Tản mạn ngày chủ nhật biểu tình 12-6
Sáng hôm nay, 12-6 tôi đi vào trung tâm thành phố. Tôi muốn tham dự cuộc biểu tình chống Trung Quốc nếu có. Lòng thầm mong sẽ có một cuộc biểu dương nào đó, văn minh và trật tự của một đất nước đã từng được độc lập thống nhất 36 năm qua, chấm dứt một cuộc chống xâm lăng kiên cường, có tính chất thời đại.
Sáng hôm nay trời đẹp, không nắng, không mưa . Tôi thong thả vào ngồi ở quán café Thanh Niên, đầu đường Alexandrod để quan sát và hồi tưởng.
Nơi đây thuộc khu vực trung tâm thành phố, trung tâm về văn hóa xã hội, không phải trung tâm về buôn bán.
Đây là trụ sở của Đoàn TNCS, mang số 1, đầu đường Duy Tân, nay đổi thành đường Phạm Ngọc Thạch. Riêng tôi, tôi thích tên Duy Tân hơn,nó gợi nhớ một trào lưu yêu nước có tính chất bước ngoặc của một giai đoạn lịch sử mang ý nghĩa về sự đổi mới, nhằm để nhắc nhở các thế hệ trẻ luôn luôn hướng về sự đổi mới,không đắm chìm vào hào quang của quá khứ để rồi lạc hậu. Đoạn đường nầy đáng được mang tên DUY TÂN như là biểu tượng của thanh niên thành phố. Bên kia đường là số 4 Duy Tân, một khu vực rộng lớn vốn là nơi tập hợp rộng rãi của thanh niên thành phố, đã từng trải qua nhiều sự kiện, thăng trầ và quyết liệt, từng là trụ sở Tổng Hội thanh niên và sinh viên Sài Gòn, nay mang tên là nhà văn hóa Thanh Niên. Vào những năm cuối đời, cố thủ tướng Võ Văn Kiệt nhiều lần nhắc nhở anh em chúng tôi “cố gắng” đừng để nó trở thành một tòa cao ốc phục vụ cho kinh doanh buôn bán dưới áp lực của đôla hay vàng dỏm16 chữ, vì đó là biểu trưng cho tinh thần bất khuất của thanh niên thành phố, cũng là thanh niên miền Nam trong cuộc chống xâm lăng. Mỗi cuộc tập hợp, đấu tranh và xuống đường tại nơi đây có giá trị và ảnh hưởng lớn, tương đương một trận đánh cấp Tiểu đoàn trở lên…
Phía kia là nhà thờ Đức Bà, cũng là một di tích lịch sử, nó nhắc nhở buổi ban đầu sự hiện diện của nền văn hóa phương Tây. Phía bên phải là một rừng cây, một quãng trường rộng lớn tạm gọi nó là quãng trường Độc Lập, sau là dinh Độc Lập, nay gọi là hội trường Thống Nhất. Tôi thích chữ Độc lập, không vì người nào đặt tên, mà tên ấy là của dân tộc, khái niệm ấy phải được trường tồn. Thống nhất, mang ý nghĩa dù lớn lao cũng chỉ của một giai đoạn. Ngày trước khu vực này không xa mấy với tòa Đại Sứ Mỹ, nay tọa lạc gần hơn là tòa Lãnh sự quán Trung Quốc.
Khu vực này có sứ mạng lịch sử của nó.
Đến 9 giờ, người tụ tập về đây bắt đầu đông dần, gồm nhiều thành phần: Thanh niên nam nữ, một số trung niên, lai rai cũng có những cụ già.
Tôi thấy lực lượng an ninh đang chuyển động dưới hai sắc phục màu vàng và màu xanh. Các anh khá đông. Những rào chắn bắt đầu kéo ra bịt các ngã đường. Xe hơi bị buộc quay lại, xe 2 bánh còn chạy được nhưng không được dừng. Sau đó thì ngã này bị bịt hẳn. Trước quán café Thanh niên có sự lao xao. Các “sắc phục” bốc hàng loạt xe gắn máy của khách lên xe hơichạy đi. Họ nói là dọn dẹp lòng lề đường thực chất phá sự tụ tập. Những nhân viên an ninh ngồi trong quán(mặc thường phục) cũng tản ra làm nhiệm vụ. Bên kia, hướng Plaza Diamond, một nhóm thanh niên nam nữ gom tụ khá đông, hình như họ bắt đầu chộn rộn và hô khẩu hiệu.. Hoàng Sa! Trường Sa! Việt Nam! Họ đã hình thành được đội ngũ và bắt đầu kéo đi. Đi bên lề tòa nhà Plaza ra hướng vòng xoay, rồi đoàn người chuyển sang phải, hướng về dinh Độc Lập. Ngày càng đông. Tiếng hô đều nhịp. Một người xướng cao: Hoàng Sa! Số đông đáp lại: Việt Nam! Tiếng xướng: Trường Sa! Đáp lại: Việt Nam! Việt Nam! Tôi thầm nghĩ tất cả họ đều chưa hề đặt chân lên các đảo mà họ gọi là Tổ quốc mình. Nó đã bị Trung Quốc chiếm từ khi họ vừa sinh ra đời. Có thể họ chỉ thấy trên bản đồ, hoặc bởi người thân và bạn bè cùng trang lứa là những anh bộ đội biên phòng đang canh giữ ở những đảo còn lại(chưa bị Trung Quốc chiếm). Họ cũng có thể hiểu cảnh ngư dân VN bị bọn Trung Quốc trấn lột như thế nào giữa biển khơi sóng gió. Tôi có cảm xúc như máu thịt xương da của họ đã nối mạch liền với hải đảo.
Đoàn người tiếp tục tiến về hướng dinh Độc Lập. Không thể qua đường vì bị ngăn chặn, lại quanh qua đường Hàn Thuyên, quẹo sang hướng nhà thờ Đức Bà, men theo Nguyễn Du, qua Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quay lại quãng trường Độc Lập. Vừa đi vừa hát: “Như có Bác Hồ trong ngày…”, Dậy mà đi,dậy mà đi, đồng bào ơi! Đây là những bài hát quen thuộc mà họ đã hát từ khi mới lớn, khi các đàn anh đàn chị đã truyền cho họ ngọn lửa yêu nước chống ngoại xâm. Thỉnh thoảng có khẩu hiệu phản đối Trung Quốc xâm lược. Có một giọng nữ cất lên từ trong nhóm đi đầu: “Đừng giẫm lên cỏ, các anh chị ơi!” Đoàn người cũng rất chịu khó bước vòng vèo để tránh giẫm lên bãi cỏ non. Bãi cỏ non mà các anh chị còn trân quý huống chi là những cù lao hải đảo!
Đó là thái độ văn minh và hiểu biết.
Trộn lẫn trong dòng người có sắc phục xanh, vàng. Nhưng có một loại người mặc thường phục. Họ có một phong cách khác và một khí sắc rất dễ phân biệt. Bổng dưng hàng ngũ lao xao, nhìn qua tôi thấy ba người mặc thường phục nhào vô lôi một thanh niên ra, một số người lao vào giành lại, trong đó có anh giáo sư đang đi cạnh tôi. Anh ấy cũng lanh thật! Sau vài phút giằng xé, thanh niên ấy thoát được, nhập lại vào đoàn người…Đoàn người đi về hướng bùng binh phía sau nhà thờ Đức Bà. Họ định băng qua đường Lê Duẫn nhưng không được. Đoàn người khựng lại. Họ hô: lập lại hàng cho trật tự và ngay ngắn! Lúc này là ở giữa khu trống bùng binh. Xe cảnh sát rất thuận tiện thao tác. Nhiều xe cảnh sát bổng dưng chạy vòng vèo,nhặng cã lên. Nhiều nhóm người bỗng dưng nhốn nháo, bầu không khí xao động. Có đến ba bốn nơi túm tụm và giằng xé,hổn loạn. Trước mặt tôi một người nữ, không biết trẻ già bị ba thường phục lôi ra, những người kia giành lại nhưng không được, khí thế của “thường phục” rất hung hãn, nhanh nhẹn và có nghề, họ cuốn người nữ đó lên xe cảnh sát, một người khác nhảy lên, ngồi ém chặt phía sau, xe lao đi. Chỉ trong năm phút, có khoảng năm vụ chớp nhoáng xảy ra. Tôi bấm máy không kịp, di động của tôi thuộc loại thường(cỡ ba triệu). Lúc đó khoảng 10 giờ 30. Tôi không thể biết những người bị bắt ấy là ai? Có thể nay mai, họ mang tên Trần, Nguyễn, Lê Thị… “Móc túi”, hay là phần tử do “bọn xấu” cài vào. Thật là nguy hiểm! Tôi chỉ thấy họ là người tham giatích cực trong hàng biểu tình phản đối Trung Quốc chiếm đảo, chặt cáp, trấn lột ngư dân…
Tôi có cảm giác bần thần, không còn hứng thú. Mục tiêu biểu dương tinh thần bảo vệ tổ quốc trở nên lợn cợn nhiều chiều. Cảnh tượng này tôi đã trải qua, liên tưởng và lẫn lộn, cảm giác về bọn “mật vụ”, “công an chìm” ngày xưa. Nhưng không phải! Họ là đội hình giữ trật tự, có lẽ là đội SBC(săn bắt cướp) mà dân chúng rất ngưỡng mộ? Tôi thầm mong, nếu là đội SBC thì cố gắng đừng nhầm lẫn đối tượng, họ không phải là tập hợp của đoàn người móc túi,họ là những thanh niên yêu nước, họ không thể hiểu thế nào là “phương pháp”, “ chiến lược chiến thuật” của các nhà chính trị.Có ai nói với họ đâu ! Chỉ có sự im lìm và nhịn nhục. Họ là thanh niên, cái khí thế của họ cần được nuôi dưỡng, cần được ủng hộ. Một khi xung trận thực sự họ sẽ là những kẻ đứng dưới cờ. Ngọn cờ chống ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc.!
Khi chúng tôi đi ra khỏi chảo lửa lúc này đã nguội, phía xa kia còn một nhóm. Tôi cùng ba ông giáo sư của một trường Đại học tìm quán uống café. Chẳng phải uống, mà chỉ lạm bàn về “thế trận” đương đầu với ngoại xâm của nhà nước ta hiện nay. không biết rằng ngay lúc đó, nhóm còn lại đang bị tiếp tục xâu xé, sau đó là màn xịt nước.12g trưa hiện trường hoan vắng.
Bao giờ thì chúng ta mới có những cuộc tuần hành trang nghiêm, lịch sự, văn minh, hiền như thế kia mà cũng được đối xử tương xứng? Ngày xưa chúng tôi bị bắt nóng(như vừa rồi), bắt nguội, bắt lẻ, bắt tình cờ lúc đi đường,vì tội ăn cướp,móc túi hoặc vì không mang theo thẻ căn cước(CMND), hoặc bị bắt tại nhà về đêm, hoặc theo dõi, canh giữ trước cửa nhà, hoặc bị quậy phá điện thoại vào nửa khuya…
Chúng tôi tự hỏi mình có giống thứ như lời “Mao chủ tịch”nói: bọn trí thức chỉ để bón phân, cũng không phải là loại phân tốt…
Khi ra về, trong tôi vang vọng tiếng cô gái :ĐỪNG GIẪM LÊN CỎ CÁC ANH CHỊ ƠI !
Thật lạ lùng, bắt để làm gì vậy?
Hình như Trung Quốc có cảnh cáo trên truyền thông, phải dẹp bọn biểu tình bài Trung Quốc! Lần này, lực lượng an ninh Thành phố Hồ Chí Minh “tích cực” hơn ở Hà Nội? Thành phố này đông dân hơn nên dễ bị “bọn xấu lợi dụng”. Có lẽ thế?
CL