Bởi vì, em đã đến với ta khi ta không còn gì hết. Ta đã nói khi ta vào ngôi trường của chiến tranh có nghĩa là ta không còn là ta nữa. Cái tôi của mình đã bị tước đoạt từ thể xác đến tâm hồn. Người ta đang cố biến tập ta thành một người máy. Nhưng ta vẫn còn trái tim. Bởi vì trái tim mà ta đã có mặt. Trái tim bắt ta phải lên đường, phải chấp nhận cái định mệnh của thế hệ sinh và lớn lên trong chiến tranh. Trái tim nâng bước chân ta khi ta muốn quị, đỡ ta lên khi ta muốn ngã. Trái tim làm ta biết phẫn nộ, sôi sục như quả trái phá, cuồng nhiệt đam mê như hít hà da thịt yêu ma. Trái tim dạy ta phải yêu núi yêu sông, phải hy sinh bản thân, dù ta rất sợ khi phải nói về những mỹ từ tâm lý chiến. Trái tim khiến ta bò đến mục tiêu khi hai cùi chỏ ta trầy trụa. Trái tim mềm yếu vô cùng nhưng cũng mạnh mẽ vô cùng. Và cũng vì trái tim, ta mới yêu em. Mới thương em hơn bao giờ. Ta gặp em khi nào. Ta đâu có tài tán gái. Ta cũng chẳng phải đẹp trai. Ta gầy còm hom hem, mắt nặng độ, gió mạnh thổi muốn ngã. Ta đã được hoãn dịch vì lý do sức khoẻ mà. Thế mà em đã đến với ta, bằng tất cả tâm hồn. Cảm tạ em, cảm tạ Sài Gòn. Nhớ em, phải nhớ Sài Gòn. Phải nhớ chiếc áo dài trắng, và mái tóc cắt demi garçon mà em mang đến. Nhớ em, nhớ hơi hườm như còn vướng lại trăm năm. Nhớ em, đôi vai nào nhỏ bé mềm mại, hàm răng nào trắng như hạt lựu, đôi mắt nào lung linh dưới nắng, đôi môi nào như mềm ướt và thân thể nào nóng bỏng thịt da. Nhớ em, em Sài Gòn, hôm nào, tên ta được gọi. Trời ơi, ai đó cà. Ai như từ tiền thân vì ta phải đọa. Ai lựa tên ta mà bốc nhằm. Ai đến với ta khi thiên hạ bỏ ta mà chạy mà xa. Ai thả chiếc cầu để ta được cơ duyên mà chụp. Cám ơn em. Cám ơn Tăng Nhơn Phú. Nhờ Tăng Nhơn Phú ta mới được gặp Sài Gòn. Cám ơn trong địa ngục ta vẫn còn thấy được thiên đàng. Trong lò luyện thép ta còn hứng được một cơn mưa ân sủng. Có phải em là Gia Long. để anh thèm mưa rất nhỏ. Có phải em là Trương Vương để anh thèm hoa phượng nở... Không, ta chỉ tưởng tượng viễn vông để làm một bài thơ mà ta chưa bao giờ cảm nhận để cho đời đở buồn. Cái tưởng tượng như ông Tố Hữu (ông lành mà dạ chẳng lành) hay những ông nhà văn nhà thơ ngồi trong tháp ngà tưởng tượng để cả thế hệ con cháu các ông đều tưởng thật, xem là chân kinh, để rồi lao về phía trước như bầy thiêu thân. Nhưng ta xin thề, ta rất thật thà với em, em của trái tim Sài Gòn, giọng nói Sài Gòn, mái tóc Sài Gòn, má lúm đồng tiền Sài Gòn, mềm mại mà nồng cháy, yếu đuối mà cuồng nộ đam mê...Bởi rõ ràng như hôm qua, em ngồi đấy, trên tấm vải nhựa ở khu thăm nuôi. Nắng Tăng Nhơn Phú đẹp não nùng bởi vì có nắng Sài Gòn em mang đến. Em gắp cho ta thức ăn như người vợ chiều chồng. Trời ơi, từ khi sinh ra đến giờ, ta có bao giờ được ai chiều chuộng như em. Số ta là số du thủ cô hồn, hoang đàng phóng đảng. Số ta lê la đầu đường xó chợ, số ngủ bờ ngủ bụi mà. Số ta, sinh ra đã nghe tiếng hí kinh hoàng của con ngựa chứng. Số ta, số luôn luôn bom đạn, thù hận, tai ách do từ những thằng già ngồi trong tháp ngà mơ tưởng đến thiên đường và bọn thực dân phát xít luôn luôn rình mò tìm cách xâm lược. Số ta, cha mẹ chia lìa, cha con một người một ngã, nhìn đâu cũng thấy máu, máu, và máu. Số ta, đêm trốn chui trốn nhủi dưới gầm bàn, xó nhà để tránh đạn, tránh bố ráp... Số ta, tiếng khóc đầu tiên không phải là khóc cho một kiếp người mà là tiếng khóc của một thế hệ sinh ra trong thời ta bà mạt kiếp. Số ta, cái số thế hệ chiến tranh, số rớt tú tài anh đi trung sĩ, em ở nhà lấy Mỹ nuôi con... Số ta, như vậy mà em còn thương ta, thì tâm em là tâm bồ tát rồi. Ta đã nói trăm lần, ta phải cảm tạ Tăng Nhơn Phú. Bởi vì nhờ Tăng Nhơn Phú mà ta được yêu Sài gòn và được yêu em. Nhờ có Tăng Nhơn Phú mà bỗng dưng Sài Gòn trở nên gần gủi, mà Gặp em trong chuyến xe về muộn. Trăng đã lên trên khu Hàng Xanh. Sài Gòn Gia định chia trăm ngã. Có ngã nào em hiểu tình anh.
Nhờ có Tăng Nhơn Phú mà trước lạ sau quen con gái Sài Gòn qua thơ Nguyên Sa, qua văn Duyên Anh. Ôi Tăng Nhơn Phú, đồi gian khổ mồ hôi, may mà trên bầu trời vẫn còn có những vì tinh tú sáng để ta còn nhìn về phía Sài Gòn, mà mong mà nhớ. Nhờ có Tăng Nhơn Phú, mà ta mới đổ mồ hôi để còn có em đem cho ta cơn gió mát. Nhờ có Tăng Nhơn Phú mà em đã tìm đến ta, vào ngày cuối tuần, mang theo những món đồ thăm nuôi rải theo nước thánh. Ta ăn dù chua, cũng thành ngọt, dù cứng cũng thành mềm... Em hỏi ta có cực không, khiến lòng ta tở mở: Thấm tháp gì. Ta bị phạt 50 lần hít đất nhảy xổm vì tội để giày bẩn, nhưng ta phóng đại bị phạt cả trăm lần... Làm như Thủ đức như một lò luyện thép... Rồi em cứ bắt ta kể chuyện quân trường. Em nói là mỗi lần em đọc Nhật Ký Quân trường của ta trên nguyệt san bộ binh là mỗi lần em khóc. Em thương các anh sinh viên sĩ quan Thủ Đức quá. Em càng làm ta kiêu hãnh. Như vậy mà ông đại đội trưởng lại cứ phạt ta dài dài. Như vậy mà đám sinh viên sĩ quan cứ nhìn ta nói bóng nói gió: Nguyệt san Bộ Binh không muốn mua cũng phải bị ép mua. Trời ơi, ta đâu có cái thẩm quyền mà nói hờn nói mát như vậy. Ta viết bài, chẳng những không có nhuận bút mà cũng bị trừ lương, 8 đồng một số. Trời ơi. Ta mang mồ hôi của ta của bạn bè để nhỏ lên trang giấy để các em gái hậu phương còn yêu tha thiết các người mà. Sao lại trách ta đồng lỏa. Sao đại uý S. cứ ghen tức vì ta được miễn ngày thứ tư đi bãi để lên họp ở Khối Chiến Tranh Chính Trị hay về Hội quán nhìn em. Tim đại úy là tim đồng tim sắt, làm sao còn biết cái hay của bài thơ Luân Hoán, Nguyên Sa, Cao Thoại Châu, những người thơ cùng khoá của ta? Sao đại úy cứ đì ta đến tả tơi, tơi tả...chỉ vì ta có cái tội là viết báo bộ binh?
Còn em. Em Sài Gòn, thiếu gì chàng công tử mà em lại lặn lội chọn ta. Em nâng khăn, nâng bát, nâng chén, mời ta. Có phải em là lan của vườn hoa bách thảo... Thì vâng. Em là lan. Cành lan mong manh đã nở một đoá hoa vàng rực rở trong hồn ta bát ngát. Mấy mươi năm rồi, nhớ lại em, lòng ta bỗng dưng ấm áp lạ lùng. Nhớ đôi mắt ai lung linh, chẳng hiểu vì nắng Tăng Nhơn Phú đã tắm đầy đôi mắt ấy, hay vì khi yêu ai, ta cứ một mực tôn sùng. Nhớ em, làm sao quên được những lần ta chạm tay, vô tình hay cố ý. Con tim già nua của ta bây giờ cũng phải đập bấn loạn như hôm qua. Con người nhiều khi chỉ cần sống một giây, một giây mà thiên thu bất tận, mà hoan lạc cuồng si, mà mắt sẽ mở trừng, và lòng thì mãn nguyện để mà nhắm mắt như cái giây khắc mà con bướm đực động tình giao hoan trước khi rụng xuống mà chết.
Vâng, may mà có em, đời còn dễ thương. Thơ Vũ Hữu Định tuyệt vời như thế mà sao văn học sử không dành cho bạn ta một chỗ đứng. Nhưng cần gì, trong tim em, tim ta, tim những thằng trẻ tuổi của một thế hệ chiến tranh đã in khắc những câu thơ tuyệt vời ấy rồi. Bởi nó là nỗi lòng đích thật của một thế hệ bị mất mát quá nhiều, bị trù dập quá nhiều. Hỡi các ông soạn sách văn học sử, các ngài hàn lâm khoa bảng.. Các ngài chỉ bắt bọn trẻ học về Huy Cận, Lưu Trọng Lư, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, giòng thơ mới, những kẻ đang ở ngoài Bắc, trong khi những thần tượng của chúng tôi, mỗi ngày nặn óc nặn tim để sáng tạo ra những bài thơ phanh thây uống máu bọn trẻ chúng tôi trong Nam. Các ngài chỉ dựa sách vở để lý luận, tham khảo những tài liệu mốc xì, lỗi thời từ Socrate đến Jean Paul Sarte, các ngài làm sao biết những trang bản thảo được viết dưới hầm, trong bóng đêm dưới ánh đèn pin quân đội, trong bệnh xá, ngoài bãi, trên Trường Sơn, trong sình lầy. Các ngài đâu có hiểu cái dấu chấm dấu phết trở nên vô nghĩa khi hơi thở bị hụt hẩng, khi nỗi lo âu bị đè nặng...
Các ngài đâu có hiểu tại sao lại đốt hết cả văn chương thời chiến của chúng tôi. Bởi vì họ không dám cho những người thuộc hàng ngũ của họ thấy được sự thật của những kẻ mà họ nói rằng: Giết cả trẻ sơ sinh hay hãm hiếp ăn thịt người. Bởi vì họ không dám cho dân họ thấy rõ về một nền văn học nhân bản, mà chúng tôi đã chuyên chở trong những tác phẩm của chúng tôi. Bởi vì họ sợ sự dối trá của họ bị lột mặt. Đấy. Thế hệ chúng tôi là thế. Chiến tranh cướp mất tuổi trẻ đã đành, còn văn chương, văn học chuyên chở cả nỗi lòng của tuổi trẻ cũng bị cướp đoạt tiếp. Chưa kể những tai ương ghê gớm khác mà thế hệ chúng tôi phải gánh chịu sau ngày ngưng tiếng súng: tù tội, trả thù, và cái bản án vô hình ghê rợn: ngụy.
Đấy. Tuổi trẻ của chúng tôi là thế. Của những kẻ ưởn ngực vừa chạy vừa gào xung phong để cho các ngài làm văn hóa, dạy văn hóa, suốt ngày chỉ la lên: Yêu là chết ở trong lòng một tí... trong khi chúng tôi muốn yêu mà không được yêu, đã có yêu rồi nhưng lại ngăn cách chia lìa. Các ngài chỉ biết rung đùi thưởng ngoạn những giòng văn học ngoại lai, các ngài làm sao hiểu được cái tiếng gọi buốt xoáy trong trời đất Việt Nam: em hỏi anh bao giờ trở lại. Xin trả lời mai mốt anh về... Anh trở về với đôi nạng gỗ. Anh trở về bại tướng cụt chân... Các ngài chỉ rung đùi cùng những trang cổ thư quân tại tương giang đầu thiếp tại tương gian vĩ hay tự hãnh diện đầy bồ chữ Mỹ chữ Tây... trong khi không có một nơi nào như phần đất Việt Nam này, mà tuổi trẻ già cả trăm năm, mà mỗi cá nhân là một chứng nhân sống để phán xét về những chủ nghĩa lý thuyết mà các ngài tự hào là những kẻ thông thái. Các ngài không lấy vết sẹo ra để mà làm tài liệu, những giọt nước mắt ra làm chứng từ, mà chỉ lấy kinh nghiệm của những ông Tây ông Mỹ. Ông Tây ông Mỹ có thở như chúng tôi đã thở? Ông có sống như chúng tôi đã sống? Ông có thấy như chúng tôi đã thấy? Các ông có bao giờ đứng bằng cặp giò cụt? đã vác thập tự giá như chúng tôi đã vác? Có viết những trang bản thảo mà phải trùm mền, trùm poncho dưới ánh đèn pin quân đội? May mà có em đời còn đời còn dễ thương. Cám ơn nhà thơ. Và cám ơn em. Em đã làm đời ta thôi buồn thảm như con bò trong đàn bò về thành phố từ bài hát của Trịnh Công Sơn mà Khánh Ly đã rên rĩ đến đứt đoạn: Đàn bò về thành phố đêm buồn vắng buồn hơn...
Bởi vì nếu không có em, chắc bước chân ta sẽ phải thất thểu trên những vĩa hè Sài Gòn để mà tủi thân. Bởi vì không có em làm sao ta hiểu được một Sài Gòn độ lượng bao dung, con gái từ tâm cho mà không cần đặt câu hỏi. Ôi Sài Gòn, ta tự hào hãnh diện có bộ ngực mềm mại, có bờ vai nhỏ bé, có con tim như vang những tiếng chuông chùa nhà thờ... Cần gì sắc đẹp nghiêng ngửa não nùng. Các em ấy đã có phần hết rồi. Bởi Sài Gòn nhiều tướng tá lãnh tụ, chính trị gia, nhà văn nhà thơ tài hoa, tài tử đóng phim đẹp trai, những chàng trai mặc đồ bay, súng ruleau hoa mai trắng...Còn ta chỉ là thằng đang chuẩn bị trở thành một trung đội trưởng bộ binh, chẳng biết nhảy đầm, hay biết lái xe để đưa em dạo phố. Ta chỉ có đôi chân. Đôi chân sẽ lội bộ, sẽ trèo đèo vượt suối, sẽ chạy sẽ ngập sình sẽ dẫm trên từng tấc đất đầy tai họa. Đôi chân sẽ dẫm trên từng tấc đất của quê hương, cho dù một ngày nào đó, sẽ bị què bị cưa bị cụt. Đôi chân chống lấy thân người nhưng cũng chống đỡ những hòn đá nặng của lịch sữ.
Và con tim. Con tim đang thì thầm, em có nghe không đấy. Nó đang nói về một niềm hạnh phúc. Bởi vì tuy gia tài của một tên thanh niên không có gì hết, nhưng em có nghe tiếng còi tàu từ hướng sông Sài Gòn đang vọng về như chúc mừng chúng ta, và trên bầu trời, muôn vàn tinh tú, sáng lung linh, gần nhau, sát nhau, như anh và em. Như buổi chiều Sài Gòn trời đổ cơn giông, ôi cơn mưa ân sủng không ngờ một ngày chúng trở thành những cơn mưa vĩnh cửu: Anh còn lại đây một chiếc poncho Anh xin trải ra cho em ngồi đỡ Em thấy gì không, thiên nhiên cây cỏ Có cả bầu trời xanh biếc trên cao Có tiếng cúc cù của đôi chim cu Có loài bông rừng thơm tho trong gió Sài Gòn dù phố xanh phố đỏ Ở đây cũng yêu mến lạ thường Vẫn cõi đất trời vô lượng bao dung Vẫn bờ cỏ mềm hơn thềm nhung lụa Nắng hôn nhẹ trên những tàn cây nhỏ Lá cũng thì thầm bài hát yêu nhau Anh cũng thì thầm, một bông ngọc lan Vừa mới nở trong hồn anh bát ngát Hãy cho anh thử nhìn lên đôi mắt Để biết rằng đời quá đẹp, dễ thương Sài Gòn buổi chiều trời chuyển cơn giông Cơn mưa vội, bay qua trời Thủ Đức Anh qua Nhà Ăn chui rào Thiết Giáp Biết gì hơn, mang một chiếc poncho Anh không có nhà, để em trú mưa Chỉ chiếc poncho trùm đầu hai đứa Chúng ta hôn nhau, dưới trời mưa thác Mưa Sài Gòn. Mưa xa lộ. Mưa. Mưa Mưa loạn cuồng như hai kẻ sắp xa Bấu chặt lấy giờ cuối cùng sắp mất (Thơ Trần Hoài Thư) Em có lạnh không, em cứ nép vào ngực anh, vào vai anh, và cứ nhắm mắt. Đừng nghĩ. Đừng bận tâm ngày mai. Em yêu dấu của anh./.
(trích Thủ Đức Gọi Ta Về, taí bản lần thứ 5)