Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.161
123.224.439
 
Nâng Niu Hạnh Phúc Trên Tay
Trần Vân Hạc

(Nhân đọc bài thơ Hạnh phúc của Nguyễn Thị Thúy Ngoan

–Hội viên Hội nhà văn Việt Nam)

 

HẠNH PHÚC

 

Hạnh phúc như cát khô

Nắm chặt

Cát tìm kẽ tay trốn mất

 

Người đàn bà giữ được hạnh phúc

Nương nhẹ cát

Tưới bằng nước mắt

Cùng những lời ngọt ngào

Cát ngủ trong lòng tay.

 

Nguyễn Thị Thúy Ngoan

Tuyển thơ Văn Thơ Việt, NXBVH năm 2011

 

Bài thơ vẻn vẹn chỉ có 8 câu, 37 chữ nhưng hàm chứa chứa bao kinh nghiệm đường đời của chính tác giả và sự quan sát, chiêm nghiệm trong cuộc sống của bao đôi lứa luôn khao khát và kiếm tìm hạnh phúc.

 

Hạnh phúc, đó là mơ ước chân chính không của riêng ai: một nếp nhà bình yên, một đôi vợ chồng hòa thuận với những đứa con khỏe mạnh, thông minh, hiếu thảo, sống ấm áp trong tình nghĩa gia đình và làng xóm nhưng để có được những điều đó, trước hết phải có sự hòa hợp của đôi vợ chồng, bởi vợ chồng hoà thuận là nền tảng cơ bản của hạnh phúc. Song hiểu và biết cách giữ gìn điều đó đâu có dễ dàng.

 

Khổ đầu bài thơ chỉ với 3 dòng, bằng sự so sánh tinh tế, tác giả đưa người đọc đến với hình tượng thơ độc đáo: “Hạnh phúc như cát khô”. Điều tất yếu là ai cũng mong sở hữu và làm chủ cái mình có được, nhưng oái oăm thay khi: “Nắm chặt”, “Cát” sẽ: “Tìm kẽ tay trốn mất”!

 

Sự đối lập giữa mong muốn, biện pháp và hiện thực thật phũ phàng nhưng lại vô cùng thực tế. Những hạt “cát khô” sao mà khó nắm bắt đến nhường vậy, chưa nói rằng cũng thật dễ dàng bị cuốn đi dù chỉ một làn gió nhẹ thổi. Hạnh phúc tưởng như nắm chặt được trong tay lại mong manh và dễ trôi tuột đi trong bao đau thương tiếc nuối, ân hận... với bao câu hỏi: Tại sao..? Tại sao..? và Tại sao? Từ “tìm” được sử dụng thật đắc địa, những “hạt cát” kia phải chăng luôn tìm cách thoát ra khỏi những sự trói buộc. Tác giả không trách những “hạt cát” nhưng người khác giới khi đọc ai cũng phải mỉm cười và khâm phục trước sự độ lượng bao dung của người phụ nữ với sự hiểu biết thấu đáo về người đàn ông cùng kỹ năng sống, nghệ thuật sống cần phải có để giữ vững hạnh phúc gia đình.

 

Để rồi khổ thơ sau, tác giả trải lòng như một sự khẳng định: “Người đàn bà giữ được hạnh phúc”... Ở đây tác giả chỉ nói về người đàn bà làm thế nào để giữ được hạnh phúc mà không nói đến nửa kia, sự bỏ ngỏ có dụng ý nghệ thuật này rất giầu sức gợi và cả sức nặng của bản lĩnh nữa.

 

Tôi chợt nhớ những vần thơ trong bài “Anh và Em” của nhà thơ Nguyễn Thị Mai, hai người phụ nữ, đều có chung một khát khao đi đến tận cùng hạnh phúc nhưng cũng lại luôn lo lắng, bồn chồn bất định và cảm thấy nhỏ nhoi trước nửa kia của mình: “Anh là một chấm buồm xa/ Nhỏ như nắm được mà ra vô cùng”.

 

Ở đây  Thúy Ngoan cũng không nỡ trách người đàn ông, không nỡ trách những “hạt cát” vô tình kia mà chỉ bằng tình yêu vô bờ bến, bằng tấm lòng nhân ái, vị tha: “Nương nhẹ cát”. Cái từ “nương” sao mà đẹp đến thế, người phụ nữ trân trọng, nâng niu những gì đã có trong tay và tìm cách giữ gìn bằng tất cả tình yêu và trách nhiệm:

 

Tưới bằng nước mắt

Cùng những lời ngọt ngào

 

Tôi hiểu “Những giọt nước mắt” kia không phải là sự hờn ghen yếm thế, bất lực, yếu hèn, cam chịu mà là tất cả tình thương yêu, lòng vị tha và cả sự nhẫn nại không cùng của người phụ nữ. Và “những lời ngọt ngào” kia cũng không phải là những “lời đường mật” mà là những lời yêu thương chân thành tự đáy lòng. Hơn thế đó còn là nghệ thuật sống mang tính truyền thống của người phụ nữ Việt Nam luôn biết tiết chế và điều hòa để giữ yên mái ấm gia đình mà ông cha ta đã đúc kết: “Chồng giận thì vợ bớt lời, cơm sôi nhỏ lửa một đời không khê” và “Lạt mềm buộc chặt” sẽ có một sức mạnh vô cùng to lớn. Ông bà mình cũng từng nói “Đàn ông năm bẩy lá gan, lá ở cùng vợ lá toan cùng người”, cùng bao thói ích kỷ khác nhưng cách xử sự khôn ngoan  của người vợ sẽ đánh thức nhân tính và trách nhiệm của người chồng. Tấm lòng thánh thiện của người phụ nữ có sức mạnh cảm hóa được những “hạt cát”, “tìm kẽ tay trốn mất” khi bị “nắm chặt” và được đền đáp.

 

Câu kết của bài thơ không chỉ là sự chiêm nghiệm mà còn là khát vọng của muôn đời: “Cát ngủ trong lòng tay”. Thật là bình yên và ngọt ngào! Tác giả khéo léo nói về sự tự nguyện của người đàn ông khi nhận ra những điều tốt đẹp nhất, cao cả nhất mà người vợ yêu quí đã dành cho mình với tất cả sự hy sinh lặng thầm, nên đã biết điều chỉnh và tự nguyện chung tay xây ngôi nhà hạnh phúc, cái chất kết dính được tạo ra từ hai phía ấy sao mà bền chặt. Người phụ nữ lặng thầm đứng đằng sau những cố gắng điều chỉnh của người đàn ông như một điểm tựa vững vàng nhưng vô hình. Chính điều đó đã nâng bài thơ lên một tầm triết lý, ý tại ngôn ngoại, tỏa sáng nét đẹp cao quí của người phụ nữ Việt Nam. Và người vợ ấy đã tế nhị khẳng định vẻ đẹp và sức mạnh tiềm ẩn trong tâm hồn mình, đằng sau biết bao nhiêu day dứt, cay đắng, hy sinh chịu đựng, người đọc thấy lấp lánh một niềm kiêu hãnh của người có bản lĩnh, luôn ý thức được điều cần phải làm để chiến thắng, vượt lên những trắc trở đời thường để giữ được một gia đình trọn vẹn. Điều đó vô cùng có ý nghĩa với mỗi cá nhân, mỗi gia đình và cả cộng đồng, bởi một gia đình bị tan vỡ sẽ kéo theo vô số hệ lụy ngoài ý muốn cho tất cả các thành viên và cho xã hội nữa. Muốn vậy người phụ nữ phải rất vị tha, nhân ái một cách thông thái và khi ấy người chồng nào cũng nể phục vợ. Những người đàn ông nghĩ gì khi đọc những dòng thơ này của Thúy Ngoan?

Phải chăng vì ý thức được sức mạnh tỏa ra từ trí tuệ và đức độ của người phụ nữ mà nhà thơ Nguyễn Thị Mai từng khẳng định:

 

Dù anh biển rộng trời xa

Cũng không bước nổi qua tà áo em

(Anh và Em)

 

Người phụ nữ trong bài thơ của Thúy Ngoan hiểu rõ qui luật sống và nghệ thuật sống cùng giá trị của bản thân. Đó chính là thước đo phẩm hạnh và sự nhận thức rất rõ chân giá trị của mình nên đã chủ động tự thân vượt qua những trắc trở, đau đớn. Thế giới hôn nhân với bao sắc màu, có hạnh phúc xen lẫn khổ đau, có tĩnh và động, có thực tế cùng sự lãng mạn... luôn cần có một tình yêu trong sáng, sâu sắc với bản lĩnh vững vàng, luôn cần có sự nhìn nhận lại mình và điều chỉnh hợp lý của mỗi người để đơm hoa kết trái, được thể hiện trong bài thơ ngắn nhưng hàm súc và cô đọng như một chân lý, bởi không ít người đã để tuột mất hạnh phúc vì đã không biêt ứng xử cho phù hợp. Hạnh phúc trong tay của mỗi người , tìm kiếm, giữ gìn,  và vun đắp được hay không là một nghệ thuật lớn!./.

 

Trần Vân Hạc
Số lần đọc: 1550
Ngày đăng: 13.07.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Biển hồn nhiên nên “biển ngọt ngào” ! - Phan Chính
Nghĩ Về Một Tập Thơ, Hiểu Thêm Về Một Người Thơ - Trầm Thanh Tuấn
Chúc mừng Ban Nghiên cứu Pháp lý về Biển Đông và Hải đảo và Vài vấn đề - Nhiều Tác Giả
Hiểu Nho văn không dễ. - Hồ Bạch Thảo
Khi Nhà Thơ Đi Vớt-Lá-Trên-Sông - Nguyễn Phú Yên
Vấn đề biển đông: Mọi mưu đồ giải quyết song phương nhất định sẽ bị phá sản. - Đinh Kim Phúc
Công Án Thiền Là Một Đối Tượng Nhận Thức? - Đại Lãn
Lòng Ái Quốc! Tại Sao Không? - Ban Mai
Trung Quốc với Biển Đông: “Láng giềng hữu nghị” hay “Chủ quyền thuộc ngã” - Đinh Kim Phúc
Sâm Thương, tôi không còn có ảo tưởng về chính mình - Nhiều Tác Giả
Cùng một tác giả