Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.182
123.222.260
 
Bến cũ
Anh Động

... Cây đa, bến cũ con đò khác đưa.

                                     (Ca dao)

 

Đất cồn Tân Qui. Bến sông. Có một cây đa xứng đáng được gọi là "ông ngoại" của các loại cây đa trên cù lao này. Trẻ con thường nghe ông bà kể lại rằng thuở các cụ còn cởi truồng tắm, thì bờ sông hãy còn tại chỗ này, tại chỗ mấy cành đa gie ra ấy. Nhưng bây giờ, đã trải qua "mấy cuộc bể dâu", mé bãi bị thủy lưu xoáy mòn, địa hình thay đổi, gốc đa đành chịu sống chông chênh nửa sông, nửa bờ. Có lẽ vì muốn giữ cuộc đời "Bành Tổ" của mình với đồng loại, cây đa bủa thành một mạng lưới rễ khổng lồ chụp dài lên mặt đất, chạy thẳng vào tận cửa ngôi miếu cổ trên kia. Tuy đầu tóc nhà đa phải chịu cảnh sống thoi loi giữa dòng nước, nhưng con cháu, họ hàng đã xâm lược một vùng mát rượi cả khu bờ, trùm phủ qua nóc ngôi miếu cổ. Có lẽ hàng thế kỷ rồi, mỗi đêm trăng suông đa lại thì thào tâm sự với con trai, con gái trong làng vào những giờ chờ ai trên bến vắng. Và sau đó, đa buông ra một điệu nhạc đệm cho những lời nói ngập ngừng, những câu ân tình êm ái của đôi trai gái hẹn hò. Cũng từng phen đa úa lá, não cành để chứng kiến cho bao cuộc chia ly, bao tình ngang trái vào mùa lá chết, mùa mưa thu tê tái động lòng cành ! Những ngày nắng cháy, đa được thoải mái tỏa cành, che lá rợp cho lũ chăn trâu nô đùa, tắm giỡn trên bến sông.

 

Ở cù lao Tân Qui này có hai "lão làng" cao niên nhất là cây đa bến cũ và ngôi miếu cổ bờ sông. Miếu cổ. Tóc miếu xanh rì màu rong dày cộp trên mái ngói. Đa già. Râu đa tua tủa cả một vùng từ trên cành buông xuống từng cuộn suôn óng dài lê thê. Râu đa trải trên dòng nước lượt thượt một chiều, râu đa thả theo làn gió vút lên thành một thứ âm thanh vi vu trong đêm vắng. Chẳng hiểu bến đò sang sông nơi đây có tự đời nào, người đất cồn cứ truyền nhau qua bao thế hệ gọi tên Bến Cũ. Và trai gái Tân Qui cũng nối tiếp đến bến nước hẹn hò.

 

Mấy hôm trước, Tư Cần, đứa con trai một của Dì Tâm, người mẹ góa con côi nhưng thừa của ăn, của để, có dạm hỏi Út Sang về câu chuyện chung thân tại Bến Cũ này. Một đêm trăng bóng nước quay màng nhện mặt sông, gió vuốt râu đa vi vút, cành đa phất phơ những cái bóng trên đầu ngôi miếu cổ, và ngôi miếu cổ gom mình đứng thu lu sầm mặt nghe thế gian buồn. Sang không phản đối, hay hứa hẹn điều gì với Cần, cô chỉ đổ hết cho mẹ:

 

- Chuyện gả bán, anh nên cậy người đến gia đình hỏi mẹ, nhà chỉ có một mẹ một con đang sống với nhau. Mọi thứ tôi phải nghe lời mẹ.

 

Cần biết là "cá chưa chịu cắn câu", nên khi Sang đi rồi, anh đứng thẫn thờ nhìn những chòm râu đa buông lòng thòng trước mặt mà rờ rẫm râu cằm mới cạo nham nhám của mình, rồi lững thững băng qua đám rẫy bí về nhà. Luống rẫy bí đao của Út Sang đang mùa trái già, đóng vỏ vôi trắng phếch, nằm lổn ngổn như bầy heo con. Cần cúi xuống nâng thử một  trái bí. Lớp phấn bí dính trơn trơn ở lòng bàn tay, anh cảm giác có cái gì trong tâm tư cứ chạy trơn tuồn tuột, vô duyên quá! Nhớ lại hôm đám cưới Năm Tợ, Sang ngồi chỗ góc vạt xắt thịt, Cần đứng gần đó cứ đắm đuối nhìn. Vệt tóc mai của Sang nằm cong cong thả xuống màng tang trắng ngần dính tăm tắp vào má lấm tấm mồ hôi. Thỉnh thoảng Sang ngó lên, đôi mắt đen nheo nheo đưa hết sự dễ thương lên vầng trán mịn màu hột gà bóc. Sống mũi cao thanh thanh hài hòa giữa đôi má đang bị lửa hung rân rấn. Cần điếng hồn khi bất ngờ có cái nhìn của Sang đưa đúng vào chỗ anh. Chiếc miệng có đôi môi mọng ướt cười một cách chung chung, tựa trêu người. Ơi! Dứt khoát là cái nhìn ấy của Sang dành riêng cho Cần rồi! Cần luống cuống, lùi dần vào một góc kín đáo, và đau đáu nhìn lại bằng ánh mắt cháy da…

 

Lần Sang quá giang vỏ máy Cần đi Trà Ôn về, vỏ phải ghé vào một bãi bùn vì đang lúc con nước ròng sát. Có đông người mà Sang cứ đi theo đường lội của Cần. Hai hàng dấu chân con trai, con gái đạp chồng chéo nhau, mãi đến mấy con nước ròng sau vết bùn vẫn chưa khỏa lấp. Lần ấy, chị Hai Ngoan, một phụ nữ góa chồng, "tâm lý" nhứt xóm, nhìn Cần cười ý nhị. Hồn vía Cần tan biến tận mây xanh. Sự bẽn lẽn và sự sung sướng đồng một lúc hòa vào thành một làn gió mát rượi tràn ngập lòng Cần. Anh thầm nghĩ: "Chắc Sang đã có ý tứ gì…".

 

Trước lúc ra Bến Cũ đón Sang, Cần cố chưng diện thật bảnh bao. Anh đeo vào cổ tay chiếc đồng hồ ti-tô-ni hạng nhất, quàng qua cổ một dây chuyền vàng hăm bốn nặng xấp xỉ một "cây", tròng vào ngón tay hai chiếc nhẫn khâu vàng nặng trịch. Tất cả là để quyến rũ, để chinh phục đối tượng của mình. Cần nghĩ vậy, rồi anh tiếp tục soi gương o bế mái tóc láng nhẫy dầu cho bùng "ổ gà" lên và cạo chần đi chần lại dúm râu cằm.

 

Thế là… bao hy vọng đổ hết theo bến sông nước chảy! Một lần chưa dám trả lời, bởi tại mẹ. Phải đến nhà hỏi mẹ cho rõ trắng đen. Cần còn nuôi nhiều hy vọng đến việc hỏi xin.

 

Mấy ngày sau, Cần bảo mẹ cậy mối đến nhà Sang. Lần này lòng anh đầy ắp hy vọng. Bởi vì chị Hai Ngoan bảo rằng:

 

- Con gái nào mà chẳng vậy? Ai lại đi nói thẳng được chuyện ấy với trai.

 

Chị Hai Ngoan còn bảo là làm gì mẹ Sang không biết gia đình Cần khá giả nhất xóm, lại là con một. Cả cù lao Tân Qui này so về học thức, điển trai thì Cần chẳng thua ai. Hai Ngoan chịu làm người mai dong thì phải biết, miệng lưỡi, trí tuệ vốn thuộc bậc sắc sảo nhất Tân Qui. Điều ấy làm cho Cần càng thêm tin tưởng. Mẹ với bà mai đi rồi, Cần cứ nằm nhà thấp thỏm trông chờ…

 

Nhưng, khi hai người về, Cần thấy họ chẳng có gì phấn khởi hơn. Chị Hai Ngoan bảo:

 

- Bà ấy nói để chờ hỏi lại ý kiến con gái.

 

Nghe vậy, Cần choáng váng, biết là một lần nữa chuyện chẳng ăn thua. Anh bực bội, lầm bầm tự nhủ:

 

- Hết con đổ cho mẹ, rồi đến mẹ đổ cho con…

 

Mấy tháng sau. Một đêm. Không biết can cớ gì mà cụm pháo binh Trà Ôn giã tấp nập vào xóm. Cả vùng Bến Cũ không ai bị gì, chỉ duy nhà Út Sang sụp hầm núp và bà mẹ chết, Sang bị thương nhẹ! Cần vội vã đến ngay. Anh bỏ theo một món tiền lớn, ngụ ý nhân cơ hội tang chay, trước giúp lấy lòng, sau dễ bề quan hệ gần gũi. Trong đám tang, Cần tỏ ra rất lo lắng, chạy tới lui xem xét đủ điều. Rồi anh tạo điều kiện gặp riêng Sang ở chỗ vắng người.

 

Cầm một nắm bạc trao cho Sang, Cần bảo:

 

- Lối xóm hoạn nạn có nhau, mong cô đừng từ chối tấm lòng thành thật của gia đình tôi.

 

Sang ngẩng lên nhìn anh, ánh mắt đầy cảm kích, nơi đuôi chân mày của cô dán một vệt băng keo trên vết thương. Sang ấp úng:

 

- Cám ơn anh, tôi còn khả năng chôn cất mẹ. Cảm phiền anh cầm tiền về, để khi khác - Rồi Sang đưa mắt lên nhà trên - Mời anh ra trước dùng nước với bà con !

 

Câu nói rất êm tai, nhưng sao nó đượm đầy chất người dưng, kẻ lạ? Đối với Cần, dường như đó là một chén nước mắm được dùng vào lúc giải khát! Khuôn mặt buồn đau đáu cộng thêm một vết thương làm Sang càng thảm não hơn. Một người con gái có đôi mắt, nụ cười từng gieo sóng gió vào lòng Cần, bây giờ đã côi cút bơ vơ. Mồ côi cha, mẹ lại mất, hai người anh đã biệt xứ từ lâu, đúng ra Sang là người đáng thương lắm! Nhưng đằng này, cộng nhiều việc lại, Cần nghe có cái gì quặn đau trong lòng mình vì một mối căm hận chua chát.

 

Cuộc đời hễ nói là giăng "tơ" thì tơ tằm hay tơ duyên gì nó cũng đều có mối và có sợi cả. Giờ đây rõ ràng là trong lòng Cần đang có một sợi tơ vô hình nào đó đã cột chặt lấy trái tim anh rồi. Mối tơ vương vấn lấy hình bóng Sang, ngày đêm Cần không tài nào tháo gỡ nổi. Từ lúc mẹ chết, chiều nào Sang cũng thả thơ thẩn ngoài rẫy cho đến khi bóng tối trùm xuống khuất mình, và có lẽ không ai biết cô vào nhà lúc mấy giờ đêm. Một hôm, Cần cố đón Sang tại cây đa Bến Cũ. Lần này Cần ăn nói mạnh dạn và mạch lạc hơn. Anh nói ra hết những gì thầm kín từ trong tâm tư, trong ý nghĩ của mình.

 

- Sang ơi ! Năm mẫu đất với ngôi nhà cuốn nền ba căn, hai chái, năm cái máy trong nhà (1), một chục công vườn và bao nhiêu của cải ngầm… Nếu cần, cả mạng sống của thằng Cần này, Sang sẽ làm chủ luôn. Ai nói dối thì Bà Cậu đất cù lao này đừng để mạng nó.

 

Và Cần còn nói nhiều việc nữa. Anh nói líu lưỡi, nói thì thào và có lúc dường như sắp tắc nghẹn. Mấy cây huyết dụ đứng cạnh ngôi miếu cổ xôn xao qua trận gió, những chiếc lá dài tựa lưỡi mác khua liếc rộn ràng. Và có một mảnh lá đang nằm trong tay Sang từ từ nát vụn, rơi rơi. Tuổi con gái, lần đầu quyết định một vấn đề "đại sự chung thân" thì tránh sao khỏi cái cực kỳ xúc động. Cần nghĩ vậy, anh tiếp tục nói và quan sát Sang kỹ hơn. Đôi môi Sang run run, sắc mặt cô thường xuyên thay đổi, Cần nhích lại, đánh bạo với tay định nắm lấy tay Sang. Nhưng bàn tay đang bóp vụn lá huyết dụ kia vội rụt lại. Ánh mắt nghiêm khắc không phải là của một cô gái dịu dàng, thùy mị bỗng rực lên trên khuôn mặt lãnh đạm của Sang. Cô hắng giọng, đề nghị:

 

- Anh đừng làm vậy! Đối với anh, tôi vẫn xem như người chòm xóm, anh thương, tôi cám ơn. Nhưng… tôi là con gái nhà nghèo, không đủ sức quán xuyến cái gia tài đồ sộ của anh đâu.

 

Nói xong, Sang bước ngang qua bờ bắp, vẹt rỗng, lủi đi. Bờ bắp đang độ trổ cờ, chiếc áo bà ba xanh nhạt của Sang lẫn khuất màu xanh của bắp vào buổi quá chạng vạng. Đứng nhìn theo mà Cần nghe lòng mình se thắt, có một cái gì cứ bóp lại rồi mở ra từng chập đến nghẹt thở. Thế là hết! Không còn một tia hy vọng gì ở mối tình mộng mơ này nữa…

 

Cái đổ vỡ này làm Cần bỏ ăn, quên ngủ đến mấy ngày. Anh cứ vào ra thơ thẩn tựa người mất hồn. Bao nhiêu đau đớn kéo tới giày vò làm tê dại con tim! Tình yêu sao mà mãnh liệt đến thế? Từng lúc nó làm cho con người ta say như men rượu, lại có khi nó hành hạ con người rũ riệt đến không thiết gì sống trên đời. Cần cứ nằm dàu dàu mà nhớ lại… Những cái chớp mắt, những nụ cười của Sang vô tình hay cố ý mà lại đánh đổ tâm thần mình đến cuồng dại ? Hai hàng dấu chân bước chồng chéo lên nhau, cắc cớ làm chi để cho mình phải mòn con mắt đứng nhìn suốt ba con nước ròng giựt bãi? Luồng gió hắt hiu xôn xao cây huyết dụ làm chi cho lòng mình se thắt và rười rượi nỗi buồn tuyệt vọng? Cánh áo bà ba màu xanh non với đuôi tóc kẹp đen ngời thấp thoáng qua rẫy bí làm chi mà đánh dồn thêm nhịp trống trong ngực mình đau nhói ? Người ta còn cười đùa với nhau được ư ? Tại sao họ cứ cười đùa trên nỗi đau của con tim tôi đang rạn nứt ?…

 

Rồi những ngày xa xôi lại hiện về với Cần. Thuở ấy đám thanh niên của Tân Qui này hãy còn là bọn trẻ con. Nhà Sang, nhà Cần, nhà Thành người anh bạn dì với Cần hết thảy đều nghèo, ở bên đầu Khém Lá. Sang có anh Ba, anh Tư, Thành có anh Lực, Cần thì nhà chỉ có một mình. Bọn trẻ vui chơi đầm ấm lắm ! Chúng thường đốn lá dừa nước cất nhà chòi, bẻ trái bần sẻ, trái ô rô, cóc kèn làm hàng bán tiệm, bạc cắc bằng hột cau khô, giấy tiền bằng lá ổi. Tuy hàng hóa, tiền tệ thô sơ nhưng chúng giàu lòng thương yêu nhau một cách tuyệt vời trong sáng. Chúng tổ chức những bữa giỗ, những đám ma, những tiệc cưới… Một lần chúng làm "đám cưới" cho Cần với Sang, hai họ tổ chức thật linh đình. Họ đàng trai: anh Lực, anh Thành - Thành chỉ một tuổi với Cần, nhưng đằng ấy vai anh - đem nộp tài một chục trái bần chua vảnh mặt, ba chùm trái mận hồng đào, hai rổ trái chùm ruột, một tô muối ớt, một cặp bông tai bằng hoa bằng lăng tím, một chiếc kiềng đeo cổ và một chiếc đồng hồ được thắt bằng lá cà bắp non. Nhà cửa họ đàng gái được trang trí bằng hoa rau muống, hoa đủng đỉnh, treo thả tòng tua. Lúc nhập tiệc, anh Thành ngồi thổi sáo trúc véo von - anh ấy có khiếu thổi sáo đến nỗi khi anh cất lên là trẻ em nín khóc, những hài nhi ngẩng ra quên cả bú. Khi làm lễ, anh Thành làm phù rể cho đúng thủ tục ra mắt ông bà. Trưởng tộc đằng gái là anh Ba của Sang. Sau khi làm lễ xong, anh Ba bày ra một điều kiện là bắt Cần cúi xấp xuống để cho hai họ răn dạy. Anh Ba cầm roi nhịp nhịp vào mông, Cần bảo:

 

- Này! Tao dặn cho nhớ. Cưới em gái tao về mày đừng đày xác nó nghe chưa !

 

Cần sợ đòn, quên cả vai trò của mình trong tiệc cưới, chỉ biết khóc mếu máo, đưa tay chõi hờ lên để đỡ ngọn roi:

 

- Dạ nhớ !

 

- Nếu mày làm khổ nó thì chịu mấy roi ?

 

- Dạ, năm roi.

 

- Bây giờ đánh hai roi chừa trước nghe! Còn ba roi thiếu đó, khi nào mày sai phạm tao đánh gấp đôi.

 

Và không kịp để cho Cần hứa hẹn hay khiếu nại điều gì, anh Ba cứ quất tưới vào mông Cần, làm nó đau đến quéo đít lại…

 

Những năm kế tiếp, đám trẻ con Khém Lá ngày một lớn lên. Cần được gia đình cho lên thị trấn Trà Ôn học văn hoá rồi lên thị xã Vĩnh Long tiếp tục học trung học…

 

Những năm gần đây, Cần thôi học, trở về quê hương Tân Qui, thì biết bao là thay đổi. Anh Ba, anh Tư của Sang, anh Lực của Thành đi theo "bên trong" biệt tích từ lâu. Cha của Cần chết cùng với cha của Thành trong một chuyến đi buôn trái xoài trong rạch Đường Đứt, vì bị máy bay Mỹ bắn. Anh Thành còn đó, Sang còn đó, Cần cũng về đó, nhưng sao Cần lại xa lạ với họ một cách đáng sợ! Tình cảm con người không còn hồn nhiên trong sáng như ngày xưa. Cẫn cũng làm vườn, làm rẫy như mọi người, nhưng anh sử dụng máy móc, mướn nhân công nhiều hơn, không phải như người ở cù lao tự tay cày cuốc, vun bón và tự thân gánh từng thùng nước tưới tiêu cho hoa màu, cây trái. Cần buồn vì cái chuyện làm ăn qui mô, lao động có đưa khoa học, kỹ thuật vào, anh có tội gì mà dường như bị dân làng cô lập? Cứ mỗi mỗi đều tận dụng sức lực con người thì hiệu quả lao động có được là bao, bao giờ mới bỏ được cái kiểu làm ăn chậm tiến đó ?

 

Nhưng Cần đã lầm. Con người ở đây không phải họ muốn chậm tiến, mà từ trong tâm tư họ có một cái gì đó muốn lam lũ yên thân, muốn cuốn chiếu thu hẹp phạm vi quan hệ với xã hội đương thời. Bởi vậy, anh Thành sáng đi làm đồng chiều về lầm lì cầm ống sáo trúc ra ngồi tựa gốc đa Bến Cũ mà thổi véo von. Lối sinh hoạt của Thành đơn giản, thậm chí còn lôi thôi là đằng khác. Anh ấy không chưng diện, không đua đòi, không dựa dẫm chánh quyền địa phương. Anh cứ lủi thủi ba đêm đi canh một cữ, năm ngày làm xâu một lần…

 

Có một tốp phòng vệ dân sự đi ngang làm cho Cần rứt ra khỏi ý nghĩ miên man. Trưởng ấp Phèn là con người có đặc tính thường khúm núm với cấp trên, khoát nạt dân chúng, dẫn đầu tốp canh cữ. Phèn dừng lại trước cửa nhà Cần, lên tiếng:

 

- Đêm mai đến cữ canh của cháu rồi, nghe Cần !

 

Nhìn qua khe cửa, thấy bộ tướng trưởng ấp Phèn ốm như con cò ma, đầu đội nón mủ trắng, Cần không thèm ngồi dậy, bảo vọng ra với giọng bực bội:

 

- Chú mướn ai canh giùm, tôi không đủ tiền trả sao ?

 

Giọng tên Phèn vừa nhừa nhựa vừa tỏ ra khúm núm:

 

- Thì… mà… chú báo cho biết vậy…

 

Cần với tay vặn cho ngọn đèn tọa đăng để trên đầu giường sáng thêm. Tiếng con chim trường canh ngoài bãi bần kêu vọng vào nghe cong cóc tựa tiếng gõ mõ của một vị thầy chùa nào đang tụng kinh sám hối. Cần bóp trán, gục đầu xuống bàn. Nỗi ray rứt lại ngầy ngà khó chịu trong ngực Cần. Anh tự hỏi câu mà mấy hôm nay cứ lập đi lập lại hàng trăm bận: Tình yêu là cái gì? Có ai định nghĩa nó không? Lấy cái gì tạo được tình yêu song phương một khi nó cứ nằm ở trạng thái đơn phương? Rồi lấy gì mà chuộc lại được tình yêu một khi người ta bị mất? Càng hỏi Cần càng nghe rời rã tay chân! Làm sao ngủ được nè trời? Cứ thức suốt, cứ giày vò mãi để rồi chết thôi! Làm sao ngủ được? Chỉ có ngủ được hoặc chết đi mới rảnh rang tâm hồn. Nhìn chung quanh, Cần chợt thấy chai rượu ngâm thuốc của mẹ để trên bàn, anh vớ lấy, mở nút, đưa lên môi. Hơi nồng của rượu xông lên nóng tận mặt. Cần nhăn nhó, lắc đầu. Anh chưa bao giờ biết uống rượu. Nhưng hôm nay Cần cương quyết phải uống! Đưa chất cay đắng vào người biết đâu sẽ giải bớt nỗi niềm đắng cay của tâm hồn đang tích tụ.

 

Nhưng Cần chưa kịp uống ly rượu vừa rót ra trên bàn, chợt ngẩng người lên, trí não bừng sáng trở lại. Cần quay về phía cây đa Bến Cũ. Có tiếng sáo trúc từ hướng ấy vọng sang véo von. Tiếng sáo sao nghe thảnh thơi và trữ tình quá? Phải là con người đang đầy ắp hạnh phúc mới thổi lên được điệu nhạc rảnh rang, thánh thoát như vây. Anh Thành trong sáng quá! Biết đâu con người hạnh phúc kia sẽ truyền cho ta một sức mạnh yêu đời nào đó để vượt qua bao nỗi giày vò hôm nay. Với người bạn trai, người anh bà con ấy, họa chăng ta trút vơi đi được bao điều tâm sự. Cần xô cửa bước ra sân.

 

Trăng mười ba tháng chạp đã treo chéo cạnh tai. Trăng vã xuống rẫy bí đao của Sang một thứ ánh sáng trắng bỡ ngỡ. Từng lá ngửa lên đụng răng lủn mủn lúc lắc trông tựa ánh trăng bị bể ra thành muôn mảnh. Lá trăng nheo mắt. Cần bồi hồi nhớ lại những cái nheo mắt của Sang… Gió mặt sôg trườn mình xao xác qua ngọn đa Bến Cũ. Cần đứng chần chừ nghe tiếng sáo trúc của anh Thành hòa trong bản nhạc muôn thuở rì rầm của lá đa. Rồi Cần đi thêm một chút nữa.

 

Bờ bắp! Chỗ này, tại chỗ này, mới ngày nào… Cần đến ngồi nép mình bên ngôi miếu cổ, gác hai tay qua gối, thở ra. Anh chưa muốn đến với Thành vội. Ngay chỗ Sang ngồi hôm ấy đây! Cần cúi mặt nhặt nhạnh từng mảnh lá huyết dụ đã tan nát do bàn tay Sang vò xé, bỏ lại. Lá huyết dụ, màu xanh xanh mát da trời, màu tím tím của nhớ nhung, chờ đợi. Tạo hoá cắc cớ làm chi sinh ra một giống lá hai màu.

 

Bỗng Cần thấy có một bóng người đi thoáng quá chỗ bờ bắp. Anh giật mình, xổm người lên theo dõi. Một người con gái vừa vượt qua luống rẫy bí. Cũng tà áo xanh non, đuôi tóc kẹp đen huyền buông thõng. Cần chưa tin vào mắt mình. Anh lắc đầu, nhắm mắt lại để rồi mở ra quan sát kỹ hơn một lần nữa. Trước mắt Cần là một vùng bóng tối đen bầm. Anh sợ… Ánh mắt từ từ sáng ra sau một cơn đè nén. Cần lại sợ ánh sáng. Ánh sáng trong mắt anh càng soi rõ thì nó càng tiếp nhận chính xác thêm cái điều mà anh không bao giờ muốn thấy. Nhưng, dù muốn hay không, cái bóng dáng quá thân yêu lâu nay nó vẫn cứ hiện diện trước anh. Giờ này Sang còn đi đâu ? Chẳng lẽ đây là một cuộc hẹn hò ? Một ý nghĩ chưa hề có trong đầu Cần từ trước đến nay bắt đầu tượng hình. Không thể… Cần cố chối bỏ. Anh Thành vừa nghèo, vừa quê mùa, đơn giản, học thức… Nhưng, đằng kia thổi sáo, đằng này đi đến, để làm gì ? Ơi, tiếng sáo trúc cùng tiếng kêu của chim trường canh cứ xen vào. Tiếng sáo trúc cùng tiếng kêu của chim trường canh không làm sao hòa điệu được. Cần nghe trong ngực mình tức tối ấm ách. Rồi lồng ngực anh như bị ai nhấc bổng lên! Trước mắt Cần lại lập lờ những bóng đen ghê sợ thập thò qua tàn cây đa theo mỗi trận gió lay. Gió mặt sông, sóng mặt nước, sóng ngọn bần, ngọn đa, sóng lá bắp và sóng trong lòng Cần cứ vỗ nôn nao, làm toàn thân anh chao đảo. Cần đứng lên, vịn tay vào tường vách ngôi miếu cổ như tìm sự cứu cánh cho cuộc đời. Ngôi miếu cũng chao đảo tựa một chiếc xuồng con đi trên sóng. Kia rồi! Tà áo xanh non cứ lất phất, cứ rút ngắn cự ly về phía tiếng sáo trúc. Bờ bắp vươn ra hàng vạn lá tựa mũi mác theo từng luồng gió, khoa múa, đâm chém nhau lộn xộn. Còn gì nữa đâu ?…

 

Nửa năm sau. Cần tốt nghiệp trường quân sự Cái Vồn. Anh ta được lực lượng bảo an Trà Ôn hỗ trợ về đóng đồn tại vùng Khém Lá. Giặc bắt nhét vào tay Cần được khoảng hai mươi tên lính "nghĩa quân" có trang bị vũ khí hẳn hòi. Cần san bằng ngôi miếu cổ và đốn trụi cây đa Bến Cũ để dựng cái đồn mới lên. Ngoài vấn đề địa thế quân sự, đóng đồn chỗ này chi phối được bến sông, khống chế được ngã ba đường Khém Lá qua Khém Bần, Cần còn ngụ ý riêng là cải tạo địa hình muôn thuở của Tân Qui, xóa bỏ tận gốc dấu vết của một kỷ niệm đau thương, bạc bẽo. Lại một thâm ý nữa là triệt hạ khu vườn và quân sự hóa miếng rẫy của Sang cho cô ta gặp nhiều khó khăn trong đời sống. Sang chỉ còn lại một rẻo đất biền ven Khém Bần, cô cố bám vào đó để canh tác. Nhưng Cần lại qui định cho lính đồn thông báo với bà con chung quanh lọt vào khu vực xạ kích tự do. Sang không còn cách gì để sống, đành dỡ nhà về ở với bà con bên kia Khém Bần. Ngày ngày Sang đi làm mướn và vẫn sống trong lòng bà con Tân Qui.

 

Ở đời, tình cảm con người có ba trạng thái. Ban đầu yên mến, tin tưởng đến ngây thơ, cuồng nhiệt và khi đổ vỡ, anh đau đớn, hoang mang đâm ra chán chê cuộc sống. Trạng thái thứ hai là khi anh biết chắc chắn rằng người ta đã phụ anh, người ta đang lao vào thực hiện những chuyện không phù hợp với nguyện vọng của anh, thì anh bực bội, ghen tức và châm chọc, rủa xả không tiếc lời. Trạng thái thứ ba là tất cả trở thành dĩ vãng, nhưng quá khứ đi qua nó cứ để lại những dấu chân bầm tím trong hồn anh, lúc đó anh lạnh lùng, im lặng và mưu tính một kiểu phục thù tàn khốc không lường nổi! Cần bây giờ là một con người ở trạng thái thứ ba! Anh đã chôn niềm đau thương, ém nỗi ghen tức vào chiều sâu của lòng tàn bạo, thù hằn. Anh ta lặng lẽ tìm mọi cách trả thù bất cứ ai là chính phạm hay tòng phạm trong việc gây nên sự tổn thương tình cảm của anh ta với thái độ bình tĩnh, suy tính.

 

Từ ngày Tân Qui có đồn giặc đến nay, lực lượng cảnh sát dã chiến từ đâu ngoài tỉnh, ngoài quận thường xuyên kéo vào lùng ráp bắt bớ thanh niên đến tuổi quân dịch. Một hôm, tên Viên, phó đồn phụ trách an ninh quân đội, đạo diễn cho Cần bày ra một cuộc bắt bớ có tính toán. Buổi chiều ấy, toán phòng vệ dân sự đang tập trung đi canh cữ, bỗng có một trung đội quân cảnh từ ngoài quận Trà Ôn chạy ba chiếc pho-ca vào, ào lên tóm gọn. Mặc cho cha mẹ, vợ con của những người bị bắt kêu la, giành giật, cuối cùng họ cũng bị lôi cả xuống tàu để đưa về quân trường Chi Lăng. Chỉ có một người duy nhất do Cần xin lại được là Thành, người anh bạn dì với anh ta. Trong bản cam kết mà với người chỉ huy trung đội cảnh sát dã chiến phải có chữ ký của Cần, viên trưởng đồn địa phương và bà mẹ của Thành, bảo đảm là Thành hiện đang trong biên chế của đồn Khém Lá. Việc cam kết này có viên đồn phó phụ trách an ninh quân đội xác nhận. Thế là hôm sau Thành nghiễm nhiên là một người lính nghĩa quân trong đồn Khém Lá dưới sự chỉ huy của Cần.

 

Cây đa Bến Cũ đã bị lính đồn đốn trụi, chỉ còn vài cành khô xơ rơ. Ngôi miếu cổ đã trở thành một đống gạch vụn từ lâu. Những con tắc kè bông trong miếu không nơi nương tựa, chúng phải ra tạm cư ngoài mấy bọng cây đa để rồi đêm đêm nhớ tiếc hang ổ mà cất lên những tiếng tắc nghẹn! Chỗ ngã ba Khém Lá bây giờ đã đổi địa danh. Kẻ qua, người lại chỉ biết còn gọi đó là đồn ông Cần. Lần hồi đồn ông Cần lên đến trên ba mươi lính nghĩa quân, tất cả đều được trang bị những phương tiện chiến tranh rất hiện đại. Viên đồn phó phụ trách an ninh quân đội quả là một tay được thầy Mỹ huấn luyện có bài bản. Phần đối nội, tên Viên xem như thuộc cấp của Cần, hắn một lòng tận tuỵ phục vụ. Phần đối ngoại thì Viên có mối quan hệ với nhiều chỗ, nhiều nơi quan trọng mà chính Cần cũng không thể hiểu được. Hắn không thuộc biên chế trong đồn Khém Lá.

 

Mới đúng một năm, từ khi Cần về làm trưởng đồn Khém Lá này, tánh tình của anh ta thay đổi hẳn. Anh ta đã uống rượu thật giỏi. Uống ít khi say, và khi ngà ngà thì giọng nói của anh ta hay pha mùi hận đời chua chát. Cần đã tập quen cái giọng nạt nộ lính tráng một cách oai vệ và sắc sảo. Có những lúc anh ta đang cười nói khề khà, bỗng dưng bật đổi lại một kiểu cười khanh khách nghe đến lạnh lùng. Đó là những lúc anh ta uống nhiều rượu. Cần thường hay ghì vai người anh bạn dì của hắn, nói những câu triết lý lếu láo dài dòng dọc:

 

- Trên đời, tôi nghĩ có ba cách chinh phục tình yêu: Một là tư cách, hai là tiền bạc, ba là quyền lực. Có phải không? Phải à? Cách thứ nhất, anh đã thành công! Đúng! Cách thứ hai, tôi đã thất bại. Đúng! Bây giờ còn cách thứ ba, chúng ta xóa bỏ tình yêu đi, vì bạo lực thì không thể có tình yêu được. Tôi với anh chạy đua trong cuộc chiếm lấy con người.

 

Thành nghe viên trưởng đồn, cũng đồng thời là đứa em bà con của mình nói đến đây thì choáng váng mặt mày. Anh gỡ tay Cần ra, định bước đi, nhưng hai chân loạng choạng còn hơn Cần đang say rượu. Thành buộc phải đứng tựa lưng vào tường đồn mà ôm đầu, bịt chặt hai tai lại. Nhưng Cần có buông tha cho anh đâu. Tiếng nói của hắn cứ dồi dội tựa những nhát búa bửa vào đầu anh:

 

- Trận sau cùng này tôi sẽ thắng! Đúng! Vì thời buổi này tất cả những người có bạo lực - Cần ngửa mặt lên trời cười sằng sặc, rồi buông thõng hai cánh tay xuống đòng đưa, buông luôn chiếc đầu xuống gật gù, bước đi loạng quạng. Hắn tiếp tục chửi thề: - Đù mẹ! Tôi sẽ lấy cái gì mà tôi đã mất, vẫn chưa muộn đâu. Anh yên tâm! Dù bây giờ anh có bị tổn thương đôi chút, nhưng không bù nổi cái tổn thương quá nặng nề của tôi trước đây. Bởi vì anh là con nhà nghèo, có đau thì ráng chịu còn dễ hơn tôi. Người ta nói: "Nhà giàu đứt tay bằng ăn mày đổ ruột" đó mà !

 

Bất thần Cần quay ngoắt trở lại, nhìn sâu vào mặt Thành. Hắn bắt được quả tang ánh mắt của một người vừa bị bò đạp đúng ngay vào ngực. Ánh mắt anh Thành của hắn. Ơi, sao ánh mắt kia giống ánh mắt của mẹ hắn, của người dì ruột hắn đến vậy? Cơn say chưa hết. Nư giận chưa đã, nhưng Cần lại lặng lẽ bước đi. Hắn thở ra. Tâm tư hắn bỗng nghe quặn đau một nỗi niềm máu thịt.

 

Mấy ngày sau, tên Viên phó đồn kề tai thì thào với Cần một âm mưu mới… Nghe xong, Cần vỗ vai Viên đôm đốp, cười khoái trá. Cần liền phân công Thành cùng mấy tên lính nữa đi tuần tiễu lên vùng Khém Bần, mai hãy về. Sau đó, Cần lại sai hai tên lính thân cận, qua bên Khém Lá mời Sang đến.

 

Trong phòng riêng của Cần, tên Viên đồn phó có bản mặt dài thượt với mấy cây răng vàng đỏ chóe, nhìn Sang cười nham nhở. Hắn xun xoe mấy ngón tay ám khói thuốc, ân cần chỉ ghế mời Sang ngồi:

 

- Ông đồn trưởng bảo mời cô đến đây để chúng tôi làm giúp lá đơn, lên tỉnh đòi bồi thường phần đất của cô lâu nay bị chánh phủ Quốc gia chiếm đóng.

 

Sang cùng tên Viên ký tên vào lá đơn xong, họ mới giao lại cho Cần trực tiếp xem xét, ký tên và đóng dấu. Cần còn xem nội dung lá đơn thì tên Viên bỏ ra ngoài, khoá trái cửa lại. Cần nhìn theo Viên, anh ta bật cười, vứt lá đơn xuống bàn:

 

- Anh ta khóa chặt cửa phòng thế này chắc là hai đứa mình phải sống với nhau ở đây đến trọn đời rồi.

 

Nghe Cần nói, Sang tái mặt, lùi lại phía cửa phòng. Cô cố đẩy cửa, nhưng quả như lời Cần đã nói, bên ngoài bị tên Viên khoá cứng. Sang đoán biết bọn này bày chuyện mờ ám gì đây, cô kêu lên:

 

- Ông bày mưu cho nó…

 

Cần cắt lời bằng một cái khoát tay dứt khoát;

 

- Nói đúng hơn là nó bày mưu cho tôi - Cần cười làm lành, bước tới nắm tay Sang. Anh ta đằng hắng, nói tiếp một câu vừa ôn tồn vừa nghiêm túc - Trong hai đứa ta, nếu còn một đứa sống trên đời thì mới không được lấy nhau thôi, Sang ạ…




 

Mấy ngày đầu về đồn Khém Lá làm vợ Cần, Sang cứ lẩn thẩn quanh khóm hoa vạn thọ của mấy người lính trồng trước lô cốt. Có lúc Sang bứt đầu, ngửa mặt lên, nấc những tiếng uất nghẹn trong cổ. Có lúc Sang lại ôm đầu, gục mặt vào hành lang hàng giờ nói những gì lầm thầm tựa khấn vái thiên linh. Sang cứ thẫn thờ như người mất trí suốt mấy tuần lễ. Rồi một buổi sáng, Sang vác thanh sắt ba cạnh đập nát tan khóm hoa vạn thọ trước cửa đồn. Cô đập hăng tựa trút hết thù hằn vào hoa, vào lá. Sang đập đến khi cô gục xuống không còn đủ sức để đứng lên. Sau đó Sang ngồi thở hổn hển, lượm mấy đài hoa văng vãi thồn vào miệng, nhai ngổm ngoảm như một lão háo ăn trầu. Bây giờ lưỡi, cán gì Cần cũng đã nắm rồi, hắn cứ để vậy chờ xem thái độ của Sang thế nào. Hắn không kềm kẹp, cũng không dỗ dành, cứ để cho Sang phát triển thế nào thì mặc.

 

Tuần sau, Sang gởi người đi Trà Ôn mua về một đôi guốc cao gót và một bộ đồ vải hoa, áo "thùng puy", quần ống túm ngắn lủn củn. Tóc Sang bắt đầu cột ngược lên gáy cho thòng đuôi gà lỏng nhỏng bên trên, bỏ hẳn cách kẹp thấp nửa sống lưng như trước. Bây giờ Cần thấy vợ có hơi quá đà, lựa khi vắng người tìm lời nhỏ nhẹ khuyên can. Nhưng Sang trỏ tay vào mặt hắn, bảo thẳng:

 

- Anh chìu tôi, chớ tôi không chìu anh, nói cho mà liệu !

 

Từ đó về sau Cần nể vợ, cứ để cho cô làm gì thì làm, không dám hó hé một lời. Lính trong đồn thì thào bảo nhau rằng: "Ông Cần làm đồn trưởng, bà ấy làm quận trưởng". Có lần đang trong tiệc rượu, Cần nhắc khéo đàn bà không nên tham gia. Sang vớ chiếc ly đầy rượu ném thẳng vào mặt hắn, cô ta mắng lớn:

 

- Chỉ có bọn đàn ông chúng mày mới làm được những chuyện trái đời à? Tao thử xem đàn bà lớn gan hơn không ?

 

Nói xong, Sang rót đầy ly rượu khác, ngửa cổ cười sằng sặc, chạm cốc với những người bạn nhậu chung quanh. Cần thì chỉ biết nắm cổ áo mình mà giũ cho bớt ướt rượu và lặng thinh. Phải nói, một khi đàn bà uống rượu bằng ý chí phục thù thì không biết cơ man nào mới làm cho họ say được. Đến khi những tên lính say mèm, chúng cãi vã, ca hát những bài bát nháo, thì Sang cũng ca theo chẳng kể là bài gì, không đầu cũng không đuôi… Có lúc Cần than thở về tính nết và tư cách của một người đàn bà như vậy là không đẹp, với vợ. Sang trừng mắt, tuyên bố thẳng thừng:

 

- Anh biết đưa căm hận vào chiều sâu một cách bình tĩnh, lạnh lùng, còn tôi thì cóc cần. Bao nhiêu căm hận của tôi cứ biểu hiện ra bên ngoài bằng mọi thứ khiêu khích, phá phách để đánh trả vào mặt kẻ gây nên.

 

Một lần, Cần cùng mấy tên lính dẫn nhau ra mấy nhà gần đồn bắt gà làm thịt nhậu. Lúc tiệc nửa chừng, Sang trong đồn xách súng bắn ba phát một "lệnh" gọi Cần về. Cần chưa kịp về, cô ta ném luôn hai quả lựu đạn ra rào. Khi Cần về đến, Sang điểm vào mặt anh ta, bảo:

 

- Anh không chịu nổi tôi thì, một là giết chết tôi, hai là cứ để tôi được tự do.

 

Cái thứ nhất Cần không dám giết Sang, cái thứ hai là anh ta không thể để cô tự do mà ra đi, nên mọi cực hình do Sang gây nên Cần đành lặng im cho khỏi phiền hà. Cần thèm khát tiếng xưng "em" của Sang tựa người đàn bà có thai thèm chua. Bất kể những dư luận gì, bất kể những phiền phức gì, chỉ cần Sang đổi cho hắn tiếng "em" là đủ. Nhưng Cần không bao giờ được đền trả. Cuối cùng hắn tự an ủi mình: "Tình yêu là một thứ cho không, nếu ai đòi hỏi có sự đáp trả, đó là một thứ tình yêu vụ lợi".

 

Một đêm, trong một tiệc nhậu bừa bãi ly chén. Có mấy tên lính gật gù ca nghêu ngao với giọng lè nhè, chán nản. Đột nhiên Sang nắm cổ áo Cần đẩy tới lui, bảo lớn:

 

- Ca đi! Tại sao không ca với người ta cho vui ?

 

Lúc rượu vào con người thường hay thổ lộ tâm sự, Cần quên mất cái bản tính thầm lặng của mình:

 

- Cuộc đời có gì vui đâu mà ca với hát ?

 

Nhưng Sang không buông tha:

 

- Buồn thì ca những điệu nhạc buồn !

 

Cần vẫn với giọng hờn tủi:

 

- Có biết bài gì buồn nhất trên đời để tôi ca đây ?

 

Sang áp má vào cổ Cần nói như than thở:

 

- Cõi đời là một thế giới buồn khổ, anh cứ ca bài nào cho đúng tâm trạng của mình đi !

 

Mấy tên lính vỗ tay cười sằng sặc:

 

- Vợ chồng trưởng đồn "muồi" rồi bây ơi !

 

Nhưng thấy hai vợ chồng Cần cứ gục đầu sịt mũi, họ lại im lặng ngó nhau. Rồi tất cả buồn bã nghe bài vọng cổ từ cửa miệng Cần phát ra. Tuy giọng ca của hắn lè nhè tựa một thằng ghiền, nhưng tiếng ca nghe như rút từ trong ruột, trong gan đưa ra:

 

- "Lệ Liễu nàng ơi, anh không còn muốn sống làm chi ở trên thế gian này. Vì tai anh chưa phải điếc, mắt anh chẳng phải mù. Nhưng em ơi! Lòng anh đành câm lặng để chôn nỗi hờn ghen. Lệ Liễu ơi! Sao em nỡ đành vùi dập kiếp hồng nhan,  để giết chết một cuộc đời đào hoa bạc số… ơ… hơ…".

 

Có mấy tên lính đập mâm, kêu ầm lên:

 

- Cha nội này ca nghe buồn rã ruột đi. Buồn như cái chế độ Việt Nam cộng hòa này mất mẹ miền Trung rồi vậy.

 

Thói thường, trong cuộc nhậu người ta thường hay đề cập đến tình hình chính trị, thời cuộc, vật giá hoặc bất mãn tổ chức. Bây giờ là những ngày tháng tư, bảy lăm, nguỵ quyền miền Nam đã mất toàn bộ Cao Nguyên trung phần rồi. Tuyến Duyên Hải cũng mất sạch. Hôm qua, đài Sài Gòn vừa báo Bình Thuận đã thất thủ, tướng Nguyễn Vĩnh Nghi cùng một số tướng tá khác bị bên kia bắt sống. Số phận của chánh quyền hiện thời là vậy, nói gì đến cái đồn tép mòng ở cái cù lao không bằng khu chén này…

 

Một cảnh buồn lặng như mặc niệm. Bỗng Sang xô Cần ra, bật dậy:

 

- Bài ca nghe bạc nhược quá! Dẹp đi! Anh Thành đâu rồi? - Sang đảo mắt thấy Thành ngồi im dựa lưng vào vách đất bên kia - Thổi sáo nghe đi, anh Thành !

 

Thành mở mắt ra rồi từ từ nhắm lại. Cần gục đầu nghe vợi nói, hắn nghĩ thầm: "Lại thổi sáo. Tiếng sáo du dương mê hồn người con gái. Tiếng sáo xé lòng kẻ thất tình trong một đêm trăng. Tiếng sáo nuối tiếc, luyến lưu một cuộc tình dĩ vãng… Ơi, tiếng sáo nghe sao như muối sát, như ngậm ngùi ?…"

 

- Thưa bà đồn trưởng! - Giọng Thành nghe se đặc chất đắng cay - Từ ngày vào đồn làm lính đến giờ tôi bận nhiều phận sự của kẻ cấp dưới nên bỏ quên chuyện thổi sáo lâu rồi.

 

Mấy tên lính bu lại lôi Thành vào giữa:

 

- Không quên! Nhất định mày chưa quên! Trời ơi, có những đêm nó ra ngồi dựa gốc cây đa Bến Cũ thổi sáo nghe chơi vơi như tâm hồn một đứa thất tình, tụi tao nghe mà đứa nào cũng muốn rơi nước mắt.

 

- Có đêm nó thổi sáo, tôi nghe mà phát bực bội ước chừng phá banh cái bót này đi được.

 

- Thổi sáo đi mày! Thổi lên vài bài cho loãng cái không khí chán phèo này.

 

- Hồi đồn này chưa đóng, hễ đêm nào thằng Thành ra gốc cây đa thổi sáo là tôi hết ngủ. Nghe sao rạo rực, nó bay bổng tâm hồn…

 

- Thổi đi !

 

Bị sự bao vây và hối thúc của đồng bọn, Thành vẫn còn e dè, anh cứ liếc mắt trông chừng vào Cần, vì Cần đang úp mặt vào gối khóc tức tưởi.

 

- Thưa đồn trưởng…

 

Thành chưa kịp nói, bỗng nhiên Cần bật dậy, khoát tay. Giọng hắn còn ngồn ngột trong mũi:

 

- Thổi đi! Cứ thổi đi! Anh…

 

Không còn cách nào từ chối được, Thành đưa cây sáo trúc lên môi, nhưng trông anh tựa kề chén thuốc đắng vào miệng. Đám lính trong tiệc ngồi lặng lẽ. Có đứa ngửa cổ ra, phanh ngực áo quạt phành phạch, có đứa sụt sùi khóc. Quả là tiếng sao trúc của Thành nghe cay đắng, buồn tủi và ấm ức làm sao! Tiếng khóc mỗi lúc một nhiều. Lại có tiếng nức nở van xin:

 

- Đừng thổi sáo nữa, anh Thành ơi !

 

Nhưng lại có giọng cục cằn thô lỗ:

 

- Đù mẹ… Cái vách đồn này chận tiếng sáo lại nghe tức ấm ách vậy.

 

Một giọng khác bình luận:

 

- Sáo trúc phải thổi ngoài bến sông yên tĩnh hoặc nơi bờ rẫy mênh mông, tiếng nó mới bay lên phóng khoáng được.

 

Thành dừng lại, nghiêng người kéo vạt áo nhà binh lên lau ống sáo. Cần chồm tới, câu cổ Thành, nói hổn hển:

 

- Đi! Ra gốc đa Bến Cũ trải đệm nhậu nhẹt và thổi sáo nghe chơi.

 

Thành còn dụ dự:

 

- Thưa… đồn trưởng! Mình có thể rủ ông đồn phó cùng ra vậy ?

 

Tên Viên cười lòi hai cái răng vàng nham nhở màu vàng xanh:

 

- Cám ơn. Tôi hơi mệt.

 

Cả bọn ùn ùn mang đệm, dọn ly chén ra bến sông. Lúc ngồi quay lai, Cần để ý thấy mắt Sang nhìn Thành đau đáu. Cần nghe lòng đau buốt, hắn đứng lên, xua tay bảo:

 

- Anh em cứ chơi tự do. Sang ở lại chơi với anh em cho vui. Tôi say quá rồi.

 

Cần đi bê bê vô đồn và vùi đầu vào phòng riêng. Rồi cuộc tiệc ở bến sông cũng không kéo dài được bao lâu, tất cả đều trở vào đồn. Chỉ còn lại một mình Thành vẫn say sưa đắm hồn theo tiếng sáo véo von trầm bổng của mình. Chốc sau anh nghe dường như có tiếng động. Thành cất ống sáo, nhìn chung quanh. Sang xuất hiện. Sang sà đến phủ phục bên Thành:

 

- Anh! Gần nửa năm trời sống chung nhau một đồn, chúng ta không hề nói với nhau một tiếng, bởi tại sao ?

 

Giọng nói của Sang run run như một con chiên quì trước Chúa. Thành ngó lơ ra bến sông:

 

- Chúng ta còn gì để nói với nhau nữa đâu, hở Sang ?

 

Sang sụt sùi:

 

- Còn, còn nhiều lắm, anh ơi! Tại chúng ta không dám nói… Em có lỗi với anh nhiều…

 

Thành vội quay lại, nâng Sang dậy:

 

- Không! Sang không có lỗi. Tại số phận của tôi, của chúng ta…

 

- Thành ơi, tội chi anh phải đau khổ nhiều vì một người con gái hư hỏng ?

 

- Sang đau khổ cùng cực hơn tôi nhiều…

 

- Em đã liều một kiếp ván nát, thuyền tan. Không còn mong gì về bến cũ. Tội cho anh…

 

- Tôi vẫn đứng gốc cây đa xưa thử thách với bao nghịch cảnh để chờ con đò cũ quay lái trở về.

 

- Không! Không !

 

Sang ôm mặt khóc ngất, bỏ chạy vào đồn. Thành vội chạy theo nắm tay Sang lôi lại:

 

- Sang! Có. Nhất định sẽ có. Anh Ba, anh Tư, anh Lực đã về. Hắn là em của tôi, là chồng của Sang, chúng ta vẫn còn mối quan hệ với nhau về máu thịt. Nếu hắn trở về làm lại cuộc đời…

 

- Không! Không !

 

Và Sang gỡ tay Thành ra, chạy thẳng.

 

Về đến phòng, Sang ngã vật xuống giường. Cô cứ thở dồn, cứ ôm đầu thổn thức. Cần để mặc cho vợ chìm đắm vào tâm tư. Mọi chuyện hắn đã nghe thấy hết rồi, hắn cũng đang rối bời tâm trạng. Đúng là người xưa nói "đồng sàn dị mộng" là đây. Trên một giường, hai vợ chồng mỗi người nghĩ về một nẻo. Cần mặc cho vợ hắn đang nghĩ về mình. Một trong ba đứa, ai là người đau khổ nhất? Đầu Cần đang nóng ran, mạch hai bên thái dương nhảy lên giần giật. Hắn! Chính hắn! Cái đau khổ của hắn nó kỳ quặc và oái oăm hơn họ. Nó phức tạp, rắc rối, đảo lộn đến bực bội, tức tối tựa tâm trạng thần Tăng-toan (1) vậy. Nước dưới môi, hắn khát cháy cổ nhưng khom xuống uống thì nước cứ giựt theo; thức ăn treo trên mũi, hắn đói meo, ngẩng lên để cắn thì nó cứ nhóng lên. Chẳng thà cái khổ bị mất đi còn hơn cái khổ có đó mà không được toại nguyện.

 

Cần nghe vợ động đậy, hắn nhìn qua, thấy Sang đang ngồi nhìn hắn qua ánh đèn tọa đăng. Cái nhìn của Sang sao mà phân vân, đờ đẫn kỳ lạ. Rồi Sang lại ngã vật xuống giường, bưng mặt khóc, và kêu lên:

 

- Trời ơi! Tôi có bao giờ muốn làm một bà Chúa xứ ở trong cái miễu của những hung thần này đâu ?- Sang lại bật ngồi dậy, cấu vào vai Cần, xô đẩy, lồng lộn - Anh Cần! Tại sao tình nghĩa vợ chồng mà anh cột chặt nó bằng những cuộn dây thép gai vậy ?

 

Bây giờ Cần như một tội phạm bị tra tấn, hắn buộc phải cung khai những điều bí mật của mình:

 

- Tại vì anh sợ mất em.

 

- Sợ mất tôi rồi anh nhốt tôi vào chuồng như một con heo để làm vợ ?

 

- Bởi vì anh có cây súng lục chớ không có cây sáo trúc.

 

Sang thét lớn:

 

- Khốn nạn! Anh đã là chồng tôi, anh đã chiếm đoạt thân thể tôi, anh còn dùng súng ống để hòng chiếm luôn tâm hồn tôi? Anh lầm…

 

Rồi Sang ngã vật xuống giường, ngất lịm đi.

 

Đêm ấy, sau khi tỉnh giấc, Sang lại tiếp tục tâm sự với Cần. Song cô như đã đổi khác hơn nửa năm chung sống, lần đầu tiên hắn được vợ xưng tiếng "em" với mình. Tiếng xưng "em" của Sang lúc này làm cho Cần mềm nhão người ra, khóc vì cảm động. Tiếng Sang cứ thầm thì như than thở:

 

- Mình tự làm khổ nhau nhiều rồi, hãy sớm làm lại hạnh phúc đi! Anh còn hoài nghi em điều gì nữa, một khi thân em đã trở thành một câu ca dao cổ của xứ Tân Qui rồi. Anh biết câu ca dao đó không ?

 

- Biết! Ca dao rằng: "Người xưa lỗi tiếng hẹn hò. Cây đa, bến cũ con đò khác đưa".

 

- Ván đã đóng thuyền, tình đời đã lỡ, em làm sao trôi về ngược nước nữa, hở anh? Nếu anh trở về sống cuộc đời của một người dân Tân Qui hiền hậu thì anh sẽ mãi mãi được gần gũi người vợ đủ đầy đạo lý, thủy chung, mặc dù trước kia anh không phải người yêu, nhưng bây giờ anh vẫn là một người chồng. Anh Ba, anh Tư đã về, nhắn em phải thu xếp sao cho trọn tình, trọn nghĩa… Chúng ta hãy gấp rút làm lại cuộc đời đi…

 

Sang còn nói thêm vài câu gì đó nữa mà Cần nghe không được rõ. Sang nằm gối đầu vào cánh tay Cần, nhắm mắt ngủ say sau một cơn mệt mỏi. Cần nhìn vợ qua ánh sáng đèn lập lờ, không biết chán. Hắn nhẹ vuốt tóc Sang và hôn Sang da diết trong giấc ngủ. Đêm nay Cần cảm thấy trái tim mình mới được thật sự tận hưởng cái no nê của tình yêu. Cần nhớ lời dặn dò của anh Ba giữa "đám cưới" của hắn và Sang hồi còn nhỏ… Cần tự hỏi: "Mình phải làm gì cho Sang hết khổ, để chuộc lại tội lỗi với các anh đây ?".

 

Cánh tay đã tê dại vì sức nặng của Sang gối đầu, nhưng Cần vẫn không dám động đậy. Biết đâu Sang đang trong giấc mơ đẹp nào đó, mà chính những cái trăn trở của mình sẽ phá vỡ niềm hạnh phúc nho nhỏ kia của vợ, vì cô ấy đã đau khổ nhiều rồi! Nhưng chốc sau, Sang giật mình ú ớ và ngồi bật dậy. Mặt mày Sang còn ngơ ngác trong lúc ngái ngủ, đôi mắt cô cứ láo liêng như còn đang sợ hãi một chuyện gì. Cần ghì vợ vào lòng, hỏi:

 

- Cái gì? Em chiêm bao thấy những gì có khủng khiếp lắm không?

 

Sang vuốt tóc, định thần rồi cười và nằm trở xuống:

 

- Em thấy anh Ba về.

 

- Anh Ba, cả anh Tư, anh Lực về! Các anh đi theo "bên trong" lâu nay đó hả?

 

- Ừ, các anh đi hoạt động cách mạng về để giải phóng Tân Qui.

 

- Nhưng các anh làm gì mà em la dữ vậy? Các anh đánh bót à?

 

- Không! Anh Ba lôi anh ra bảo anh là người không giữ lời hứa. Anh Ba đánh cho anh chết luôn. Anh Ba cầm một khúc cây bự bằng cườm tay vầy nè.

 

- Rồi anh Ba có đánh anh không ?

 

- Có chớ. Anh Ba đè anh xuống, đánh anh đến mấy chục cây vẫn chưa chịu tha. Nhìn anh đau đớn quằn quại, em chịu hết nổi, nằm đại lên trên để chịu đòn tiếp. Anh Ba đập trúng em một cây đau quá trời.

 

Cần nghe trong lòng tràn ngập yêu thương, anh ta hôn lên trán Sang và an ủi:

 

- Tội nghiệp… Anh sẽ tìm cách chuộc tội lỗi của mình, để trong giấc mộng Sang không còn bị đòn nữa...

 

- Anh ơi! Rán sống với vợ con! Không mấy ngày nữa thì chánh quyền Sài Gòn sụp đổ rồi, vợ chồng mình được trở về ruộng rẫy làm ăn rồi, anh ơi! Trời ơi! Ai cứu chồng tôi với!

 

Tiếng khóc thảm thiết của vợ lính Năm ở phòng bên nghe phát sởn tóc gáy. Chị ta vừa kêu vừa vỗ hai bàn tay vào vách nghe rầm rầm. Mỗi tiếng kêu của vợ lính Năm nghe rùng rợn hơn:

 

- Trời ơi! Quân gì mà tàn ác dữ vậy? Thua trận tới nơi rồi mà còn đẩy người ta đi chết. Sống sao được mà sống, anh Năm ơi! Ba viên đạn còn nằm trong bụng, nó cứ cục kịt, cục kịt hoài, sống sao nổi hở trời?

 

Bên này Cần nhìn sang, lắc đầu buồn bã, Sang hỏi:

 

- Anh là trưởng đồn sao không ra lệnh cho thằng Viên đừng lùa lính đi phản kích ?

 

Cần cười mũi:

 

- Từ trước tới giờ anh chỉ là một thằng tay sai của nó. Nó nắm cả quyền sanh sát, bởi vì nó có chân trong những tổ chức quan trọng ngoài tỉnh. Vụ lính Năm bị bắn, trước đó anh cãi lẫy với nó không cho xuất quân, bị nó mắng thậm tệ, còn đòi cách chức anh.

 

Sang tựa lưng vào thành giường, thở ra một cách uể oải:

 

- Vợ chồng mình đã đi lạc đường đến bước này rồi, tại sao anh không quay trở lại ?

 

Cần gục đầu hôn vào chân Sang:

 

- Em hứa khi "ra ngoài" em đừng bỏ anh nhé ?

 

Sang buồn bã:

 

- Nếu anh đừng làm khổ em thì có cả anh Ba binh vực, lo gì ?

 

Rồi hai vợ chồng Cần ngồi lặng lẽ nghe vợ lính Năm kêu khóc. Tiếng khóc ri rỉ của vợ lính Năm, tiếng con chim trường canh ngoài bãi bàng cong cốc làm cho vợ chồng Cần liên tưởng tới một đám ma nào đó đi ngang. Cần âm thầm cầm lấy tay vợ, anh ta gục mặt khóc nức nở:

 

- Sang ơi! Anh không để đến lượt mình trong một đám đưa ma như vầy được.

 

Sang vuốt tóc Cần, an ủi:

 

- Anh hãy mạnh dạn lên, cuộc sống êm đẹp đang chờ chúng ta.

 

Cần ngẩng lên lau nước mắt. Anh ta liếc nhìn chiếc đồng hồ đeo tay. Không giờ ba mươi của ngày ba mươi tháng tư rồi! Sang với tay vặn cho tim đèn tọa đăng trên đầu giường bừng sáng lên. Sang đẩy Cần ra, bảo:

 

- Anh hội ý với anh Thành để quyết định hành động là vừa.

 

Cần cầm cây đèn pin đứng lên, giắt con dao găm vào lưng, xô cửa phòng bước ra. Hắn dặn lui lại với Sang.

 

- Cây súng lục anh còn để trên đầu giường đó.

 

Rồi hắn đi luôn. Ngang qua phòng vợ lính Năm, Cần dừng lại nghe chị ấy còn kêu khóc:

 

- Gió đã trở cờ rồi. Tội gì anh phải đem thân chết thế cho bọn ác ôn vậy, anh ơi !

 

Cần lại tiếp tục đi. Hắn ra vọng gác tiền tiêu, ngoài ấy có Thành trực canh. Màn đêm tối đen, thăm thẳm cao! Tiếng kêu khóc của vợ lính Năm cứ đuổi theo sau lưng Cần. Hắn ngửa mặt nhìn trời, lầm bầm: "Gió đã trở cờ rồi". Cần đi đến chỗ vọng gác cuối cùng, vì nơi đó có tiếng sáo trúc của Thành thổi lên véo von. Tiếng sáo trúc của Thành hôm nay nghe mênh mông, trong trẻo lạ! Cần nghe lòng mình rộn rã niềm sung sướng. Cần đến ngồi cạnh Thành. Cả hai hướng mắt nhìn về phía bên kia đất liền khu vực Giồng Nổi. Sóng ngọn bần êm êm, gió mặt sông rười rượu làm cho tâm hồn Cần náo nức lạ thường! Hắn thì thào hỏi Thành:

 

- Tới đâu rồi?

 

- Bắt được tín hiệu rồi. Chú vô tập hợp anh em lại là vừa. Nhớ khử ngay thằng Viên, kẻo sanh biến.

 

Cần vội vã quay trở lại đồn cùng lúc với Thành cất ống sáo, mang khẩu M79 đi ra gốc cây đa Bến Cũ.

 

Cần đi ngang qua phòng tên Viên, hắn bỗng sửng sốt, dừng lại. Cửa phòng nửa đóng nửa mở, bên trong đang có tiếng Sang nạt dội ra:

 

- Đưa tay lên! Bỏ máy xuống, không tao bắn vỡ sọ !

 

Cần tông cửa vô. Cùng lúc tên Viên đánh văng khẩu súng lục trên tay Sang, và hắn đoạt được. Khẩu súng chĩa mũi đen ngòm vào ngực Sang, tên Viên trực nhả đạn. Sang thét lớn khi thấy bóng Cần bước vào:

 

- Nó điện ra chi khu xin lực lượng đặc biệt vào bắt anh với anh Thành.

 

Cần không còn nghe thấy gì hơn là mũi súng nổ vào ngực vợ anh, anh sẽ đổi lấy bất cứ giá nào để cứu Sang. Rút soạt con dao găm bên hông, Cần lao vào tên Viên. Súng nổ! Và hai người vật nhau rất dữ. Rồi cả hai từ từ kiệt sức. Máu của họ tràn đầy căn phòng. Sang lao tới đoạt khẩu súng trên tay tên Viên vừa rơi ra, bởi hắn đã bị mũi dao của Cần cắm phập vào giữa ngực. Sang nổ luôn hai phát súng vào đầu tên ác ôn. Hắn gồng người chồm lên rồi ngã vật, run rẩy…

 

Sang ném súng, lao đến đỡ lấy Cần. Cần đang ôm lấy ngực, rên rỉ. Sang áp má mình vào cổ anh:

 

- Phải chi đây là sức nặng như hòn núi em cũng không từ nan kề vai san sẻ với anh, anh ơi !

 

Sang khóc, Cần tươi cười, hai tay sờ soạng vào không khí như muốn âu yếm vuốt lên tóc vợ lần cuối cùng. Cần Thều thào:

 

- Anh hạnh phúc lắm rồi! - Và Cần câu cổ Sang - Em hãy dìu anh ra bến sông để anh ra lệnh cho anh em bỏ súng… Anh Thành đang đón anh Ba ngoài ấy.

 

Sang xé áo mình băng cho chồng và dìu anh đi ra hướng cây đa Bến Cũ. Thành đang đứng trên cành cây đa trụi đánh tín hiệu cho lực lượng bên kia Giồng Nổi sang sông. Có nhiều chiếc xuồng đâm mũi lao qua dưới ánh trăng lưỡi trai của những ngày cuối tháng âm lịch.

 

Thành từ trên cây nhảy xuống, đỡ lấy Cần:

 

- Chú Cần! Các anh về tới rồi.

 

Cần cố gượng dậy quàng lấy cổ Thành một tay, còn một tay quàng qua cổ Sang, anh thều thào:

 

- Các anh về… Trăng lên… Bến cũ… Anh Thành ơi! Đừng để Sang lẻ loi, đau khổ…

 

Thành và Sang nghẹn ngào, họ cúi xuống nhìn sát vào mặt Cần. Qua ánh trăng già mấp mé trên ngọn bần mé bãi Tân Qui, mặt Cần tái nhợt tựa vành trăng kia. Đôi mắt Cần còn he hé nhìn trăng lần chót, nhưng anh từ từ khép lại, nói một câu nhẹ nhàng như trong giấc mơ:

 

- Tiếng con chim bắt muỗi kêu trên ngọn bần, ôi, tiếng gõ mõ của một ông thầy chùa nào tụng kinh sám hối cho tôi đó…

 

Thành thở dài. Tóc Sang đẫm máu buông dài ràn rụa trong đêm.

 


1-  Máy xới rẫy, máy bơm nước, máy đuôi tôm, máy thu hình và máy thu băng.

2 - Truyện thần thoại Hy Lạp.

Anh Động
Số lần đọc: 3400
Ngày đăng: 15.01.2005
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Gà đẻ gà cục tác - Hồ Tĩnh Tâm
Bến lội - Khôi Vũ
Tri thiên mệnh - Khôi Vũ
Vợ chồng già - Kim Quyên
Học trò ơi - Minh Châu
Cõi vô hình - Minh Châu
Trăng tháng chạp - Anh Động
Hàng rào sậy - Anh Động
Quanh co Rạch Giếng - Nguyễn Thanh
Vắng vẻ chợ hoa - Nguyễn Thanh
Cùng một tác giả
Ánh lửa Chông Nô (truyện ngắn)
Mũi lấn (truyện ngắn)
Tiếng bước chân (truyện ngắn)
Chung kết (truyện ngắn)
Tiếng đàn (truyện ngắn)
Thuốc đắng (truyện ngắn)
Chớp lửa đêm giông (truyện ngắn)
Cách chim không mỏi (truyện ngắn)
Đường còn xa (truyện ngắn)
Qua sông (truyện ngắn)
Khói lam vắt vẻo (truyện ngắn)
Trăng tháng chạp (truyện ngắn)
Hàng rào sậy (truyện ngắn)
Bến cũ (truyện ngắn)
Khai đập (truyện ngắn)
Qua cơn bịnh (truyện ngắn)
Suối nắng (truyện ngắn)
Khơi mạch (truyện ngắn)
Bên hàng Cù Oanh (truyện ngắn)
Tiếng trống Sampô (truyện dài)