Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.147
123.225.875
 
James Dean: đại biểu của thế hệ lạc lõng
Sâm Thương

Trong số những nam ngôi sao điện ảnh thế giới trải dài trong ký ức tôi như Marlon Brando Lawrence Olivier, Clark Gable, Spencer Tracy, và Montgomery Clift v.v... Thì James Dean có một chỗ đứng cá biệt, khó có thể quên được. Sự xuất hiện của James Dean trên màn ảnh cũng thật lạ lùng, bí ẩn như chính cuộc đời của anh. Anh giống như một con thú lạc lõng, xa bầy luôn sống trong tâm trạng hốt hoảng và cô đơn. Có lẽ do vậy anh đã làm say mê những thế hệ sau chiến tranh.

 

 

James Dean, tên thật là James Byron Dean sinh ngày 8.2.1931 vào lúc 2 giờ sáng tại Marian, Nebraska, Hoa Kỳ.

 

Gần hai năm trước đó, Winston Dean, một nha công hiền lành theo đạo Quaker, con gái một trại chủ, dáng người mảnh dẻ. Họ yêu nhau và kết thúc cuộc tình bằng một lễ cưới đơn giản.

 

Cuộc sống chung của họ cũng giản dị không kém, họ không muốn ai quấy rầy cuộc sống hạnh phúc riêng của họ - họ không có người giúp việc nhà. Tình thương yêu giữa mẹ và con, đậm đà và thắm thiết, tưởng chừng không bao giờ phai nhạt. Người mẹ đã quyết định tất cả cuộc đời James, trước tiên về cái họ thứ hai mà James nhận như dấu hiệu của định mệnh: Byron, nhà thơ nổi loạn, đối kháng với Thượng đế.

 

Đứa trẻ có tất cả những thứ đồ chơi mà nó ưa thích. Những món đồ chơi mà James thích thú nhất la Cuốn sổ ghi những điều ước nguyện. Mỗi cuối tháng, James mang học bạ với thành tích học tập tốt về trình với mẹ, đồng thời tháo một tờ giấy trong cuốn sổ, ghi vào đó một điều ước, đoạn cậu gấp nó làm tư, nhét xuống dưới gối rồi ngủ. Thế là Mildred, mẹ cậu rón rén bước vào phòng, lấy tờ giấy ra coi, và hôm sau mua về cho con trai món quà mà nó đã viết vào cuốn sổ ước nguyện.

 

Trong hai năm, chỉ có một điều ước không thỏa mãn được, đồ chơi của James là toàn bộ cơ xưởng của Công ty Dầu hỏa Philip ở Oklahoma, với kích thước thu nhỏ, nhưng càng lớn càng tốt. Cái mơ ước vẫn nằm trong tiềm thức, sau này James đóng vai người tiên phong trong công cuộc khai thác mỏ dầu để rồi trở thành một nhà tỉ phú trong bộ phim Giant (WB, 1955).

 

Một ngày tháng 9 năm 1939, khi khói lửa của cuộc chiến thứ hai đã bắt đầu bùng nổ ở châu Âu, James viết một điều ước lên trang giấy cuối cùng của cuốn sổ. Cậu đã được lên lớp, rất ngoan ngoãn trong dịp nghỉ hè, nên cho rằng mình có quyền xin mẹ một món quà thật quý giá. Một cây đàn violon mới.

 

Đó là một cây violon đẹp tuyệt vời, bằng gỗ cây, với những đường vân nhỏ. James thấy mẹ để nó ở đầu giường vào sáng hôm sau khi thức dậy, James mới lên tám và Mildred thi chưa tới 30.

Vào bữa trưa hôm đó, Mildred bị ngộp thở. Đó là gánh nặng tồi tệ nhất của đầu thế kỷ 20: ung thư phổi. Winston Dean đã bán tất cả của cải sức lực để níu giữ người vợ yêu quý của mình lại trên trần thế. Nhưng vô ích, tử thần đã lạnh lùng cướp đi sự sống của bà.

 

Hai ngày trước khi Mildred lìa trần, Winston đã cố giải thích cho James cái sự thật hãi hùng và đau xót ấy:

- Mẹ con sẽ không còn ở với chúng ta lâu hơn được nữa. Mẹ con sẽ đi rất xa, xa lắm và trong chuyến đi này không có một ai trở về cả.

 

Cuốn sổ ghi những điều nguyện ước không còn một trang nào và cuốn sổ sẽ không bao giờ được thay thế.

 

James chưa từng được trông thấy người chết, và oái oăm thay, người chết đầu tiên cậu thấy là người mẹ thân thương nhất của cậu. Khi những người phu khiêng quan tài đến để nhập quan cho người quá cố, James đứng rình ở bên ngoài, dán mắt vào cửa phòng. Rồi, dù bị cha ngăn cản, James cũng cố xông vào để hôn lên tóc, lên trán người mà cậu đã thương yêu mãi mãi, suốt đời hơn tất cả những gì ở trần gian.

 

Trong cuốn sổ tay của mình, James viết: “Mẹ tôi đã từ bỏ tôi lúc tôi mới lên chín tuổi... Cái chết thật là một điều kỳ lạ. Người ta chẳng cần thiết sống nữa, khi người mình yêu thương nhất đời lại bỏ ra đi”.

 

Chính điều đó, nỗi sầu bất tận của James Dean. James không hề nhỏ một giọt nước mắt, có thể cậu cố tỏ ra mình cứng rắn trước đám đông. Nhưng hành động thì khác, James đã mở ngăn kéo tủ, lấy ra một cái kéo, rồi van nài cha cho phép mình cắt một lọn tóc nâu của mẹ.

 

Sau đó, khi cùng gia đình ra đến nghĩa trang Pairmount, James thận trọng mang theo cây đàn violon đựng trong cái hộp da bọc nhung đỏ. Rồi cậu bé chín tuổi đó quỳ xuống đất, đặt món quà quý giá cuối cùng ấy lên quan tài trước sự ngạc nhiên của người cha cũng như mọi người. Đối với cậu, mẹ mất đi có nghĩa là mất tất cả.

 

Tang lễ xong, gia đình Dean lâm vào cảnh túng quẫn, công nợ chồng chất. Vì Winston Dean đã vay tứ tung để thuốc men cho vợ, James được ông Winston, em ruột của cha đem về nuôi dưỡng.

 

Đêm về, James ngủ với hai lọn tóc của mẹ để dưới gối. Buổi sáng, trước khi đi học, cậu ép nó vào hai tờ giấy bạc và để nó ở trong ngăn kéo... cho tới khi trở về lúc sẩm tối.

 

Cuộc sống của James thật lạ thường. Đứa trẻ tự giam mình trong phỏng riêng mà chơi một trò từ nay chỉ có cậu mới biết luật, trò đối thoại với thần chết. “Tôi nghe thấy tiếng gọi của mẹ. Lúc đó hai người đang ở trong sa mạc, và tôi cố gắng đuổi cho kịp mẹ. Nhưng chân tôi cứ dần dần chìm sâu trong cát. Cát bị lún. Mẹ tôi nói với tôi một điều gì quan trọng lắm, nhưng vì ở cách xa nên tôi không nghe rõ. Mỗi lần thức giấc với cái cảm giác bị ngã từ trên cao xuống, bị rớt vào vực thẳm hun hút, tôi không muốn ngủ lại nữa, sợ giấc mơ trở lại với mình”.

 

Trong một nỗ lực kỳ lạ, James làm tất cả những gì có thể làm được để tìm gặp lại mẹ mình, nhưng ranh giới mộng và thực thì không rõ ràng đối với con người đam mê huyền thoại Aztèque này.

 

Tuy nhiên, chú Winslow đã làm tất cả những gì để có thể làm vui lòng đứa cháu côi cút. Thấy James thích lái máy cày, ông bèn mua cho cậu một cái, hiệu Mac Cormicle. Về mùa đông, James ưa trượt patin trên ao để đuổi bắt những con mòng két, ông cho đặt trên mái nhà kho ba cái đèn rọi rực sáng để James có thể chơi patin ban đêm. Ông lại cho dời kho lúa và kho chứa phân đi nơi khác để biến nó thành sân tập thể dục cho James. Ông mua cho James một cái kèn clarinette, bởi vì James đã được nghe Benny Goodman thổi ở trong radio, và một chiếc Véloxolex cho đứa trẻ 13, bởi vì James đã bắt đầu mê tốc độ, nó giúp James lãng quên đi hình ảnh của người mẹ dù chỉ trong phút giây.

 

Nhưng tháng 6.1945, năm ấy James đã 14 tuổi - một biến cố đã làm thay đổi toàn bộ cuộc sống gia đình Winslow, và làm đảo lộn cả chính cuộc sống của James. Thím Hortense sinh nở muộn, mãi năm ấy mới sinh một bé trai kháu khỉnh đặt tên là Markie. Đột nhiên, những quan hệ bình thường giữa James và ông chú đã có những khoảng cách, cái mặc cảm côi cút sống lại nơi James, lớn rộng ra để biến thành một thứ mặc cảm tuyệt vọng.

 

Giam mình trong kho lúa, James chơi trống Bali suốt đêm. Một lần khác, đúng vào đêm trăng tròn James trùm tấm khăn trải giường, đi ra bờ ai, đóng vai một con ma, ngồi đọc thơ một mình. Ngày hội chợ trong xứ, dù bị ngăn cấm, James vẫn nhảy lên lưng một con bò mộng; cậu bị hất xuống đất, bị giẫm lên người, cũng may chỉ gãy một cái xương sườn.

 

   

James chỉ làm những gì mình thích. Anh có những cú đấm tay trái khủng khiếp, thường đấu quyền Anh với các bạn hơn tuổi mình. Một bữa, thấy trong một tiệm sách một cuốn viết về Yoga, anh mua về nghiên cứu rồi tự tập với một kỷ luật hết sức khắt khe. Anh đã suýt bị “tẩu hỏa nhập ma” vì tập sai phương pháp.

 

Vào tuổi 17, James được chú thím mua cho một chiếc môtô đầu tiên hiệu Triumph, có thể đạt được tốc độ 110km/giờ. Và anh phóng như điên ở sân trường. Rồi đời James đi vào một bước ngoặt mới khi gặp gỡ mục sư James de Weerd tới Fairmount. Đó là một người có học vấn uyên bác, ưa thích nhạc Back cũng như thơ trữ tình Anh, mê những cuộc đua xe và những cuộc đấu bò rừng. Thế là James đã có một người tri kỷ để chuyện trò và có thể cảm thông với mình. Anh tâm sự với vị mục sư đáng kính rằng, anh nghĩ bản chất mình xấu xa nên bị thiên hạ ghét bỏ, và nỗi cô đơn ấy cứ đeo đẳng anh mãi mãi không thôi.

 

Dù sao mặt lòng, nhà tu hành cũng tìm được một giáo sư kịch nghệ cho James. Ngày 21.6.1949, ở tuổi 18, anh chiếm giải với một chương của Dickens, Người Điên, trong một cuộc thi kịch nghệ nghiệp dư của tiểu bang Indiana. Vị mục sư đã chọn lựa vở kịch ấy cho James, bắt chàng tập luyện nhiều tháng, trước mặt ông, rồi trước gương, và sau hết trước một căn phòng trống... Và chàng thanh niên hoang đàng ấy đã làm khán giả phải ngạc nhiên bởi sự nhập vai kỳ diệu của mình.

 

Do lời khuyên của mục sư Weerd, ông Winslow quyết định gửi anh tới Viện Đại học Santa Monica, ở California, nơi thân phụ anh cư ngụ. Cuộc giã từ của James với gia đình Winslow diễn ra rất ngắn. Anh phải dành những giọt lệ cho một sự trống vắng to lớn không thể quên được mà anh đem theo trong ví da: hai lọn tóc của bà mẹ ép trong tờ giấy.

 

Winston Dean chờ đợi đứa con trai với một sự dè dặt. Ông đã tục huyền với Ehtel và sợ rằng sự xích mích giữa dì ghẻ con chồng sẽ có thể xảy ra. Nhưng ông đã nhầm. Nếu James không tỏ ra thân thiện với bà vợ mới của cha, thì bù lại, đối với bà, chàng luôn luôn giữ đúng tư cách của một gentleman.

- Nỗi đau lớn nhất của tôi là thấy căn phòng của má tôi bị một người đàn bà khác chiếm giữ. Và họ đã sống trong trạng thái đối đầu im lặng này kéo dài đến hai năm.

 

Trong chặng đường thứ ba của cuộc đời James Dean, mọi sự trôi qua rất nhanh. Một sự ngẫu nhiên về địa dư đã đẩy mạnh sự thành công mau chóng của chàng: Viện Đại học Santa Monica chỉ ở cách những trường Hollywood chừng vài chục vòng quay của bánh xe hơi. Phải chăng đây là do “ảnh hưởng của môi trường” như Freud đã nói. James bùng cháy lên một nỗi ham muốn không cưỡng lại được, không giải thích được: “Tôi sẽ trở thành một diễn viên”.

 

Và anh nổi bật trên sân khấu của sinh viên, trong khi thân phụ anh hết sức chán chường vì thấy cậu con trai lơ là trong việc học luật. Nhưng ông bố lại còn buồn nản hơn nữa: Một buổi sáng, ngay trong lớp học, anh đã đấm hộc máu mũi hai người bạn cùng lớp: họ bắt gặp anh đang lặp lại những độc thoại của Henri V trước cái gương trong phòng tắm và bảo anh là một diễn viên hạng bét.

 

James bị đưa ra hội đồng kỷ luật và bị đuổi ra khỏi trường. Không chậm trễ một giây, anh nhảy lên chiếc M.G mà cha anh đã mua cho, và phóng bạt mạng về Fairmount. Anh dừng lại trước nghĩa trang, rồi đi tới ngôi mộ của người mẹ, gục xuống.

- Tại sao mẹ lại chết? - Chàng rên rỉ - Tại sao mẹ lại bỏ con trơ trọi ở trên đời này, mẹ thân yêu? Mẹ có đau đớn lắm không? Chí ít, mẹ cũng được sung sướng chứ? Chết là như thế nào hả mẹ?

Sau vài ngày sống ở đó, để nhớ lại cái không khí của tuổi thơ, James quyết định đi New York. Tối đó, vào tháng 10.1951, James Dean chưa đầy 20, hành trang chỉ có một chiếc va-li và một bức thư giới thiệu của một vị giáo sư ở Santa Monica gửi cho đạo diễn Elia Kazan, giám đốc Actor’s Studio, nó có giá trị như một cái giấy thông hành đi tới vinh quang...

 

Kazan là một nhà trí thức trầm tư và ít nói. Nhưng mỗi lời ông nói ra, phần lớn đều để đời: “Cái máy quay không đi được vào trong đầu các diễn viên. Người ta không thể chụp hình linh hồn họ”.

 

Khi James tới trình diện, trước đó đã có John Garfield, Montgomery Clift, Jack Palance và Marlon Brando.

 

Để có tiền ăn trong những tháng đầu, James phải mượn mục sư Weerd. Anh cũng viết thư cho chú Winslow và nhận được một số tiền đủ để ăn uống và trả tiền mướn gác xép ở đường 44, cách Actor’s Studio có năm phút. Trong ngăn kéo đựng quần áo của anh chỉ có ba cái sơ mi để thay đổi và sáu đôi vớ. Ngoài ra còn có quần jean, áo blouson và giày da, sẽ là những thứ James quen dùng mãi mãi.

 

James muốn mình là một kẻ yếm thế, bằng cách khẳng định sự khác biệt của mình và lột tả sự không thể lý giải cháy bỏng người anh. Anh khát khao khám phá trí tuệ, nghệ thuật là những thứ không thể vay mượn được. James hấp thụ tất cả, hỗn độn với một sự thích thú của trẻ con: nhạc jazz, các cuộc đấu bò, hội họa, chủ nghĩa hiện sinh, trường phái tranh ấn tượng, thi ca, những dạ tiệc xa hoa, những đêm tối sống đời du mục. Broadway, đường phố... tất cả đều là những vở kịch mà James không hài lòng với cương vị một vị khán giả lặng lẽ. Trò chơi ưa thích nhất của anh là ngồi sau một cửa hàng quan sát phản ứng của những khách bộ hành ngang qua, hay đặt một chiếc ghế giữa hè để chặn dòng lưu thông. James phấn chấn với bầu không khí New York bạo lực và khuôn phép, trước viễn cảnh mở ra tới tận chân trời. Với nông thôn nước Mỹ, nơi anh lớn lên, James dành cho một sự hận thù. Anh dựa vào nó để làm nên các bài thơ u ám.

 

Trong điện ảnh, hai thần tượng của James Dean là Marlon Brando và Montgomery Clift đang theo học tại Actor’s Studio. Để đến lượt mình được vào trường diễn xuất này, James viết một kịch bản mang nặng tính chất tuyệt vọng, tối đen một cách trẻ trung, chấm dứt bằng câu: “Thấy chưa Clayton, mi có thể ném vào hư không mà sẽ chẳng có ai bận tâm tới cả. Mi có nghe ta nói không? Ta... Chúng ta... Tất cả... đều cô độc”. Nhưng một khi được nhận vào ngôi đền thánh đó rồi, James phản kháng ngay lối hướng dẫn nổi tiếng ở đây: “Cái gì đó trong tôi cũng như một bộ phim vậy. Tắt ánh sáng đi, bạn giết nó đấy”. Sau này các đạo diễn sẽ vừa thấy mình bị khủng bố, vừa bị quyến rũ bởi cách hòa trộn bản thân với các vai diễn của Jimmy: “Nếu đóng vai cướp, James Dean là con người khó tiếp cận được. Hở một chút là anh ấy có thể cảm thấy mình bị bỏ sang một bên. Lúc đầu tôi cũng cảm tưởng mình như đi trên đống trứng, vì sợ làm anh ấy hoảng loạn. Anh ấy rất đa nghi... Có lúc thả lỏng mình, rồi co lại và một giờ sau tùng mình hết cỡ. Và rồi đưa ra những câu hỏi: Tại sao tôi làm thế? Có hợp lý không? Có ngược lại với chính tôi? Và anh đã không giải thích được, dù với chính mình”.

 

Nhưng trong vòng tay Barbara, James có thể hưởng giấc ngủ được mong chờ từ lâu, thật yên bình của một đứa trẻ được yêu thương. Được làm dịu nhưng không bao giờ cảm thấy an bình, Dean có vai kịch đầu tiên trên Broadway. Ai mà kháng cự anh được khi anh đọc lên những lời hứa hẹn của Wally Wilkins, một cậu bé nông dân bị người mẹ giam cầm và chỉ được giải thoát trước khi cái chết đến lôi cậu đi: “Ban ngày tôi sẽ không khóc đâu. Tôi sẽ không nghĩ đến mẹ. Tôi sẽ nghĩ tới bà vào ban đêm, và lúc đó tôi sẽ khóc”.

 

James làm việc không biết mệt, dưới sự điều khiển của Kazan, và lần đầu tiên trong đời, anh quen biết và giao du với những cô gái trẻ: hai nữ diễn viên cùng lớp, Judy Collins và Arlene Lorca.

 

Nhưng trong những quan hệ yêu đương ấy, chứa giấu một sự xa vắng hoàn toàn cái gọi là đam mê: đau đớn, thô bạo, hối hận và những cuộc chinh phục thể xác. Đó là những cuộc tình không có u sầu, những cuộc sum họp không niềm day dứt. Người ta bảo rằng hình ảnh của mẹ James đã trung hòa tất cả những khuôn mặt của những người đàn bà khác.

 

James Dean ngày càng ẩn mình trong nghệ thuật và cuối tháng 12.1953, một tin vui đã tới: người ta mời anh đóng một trong những vai quan trọng trong Kẻ Vô Luân tại một sân khấu ở Broadway.

 

Vai diễn này không phải là dễ, nhất là trước công chúng New York. Một tên Ả Rập trẻ tuổi, đồng tính luyến ái, ăn cắp vặt và xảo quyệt. Khó mà chiếm được cảm tình của khán giả.

- Hãy diễn xuất trước hư vô, như thể sa mạc đang nhìn anh. Kazan đã nói với anh trong đêm đầu trình diễn.

Tối hôm ấy, trong phòng mình ở hậu trường, James Dean đã tìm ra một nơi nhờ cậy vững chãi nhất: chàng nghĩ tới Mildred Winston Dean, chàng cầu khấn mẹ hiền, chàng “đặt trái tim mình trên đầu gối mẹ” như ngày xưa. Lấy ở trong ví ra hai đọn tóc, chàng cầu nguyện:

- Mẹ thân yêu, đừng bỏ con một mình trên sân khấu. Hãy đưa tới cho con ông tổ của các diễn viên. Mẹ biểu ông xuống đây với con...

 

Và ông tổ nghề nghiệp đã phù hộ chàng. Màn thứ ba chấm dứt, khi cúi chào, anh đã được hoan nghênh nhiệt liệt.

- Đó là một trong những giây phút đẹp nhất của đời tôi - Kazan lại nói.

Rồi hôm sau, Kazan đi California, ở đó, trong một trang trại của John Steibeck, ông cùng với nhà văn nổi tiếng ấy xem xét lại tỉ mỉ kịch bản East of Eden. Mười ngày sau, ông trở về New York. Từ phi trường, ông gọi James Dean.

- Leo lên taxi. Tôi đợi cậu ở nha tôi.

 

Trong một tiếng đồng hồ, Kazan kể cho James nghe tiểu sử của Caleb, một nhân vật trong East of Eden. Anh chàng Caleb ấy cho rằng mình côi cút, đã có một tuổi thơ không tình thương yêu, bởi bà mẹ khi đẻ hắn ra, đã lìa bỏ mái ấm gia đình, anh chàng Caleb ấy cho rằng mình tồi tệ bởi không có mẹ. Một câu chuyện đã làm thức dậy trong tâm hồn James một nỗi đau kỳ lạ.

- Cậu là Caleb - ông Kazan nói - Cậu đúng là nhân vật trong phim của tôi. Hãy đi ngay Hollywood. Nhưng những sự nhào lộn trên xe hai bánh hay bốn bánh của cậu, cậu sẽ chẳng làm yên lành một ai cả. Cho nên, hãy hứa với tôi là sẽ đáp phi cơ.

 

James giữ đúng lời hứa. Nhưng, ngay khi tới Hollywood, việc lưu ý đầu tiên của chàng là mua một chiếc Typhon, với tốc độ 140km/giờ.

 

 

Mùa xuân 1954, khi bắt đầu quay East of Eden (WB, 1955) James có không dưới bảy chiếc mô tô.

 

Rồi một phép lạ hầu như đã biến đổi cuộc đời James. Tình cờ, một buổi sáng, tại phim trường, anh tới nhầm sân quay và đối diện với một cô gái mà sau đó anh mệnh danh là “Nàng Tiên của tôi”, đó là minh tinh người Ý Pier Angeli. Khi người đảm trách sân quay hỏi James là ai thì chàng lừng khừng đáp:

- Chuyện đó có thể giúp anh được gì?

- Hừm! Bước ra khỏi đây.

Nàng Tiên nhìn anh chàng mồ côi. Chàng lắc lư cái đầu, mặt đỏ bừng, và tiến lại phía nàng, mỉm cười nói:

- Xin cô nói giùm với ông ấy là tôi xin lỗi. Tôi biết phim trường này, nhưng tôi đãng trí. Người ta nghĩ đến nhiều điều một lúc, có nhiều điều dồn dập đến với chúng ta trong cùng một thời gian. Làm sao chống trả lại được sự chóng mặt ấy, nó thường trực quấy rối chúng ta?

Pier chưa bao giờ được nghe những lời nói ngọt ngào như vậy:

- Ở đây, cô là một nữ diễn viên duy nhất theo đúng với định nghĩa một giai nhân.

 

Và từ đó hai người thường trao đổi quà tặng cho nhau, Paris, một cái khăn quàng lông hải ly. Nàng quàng lên cổ anh một sợi dây chuyền vàng với bức tượng Saint Christophe, vị thần hộ mệnh của các khách bộ hành, những người du lịch, những người phóng xe bạt tử. Trong phòng khách sạn, trên cái bàn kê ở đầu giường, nàng đặt tấm chân dung của anh trong đó có ghi một câu tuy ngắn nhưng đầy ý nghĩa: “Mỗi ngày một gần anh hơn, Pier”.

 

Nhưng bà mẹ Pier vốn nghiêm khắc, lại ngoan đạo. Sau khi biết chuyện, bà cụ quở mắng con gái, và bảo Pier phải kiếm một “bạn trai” khác hợp với gia đình mình hơn.

 

Bằng điện thoại, James cầu cứu mục sư Weerd.

- Thưa cha, con yêu một cô gái Thiên Chúa Giáo, con muốn cưới nàng, nhưng thân mẫu nàng không chịu, vì con là người theo đạo Tin Lành. Cho nên con quyết định cải giáo.

Tuy nhiên, dự định ấy đã phải gác lại. East of Eden (WB, 1955) đã quay xong, và James phải đi New York để ký một hợp đồng với một hãng truyền hình. Bữa tối trước ngày khởi hành, cho tới tận tinh mơ, tại quán cà phê nổi tiếng Gogie của Hollywood, anh đã gắng thuyết phục Pier Angeli cùng đi với mình.

- Nếu quả thật em yêu anh, thì hãy đi với anh. Em đóng xong phim rồi, chả có gì ngăn cản em cả.

- Jimmy (tên gọi thân mật), hãy nghe em nói đây. Má em không đồng ý cuộc hôn nhân của chúng ta. Em không thể không tuân theo lời mẹ. Vả lại, cha xứ đỡ đầu cho em cũng bảo rằng, em không thể lấy anh được.

 

James Dean đáp phi cơ đi một mình. Hạnh phúc của anh chỉ kéo dài trong mùa hạ. Bốn mươi tám giờ sau khi tới New York, ngụ ở khách sạn Alonquin, qua báo chí, anh được biết tin Pier Angeli sắp lấy ca sĩ Vic Damone.

 

Chết lặng người đi, James gọi điện về Hollywood, cô bồi phòng trả lời thay cho Pier. Cô ta bảo rằng Pier đã đi khỏi và xin đừng gọi lại nữa, sẽ mất công, “vì bắt đầu từ tối nay, cô Pier Angeli sẽ không còn ở đây nữa!”. Vậy là cuộc tình tan vỡ.

 

Ngày 24.11.1954, Pier Angeli và Vic Damone làm lễ cưới tại giáo đường Trinité ở Hollywood. Có một người khác kỳ cục, không mời mà tới. Anh đến bằng mô tô, trước hôn lễ một giờ, và giấu chiếc xe sau cái hàng rào trúc đào. Anh đốt một điếu thuốc, hai tay để trong túi blouson, tựa lưng vào gốc dừa, chờ đợi.

 

Nàng từ trong chiếc Cadillac Fleerwood lộng lẫy bước ra, tay vịn vào Vic Damone. Nàng vận cái áo dài bằng sa tanh Orgaldi màu trắng, đội cái mũ miện có gắn những hạt châu và ở cổ tay, một cái vòng vàng gắn kim cương mà Jimmy đã tặng nàng trong dịp sinh nhật lần thứ 22 của nàng. Điếu thuốc lá trên môi, anh đứng sừng sững như Từ Hải chết đứng, lắng nghe không sót một nốt nhạc nào, những bản nhạc của Wagner và Mendelsson, từ trong giáo đường vẳng ra.

 

Từ đó, James Dean chỉ còn chìm đắm trong cái mặc cảm cô đơn. Đối với chàng, bây giờ, người đàn bà - mẹ hay người tình - chỉ là một con người đã rời bỏ anh, do chết chóc hay bội phản - vào cái giây phút mà người ta tưởng như đã nắm được hạnh phúc. Đóng phim và đua xe là hai nguồn an ủi duy nhất của anh. Trong khi đó, một chương trình chiếu phim, bộ phim East of Eden (WB, 1955) đã diễn ra tại Raido-City ở New York, một rạp ciné lớn nhất thế giới. Mỗi vé giá 15 đô, tiền thu được ủng hộ Actor’s Studio. Nhưng “vị thần sầu muộn” được hâm mộ ấy đã vắng mặt và biệt vô âm tín. Tất cả New York đòi hỏi sự hiện diện của Jimmy. Nhưng lúc ấy, ngồi trên chiếc Porsche, anh phóng bạt mạng về Indiana, tới nghĩa trang Feirmount, ở đó anh quỳ xuống cầu nguyện trước nấm mộ của người mẹ thân yêu.

 

James không thể ngờ rằng, ba tháng sau, đúng vào ngày kết thúc vai diễn Jett Rink trong bộ phim Giant (WB, 1955) của đạo diễn George Stevens dựa theo tiểu thuyết của Edna Ferber, anh lại sẽ trở về đây, nằm bên cạnh nấm mồ ấy. Bởi vì, trước đó, cũng là ngày kết thúc bộ phim Rebel Without a Cause (WB, 1955), James đã mua chiếc Porsche với giá hai triệu rưỡi. Đó là thứ đồ chơi tử thần, tốc độ 300km/giờ, và nó sẽ là chiếc khăn liệm anh.

 

Chiều 30.9.1955, anh cùng với Ralph Uentherich, người thợ máy gốc Đức di chuyển đến Salinas để dự cuộc đua xe được tổ chức vào ngày thứ bảy 01.10.1955.

 

Con lộ Salinas ấy, cái phần đất California rất thân thương đối với John Steinbeck, phải chăng đã được mô tả trong East of Eden, một bộ phim đã mang lại vinh quang cho James. Cách Salinas tám dặm, con lộ U.S466 cắt ngang xa lộ 41, đó là giao điểm giữa hai con đường, kim đồng hồ chỉ 85 dặm tức 170km/giờ - đúng vào lúc James nhận ra chiếc xe Plymouth màu đen lướt trên lộ 466 tiến về phía giao điểm.

- Thắng lại! Ralph kinh hoàng thét lên.

 

Nhưng thay vì thắng lại, với một nội tâm cuồng loạn, cô đơn James đã nhấn mạnh ga... Một tiếng kêu lớn của một người bị rơi vào khoảng không: đó là tiếng kêu của James Byron Dean khi hai xe húc vào nhau. James bị gãy đốt sống cổ, máu bắn ra tung tóe làm nhòe cả con số 130 mà hai ngày trước James đã thận trọng sơn lại bằng màu đỏ.

  

Lúc ấy đã 5 giờ 59 phút ngày 30.9.1955, James chỉ mới 24 tuổi. Anh đã sống vội vàng và chết cũng vội vàng trong một tâm trạng hoảng loạn, bất ổn định như chính thời đại đã sinh ra anh./.

 

Sâm Thương
Số lần đọc: 6389
Ngày đăng: 26.06.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Ra mắt Tập Phim Những bông hoa tôi - Nhiều Tác Giả
Sâm Thương, Một thuở đam mê, một thời yêu dấu - Nhiều Tác Giả
Chuyện Dế Mèn - Phạm Toàn
Marlon Brando: nhân vật bi kịch - Sâm Thương
Oliver Stone, Hành Trình Của Người Trí Thức - Sâm Thương
Trung Đội Hay Nỗi Ám Ảnh Của Người Mỹ - Sâm Thương
Sám Hối: Giấc Mơ Hiện Thực - Sâm Thương
Một Cái Nhìn Về Người Hùng - Sâm Thương
Ingrid Bergman: cơn bão trong vinh quang - Sâm Thương
Marilyn Monroe đuổi bắt ảo ảnh - Sâm Thương
Cùng một tác giả
Đêm địa ngục (truyện ngắn)
Hòn vọng phu (truyện ngắn)
Chuyến tàu nửa đêm (truyện ngắn)
Giấc Mơ (truyện ngắn)
Sơn Ca 1 (kịch)
Sơn Ca 2 (kịch)
Sơn Ca 3 (kịch)
Cõi người (truyện ngắn)
Hoa anh đào mùa đông (truyện ngắn)
Hoa anh đào mùa đông (truyện ngắn)
Bức tranh dang dở (truyện ngắn)
Sau cơn bão lũ (truyện ngắn)
Khi hoa anh đào nở (truyện ngắn)
Kiếm lửa (điện ảnh)
Cô dâu xứ Tuyết (truyện ngắn)
Hai người mẹ (truyện ngắn)