Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.058
123.234.540
 
Ừ đi! Ừ!
Trần Kim Trắc

Về mặt tuổi nghề, cái vòng bắt chó có thâm niên rất cao. Anh ta ra đời từ thuở thực dân Pháp còn sinh tiền, qua thời Mỹ ngụy và đến nay anh ta vẫn giữ vững lương tâm chức nghiệp là ngăn ngừa nạn chó dại để cứu người. Nhất nghệ tinh nhất thân vinh, trong khi mọi công cụ sản xuất và chiến đấu khác theo đà tiến bộ khoa học điện tử hóa, tự động hóa, người máy hóa... cái vòng bắt chó vẫn là cái vòng bằng sắt, buộc trên cán tre dài hai thước nguyên mẫu từ thuở sơ khai đến giờ. Có khác chăng là cái cán tre đã lên nước láng lẫy trong bàn tay thiện nghệ và cái vòng sắt sáng bóng lên vì không đếm xuể đã bao nhiêu lần siết vào cổ những chú cẩu ngoài vòng pháp luật.

 

Trong khu phố tôi có một cụ bà lãng tai. Nhà cụ đã một lần để chó chạy rong, bị cái vòng sắt xiết cổ mất một con. Bây giờ mỗi khi có khách đến gõ cửa hỏi: "Cụ ông có nhà không?". Cụ bà xem miệng đoán ý là: "Xích rồi".

 

Nói như trên không có nghĩa là cái vòng sắt ỷ lại tay nghề cao mà phú-la-căng các phương tiện của nền văn minh đem lại. Hồi mới đặt bộ máy cai trị ở nước ta, nhà chức trách Pháp ngon lắm, cỡ chủ tỉnh mới được đi chiếc xe "Hốc Kích", làm gì có nhiều xe hơi như bây giờ. Cái cũi bắt chó hồi ấy phải để trên chiếc xe kéo, cái vòng phải treo lộ thiên trên gọng xe, đi chưa đến thiên hạ đã biết. Bây giờ cái vòng được đi xe hơi, loại vận tải trung hiệu Peugeot sơn giống hệt màu xe du lịch, thùng xe thấp đỡ sức lao động khi phải nâng chú chó từ mặt đường bỏ vào cũi sắt.

 

Buổi sáng xảy ra câu chuyện dưới đây, đường phố đông vui, xe cộ qua lại tấp nập, anh kẹo kéo, anh sửa xe, thằng nhỏ thổi bong bóng, chị hàng xôi, cô bán cà phê, các cửa hàng dịch vụ, quầy tân trang bàn ghế... ai lo việc nấy. Sinh hoạt đang tấp nập bỗng cùng lúc dừng lại vì tiếng kêu ăng ẳng. Cái vòng sắt đã tròng vào đầu con chó vàng. Sát bờ tường ba bốn chú khác đang tìm cách thoát thân. Tháo lui thì bị chặn hậu, chạy tới bị chặn đầu, ra mặt đường thì chiếc xe đậu đó đã rải quân dài theo thế trận người nào cũng một cây gậy có vòng. Ba chú chó bị kéo lê theo đầu gậy, cưỡng lại bị nghẹt thở, muốn đi lên chân không làm sao chạm đất. Chúng rú theo bản năng. Bên kia đường, lũ chó ngoài vòng pháp luật sủa nhặng lên. Người trên xe mở nắp cũi sắt khi xe từ tư chuyển bánh. Cái cây vòng xách bỗng mấy chú chàng bỏ gọn vào cũi. Tưởng tấm kịch đến lúc hạ màn, bất ngờ từ trong một ngôi nhà mới xây, mặt tiền lót đá ốp lát, một chú becgiê to tướng xót tình đồng loại, nổi máu anh hùng sủa mấy tiếng "cum cum" tuôn cánh cửa sắt tung ra đuổi theo xe, nhe hàm răng nhọn hoắt. Ai cũng tưởng anh chàng áo xanh đang nhấc con chó thứ ba lên khó tránh khỏi đòn phản kích: Nào ngờ cái vòng tuột khỏi cổ con chó trong cũi, tiện tay xớt một cái, con becgiê thè lưỡi ra bị xách bổng lên ngon lành. Con chó to quá, một người đã lên xe phải nhảy xuống nắm đuôi đẩy phụ và cũi.

 

Chiếc Peugeot nâng dần tốc độ. Từ trong xóm lều bụi đời, ông già mặc quần đùi lưng trần đen đúa đuổi theo chiếc xe. Tuổi cao nên hai cái đầu gối không thẳng chạy lóm khóm - Xe vút đi mất - Ông đứng giữa đường gào theo: "Mẹ mày! Cái con mẹ mày...". Ông Thông chửi đổng vì tiếc thương con chó Quít của ông. Xe trên đường phải ùn lại. Một cô con gái buông chiếc xe chở rác chạy ra gọi: "Ba! Ba!" lôi ông vào lề đường.

 

Dưới bóng cây bã đậu, ba bốn anh chàng ngồi trên thành xe ba gác đậu chờ hàng kháo nhau:

 

- Tội nghiệp con becgiê. Anh hùng lâm nạn.

 

- Cứu người đeo họa vào thân.

 

- Nó mà ngoặm một cái là mất luôn một miếng thịt. Thằng đó nhanh thật, xớt một cái tuyệt chiêu. Xách bổng lên.

 

- Tiền chuộc con becgiê chắc phải gấp đôi.

 

- Khéo lo, ông Năm Ngọc thiếu gì tiền.

 

Ông Năm Ngọc mặc bộ soóc áo cá sấu, lái chiếc cúp, trên guidon treo cái túi da, hai cái cán vợt ten-nis thò ra ngoài, lao thẳng xe vào nhà, ông thét ầm ĩ:

 

- Đã dặn mỗi một việc trông coi con chó mà làm không nên thân, con Fedor có làm sao, bà biết tay tôi.

 

- Tôi vẫn buộc vào chân bàn, có lơ đễnh đâu.

 

- Không lơ đễnh! Chẳng lẽ họ xông vào nhà xích cổ nó mang đi.

 

- Cứ tưởng như mọi khi, quấn vài vòng vào chân bàn là đủ. Nào ngỡ lũ chó mắc ôn ngoài đường làm nó lồng lên giật tuột xích, ông ở nhà cũng chẳng giữ được nó.

 

- Đồ ngu ơi là ngu! Trói gà không chắc. Bà chết đi! Chết đi cái đồ của nợ.

 

Ông quay mặt ra đường gào lên:

 

- Trời ơi là trời, thấy vợ người ta chết mà ham, còn vợ mình rủa mãi mà sao nó không chết giùm nè trời.

 

Cái tư tưởng sâu kín của ông bấy lâu nay phải nén lòng chờ, đột nhiên bị cơn nóng giận đẩy ra đằng khẩu làm cho các tay ba gác dưới bóng cây bã đậu nói với nhau:

 

- Hà hà! Ông muốn đưa con bồ nhí về, nên mong cho bà ấy chết.

 

Khi ông Năm Ngọc đến ngã năm chuồng Chó, tình cảnh của con Fedor còn thảm hại hơn cảnh Tây bị Nhật Bổn đảo chánh bắt nhốt hồi năm bốn mươi. Chó tứ xứ bị nhồi nhét chung vào một chuồng choảng nhau kịch liệt, máu chảy, thịt rơi. Giờ hết xí quách rồi mới thấy là vô nghĩa vì đã quá ư ê chề, mệt mỏi. Chúng ư ử than thở với nhau, còn liếm láp nhau những mong an ủi kẻ cùng cảnh ngộ. Hóa ra muôn loài trong giới động vật cũng như loài người đâu đến nỗi hoàn toàn hung ác, chẳng qua có lúc nào đó chúng chẳng hiểu nhau mà thôi.

 

Con Fedor mệt mỏi, bốn cái chân nó run rẩy. Nó nằm khụy xuống đè lên một con chó bản xứ vú mõm trễ dài ra teo ngắt, tội nghiệp cho đàn con bé nhỏ ở nhà có lẽ giờ này đang gào sữa mẹ. Con Fedor ướt như chuột từ đầu đến chân, không hiểu nó tự làm ướt hay đồng loại làm cho nó ướt. Cái không gian quá ư chật hẹp, số bị giam giữ quá đông chen nhau như gài mắm. Chúng để khu lên đầu con Fedor không kiêng nể, không còn sức đâu xô đẩy. Con Fedor đành gác mõm lên lưng con Quít của ông Thông. Giá có cục xương gặm đỡ lòng, dám đâu mơ tưởng hai trăm gam thịt bò mỗi buổi.

 

Sau khi trình giấy đã tiêm chủng, nộp phạt năm nghìn đồng, ông Ngọc rước con Fedor ra. Cái vòng thít vào cổ đã nhổ của nó cả mảng lông. Mùi chua thối xông lên nồng nặc. Không đành lòng, ông Ngọc cởi cái áo lót trắng phau làm giẻ lau chùi cho cậu quý tử. Lên xích lô có một thằng nhỏ ngồi ôm, con Fedor vẫn nơm nớp lo người ta đem giết thịt. Mỗi khi có một chiếc xe hơi chạy qua, nó lồng lên vì ám ảnh cái xe đã bắt nó.

 

Con Fedor về đến nhà, các phố bên sang thăm như vừa rước con bệnh từ nhà thương về. Ông Thông cũng đến để hỏi thăm con Quít.

 

- Ông đừng lo, nộp phạt năm nghìn lĩnh nó ra thôi. Nhưng ông phải đi lĩnh sớm sớm, quá hạn người ta sẽ bán cho hàng thịt.

 

Ông Thông xoay lưng, không phải đi mà chạy lúp xúp. Ông chạy thẳng đến bà tiền góp.

 

- Thôi đi cụ! Đưa tiền cho cụ lấy gì cụ trả tôi. Có bao nhiêu không đủ cho cụ nhậu, không lẽ tôi siết cái quần đùi của cụ.

 

Quả thật, tài sản của cụ Thông độc có cái quần đùi cụ đang mặc. Vác mướn, bơm xe đạp cũng cái quần đùi ấy, bửa củi, kéo xe ba gác cũng cái quần đùi ấy, cái quần đùi trắng nhục nhục thành màu mỡ gà, lúc còn thức, khi ngả lưng ngoài vỉa hè cũng cái quần đùi ấy. Thiên nhiên xứ Sài Gòn ưu đãi cho dân bụi đời diễm phúc chỉ với chiếc quần đùi thừa sức chống đỡ với mưa nắng gió sương. Có lạnh đâu mà sợ chết rét, nếu nước máy bị cắt có bến Bạch Đằng ùm xuống tắm tha hồ lãng phí nước. Đối với nước da đen đúa như dân Biển Hồ của ông Thông, cái quần đùi quá bằng thừa nếu nó không có cái vai trò bảo vệ mỹ quan thành phố.

 

Con dâu ông, con Hội đẩy xe rác từ trong hẻm ra, cô làm nghề gom rác cho các gia đình ở các hẻm sâu, tháng tháng được mỗi nhà cho vài ba trăm, tiền lẻ cô cuộn lại đút vào thanh sắt tròn làm tay đẩy xe. Cụ Thông lấy cây xom rác thuôn vào ống đùn ra, tiền rơi lả tả xuống đất, nhưng chỉ có mười tấm giấy hai mươi đồng, còn xơi mới đủ năm nghìn đem chuộc con Quít.

 

Bốn ngày trôi qua, ông nhớ con Quít, ngồi đứng không yên, ông ra gốc cây bã đậu ngồi lên vỉa hè chờ đợi. Bên kia đường, một đôi vợ chồng trẻ đèo nhau trên chiếc xe Dream rẽ vào hiệu bày bán bàn ghế. Bọn trẻ nhanh mắt bất kể xe cộ lao qua giành mối. thông lệ ở khu ba gác này, ai lên tiếng hoặc sờ cài yên xe trước là mối của người ấy.

 

Ông Thông đến sau, nhưng mặc, ông cả quyết khách này là của ông. Người đến trước cãi lại, ầm ĩ cả lên, sắp xô xát đến nơi:

 

"Mẹ mày! Con mẹ mày! Tao ngồi chờ ba ngày nay, tụi bây giành hết. Không tiền chuộc con Quít bể đầu mày!".

 

Mấy anh em lớn tuổi trong đám bốc vác can gián:

 

- Thôi mầy! tội nghiệp ổng! Ổng thương con chó nên ổng nóng nẩy, có mối khác tụi tao sẽ nhường cho mày.

 

Họ lập tức khiêng một tủ áo ba buồng dán pho-mi-ca màu trắng, bên trên xếp thêm một tủ phấn. Thằng Nhành con trai không hợp tính ông nên cô con dâu phải theo xe đẩy phụ. Ông Thông đưa hai tay ra sau nắm thành xe ba gác còm lưng xuống kéo. Có lẽ nhân ngày vui duyên mới, vợ chồng anh khách hàng "boa" thêm cho một nghìn, vị chi được sáu nghìn.

 

- Quít ơi! Quít! Chiều nay thôi, cục cưng thoát khỏi vòng lao lý. Sáu nghìn! Hừ nộp phạt năm nghìn, dành một nghìn mướn xích lô chở con Quít từ ngã năm Chuồng Chó đến Phú Nhuận, sau đó sẽ đi bộ. Lượt đi ông lội bộ. Tấm thân trần, cái quần đùi trên đôi chân, bộ tóc muối tiêu chải ngược còn chút dấu vết hoa lá thời trai trẻ, ông lầm lũi đi. Qua Tao Đàn đến ngã tư Hai Bà Trưng - Xô Viết Nghệ Tĩnh, ông cứ hướng về Phú Nhuận. Cặp giò đã thấy mỏi, cổ khát đắng gợi nhớ mùi vị thân quen. Qua chợ Tân Định, đi một lúc đến dốc cầu, ông ngẩng lên, một tấm gỗ có đóng khung sơn màu xanh kẻ to hai chữ "ĐÂY RồI" thấp hơn tầm mắt, nóc một ngôi nhà gỗ e ấp bên mang cá cầu, mùi dồi nướng xông lên.

 

- Hừ! Đến lượt về sẽ đi bộ luôn. Ta vào làm một ly lấy lại sức.

 

Đôi chân đưa ông vào quán. Chủ quán không mau mắn tiếp đón cho lắm, nhưng thấy ông có nắm tiền trong tay, họ đặt trước ông nửa xị.

 

- Ông làm đĩa lòng chứ! Chó Mực ông à!

 

Giá họ mời sớm hơn ắt ông từ chối. Nhưng một ly đã lên hương trong cổ ông rồi. Trời đất như sáng rỡ hơn. Cái đầu chó luộc lóc xương, cuộn dồi vàng ươm như biết nhảy múa chào mời. ông gật đầu.

 

- Làm thêm đĩa tiết canh cho mát ruột ông à!

 

Lại gật đầu. Ông không nhớ đã bao lần ông gật đầu. Rượu bắt đầu để lại hậu vị ngọt. Còn tâm trí đâu để nhớ, để thương con Quít.

 

Họ đưa ông ra đường, ông đã vững chân vượt qua cầu Kiệu xuống hết dốc, ông tựa lưng vào bờ tường, chuyển từ thế đứng sang thế ngồi, người đi đường qua lại bước tránh một chút, họ không muốn phá giấc ngủ của ông già.

 

Sáng sớm hôm sau, một ông xích lô cùng xóm đi chở mối trên Phú Nhuận về nhặt được ông. Ông nằm nghẻo đầu trên thành xe. Lật lưng quần tìm thấy còn hai tờ năm chục.

 

Hết rồi Quýt ơi! Đau đớn lắm!

 

Ông thương con Quít không giống ông Năm Ngọc thương con becgiê. Ông Ngọc thương con becgiê vì con becgiê đem đến cho ông sự vẻ vang, sự hợp thời trang khi ông ngồi trên ban-công. Fedor ngồi dưới chân ông, khi xe hơi trong nhà ra. Con Fedor hùng vĩ nhô đầu ra cửa kính và nhất là khi ra sân Tao Đàn luyện chó, ông quấn vải to bằng cái gối vào cánh tay. Ông nhử cho nó phóng tới há mồm ngoặm để ông phô diễn sự linh hoạt, nhanh nhẹn, tính mã thượng và cả tinh thần dũng cảm trận mạc.

 

Còn ông Thông thương con Quít vì cái duyên kỳ ngộ. Con Quít là con chó lạc loài không rõ từ đâu đến vào lúc ông đang "Pour la santé" với mấy chú bụi đời, ông cho chó ăn chè, mà chè của ông thì con Quít ăn, ăn ngon lành nên mến hơi người nó ở luôn với ông. Đói nó ra nhặt xương ở hiệu ăn, hiệu phở mà lớn. Đêm đêm bất cứ chỗ ngủ bất định của ông ở đâu, nó cũng tìm đến nằm bên.

 

Con Hội, vợ thằnh Nhành gom rác xong vào xóm nhờ nhà quen tắm rửa sạch sẽ bằng xà bông Ca May.

 

Nó vận một bộ màu hột gà quần Sác-tô, áo cổ bẻ. Nó tìm ông già chồng dắt đến quán ăn cơm đĩa. Dù sao, phố xá nhìn ra có người thầm khen ông Thông bụi đời có con dâu được quá.

 

Con Hội gặp thằng Nhành tại nhà bà Sáu Lý sâu trong con hẻm trên. Thằng Nhành móc tiền trả nó không lấy. Nó bảo nó cần cánh tay người trượng phu cho nó nương tựa chứ nó không cần tiền, nếu thằng Nhành thương, nó sẽ theo thằng Nhành bỏ cái nghề bội bạc.

 

Chúng nó thành vợ thành chồng. Ông Thông chạy lo cho con Hội cái chân gom rác trong hẻm. Được đồng nào nó dẫn ông đi ăn cơm, có dư nó mua ông một xị.

 

Đi gần tới quán cơm bình dân, bỗng nhiên ông Thông bốc chạy. Ông đuổi theo một chiếc xe thồ. Bốn con chó trói tréo cánh khỉ bị treo hai bên ba ga. Bên trên còn cái lồng đan bằng kẽm nhốt ba con nữa. Ông vừa đuổi theo vừa ới gọi. Tên xe thồ đâm hoảng phóng nhanh, khoảng cách xa dần, cuối cùng đành bất lực, ông đứng giữa đường chửi với theo. Con Quít ở trong cái lồng, chính nó đã ăng ẳng đánh tiếng gọi ông. Thế là họ đã bán con Quít đi cho người ta đem giết thịt. Hết phương cứu rồi!

 

Con Hội nhanh trí, nó tách vào đứa bạn bán thuốc lá bên đường mượn chiếc xe đạp. Nó ném cho ông già một nghìn đi ăn cơm đĩa, còn nó phóng theo con Quít.

 

Vượt qua bùng binh Ngã Sáu, đến gần bến xe Pétrus Ký, con Hội níu được cái lồng sắt.

 

- Anh ơi dừng lại nói này nghe...

 

Anh chàng xe thồ định sừng sộ nhưng kịp nghĩ lại khi trông thấy cái quần Sác-lô màu trứng gà.

 

- Anh ghé quán uống nước đi! Em muốn hỏi một việc.

 

- Việc gì nói đi! Tôi phải đi giao hàng.

 

- Anh thông cảm, em muốn chuộc lại con chó này, đấy tội nghiệp nó đã nhận ra em, ông già em kêu khổ mấy ngày nay vì mất nó.

 

- Hai mươi lăm ngàn, lấy vốn thôi...

 

Bàn tay của anh ta suốt theo ghi đông vờ vô tình chạm vào tay con Hội. Con Hội nhúc nhích đầu móng tay quẹt nhẹ đáp lại:

 

- Em làm gì có đủ tiền. Trả bằng cái ấy được không?

 

Con Hội đá lông nheo, mỉm cười nên cái đồng tiền lún sâu xuống. Hai chiếc xe đạp cùng lên đường. Anh lái đưa chó đến quán Cờ Tây, giao hàng. Riêng bản án của con Quít được tạm hoãn. Anh lái thu một nắm tiền chia ra một phần nhét vào túi sau, hai phần vào hai bên túi hông. Hắn mời con Hội đi ăn cơm tiệm, uống bia Vạn Lực. Con Hội đưa hắn về con hẻm nhà bà Sáu Lý, chỗ quen biết dù sao cũng dễ.

 

Nó đưa hắn lên cái gác ọp ẹp của bà Sáu để thanh toán giao kèo lấy lại con Quít.

 

Bà Sáu Lý ngồi cạnh cửa. Khi cánh cửa kéo trên đầu cầu thang đóng lại, bà theo lời dặn của con Hội mở lồng thả con Quít. Cách một con hẻm nó khắc biết đường về.

 

Cánh cửa sàn gác lại mở. Bà Sáu Lý nghe tiếng con Hội bảo:

 

- Anh nằm nghỉ, chốc nữa sẽ xuống. ra cùng lúc người ta để ý.

 

Hắn nhô đầu ra gọi theo:

 

- Sau này muốn gặp em, tìm ở đâu.

 

- Sau này con Quít không còn bị bắt nữa đâu. "Bái bay".

 

Vật về với chủ, đại phúc.

 

Ông Thông đang ngủ, nghe lành lạnh trên má bừng tỉnh. Con Quít vẫy đuôi ư ử liếm vào má ông. Ông ôm con vật vào lòng:

 

- Mẹ mày! Con mẹ mày! Làm sao mày xổng về được hả Quít. Và ông chợt hiểu ra.

 

- Con Hội? Con Hội phải không? Tội nghiệp! Tội nghiệp nó!... Mày làm khổ nó rồi Quít ơi!

 

Con Hội bị một trận đòn nên thân. ầm ĩ cả lên. Trẻ con chạy trước, người lớn theo sau, xe cộ tò mò cũng dừng lại. Sau bao nhiêu cái tát, thằng Nhành quơ cây chổi quét rác đập túi bụi. Không vừa, con Hội nắm chắc một đầu chổi, hai đứa giằng co nhau. Thằng Nhành một tay gữi chổi, một tay quơ cái ghế gỗ của bà cà phê. Người ta xúm lại tước cái ghế can gián. Ông Thông tức tối chạy quanh quanh quát mắng.

 

Chuyện đổ bể do bà Sáu Lý. Khi tên lái ra về, hắn trao cho bà Sáu năm nghìn trả tiền phòng. Bà không chịu.

 

- Chuyện đổi chó đổi mèo gì anh với nó bàn với nhau tôi hổng biết. Chốc nữa con nhỏ đến đòi tiền tôi cười trừ với nó được à? Hai mươi lăm ngàn nữa đưa đây tu suýt. Không tiền thì để xe đạp lại đây về không. Muốn quỵt phỏng?

 

Xót như hoạn, hắn đành thò ra thêm hai mươi lăm ngàn.

 

Bà đon đả đến tìm con Hội lúc nó đang ngồi quán cà phê với thằng Nhành.

 

- Đây chị bắt nó thò ra thêm hai mươi lăm nghìn chị đưa cho em mười lăm nghìn, sòng phẳng nhé! - Bà Sáu Lý vô tình không biết lời thề của hai đứa với nhau: Giã từ thế giới ngầm, bước sang cuộc đời làm ăn lương thiện.

 

Thằng Nhành nghe qua tức giận con đàn bà phản trắc, ngựa quen đường cũ, nuốt lời bội bạc nên khùng lên, thượng cẳng tay hạ cẳng chân.

 

Thấy cần phải ra tay xoay chuyển tình thế để bọn em út coi bà chẳng ra sao, bà Sáu Lý chống nạnh bước tới chắn trước mặt.

 

- Này! Tao bảo cho mà biết. Nó coi cái tấm thân của nó chẳng ra làm sao để nó chuộc con chó của nhà mày. Nó được cái gì? Tàn nhẫn với nó, tao bắt nó lại đem về nuôi coi nó có làm một ngày đôi ba chục ngàn bạc để cái thân nó không phải đi hốt từng hốt rác để nuôi cha con mày. Cái quân không biết điều.

 

Rồi bà quay sang phân bua với mọi người.

 

- Mẹ nó! Cái bọn người này phải chờ đến lúc rã xương ra chúng nó mới chịu hiểu nhau.

 

Thằng Nhành ấm ức, nó đạp xích lô bỏ đi. Sài Gòn về chiều, không khí ngoài đường mát mẻ, dễ chịu làm cho mọi người tạm quên mọi khổ ải, nhọc nhằn hòa nhập với dòng người, xe cộ đón đèn đường đang lên hoà nhịp với "rịch rinh rinh" tiếng nhạc từ các máy âm thanh đủ cỡ.

 

Quá mười hai giờ đêm.

 

- Quít! Chị Hai mầy ngủ ở đâu?

 

Con Quít lúp xúp chạy trước. Thằng Nhành theo sau đi đến vỉa hè trước nhà ông Năm Ngọc. Con Hội thích ngủ ở chỗ này vì bên trên có cái ban-công nhô ra có thể che mưa, nhất là bên dưới có cái bậc thạch trát đá gra-ni-tô nhẵn bóng. Trong khi chờ chồng về, nó gác chân ôm cái bậc thạch man mát lành lạnh thích lắm. Thằng Nhành không lên tiếng, nằm xuống thẳng đơ bên cạnh, gối đầu lên bàn tay nhìn thẳng lên đêm tối. Làm như giữa nó và tấm lưng con Hội có một đường ranh giới vô hình. Con Quít nằm dưới chân đang lim dim bỗng nghe tiếng.

 

- Ái! Nhột! Hú hí! Rách áo bây giờ.

 

Con Hội buông cái bậc thạch, xoay hướng gác chân lên mình thằng Nhành.

 

- Hồi đánh người ta, coi cái mặt này tức cười lắm!

 

- La bài hải mà dám cười.

 

- La thì la! Cười cứ cười. Cười trong bụng ai mà biết! Ôi nhột!

 

- Mà cười cái mí gì?

 

- Cười cái mặt ghen ấy. Cái mặt đàn ông ghen coi ngộ lắm!

 

- Thích nhìn lắm à!

 

- Sao không? Có ghen mới biết lòng dạ thương nhau.

 

- Ai thèm thương.

 

- Thương mới ghen, không thương ghen mần chi

 

Con Hội bật cười lên, cười to bất kể thiên hạ trong phố hai bên đường phải thức giấc vì tiếng cười tâm đắc của nó. Nó giữ chặt hai bàn tay thằng Nhành.

 

- Khoan đã! Mà ừ đi! ừ đi nói cho mà nghe.

 

- Biết cái gì mà ừ!

 

- ừ đi! ừ mới nói! Không ừ không nói.

 

Thằng Nhành gỡ tay ra. Con Hội úp mặt vào ôm chặt cái bậc đá. Thằng Nhành lê theo phều phào. Nó nghe hơi thở phả vào gáy.

 

- Thở nóng quá! ừ đi rồi khỏi thở.

 

- Nói đi sẽ ừ.

 

- Thật không? Kề lỗ tai lại đây! Nghe nghe! Từ rầy không được đánh người ta giữa ban ngày ban mặt. Ôi nhột! Đợi đến tối bằng giờ này có đánh thì đánh! Chịu hôn? ừ đi! ừ đi!

 

- ừ!

Trần Kim Trắc
Số lần đọc: 3242
Ngày đăng: 15.01.2005
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Gà đẻ gà cục tác - Hồ Tĩnh Tâm
Bến lội - Khôi Vũ
Tri thiên mệnh - Khôi Vũ
Vợ chồng già - Kim Quyên
Học trò ơi - Minh Châu
Cõi vô hình - Minh Châu
Trăng tháng chạp - Anh Động
Hàng rào sậy - Anh Động
Quanh co Rạch Giếng - Nguyễn Thanh
Vắng vẻ chợ hoa - Nguyễn Thanh
Cùng một tác giả
Cảm hứng (truyện ngắn)
Kẻ trộm tình (truyện ngắn)
Ông thối bà thiu (truyện ngắn)
Thư đi thư lại (truyện ngắn)
Nhà hiền triết (truyện ngắn)
Con cá bặt tăm (truyện ngắn)
Ừ đi! Ừ! (truyện ngắn)
Chuyện nàng Mimô (truyện ngắn)
Cảm hứng. (truyện ngắn)
Trực giác (truyện ngắn)
Con mắt thứ ba (truyện ngắn)