Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.147
123.226.020
 
Trong Cõi U Minh
Dương Nghiễm Mậu

Phán quan để tập giấy trắng xuống trước mặt tôi.  Anh ta ngồi ngay phía đối diện, lưng thẳng, hai  tay  để  trên mặt bàn. Phán quan nói: Anh chưa thành thật khai báo. Tôi nhìn thẳng vào mắt anh ta: tôi không có gì để khai thêm. Các ông muốn biết điều gì các ông cứ đặt câu hỏi,  tôi sẽ trả lời, khai thì tôi không có gì để khai. Hai bàn tay để  trên mặt bàn không động đậy, nét mặt như đanh lại, giọng nói khô: anh phải khai, phải khai hết ra, tôi biết gì anh mà hỏi. Tôi ngậm miệng mắt nhìn về phía trước, thân hình ngay  cứng. Thoạt đầu phán quan ngồi thẳng người, mắt nhìn xuống  tập giấy trắng để  trước mặt. Tôi nhìn lên  đầu  anh ta:  những sợi tóc dựng đứng như cỏ cháy ngày khô hạn. Phán quan nói: anh khai đi, anh phải  khai thôi... Một giọng nói nhẹ nhàng khác hẳn trước đó. Tôi thẳng người dựa nhẹ vào lưng ghế. Giọng  phán quan tiếp tục: tôi tên là....bố tôi tên là...mẹ tôi tên là...ông nội tôi tên là...Anh bỏ ngay cách khai của  anh đi. Những anh sinh ở đâu, học ở đâu, thi đậu năm nào, làm quan, đi sứ, những vợ, những con, những cái đó tôi không cần anh khai... Tôi đứng lên: Sao tôi nghe nói, muốn biết rõ một con người cần phải  biết tới ba đời của anh ta, biết càng nhiều càng tốt?  Anh nói rõ đi?  Các anh cần cái gì?

 

Tôi đứng lên, bước ra, đi vòng một quãng rồi trở lại  đứng ở sau lưng ghế của mình. Tập giấy  trắng vẫn nằm im, không khí lặng lẽ với một  vùng ánh sáng đục lờ làm những vật chung quanh như nhòe đi.  Phán quan đứng lên, ở  yên một chỗ: chúng tôi muốn biết những gì anh đã  sống, đã  nghĩ,  đang nghĩ...   

 

Tôi cười phá lên: Ở gần đây có sẵn vạc dầu đang sôi không?  Để làm gì? Phán quan hỏi và nhìn thẳng

vào mặt tôi. Tôi nói: Để anh dẫn tôi tới rồi thảy tôi xuống đó cho xong mọi chuyện. Phán quan lặng lẽ

ngồi  xuống, hai bàn tay đan vào nhau, hai ngón tay trỏ cử động không ngừng. Chợt anh ta cười nửa

miệng: đâu có phải chết rồi là mọi chuyện đã xong, đã hết, đã kết thúc. Hạnh phúc cho ai được chết một lần. Anh tưởng ai cũng được chết một lần hả? Không đâu. Có người phải chết nhiều lần, có kẻ phải chết đi sống lại. Bao kẻ xác bỏ quan tài còn phải lôi ra, quần áo bị lột bỏ. Đâu đã yên, nhiều kẻ còn bị moi ruột, móc óc ... Bao kẻ còn bị đào lên lấp xuống đến nỗi không kịp thối... Vì sao thế anh biết không ?Tôi cười: chắc là tại không thành thật khai báo ?

 

Phán quan đứng lên làm mấy động tác thư giản, anh ta bước lại gần tôi, giọng nhẹ nhàng: anh hãy quên chuyện khai báo đi. Giữa anh với tôi là trao đổi, là làm sáng tỏ một điều gì đó.Tôi ngồi xuống ghế trở lại: Tôi đã chết rồi. Anh nhớ cho tôi điều đó. Phán quan trở lại ghế ngồi: Anh nói đúng. Anh đã chết rồi. Nhưng chết rồi đâu có nghĩa mọi điều cũng chết theo. Anh có nhớ câu: trâu chết để da người ta chết để tiếng. Lại còn: trăm năm bia đá thì mòn ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ. Anh thấy đó: nhiều kẻ sống đã khai gian lý lịch, khai gian để lừa người. Nào thay họ đổi tên, thay[2] đổi quê quán, thay cả tên tuổi cha mẹ. Như thế chưa khiếp. Có kẻ còn tạo ra một tiểu sử đề cao mình, suy tôn mình... Muốn chết thanh thản người ta phải sòng phẳng với đời. Chỉ có thành thật và thành khẩn người ta mới chết yên được. Chính vì thế mà chúng tôi muốn tận tình giúp đỡ anh.

 

Giúp đỡ, giúp đỡ hết lòng. Quả thực tôi muốn văng tục. Tôi nói: cám ơn anh, tôi không có gì để khai nữa. Bao nhiêu trang giấy tôi đã giao cho anh như vậy chưa đủ sao? Anh muốn làm  gì thì làm. Tôi chết rồi. Phán quan gằn giọng: đúng là anh đã chết, nhưng vẫn còn sống ở một thế giới khác. Vả lại những điều anh viết ra, tôi đã đọc nhưng nay tôi không còn nhớ gì nữa. Anh cứ coi như bây giờ mình mới bắt đầu câu chuyện có được không? Phán quan bước đi khoan thai nhiều vòng trong gian phòng. Không một tiếng động. Một giọng nói chậm, nhẹ vang lên như từ một cõi nào xa lắm: Mình có thể nói chuyện với nhau bắt đầu từ chỗ nào nhỉ? Cuộc đời của anh cũng có nhiều phiên hồi đáng ghi nhớ...Khi khóc, khi cười, khi lên khi xuống...Anh cũng có lúc bị tống giam phải không? Anh nhớ chứ? Mình có thể bắt đầu ở chỗ này không? Hay lùi xa lên ở cái lúc dinh cơ của ông anh Nguyễn Khản bị Kiêu binh đốt cháy? Hay lùi lại vào lúc anh thi đỗ tam trường? Nhưng thực ra phải đợi đến khi anh ra làm quan cho Nguyễn Ánh thì lý lịch mới rõ ràng, phải thế không? Mọi điều tưởng như rõ ràng nhưng thực ra ở đó vẫn còn những khuất lấp. Anh biết rõ điều này hơn ai hết. Sao anh lại im lặng? Khó thật đấy. Bắt đầu từ chỗ nào chăng nữa chắc cũng làm anh lúng túng với những điều khó nói. Anh cũng có lúc bị bắt giam, bị nhốt lại, được hỏi han, chắc chưa bị tra khảo? Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại... Với anh nói tù thì cũng không đúng hẳn phải không?  Phán quan đã dừng lại ở một góc khuất nào đó mà tôi không thể nhìn thấy. Giọng nhẹ và đều vang vang: Sống vào thời của anh, thời của những động loạn không ngừng: lửa cháy, máu và nước mắt tuôn trào và những chia tan thảm thiết, những hận thù... Anh viết: cổ kim vị kiến thiên niên quốc ...Từ một thực tại anh đã nhìn thấy những đổi thay. Anh đã trải qua bao nhiêu đời vua? Chỉ ngừng lại và nghĩ đến thôi hẳn anh đã bồi hồi. Thời nhiễu nhương làm đảo lộn những giá trị. Trung thần đó mà cũng nghịch thần  đó. Phản trắc đó mà trung thành đó. Chẳng còn vò đậu đen và vò đậu trắng riêng biệt. Đen trắng đã đổ lẫn với nhau. Dù anh có đào một cái hang mà chui xuống cũng không thoát. Anh thấy vậy không? Những kẻ tròn như viên bi, trơn như lươn còn mất mạng, hoặc khốn đốn, nói gì đến những người như anh sinh ra đã sần sùi, có góc có cạnh... Tôi đứng vùng dậy: chẳng ai lại muốn bước chân vào nhà giam, vào cũi sắt. Ai cũng muốn sống. Có con chim nào lại không muốn bay cao và cất tiếng hót. Sống lương thiện sao lại bị tù? Phán quan nhìn vào mặt tôi: Nhưng thế nào là lương thiện? Không chờ [3] câu trả lời, phán quan cười ngất: có thời chính vì lương thiện nên người ta phải ngồi tù. Anh không hiểu vì sao à? Khi bọn bất lương cầm quyền thì người lương thiện đi ở tù. có khi bị treo cổ, có khi bị chém đầu. Những người chính trực phải chết khi dối trá, bạo lực ngự  trị cuộc sống...Anh nghĩ lại coi. Đối với anh có một nghi vấn: anh bị bắt giam, bị nhốt tù có phải vì một mưu toan? Có phải anh định đi vào miền Nam? Nhưng đâu phải chỉ có một mình anh đi Nam, sao những ngươi khác không bị bắt? Hay anh có can dự vào một tội ác nào đó? Xin lỗi, có lẽ tôi đã dài lời. Bây giờ là việc của anh. Phán quan bỏ đi trong im lặng.

Tôi ngồi im. Nơi này đã có bao nhiêu người đến rồi đi? Có bao nhiêu phán quan? Đây là đâu? Tôi nhìn chung quanh, tất cả bao trùm trong một thứ ánh sáng đục, vây quanh tôi hình như là một bức tường. Tôi đập mạnh tay xuống bàn, xô cái ghế. Sao không có một tiếng động nào? Tôi đang ở đâu? Tôi đã chết. Một ngày nào đó, tôi nhớ: tôi nằm im không còn cựa quậy, đầu óc tỉnh táo, người như nhẹ hẳn...Tôi thấy chung quanh tôi bao nhiêu là người, tôi chú ý và nhận ra những gương mặt thân quen. Tôi đang ở đâu? Dần dần những gương mặt như mờ và trôi đi ... Những tiếng nói thân thuộc đầm ấm mỗi lúc một nhỏ đi rồi biến vào im lặng ... Tôi đã chết. Tôi nhớ lại những giây phút cuối cùng đó. Tôi thấy mình rất tỉnh táo nhưng sao cả thân người thì cứng đơ và lạnh dần... Tôi cố gắng nói với người ngồi gần nhất, không biết là con, là cháu hay là một người nào đó: sờ giúp cái chân một chút. Sao tôi không còn thấy một cảm giác nào. Có tiếng nói: lạnh rồi. Lạnh rồi. Tôi nghe rõ. Tôi nhìn lướt nhanh những khuôn mặt nhòe nhoẹt đang vây chung quanh tôi. Có phải cả tôi và những chung quanh đều đang đợi một điều gì đó. Tôi cố gắng mở rộng mắt, lấy hết sức để nói: được...được. Tôi muốn nói một điều gì khác nhưng lưỡi đã cứng lại. Có còn điều gì để nói nữa? Tôi nhủ thầm: mình đang chết, chết từ chân lên ...Tôi lịm đi. Tôi chìm dần vào trong bóng tối .. Những bóng người chập chờn không rõ nét, những tiếng nói rì rầm mơ hồ. Tôi thấy mình như đang trôi đi ...Tôi đã chết. Mình đã bước vào một cõi khác. Phú Xuân, đó là nơi tôi đã sống những giây phút cuối cùng của đời mình. Phú Xuân, đó đâu phải quê tôi. Tôi được sinh ra ở một nơi khác. Tôi đã sống ở nhiều nơi. Tôi không có ngôi nhà nào là nhà của mình. Tất cả là ăn gửi nằm nhờ. Người ta nói sống gửi thác về. Nhưng về đâu ? 

 

Phán quan ở đâu bỗng xuất hiện, bước tới, ngồi xuống ghế đối diện với tôi.  Không khí im lặng như làm tôi nghẹt thở. Phán quan nhìn xuống tờ giấy những ghi chép nhằng nhịt.  Phán quan ngẩng nhìn lên giọng hoài nghi: Anh họ Nguyễn sao? Tôi nói: Tôi họ Nguyễn, thế anh muốn tôi họ gì? Phán quan cười thành tiếng: Tôi làm sao mà có thể muốn thế này thế khác. Tôi được biết có người họ Nguyễn  mà không phải họ Nguyễn. Có chắc anh [4] họ Nguyễn không? Có nhiều người họ Nguyễn nhưng gốc là họ Hồ, họ Mạc, họ Trịnh, họ Lý ... Những thay họ đổi tên này có gốc gác bởi một tên vô lại mù là lịch sử. Có điều này tôi muốn hỏi anh: họ Nguyễn của anh có liên hệ gì với họ Nguyễn của Nguyễn Ánh không? Câu hỏi của phán quan làm tôi nhớ tới những gì thuộc về nguồn gốc. Tôi họ Nguyễn. Nếu lấy Nguyễn Bặc thời Đinh Tiên Hoàng làm gốc thì Nguyễn Ánh với tôi cùng một dòng, cùng một tổ. Có điều chi của tôi bị đại tông khai trừ. Tại sao thế? Cái này là do những đổi thay của các triều đại. Gia phả họ tôi ghi về những ông tổ mà tôi được biết thì nó thế này. Gốc họ Nguyễn của tôi ở làng Cổ Hoạch, sau này gọi là Canh Hoạch, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông. Nơi này hiện còn nhà thờ tổ. Một trong những cụ tổ có cụ Nguyễn Doãn Địch, cụ đỗ thám hoa triều Lê Thánh Tông. Dòng họ Nguyễn này của tôi có nhiều người học giỏi, đỗ đạt cao và ra làm quan từ thời Lê thịnh. Sau đó vào thời nhà Mạc có Nguyễn Thuyến đậu trạng nguyên và cả ba cha con đều làm quan trong triều. Làm quan cho nhà Mạc nên Nguyễn Thuyến, Nguyễn Quyện, Nguyễn Miễn bị kết án phản Lê. Sau đó Nguyễn Thuyến bỏ nhà Mạc vào Thanh Hóa phù Lê  trung hưng. Nguyễn Thuyến chết, hai người con lại trở ra Bắc phục vụ dưới trứơng Mạc Mậu Hợp. Sau này tôi có được đọc trong ngoại sử nói chính Nguyễn Bỉnh Khiêm, người có những liên hệ với Nguyễn Thuyến đã khuyên hai người con của Nguyễn Thuyến về giúp nhà Mạc. Cả hai người này sau bị Trịnh Tùng giết. Con của Nguyễn Miễn là Nguyễn Nhiệm tìm đường chạy vào Nghệ An và chọn Tiên Điền làm quê hương mới. Nguyễn Tiên Điền ở Nghi Xuân, Nghệ An ra đời. Tôi sinh ra ở Tiên Điền. Tôi là hậu duệ của kẻ bỏ chạy khỏi đất bắc để tránh bị tiêu diệt bởi những thế lực tranh nhau quyền thống trị. Thực ra tới thời gọi là Lê Trung Hưng thì không còn nhà Lê nữa. Nhà Lê chỉ là bù nhìn cho các chúa Trịnh thao túng.

 

Phán quan nói: cái họ của anh nhiều người  học giỏi, làm quan to mà sao lung tung quá, nay theo người này mai theo người khác, vậy là thế nào? Hôm nay là minh chủ mai đã thành kẻ địch? Đó có phải là câu hỏi dành cho tôi không? Câu hỏi này có lẽ người muốn moi móc tới  những vị tiền bối của tôi. Nhưng vào cái thời nhiễu nhương giữa Lê Trịnh, Mạc, Nguyễn thì cũng khó để nói tới những lựa chọn minh bạch. Nhưng có một câu hỏi mà cho tới nay mỗi khi nhớ tới tôi vẫn thấy choáng váng: có phải anh đã chạy theo Lê Chiêu Thống bám gót giặc ngoại xâm? Đây là sự thật tôi không thể nào trối được. Nếu ba anh em tôi mà chạy kịp sang Tàu thì đời tôi đã như thế nào nhỉ? Bám gót giặc ngoại xâm? Điều này thì oan cho tôi. Nhưng tại sao lại chạy theo Lê Chiêu Thống? Có phải vì Lê Chiêu Thống là hậu duệ của Lê Lợi, người đã đánh đuổi giặc Minh dựng nền tự chủ. Vua chết  tôi phải chết. Thờ hai vua là bất trung. Điều này ở đâu ra vậy. Nhà [5] Trần suy tàn, Hồ Quý Ly đứng dậy lập triều đại mới. Nhà Lê thối nát bạc nhược, Mạc Đăng Dung nổi lên dựng nghiệp, một số các quan chống đối, dân không đồng lòng. Thấy xã hội bất công dân tình khốn khổ, Cao Bá Quát phất cờ khởi nghĩa bị gán là giặc châu chấu. Sợ thay đổi, đó là bản chất của những ông quan, quan lớn hay quan nhỏ cũng thế. Vì mất chức thì họ sống bằng gì? Những ông quan tốt nhất của giới sỹ phu thấy những sai trái của triều chính thường chỉ biết dâng sớ tâu  vua, nhưng thường vua đâu có nghe, kẻ còn liêm sỉ chỉ có con đường từ quan, đó là hành động cao nhất mà họ dám làm. Tại sao họ không chiêu mộ nghĩa sỹ đứng lên kêu gọi dân nổi dậy. Lịch sử Đại Việt không  có truyền thống nổi dậy chống bạo quyền. Anh làm quan nhà Lê Trịnh cũng như ông cha anh với quyền cao chức trọng nên tất nhiên anh phải trung thành với họ. Thời nào cũng vậy mỗi triều đại đều thiết lập một cơ chế gồm những kẻ  trung thành, được ưu đãi để cai trị dân và duy trì chế độ lâu dài , hẳn nhiên những kẻ này chẳng bao giờ muốn thay đổi. Thời Lê Trịnh tôi đã là một ông quan dù là một ông quan nhỏ. Có phải vì thế mà tôi sợ thay đổi ?

 

Cha mẹ tôi mất sớm, được đi học là nhờ người anh lớn khác mẹ nuôi nấng. Nhưng tới một lúc anh tôi như linh cảm thấy những bất trắc đang chờ đợi và ông mang gửi gấm tôi cho một ông quan võ họ Hà. Bao nhiêu sự kiện dồn dập xẩy ra: một vụ án đưa anh tôi vào tù, ra tù, làm quan lớn hơn nhưng kiêu binh đốt nhà phải bỏ chạy về quê. Nhờ làm con nuôi họ Hà tôi được yên thân tiếp tục học hành để sau đó cắp giấy bút tới Sơn Nam dự kỳ thi hương và đỗ ba trường. Cha nuôi của tôi qua đời, tôi được kế chân, đúng là cha truyền con nối. Cha làm vua thì con làm vua, cha làm quan thì con làm quan, từ thời nào đã có diện chính sách. Tại sao tôi lại là con nuôi nhà họ Hà mà không phải là con nuôi nhà họ khác?

 

Cha nuôi tôi là người thân tín trong đường giây quyền lực của cha tôi và ông anh quyền thế. Đây chắc chắn là điều khiến tôi trở thành con nuôi nhà họ Hà. Tôi luôn nhớ: nhờ quan Chánh Thủ Hiệu tỉnh Thái Nguyên mà tôi có chốn nương thân và sau khi ông qua đời tôi đã thành quan Chánh Thủ Hiệu mới. Làm quan, tôi giật mình. Đỗ ba trường nhưng thực chất ở mức đó không dễ để được làm quan. Muốn được làm quan phải ít ra là đậu cử nhân. Kế thừa chức của cha nuôi tôi thành một ông quan võ không biết võ. Có lúc tôi tự hỏi: tại sao mình lại chấp nhận một cách thụ động như vậy? Mình cũng ham làm quan lắm sao ?Thật là khó nói. Đi học với bao công sức, đi thi với bao nhọc nhằn cay đắng để làm gì? Tất nhiên  để làm quan. Nếu không đi học đi thi làm gì? Đã hơn một lần tôi tép miệng ngán ngẩm: không làm quan thì lấy gì để ăn ? [6]  Anh bị bắt giam, bị nhốt tù có phải vì một mưu toan? Phán quan vừa nói vừa nhìn tôi với vẻ dò xét. Anh ta muốn biết điều gì nơi tôi? Sao anh ta lại nghĩ tôi có mưu toan? Bị bắt nhốt vào tù thì hẳn phải có nguyên nhân. Từ ngày anh bỏ đi khỏi Tuyên Quang đến nay anh đã làm những gì? Dù sống ở xa kinh đô nhưng tôi cũng được biết tin về những gì đã diễn ra ở đó: Nguyễn Huệ đã ra Thăng Long truất bỏ chúa Trịnh, Nguyễn Hữu Chỉnh lộng quyền, Nguyễn Huệ ra bắc lần thứ hai, Chiêu Thống chạy sang Tàu cầu cứu quân Thanh, Nguyễn Huệ ra bắc lần thứ ba đánh tan quân Thanh, Chiêu Thống bỏ chạy theo giặc kết thúc vương nghiệp nhà Lê. Trong khung cảnh những biến động ấy đám bề tôi của triều đình Lê Trịnh đã bị đặt trong tình huống rối bời. Chính trong khung cảnh đó tôi cũng tìm đường bỏ chạy trong hoảng loạn.Trước sức tấn công như sóng lửa vào kinh thành Thăng Long, quân Thanh chống đỡ trong tuyệt vọng, tàn quân đạp lên nhau cố gắng chạy sang bên kia sông.Tôn Sĩ Nghị phải chui vào ống đồng cho binh lính kéo chạy. Chiêu Thống chạy ra bờ sông bị dân kẻ chợ cởi thắt lưng tìm vàng bạc châu báu và bị lột cả hoàngbào... Chạy theo vua không kịp , đi đâu đây?

Đi đâu đây ? Trở lại nhiệm sở ? Không được. Về nhà? Tôi còn nhớ như in thời điểm đó khi ba anh em tôi dừng lại trên con đường cái quan  và nhìn nhau bần thần. Đi đâu ? Về đâu? Cuối cùng ba anh em tôi chia tay nhau mỗi người đi một ngả. Hình như chúng tôi chẳng có điều gì để dặn dò hay hẹn ước. Anh Nễ về quê mẹ ở Từ Sơn, chú Úc về Tiên Du còn tôi về Thái Bình, nơi vợ con tôi đang sống.  Những ngày tháng ở Thái Bình có gì để nhớ? Chỉ có niềm vui nhỏ được sống bên vợ con nhưng thực ra bao nhiêu sự việc làm rối lòng đã khiến cho niềm vui đó chẳng còn ý nghĩa gì với tôi. Tin từ Nghi Xuân cho biết dinh thự, nhà thờ... đã bị đập phá tan hoang vì Nguyễn Quýnh kết lạp nghĩa sỹ nổi dây chống Tây Sơn. Trong khi Nguyễn Nễ  đang ẩn náu ở Bắc Ninh  thì nhận được dụ của Quang Trung triệu vào Phú Xuân. Cùng lúc Đoàn Nguyên Tuấn, anh vợ tôi, ra cộng tác với nhà Tây Sơn và có mặt trong đoàn sứ bộ sang Tàu. Một triều đại mới đã bắt đầu. Nhà Lê đã dứt. Bao nhiêu sự việc ngổn ngang lại thêm cái chết bất ngờ của người vợ thân yêu, tôi quyết định  trở về quê nhà.

 

Quê nhà ngày tôi trở lại vẫn còn nguyên đó một vùng đất nghèo,một thiên nhiên khô cằn với cát và đá, cỏ cây xơ xác, những luống khoai bụi sắn èo oặt, những diện tích trồng lúa nhỏ hẹp, ít ỏi chen vào giữa những đồi đất đá rộng lớn... Tôi tự hỏi: Sao tổ tiên tôi lại dừng chân ở nơi này để khởi nghiệp? Tại sao không đi thêm nữa về phương Nam nơi có những cánh đồng màu mỡ bạt ngàn, những dòng sông đầy tôm cá, những cánh rừng đầy cây ăn trái? Tổ tiên tôi đã đến đây, đã ở lại đây. Tôi đâu có quyền để chọn [7] nơi mình sinh ra ...Những đổi thay của cuộc sống thời nhiễu loạn như đã để lại dấu vết trên từng tấc đất dưới bước chân tôi. Quê nhà đã không còn như ngày ra đi. Qua xã Xuân Yên, Tiên Điền vẫn còn đó nhìn ra biển Đông bao la lộng gió, bờ biển cát trắng một màu, trên sóng nước những cánh chim biển bay lượn ... Phía tây dãy Hồng Lĩnh vươn cao sừng sững. Nước sông Lam vẫn chảy, bến Giang Đình còn đây nhưng  dinh thự, từ đường, chùa miếu thời cha tôi ở lúc thịnh thời xây dựng đã không còn, có chăng một mảng tường , một cột trụ , một bậc thềm rêu phong ... Thay vào đó có mấy ngôi nhà nhỏ mái ngói còn tươi là những xây dựng của Nguyễn Nễ. Một thời đã qua.

 

Tôi đã trở lại quê nhà. Những gặp gỡ bàng hoàng. Những nghẹn ngào không nói thành  lời... Bao nhiêu câu chuyện đau lòng. Những miệng cười mếu máo. Những hàng nước mắt bỗng trào ra. Tôi bước đi trên những con đường quen thuộc mà sao bỗng thấy xa lạ. Tôi lại nhớ những nơi chốn đã từng đặt chân tới như đất Thiên Trường của nhà Trần, đất Lam Kinh...lịch sử mới qua đó nay đã sớm hoang tàn. Điều đó cũng đã hiện hữu ngay trên quê hương Tiên Điền của tôi. Đi thăm những gia đình người thân nhà nào tôi cũng thấy có bàn thờ, có thư phòng với bút nghiên, trên cột, nơi vách đều có treo câu đối, những bức họa đề thơ. Tôi nhớ tới hai câu ca dao truyền tụng: Bao giờ Ngàn Hống hết cây, Sông Rum hết nước họ này hết quan.Trong họ có bao nhiêu người học giỏi, bao nhiêu người đỗ đạt, bao nhiêu người làm quan, quả thực tôi không thể nhớ hết. Có một điều buộc tôi phải biết: tất cả những người đó nay không chung về một mối. Kẻ hướng về nhà Lê, người ra làm quan với nhà Tây Sơn, kẻ lui về ở ẩn, có người hướng về phương Nam. Tôi hoang mang trước những lựa chọn. Tôi quanh quẩn nơi quê nhà với thực tế cuộc sống : cơm gạo. Phải làm gì đây? Sao không vứt bỏ bút nghiên mà lội chân xuống ruộng cầm lấy cái cày cái cuốc.  Mở hai bàn tay ra trước mặt: bàn tay này không cầm bút có thể cầm cuốc, cầm cày được không ? Tôi thầm điểm danh những người chung quanh, những người đã có chút chữ nghĩa thì chẳng thấy ai chân lấm tay bùn, chẳng thấy ai nói tới lúa khoai, bàn về mưa nắng, nông vụ...Thường mọi người gặp nhau bên khay trà , hoặc chung quanh bình rươu luận bàn về Tứ Thư, Ngũ Kinh ... Chuyện thơ phú  và những ngâm vịnh có khi thâu đêm suốt sáng. Điều này đã hình thành từ bao giờ. Truyền thống của những người ra đi mở cõi khai hoang lập nghiệp sao không còn thấy. Ở đất này hình như ai cũng làm thơ , đọc thơ , thuộc thơ .Chữ nghĩa , thơ phú lúc này đối với tôi thực vô nghĩa. Tôi quẩn quanh, đi ra đi vào, nằm ngồi lẩn thẩn có lúc lại cầm lấy cuốn sách lật ra đóng lại với đầu óc rỗng không. Những người trẻ trong làng thường kết hợp lại thành những nhóm nhỏ khoảng năm bảy người. Có đám vào núi đi săn, có đám đi câu, có đám đêm đêm rủ nhau sang làng bên ca hát...hình như họ chẳng bận tâm gì tới cuộc sống. Sự thay đổi triều đại, những va đập của chọn lựa đã không hiện diện trong trao đổi. Tại sao vậy ? Tôi lúng túng với chính mình: tại sao lại bắt tôi phải lựa chọn? Và tôi tự đưa ra câu trả lời: hãy vào rừng lên núi  mà săn thú, bắn chim, Hãy ngược[8] sông, ra biển mà bắt cá, hãy vui chơi mà quên đi thế sự ... Nhưng tôi không thể nào quên được với một tâm tư nặng trĩu những âu lo dằn vặt ...

 

Tại sao anh không ra hợp tác với tân triều? Anh nghĩ nhà Lê sẽ khôi phục lại cơ đồ à ? Hay anh đang hướng về Nguyễn Ánh ở phương Nam ? Mấy câu hỏi của viên phán quan làm tôi nhớ tới cái lúc bước chân vào nhà giam ở trấn Nghệ An hôm nào . Việc xẩy ra vào một buổi sáng: một toán lính đứng trước cổng với công văn gọi đích danh Nguyễn Du lên trình diện quan Trấn thủ Nghệ An.  Tôi tự hỏi: cái gì vậy ?Toán lính lặng lẽ dẫn tôi đi không nói một lời. Tới dinh quan trấn thủ tôi được ra dấu đứng lại nơi giữa sân.  Một người lính bước vào trong, lúc sau anh ta đi ra đứng trước mặt tôi bảo: đi theo tôi. Tôi được dẫn đi về phía sau ngôi nhà lớn, vượt qua thêm mấy lớp cửa và người lính  ngừng lại trước một gian phòng có những chắn song lớn. Người lính mở cửa và nói với tôi: có lệnh bắt giam anh. Tại sao? Không một lời giải thích. Tôi bất ngờ với sự việc. Kẻ cầm quyền khi nào cũng có lý cho hành động của mình. Tôi bước chân vào trong phòng, người lính đóng mạnh cánh cửa.  Tôi đã trở thành tù nhân. Phải có lý do để trấn thủ Nghệ An ra lệnh bắt giam mình. Tôi thử tìm kiếm lấy một câu trả lời, nhưng tất cả đều mơ hồ. Có một buổi sáng tôi thấy khu nhà tù chộn rộn một cách khác thường: từng toán người được đưa đi sau lại có những toán khác được đưa vào. Tôi chờ đợi đến phiên mình. Tôi ngồi sát ra cửa đưa mắt  quan sát sinh hoạt ở phía  ngoài. Không xa, ở gần một lớp cửa có hai lính gác đang nói chuyện với nhau . Một giọng khàn: hôm nay quan ra lệnh cho thả hết những tên trộm cắp sau khi bắt gia đình viết tờ cam kết bảo lãnh và mỗi tên bị đánh năm trượng, đứa nào khóc la bị đánh thêm hai trượng. Một giọng khô: có hai thằng ăn trộm trâu không ? Có - Hai đứa đó là anh em mồ côi thì lấy ai bảo lãnh? Còn cái bọn kiêu binh kết bè đảng đi ăn cướp ? – Mấy đứa già yếu bệnh tật được tha ,còn những tên khỏe mạnh bị đưa đi đập đá trên núi. Riêng  ba cha con đi đào  trộm củ chuối thì không chịu về - Bọn nó điên à – Thằng bố bảo ở đây không đói , về nhà phải đi ăn trộm khổ lắm - Quan xử trí làm sao ?- Cho lính lôi bỏ ra đường trong khi chúng kêu khóc thảm thiết. Trại giam đông quá, phải thả bọn nó ra mới có chỗ mà nhốt bọn khác chứ.  Sao nhiều kẻ bị bắt thế nhỉ - Nghe đâu toàn bọn phản động, trong đó có cả tàn quân của tên Nguyễn Quýnh bị giết lúc trước. bọn phục Lê ở đất này xem chừng còn nhiều. Lúc sau hai tên lính bỏ đi , cánh cửa được đóng lại . Tôi nghĩ : chắc là mình nằm trong danh sách rồi, ông anh mình mới làm loạn đó thôi, trối làm sao được.

 

Cái mặt của tên phán quan hiện ra với vẻ đáng ghét: anh có mưu toan, anh chống Tây Sơn, anh định vào phương nam theo Nguyễn Ánh, trấn thủ Nghệ An bắt nhốt anh là phải rồi. Nhưng sao anh chỉ ở trong tù chưa hơn trăm ngày đã được tha? Chắc anh đã van xin, đập đầu kêu oan, đã viết cam kết trung thành với tân triều? – Anh nghĩ tôi  là một người như thế sao? Đó là quyền của anh.Tôi chẳng làm gì cả - Anh làm gì ở trong tù ai mà biết được. Tôi  biết chắc một điều: anh có làm thơ. Không sẵn giấy bút nhưng thơ nó ở trong đầu anh. Ai vào tù cũng ham làm thơ, nhiều khi chỉ là vè để gửi tâm sự: nào nhớ vợ nhớ con, nào ân hận đã không ở nhà để phụng dưỡng cha mẹ, có kẻ [9]  làm thơ thế sự, có kẻ làm thơ kể khổ, có kẻ làm thơ dặn con về mai sau , cũng không thiếu những bài thơ mà kẻ viết coi như di ngôn muốn nhắn gửi cho hậu thế. Có kẻ nói về ngày ra khỏi ngục thất sẽ vẫy vùng phá tan tất cả những nhà tù trên thế gian này. .. Ôi thôi thơ trong tù thì vô số kể. Anh mà ở trong tù lâu hẳn có nhiều thỏ để lại cho hậu thế. Thật đáng tiếc. Khi anh bước chân ra khỏi nhà tù chắc anh biết vì sao  anh được tha. - Tôi chẳng biết gì cả cho tới khi về nhà mới hay: anh Nguyễn Nễ đã nói chuyện với tướng Tây Sơn tên là Nguyễn Thuận, họ từng là ban với nhau. Tên phán quan phá lên cười một cách khả ố: họ cùng phe với nhau mà, thế còn ông anh vợ lúc đó ở đâu ? Làm sao tôi biết ông ấy ở đâu ...Thế anh không tức giận vì bị bắt giam sao ? Ở trong nhà giam có lúc tôi thấy ở trong hay ở ngoài cũng thế thôi. Tôi chẳng muốn nghĩ ngợi gì. Tôi buông tôi trôi đi  chẳng thắc mắc là mình sẽ trôi tới đâu. Tôi ngoái cổ nhìn lại đời mình, tôi chỉ thấy tôi bị đẩy tới không ngừng và tôi đã chẳng hề chủ động quyết định hay tham dự gì. Thật là khốn khổ phải không ?Phán quan đứng thẳng người hai tay dơ lên trời : Anh kêu khốn khổ mà tôi thì không thấy , cả đời anh chỉ đi học , làm quan , đọc sách , làm thơ, khi chết thì nhắm mắt ở kinh đô nhưng xương cốt   được đưa về táng ở quê nhà. Vậy còn đòi gì nữa ? Tôi thấy anh tham quá. Bây giờ anh có muốn sống lại và trở về quê hương không ? Không. Không. Trở về đó làm gì ? Phán quan gật gật đầu : tôi biết trước điều anh nói. Anh đã từng viết : Hồn ơi ! hồn ơi! Đông ,Tây,Nam ,Bắc không có nơi nào nương tựa đâu ! Lên trời ,xuống đất đều không được ,Về đất Yên , đất Dĩnh mà làm gì ? Anh đã chẳng viết thế để gửi cho hương hồn người đã nhảy xuống sông Mịch La đó sao? Anh còn bảo : Họ không để lộ vuốt nanh sừng và nọc độc. Nhưng cắn xé thịt người ngọt xớt như đừơng. Nghĩa là sao ? Chẳng lẽ anh đã trải nghiệm như thế nơi cõi trần ? Anh không muốn trở lại quê hương cũng có nghĩa anh không muốn trở lại cõi trần, không muốn trở lại làm người ? Vậy anh muốn đi đâu ? Tôi phải thú thật với anh : tôi không thể hiểu được anh .

 

(trích Tự Truyện Nguyễn Du)

Dương Nghiễm Mậu
Số lần đọc: 1848
Ngày đăng: 05.07.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Kẻ tự vẫn - Lưu Thuỷ Hương
Phượng Hoàng Bay Về Đâu - Vương Hà
Giang Hồ - Hà Thúc Sinh
Kêu ai - Lê Văn Thiện
Freud Lắc Đầu - Tiêu Đình
Tượng Than - Kinh Dương Vương
Một kết cục vui vẻ - Phạm Phương
Tuyệt Tình Ca - Quý Thể
Kẻ đội mồ - Lưu Thuỷ Hương
Đại Bất Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh - Bùi Hoằng Vị
Cùng một tác giả
Trong Cõi U Minh (truyện ngắn)
Tiếng nói (truyện ngắn)
Cũng Đành (truyện ngắn)