Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.211
123.205.704
 
Những ngôi mộ cổ họ Lê Văn: Bi Kịch Và Huyền Thoại
Diệp Hồng Phương

Trong công việc phục dựng gia phả các dòng họ, chúng tôi luôn có niềm say mê tìm đến những ngôi mộ cổ của tổ tiên dòng họ, thắp hương chiêm bái, qua đó dịch và đọc bia ký để hiểu rõ hơn về các vị tổ tiên, hiểu sự phát triển của dòng họ cũng như sự thăng trầm của những vùng đất, của lịch sử dân tộc.

 

Trong việc dựng Gia phả họ Lê Văn (những hậu duệ kiệt xuất là Đức Tả quân Lê Văn Duyệt, Tả dinh Đô thống chế Lê Văn Phong) chúng tôi đã có những chuyến điền dã về 2 xã Long Hưng, Hòa Khánh (Tiền Giang) quê quán Đức Tả quân Lê Văn Duyệt và thôn Bồ Đề, xã Đức Nhuận, Huyện Mộ Đức (Quảng Ngãi) là Tổ quán họ Lê; đến các nhà thờ-khu mộ họ tộc, tìm hiểu lai lịch các bậc tổ tiên qua các ngôi mộ cổ, hiểu được sự thăng trầm của dòng họ, số phận của từng vị tổ, cũng như những bi kịch mà lịch sử đã đè nặng lên họ tộc Lê Văn suốt mấy trăm năm…

 

Ngôi mộ Đức Thượng công- Tả quân Lê Văn Duyệt

 

Đức Tả quân Lê Văn Duyệt là bậc khai quốc công thần, là vị tướng giỏi phò Chúa Nguyễn Ánh vạn dậm trường chinh lúc Chúa Nguyễn mất đất Gia Định chạy về Rạch Gầm-Mỹ Tho cho đến lúc lấy lại sơn hà xã tắc, lên ngôi vua lấy hiệu là Gia Long. Ngoài những tước hiệu được Vua ban, Lê Văn Duyệt được người dân Nam bộ nhắc đến với tên gọi Tả quân Lê Văn Duyệt, tôn kính hơn thì gọi là Đức Thượng Công hoặc ông Lớn Thượng.

 

Tả quân Lê Văn Duyệt giữ chức Tổng trấn Gia Định hai lần, lần thứ nhứt 1813-1816 và lần hai từ năm 1820 cho đến lúc qua đời năm 1832. Sự phát triển vượt bậc về kinh tế (thương mại, giao thương với các nước lâng ban), xã hội, văn hóa và quân sự của đất Gia Định trải dài từ Bình Thuận vô tới Cà Mau, Hà Tiên sách sử đã ghi nhận. Tài năng và công đức của Tổng trấn Gia Định thành Lê Văn Duyệt được người dân Nam bộ hết lòng tôn kính.

 

Đức Thượng công-Tả quân Lê Văn Duyệt qua đời năm 1832, mộ táng Bình Hòa thôn, huyện Bình Dương, tỉnh Gia Định.

 

Năm 1835, vụ nổi dậy chống lại triều đình của con nuôi Tả quân Lê Văn Duyệt là Phó Vệ úy Lê Văn Khôi kết thúc đẫm máu. 1831 sinh linh bị triều đình nhà Nguyễn (Minh Mạng) xử chém, tạo nên ngôi mả Ngụy trên đất Phiên An, ghi dấu ấn tàn bạo của chế độ phong kiến triều Nguyễn. Tổng trấn Gia Định thành Lê Văn Duyệt dù chết đã lâu cũng không tránh khỏi liên lụy, vẫn bị trả thù. Sau khi các quan đại thần dâng biểu nghị án, vua Minh Mạng ra chỉ dụ:

 

“Tội Lê Văn Duyệt nhổ từng cái tóc mà kể cũng không hết, nói ra đau lòng, dù có bổ quan quách mà giết thây cũng là đáng tội. Song nghĩ hắn chết đã lâu, và đã truy đoạt quan tước, xương khô trong mả không bõ gia hình. Vậy cho Tổng đốc Gia Định đến chỗ mả hắn, san làm đất phẳng và khắc đá dựng bia ở trên khắc những chữ "Quyền yểm Lê Văn Duyệt phục pháp xử", để chính tội danh cho kẻ đã chết mà tỏ phép nước về đời sau, làm gương cho kẻ quyền gian muôn đời".

 

Nhưng Tả quân Lê Văn Duyệt phạm tội gì mà mộ Ngài bị san bằng và cắm bia “sỉ nhục”; tước hiệu của Ngài, của thân sinh Ngài bị thu lại, bia mộ bị đục xóa, điền ruộng bị tịch thu, nhà thờ họ tộc tại làng Bồ Đề, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi (Tổ quán họ Lê Văn) bị voi của quan quân Quảng Ngãi về tàn phá. Và thảm kịch mấy mươi người là con cháu của Ngài bị xử trảm hàng loạt tại kinh thành Huế năm 1938!

 

Tội của Đức Tả quân phải chăng đã được hình thành bởi lòng đố kỵ, sự ganh ghét và trả thù của vua Minh Mạng; của lòng trung quân mù quáng mà các vị quan triều đình thời đó rất đỗi tự hào? Lớp đầu rơi, máu chảy; lớp chịu lưu đày, lớp khác phải bỏ trốn đổi họ thay tên, lưu lạc cội nguồn dòng họ.

 

Bi kịch họ Lê Văn quả thật hãi hùng!

 

Đọc tư liệu, sách sử thấy có nói về phần gia hình ngôi mộ Đức Tả quân là “san bằng, dựng bia và xiềng xích”, nhưng ở các tư liệu nghiên cứu, lịch sử khác như Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim, Việt Nam Trung hưng Công thần Lê Văn Duyệt của nhà nghiên cứu Đặng Thúc Liêng, Quốc sử quán triều Nguyễn-Đại Nam liệt truyện Quyển 23 thì nói mộ đất của Ngài bị Tổng đốc Gia Định cho người san bằng và dựng bia ghi 8 chữ “Quyền yêm Lê Văn Duyệt phục pháp xử”, không nói mộ bị xiềng xích. Trãi qua hàng trăm năm, chuyện ngôi mộ của Đức Tả quân có bị xiềng xích hay không vẫn chưa có chứng cứ xác thực.

 

Chánh thất phu nhân của Ngài là bà Đỗ Thị Phẩn không bị kết tội. Sau ngày Đức Tả quân qua đời, bà đã vào tu trong một ngôi chùa rồi mất ở đó. Thi hài bà được gia nhân đưa táng bên cạnh mộ Đức Tả quân.

 

Năm đầu đời Tự Đức (1848), Đông Các đại học sĩ Võ Xuân Cẩn dâng sớ xin phục hồi quan tước, gia ơn cho con cháu các công thần nhà Nguyễn trong đó có Đức Tả quân Lê Văn Duyệt. Vua Tự Đức xem sớ cảm động chỉ dụ giải oan cho Đức Tả quân và trả lại tước vị, phẩm hàm ngày trước đã ban cho Ngài và song thân Ngài. Quan làng Long Hưng, tỉnh Định Tường tìm ra Lê Văn Niên, con bà Lê Thị Hổ là cháu gọi Đức Tả quân bằng cậu, trả lại 32 mẫu ruộng làm hương hỏa thờ phụng song thân Đức Tả quân. Lại đón Lê Văn Thi là con cụ Lê Văn Dược, cháu nội Tả dinh Đô thống chế Lê Văn Phong, về cùng hương chức làng Bình Hòa xây nơi thờ tự Đức Tả quân. Từ đó đến nay, Đền thờ Đức Tả quân sau nhiều lần trùng tu và mở rộng, đã trở thành Khu lăng mộ cổ kính và uy nghi.

 

Mộ song táng của Đức Tả quân Lê Văn Duyệt và Chánh thất phu nhân Đỗ Thị Phẩn được đắp cao, xây lại đàng hoàng với tường thành kiên cố chung quanh. Trải qua hàng trăm năm, mưa nắng đã tạo nhiều vết rêu phong cổ kính trên khu mộ; nhưng bi kịch họ tộc Lê Văn vẫn không phai nhòa trong lòng người dân Gia Định./

 

 

Mộ song táng đức Tả quân và Phu nhân

 

Ngôi mộ Tả Dinh Đô Thống chế Lê Văn Phong “thất lạc” suốt  trăm năm

 

Tả dinh Đô Thống chế Lê Văn Phong là em ruột của Đức Tả quân Lê Văn Duyệt, thân sinh là cụ Lê Văn Toại và bà Nguyễn Thị Lập, sanh tại làng Hòa Khánh, tỉnh Định Tường năm Kỷ Sữu 1769.. Lê Văn Phong theo anh mình phò chúa Nguyễn, đánh quân Tây Sơn, được phong đến chức Đô Thống chế. Ông là người khỏe mạnh, giỏi võ, nhiều mưu lược.

 

Năm 1820, Lê Văn Phong được cử ra Bắc làm Phó Tổng trấn Bắc thành (cùng thời Hậu quân Lê Chất làm Tổng trấn Bắc thành). Lúc đó Đức Tả quân Lê Văn Duyệt là Tổng trấn Gia định thành.

 

Trong bài Tựa của Gia phả họ Lê Văn làng Bồ Đề, huyện Mộ Đức (Tổ quán họ Lê Văn) viết bằng chữ Hán, hai anh em Lê Văn Duyệt và Lê Văn Phong được đề cập như sau:

 

Huynh Nam, đệ Bắc oai danh chấn

Tứ hiếu, thần trung tiết nghĩa cao.

Dịch là:

Anh trấn trong Nam, em trấn ngoài Bắc, lừng lẫy uy danh

Con tròn đạo hiếu, tôi vẹn lòng trung, nêu cao tiết nghĩa.

 

Tả Dinh Đô Thống chế Lê Văn Phong có hai người vợ và các bà vợ lẻ. Ông có nhiều con, số chánh thức ghi trong gia phả làng Bồ Đề là 27 nam, 4 nữ; và còn những người con khác nữa…

 

Do Đức Tả quân Lê Văn Duyệt không có con nên theo chỉ dụ của Vua Gia Long, Lê Văn Duyệt lập con trưởng của Lê Văn Phong là Lê Văn Yến làm con thừa tự. Lê Văn Yến được vua gả con gái thứ mười là công chúa Ngọc Ngôn, trở thành Phò mã Đô úy.

 

Ở đất Bắc, ông Lê Văn Phong tự nghĩ mình ít học, khó giữ chức lớn nên xin được nghỉ. Vua Gia Long nhứt quyết không chịu. Năm Minh Mạng thứ 4 (1824 -Giáp Thân), Lê Văn Phong về Huế dự chầu, sau đó về quê thăm gia đình, rồi bị bệnh qua đời, thọ 55 tuổi

 

Đức Tả quân Lê Văn Duyệt đứng ra chỉ huy việc xây dựng Lăng mộ cho em mình tại thôn Tân Sơn Nhứt, tổng Dương Hòa Thượng, phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định. Từ đó đến nay đã 185 năm, lăng mộ của Ngài Tả dinh Đô Thống chế Lê Văn Phong có còn tồn tại với thời gian? Sau ngày họ Lê Văn bị tàn sát, liệu còn con cháu họ Lê Văn nào trông nom, giữ gìn Lăng mộ?

 

Thời gian và sự lãng quên làm mờ phai dấu tích xưa?

Sách Gia Định Xưa của Huỳnh Minh xuất bản trước năm 1975, ghi: Lăng Tả Dinh Lê Văn Phong, em ruột Tả Quân Lê Văn Duyệt, tọa lạc tại phía hữu đại lộ Cách mạng, trong phạm vị xã Tân Sơn Hòa. Tương truyền lăng này do Lê Tả Quân đứng trông nom xây cất, nên lăng này kiên cố và hùng vĩ”.

 

Học giả Vương Hồng Sển trong sách Sài Gòn năm xưa (trang 190-nxb TP.HCM, 1997) viết:

 

Lăng Lê Văn Phong, sinh tiền tặng “Ông Tả Dinh” là em của Lê Tả quân. Mất trước Tả quân, nên mộ phần kiên cố hùng vĩ, bởi do Tả quân đứng trong nom xây cất .

 

Chúng tôi mới tìm được trước ở trong hoa viên nhà ông quản lý Đông Pháp ngân hàng, sau vì đổi chủ nên mất tích. Bây giờ lọt vào đất quân sự, muốn vào phải xin phép. Trước ở về phía hữu đường Mac Ma Hông kéo dài. Nay ở về phía hữu đường Ngô Đình Khôi, khuất trong xa, phải cố tìm mới ra mối”

 

Căn cứ vào hai nguồn tư liệu trên, chúng tôi tìm kiếm dấu tích lăng mộ của Ngài Tả dinh Đô thống chế Lê Văn Phong “bên hữu đại lộ Cách mạng” tức đường Nguyễn Văn Trỗi ngày nay, xưa kia có tên là đường Macmahon hay đường Ngô Đình Khôi. Với chi tiết “lọt vào khu đất quân sự” thì chúng tôi hiểu là khu vực sân bay Tân Sơn Nhứt, Bộ Tư lệnh Quân khu 7 ngày nay; trước năm 1975 là Bộ Tổng Tham mưu Quân đội Cộng Hòa.

 

Trong ngày giỗ kỵ Đức Tả quân Lê Văn Duyệt mùng 1 tháng 8 năm Canh Dần, tại Lăng Đức Tả quân, chúng tôi gặp anh Đỗ Thủ Khoa (Việt kiều tại Mỹ), nguyên là sĩ quan quân đội Cộng hòa, trong thời gian dự một khóa học tại Cổng 3 Bộ Tổng Tham mưu, đã chứng kiến việc bốc mộ Ngài Tả dinh Đô Thống chế Lê Văn Phong là bào đệ Đức Tả quân Lê Văn Duyệt. Chúng tôi ghi được các thông tin từ anh Khoa như sau:

 

- Lăng mộ đã hư hại nhiều và nằm cạnh văn phòng tướng Đặng Văn Quang. Cần phá khu lăng và bốc mộ để mở rộng sân chào cờ và nơi đáp máy bay trực thăng.

 

- Lúc bốc mộ, cơ giới trục lên một cổ quan tài cao lớn với nắp tròn cao như mâm xôi, hai đầu dưới nhỏ, đoạn giữa có cái Minh Tinh, gọi là “Tam gia triều nhũ” còn mới nguyên dù đã chôn cất hàng trăm năm. Ngoài di hài với trang phục triều đình, còn những di vật chôn theo như mảo, áo, bao đai thắt lưng và cả đôi hia quan võ của Ngài. Những di vật đó đã đem nhập vào viện Bảo tàng.

 

Nhưng di hài Ngài Tả dinh Đô Thống chế được cải táng về đâu thì anh Khoa nghe nói đưa về phía bên trái, cách khu lăng mộ cũ vài cây số. Thời gian đó là năm 1961, cách nay 50 năm!

 

Với sự hướng dẫn của anh Khoa, Ban Quý tế Lăng Đức Tả quân đã tìm ra vị trí ngôi mộ cải táng của Ngài Tả dinh Đô Thống chế, ở phía sau vách khu mộ Hoài Quốc Công Võ Tánh, nằm trong đất quân sự, cổng 2 Doanh trại Quân đội, số 17 đường Hồ Văn Huê, Phường 9, quận Phú Nhuận. 

 

 

    

Ngôi mộ và bia mộ cải táng Ngài Tả Dinh Đô Thống chế Lê Văn Phong

 

 

Bia dưới chân mộ ghi:

 

Việt Nam Đại thần Lê Văn Phong chi mộ

Cải táng ngày 27-10 Tân Sửu (tức 4-12-1961)

 

Chữ Việt khắc trên đá hoa cương xám gắn ở bình phong hậu đầu:

 

Từ trần tháng 9 năm Giáp Thân 1824 Minh Mạng thứ 5.

Linh vị, tiểu sử thờ tại Hưng Quốc Tự.

 

Hưng Quốc Tự là ngôi chùa Tuyên úy Phật giáo nằm trong Bộ Tổng Tham mưu Quân đội Cộng hòa trước đây, nay không còn.

 

Buồn thay, ngôi mộ xây bằng gạch xi măng nứt nẽ nằm trong miếng đất nhỏ bé rác rến tràn ngập, lại là nơi lưu giữ hài cốt của vị Đại thần Việt Nam Tả dinh Đô Thống chế Lê Văn Phong.

 

Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh có lưu giữ một số di vật bằng kim loại đính trên mảo, đai và trâm cài tóc đuợc đưa về năm 1961, từ Phú Nhuận. Đó chính là những di vật của Ngài Tả Dinh Đô Thống chế Lê Văn Phong, được lấy từ khu Lăng mộ, chôn theo năm 1824.

Hậu duệ họ Lê Văn tại Tây Ninh, Củ Chi với ông Tổ là Lê Văn Dược (con của Ngài  Lê Văn Phong) hàng chục năm qua đã cất công tìm kiếm dấu tích khu lăng mộ Tổ nhưng không có duyên tìm gặp. Nay, các ông bà Lê Minh Thành, Lê Tấn An và Lê Thị Bân là con cháu đời thứ Năm đã tìm về thắp hương cho Ngài Tả dinh và bàn bạc với Bộ Tư lệnh Quân khu 7 cho cải táng về Khu mộ họ tộc tại ấpTháp, xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi vào mùa Thanh Minh năm tới.

Ngôi mộ của Ngài Tả Dinh Đô Thống chế Lê Văn Phong suốt trăm năm “thất lạc” sẽ về với cháu con, hương hoa ấm cúng./.

 

 

  

Những miếng kim loại đính trên bao đai, mão của Ngài Tả dinh được đưa về Bảo tàng Việt Nam (Sài Gòn) năm 1961.

Diệp Hồng Phương
Số lần đọc: 2908
Ngày đăng: 08.07.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Ba triều đại Lê Trịnh, Tây Sơn, Nguyễn nối tiếp đòi trả đất tại phủ An Tây, Hưng Hóa. - Hồ Bạch Thảo
Cuộc Chiến Thương Mại Của Chính Quyền Chúa Nguyễn - Nguyễn Lục Gia
Giải Mã Đại-Nam-Thực-Lục-Tiền-Biên - Nguyễn Lục Gia
Hoàng Đế Tự Đức Dị Ứng Với Thiên Triều - Nguyễn Lục Gia
Thực Lực Về Cuộc Ðấu Tranh Chống Ngoại Xâm Dưới Thời Quân Minh Cai Trị. 5 hết - Hồ Bạch Thảo
Saigon-Chợ Lớn và Nam bộ: Từ tiền sử đến Phù Nam, đế quốc Khmer và vương quốc Champa (Phần 2) - Nguyễn Đức Hiệp
Thực Lực Về Cuộc Ðấu Tranh Chống Ngoại Xâm Dưới Thời Quân Minh Cai Trị. 4 - Hồ Bạch Thảo
Chiến lược của Nguyễn Cư Trinh trong việc củng cố và phát triển miền nam Việt Nam - Hồ Bạch Thảo
Saigon-Chợ Lớn và Nam bộ: Từ tiền sử đến Phù Nam, đế quốc Khmer và vương quốc Champa (Phần 1) - Nguyễn Đức Hiệp
Thực Lực Về Cuộc Ðấu Tranh Chống Ngoại Xâm Dưới Thời Quân Minh Cai Trị. 2 - Hồ Bạch Thảo