Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.033
123.201.660
 
Đã Tạnh Mưa Chưa?
Đặng Kim Côn

Hành khách đang chờ kiểm soát ra cổng. Trời đã khuya lắm, Vọng, với cái ba-lô cũ rách trên lưng, cũng đang xếp hàng, thả mắt nhìn vu vơ, tìm lại những hình ảnh quen xưa, ẩn hiện dưới ánh đèn điện tù mù như những ngọn đèn hột vịt muốn hết dầu. Có gì đó không còn thân thuộc, có gì đó bóp mạnh tim anh…

 

Hành khách khá đông, nhiều người phía sau coi bộ không mong đến lượt mình, nhẩn nha đứng nhìn trời nhìn đất. Một người đàn ông ăn mặc nhếch nhác, chìa một tờ giấy trước mặt mọi người, nói giọng van vỉ:

- Tôi mới được ra trại, từ ngoài Bắc về đây, không còn tiền bạc gì, xin bà con thương xót giúp đỡ.

 

Một vài người thọc tay vào túi áo, Vọng lửng thửng bước lại, liếc khẻ tờ giấy, thấy ghi “Giấy Phóng Thích” mang tên Thiếu tá…., anh giật lấy tờ giấy trên tay người ăn xin:

-Tờ giấy này đã cách đây hơn sáu tháng, trại viên nào ra trại mà sáu tháng còn chưa về nhà?

 

Trại nào cũng cấp lộ phí cho trại viên về đến địa phương mà? Ông có muốn tôi đập ông ngay đây không? Ông cút đi, đừng bôi bác sĩ quan Việt Nam Cộng Hòa.

 

Gã “Thiếu Tá” há hốc miệng nhìn Vọng, lùi lại, rồi biến đi giữa giòng người cũng đang còn ngơ ngác, anh ta gấp tờ giấy lại, vừa định cho vào túi thì một bàn tay đập lên vai anh, chưa kịp quay lại, một giọng sắc lạnh vang lên:

- Anh nói gì sĩ quan cộng hòa?

 

Một người thanh niên chừng hơn hai mươi, mặc sắc phục công an (Vọng cũng chỉ mới biết là công an hôm nay, khi còn trên tàu, thấy họ đi qua đi lại, anh đã hỏi những người bên cạnh, mấy năm nay, ở trong trại, anh chỉ biết có màu xanh cứt ngựa của quần áo bộ đội), vừa nói vừa như kéo vai Vọng đi. “Anh theo tôi”. Chán nãn, Vọng bước theo người công an vào phòng làm việc. Cũng trong lúc nhốn nháo đó, một nữ nhân viên trên dưới hai lăm, mang băng đỏ “Thư Ký Ga” trên tay áo cũng xuất hiện và vội vã bước theo. Trước gã công an nói giọng Bắc, Vọng chợt giật mình, nhớ tới mấy cái giọng Bắc ở trong trại. “Hội chứng đọa đày” buốt lên sống lưng anh, nguy hiểm như đang mở rộng cánh cổng. Vọng bèn đổi giọng hợp lý hóa cái vụ cương ẩu vừa rồi “Tôi thấy hắn bôi bác nhà nước, trại viên nào cũng được cấp tiền tàu xe, ăn uống để về đến nhà mà, sao hắn còn đi xin” Người công an đang định tìm lời bắt bẻ, thì bất chợt, người phụ nữ thư ký ga kia, bước vội vào, nắm tay Vọng “Trời ơi, về hồi nào vậy? Sao ở đây?” Rồi quay sang người công an, cười cầu tài “Có chuyện gì to tát không? Thằng em bà con đây mà, cho bà chị nó làm chút lễ ra mắt nó đi, bỏ hén?” Vẫn giữ vẻ mặt nghiêm trang, vừa được làm ơn, vừa đỡ phải đối phó với cái “gân gà” mà mới rồi gã  cũng còn đang lúng túng trước câu trả lời hợp lý của Vọng, gã công an nói với người phụ nữ: “Được rồi, chị đưa hắn ra ngoài”, và cũng không quên thòng một câu gỡ quê với Vọng “Lần sau không phát biểu linh tinh nhá” sau khi không quên tịch thu tờ giấy phóng thích của tên thiếu tá ăn xin hồi nãy.

 

Gần như lôi xệch Vọng ra ngoài, sau khi nói cám ơn gã công an trẻ, Chiêu, tên người thư ký ga, dẫn Vọng bước đi thật nhanh vào phòng bán vé của chị, thở phào, trừng mắt, nhỏ giọng với Vọng:

- Cái tật nóng nảy không chừa. Mấy cái giọng đó bị nó cho đi bán muối hết rồi, giờ còn sót lại có ông thôi đó.

 

Không vội trả lời, một chút đau đớn khi thấy Chiêu đã trở thành người của chế độ mới, mà lại đang ngồi nơi cái bàn có chữ “Tổ Trưởng Khách Vận” kia, Vọng đảo mắt nhìn quanh:

- Bà làm đây lâu chưa?

Không ai trả lời ai, mà chỉ dồn dập những câu hỏi:

- Ông về luôn?

- Bà muốn về luôn hay không?

- Sao không ai biết hết vậy?

- Ai thì có thể, chứ bà mà biết chi?

 

Chiêu mở to hai mắt, rơm rớm, rút trong xách tay ra một mảnh giấy nhỏ, cũ kỹ, chìa trước mặt Vọng. Nhận ra cái thư lén lút gửi cho một bạn tù được thả đợt trước cách đây hơn sáu tháng, Vọng chụp lấy thật nhanh, nhưng Chiêu còn nhanh hơn, giựt tay lại:

- Không phải của tui sao? Công tui gìn giữ lâu nay. Lúc nào nó cũng ở đây.

 

Vọng thấy lòng chùng xuống. Lúc nào nó cũng ở đây để làm gì. Càng lúc hai người như càng xa nhau hơn. “Hy vọng bà đã hiểu được những ngày tháng này! Tôi vẫn nhớ, nhớ hết! Hôn mấy nhỏ”. Nể nang và liều lĩnh lắm, người bạn tù mới dám nhận chuyển mảnh giấy kia. Có gì đó mơ hồ, như có như không giữa họ. Một mối tình học trò lãng đãng không hứa hẹn, chỉ hiểu nhau qua ánh mắt của nhau, và qua sự ủng hộ, vun đắp của bạn bè, mọi người đều tin chắc một điều, là trời sinh ra hai người để gần gũi nhau! Để rồi ai cũng bật ngửa khi một người lên xe hoa, một người bỏ học tình nguyện vào quân đội. Bên mỗi cuộc đời riêng đó, có dịp thì họ cũng thăm nhau, cũng xa xa gần gần nhắc nhở nhau hoặc chút chút gì đó thầm một nỗi ngậm ngùi. Hôm nhận lệnh ra sân bay, để đáo nhậm đơn vị mới, một nơi heo hút đi dễ khó về, Vọng đã đến từ giã Chiêu, để lại cái hình ảnh đầy đủ yên cương giáp trụ ấy để Chiêu thao thức mỗi khi nghe tiếng súng vọng xa xa về, tiếng súng tai ác đã một lần chụp những mảnh khăn tang lên đầu ba cô nhi và một quả phụ…Và hình ảnh “ra trận” ấy là hình ảnh cuối cùng đã ở suốt trong lòng Chiêu cho đến hôm nay. Ở một góc núi xa nào, Vọng đã bị bắt, bị lùa đi tập trung ở một trại tù binh cả tháng trước ngày Sai-gòn sụp đổ.

 

Vọng nói một câu vu vơ:

- Bà có nghĩ thằng thiếu tá xin tiền hồi nãy là chó săn của công an không?

- Nữa. Tai vách. Mà tui biết chi mấy chuyện đó.

Vọng thất vọng:

- Bất tri vong quốc hận?

Chiêu đảo mắt nhìn quanh:

- Thì cũng một phận thương nữ thôi. Tui không dám chết đói. Hơn nữa còn ba đứa nhóc cũng phải sống. Ông về thực tế rồi biết, ông có dám để mấy nhỏ của ông chết đói không. Tui cũng đang không dễ dàng, an ninh khó dễ hoài, nó thăng cấp cho ba mấy nhỏ lên đại úy, thiếu tá, rồi còn nói ổng còn sống, đang hoạt động chống phá này nọ… Cũng may, ông hạt trưởng là bạn thân của ông già.

- Ông già?

- Còn ở lại ngoài Bắc. Ba gửi tui làm đây.

Thốt nhiên, Vọng hòa nhập vào đời sống của Chiêu, lo lắng:

- Rồi bà có sẽ bị sao không?

Chiêu thở ra nhè nhẹ:

- Giờ thì chưa. Tới đâu hay đó.

- Thấy bà cũng có uy với thằng công an.

- Ghen? Lâu lâu lợi dụng nó một lần.

Vọng nhìn Chiêu từ đầu xuống chân, hiểu ý Vọng, Chiêu trêu:

- Cái máu chưa chừa. Muốn sao nữa?

 

Vọng nhìn Chiêu. Đẹp, hơn cả hồi còn đi học. Cái dáng thon thả, ẻo lả ngày xưa có nét đẹp khác. Bây giờ, không biết áo quần không theo kịp hay nàng cố ăn mặc vậy, từng mảng thịt da trắng ngần, sau bộ đồ bà ba vải nilfan, những ngực, những mông những đùi cứ như chừng muốn nhảy xổ ra mà nổ mù mắt thiên hạ. Anh thở nhẹ:

- Lợi dụng nó, nó không biết lợi dụng lại?

Chiêu nhún vai:

- Chúng tưởng chúng là ai chứ? Nhờ cái là không phải một thằng. Thằng nào cũng “thom lom”, mình cứ ung dung lách giữa những cặp mắt canh chừng nhau ấy.

- Nói nghe già dặn quá.

 

Sân ga đã thưa người. Các kiểm soát viên lần lượt vào phòng vé, thấy Vọng, họ gật đầu chào, rồi to nhỏ gì đó với Chiêu. Thấy bận rộn, Vọng định nhổm dậy, nhưng Chiêu không quên sự có mặt của anh, chị gọi thằng bé bán hàng rong mua một gói Hero, đưa cho Vọng và dặn:

-Ông chờ tui, lát cùng về luôn.

 

*

 

Hai người rời quán cháo vịt ở đầu ghi (?)  Bắc, bước đi bên nhau. Con đường này cứ đi thẳng về phía Bắc non ba cây số là tới nhà Vọng, và nhà Chiêu thì nằm ở khoảng giữa, rẽ xuống xóm một đoạn gần mười phút.

 

Trời không một vì sao, mây đã giăng kín khắp trời. Chưa bao giờ họ gần nhau hơn thế. Họ không muốn đi nhanh, cái liếng thoắng ban đầu đã lắng xuống, như là, cả hai cùng rơi vào một vũng buồn, cùng nín thở nằm im trong đó. Con đường mòn dọc theo đường sắt không đủ rộng để họ có thể tránh không phải đụng vai nhau, chưa nói là đá sỏi lổn ngổn dưới chân cứ làm cho họ chao qua đảo lại, nhiều lúc cứ muốn chụp tay nhau, mà vốn, những bàn tay, từ lâu, lâu lắm, cũng đã muốn tìm nhau quá. Khi họ bắt đầu qua khỏi cái trụ đèn điện cuối cùng của ga thì trời lắc rắc mưa. Họ cũng cứ đi, mưa đột ngột nặng hạt, thấy có một toa tàu đang nằm ở cuối ghi, Vọng hỏi “Toa đó làm gì?” “Toa dự trử, mà như là lâu lắm không dùng hay sao ấy” “Mình lên đó có sao không” “Thì lên đại, mưa to rồi”. Vậy là cả hai hối hả phóng lên cái toa tàu tối đen, vừa lúc cơn mưa ập xuống như thác.

 

Họ cũng đã bị ướt. Cả hai co ro đứng …bâng khuâng trong bóng tối:

- Bà lạnh không?

- Không. Ông lạnh?

- Ở trong núi, mưa không ướt cũng lạnh hơn đây nhiều. Bà làm đó đủ sống không?

- Tui cũng định hỏi ông học tập có khổ không, mà chưa hỏi được. Thật ra câu hỏi thừa quá phải không? Vô duyên nữa, mấy ông học tập cải tạo đói khát cơ cực, chết chóc sao thì ở ngoài người ta biết hết. Ông biết không, có những chuyến tàu chuyển tù, ở ga nhiều người chưa biết gì mà dân thì đã biết hết, an ninh dày đặc rải hai bên đường rail, nhất là các ga, mà dân thì còn dày hơn, họ lẩn quẩn, nấn ná như là đang làm việc gì, cho đến khi tàu băng ngang qua, chuẩn bị gì trên tay họ hất tung lên tàu nấy, tội nghiệp mấy người hàng rong, vốn liếng có nhiêu mà bánh chưng, bánh mì, thịt, chả gì cho hết. Ờ, mà không hỏi thì có nghĩ vô tình không?

- Có, nhất là mồ côi như tui.

- Tui cũng muốn ông trách.

- Tui không biết chuyện bà kể, nhưng đôi khi đi công tác ra ngoài trại, anh em cũng gặp cảnh đó  tay đoàn tù, thậm chí nồi cơm đang vần trên bếp hay nải chuối còn xanh trên bàn thờ.

 

Bóng đêm im lặng. Họ lắng nghe nhau tiếng tim của mình đập ở người kia, những bể dâu quanh họ, những mong ngóng, dõi chừng từng bước chân trong đời. Vọng hỏi:

- Mấy nhỏ ra sao?

- Ở chung với ngoại, đi làm thì gửi đó.

- Nhà tui sao, bà biết không?

- Không biết là… ông đã biết hết những điều gọi là biến cố của nhà chưa?

- Chuyện lớn thì biết rồi, như ba, như bà xã. Gần đây, lâu không ai lên thăm.

- Gần đây thì không sao. Tui có tới. Nhưng những chuyện gọi là nhỏ hơn thì để ông về hẵng biết.

 

Vọng lo lắng:

- Sợ mất vui?

Chiêu trấn an:

- Không sao mà, sợ…là sợ hết giờ.

- Ngày mai trời sập hả?

- Sợ sập bây giờ.

- Cả đời cứ bềnh bồng không thực.

- Ai bềnh bồng?

 

 

Bóng tối giữa họ vẫn cứ như cơn mưa, mênh mông. Mặc dù họ đã cố xích gần nhau lại rồi mà cứ như xa tận đâu đâu. Mà dường như, sợ thì giờ ít quá hay sao mà cơn mưa vẫn chưa tỏ dấu hiệu kết thúc, gió mạnh và sấm sét càng làm cho không khí thêm nặng nề, ghê rợn. Vọng nói:

- Sét thường đánh vào những nơi u ám và có kim lọai, toa tàu này là mục tiêu để nó tìm kiếm đấy.

- Vậy ông chạy ra kiếm cho tui cái mền là được.

- Chi?

- Sét có nướng cũng đỡ lạnh.

- Nghĩa là hết nói cứng?

- Sét đâu không thấy, thấy gió cứ thốc vô thấu tim.

- Gió nào? Thì nói gì đi cho đỡ lạnh. Bà chưa trả lời, làm đủ sống không?

- Thì nhẹ nhàng hơn người dân, về rồi biết, vĩa hè la liệt ăn xin, ví dụ giờ này nhiều gia đình chụm đầu nhau lại, chịu trận giữa gió mưa, như những con chim ướt lông cánh nằm sà giữa vũng nước, tội nhất là mấy đứa nhỏ, núp dưới lòng bố mẹ, mà gió cũng không tha, ướt như chuột, chịu suốt đêm, mà không biết bụng đã lót được thứ gì.

- Thảm hơn ở tù rồi.

- Nhà tù lớn.

- Bà cũng nghĩ vậy?

- Ông vẫn muốn gây với tui? Cũng không sao. Ông có đi gánh phân, đốt than thì cũng là lấy công điểm của nó mà sống. Mẹ con tui tháng được hơn năm chục ký lương thực, trong đó có cả sắn mì, bobo. Còn vải vóc, dép mũ, soong quánh, thì năm bảy tháng được phân phối một lần, thứ nào cấp trên chừa lại mới tới mình. Lương tháng, nếu ông uống cà-phê thì có thể đủ cho ông ngày một ly…

- Nghĩa là gói thuốc hồi nãy hết hai ngày lương?

- Tui có phụ phí mà.

- ?

- Tiền chịt cổ ấy.

 

Trời hửng sáng, mưa đã ngớt, hai người bước ra khỏi toa tàu, con đường đá sỏi trơn ướt, câu chuyện không đâu vào đâu lại tiếp tục:

- Chưa nghe hai tiếng “chịt cổ”. Giết người hả?

- Gần như. Ai ra cổng không vé thì cứ chung cho kiểm soát viên, hành lý mấy bà buôn thì tự động đóng hụi chết. Bán vé chợ đen…Hồi nào ông cứ thử mua mấy cái vé đi Sai-gon, Hà Nội gì coi có hay không, mà biết chỗ thì có.

 

Ngừng chút, Chiêu phân trần:

- Lấy được cứ lấy, chứ không, chẳng hóa ra “yêu nước là yêu xã hội chủ nghĩa” lắm sao? Tụi tui có đứa nào biết gì xã hội chủ nghĩa.

- Tụi tui?

- Chị em tụi tui “chịt cổ” xong, cộng chia đều, đắp đổi qua ngày.

- Không phải cơ quan là cộng sản hết sao?

- Hỏi nghe ghê.

- Tổ trưởng không phải “đồng chí” hả?

- Tổ trưởng là cái đinh gỉ gì? Lúc đầu cũng có mấy người làm, rồi làm không được, tụi trên núi về biết gì đâu mà bắt nó cộng trừ sổ sách, cuối cùng đưa tui làm thử, được việc làm luôn.

- Thật mà, tui cứ thấy rờn rợn. Chưa quen, chắc phải lâu lắm mới thích nghi được.

 

Vọng bước thử lên đường rail, đôi dép râu trơn trợt làm anh suýt té:

- Bà đi trên đường rail được không?

Chiêu cười:

- Có khi cũng có thử, mà không đơn giản. Tui thấy mấy đứa cầu đường nó đi giỏi lắm, mà hình như hai người đi hai đường nắm tay nhau dễ đi hơn.

- Sao biết hay vậy?

- Cũng cái giọng cà chớn đó. Tui nói là tui thấy người khác. Người ta nắm tay nhau đi, không té, trông hay lắm, thơ mộng như một bức tranh.

- Bà đi làm đường này?

- Không, đường này vắng vẻ lắm, ban ngày nếu bị trễ, đôi khi tui cũng có đi cho gần, nhưng thường thì đi đường phố, vòng một chút mà đỡ lạnh lưng. Tui biết cái gì trong đầu ông.

- Thì lúc nào bà không biết những gì trong đầu tui. Có điều đi kiểu đó, có nắm tay nhau, đến cuối trời thì cũng cứ song song. Không ham, tranh kiểu đó chỉ để treo lên tường.

- Chứ muốn treo ở đâu?

 

Một tốp người mang súng đi ngược chiều. Họ rọi thẳng đèn pin lên mặt Vọng và Chiêu, hai người né một bên cho họ qua, có tiếng cười:

- Chị Chiêu mai bao chè nhé!

Chiêu không dừng lại:

- Không thì sao?

Và giải thích với Vọng:

- Mấy đứa du kích trong xóm. Thích mang súng bắt nạt người khác thôi. Cách mạng luôn biết khai thác nhân lực, lợi dụng từng con người. Có lương bỗng mẹ gì đâu.

- Tui..?

- Tui hiểu ông nghĩ gì, cái chúng cần là sức lực. Sỏi đá cũng thành cơm, ông sẽ được cấp hai sào ruộng, giống như làm rẽ cho nhà nước, cuối vụ tính cho ông mỗi tháng miệng ăn hai mốt ký lúa, mắm muối, chè thuốc, khách khứa, đau ốm, học hành gì cũng trong đó, còn nhiêu nộp họ hết.

- Rồi làm sao sống?

- Ráng. Đi cải tạo về, mấy ông thầy cũ của mình đạp xích lô, ba gác, bán cà rem... Ông nào có xe chạy thồ thì còn đỡ.

 

Trời có vẻ vẫn còn ẩm ướt, một vài vì sao như mới vừa ráo nước, rụt rè giũ những tia sáng yếu ớt, lấp ló trên nền trời mù mịt. Hai người đã đi tới đường rẽ xuống xóm, Chiêu dừng lại, tần ngần:

- Không ấy…ông ghé xuống thăm mấy nhỏ chút?

- Tui cũng định nhưng chưa phải lúc này. Tui không muốn ghé đâu, trước khi về đến nhà, thắp mấy nén nhang lên bàn thờ cho ba và mẹ mấy nhỏ.

- Vậy ông chờ tui ở đây, tui về mượn cái xe đạp…

- Thôi khỏi, hơn cây số nữa chứ mấy. Về đây mà chưa về nhà là đã thấy có lỗi rồi.

- Tại tui?

- Tại mưa.

 

Chiêu dợm bước, không rẽ xuống xóm mà đi theo phía nhà Vọng:

- Tui đưa ông về.

Vọng vẫn còn chôn chân tại chỗ, anh gọi khẽ:

- Chiêu!

Chiêu dừng lại:

- Tui biết ông nói gì.

- Biết thì làm ơn. Trời chắc sẽ còn mưa. Lát bà về một mình làm sao tui ngủ được.

- Ông về một mình…, ư…ngủ được sao? Một mình khuya khoắt tui thật không yên lòng, nhất là…phó thường dân liều mạng. Hồi nãy ở ga, suýt chết chưa chừa.

- Thôi kệ tui, một mình bà đi bộ trong đêm khuya, ghê quá, thôi về đi. Bày vẽ làm gì, trời chưa sập đâu.

- Tui là công nhân viên mà, ai làm gì.

Vọng đổ quạu gắt nhỏ:

- Công nhân viên không có…cái gì sao?

 

Trong bóng tối lờ mờ, Vọng kịp thấy ánh mắt tinh nghịch của Chiêu ánh lên trừng anh. Vọng hiểu là Chiêu dư thông minh để hiểu hai tiếng “cái gì” là cái gì, anh nhớm bước, vừa đi vừa nói như ra lệnh:

- Về đi. Trời chưa sập mà.

Chiêu gọi giựt lại:

- Sắp sập nè, nghe tui nói, bây giờ là mùa Xuân, biển êm, nhiều chuyến lắm. Tui đã có rất nhiều cơ hội, và cũng không khó để tiếp xúc với những người tổ chức, mình không có nhiều thì giờ đâu, ông phải tin tui, mình có hai cái đầu ngu cũng đỡ hơn. Mọi chuyện tui đã chuẩn bị đủ cho tui, ông và mấy đứa nhỏ, tui chỉ chờ ông về, chuyện bất ngờ có thể đến ngay ngày mai hay ngày mốt, bữa kia nào đó, nên tui không muốn chờ …

- Tui chưa về thì sao?

- Thì bây giờ chưa phải mùa Xuân chớ sao./.

 

Đặng Kim Côn
Số lần đọc: 2146
Ngày đăng: 27.06.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Người Đàn Bà Điên Trong Nghĩa Trang - Kinh Dương Vương
Làng Tàm Thực - Lưu Thuỷ Hương
U 60 - Tiêu Đình
Ký Ức Làm Báo - 3 - Đỗ Ngọc Thạch
Cây Thằn Lằn Lá Xanh - Nie Thanh Mai
Nắng Quái - Lê Văn Thiện
Người Đi Tìm Thuốc Trường Sanh - Tiêu Đình
Truyện Cũ - Hà Thúc Sinh
Kẻ sát nhân - Lưu Thuỷ Hương
Tình Yêu Không Đơn Giản - Mang Viên Long
Cùng một tác giả
Một Phút (tạp văn)
Sông Núi Trở Màu (truyện ngắn)
Trăng Lý Bạch (truyện ngắn)
Thế Kỷ Nào (truyện ngắn)
Vượt Ngục (truyện ngắn)
Vỡ Tổ (truyện ngắn)
Kinh Kha (truyện ngắn)
Thiền Tăng Và Tôi (truyện ngắn)
Đã Tạnh Mưa Chưa? (truyện ngắn)
Vĩnh Cửu (tạp văn)
Tình Xưa (truyện ngắn)
Mộng Du Chiều (truyện ngắn)
Qua Sông (truyện ngắn)
Chiếc Răng Giả (truyện ngắn)
Quên. (truyện ngắn)