Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.094
123.231.743
 
Thị trường tự do có làm băng hoại các giá trị đạo đức hay không? 5
Phạm Nguyên Trường

Michael Walzer: Tất nhiên là có

 

Cạnh tranh trên thương trường tạo ra áp lực lớn, làm cho người ta dễ vi phạm những qui định thông thường về cách ứng xử đúng đắn giữa người với người và sau đó tìm cách biện hộ cho những hành động của mình. Những lời biện hộ như thế - thực ra là tự lừa mình, nhằm thủ lợi mà lương tâm lại không hề áy náy – sẽ  làm băng hoại đạo đức. Nhưng tự bản thân điều đó lại không phải là luận cứ chống lại thị trường tự do. Xin nhớ rằng nền chính trị dân chủ cũng làm băng hoại đạo đức. Cạnh tranh quyền lực cũng tạo áp lực lớn – phải hét to những điều dối trá trước các cuộc hội họp, phải hứa những điều không thực hiện được, phải nhận tài trợ từ những nhân vật đáng ngờ, phải thỏa hiệp những vấn đề không nên thỏa hiệp. Tất cả cũng đều cần được biện hộ, và đức hạnh trở thành nạn nhân – ít nhất đức hạnh cũng không còn nguyên vẹn nữa. Nhưng những khiếm khuyết như thế cũng không phải là luận cứ chống lại nền dân chủ.

 

Chắc chắn là cạnh tranh về chính trị và kinh tế còn tạo ra những hình thức cộng tác khác nhau – hợp tác, công ty, đảng phái, công đoàn. Những tình cảm như sự đồng cảm, tôn trọng lẫn nhau, tình bằng hữu và đoàn kết sẽ phát triển và được củng cố trong khuôn khổ những hình thức hợp tác đó. Người ta học được cách cho và nhận thông qua những cuộc thảo luận tập thể.  Người ta trình bày quan điểm, chấp nhận rủi ro và thành lập liên minh. Tất  cả những quá trình đó đều giúp giáo dục tính cách. Nhưng vì mối lợi quá lớn cho nên những người tham gia những hoạt động như thế còn học được cách theo dõi lẫn nhau, không tin nhau, che dấu kế hoạch của mình, phản bội bạn bè và – chúng ta biết rồi, từ Watergate cho đến Enron. Chúng trở thành “các nhân vật điển hình” trong những câu chuyện về nạn tham nhũng trong các công ty, những vụ bê bối chính trị, những cổ đông bị lừa gạt, những cử tri bị phản bội. Tóm lại, mọi người, cả người mua hàng lẫn cử tri đều phải thận trọng!

 

Có thể làm cho cạnh tranh về chính trị và kinh tế trở thành vô hại đối với đức hạnh được không? Chắc chắn là hoàn toàn vô hại thì không. Thị trường tự do và bầu cử tự do về bản chất là những hiện tượng đầy rủi ro đối với tất cả những người tham gia, đấy không chỉ vì những kẻ không ra gì, những món hàng hóa kém phẩm chất và chính sách sai lầm có thể thắng mà còn vì giá của chiến thắng có thể lá quá cao, đối với cả người tốt, sản phẩm và chính sách đúng đắn nữa. Nhưng chúng ta có cách hàng xử khác nhau trước những mối đe dọa của thị trường và bầu cử. Chúng ta cố gắng tạo ra giới hạn đối với cạnh tranh chính trị và mở rộng lĩnh vực chính trị cho cả người đức hạnh lẫn người ít đức hạnh hơn tham gia. Các chính khách hiện nay không được nhiều người coi là những tấm gương về mặt đạo đức nữa, một phần là vì họ thường xuyên bị các phương tiện truyền thông đại chúng xoi mói, tất cả khuyết, nhược điểm của họ đều được các phương tiện truyền thông đại chúng loan truyền trên khắp thế giới.

 

Tuy nhiên, các nền dân chủ hiến định đã chặn đứng được những biểu hiện xấu xa nhất của sự mục nát về mặt chính trị. Chúng ta đã thoát khỏi những hành động độc đoán của những lãnh tụ độc tài, sự ngạo mạn của các nhà quí tộc, sự đàn áp và bắt bớ tùy tiện, sự kiểm duyệt, những bản án đã được định trước và những phiên tòa mang tính trình diễn – chưa chắc chắn đến mức không còn phải cảnh giác canh phòng những quyền tự do nữa, nhưng chúng ta đã được tự do đến mức có thể tổ chức được việc canh phòng. Các chính khách thường xuyên lừa dối hoặc không thực hiện lời hứa sẽ thất cử. Không, những biểu hiện xấu xa nhất trong đời sống xã hội không phải là từ chính trị mà là từ kinh tế và nguyên nhân là do trong lĩnh vực kinh tế chúng ta không có những hạn chế mang tính hiến định tương tự như những hạn chế trong lĩnh vực chính trị.

 

Thành tựu quan trọng nhất của các nển dân chủ hiến định là đã loại bỏ được cuộc đấu tranh theo kiểu “một mất một còn” ra khỏi đời sống chính trị. Mất quyền lực không có nghĩa là phải úp mặt vào tường. Những người ủng hộ phe chiến bại cũng không bị bắt làm nô lệ hay phải lưu đầy. Cái giá phải trả trong cuộc tranh giành quyền lực đã không còn cao như xưa nữa, và như vậy là đã giúp người ta có thể lựa chọn những cách hành xử có đạo đức hơn.  Người ta cho rằng trong lĩnh vực kinh tế, nhà nước phúc lợi hiện đại cũng có thể làm những việc tương tự như thế: buộc thị trường phải tuân thủ các qui định bằng cách hạn chế những thiệt hại có thể xảy ra trên thương trường. Nhưng trên thực tế - chí ít là ở Mĩ – chúng ta chưa làm được nhiều trong việc thiết lập “hiến pháp” cho thị trường. Đối với rất nhiều người, cạnh tranh trên thương trường vẫn gần như là cuộc đấu tranh “một mất một còn”. Cuộc sống của gia đình, việc chăm sóc sức khỏe cho trẻ con, sự học hành của chúng và an hưởng tuổi già bị đem ra đánh cược. Mà đứng trước những rủi ro lớn như thế thì không gian dành cho đức hạnh sẽ chẳng còn nhiều. Những người tử tế hành xử một cách tử tế, và khi điều kiện cho phép thì đa phần đều là những người tử tế cả. Nhưng cuộc đấu tranh vẫn là tác nhân làm băng hoại đạo đức của con người.

 

Một thành tựu nữa của thể chế hiến định là hạn chế quyền lực của những người giữ chức vụ cao. Họ phải hoạt động bên cạnh những lực lượng đối trọng, các đảng phái và phong trào đối lập, các cuộc bầu cử định kì và nền báo chí tự do và đôi khi có thái độ phê phán đối với nhà cầm quyền. Mục tiêu quan trọng nhất của những ràng buộc này là làm giảm đến mức tối thiểu những thiệt hại mà những nhân vật có quyền lực nhưng đã bị thoái hóa có thể gây ra. Nhưng trên thực tế, một số chính khách của chúng ta đã tự kiềm chế và đấy là điều có ý nghĩa quan trọng đối với việc xây dựng nhân cách của chúng ta.

 

Thể chế hiến định trên thương trường cũng sẽ tạo ra những hạn chế tương tự như thế đối với quyền lực kinh tế của những người giàu có nhất. Nhưng, như đã nói, chúng ta chưa là được nhiều trong việc thiết lập “hiến pháp” cho thị trường. Quyền lực kinh tế hầu như không bị bất cứ ràng buộc nào, lực lượng đối trọng là công đoàn lao động đã bị thu hẹp rất nhiều, hệ thống thuế khóa cũng lùi bước; lĩnh vực ngân hàng, đầu tư, chính sách giá cả và quĩ hưu bổng hầu như không chịu bất kì sự điều tiết nào. Thái độ ngạo mạn của những kẻ giàu có trong mấy thập kỉ vừa qua làm người ta phải ngạc nhiên. Mà đấy là do họ biết rằng họ muốn làm gì cũng được. Kiểu quyền lực tuyệt đối như thế, như Lord Acton đã viết từ lâu, sẽ làm con người trở thành đồi bại hoàn toàn.

 

Sự đồi bại lan sang cả lĩnh vực chính trị: ảnh hưởng của đồng tiến kiếm được trên thương trường không chịu bất kì hạn chế nào có thể đe dọa cả thể chế chính trị. Thí dụ bạn cần tiền cho một cuộc vận động chính trị (ủng hộ một ứng viên tốt hay một cương lĩnh tốt) và bên cạnh bạn lại có một người nào đó – một chủ ngân hàng, một đại công ty – có rất nhiều tiền và sẵn sàng chi cho chiến dịch, nhưng đổi lại, bạn phải thông qua chính sách hay bộ luật giúp củng cố địa vị của họ trên thương trường. Trong khi đó, những người cạnh tranh với bạn lại có thể cầm tiền của họ mà không hề cảm thấy áy náy gì. Ai có thể đứng vững trước sức cám dỗ như thế?

 

Một số người có thể biện luận: chả lẽ đấy không phải là cách kiểm tra đức hạnh của người ta ư? Nếu chế độ hiến định trên thương trường hạn chế được quyền lực của tài sản và nhà nước phúc lợi có thể hạn chế được nỗi sợ đói nghèo thì trở thành đức hạnh là việc quá dễ dàng ư?. Dễ dàng hơn, nhưng không phải là quá dễ đâu. Xin xem xét sự tương đồng nữa trong lĩnh vực chính trị: Người ta có dễ dàng trở thành đức hạnh hơn khi tổng thống không còn là một kẻ bạo ngược đầy sức mạnh và những người yếu đuối đã không còn bị bắt nạt nữa hay không? Áp lực mang tính hủy hoại của những cuộc cạnh tranh vẫn còn. Chúng ta biết rằng con người dễ bị cám dỗ, vì vậy mà chúng ta đặt ra các hạn chế. Và nếu chúng ta thấy cần phải đặt ra những hạn chế đối với chính phủ thì chắc chắn là chúng ta cũng cần đặt ra những hạn chế đối với thương trường.

 

Michael Walzer là giáo sư danh dự khoa Xã hội học thuộc Viện nghiên cứu chuyên sâu (Institute for Advanced Study) ở Princeton, bang New Jersey. Ông là biên tập viên tờ New Republic, đồng biên tập tờ Dissent, và vừa cho xuất bản tác phẩm: Thinking Politically

 

Hà Thanh-liên: Không

 

Trong mấy thế kỉ vừa qua cả thế giới đều thấy thị trường tự do năng động đã khích lệ sự tiến bộ về mặt xã hội và vật chất, đồng thời nó còn củng cố cả đức hạnh nữa. Ngược lại, những người sống dưới chế độ đóng vai trò người cạnh tranh chủ yếu với hệ thống thị trường tự do đương đại - tức là sống dưới chế độ chủ nghĩa xã hội nhà nước với nền kinh tế kế hoạch hóa – thì phải chịu cảnh thiếu thốn vì kinh tế trì trệ, xã hội dân sự tàn lụi và đạo đức suy đồi. Trong mấy chục năm gần đây, khi nền kinh tế kế hoạch hóa tự sụp đổ vì những mâu thuẫn nội tại của chính nó thì người ta mới nhận thức được rằng cuộc thí nghiệm không tưởng này là một thất bại mang tính hệ thống. Những người đã từng sống nhiều năm trong cơn ác mộng cả về chính trị, kinh tế lẫn đạo đức đều muốn thoát ra khỏi nó càng sớm càng tốt.

 

Đương nhiên là kinh tế thị trường không phải là một hệ thống hoàn hảo. Nhưng những khiếm khuyết của nó là do hành động và động cơ của những người tham gia chứ không phải là bản chất của nó. Kinh nghiệm dạy ta rằng thị trường tự do liên hệ mật thiết với xã hội tự do. Trong xã hội tự do con người có nhiều cơ hội hợp tác hơn nhằm cải thiện cuộc sống của họ. Xã hội tự do tạo điều kiện để người ta có thể làm cho hệ thống chính trị và xã hội của mình trở thành công chính hơn. Nói chung, những hoạt động này chỉ củng cố chứ không làm băng hoại đạo đức.

Từ quan điểm của lịch sử so sánh, chúng ta có thể định nghĩa thị trường là một hệ thống kinh tế xã hội bao trùm lên tất cả, trong đó có các định chế kinh tế, các quan hệ xã hội và văn hóa. Nhưng khi phân tích mối quan hệ giữ thị trường và đạo đức thì cần phải sử dụng định nghĩa hẹp hơn: thị trường là những qui tắc nhằm điều phối các hoạt động kinh tế.

 

Thị trường và đạo đức, đâu là nhân và đâu là quả? Chúng ta phải công nhận rằng phán xét về mặt đạo đức những hoạt động kinh tế xã hội cụ thể khác với phán xét về mặt đạo đức những qui tắc của thị trường. Giá trị và đạo đức kinh doanh hình thành nên hành vi của những người hoạt động trong lĩnh vực kinh tế. Nếu hoạt động của họ dẫn đến những hậu quả không hay hoặc không dự đoán trước được thì trước hết chúng ta phải tìm lí do trong những định chế xã hội mà thị trường hoạt động chứ không phải là tìm trong các qui tắc của thị trường.

 

Những cuộc thảo luận bàn về “thuần hóa thị trường” – nghĩa là bàn về việc giảm nhẹ một số hậu quả của quá trình phát triển và sự bành trướng của thị trường trên toàn thế giới –thường tập trung chú ý vào những ưu tiên về mặt văn hóa-xã hội của những người hoạt động trong lĩnh vực kinh tế. Muốn định hình được các qui tắc của thị trường và tạo ra được những cách hành xử đúng đắn hơn thì nhà nước, các tổ chức quốc tế và các tổ chức và phong trào công dân phải giúp thiết lập các giá trị và những nguyên tắc đạo đức mới.

 

Tất cả các hoạt động kinh tế đều nằm trong những hoàn cảnh văn hóa và xã hội nhất định. Cả ở Trung Quốc thế kỉ X lẫn ở châu Âu thế kỉ XXI, sản xuất và tiêu dùng đều phù hợp với những giá trị đạo đức đang giữ thế thượng phong vào lúc đó. Ngoài ra, trong mọi hoàn cảnh lịch sử, đạo đức bao giờ cũng có liên hệ với niềm tin tôn giáo. Thí dụ, người ta cho rằng những người có đạo ở Đông Á thường là những người trung thực trong kinh doanh. Ngược lại, ở nước Trung Hoa đương đại, nơi mà tôn giáo có thời bị cấm đoán và hiện vẫn đang bị  nhà nước kiểm soát một cách gắt gao, hiện tượng thiếu đạo đức trong kinh doanh lập tức bùng nổ ngay khi kinh tế thị trường bắt đầu bén rễ.

 

Những tác nhân khác cũng có ảnh hưởng đối với đạo đức. Quá trình toàn cầu hóa về kinh tế và văn hóa trong mấy thập kỉ gần đây đã giúp các nước đang phát triển làm quen không chỉ với các định chế kinh tế mới mẻ mà còn khai tâm cho họ về những tiêu chuẩn và giá trị đang thay đổi của phương Tây. Tiêu thụ những sản phẩm thân thiện với môi trường và áp dụng tiêu chuẩn quốc tế về điều kiện lao động, thí dụ như tiêu chuẩn Trách  nhiệm xã hội 8000, được thông qua cách đây một chục năm, là những xu hướng nổi bật trong thời gian gần đây. Cả hai xu hướng đó đều là những thí dụ về sự thay đổi lề thói, nhưng xu hướng thứ hai có ảnh hưởng nhiều hơn đối với những nước tương tự như Trung Quốc, nó đã cải thiện đều kiện làm việc tại nhiều công xưởng vốn là những xí nghiệp có điều kiện làm việc rất tệ hại.

 

Trong các nền kinh tế chuyển tiếp hiện này – khi mà nền kinh tế kế hoạch hóa cách li với thế giới của họ chuyển sang hệ thống kinh tế thị trường – các giá trị đạo đức đang có những điều chỉnh đầy kịch tính. Chắc chắn là di sản của các định chế của nhà nước và của giới tinh hoa có thể sẽ làm chậm lại hoặc ngăn cản sự điều chỉnh này. Ở châu Âu, quá trình hội nhập của các nước thuộc khối Xô Viết cũ vào hệ thống thương mại của châu lục có vẻ như không tạo ra nhiều hậu quả tiêu cực. Nhưng ở Trung Quốc người ta có thể dễ dàng tìm thấy bằng chứng về cả sự suy đồi nền tảng đạo đức lẫn đạo đức kinh doanh. Ảnh hưởng chính trị và chức vụ trong chính quyền được đem ra mua bán, hối lộ để không bị đi tù, những kẻ sử dụng lao động trẻ con ít khi bị trừng phạt, buôn bán máu và các bộ phận cơ thể đã trở thành hiện tượng bình thường.

 

Ở Trung Quốc, tất cả các hoạt động vừa nói đều là phi pháp hết, nhưng chính phủ đã làm ngơ. Rõ ràng là còn lâu Trung Quốc mới trở thành nhà nước pháp quyền. Trên thực tế, đất nước được cai trị bởi một nhóm người đứng trên pháp luật. Các tổ chức phi chính phủ (NGO) đang đấu tranh với những hiện thượng đáng buồn này, nhưng hoạt động của họ lại bị kiểm soát một cách gắt gao và mỗi tổ chức đều bị một cơ quan chính phủ nào đó giám sát. Đáng lẽ phải có những hành động kiên quyết nhằm chặn đứng những hành động “phi pháp” thì chính phủ lại tìm mọi cách kiểm soát các bài tường thuật trên các phương tiện thông tin đại chúng và các buổi thảo luận trên internet về “những tin tức tiêu cực, có hại cho hình ảnh của chế độ”.

 

Ai đã để cho quá trình phát triển của Trung Quốc trở thành vô đạo như thế - thị trường tự do hay là nhà nước và nhóm tinh hoa cầm quyền của nó đã thất bại? Ở đâu thì những người thiết lập và thi hành luật chơi cũng có vai trò quyết định. Điều này lại càng đúng đối với Trung Quốc, nơi mà các quan chức của chính phủ và Đảng làm ra luật và giám sát các hoạt động kinh tế, nhưng chính họ lại tìm cách kiếm lời. Việc làm ngơ trước những hành động phi đạo đức của chính quyền chứ không phải là sự phát triển của thị trường tự do đã làm méo mó nền tảng đạo đức của xã hội Trung Quốc.

 

Kinh nghiệm của Trung Quốc trong thời gian gần đây, theo tôi, có thể cung cấp cho chúng ta ba bài học quan trọng. Thứ nhất, mặc dù được báo chí quốc tế ca ngợi, ảnh hưởng của chính phủ Trung Quốc đối với thị trường không phải là hoàn toàn tích cực. Thứ hai, nền kinh tế thị trường chắc chắn và bền vững đòi hỏi chế độ chính trị dân chủ. Thứ ba, đối với Trung Quốc, phát triển về mặt đạo đức là nhiệm vụ quan trọng không kém so với phát triển kinh tế.

 

Hà Thanh-liên — Là nhà kinh tế học Trung Quốc, từng là biên tập viên lâu năm của tờ Thiên Tân Pháp luật Nhật Báo. Bà còn là tác giả các cuốn: The Pitfalls of Modernization: The Economic and Social Problems of Contemporary China và The Fog of Censorship: Media Control in China.

 

 

 

Phạm Nguyên Trường
Số lần đọc: 1818
Ngày đăng: 18.07.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Thị trường tự do có làm băng hoại các giá trị đạo đức hay không? 4 - Phạm Nguyên Trường
Thị trường tự do có làm băng hoại các giá trị đạo đức hay không? 3 - Phạm Nguyên Trường
Nền kinh tế Mĩ đang xảy ra chuyện gì? - Phạm Nguyên Trường
Thị trường tự do có làm băng hoại các giá trị đạo đức hay không? 2 - Phạm Nguyên Trường
Thị trường tự do có làm băng hoại các giá trị đạo đức hay không? 1 - Phạm Nguyên Trường
Trung Quốc muốn gì: Mặc cả với Bắc Kinh - Trần Ngọc Cư
Từ Bắc Kinh, nhìn về phía trước đến cuộc bầu cử 2012 ở Đài Loan - Hiếu Tân
Giới thiệu nhà văn Chile Isabel Allende: Giải thưởng văn học Hans Cristian Andersen 2011 - Hiếu Tân
Spiegel phỏng vấn Henry Kissinger: Mao có thể coi Trung Hoa hiện đại là quá thiên về vật chất - Hiếu Tân
Rời bỏ Trung Hoa: đi tìm nhân công giá rẻ, các doanh nghiệp quay sang Việt Nam - Hiếu Tân
Cùng một tác giả
Một vụ ám sát hụt (truyện ngắn)
Thiên tài (truyện ngắn)
Người (truyện ngắn)
Chết treo (truyện ngắn)
Bắc Phi, tiếp sau là gì? (nhìn ra thế giới)
Vì sao Gaddafi phải ra đi? (nhìn ra thế giới)
Bàn về chủ quyền quốc gia (nhìn ra thế giới)
Tầng lớp trí thức là gì? (nhìn ra thế giới)
Giờ hoàng đạo của NATO (nhìn ra thế giới)
Mùa xuân Miến Điện (nhìn ra thế giới)