết con khỉ khô gì. Người được Đảng phát côn ít nhứt cấp bực cũng từ thiếu úy trở lên. Cha Tư Tần hoạt động trong chiến khu mười mấy năm rồi chớ bộ...”. Nghe anh ta nói hộ anh mình tôi nở gan mát ruột.
Mải nằm suy nghĩ từ chuyện nầy sang chuyện khác, đến lúc nghe mấy đứa nhỏ nói chuyện thủ thỉ ngoài hàng rào sậy tôi mới ngẩng đầu nhìn ra. Mặt trời đã xế về phía kinh Hội. Ánh nắng đổ xiên qua hàng rào sậy, hất bóng hàng rào nhô lên lổm chổm. Tôi vội chải đầu, đội nón và sửa soạn vác cuốc đi xốc tiếp bờ đất. định kêu thằng Tỷ với con Sang vô dặn vài câu nhưng tôi vội ngừng lại. Thằng Thum con Tám Khum bên kia hàng rào đang vạch sậy đưa qua cho hai đứa nhỏ tôi mấy trái chuối luộc. Bọn trẻ hai bên rào nói chuyện với nhau thỏ thẻ xem chừng thân mật lắm. Thỉnh thoảng chúng liếc vô nhà để dè chừng sự dòm ngó, cấm đoán của tôi. Bỗng dưng tôi cảm thấy xấu hổ quá. Cái hàng rào sậy chắn ngang hai nhà để ngăn cắt bầy trẻ, thật không chút hiệu lực gì. Sự ngăn cắt quan hệ tình cảm của chúng chính là cái hàng rào nhỏ nhen trong lòng những người lớn chúng tôi đây. Hàng rào sậy! Nó bây giờ như cái hàng rào bằng pha lê, hai bên đã thấy nhau nhưng chưa vượt qua được.
Tôi cất tiếng kêu hai đứa nhỏ:
- Tỷ, Sang à! Xế rồi, vô nhà chơi, mẹ đi cuốc.
Hai đứa nhỏ chạy vào. Chúng vội nuốt mớ chuối luộc của con Tám Khum cho và phủi tay lia lịa để phi tang. Tôi ngó lãng chỗ khác...
Chống xuồng ngang qua cửa nhà Tám Khum, thấy anh ngồi dựa vách vót câu cắm, tôi hỏi với lên (đã lâu rồi tôi chưa hề hỏi đến chuyện làm ăn):
- Anh Tám định chừng nào xốc đất tỉa bắp ?
Anh ta buông mác ngẩng lên nhìn tôi, cười; nhưng cái cười chưa được tự nhiên:
- Chắc vài bữa, chị. Chị đi xốc đất hả? Ừ, còn mớ hột cải xà-lách, chiều chị sai thằng Tỷ qua lấy về để sạ ăn tết.
- Dạ, cám ơn anh quá.
- Có gì đâu, chỗ chòm xóm mà.
Vợ anh từ trong nhà vọt miệng nói với ra một câu bóng gió:
- Ôi, cái gia đình lính ngụy nầy biết người ta cho ở yên không mà tính chuyện làm ăn.
Tôi cười bao dung và chống xuồng đi, Tám Khum gầm gừ với vợ:
- Đồ ăn nói như chim ục.
Đang gầm đầu xốc đất, bỗng nghe tiếng người kêu, tôi nhìn lên. Chú Hai Lộ từ đâu lội lại gần bên mình.
- Bây làm ăn vầy là vô khâu lắm đó. Thôi, nghỉ tay vô nhà bàn công chuyện chút coi !
Tôi để cuốc xuống xuồng, nhổ sào mời chú Hai:
- Chú bước xuống đây, về luôn.
Chú Hai ngồi trước mũi xuồng, lưng quay về phía tôi, hai tay chú vịn cứng đôi bên be. Chú nói:
- Định họp tổ nầy để bàn chuyện Ngân hàng cho vay tiền mở chuồng nuôi heo hợp tác.
- Chừng nào có tiền, chú ?
- Ăn tết là có ngay.
Khi tôi và chú Hai bước lên bờ thì không thấy hai đứa nhỏ trong nhà. Tôi hoài nghi, hỏi:
- Hồi nãy vô đây chú có thấy tụi nó ở đâu không ?
- Từ đằng nhà lội tắt lại chỗ bây cuốc đất, tao có đến đây bao giờ.
Tôi hơi lo, cất tiếng kêu:
- Tỷ à !
Nghe thằng Tỷ dạ tuốt ngoài hầm cá vồ.
- Có em ở ngoài đó không ?
- Dạ, em ở trong nhà mà.
Tôi vội chạy kiếm vòng nhà và đổ ra sàn nước. Tại sao nước mương sôi bọt lên như vậy? Có một chiếc dép của con Sang còn bỏ trên cầu. Trời! Cái thau mủ của nó chơi thường ngày đang trôi lình bình dưới mương. Tôi la lên thất thanh:
- Chết rồi, chú Hai ơi ?
Tôi nhảy đại xuống mương trong lúc chiếc nón lá còn đội trên đầu lụp xụp. Bứt phăng quai nón, tôi quăng nó lên bờ. Chú Hai cũng lội xuống. Hai chú cháu tôi quơ một lượt qua lòng mương thì chú Hai vớ ngay được con Sang. Chú ôm nó, bươn bả trèo lên bờ. Tôi cũng vội trèo lên theo. Con Sang của tôi quằn quại trên tay chú Hai. Tôi nhào tới với lấy con:
- Trời! Con tôi...
Tôi bị chú Hai hất bật ra:
- Đừng đỡ đầu nó lên! Bây tránh mặt chỗ khác đi !
Tôi quýnh quá, ngồi bẹp, ngửa mặt thét lên:
- Bớ trời! Bớ người ta! Con tôi...
Nghe tôi la, má Tư từ bên kia phóng đại xuống kinh, lội qua. Vợ chồng Tám Khum cũng từ trong nhà chạy qua. Nhưng mọi người còn lựng bựng chỗ hàng rào sậy chắn ngang. Chú Hai è ạch xốc nước, vuốt bụng con Sang. Chú thét vào Tám Khum:
- Non nước nầy mà mầy còn lựng khựng ở đó hả ?
Tám Khum liền đạp ngã hàng rào, càn bừa qua. Má Tư cũng đến xô ngã một đoạn hàng rào nữa mà tuôn qua. Tám Khum vớ con Sang trên tay chú Hai, anh ta ôm dộng ngược đầu nó chúc xuống, cho chú Hai làm động tác hô hấp. Ai cũng có một công việc để làm. Riêng rôi, bị họ không cho lại gần con. Họ bảo là sợ lúc con vừa tỉnh lại, thấy mặt mẹ, nó xúc động mạnh mà ngất tiếp, khó cứu. Đầu cổ tôi ướt nước thả sập xõa, tóc se từng lọn. Thằng Tỷ đứng xanh máu mặt gần đó, tôi cấu lấy nó:
- Sao vậy Tỷ? Sao mầy bỏ em vậy Tỷ ?
Thằng Tỷ sợ quá, vùng ra, chạy lại đứng trong lòng má Tư, mếu máo:
- Con... con đi ỉa, em ở nhà ra sàn nước...
Tôi nghiến ngầm:
- Rồi mầy chết với tao !
Hai tay tôi nắm cứng và co rút lên như sợ chúng sẽ bị rớt mất đi. Tôi cứ chạy lấn quấn mà không biết mình phải làm gì. Hết kêu người nầy đến hỏi người kia:
- Trời ơi! Má Tư ơi! Trời ơi! Làm sao đây chú Hai? Anh Tám ?...
Má Tư xáp vô vuốt bụng, xốc nước cho con Sang với Tám Khum. Mình mẩy má cũng ướt át loi ngoi như tôi. Tám Khum đứng còng cái lưng gù, rùn cần cổ kẹp lấy chân con Sang, để đầu nó nằm dộng ngược xuống trước bụng anh. Anh bỗng la lớn:
- Nó ọc nước ra được rồi !
Má Tư reo lên:
- Trời! Nãy giờ quên lững. Đứa nào qua bên nhà tao lấy cái mật con rái cùi về dáy lỗ mũi cho nó, bây - Má đứng lên, lưỡng lự - Thôi, để tao đi cho mau.
Không có xuồng đậu dưới bến, má lội đại qua ngang kinh. Chút sau trở lại, má đưa mật con rái cùi cho chú Hai. Mái tóc màu trứng trít của má dính đầy bèo cám. Chú Hai nặn mật rái vô lỗ mũi con Sang và quay qua bảo vợ Tám Khum:
- Bây chạy về nhà nhóm bếp lên, lẹ đi !
Chị ta vội vã, chạy lấp vấp về nhà. Sao bây giờ tôi cảm thấy mỗi người ở đây ai cũng dễ thương quá !
Mọi người đều reo lên lần nữa, vì con Sang đã được dấy mật rái cùi vào mũi nên nhảy mũi mấy cái liền. Nước trong bụng nó trào ra thêm. Tám Khum bòng con Sang vào nhà anh để hơ lửa. Tôi với mọi người cũng vào theo. Bây giờ con Sang đã thở thiêm thiếp. Tám Khum trả nó lại cho tôi. Anh đến ngồi gần chú Hai trên bộ vạc cau. Chú Hai nói:
- Chắc ăn rồi đó.
Nói xong chú lầm lì vấn thuốc hút. Rồi tiếp theo sau chuyện vãn nổi lên, người nầy một câu, người nọ một câu. Tôi cứ ngồi cạnh bếp lửa, ôm con Sang mà hơ. Hơi thở của nó mỗi lúc một đều và mạnh lên.
Tám Khum cũng hút thuốc. Anh búng tàn thuốc rồi chỉ tay qua nhà tôi, nói như thanh minh với chú Hai:
- Ngồi chỗ nầy, con nhỏ té bên sàn nước đó mà không thấy. Hồi nãy mắc cái hàng rào sậy chắn ngang giữa hai nhà bít bùng chớ có trống như vầy đâu.
Nghe anh nói, mỗi người đều nhìn theo tay anh: Cái hàng rào sậy chắn ngang giữa hai nhà, bây giờ đã bị những người chạy tới lui cấp cứu cho con Sang, xô ngã và đạp giập nát hết rồi. Nhưng Tám Khum như chợt nhớ ra điều gì, anh “ờ” một tiếng rồi bước ra sân, đi xăm xăm lại chỗ cái hàng rào sậy đã ngã. Tôi và má Tư ngó theo. Anh khom xuống cầm cây trụ rào đỡ dậy. Má Tư hỏi vọng ra:
- Mầy tính làm cái gì vậy ?
Anh buông cây trụ rào, đứng lên lưỡng lự:
- Định sửa cái rào lại cho chị Năm.
Má Tư nạt lớn:
- Rào với đón cái gì nữa? Dẹp! Dẹp !
Tám Khum đứng gầm mặt, hít thêm một hơi khói thuốc thật dài, anh quăng tàn xuống đất, gật gù cái đầu, lấy ngón chân cái diếc lên tàn thuốc. Tôi nhìn má Tư, tôi nhìn chú Hai Lộ và mọi người, nghe lòng mình xấu hổ đến sượng sùng. Trong người tôi chao đảo, lanh chanh, mặt nóng bừng. Tôi cứ ngồi thừ nhìn ra ngoài trời. Cái hàng rào sậy đã ngã rồi. Ngọn gió chướng thổi rông rông từ hướng đầu khu kinh tế mới Vĩnh Hanh thông suốt đến nhà tôi và nhà Tám Khum. Một lúc lâu, gượng lắm tôi mới kêu Tám Khum, bảo:
- Để đó lát chiều tôi dẹp, anh Tám ơi !
- Đông 1975 -