Luận văn bậc MPhil của Stephen Samuel James có tên là [Những người London gốc Việt: Các bản sắc xuyên quốc gia qua những liên kết cộng đồng] Vietnamese Londoners: Transnational Identities Through Community Networks, lưu tại thư viện Goldsmiths College, University of London từ tháng 7 năm 2011.
Bên cạnh khái niệm bản sắc dân tộc (national identity) các nghiên cứu đương đại còn quan tâm đến bản sắc xuyên quốc gia (transnational identity). Công trình nghiên cứu đầu tiên về đề tài này trong văn hóa Việt vừa được Stephen James bảo vệ thành công trong luận án phó tiến sĩ (MPhil) tại đại học Goldsmiths ở London.
Là người Anh, nhưng sinh ra ở Mỹ và lớn lên ở Gia Định trong giai đoạn 1962-1975, làm việc ở Đức và nhiều nước khác, Stephen James luôn quan tâm và nhanh chóng nhận ra điểm đặc biệt trong văn hóa Việt ở các cộng đồng người Việt sống ở nhiều nước khác nhau: giá trị bản sắc làm nguồn vốn (social capital) không chỉ trong cuộc sống mà cả trong kinh doanh. Áp dụng góc nhìn của Robert Putnam vào phân tích, anh nhận thấy người Việt ở các nước nhanh chóng biết tận dụng mối quan hệ bản sắc dân tộc để phát triển mạng lưới doanh nghiệp xuyên quốc gia. “Tôi có thể đi hầu như bất kỳ đâu trên thế giới này và kinh doanh thông qua các mối quan hệ quen biết với đồng hương người Việt,” một doanh nhân ở London chia sẻ trong luận văn của Stephen James.
Vấn đề của bản sắc xuyên quốc gia là không chỉ đơn giản làm một phần của bản sắc dân tộc gắn liền với quốc gia nguyên quán. Khi đến một cấp độ nhất định, do được hình thành trên cơ sở một cộng đồng mường tượng (imagined community) như cách nhìn của Benedict Anderson, bản sắc này chỉ còn gắn tên với một vùng đất cũ, còn trên thực chất đã bám rễ trên một vùng đất mới, như lời của vị doanh nhân nọ: “Kinh doanh ở Việt Nam là một khả năng, nhưng còn rất nhiều khả năng khác nữa.” Mảnh đất mới đó có thể như là khu quận 13 ở Paris nổi tiếng một thời, là khu Little Saigon ở California như hiện nay, được coi là “thủ đô của người Việt hải ngoại,” tức cũng là trung tâm địa lý chính trị cho bản sắc Việt xuyên quốc gia.
Một trong số những điểm nút quan trọng trên bản đồ bản sắc Việt xuyên quốc gia được PTS Stephen James chú ý là London, đặc biệt là nhóm người Việt làm truyền thông ở đây. Bên cạnh ban tiếng Việt đài BBC WS mà trong vòng hai năm nữa bộ ngoại giao Anh sẽ không còn cấp ngân sách hoạt động còn có tờ tạp chí Tri Thức Việt, từng xuất hiện đầy tên tuổi trong cuộc thi hoa hậu người Việt ở nước ngoài tổ chức ở Nha Trang, nhưng nay cũng không còn ấn bản báo giấy. Có người tiết lộ “đã bỏ bản sắc dân tộc ở lại khi đi ra nước ngoài và đón nhận một bản sắc mới, hướng đến bản sắc quốc tế.” Những gì Stephen James chú ý và trích dẫn từ các phỏng vấn sâu với giới làm báo tiếng Việt ở London cho phép người đọc hiểu rõ bản sắc (chất) của các tờ báo này và những gì đã diễn ra trong vài năm qua ở đây.
Quay trở lại vấn đề bản sắc cộng đồng, nhìn theo góc độ địa lý chính trị ta sẽ có bản sắc dân tộc (quốc gia) là dạng tổ hợp của các bản sắc địa phương, vùng miền và liên vùng miền, nằm trong tổ hợp rộng hơn của bản sắc khu vực như là Đông Nam Á hay Đông Á và rộng hơn nữa là quốc tế. Với vị trí đặc biệt như vừa nêu, bản sắc xuyên quốc gia (transnational identity) có thể gắn với chính quốc gia nguyên quán nhưng cũng có thể tách rời, hoặc ít nhất là chuyển trọng tâm sang một quốc gia hay thành phố/cụm dân cư khác. Cùng với sự gia tăng của khả năng di chuyển trong thế giới phẳng thời hậu hiện đai, bản sắc xuyên quốc gia đang dần tăng giá trị mà những ứng dụng thành công trong cuộc sống và kinh doanh của người Việt ở các nước đã được PTS Stephen James mô tả đậm đặc trong công trình nghiên cứu của anh. Hệ thống khái niệm sơ khai với khái niệm bản sắc mang tính giá trị (value-based identity) và đặt nguồn (resources-based identity) mà anh xây dựng đang mở ra hướng nghiên cứu mới cho giới tri thức Việt muốn hiểu rõ hơn về bản thân mình và thế giới đương đại, nơi vật chất và giá trị, tức các nguồn tài nguyên mới đang không ngừng chuyển động, như góc nhìn hậu hiện đại của Arjun Appadurai./.