Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.190
123.213.751
 
Vốn xã hội, nguy cơ phá sản?
Nam Dao

Vài ý kiến ngắn trong bài viết này là phản ứng cộng hưởng với Thái Kim Lan, Nguyễn Xuân Lộc và Nguyễn Huệ Chi[1] , nhưng không bàn thêm chuyện khả dụng ở thế kỷ 21 của sự minh triết trong “Cư trần lạc đạo phú” của Trần Nhân Tông cách đây 7 thế kỷ trong tình thế Việt Nam hiện nay, không phản biện, hoặc phản phản biện[2] , và cũng không giải trí trí tuệ[3] . Bài viết cố gắng gọi con bò là con bò, con chó là con chó, rất nôm na, cố tránh những mách qué mà ngôn ngữ “học thuật’’ có thể gây ra.

 

1. Cái gì là vốn xã hội?

 

Hệ thống cân bằng kinh tế cung - cầu dựa trên tương tác (trao đổi) giữa những tác nhân (người tiêu thụ, xí nghiệp sản xuất) tự do hành xử theo, và vì, lợi ích (phúc lợi) cá nhân là nền tảng của nền kinh tế thị trường. Dưới một số tiền đề, cân bằng kinh tế này tối ưu theo nghĩa hiệu quả Pareto [4] . Xin kê hai tiền đề quan trọng: (1) phân bố lợi tức của những tác nhân không quá chênh lệch và, (2) thông tin đầy đủ cho mọi tác nhân. Dĩ nhiên, hai tiền đề này không phải là những điều kiện tự nhiên và thực tiễn. Để thực hiện tính hiệu quả, nhà nước được coi như đại diện xã hội đảm trách việc phân bố lợi tức không quá chênh lệch giữa những tác nhân. Cuối thập niên 60, Kenneth Arrow - giải Nobel, người khởi đầu nghiên cứu hiện tượng thông tin không đầy đủ và bất đối xứng như “chọn tréo cẳng ngỗng” (adverse selection), chơi lận (moral hazard), những khái niệm chủ cho những công trình về thiết kế cơ chế kinh tế (mechanism design) đoạt giải Nobel năm nay [5] - phát biểu rằng một khi nền kinh tế thị trường lệch lạc không mang lại hiệu quả (market failures), xã hội có những cơ chế “ngoài thị trường” để bù đắp hoàn chỉnh (phần nào) tính hiệu quả: truyền thống văn hóa, tôn giáo, quan hệ liên kết gia đình, làng xã, tính vô vụ lợi, lòng từ bi, sự tương thân tương trợ… là những thí dụ. Tổng hợp những cơ chế này ta gọi là vốn xã hội [6] , tổng thể những tương quan con người với nhau trong xã hội. Những tương quan này bao gồm toàn bộ gia sản văn hoá, lịch sử, đạo đức, phong tục tập quán v.v..., gọi gọn là đạo lý xã hội mà con người đã tạo dựng và phát huy. Như hệ luận, nền kinh tế thị trường dựa trên nền tảng lợi ích cá nhân càng ít hiệu quả, tất vốn xã hội phải tăng lên để bù đắp.

 

Phân bố lợi tức ở Việt Nam chênh lệch khá trầm trọng giữa thị dân và nông dân, giữa những vùng kinh tế, giữa những khâu sản xuất, những loại xí nghiệp. Về mặt thông tin (kinh tế) đến đại chúng, không thể nói nó hoàn hảo và đầy đủ. Trường hợp điển hình: có những phóng viên bị kết tội vì đã loan tin đình công có hại cho đất nước! Nhưng tại sao ở Việt Nam, với tính hiệu quả [7] của nền kinh tế rõ là kém, vốn xã hội lẽ ra phải tăng lên để bù đắp, lại giảm đến độ có nguy cơ phá sản? Nguy cơ phá sản vốn xã hội này, nói rộng, chính là nguy cơ phá sản của truyền thống đạo lý xã hội.

 

2. Vốn xã hội có nguy cơ phá sản, tại sao?

 

Câu trả lời: vì Việt Nam là một nền kinh tế thị trường có định hướng xã hội chủ nghĩa. Phần định hướng xã hội chủ nghĩa có lẽ quan trọng hơn khâu thị trường, và cụm từ "xã hội chủ nghĩa" cũng "nói vậy mà không phải vậy". Khâu thị trường trong bối cảnh này không phải là thị trường tự do. Đầu tiên ở Việt Nam ta, là tiền đâu (và vào túi nào)… thì mới có chữ ký cho phép làm này làm nọ với một cái khung pháp lý dựng lên trong một xã hội mà chính trị vẫn thống soái, và chính trị là một quyền lực toàn trị phủ trùm từ lập pháp đến hành pháp và tư pháp. Quyền lực tập trung ở trung ương trong hàng chục bộ, trong hàng vài chục thành phố và tỉnh, trong hàng trăm huyện, thậm chí đến cả cấp xã kể đến hàng ngàn, lại rất "sứ quân" kiểu chủ trương đúng nhưng cấp thừa hành cứ bằng chân như vại tiếp tục sai trái, thì sự bảo đảm an ninh của các thứ chữ ký, lệnh miệng… là bưng bít thông tin, chủ yếu những thông tin có hại, nghĩa là làm suy suyển tính chính danh của quyền lực. Hai thể loại "làm giầu’’ ngày nay gần như phổ biến: cướp đất nông dân nhân danh đô thị hóa cần mặt bằng phát triển công nghiệp, và móc ruột những công trình xây dựng công cộng bằng tiền đi vay, bằng những joint-venture với nước ngoài… Móc đến 30, 40 % ngân sách để bỏ túi nên cầu sập, đường lún… Lẽ ra độ bền vững của hạ tầng xây dựng này có thể đến 30, 50 năm, nhưng chỉ 5, 7 năm sau cầu ta, đường ta… hư hao thì cái độ tăng trưởng mỗi năm hô lên là 8% nếu phải khấu hao đi cho đúng tiêu chuẩn quốc tế, còn được bao nhiêu [8] ?

 

Nhưng thời đại này bưng bít thông tin không phải dễ với internet, blog, youtube, điện thoại di động… Vậy, cơ quan thông tin văn hóa phải làm sao đây? Rất đơn giản: Thứ nhất, làm sao cho thông tin không còn chuyển tải ý nghĩa bằng cách làm nhiễu nó, dùng thủ thuật biến nó thành dạng đa chiều, sự thật chỉ còn một phần, tha hồ diễn dịch, đa nguyên trong sự mập mờ, và có mấy ai chẳng biết chuyện anh mù sờ voi, nó có thể là vòi, là tai, là chân, là đuôi… Thứ nhì, làm sao cho dẫu có thông tin nhưng những con người decodeurs cũng chẳng biết phải hiểu thế nào và xử lý thông tin ra sao. Sách lược này dĩ nhiên "cơ bản’’. Đó là làm thế nào để hạ dân trí xuống cái mức "ổn định’’ được xã hội. Ở mức quần chúng, nó là chính sách ngu dân. Vậy, làm cho cái nghề giáo xuống cấp đến độ bần cùng, lợi tức hàng tháng trung bình ở khoảng 1,4 triệu đến 1,7 triệu [9] , hơn ô-shin nhưng không bao nhiêu. Nhà giáo bèn xoay ra kinh doanh chữ, và mở những lớp bổ túc, con em học mọi cấp ở trường chính qui xong thì đi học tư, ngày tổng cộng hàng chục tiếng, học đến độ "mụ’’ người ra. Trong khi đó, ở trình độ đại học, tiếng rên rỉ "xuống cấp’’ ầm ĩ, rồi là hô hào xây dựng đại học đẳng cấp quốc tế, quên bẵng đi đại học đẳng cấp nào thì giáo sư và sinh viên ở đẳng cấp ấy. Một khi lạm phát bằng tiến sĩ, phó tiến sĩ, lạm phát chức danh giáo sư với phó giáo sư, và trước khi thành sinh viên thì đã học đến "mụ’’ ra rồi, cái đại học đẳng cấp quốc tế kia chỉ là chuyện lạc quan của cái lưỡi nói tếu.

 

Thông tin nhiễu khi không bưng bít được, và giáo dục xuống cấp đến độ ngu dân như thế, lại với đâu 2/3 dân số là lớp trẻ, liệu xã hội đã ù lì ở độ "ổn định’’ chưa? Chưa chắc! Vì sao? Vì bần cùng tất sinh đạo tặc. Phải chống lại cái nguy cơ này. Bằng cách tạo thuốc gây mê. Mê gì? Làm giầu. Bây giờ làm giầu là yêu nước. Và ai cũng có quyền làm giầu, bất cứ cách nào, mua quyền bán chức, tham nhũng, trộm cướp, thôi thì đủ cách trong một xã hội công bình với "nếp sống văn minh đậm đà bản sắc dân tộc’’. Và hô khẩu hiệu chung chung, làm giầu được hay không, tùy khả năng bạn, đất nước tự do nào có ai cấm cản. Trên truyền hình, gây mê bằng phim tập Đài Loan, Hàn quốc. Thế hệ 8X, 9X ở đô thị nhiều người nay sống kiểu bắt chước, tóc tài tử này, áo quần minh tinh kia, ăn nói điệu đàng TV, vong bản vong thân, sống không cần biết đến gì ngoài mình, hoặc khá hơn một chút, ngoài gia đình mình.

 

Nông dân chiếm gần 80% dân số, mất đất, giá nông sản thấp, thì… dễ thôi, còn trẻ cứ lên thành thị, trai làm công nhân (nếu tìm ra việc), gái làm ô-shin, hoặc lấy chồng người Đài Loan, người Đại Hàn, người Mã, người Phi, thậm chí cà người Trung Quốc vĩ đại sát nách cũng còn nghèo nhưng khá hơn ta một chút. Hiện, đàn bà Việt Nam lấy chồng Đài Loan khoảng từ 120 đến 140 ngàn, phần lớn những đấng phu quân là nông dân, trình độ văn hóa cấp 1 hay 2, có người bị liệt, bị tâm thần, góa hoặc ly dị. Họ chi khoảng 5000 đô cho đám môi giới lo từ xem mặt đến visa xuất cảnh. Gia đình "cô dâu’’, thường là làm áp lực bắt con đi lấy chồng ngoại, trả cho dịch vụ từ 500 đến 1000 đô. Cưới hỏi xong, nhà gái bội thu được đâu 4, 5 trăm đô, và đó là giá bán đứt con, với hy vọng lâu lâu được con trợ cấp cho một, hai trăm đô. Hàng chục cho đến hàng trăm cô gái tuổi từ 17 đến 30 xếp hàng cho dăm bẩy đấng phu quân tương lai chọn lựa.

 

Đây là nạn buôn phụ nữ. Buôn được vì người Việt Nam đói nghèo khốn khổ đến độ cha mẹ bán con, dẫu biết con mình có thể sẽ là một loại nô lệ. Tình dục, đã đành. Nô lệ lao động, dĩ nhiên. Số phận những cô dâu Việt được nhà báo Trang Hạ đưa lên Yahoo 3600 - trangha’s Blog với loạt bài "Cô dâu Việt trên đất Đài". Và đặc biệt những hình ảnh từ xem mặt đến làm visa của dịch vụ "sớm quen chiều cưới’’ này trong phóng sự ảnh "Những tâm trạng Đài Loan" là những hình ảnh mủi lòng. Nhưng quan trọng hơn, xin mời bạn đọc 80 lời bàn của những blogers (dĩ nhiên chắc thuộc lớp trung và thượng lưu, có văn hóa, biết sử dụng máy vi tính mà). Đa phần họ thương xót chung chung. Một số (4) cảm thấy nhục. Một số (5) cho rằng đó là chọn lựa "tự do’’, đời ai nấy lo, không cần băn khoăn, bảo các cô gái lấy chồng ngoại là vì ham tiền, đua đòi. Chỉ có ba phản ứng [10] là những phản ứng có ý thức xã hội. Điều này cho thấy rằng chính trị đã, và đang, thủ tiêu xã hội để áp đặt quyền lực lên những con người rời rạc không thể đối kháng vì không còn ý thức xã hội [11] . Bóp ý thức mỗi con người cho đến chỉ còn một cá nhân vị kỷ với lợi dục trước mắt để đua đòi tranh đoạt với nhau, xã hội như một tập thể liên kết và đồng thuận trên những giá trị nhân bản và văn hóa tất trên đà tiêu vong. Hệ luận hiển nhiên, thế thì làm gì còn đạo lý. Thế thì làm gì có thể có cái chúng ta gọi là vốn xã hội.

 

3. Что делать?

 

Nôm na, Việt Nam đang sống trong cái bối cảnh phong hóa xơ xác, truyền thống tàn tạ, đạo đức suy đồi như chưa từng thấy. Xã hội đối mặt với nguy cơ tuột dốc thành một tập thể vong thân vong bản, u mê huyễn tưởng giầu có trong tương lai, mạnh ai nấy sống, quan hệ giữa người với người xuống cấp đến mức hành hạ áp bức nhau để trục lợi: mua quyền bán chức với "phong bì’’ cấp trên - cấp dưới trong chính quyền [12] , thầy - trò với chuyện điểm, chuyện thi… trong học đường. Còn cán bộ với dân thường thì khỏi nói. Ở mọi nơi mọi cấp, từ anh công an giao thông túm cổ người đi Honda, ông công an con nhà lãnh đạo múa kiếm ở phi trường Đà Nẵng dọa nạt, từ ông bạt tai dân đến ông bịt miệng nhà tu "cứng cổ’’, ông đi áp tải anh thầy chùa đi từ Nam ra Bắc cứu trợ đồng bào gặp thiên tai, ông xiềng tay chàng thư sinh đi viết đơn khiếu nại hộ cho dân oan không biết luật, lại ít chữ nghĩa. Rồi chuyện sử dụng "đầu gấu’’ bởi những cơ quan có nhiệm vụ an ninh, chuyện bạo hành trên đường phố, trong gia đình, bóc lột ô-shin, bán trẻ thơ sang Kampuchia làm đĩ… Chao ôi! Kể ra thì bảo hiện tượng thôi, rồi từ từ khắc phục. Khi nói chính cái bản chất của quyền lực độc tôn nhưng mù lòa kia đã tạo ra những hiện tượng khốn nạn cầm cố tương lai một dân tộc thì lại đi kết nhau cái tội "tuyên truyền chống phá nhà nước xã hội chủ nghĩa" theo cái điều 88 trong Luật Hình sự gì đó.

 

Làm gì đây? Что делать?

Làm gì như những người tự do có ý thức, rất khó. Anh xây dựng công đoàn "độc lập’’ để bảo vệ quyền lợi công nhân? Không, công đoàn Việt Nam, một bộ phận chính thống của chính quyền, không ủng hộ đình công [13] , và anh làm thế là anh phá! Thế thì xây dựng hiệp hội nông dân: rất nhiều vấn đề, phải làm thế nào chính quyền đừng ép giá sản phẩm, đừng tăng giá phân bón, đừng giải tỏa "mua" đất nói để công nghiệp hóa, đừng để cho hàng trăm ngàn nông dân thiếu đói khi nước ta đứng hạng nhì trong xuất khẩu nông phẩm. Không, trăm lần không! Anh làm thế thì xin mời anh đi toong, anh đụng vào yếu huyệt của nhà nước ta, tội lớn tày đình, tru di tam tộc đấy! Vậy chống tham nhũng, công khai minh bạch, lại đúng đường lối. Chết, chẳng xong đâu! Chống tham nhũng là độc quyền của lãnh đạo, có cái ông trí thức, lại nguyên đảng viên, xưa muốn lập cái hội chống tham nhũng mong tiếp tay giúp nhà nước thì lập tức bị kết tội chống Đảng đấy thôi, chớ quên! Chống tham nhũng không như tắm dội nước từ đầu xuống chân đâu. Tắm đây là kiểu tắm cạn, nhổ nước bọt vào rồi kỳ cọ, từ chân giở lên, từng bước, chớ nóng vội. Vậy thì… vậy thì ta tổ chức những hội từ thiện. Được đấy, nhà nước từ hai thập niên nay đang "xã hội’’ [14] hóa việc an sinh, nhưng nhớ phải được tổ chức thông qua chính quyền cho chính qui, đừng như mấy ông thầy chùa từ bi bác ái lăng nhăng mà bị đòn đấy. Tổ chức, tổ chức và ba là, vẫn tổ chức. Sáng tạo Lenin là vậy. Hệ luận Stalin thì kiểm soát, kiểm soát, và ba là, vẫn kiểm soát… hè hè! Chân lý ấy đời đời không thay đổi được đâu. Tóm lại, câu hỏi chung làm gì khó trả lời. Vì câu trả lời nằm trong thực tiễn một xã hội sao thì sao vẫn tiếp tục vận động, với cái giá phải trả.

 

Làm gì, ở tư thế những người trí thức, trong nước (như Nguyễn Xuân Lộc, Nguyễn Huệ Chi và nhiều người khác) và ngoài nước (như Thái Kim Lan, và nhiều người khác) là một câu cũng chẳng dễ gì trả lời. Ít nhất, chúng ta thấy họ tha thiết với đất nước, viết từ những bức xúc trước những xung động của thời đại mang những nguy cơ phá sản của cái chúng ta gọi là vốn xã hội Việt Nam. Với Thái Kim Lan, tôi nghĩ chị mong mỏi sự tái thiết một xã hội dân sự là chính, chuyện "cư trần lạc đạo" chỉ là cách nói. Thưa chị, nếu cái xã hội dân sự đó là cơ chế tản quyền của một quyền lực độc tôn toàn trị thì tôi e rằng "hơi bị’’ vướng. Với các anh Nguyễn Huệ Chi và Nguyễn Xuân Lộc, hòa hợp hòa giải có lẽ là kêu gọi quyền lực chính thống chấp nhận cách nghĩ khác, chẳng hạn không cứ yêu nước tức là, chỉ một cách… yêu chủ nghĩa xã hội (không hiện thực). Các anh hướng tới chuyện đa nguyên, nhưng vẫn chưa quên ca dao tân thời "đa thê thì đặng đa nguyên thì đừng", và hẳn biết rằng đa nguyên tất phải nới ra cho thêm một tí tự do, một tí dân chủ, vừa mát mặt Đảng vừa thỏa lòng dân.

 

Như thế, các anh chị dẫu sử dụng ngôn ngữ rất ý nhị, tôi vẫn cố hiểu ra và xin vỗ tay tán thành. Nhưng tôi chỉ e nói khéo quá thì ít người hiểu cho đúng ý, và không khéo "chúng’’ xuề xòa vỗ vai nhưng trong bụng lại khinh mình. Vì vậy, tôi thẳng ruột ngựa, gọi con bò là con bò, con chó là con chó, và… con đường khôi phục xã hội ta đang khủng hoảng đạo lý sớm muộn là phải thiết lập một nền dân chủ với quyền hạn phân lập và với những tiêu chí công bằng và văn minh chẳng chỉ ở đầu môi chót lưỡi. Cứ tạm gọi thể chế ấy là dân chủ xã hội, cũng được. Nói ra, càng nhiều người hiểu thì con đường đi đến đó càng bớt những chặng quanh co, càng đỡ hao phí thời gian, và nhất là tiết kiệm được những nỗi đau lẽ ra không cần có./.


___________________________________________________

[1]Thái Kim Lan, "Vốn xã hội Việt Nam, nguy cơ phá sản và triển vọng phát huy", Diễn đàn, 27-10-2007, http://www.diendan.org/phe-binh-nghien-cuu/von-xa-hoi-o-viet-nam/. Nguyễn Xuân Lộc và Nguyễn Huệ Chi, "Mấy chữ ‘cư trần lạc đạo’ và vấn đề hoà giải - hoà hợp dân tộc hiện nay", talawas, 6-11-2007, http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=11397&rb=0401

[2]Thái Kim Lan, "Về bài tham luận ‘Vốn xã hội ở Việt Nam, nguy cơ phá sản và triển vọng phát huy’", talawas, 26-11-2007, http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=11558&rb=0401

[3]Nguyễn Huệ Chi, "Vài lời phân trần", talawas 26-11-2007 và Nguyễn Xuân Lộc, "Nối thêm vài lời phân trần", talawas 28-11- 2007, http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=11559&rb=0401

[4]Tức là, không thể tăng lợi ích một tác nhân mà không giảm lợi ích một tác nhân khác. Tính tối ưu Pareto cho hệ thống cân bằng là tiêu chí cho mọi can thiệp vào cơ chế thị trường.

[5]Giải 2007 trao cho L. Hurwicz, E. Maskin, R. Myerson.

[6]Theo Thái Kim Lan, “Vốn xã hội là tổng thể những tương quan tin cậy và tự nguyện mà trong lúc chung sống những thành viên trong cộng đồng hay đoàn thể kiến tạo nên, nó bao hàm sự hỗ trợ tình thương, tính thân hữu, liên lạc. Chính mối giây tương quan tinh thần qua lòng tin cậy lẫn nhau có thể đem đến lợi ích mà một xã hội cần có: sự an lạc và phúc lợi cộng đồng, an sinh hạnh lạc, đồng thời nó đem lại những món lãi vật chất...”

[7]Xin đừng lẫn lộn giữa tính hiệu quả và độ tăng trưởng.

[8]Chuyện những con số thống kê vĩ mô biết nói dối như thế chẳng phải là bí mật gì ngày nay!

[9]Vũ Quang Việt, “Phân tích số liệu của Bộ Giáo dục", Diễn đàn 30/11/2007,

http://www.diendan.org/viet-nam/phan-tich-so-lieu-bgd/. Trích: “... chi tiêu cho giáo dục năm 2006 lên tới 82 ngàn tỷ, bằng 8,4% GDP. Theo ý tác giả con số 9,2% dựa vào điều tra thống kê đáng tin cậy hơn. Nhưng dù chọn con số nào thì chi tiêu cho giáo dục ở Việt Nam đã là bậc nhất thế giới. Phần xử lý số liệu chi này cho phép tác giả tính tiềm năng lương của giáo viên vào năm 2006 có thể tới 47 triệu (khoảng 4 triệu/ tháng - tg) nếu như quản lý nền giáo dục hiện nay hữu hiệu (tức không bị ăn cắp ăn chặn - tg).’’ [10]

1. Ôi đất nước ta ơi. Thanh niên trí thức trẻ thì đi làm thuê cho nước ngoài, du học sinh nhà nước cử đi học thì không trở về, các cô gái trẻ cũng tìm đường đi lấy chồng ngoại. Đất nước chúng ta còn lại những gì sẽ đi đến đâu.

2. That tu ai dan toc qua, nhung nguoi phu nu nay cu nhu la mot mon hang de cho nhung nguoi dan ong do lua. khong biet moi nguoi nghi gi? may ong lon oi phai lam gi di chu? cu nhu la dang ban dan minh cho nguoi khac vay. khong lam mot bien phap nao di chu, ong nha nuoc oi.

3. Hội phụ nữ địa phương họ làm cái gì vậy nhỉ. Chả thấy mặt mũi họ đâu. Thật là tốn tiền nuôi cơm. Giống trong vụ em Nguyễn Thị Bình bị hành hạ trên 10 năm ròng mà bà chủ tịch hội phụ nữ phường cũng không biết. Nuôi chó còn giữ được nhà chứ nuôi mấy cái tổ chức nhố nhăng chỉ tốn tiền của dân (Sunday November 18, 2007 - 07:17 pm).

[11]Chỉ với 80 câu góp ý, điều vừa nói dĩ nhiên không phải là một “sự thật’’ thống kê có tính khoa học, vậy xin coi nó như một giả thiết và mong sao các nhà xã hội và chính trị học cho đây là một vấn đề cần làm sáng tỏ. Giả thiết này từng là một tiền đề quan trọng trong phân tích những chế độ toàn trị.

[12]Thế nhưng hỏi, chỉ 6% dân Việt Nam nói rằng họ chống tham nhũng

(http://vietnamnet.vn/chinhtri/2007/12/757907/)! Vong thân đến thế, lại tha hóa tưởng mình là những kẻ nhũng nhiễu chính mình, thì đúng là một đỉnh cao của nhân loại.

[13]Thế đấy! Đấu tranh giai cấp là chuyện xưa rồi, lỗi thời, quá đát. Vậy mà trí thức Việt Nam ta vẫn tranh luận Marx đúng hay Marx sai, say sưa giải trí trí tuệ (cách nói của Nguyễn Xuân Lộc), post trên talawas đến 80 bài tranh luận về chủ nghĩa Marx (http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=11644&rb=0502). Cứ đà này, trí thức Việt Nam sẽ “làm sống lại’’ và “ăn tươi’’ chủ nghĩa Marx trong thế kỷ 21.

[14]Xin hiểu kiểu tân thời hiện đại, “xã hội’’ hóa là trả công việc an sinh phúc lợi về tay tư nhân, nhà nước không lo nữa. Thế thì có nhà nước để làm gì? Đây là một thí dụ minh họa tính nhí nhảnh của văn hoá ta.

Nam Dao
Số lần đọc: 1982
Ngày đăng: 09.07.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Triết học cách mạng cho khoa học - Lê Hải*
Thơ Du Tử Lê - Nguyễn Vy Khanh
Thế-kỷ tiểu-thuyết 1 - Nguyễn Vy Khanh
Thế-kỷ tiểu-thuyết 2 - Nguyễn Vy Khanh
Các nhà văn nói về Môn Văn. - Yến Nhi
Triết học đại học - Lê Hải*
Nghĩ Về Đề Tài Chiến Tranh, Tình Yêu Và Siêu Hình, Trong Thơ Luân Hoán - Trần Văn Nam
Bàn Thêm Một Số Nhận Định Văn Chương Ở Sách Giáo Khoa - Trầm Thanh Tuấn
Trần Dzạ Lữ, nhà thơ hát dạo bên trời - Nguyễn Vy Khanh
Luân Hoán, nhà thơ Thế Hệ Chiến tranh - Phạm Văn Nhàn