Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.182
123.222.268
 
Bàn Thêm Một Số Nhận Định Văn Chương Ở Sách Giáo Khoa
Trầm Thanh Tuấn

Sách giáo khoa (SGK) Ngữ văn hiện nay đã có những cải tiến đáng trân trọng trong quy cách biên soạn, cũng như khéo léo đưa vào những phương pháp mới trong việc tiếp cận văn bản. Thế nhưng thảng hoặc vẫn có một số đôi điều cần xem xét lại. Trên các diễn đàn, mặt báo đã có nhiều phát hiện. Trong bài viết này chúng tôi cũng xin mạn phép trình bày một số vấn đề mà chúng tôi vẫn còn băn khoăn.

 

1.       Đầu tiên chúng tôi muốn trao đổi thêm về một ý mà từ trước đến giờ "chúng khẩu " đều  "đồng từ ": Nam quốc sơn hà là bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của nước ta. Sách giáo khoa Ngữ văn 7 (tập 1) viết: "Bằng thể thơ thất ngôn tứ tuyệt, giọng thơ dõng dạc đanh thép, Sông núi nước Nam là bản Tuyên ngôn độc lập đầu tiên (TTT nhấn mạnh) khẳng định chủ quyền về lãnh thổ của đất nước và nêu cao ý chí quyết tâm bảo vệ chủ quyền đó trước kẻ thù xâm lược" [tr 65]. Chúng tôi cho rằng một văn bản được xem là Tuyên ngôn Độc lập chỉ khi văn bản ấy xuất hiện trong hai trường hợp: một nước không có độc lập sau đó giành được độc lập hoặc một nước có độc lập, bị xâm lược sau đó giành lại được độc lập. Xét về phương diện lịch sử, rõ ràng xem Nam quốc sơn hàbản Tuyên ngôn độc lập đầu tiên có chỗ không thoả đáng vì cũng theo Sách giáo khoa Ngữ văn 7: "Có nhiều lời kể về sự ra đời của bài thơ, trong đó có truyền thuyết: năm 1077, quân Tống do Quách Quỳ chỉ huy xâm lược nước ta. Vua Lí Nhân Tông sai Lí Thường Kiệt đem quân chặn giặc ở phòng tuyến sông Như Nguyệt (một khúc của sông Cầu, nay thuộc huyện Yên Phong, Bắc Ninh), bỗng một đêm, quan sĩ chợt nghe từ trong đền thờ hai anh em Trương Hống và Trương hát – hai vị tướng đánh giặc giỏi của Triệu Quang phục, được tôn là thần sông Như Nguyệt – có tiếng ngâm bài thơ này" [tr64]. Nếu như Sách giáo khoa tạm xem truyền thuyết này là căn cứ để ước đoán hoàn cảnh ra đời của thi phẩm thì càng không nên xem Nam quốc sơn hà là một tuyên ngôn độc lập. Vì ở thời điểm ấy nước ta đã có độc lập (nền độc lập được xác lập từ thời Ngô Quyền – 938) và nhà Tống chưa bao giờ đô hộ được nước ta.

 

2. Trên Văn học và tuổi trẻ số tháng 1 (155) 2008, tác giả Ngô Phú Thiện đã đặt ra vấn đề: Bài thơ Độc Tiểu Thanh kí của Nguyễn Du thất niêm hay không thất niêm? Trong bài viết này tác giả đã cung cấp một dị bản do Nguyễn Thế Hà sưu tập được. Điều đặc biệt là dị bản này không bị thất niêm (Xin xem cụ thể bài viết trên số báo vừa nêu). Chúng tôi rất lấy làm thú vị khi được tham khảo một dị bản khác của Độc tiểu Thanh kí. Tuy nhiên ta cũng chỉ có thể xem nó là một dị bản chứ không thể là một thiện bản (văn bản chuẩn) được. Vì để xác lập tính chân thực của một văn bản Hán Nôm có nhiều dị bản người nghiên cứu phải căn cứ vào kết quả của thao tác thống kê đối sánh từ nhiều tư liệu Hán Nôm khác nhau. Thống kê sự xuất hiện của văn bản ở nhiều tài liệu, so sánh để tìm ra sự tương đồng giữa các văn bản để từ đó xác lập một văn bản gốc. Chúng tôi thiết nghĩ với công phu nghiên cứu của các bậc tiền bối như: Phan Võ, Bùi Kỷ, Nguyễn Khắc Hanh, Đào Duy Anh, Trương Chính, Lê Thước,…thì vấn đề xác lập một văn bản gốc cho Độc Tiểu Thanh kí không phải là việc thật quá khó khăn. Vã lại chúng tôi nhận thấy qua các công trình sưu tập ấy thì các vị cũng khá thống nhất với nhau trong việc ghi nhận văn bản Độc Tiểu Thanh kí (hiện nay văn bản này cũng được sử dụng trong sách giáo khoa).

 

Quay trở lại với hai câu kết của bài thơ:

 
Bất tri tam bách dư niên hậu

Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như ?

 

Đúng như tác giả Ngô Phú Thiện đã phát hiện xét về niêm thì câu thơ cuối là câu thơ thất niêm. Bởi chữ thứ hai trong câu thứ nhất là chữ Hồ (Tây Hồ hoa uyển tẫn thành khư), vần bằng, nhưng chữ thứ hai trong câu thứ tám là chữ hạ (Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?), vần trắc nghĩa là chúng không niêm với nhau. Vấn đề này có nhiều cách lý giải. Trong cuốn Truyện cụ Nguyễn Du của Lê Thước và Phan Sĩ Bàng soạn năm 1924, hai tác giả này dựa theo lời cụ nghè Nguyễn Mai, thuộc thế hệ thứ 10 họ Nguyễn Tiên Điền nói rằng đó là lời khẩu của cụ Nguyễn Du lúc sắp mất. Trần Trọng Kim trong bài tựa Truyện Kiều xuất bản năm 1925, cũng nói như thế. Tuy nhiên vào năm 1943, cụ Đào Duy Anh thấy trong bài Độc Tiểu Thanh kí có hai câu này nên mới cải chính lại. Cùng với ý kiến trên nhà nghiên cứu Bùi Văn Nguyên cũng cho rằng đây là hai câu thơ Nguyễn Du đọc trước khi mất. Còn Bài Độc Tiểu Thanh kí vốn chỉ có sáu câu, sau người ta thấy cùng vần nên ghép vào thế nên bài thơ bị thất niêm.

           

Qua khảo sát sơ bộ thơ chữ Hán của Nguyễn Du, chúng tôi nhận thấy nếu chỉ dựa vào lí do thất niêm để "nghi ngờ" vào tính toàn vẹn của văn bản thơ là chưa thật sự thuyết phục. Chúng tôi xin dẫn ra đây bài Kí Huyền Hư TửMy trung mạn hứng trong Thanh Hiên thi tập nhằm chứng minh rằng ngoài Độc Tiểu Thanh kí thì hai bài thơ trên cũng là những bài thất niêm!

 
Kí Huyền Hư Tử

                      

Thiên Thai (vần bằng) sơn tiền độc bế môn,

Tây phong trần cấu mãn trung nguyên.

 Điền gia bất trị Nam Sơn đậu,

Bần hộ thường không Bắc Hải tôn.

Dã hạc phù vân thời nhất kiến,

Thanh phong minh nguyệt dạ vô ngôn.

Viễn lai chí thủ tương tầm lộ,

Gia tại(vần trắc) Hồng Sơn đệ nhất thôn.

 

(Nhà tôi ở trước ngọn núi Thiên Thai, luôn luôn đóng cửa. Gió tây tung cát bụi đầy trung nguyên. Là nhà nông, nhưng tôi không trồng đậu ở núi Nam Sơn, nhà lại nghèo, thường để vò trống, không có rượu đãi khách như Khổng Dung. Anh như hạc nội mây ngàn, thỉnh thoảng mới gặp. Tôi ở đây có gió mát trăng thanh nhưng không ai chuyện trò. Anh ở xa đến, thì hãy nhớ đường mà tìm, nhà tôi ở xóm đầu dãy núi Hồng.)

 

My trung mạn hứng

 

Chung tử (vần trắc) viên cầm tháo nam âm,

Trang Tích bệnh chung do Việt ngâm.

Tứ hải phong trần gia quốc lệ,

Thập tuần lao ngục tử sinh tâm.

Bình Chương di hận hà thời liễu,

Cô Trúc cao phong bất khả tầm.

Ngã hữu thốn tâm vô ngữ dữ,

Hồng Sơn (vần bằng) sơn hạ Quế giang thâm.

 

(Chung Tử gảy đàn theo điệu Nam, Trang Tích khi ốm ngâm nga bằng tiếng Việt. Khắp bốn bể đầy gió bụi, nghĩ tình nhà việc nước mà rơi lệ, mười tuần nằm trong lao tù, lòng thấp thỏm chuyện sống chết. Bao giờ mới hết mối hận Bình Chương? Khó mà có được phong cách cao thượng của người nước Cô Trúc. Ta có một chút tâm sự này, không biết bày tỏ cùng ai. Dưới chân núi Hồng, sông Quế Giang sâu thẳm.). Như vậy nếu căn cứ vào những điều tác giả nói: "Một người cầm cân nảy mực, đã đánh trượt bao nhiêu sĩ tử vì sai luật thơ Đường. Thế mà chính cụ lại làm thơ thất niêm phá luật thì ăn nói làm sao với thí sinh và cả bạn văn đồng nghiệp? Phải chăng số phận bài thơ còn chứa nhiều uẩn khúc?" thì hai bài thơ mà chúng tôi dẫn ra ở trên cũng phải nên xem lại về tính chân thực của văn bản (thiện bản)?

           

Hơn thế nữa nếu khảo sát trong Đường thi không hiếm có những bài thơ thất niêm được liệt vào hàng danh tác, Hoàng Hạc lâu của Thôi Hiệu là một trường hợp tiêu biểu nhất. Như vậy việc thất niêm trong bài thơ Độc Tiểu Thanh kí nên chăng ta chỉ có thể xem đây là sự phá cách của những tài năng, những cây bút già dặn trong nghề thơ?

 

3. Một số nhận định văn học sử trong Ngữ văn 10 (chương trình chuẩn)

 

3.1 Bài Tổng quan văn học Việt Nam

 

Trong việc phân kì lịch sử văn học các tác giả biên soạn SGK cho rằng Văn học hiện đại được tính từ đầu thế kỉ XX đến hết thế kỉ thứ XX [tr8, Tập 1]. Cùng trong mục này, các tác giả lại sử dụng thêm thuật ngữ Văn học đương đại: "Trong văn học đương đại, có thể đọc được tâm tư tình cảm của con người Việt Nam trước những vấn đề mới mẻ của thời mở cửa, hội nhập quốc tế hết sức sôi động và phức tạp" [tr10, Tập1]

 

Như vậy, với thuật ngữ Văn học đương đại, các tác giả muốn định danh thời kì văn học từ đâu đến đâu? Hơn thế nữa trong sự hiểu biết của chúng tôi thuật ngữ Văn học đương đại hiện tại vẫn chưa được sự nhất trí trong giới nghiên cứu văn học.

 

Trong mục Con người Việt Nam trong quan hệ với thế giới tự nhiên, phần viết về mối quan hệ này trong sáng tác thơ ca thời trung đại, các tác giả viết: "Hình tượng thiên nhiên gắn với lí tưởng đạo đức, thẩm mĩ. Các hình tượng tùng, cúc, trúc, mai thường tượng trưng cho nhân cách cao thượng; các đề tài ngư, tiều, canh, mục thường thể hiện lí tưởng thanh cao ẩn dật, không màng danh lợi của nhà nho" [tr11, Tập 1].

 

Với nhận định này, chúng tôi thiết nghĩ các tác giả chỉ mới nêu lên được một phần của vấn đề. Đó là dạng cảm thức thứ nhất: Con người trung đại cảm thấy mình trong tự nhiên, còn dạng cảm thức thứ hai mà theo chúng tôi cũng rất cần chỉ cho học sinh thấy. Đó là con người trung đại cảm thấy trong con người mình có cả vũ trụ (GS Lê Trí Viễn đã có những kiến giải sâu sắc về vấn đề trên trong công trình Đặc trưng văn học trung đại Việt Nam).  Trong trường hợp này, chúng tôi cho rằng "tiết kiệm" với học sinh dăm dòng sẽ khiến các em có cái nhìn "lệch" về một phương diện quan niệm của con người trung đại trước thiên nhiên vũ trụ (Quan niệm này thể hiện sâu sắc thế giới quan của con người trung đại gắn bó chặt chẽ với những yếu tố triết học).

 

Cũng trong nhận định này, khi tác giả cho rằng: "Trong sáng tác thơ ca thời trung đại hình tượng thiên nhiên gắn với lí tưởng đạo đức, thẩm mĩ. Các hình tượng tùng, cúc, trúc, mai thường tượng trưng cho nhân cách cao thượng; các đề tài ngư, tiều, canh, mục thường thể hiện lí tưởng thanh cao ẩn dật, không màng danh lợi của nhà nho[…] không màng danh lợi của nhà nho". Như vậy vô hình chung, một mảng thơ ca chữ Hán viết về thiên nhiên hết sức đặc sắc của thời Trần vốn là sáng tác của rất nhiều thi nhân - thiền sư đã bị "bỏ rơi"? Từ "nhà nho" chưa bao quát hết được chủ thế sáng tạo.

 

3.2. Bài Khái quát văn học Việt Nam từ thế kỉ X đến hết thế kỉ XIX:

 

Trong bài này, chúng tôi vẫn cứ băn khoăn về tính hệ thống của những luận điểm lớn trong mục III - Những đặc điểm lớn về nội dung của văn học từ thế kỉ X đến hết thế kỉ XIX.

·   Chủ nghĩa yêu nước.

·   Chủ nghĩa nhân đạo.

·   Cảm hứng thế sự.

Chúng tôi vẫn nhận thức được ở luận điểm Cảm hứng thế sự, các tác giả muốn đề cập đến vấn đề hiện thực xã hội trong sáng tác của các tác giả thời trung đại. Đối với vấn đề này, chúng tôi nhất trí. Tuy nhiên, có nên tách Cảm hứng thế sự ra khỏi nội dung của Chủ nghĩa nhân đạo hay không thì đó vẫn là một việc cần phải xem xét lại. Bởi suy cho cùng thì qua việc phản ánh hiện thực, các tác giả đều đề cập đến những vấn đề của con người trong xã hội phong kiến. Qua đó, họ muốn cất lên tiếng nói đòi quyền sống, quyền hưởng hạnh phúc của con người trong xã hội ấy. Như vậy đây cũng chỉ là một phương diện của Chủ nghĩa nhân đạo. Nên chăng chỉ cần giữ lại hai mục: Chủ nghĩa yêu nước Chủ nghĩa nhân đạo mà thôi.

 

3.3  Bài Đại cáo bình Ngô - Nguyễn Trãi (Phần I: Tác giả)

 

Với phần viết về tác giả Nguyễn Trãi, chúng tôi quan tâm đến những vấn đề sau:

- Trong mục Nguyễn Trãi – nhà thơ trữ tình sâu sắc, có luận cứ sau: "Thiên nhiên trở thành môi trường sống thanh tao, con người gắng giữ gìn vẻ đẹp nguyên sơ, không làm tổn thương đến cảnh vật". [tr 11, 12; Tập 2]

 

Luận chứng 1: "Nhà thơ không nỡ thả mái chèo vì sợ làm tan vỡ bóng trăng in trong nước: "Nước còn nguyệt hiện xá thôi chèo" [tr12, Tập 2]

 

Luận chứng 2: "hớp chén rượu in bóng trăng mà tưởng đang hớp ánh trăng: "Đêm thanh hớp nguyệt nghiêng chén"[tr12, Tập 2]

 

Luận chứng 3: "gánh nước về pha trà, nước in bóng trăng tưởng mang cả trăng về theo "chè tiên, nước ghín, nguyệt đem về" [tr12, Tập 2]

 

Tích hợp là một mục đích được đặt ra hàng đầu. Nếu như sử dụng ngữ liệu trên để cho học sinh tìm  luận cứ rõ ràng có điều chưa ổn. Qua việc quan  sát đoạn văn trên, chúng tôi nhận thấy chỉ có luận chứng 1 phục vụ cho luận cứ đưa ra còn với luận chứng 2 và 3 thì đôi chỗ còn tỏ ra mâu thuẫn.

- Về luận điểm "Hai tập thơ Ức Trai thi tập và Quốc âm thi tập" ghi lại hình ảnh Nguyễn Trãi vừa là người anh hùng vĩ đại vừa là con người trần thế". [tr11, Tập2]

Chúng tôi vẫn ngầm hiểu với luận điểm trên các tác giả muốn đề cập đến hai phương diện con người công dâncon người thế sự trong thơ Nguyễn Trãi.Tuy nhiên với cách dùng người anh hùng vĩ đại – con người trần thế, chúng tôi vẫn thấy có điều gì đó không ổn thỏa. Nó chưa bao quát hết những phương diện của con người Nguyễn Trãi. Hơn thế nữa cùng một tiêu chí, trong sự liên tưởng đối sánh, khi nói về con người trần thế thì chúng ta thường liên tưởng đến con người tiên, con người thoát tục chứ ít khi lại liên tưởng đến người anh hùng vĩ đại

 

Ngoài ra trong bài viết này, chúng tôi nhận thấy có nhiều câu khá "rối" về ngữ pháp cũng như ngữ nghĩa

-"Là bậc anh hùng với lí tưởng cao cả, Nguyễn Trãi cũng là một con người trần thế" [tr11, Tập 2]

-"Ức trai thường nói tới lòng bạn. Lòng bạn bao giờ cũng sáng trong như vầng nhật nguyệt "Lòng bạn trăng vằng vặc cao" [tr12, Tập 2]

 

Thiết nghĩ nếu các tác giả muốn "dẫn chữ" từ câu thơ của Nguyễn Trãi "lòng bạn" để thay cho từ "tình bạn" thì cũng nên để chữ lòng bạn trong dấu ngoặc kép chứ trong tiếng Việt hiện đại chúng ta ít dùng từ lòng bạn trong văn cảnh như trên.

 

3.4. Bài Truyện Kiều - Nguyễn Du (Phần một: Tác giả)

 

Trong mục 2 - Một vài đặc điểm về nội dung và nghệ thuật của thơ văn Nguyễn Du, có nhận định sau: "Ông nắm vững nhiều thể thơ của Trung Quốc, làm thơ theo thể ngũ ngôn cổ thi, ngũ ngôn luật, thất ngôn luật và ca hành (nhạc phủ). [tr96, Tập 2]

 

Chúng tôi nghĩ rằng với nhận định trên rõ ràng chưa làm nổi bật được đặc điểm nghệ thuật trong thơ chữ Hán của Nguyễn Du. Bởi bất kì một nhà Nho có học vấn đều có khả năng như trên. Với một lượng chữ ít ỏi cho phần Đặc điểm nghệ thuật trong sự nghiệp thơ văn của Nguyễn Du (8 dòng), những nhận định như trên là không cần thiết, bởi nó không khu biệt được những đặc sắc nghệ thuật trong sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Du với các tác giả khác

 

Những điều chúng tôi băn khoăn có thể có đôi chỗ "thiển cận", "đánh trống qua cửa nhà sấm", tuy nhiên với tấm lòng chân thành hưởng ứng công cuộc đổi mới trong việc giảng dạy môn Ngữ văn ở nhà trường phổ thông, chúng tôi hy vọng những điều chúng tôi thắc mắc sẽ được tập thể các tác giả biên soạn sách giáo khoa lưu ý.

Trầm Thanh Tuấn
Số lần đọc: 2512
Ngày đăng: 27.06.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Trần Dzạ Lữ, nhà thơ hát dạo bên trời - Nguyễn Vy Khanh
Luân Hoán, nhà thơ Thế Hệ Chiến tranh - Phạm Văn Nhàn
Phong Kiều dạ bạc , Ngàn Năm Âm Vang - Trầm Thanh Tuấn
Tương lai của văn-chương Việt Nam - Nguyễn Vy Khanh
Ca Ngợi Văn Chương - Nguyễn Phú Yên
Cảm Hứng Thiền Trong Thơ Thiên Nhiên Đời Trần - Trầm Thanh Tuấn
Văn Chương Bên Lề Cuộc Chiến Và Thơ Lúc Từ Bỏ Cuộc Chiến - Trần Văn Nam
Nguyễn Huy Thiệp: Những Chuyện Huyền, Kỳ, Núi, Sông Và Nước ... - Nguyễn Vy Khanh
Văn Xuôi Tự Sự Lưu Trọng Lư 1 - Lại Nguyên Ân
Văn Xuôi Tự Sự Lưu Trọng Lư 2 - Lại Nguyên Ân