Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.148
123.226.764
 
Kẻ Ăn Cắp Xe Đạp
Sâm Thương

Đã gần nửa thế kỷ trôi qua kể từ ngày ra đời. Chủ Nghĩa Tân Hiện Thực ( Néo-Réalisme )vẫn  luôn được nhìn nhận như một trong những trào lưu quan trọng không những của lịch sử điện ảnh Ý, mà còn là một mãng màu đen xám nhưng rực rỡ trên bức tranh toàn cảnh của lịch sử điện ảnh thế giới. Mặt khác, cho đến nay Chủ Nghĩa Tân Hiện Thực Ý được nhìn nhận như là cuộc nhảy  vọt điện ảnh lần thứ ba, trong năm cuộc đại nhảy vọt  điện ảnh (leap in cinema) của điện ảnh thế giới.(*)

 

Trong một bối cảnh chính trị xã hội và văn hóa-văn nghệ của một nước Ý phát –xít, các tác phẩm nghệ thuật được xuất hiện đã trực tiếp hoặc gián tiếp khước từ đụng chạm đến những vấn đề bức thiết của nhân dân, trốn chạy hiện thực, và điện ảnh Ý cũng không nằm ngoài quy luật đó.

 

Đối vối những nhà văn hóa hay những nghệ sĩ có ý thức trách nhiệm trước sự tồn vong cùa đất nước Ý, họ không thể không đi tìm một phản ánh luận khác về hiện thực Ý, đưa lên tiền cảnh số phận trần trụi của nhân dân, một nhân dân đói khổ, lầm than, sống vất vưởng bằng những chiếc bánh vẽ của chế độ. Hiện thực đó đòi hỏi những người làm nghệ thuật phải thay da ,đổi thịt, phải nhìn thẳng vào sự thật, phải mang đến cho cho dân chúng Ý một”giấc mơ” khác, có thể không còn là giấc mơ nữa, mà là sự nhìn thẳng vào sự thật những vấn đề của chính bản thân mình-vấn đề cần thiết phải có một giải pháp, cách mạng và triệt để.

 

Nhưng để có được một hiện thực trong sáng tác điện ảnh thì chắc chắn phải trải qua một quá trình đầy những thử thách và cam go, đối mặt với chính quyền  phát-xít cũng như những lực lượng phản động.

 

Song song với việc xây dựng và củng cố cơ sở lý luận, trước khi các tuyên ngôn ra đời, các đạo diễn trẻ của thời kỳ đó đã bắt tay vào việc thực hiện những tác phẩm của nền điện ảnh Tân Hiện Thực. Luchino Visconti chính thức bắt tay vào việc thực hiện bộ phim Ossessione (1942) trong đó Alicata, Antonioni ,Puccini, De Santis, Antonio Pietrangeli tham gia viết kịch bản. Pietrangeli còn làm trợ lý đạo diễn cho Luchino Visconti.

 

Cũng thời gian đó, Zavattini đã viết kịch bản Quattro passi fra le nuvole (Bốn bước trên mây,1942) do đạo diễn Allessandro Blasetti thực hiện.

 

Có thể nói Ossessione Quattro Passi fra le Nuvole là hai bộ phim đầu tiên do Tân Hiện Thực làm ra vào thời gian Mussolini vẫn đang còn tại chức. Tất nhiên chế độ kiểm duyệt phát –xít đã không quên quan tâm đến chúng. Bộ phim Ossessione đã gần như ngưng làm nhức đầu các giới chức có thẩm quyền, họ quyết định ngăn cấm không cho bộ phim được ra mắt quần chúng, nhưng bị các trung tâm điện ảnh phản đối, cuối cùng buộc phải chiếu cho lãnh tụ xem. Nhưng do Mussolini hoàn toàn không biết được các mánh khóe của những người làm phim, nên đã cho phép chiếu, nhưng phải bị cắt bỏ nhiều đoạn, còn bộ phim Quattro passi fra le nuvole tương đối may mắn hơn không gặp trở ngại gì, có thể do không quyết liệt mạnh mẽ như Ossessione.Như thế, đó là lần đầu tiên trong vòng 20 năm, nhân dân Ý mới thực sự trở thành đối tượng được miêu ta trong sáng tác điện ảnh. Những gì mà trong hai bộ phim nói trên chứa đựng trong các khung hình hoàn toàn trái ngược lại với sự mị dân và tinh thần Ý kiêu hùng mà chủ nghĩa phát –xít đã rêu rao,tô vẽ.Đời sống khốn cùng của những khu lao động bình dân, những công dân Ý bị tha hóa, bị tước đoạt quyền sống, quyền làm người.

 

Nhưng phải đến khi chiến tranh kết thúc, một loạt những Ladri Di Biciclatte ( Người ăn cắp xe đạp, 1948) của Vittorio de Sica, La Strada ( Con đường,1954) của Federico Fellini, Roma, Citta Operta ( Rome Thành phố bỏ ngỏ, 1946) của Roberto Rossellini, Rocco e I Suoi fratelli ( Anh em nhà Rocco, 1960) của Luchino Visconti v.v.. mới hít thở được bầu không khí tự do.

 

Nói như George Sadoul, “Sự đăng quang của Chủ Nghĩa Tân Hiện Thực gắn liền với những cuộc chiến đấu anh dũng của các chiến sĩ kháng chiến vào những năm 1943-1945, vào sự phục sinh những quyền tự do ở Ý, và tiếng nói lại được dành về cho quần chúng để nói lên trong phim ( và hàng trăm phương tiện khác) những nỗi đau khổ, những cuộc chiến đấu, những yêu sách của họ.(…) Nhờ vào dân tộc này, nhờ vào những cuộc chiến đấu của họ cho độc lập quốc gia, và cũng nhờ vào những cơ sở lý luận được các chiến sĩ chống phát –xít tung ra một cách bí mật. Chủ Nghĩa Tân Hiện Thực mới có thể dương vai diễn võ ở Ý ngay sau khi chiến tranh chấm dứt.”

 

Lần đầu tiên tôi được xem bộ phim Kẻ An Cắp Xe Đạp ( Ladri di Biciclette,, Italia,1948 )  của Vittorio de Sica vào khoảng năm 1957-1958 tại rạp Ciné  Nguyễn Văn Yến  khi tôi còn là một học sinh trung học đệ nhất cấp, Bộ phim  đã làm cho trí óc trẻ thơ của tôi xao động. Thành thật mà nói, hồi đó tôi còn quá nhỏ để cảm nhận và hiểu biết một cách sâu sắc thông điệp mà De Sica muốn gửi gắm, nhưng những hình  ảnh do ông chuyển tải qua phim đã làm cho tôi, một đứa học trò nhỏ vốn đã  say mê điện ảnh lại càng say mê hơn và trong tôi nẩy sinh một nỗi khát khao cháy bỏng, ước mơ khi lớn lên  cũng được làm một công việc tương tự., để rồi sau này dấn thân  vào con đường nghệ thuật, những khi nhìn lại công việc của mình, những kết quả không được như ý, thỉnh thoảng tôi lại xem bộ phim này, như để nhắc nhở mình về con đường đã chọn lựa, về  nỗi ước mơ ban đầu chưa thực hiện.

                    

Ngoài bộ phim Kẻ An Cắp Xe Đạp ( Ladri di Biciclette,, Italia,1948 ) De Sica đã thực hiện như I Bambini Ciguardano ( Trẻ Nhỏ Nhìn Chúng Ta, Ital,1943 ),  La Portal Cielo ( Cửa Thiên Đàng, Ital, 1944 ), Sciuscia ( Ital, 1946 ), Ladri di Biciclette ( Người An Cắp Xe Đạp ,Ital, 1948 ),  Miracolo a Milano ( Phép Lạ Ở Milan, Ital,1950 ), Umberto D (Ital, 1952 ), Stazione Rermini ( Trạm Cuối Cùng, Ital,1953 ), L’oro di Napoli ( Vàng Của Napoli, Ital,1954 ), Il Tetto  (  Mái Nhà. ,  Ital,1956 ), La Ciociara ( Hai Người Đàn Bà, Ital, 1960 ), Il Giudizio Universale ( Ital, 19621 ), La Riffa ( Đồ Rác Rưỡi, Ital, 1962 ), Les Sequestrati  d’Altona ( Vụ An ở Altona, Ital, 1962) …

 

Bộ phim Kẻ An Cắp Xe Đạp   do Vittorio de Sica thực hiện vào năm 1948, kịch bản Cesare Zavattini, dựa theo tiểu thuyết của Luigi Bartolini, quay phim Carlo Montuori, âm nhạc Alessandro Cicognini, gồm các diễn viên Lamberto Maggiorani, Lianella Carrela, Enzo Staiola, Vittorio Antonucci.

 

Những năm sau ngày thế chiến thứ hai chấm dứt, cảnh cùng khốn nghèo đói đang dẫy đầy đất nước Italia. Trong đó có số phận của gia đình Ricci. Đã gần mấy tháng không có việc làm, không có một đồng xu dính tú, Ricci (Lamberto Maggiorani), chủ một gia đình cùng vợ anh, Maria  ( Lianella Carrell), và Brune ( Enzo Staiola ) con trai  lên 7 tuổi, hằng ngày chịu đói tới ngồi lay lất giữa đám đông những người thất nghiệp khác trước cổng Tổng công đoàn chờ đợi, may ra có một công việc gì đó nuôi vợ con đắp đổi qua ngày. Rồi một hôm, anh được gọi tên, một niềm hy vọng nhen nhúm trong lòng anh. Người ta trao cho anh tờ giới thiệu việc làm: công việc của anh là đi dán những tờ quãng cáo trên tường  khắp các  đường phố cùng với toán người thất nghiệp khác.

 

Do tính chất của công việc, người ta yêu cầu Ricci phải có một chiếc xe đạp làm phương tiện di chuyển. Anh về nhà bàn tính với vợ. Hai người quyết định tháo tấm ga trải giường, để có tiền chuộc lại chiếc xe gán đã lâu trong tiệm cầm đồ. Chiếc xe đạp cũ rích, nhưng cũng có đủ hai bánh xe lăn và chiếc yên để ngồi.

 

Ngày bắt đầu công việc với biết bao tin tưởng đặt để trong lòng vợ chồng Ricci. Anh đặt  đứa con trai trên xe, rồi hai cha con hứng khởi đạp xe qua các ngả đường giữa lúc thành phố còn tinh mơ.. Anh dẫn con tới bến xe cho nó làm những việc vặt vãnh, rồi đến thẳng cơ quan. Anh hiên ngang vác chiếc thang và bọc giấy quãng cáo, đạp xe đi làm nhiệm vụ. Đến một bức tường, anh dựng xe đạp lên vĩa hè, bắc thang trèo lên, quét hồ rồi dán tờ quãng cáo lên tường. Giữa lúc anh đang làm nhiệm vụ, một người chắc cũng cần có công việc như anh, thừa lúc bất ngờ lấy đi chiếc xe đạp của anh. Anh giật mình quay lại, nhìn thấy kẻ cắp ( Vittorio Antonucci), anh phóng người đuổi theo, nhưng không kịp, tên trộm xe đã biến mất với chiếc xe cà tàng của anh.

 

Ricci thất thểu bước đi giữa phố thị đông đúc như một người mất hồn. Anh tới đồn cảnh sát, trình bày nỗi đau khổ tuyệt vọng của mình, mong nhờ cơ quan điều tra giúp mình tìm lại chiếc xe. Nhưng cảnh sát còn bận đi hộ tống một nhân vật cao cấp nào đó. Anh đành lủi thủi ra về. Anh lại nhờ đến một người bạn, nhưng bạn anh đang họp bàn chính trị. Những người có mặt ở đó không những không quan tâm đến nỗi ưu tư của anh, mà thậm chí họ còn bực mình vì bị anh quấy rầy.

 

Hôm sau, hai cha con lại tiếp tục lê bước khắp nơi đi tìm manh mối tên ăn cắp. Tình cờ anh chợt nhận ra tên ăn trộm, hắn đang nói chuyện với một lão già. Ricci đuổi theo, nhưng tên trộm chạy mất. Anh quay lại tra hỏi lão già, nhưng lão không chịu nói, lão bỏ chạy vào nhà thờ. Hôm đó là ngày từ thiện, các bà các cô ăn mặc sang trọng đang ra tay bố thí cho những kẻ nghèo.  Anh lại đuổi theo lão già vào bên trong. Khi anh nắm được lão, lên tiếng tra hỏi. Nhưng tiếng Ricci quá lớn, khiến mọi người bực dọc, họ tống anh ra khỏi  nhà thờ. Lão thừa cơ trốn thoát.

 

Hai cha con Ricci lại lang thang, thất thểu trên hè phố, lòng nặng trĩu âu lo về một tương lai mờ mịt, không có lối thoát trước sự dững dưng của cả kinh thành Roma hoa lệ, với những cơ quan hành chánh, luật pháp, những tổ chức chính trị tôn giáo… Tất cả đều hờ hững  trước nỗi tuyệt vọng của một con người trong cộng đồng đó.

 

Chiều đến hai cha con dừng chân bên cổng một sân bóng. Hôm đó là Đại hội Thể thao, người xem rất đông, xe đạp, xe máy dựng chật ních cả vỉa hè.Trong tâm trạng tuyệt vọng, Ricci chợt lóe lên ý nghĩ, giá như mình có một chiếc xe đạp khác, anh sẽ có việc làm và vợ con anh sẽ không bị chết đói. Ricci bảo con: “ Thôi con về trước đi, ba sẽ về sau”.

 

Thằng bé đi một quãng. Anh đến bên chiếc chiếc xe dựng sát bờ tường. Nhìn quanh, không thấy ai cả. Rồi  thoắt một cái, anh vác xe ra, phóng xe đi. Nhưng không may, người  chủ xe đã nhìn thấy , chạy ra tri hô lên và đuổi theo. Đám đông túm lấy anh, đánh đập, sĩ nhục. Anh ngước lên, con anh vẫn chưa về, nó ở đâu đó, chạy đến ôm lấy cha, khóc lóc. Cảnh sát đến, họ túm tên trộm giải về bót. Đứa bé kêu khóc. Thấy tình cảnh ấy, người  xe xin cảnh sát tha cho anh.

 

Hai cha con Ricci đi giữa phố chiều. Trên nét mặt Ricci nỗi thống khổ câm lặng hiện ra dưới đôi mắt đẫm lệ và cái miệng méo xệch. Bây giờ ngoài nỗi lo cái đói còn có nỗi cay đắng , tủi nhục của một người cha ăn cắp bị bắt quả tang và bị đánh đập sĩ nhục trước mắt con trai mình.

 

Sâm Thương
Số lần đọc: 3681
Ngày đăng: 19.07.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
James Dean: đại biểu của thế hệ lạc lõng - Sâm Thương
Ra mắt Tập Phim Những bông hoa tôi - Nhiều Tác Giả
Sâm Thương, Một thuở đam mê, một thời yêu dấu - Nhiều Tác Giả
Chuyện Dế Mèn - Phạm Toàn
Marlon Brando: nhân vật bi kịch - Sâm Thương
Oliver Stone, Hành Trình Của Người Trí Thức - Sâm Thương
Trung Đội Hay Nỗi Ám Ảnh Của Người Mỹ - Sâm Thương
Sám Hối: Giấc Mơ Hiện Thực - Sâm Thương
Một Cái Nhìn Về Người Hùng - Sâm Thương
Ingrid Bergman: cơn bão trong vinh quang - Sâm Thương
Cùng một tác giả
Đêm địa ngục (truyện ngắn)
Hòn vọng phu (truyện ngắn)
Chuyến tàu nửa đêm (truyện ngắn)
Giấc Mơ (truyện ngắn)
Sơn Ca 1 (kịch)
Sơn Ca 2 (kịch)
Sơn Ca 3 (kịch)
Cõi người (truyện ngắn)
Hoa anh đào mùa đông (truyện ngắn)
Hoa anh đào mùa đông (truyện ngắn)
Bức tranh dang dở (truyện ngắn)
Sau cơn bão lũ (truyện ngắn)
Khi hoa anh đào nở (truyện ngắn)
Kiếm lửa (điện ảnh)
Cô dâu xứ Tuyết (truyện ngắn)
Hai người mẹ (truyện ngắn)