Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.176
123.222.916
 
U 60
Tiêu Đình

Buổi chiều. Một buổi chiều gợi buồn nhớ như bao buổi chiều gợi buồn nhớ mông lung. Nắng quê mỏng mảnh nhuộm vàng ngọn đồi sau lưng và cánh đồng trước mặt. Ba gã đàn ông đều ở tuổi U 60, tuổi sắp hưu, tình cờ gặp nhau tại chính nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Là tình cờ. Vì mỗi người đều có nghề nghiệp riêng, nhà riêng dưới phố. Thi thoảng vào dịp giỗ chạp hay sướng lên vì một pha làm ăn phất đậm họ cũng về quê. Về rồi đi. Vui chơi để nhớ rồi quên, quên rồi nhớ. Giống như người nổi ăn chay bất chợt một bữa, rồi lại ăn mặn.

 

Lần này, cả ba, tạm gọi là U1, U2 và U3, đều có việc phải ở lại quê lâu hơn. Người lo mồ mả ông bà, người tính chuyện “lót ổ” cho tuổi nghỉ hưu, người thì thật sự muốn xả hết stress sau những ngày căng thẳng công việc cơ quan. Họ đã ngồi với nhau tại khoảnh sân gạch rêu phong nhà U1, nơi mà hồi tiểu học họ thường tụ họp để bàn chuyện hái trộm trái cây nhà người ta. Vẫn còn đó cái trang không biết thờ ai mà vắng lạnh khói hương, tựa vào cây xoài lâu năm để tồn tại. Còn đó lối mòn rẽ sang nhà hàng xóm cỏ lan phủ dấu chân và tiếng con chim chìa vôi như thách thức với thời gian.

 

Đúng hơn đây là khu nhà vườn đã được trí phần hương hỏa cho con cháu tộc Lê. Trí phần từ đời nào thì không rõ. Chỉ biết cứ mỗi đời con cháu trôi qua, ngôi nhà lại bị mất đi một chút và được thêm vào một chút. Một chút, một chút…, lâu ngày nó thành dấu ấn của một tác phẩm nghệ thuật tổng hợp, gợi mở nhiều tư duy rộng hẹp, cổ kim đan chéo. Mới nhìn, có vẻ hơi buồn cười. Nhìn lâu lại thấy hay hay. Ví như chi tiết nhà bốn mái kiểu xưa được vá víu bằng ngói xi-măng của công ty gạch ngói Tân Tiến, nền lát gạch nung đất sét được thay bằng gạch ngoại Đài Loan. Như cái sân chỗ gạch, chỗ cỏ, chỗ chèn viên đá chẻ được đưa về tuốt từ trên rừng ông Phi.

- Nhìn bên ngoài thì có vẻ bề thế đấy, nhưng thực ra bên trong đã hư nát lắm rồi. Hơn năm mươi năm chứ đâu phải ít - U1 nỗi niềm nhìn ngôi nhà.

- Rứa chớ nợ không ra nợ, duyên chẳng thành duyên, dễ chi dứt bỏ được. Khổ! Thà chiến tranh đốt cháy sạch, như nhà ông Lự, bà Huê - U2 tỏ ra thông cảm với hoàn cảnh của U1.

- Bây giờ phá đi làm mới lại thì không khó, nhưng nhà là nhà của cha mẹ để lại. Hơn nữa làm ra ai ở, phí lắm. Chẳng qua là giữ đó cho có kỷ niệm với ông bà. Việc thờ cúng tui cũng đã nghinh bàn thờ xuống phố rồi.

 

Thím Hai là phụ nữ tứ cố vô thân trong tộc được giao quản lý giùm cơ ngơi cho U1. Phải nói là thím can đảm lắm mới nhận công việc nầy. Trước thím cũng đã có vài người nhận rồi thả việc. Bởi, mỗi tháng hình như chỉ được trả thù lao trên dưới vài trăm nghìn chi đó, nhưng riêng việc quét dọn giẫy cỏ đã khờ người, nhất là vào các dịp giỗ chạp hằng năm. Vườn rộng, nhà hoang mà chỉ mỗi một thân thím vào ra vò võ đêm ngày. Có lần nổi khùng, Thím hét chẳng kể dưới trên: “Cứ tưởng đồng tiền bỏ ra quý lắm. Hốt cứt chó, cứt trâu mà không có người cũng chịu!”. Là nói vậy, chứ rồi Thím vẫn quét dọn bàn thờ, thắp hương vào các ngày rằm, mồng một cho cha mẹ không phải là của mình. Những dịp tiệc tùng giỗ quảy, người dưới phố đổ về, người trong xóm dồn sang, ào ào như ong vỡ tổ rồi biến sạch như thất thường cơn bão lũ đến đi. Sau đó, thím Hai vẫn lặng lẽ một mình dọn rửa chén dĩa, lau nhà, hốt tàn thuốc…. Có khi việc kéo dài cả ngày hôm sau, làm thím phải mất một buổi bán rau muống ngoài chợ xã.

- Rứa là chừ anh đã nhứt quyết về lại đây?

- Về, tui nghĩ kỹ rồi, phải về- U1 tỏ vẻ dứt khoát- Nhà dưới phố để cho con cháu, lâu lâu xuống thăm chơi. Ông bà mình đã có câu “lá rụng về cội”. Về đây kiếm mấy tấc đất bên cạnh ông bà cho xong chuyện. Đời người ai không qua cửa ải đó. Anh nghĩ coi, tuổi trẻ gửi hết vô núi rừng và súng đạn, không biết con diều, con dế… là gì. Hòa bình về, vắt giò lên cổ chạy theo công việc mà lực vẫn bất tòng tâm. Càng ngày tui càng thấy mỏi mệt với áp lực công việc. Thời đại công nghệ, ba cái chữ bổ túc khi được khi mất không chạy theo kịp với lớp trẻ đâu. Nên chi cũng làm cầm chừng vậy thôi, để trông chờ đủ tuổi hưu là rủ sạch nợ trần cho khỏe thân.

- Hoàn cảnh của tui khác anh -U2 có vẻ đăm chiêu- Tui có đường đi mà không có đường về. Hay vậy hồi xưa đừng bán ngôi nhà cha mẹ để lại. Bán như cho chứ được mấy đồng đâu mà để mất quê, mất đường lui. Chừ, tui giống như  người bị vô thế rồi, mỗi lần về quê phải ngủ nhờ nhà người thân nghe xót lòng lắm.

Trải lòng xong, thấy U2 buồn rười rượi. Vô thế? Phải rồi! Nên chi dù muốn dù không ông cũng phải tiến lên. Không tiến ắt là lùi, là đồng nghĩa với khô héo. Mỗi chặng đời người đều có một mục tiêu riêng. Mục tiêu của ông lúc này không phải để lo công việc mà tranh thủ chạy chọt, vun vén cho con cháu. Trên chục đứa đã lo xong, vẫn còn dưới chục đứa phải lo tiếp, rồi mới có thể gọi là hạ cánh an toàn được. Cuộc sống còn lại của ông đã ký gửi vào đó rồi. Đời chúng nó mà chông chênh thì đời ông cũng chông chênh theo. Tiếc là cái tâm của ông chưa đủ tịnh lặng như cái tâm của U1. Có lẽ là do ông đã bị hút xoáy quá nhiều vào cuộc đua nước rút của một đời người, như con ngựa già đường trường, muốn dừng nghỉ mà chủ cứ quơ quất cây roi sau đuôi.

-Như vậy anh còn than thở chi nữa - U3 nhấp chút chè xanh mà thím Hai vừa bưng lên, nhìn chăm chắm vào U2 - Tui đây mới khổ nè, một cảnh mà đến ba bốn quê. Bỏ thì thương mà vương thì nợ….

 

U3 đã thật lòng. Gốc quê, làm việc ở tỉnh A, sau lại làm cán bộ tăng cường cho tỉnh B. Nên chi ở A, ở B ông đều có nhà riêng. Nhà không người ở, chỉ thỉnh thoảng mở cửa quét dọn, rồi lại đóng cửa. Lâu lâu mới có dịp gặp gỡ bạn bè để thay đổi không khí. U3 lập luận, hưu trí xong tôi mới tính được cái nào để, cái nào bán. Ở quê, ông cũng còn căn nhà thờ tộc to chình ình vừa được trùng tu. Ngày tu tảo phần mộ ông bà, hay xuân thu nhị kỳ tế lễ, ông lại phải chạy về. Không về là không được. Tộc to họ lớn từ hồi mô đến chừ rồi. Ông trưởng tộc không chửi khéo thì cũng bị bà con cười vào mặt. Tiếng là cán bộ tỉnh mà kiết, mà làm phách, không biết gia tộc, không biết nguồn cội. V.v….

- Nên chi tui không tính toán trước được như các anh -U3 nói tiếp- Cứ mặc cuộc sống đẩy đưa đến đâu hay biết đến đó. Công việc thì hò hét với thiên hạ cho vui thôi, được mức nào cũng tốt, ai trách chi ông già thương binh này. Khổ suốt rồi, chừ chủ yếu là sống bù trừ cho sướng đời.

 

Sướng đời? Hai chữ này đã từng làm U1 đau đầu nhiều lắm. Thế nào là sướng đời? Những ngày đầu hòa bình, từ trên núi xuống, đứa nào đứa đó ốm teo, ăn không đủ no, mặc không đủ ấm, làm việc không biết ngày giờ hành chánh là gì. Mà vui. Thật sự vui. Xong việc, tối về ngủ phè, không phải lo chạy vạy cửa trước cửa sau, lo đối phó với phe này, tranh thủ mua chuộc phe kia. Còn chừ, chừ thì máy lạnh, cơ ngơi, giờ giấc bề thế và quy củ hơn nhiều. Mà sao cứ nghe mỏi mệt, mỏi mệt đến rã rời. Cuộc sống y như trò chơi mô-tô bay. Đã ngồi lên ghế bay là đồng nghĩa với gửi thân cho người bấm nút. Bắt đầu, dừng lại lúc nào không tự mình định đoạt. Cứ cái cảm giác say say choáng choáng ấy mà sống, mà đối phó, cho đến khi thấy thích hoặc sợ. Rồi thích hoặc sợ đều chán phèo, lại thấy thèm vô cùng cái ngày xửa ngày xưa tương cà mắm muối mà vui.

-Nhưng biết đâu là sướng với khổ, anh. Hồi mới xuống núi, thèm ăn không có mà ăn. Thịt heo tem phiếu mua cục mỡ về chấy lấy nước mỡ để dành chiên xào chừng chừng. Gạo quá hạn sử dụng đem nấu cơm vừa hôi mùi bao mốc, vừa thâm đen, khô rời nghe chẳng còn mùi vị gì cả. Vậy mà vẫn cứ ăn, cứ thấy ngon. Lại không đủ ăn no nữa chớ. Còn mặc thì kiếm được bộ đồ vải Ka-ki bộ đội đã mừng lắm rồi. Thêm đôi dép su, đi rừng, họp hội, đình đám gì nó cũng đứng mũi chịu sào tất. Vải tem phiếu phải xin góp của người nầy người kia mới mua được cái quần sơ-vi-ốt co xoăn, rột rột y như mặc lá khô. Đàn bà kiếm được mấy mét vải sa-tanh là mang đi bán lại để lấy tiền mua dầu, mắm…về cho cả nhà. Giàu có như ông An xóm mình, có được chiếc xe Dame mà không có xăng nên đành đắp mền để cho chuột cắn đứt hết dây điện. Vậy mà tôi có nghe ai than khổ đâu.

-Đúng rồi- U2 tiếp lời U1- nhắc lại thời đó nghe ớn quá. Không ngờ hồi đó  mình chịu đựng giỏi thiệt….

-Không, không phải tui sợ cái khổ thời ấy. Nói là để so sánh với bây giờ, giờ mình đi ô-tô, tiệc tùng, chiêu đãi thừa mứa, vải vóc, quần áo, quà cáp phải đem cho bớt. Muốn có em út tươi mát thì chỉ cần bấm di động là có ngay. Vậy mà vẫn cứ thấy cuộc sống không yên, cái tâm không ổn. Con người sống lúc nào cũng như bị cuốn vào một vòng xoay chóng mặt: toan tính, đối phó, tranh thủ… Sướng chi rứa mà gọi là sướng được hả anh?

-Tui lại nghĩ khác hai anh - U3 chen vào. Trên đời nầy sướng khổ rõ ràng lắm. Và sướng khổ tùy thuộc vào thời điểm, hoàn cảnh nhất định của mỗi đời người chứ không phải ai muốn sướng lúc mô cũng được. Hồi chiến tranh mình đã khổ cực nhiều quá rồi. Nên chừ phải tranh thủ tối đa thời cơ để bù trừ những gì đã mất. Ông bà mình đã nói nôm na là “cờ đến tay phải phất” ấy mà. Không phất thì uổng cho mình, uổng cho cờ. Và uổng cho gió. Ví như khi còn đương chức thì phải tận hưởng những gì đang có được. Hưu rồi chẳng ai thèm ngó ngàng đến mình đâu. Đời nó chó má là vậy. Lúc ấy mà mình có được săm soe cũng chỉ vì người ta muốn tránh tiếng đời, muốn đánh bóng ta đây là người ăn quả biết nhớ kẻ trồng cây.

 

*

“Hưu rồi chẳng ai thèm ngó ngàng đến mình đâu. Đời nó chó má là vậy”. Gần trắng đêm, U1 không ngủ được chẳng phải vì lạ nhà lạ cửa mà vì câu nói đó của U3. Nhiều lần ông cũng nghĩ vậy. Chẳng phải bạn ông, thằng Kiên làm ở ủy ban huyện X, cũng đã từng nói ghét cay ghét đắng những người đã nghỉ hưu mà còn xía quá nhiều vào việc chung đó sao. Nó còn phân tích, mấy cha cứ lấy cái bóng của mình đè mãi lên lớp trẻ thì làm ăn chi nổi. Phải chi mấy cha biết thân biết phận mà ngồi yên đó cho mình, đừng có phá phách quá. Đằng nầy, hết đi gõ cửa trước lại thấy lạch cạch sang gõ cửa sau. Toàn chuyện góp ý, gởi gắm cháu con đâu đâu. Mệt óc lắm cũng phải xâm mình đón tiếp. Biết làm sao! Kỷ cương phép nước mà cứ để hở được chỗ nầy thì trước sau gì cũng phải hở tiếp chỗ kia. Loạn mất! Cho nên cũng dạ dạ thưa thưa cho phải đạo làm người chứ mấy ai nghe theo đâu. Theo hết mấy ổng có mà bỏ tổ quốc ….

Có phải đời chó má hay tự mình làm cho đời trở nên chó má? U1 trăn trở. Đúng là cũng có lúc chính ông đã tự hại mình, tự bêu riếu mình để cuộc đời phải ngoảnh mặt quay lưng. Đó là lúc cả nể người nầy người kia, lúc khúm núm trước quyền lực, lúc “ăn xôi chùa nghẹn họng”, lúc lợi dụng bóng cả của cây cao, hay lúc mua đường vắng cho cái om gạo cả nhà. Lặp lại nhiều lần như thế, ông đã tự đánh mất chính ông và trở thành thằng hèn lúc nào chẳng biết. Khổ nỗi, đã thế mà vẫn chễm chệ sống như mình là cán bộ cấp tỉnh bước ra từ trong chiến tranh với cái nguyên sơ chất người mang theo cùng hương rừng hoa núi. Chỉ ông mới hiểu ông có lúc đã tha hóa và trượt dài trên chông chênh ranh giới làm người. Dễ gì người khác rõ được cái phiên bản lệch ấy. Nhiều người vẫn nghĩ về ông như hạt gạo quý còn lại trên sàng của một gia tộc bề thế, làng xóm vẫn xem ông như phước đức may mắn còn lại của một vùng cát chín mất một còn. “Phải chi làng mình còn lại dăm ba người như ông U1 thì đỡ cho dân biết mấy”.

Nhưng ông không thể là U3. Ông ghét cay ghét đắng cách sống của U3. Hồi còn học chung trường tiểu học sao thấy U3 hiền hậu mà bây giờ lại ma mảnh đến thế. Chiều nay, nếu không có mấy cú điện thoại réo giục chẳng biết rồi cuộc tranh luận giữa “tam U” sẽ đi về đâu. Dễ chừng ông sẽ đứng dậy đá bay chiếc ghế và hắt vào cái mặt nung núc thịt của hắn ta bát nước chè xanh còn nóng. Triết lý tranh thủ tận hưởng lạc thú từ quyền uy và phú quý cuối đời mà nó đang đeo đuổi sao nghe giống cái mùi tử thi bị vắt lâu ngày trên hàng rào kẽm gai.

 

U1 cầm máy di động. Ông định bấm gọi U2. Phải gọi để nói một cái gì đó mặc dầu chưa biết là cái gì. Mới có thể ngủ yên được. Nhưng mà có nên không? Đã khuya lắm rồi, tiếng dế đêm miền quê nghe rõ từ xa xa. Và hình như có tiếng suối, hệt tiếng suối trong tâm thức một thời. Ông lại thấy nhớ năm tháng ở rừng, những năm tháng gác trăng lên súng đạn với cuộc sống đơn giản mà đằm sâu: quyết sống chết với quân thù và hết mình vì đồng đội . Những toan tính cá nhân vắng mặt hoặc có mặt quá nhỏ bé ở đó. Con người sống lệch hẳn về phía cái chung thuần khiết. Không giống với bây giờ….

 Liệu U2 có chia sẻ được với ông điều gì lúc nầy? Hay chuyện xưa chỉ thoáng nhớ thoáng quên? Còn đang suy tính nên hay không nên thì điện thoại của U1 sáng lên số của U2. Ông giật mình, a lô, anh còn thức đó hả? Ngủ ngáy chi nổi mà không thức. Tôi cứ nghĩ mãi câu nói của U3 chiều nay, anh U1 ạ: “Hưu rồi chẳng ai thèm ngó ngàng đến mình đâu”. Hắn đúng anh ơi. Hình như cả đời mình cứ bận rộn vì những chuyện đâu đâu. Không phải là của chính mình, cho chính mình. Rốt cuộc, mình không thể sướng được là vậy. Nằm đây mà anh biết không, tôi cứ nghĩ về đứa cháu ngoại sắp ra trường. Tìm chỗ nào để gửi chân cho nó đây. Bây giờ xin việc khó quá. Mình còn đương chức may ra người ta còn nể mặt….

 

U1 không nghĩ là mình đang cầm chiếc di động trên tay. A lô, đang nghe tôi đấy chứ, anh U1? Khổ nỗi, hết đứa nầy lại đến đứa kia. Muốn dứt ra đâu dễ. Bà con thấy mình sống có nghĩa có tình lại cứ bu vào nhờ. Không giúp không được. Ông bà mình đã nói rồi: “Một người làm quan cả họ được nhờ”. Còn như lao mãi vào đó thì sợ đồng nghiệp sẽ nghĩ sai về mình. Chưa chi mà cái thằng lính của tôi giờ sang làm bên sở Nội vụ đã nói: “Sợ nhất là nghe điện thoại của sếp U2. Không nhờ đỡ thì cũng là khuyên ngăn trách móc”. Nghe mà buồn cho lớp trẻ bây giờ. Và buồn cho mình. Mới biết không dễ gì sống cho chính mình được đâu, anh U1 ạ. Ông bạn U3 của ta rứa mà can đảm đấy….

 

Không để người bạn già nghĩ là mình đang ngủ gật với chiếc di động sắp cháy nhão trên tay. Hình như U2 muốn xả cho hết cô đơn. U1 hùa theo nghe vô thưởng vô phạt: “Anh trách chi tuổi trẻ, đến độ ngấm nào đó về cuộc đời chúng sẽ hiểu ra thôi. Mỗi người đều có những canh bạc riêng cho đời mình. Cùng là những canh bạc cuối đời như tôi, như anh, như U3 mà chẳng ai giống ai. Làm sao lớp trẻ có thể hiểu được rằng tuổi anh, tuổi tôi bây giờ có quá nhiều mối quan hệ. Mà mối quan hệ nào cũng cần, cũng quan trọng…”. Nói một chặp, U1 không biết mình vừa nói những gì. Lại lòng vòng. Lại mâu thuẫn. Nhiều lần ông đã tự nhắc mình phải tinh giản bớt các mối quan hệ cho phù hợp với tuổi tác. Để sống cho ra sống, để giữ mình còn  được như chính mình. Vậy mà sao bây giờ lại thế nầy?

 

U1 lặn vào đêm, lặn vào tuổi, lặn vào đời mình từ những ray rức, trăn trở.... Chợp mắt, ông mơ thấy khuôn mặt vợ con lúc nghiêm trang, lúc xộc xệch: “Đời quan chức của ông mà được như người ta thì con cháu nhờ đỡ biết mấy”. Không giữ nổi bình tĩnh, ông hét to: “Bà không giúp được gì cho tui thì ít ra cũng phải để cho tui yên, tui sống cho ra sống. Còn bao lăm hơi nữa đâu mà bắt phải làm diễn viên mãi!” Sở dĩ ông lớn tiếng hơi quá đáng với vợ như thế vì ông bỗng nhớ lời thím Hai kể chuyện quê: “Ông Huy xóm mình làm công an trên huyện không biết có gây oán thù chi với ai không. Mà nghỉ hưu về xóm chẳng có đứa nào nhậu chịu gọi ổng như hồi xưa. Chúng ăn nói vô tâm với nhau trong quán bà Tư, rằng thằng đó mà, để hắn cô đơn cho kinh. Thế là ổng quay sang chơi với mấy đứa cô hồn trong xóm. Một bữa say bí tỉ, thấy chúng bỏ ông Huy trên xe bò chở về. Dân chạy theo xem như xem xiếc”.     

 

Hình như tay U1 vừa vớ vào một khoảng không nào đó, hẫng hụt. Thức giấc, ông thấy trời đã sáng, bắt đầu từ ngoài cánh đồng hẹp đến khu vườn nhiều cây trái và cỏ dại. Nắng đẹp thật, vàng tươi và trong veo. Hai mắt cay xè, ông cố nhớ mà không nhớ nỗi những gì đã xảy với ông trong đêm qua. Rồi ông bấm di động gọi U2, U3. Hai ông này đang trên đường xuôi xe về phố cả rồi. Những va động đường trường tạt vào máy, âm thanh hỗn độn khiến cuộc nói chuyện không thể thực hiện được.

 

U1 ngược theo con suối. Suối buổi sáng chưa pha tạp hỗn chất của ngày. Ông định đi cho đến khi không thể đi thêm được nữa thì dừng lại. Như món lễ vật xin được làm quen với người bạn đời thủy chung. Vút bay gần 60 năm bây giờ ông lại có mặt nơi đây, nơi khởi đầu cuộc đời. Thật không thể nghĩ trước được cái sự vòng vèo ấy. 60 năm với biết bao được mất, thiện ác, xấu tốt…chất đầy măm mắp. Chỉ có suối là vẫn như xưa, vẫn hướng lở bồi tây-đông. Và ríu ra ríu rít xanh trong. Ông chụm hai bàn tay vục nước rửa mặt. Mát của nước và mát của khí trời bình minh miền quê thấm vào tim phổi khiến ông muốn tức thời làm một cái gì đó. Vung múa tay chân, nhảy cỡn lên như hồi còn trẻ, hay hét vang trời chẳng hạn. Vừa lúc đó, cú điện thoại đầu tiên trong ngày gọi đến: “A lô, quên anh em rồi hả? Hay đã cưới vợ nhỏ trên đó rồi? Lo mà về đi, cái vụ “nội thất” đang chờ anh…”.

 

“Vụ nội thất” là việc trang trí nội thất cho cơ quan mới của U1 đang được nửa đường thi công. Gọi đó là công tác cũng được mà “tư tác” vẫn được. Đã có hơn năm công ty khác nhau gọi điện cho ông, xin gặp trực tiếp để tư vấn thiết kế mỹ thuật và nhận đầu tư. Có công ty lạ hoắc được giới thiệu qua điện thoại của sếp trên, có công ty bố trí tiếp thị qua một cuộc nhậu. Đời ông tính không hết những cuộc gọi, cuộc nhậu có ý đồ như vậy. Nghỉ phép ở quê chuyến nầy, U1 có ý muốn xả hết ra khỏi đầu óc những cuộc gọi rối rắm kiểu này. Nhưng mà không được. “Chưa, mình chưa thể xuống lại đâu. Phải tính cho xong chuyện tu sửa nhà cửa đã. Vả lại,  chỉ mới nửa thời gian nghỉ phép mà. Mọi chuyện cứ gác lại đó đi…”

 

U1 tắt di động và ngồi xuống trên một tảng đá bên bờ suối. Cổ thư tổng kết đến “ngũ thập nhi tri thiên mệnh” là hết. Còn lục thập thế nào thì chẳng nghe nói đến. Không biết “tri thiên mệnh” là đủ rồi, là chết cũng được, hay vì ở độ tuổi lục thập có quá nhiều thứ linh tinh không tài nào, không quy chuẩn nào khái quát nổi? Và đến tuổi này con người hay sinh chướng, khôn không ra khôn, dại cũng chẳng ra dại, như người xưa từng nói “già ra con nít”? Ý nghĩ bắt đầu của một ngày mới được U1 trải ra rừng, ra suối. Trôi đi, và không biết sẽ về đâu. Rồi cũng không biết từ bàn tay hay khối óc, chiếc máy di động được ném xuống con suối, chìm nghỉm./.

Tiêu Đình
Số lần đọc: 1492
Ngày đăng: 25.06.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Ký Ức Làm Báo - 3 - Đỗ Ngọc Thạch
Cây Thằn Lằn Lá Xanh - Nie Thanh Mai
Nắng Quái - Lê Văn Thiện
Người Đi Tìm Thuốc Trường Sanh - Tiêu Đình
Truyện Cũ - Hà Thúc Sinh
Kẻ sát nhân - Lưu Thuỷ Hương
Tình Yêu Không Đơn Giản - Mang Viên Long
Trở Về Lưng Chừng Núi - Nie Thanh Mai
Ngoài Tầm Bão Xoáy - Tiêu Đình
Những sợi tóc măng - Nam Dao
Cùng một tác giả
Ngoài Tầm Bão Xoáy (truyện ngắn)
U 60 (truyện ngắn)
Freud Lắc Đầu (truyện ngắn)
Hương Dủ Dẻ (truyện ngắn)
Sóng Xao Bến Rì (truyện ngắn)
Riêng Trong Riêng (truyện ngắn)
Giả Vờ Yêu Nhau (truyện ngắn)
Đền Bà Ru Con (truyện ngắn)
Xóm núi (truyện ngắn)