Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.150
123.225.491
 
Mây trắng, nước xanh, người tử-tù
Doãn Quốc Sỹ

Truyện ngắn này lấy từ tuyển tập Văn-Miền-Nam của Thư Ấn Quán, Doãn Quốc Sỹ là một tác giả có số lương lớn tác phẩm viết về một-thời-không-thể-nói, trong văn chương và thực tế gọi là vùng xôi đậu, một thứ người dân không hề có phe và không hề mong muốn việc chém giết. Và người dân, bao giờ cũng là kẻ có tội, có dịp VCV sẽ viết về anh và tình thế anh phản ảnh.

 

 

Tiếng đàn trẩm cầm róng rả. Thêm nửa giờ nữa qua. Chiều nay Khiết ngồi nán lại dưới văn phòng của chàng khá lâu, đã sáu giờ rưỡi chiều rồi. Thu xếp hồ sơ lại, cho vào ngăn bàn rồi vặn khóa, Khiết đứng dậy sửa soạn lên gác tắm rửa thì có tiếng chuông điện thoại.

Nhấc ống máy, một tiếng trầm trầm bên kia đầu dây nói :

- A lô, thưa có phải đây là văn phòng luật sư Lê-Tịnh-Khiết ?

-  Dạ phải.

- Thưa luật sư, tôi là Đại úy M.  ủy viên chính phủ.

Khiết giật mình, biết là chuyện gì rồi. Kinh nghiệm trong nghề đã cho chàng hay khi ông ủy viên chính phủ gọi dây nói vào lúc ngoài giờ làm việc…

-  Dạ... kính chào Đại úy...

- Thưa luật sư, xin trân trọng báo luật sư hay bị can Huỳnh-văn-Q. thân chủ của luật sư sẽ bị đem hành quyết vào sớm mai, nếu luật sư có đi dự kiến được thì xin báo cho chúng tôi được biết. Kính chào.

 

Tiếng ống máy đặt vội xuống, Khiết hiểu là ông ủy viên không bao giờ cần đợi trả lời trong những trường hợp tương tự. Ngay cả việc phải báo trước là mình có dự kiến hay không cũng  chẳng cần thiết. Điều cần thiết là ông ủy viên báo ngày hành quyết cho mình thế thôi. Khiết cảm thấy cơ thể nặng nề. Tiện thể đứng dậy, chàng bước lên thang  gác quên cả khóa trái cửa văn phòng. Đây không phải là vụ án đầu tiên xử tử những người trong ban đặc công của đối phương, nhưng đây là thân chủ đầu tiên của Khiết bị tử hình.

- Bố đã lên với con kìa, vỗ tay reo a a đi con ?

 

Khiết giật mình ngẩng nhìn miệng mỉm cười. Cam đã bế đứa gái thứ hai mới được tám tháng đến với chàng. (Cô gái lớn lên ba còn ngủ ở chiếc giường xinh  kia) Khiết giơ tay đón, đứa nhỏ đôi mắt đen lay láy sáng lên, chân tay quẫy mạnh ré lên một tiếng vui mừng rồi xà vào bố, một tay Khiết xoè ra đỡ lấy đôi bàn chân xinh một tay giữ ngang lưng bé, bắp thịt đùi, bắp thịt lưng của bé lẳn chắc. hai cánh tay xinh của bé vòng lấy cổ bố. Khiết hôn lên má và hít hít lấy mùi sữa thơm bên mép con, chàng  tìm câu nói đùa với vợ cho quên câu chuyện thắc mắc :

- Đầu lòng hai ả tố nga rồi, lần sau xin cô một chàng Vương Quan nhé.

Cam cười mỉm hơi vênh mặt lên :

- Em cứ đẻ con gái nữa, đầu lòng ba ả tố nga, Kiều tân thời !

“ Cầu chúc cho em giữ được tâm hồn ngây thơ như vậy mãi mãi ” - Khiết nghĩ vậy, đôi mắt nhìn xuống,  chàng đã nhớ lại người tử tù. Chàng vào buồng tắm. Cái linh hồn ấy ngày mai sẽ rời khỏi thể xác. Nước lạnh xối xuống như muốn bảo vệ lấy linh hồn và thể xác Khiết. Khi cái thể xác đó bị tàn phá linh hồn đó tan biến ra sao. Khiết ngồi vào bàn ăn, dạ dầy nặng nề. Hai đứa con chàng kia còn giữ nguyên khối linh hồn thuần phác,  đứa lớn đã biết chạy lại nũng nịu ôm lấy đầu gối bố. Rồi đây đứa trẻ lên năm cha mẹ phải nghĩ đến việc đưa chúng vào trường. Đó là bước đầu dạy dỗ hay là bước đầu của bôi  bẩn?  Ngoài học chữ còn phải cho chúng theo đuổi một ngành nghệ thuật nào nữa chứ,  học đàn hay học vẽ. Con ngu thì xấu hổ, con tài thì lo kiêu, nhưng biết thế nào là tài? Phải chăng thiên tài là một thứ bệnh hoạn ?  Kiêu ngạo về thiên-tài là hai lần ngu hơn. Vậy trau chuốt thiên tài của con  phải chăng là phá hũy quân bình của lâu đài linh hồn thiên nhiên ban cho. Làm sao mà dạy con hết những cái đó? Những cái đó ai mà dạy được? Sự sống và đời sống kết tinh dần thành chất keo. Sự sống thì mênh mông, con người thì  phức biệt, mấy ai đi chọn được con  đường vòng huyền diệu từ đơn thuần đến phức biệt rồi thành phức-biệt-đơn-thuần ?

- Anh nghĩ gì mà thần người ra thế ? - Cam hỏi chồng.

- Sớm mai một thân chủ của anh bị hành quyết !

Đôi mắt thơ ngây của Cam chợt bối rối, nàng hỏi :

- Thật vậy sao ?

- Mai anh phải dậy từ bốn giờ để tới với người đó, sống với người đó cho đến phút vĩnh biệt.

- Có một mình anh đến chứng kiến ?

 

Khiết chống đũa không trả lời Cam. Bao quanh người tử tù sớm mai đâu chỉ có một mình chàng. Có ông chủ ngục cho phép vào lấy đúng người tử tù đó ra; có ông Đại úy ủy viên chính phủ là  người đã buộc tội; có viên sĩ quan lục sự là người tuyên đọc bản án, hay đúng hơn quyết định bác đơn ân xá của Tổng Thống, có vị đại diện quân trấn vì xử tử trên phần đất của người ta; có vị thượng tọa hay cha cố nữa.

 

Khiết đứng dậy. Phải, người đó 25 tuổi quê ở Bạc Liêu đã có vợ và một con trai bị bắt quả tang 15 kí TNT trên  chiếc Lambretta ba bánh và đã để đồng hồ cho mười phút sau thì nổ ngay trước câu-lạc-bộ sĩ quan, nhưng mưu toan bị lộ nên khi vừa thấy chiếc xe khả nghi, nhân viên an ninh ập tới và chuyên viên tức thì tháo gỡ ngòi nổ - Chẳng riêng với Khiết mà với bất cứ luật sư nào khi đã nhận đứng ra bào chữa cho bị can, khi đã thể nhập vào hoàn cảnh của bị can  quand on a épousé sa cause… đều cảm thấy bị can là một phần của chính mình, un fragment de soi...

 

Chợt nhận ra mình đã bước xuống thang gác, Khiết quay lại nói với Cam :

- Em pha một bình trà đặc mang xuống văn phòng cho anh nhé, tối nay anh làm việc khuya ở dưới đó.

 

II

Thật ra Khiết chỉ muốn ngồi một mình để… để suy ngẫm hay chẳng suy ngẫm gì cả, nhưng biết là lát nữa Cam sẽ mang bình trà đặc xuống nên Khiết  mở khoá ngăn kéo lấy ra một tập hồ sơ đặt trước mặt. Cam đã xuống rồi trở lên với con, bình trà với tách uống trà trước mặt Khiết. Ngước nhìn đôi gót chân của vợ khuất sau bực thang, tất nhiên - Khiết nghĩ - vợ và con người tử tù giờ này ở dưới Bạc Liêu chưa hay biết gì cả, rất có thể chị vừa may xong cho đứa nhỏ chiếc áo mới và dỗ con đi ngủ sớm mai sẽ cho lên Sài gòn thăm cha. Người đàn bà đó cũng chỉ trạc tuổi Cam thôi, nước da trắng mướt, khuôn mặt tròn với cái mũi hơi tẹt, dáng người hơi đẫy nhưng vì thuộc thành phần lao động phải làm việc nhiều nên đó là một thứ đẫy chắc.  Khiết nghĩ đến hạng phụ nữ đứng chênh vênh ngay bên bờ vực thẩm của sa ngã mất nơi nương tựa của chồng là thành gái bán thân nuôi miệng. Mấy lần đầu khi người đàn bà đó đến văn phòng nhờ xin giấy thăm nuôi do tòa cấp, Khiết còn thấy chị chú ý chút ít đến cách ăn mặc cho gọn ghẽ, nhưng càng về sau sự ăn mặc của chị càng cẩu thả, cả mẹ lẫn con (thằng bé lên bốn) bụng hơi lớn, chị có mang được ba tháng thì phải, Khiết càng thấy  trìu mến con đường văn hóa mà chàng cùng các bạn chàng đương nỗ lực phục vụ : Không còn một hạt bụi chủ nghĩa nào bám vào cảm nghĩ con người khi thấy rằng mình có thể bị bất đắc kỳ tử để lại cõi đời vợ dại con thơ, mọi ảo tưởng tan biến, mọi chủ nghĩa bị bóc trần đến lõi gian manh. Cái ngày tuyên án tử hình, sau phiên toà, người vợ hớt hơ hớt hãi đến văn phòng Khiết dưới cơn mưa tầm tã, nàng mặc chiếc áo bà ba trắng cũ,  toàn thân ướt sũng, vải áo dán vào da thịt lồ lộ như khỏa thân. Nàng không chú ý một chút nào đến ngoại cảnh. Khiết an ủi nàng nói đã đệ đơn xin ân xá lên Tổng Thống, khuyên nàng cứ bình tĩnh, rất có thể được ân giảm xuống khổ sai chung thân, rồi từ khổ sai chung thân nếu mình tỏ ra biết hối cải sẽ được tha bổng sau năm mười năm cấm cố… Nhưng cũng kề từ ngày đó, theo đúng chế độ đối với tử tù nàng chỉ được cấp giấy nuôi chồng mà  không được quyền thăm chồng nữa.

 

Khiết đã biện luận hết mình trước tòa. Chàng đã chứng minh thân chủ mình chỉ là một người thực thà nhẹ dạ ở cấp thừa hành bị tuyên truyền đầu độc, gia đình lại ở vào vùng bất yên, ban đêm vẫn bị địch kiểm soát, vợ con gián tiếp trong tình trạng bị giữ làm con tin.

 

Khiết chứng minh bằng những tài liệu chân thực đã được báo chi xác nhận về những thảm cảnh dở khóc dở cười của người dân ở vùng thiếu an ninh.Thoạt là một chuyện do tờ nhật báo có uy tín nọ thuật lại. Buổi tối cán bộ Việt cộng về bắt họp mít-tinh hoan hô đả đảo. sáng hôm sau chính quyền quận cũng lại cho họp mít-tinh để đả đảo hoan hô. Tới lần kia một vị bô lão đã đứng ra nói với viên quận trưởng :  "Dạ hôm nay xin đại úy cho phép chúng tôi hô  thêm một khẩu hiệu nữa ". Viên sĩ quan trẻ tuổi vốn tính tình phóng khoáng bèn vui vẻ hỏi lại cụ  già xem đó là khẩu hiệu gì, thì được cụ đáp : " Thưa chúng tôi xin hô thêm :Đả đảo ông nội chúng tôi . Đai úy thông cảm cho,  chúng tôi không hiểu sao lại nhè sinh trúng vào vùng này. Ban ngày phục vụ quốc gia, ban đêm phải thức tiếp chuyện Việt cộng ; con trai chúng tôi đã  phải đi trốn đề chúng khỏi bắt vào khu  chiến đấu cho chúng, con dâu tôi thì đêm ngày cũng bận như chúng tôi đi họp hoan hô đả đảo, con cái bỏ nheo nhóc  đấy chẳng còn ai trông nom dạy đỗ... "

 

Khiết chứng mình theo một tỉ dụ điển hình ghi trên một tuần báo có uy tín khác. Buổi tối Việt cộng về bắt người chồng gia nhập đám đông dân  phu "xung phong" đi đào đường. Mọi người phải chuyền tay nhau khuân những đất, những đá đó tới một khoảng ruộng trũng cách hai ba trăm thước mà đổ.Tảng sáng người chồng về nói với vợ cho ghé lưng nằm nhờ một chút. Người vợ giục vào tắm thi chồng đáp là tắm làm gì vì chỉ lát nữa dân làng đã phải tập hợp để lần theo vết chân của chính mình mà tới chỗ ruộng trũng kia, chỗ đá chỗ đất đó, về lấp lại quãng đường phá hoại.

 

Khiết đọc lớn câu tác giả kết thúc bài báo: "Quí vị bộ trưởng, quí vị triệu phú, quí vị kỹ sư, quí vị bác sĩ dược sĩ… Quí vị thượng lưu trí thức, quí vị có đủ tiền cho con em xuất ngoại du học vừa để trốn quân dịch vừa chuẩn bị mai sau thanh bình trở về nước với     bằng chuyên môn tổ bố trước ngực (chỗ này Khiết cúi đầu xin lỗi quan tòa) tiếp tục hưởng những quyền ưu tiên trí thức, các vị thấu chăng những thảm cảnh tương tự của người dân bé miệng ? "

 

Kết luận bài cãi,  Khiết chứng minh  sự ăn năn chân thành của thân chủ mình sau khi đã được các cấp chính quyền giải thích. Khiết tha thiết xin tòa xử khoan hồng đề mở đường trở về cho những người trót theo bên kia đã biết mình lầm lỡ muốn trở về.

 

Tiếp lời xin khoan hồng của Khiết vị Đại úy Uỷ viên Chính Phủ đứng lên.Thái độ buộc tội của ông lần này chẳng cần phải gay gắt. Ông thoạt giơ lên tấm hình vụ nổ mìn định hướng cách đó mấy ngày tại gần vườn trẻ bờ sông. Có người sĩ quan to lớn, khuôn mặt  đau khổ  đương gượng nhẹ ôm trên tay một em trai khôi ngô, đôi chân bên dưới lủng lẳng và đẫm sũng máu đen chắc lúc đó em không còn biết đau biết sợ nữa, đôi mắt đen mở lớn nhưng thất lạc tinh thần. Sau khi xin mọi người nhìn kỹ tấm hình, ông uỷ viên nói: "Thưa quý vị, em bé đã từ trần tại bệnh viện Đô Thành mười hai giờ sau. Thưa quý tòa, tôi chỉ xin vắn tắt như sau: Y đã bị bắt quả tang, y đã nhìn nhận tội lỗi trước quý tòa, đây là một tội phản nghịch được chuẩn bị kỹ càng. Nếu hôm đó nhân viên công lực không được mật báo trước, nếu chuyên viên không tháo gỡ kịp thời ngòi nổ, thì nhất định chúng ta chịu đựng thêm một cảnh tương tự (Ông chỉ vào tấm hình). Vậy xin quí tòa  trừng trị nặng theo đúng luật pháp đã ấn định để làm gương cho kẻ khác."

 

Và tòa đã tuyên án tử hình. Đơn xin ân xá đệ lên cho đến nay đúng như Khiết  dự tính, vừa được hai tháng thì bị bác.

 

Trên gác có tiếng va đầu và tiếng khóc thét rồi tiếng Cam rên rỉ :

- Đáo để quá con ơi, ai bảo động một ti là dỗi, ngật đầu va vào thanh giường sắt rồi !

Khiết rót tách trà đặc cuối cùng. Đêm đã khuya lắm. Trên gác hoàn toàn yên tĩnh. Người vợ chưa biết gì về tin chồng có thể ban chiều còn dỗ con: "Nín đi chóng ngoan mai má cho đi thăm ba". Có thể thằng bé bập bẹ hỏi bao giờ ba về. Có thể người vợ nhớ lời an ủi của luật sư mà trả lời : " ba sắp về rồi con ạ".

 

Khiết ngả người trên ghế bành thiu thiu. Có tiếng sóng vỗ ì ọp vào chân  cột của một trà thất Nam-Kinh ngay bên bờ sông Tần Hoài gợn ánh ngân quang và xuôi miết ra Dương-Tử-Giang. Ngày nào ở Hà-nội, Khiết chưa lấy Cam, ngồi trên chiếc ghế xi-măng bên bờ Hoàn-kiếm, chợt nhớ đến dòng tản văn chan chứa tình hoài bên Yên-Chi-Tỉnh. Giấc mộng bỗng chập chờn nhịp theo dòng tản văn như con thuyền nhịp theo sóng nước. Ánh đèn về khuya sáng chói.  Chàng ngồi thẳng dậy, với chiếc bút ngòi nỉ mực đen của Nhật, và lơ đãng bên ngoài nhưng say mê bên trong cắm cúi viết hơi xiên lệch lên trang giấy trắng mấy dòng tản văn cũ:

 

Y ! Vân bạch, thủy thương, lưỡng tương huyền tuyệt.

Nhân sinh tư thế nhi bất đắc nhất tri kỷ tắc cô thầm tịch tịch, túng sử thiên tuế năng trường lại hiệu hà vi tai ?

(Ôi ! Mây trắng với nước xanh xa nhau vời vợi !

Trên đời dù có sống tới ngàn  tuổi mà không gặp người tri kỷ, thì cuộc sống quạnh hiu kia cũng bằng thừa)

 

Chuông đồng hồ buông ba tiếng Khiết mới chợp ngủ lại một chút và đúng bốn giờ thì thức giấc, vùng đậy sửa soạn ngay,  chỉ mười lăm phút sau chàng đã y phục chỉnh tề, đánh thức Cam dậy để đóng cửa lại khi chàng đã cho xe ra. Chàng quăng chiếc cặp da chứa hồ sơ và chiếc áo luật sư xuống ghế sau, rồi cho rồ máy.

 

Đường phố vắng tanh, rộng thênh thang, hai ánh pha xuyên qua ánh sáng rộng của cả thành phố như một hải lưu tự vạch đường giữa biển cả. Lác đác bên vỉa hè một vài bà buôn thúng bán mẹt đã phải dậy sớm đi bỏ mối, bóng một ông già còng lưng đạp xe ba gác…Những người đó làm sao ngờ được là mình đì tiễn chân vĩnh biệt một người -  Khiết nghĩ thầm vậy. Từ đường Lê Văn Duyệt rẽ vào khám Chí Hòa ánh pha quét thấy lác đác những người lính bồng súng đứng gác. Ánh pha vấp phải chiếc cổng sắt lớn. Khiết phải xuống xe và tới nói khẽ với người gác vừa thò đầu ra khỏi khe cửa :

- Luật sư dự kiến hành quyết !

 

Cổng lớn sền-sệt nặng-nề từ từ mở. Xe của Khiết tiến vào trong sân. Vẫn im lặng, tựa như chẳng có gì lạ lùng sẽ xảy ra cả. Bên phải chiếc sân rộng mênh-mông đó Khiết mới thấy có hai chiếc xe Jeep và một chiếc Dodge 4 sơn trắng. Xuống xe, cặp hồ sơ và áo luật sư vẫn còn để lại trong xe, Khiết khẽ ấn cửa xe cố cho không có tiếng động, rồi bước vào vùng ánh sáng vàng kệch và bệnh họan. Người gác dan còn ngái ngủ, bộ quần áo ka ki vàng cũ kỹ, cũ kỹ như vẻ người, khuôn mặt cũ kỹ,  cũ kỹ như chính nếp sống của người đó  đã bao nhiêu năm sống nơi đây, đã bao nhiêu lần chứng kiến những cảnh tương tự. Khiết bước vào căn phòng ngay bên đã thấy một vị thượng  tọa và một vị linh mục ngồi đấy. Hai người khẽ cúi đầu đáp lễ Khiết và chắc chắn cũng chưa biết -- hình như cũng chẳng cần biết - Khiết là ai. Thỉnh thoảng một ánh pha sáng rực tiến vào… Vị đại diện quân trấn, vị Đại-úy ủy viên chính-phủ, cùng viên lục sự đã tuần-tự có mặt. Lúc đó đã gần bổn giờ rưỡi sáng. Viên quản ngục tới nói khẽ gì với ông ủy-víên chính-phủ, vị này khẽ gật đầu, người gác dan hơi ngước nhìn. viên quản ngục khẽ ra hiệu, người gác dan cúi đầu làm hiệu đã hiểu và bóng ka ki vàng nhầu nát cũ kỹ đi khuất vào vùng bóng tối, chừng mười phút sau xuất hiện trở lại, tiến tới gần viên quản ngục thưa khẽ : " Dạ xong rồi. " Viên quản ngục nói hơi lớn đủ để mọi người trong phòng cùng nghe thấy: 

- Xin mời quý vị vào !

 

Mọi người đều như muốn chùn bước không biết nên để ai đi trước ai đi sau. Qua một giây ngập ngừng người cai ngục và người gác dan do thói quen nghề nghiệp thông cảm bước lên trước như dòng nước đã được khơi thông, vị  thượng tọa và và linh mục bước theo sau, kế đó đến các người khác. Mọi người qua khung cửa hẹp bước vào một buồng rộng thật rộng, trần cao vút, vì thế ánh đèn vàng kệch càng trở nên ốm yếu bệnh hoạn. Đây là phòng tập trung những tù nhân trước khi giải họ ra tòa, có khi tập trung tới trăm người.

 

Tiếng giầy rồn rộn bước vào phòng chỉ khiến căn phòng rộng càng thêm rộng, trống trải càng thêm trống trải. Tít trong góc xa, khoảng ánh đèn mờ muốn nhòa lẫn vào với bóng tối, một người  ngồi xổm (tù nhân hàng ngày vẫn ngồi xổm như vậy mỗi lần điểm danh), trông y nhỏ thó, càng nhỏ thó hơn nữa vì hai tay khoanh ủ trước ngực : thân chủ của  Khiết !

 

Khiết bước nhanh lên trước. Người  đó nhận ra luật sư của mình từ từ đứng lên, khẽ cúi chào, khuôn mặt còn ngơ ngác nhưng rồi chợt hiểu, cúi xuống nhìn chân, miệng hơi chúm tròn, hai vành môi khô thoáng gợn nhăn nhúm, tựa như không khí hút vào lật-đật bị vấp ngã nơi đó. Khiết đã tới sát, đưa bàn tay thân ái của chàng ra, người tù tự động  đưa tay cho chàng bắt. Khiết nắm chặt lấy bàn tay đó, câu nói thầm lặng chàng muốn truyền sang là : tôi đã cố gắng tận tình giúp anh, nhưng luật pháp là  luật pháp, tôi đau lòng thấy anh ra đi.

 

Viên sĩ quan lục sự đã tới đứng trước người tử tù, nói :

- Anh biết anh bị án tử hình, luật sư đã đệ đơn xin ân xá, đơn đó đã bác, đây là quyết định của Tổng Thống (viên sĩ quan tuyên đọc) :

Bị can tên.., bị kết án tử hình ngày...  đơn luật sư xin ân xá ngày... Nay bác  đơn đó.

Viên lục sự ngửng nhìn người tử tù lần nữa, vài giây qua mới nói:

- Anh hãy can đảm lên, bây giờ sắp đến giờ hành quyết !

Gương mặt tử tù thoáng vẻ sửng sốt,  đôi hàm răng cắn lại, đôi mắt nhìn sâu vào cái gì vô hình tượng trưng cho hiện tại mà anh sắp phải đoạn tuyệt vĩnh viễn.

Khiết nói khẽ :

- Anh có điều gì muốn nhắn lại chị và các cháu xin cứ nói để tôi chuyển lời.

 

Nghe nói đến vợ,  đến con, người tử tù rơm rớm nước mắt, cánh tay hơi run run. Anh ta trấn tĩnh rồi đáp khẽ:

- Vợ tôi có chửa. Tôi không được thấy đứa bé. Khi nào vợ tôi ở Bạc Liêu lên xin luật sư bảo vợ tôi gắng nuôi con và đừng bỏ quê.

 

Viên sĩ quan lục sự hỏi :

- Anh theo đạo nào ? Đây có một thượng tọa và một vị linh mục.

Người tử tù đáp :

- Tôi theo đạo Phật.

 

Vị thượng tọa tiến lên, đáng đi từ tốn, gương mặt trầm lặng và từ bi, đeo một chuỗi hạt bồ đề lớn, áo nhà chùa nhuộm nâu rộng che tấm thân dong dỏng với đôi vai gầy. Không ai bảo mọi người đều lùi lại cách xa hai người. Vị thượng tọa dìu người tử  tù cùng ngồi xuống chiếc ghế sắt dài,  chân bắt vít xuống nền xi măng gần đấy. Đôi bên nhìn nhau. Vị thượng tọa nói những gì rất khẽ, một tay đặt lên vai, một tay đặt lên đùi gối người tử tù, dáng điệu cực kỳ thân ái. Khi hai người từ từ đứng dậy, viên quản ngục tiến lên nói:

- Anh có muốn ăn gì không ?

Người tử tù lắc đầu.

Viên quản ngục nói tiếp :

- Anh có muốn gì không ?

Người tử tù lắc đầu.

 

Người ta vẫn mang tới một ly nước nóng cùng một gói đồ. Người tử tù  lấy ly nước, khuôn mặt càng đượm ngơ ngác dưới ánh đèn vàng vọt. Vuông vải gói đồ được mở nút và phanh ra bên trong còn một bộ pyjama khác,  một chiếc quần tây vải xám, một chiếc sơ mi trắng mới nguyên và một tút thuốc lá Ruby cũng còn  nguyên chưa bóc.

 

Người quản ngục đỡ lấy ly nước trà uống hết nửa tự tay người tử tù và hỏi :

- Đó là những đồ của anh ?

 

Người tử tù khẽ gật đầu, rất hiền lành như còn muốn kèm thêm một lời cám ơn nữa rồi nói :

- Tôi xin thay quần áo. Tôi muốn chết cho đẹp mắt một chút.

 

Anh cởi bỏ bộ pyjama đương mặc, chỉ còn bận chiếc quần đủi đen cũ, thân hình không gầy những thịt bệu da xanh. Khiết thầm nghĩ con người trần trụi như kia trước cái chết !

 

Người tử tù đã mặc chiếc áo sơ mi trắng mới và chiếc quần tây xám. Vị thượng tọa bóc tút thuốc Ruby, vị linh mục đỡ lấy một bao thuốc, xé khoảng giấy thiếc,  rút ra một điếu, đặt lên môi người tử tù, vị thượng tọa quẹt một que diêm. Chấm đỏ thuốc lá bập bùng im lặng. Người tử tù cầm điếu thuốc cháy dở giữa ngón trỏ và ngón cái nói khẽ với người cai ngục, trong khi vị linh mục nhét bao thuốc dở vào túi quần anh:

- Những đồ còn lại này xin trao cho anh Tư, ở sà-lim bên cạnh tôi.

Bên ngoài có tiếng xe nổ máy, và những bước chân rộn rã vọng lại. Vị Đại úy ủy-viên chính phủ nói vừa đủ cho mọi người cùng nghe:

- Thôi bây giờ đến giờ chúng ta đi.

 

Người phụ tá cai ngục tiến lên, tay cầm chiếc còng. Người tử tù biết ý tự giơ hai cổ tay bất chéo lên. Khi qua cửa sắt bước xuống sân, có thêm hai người lính ngục đi kèm hai bên. Khiết đã đi bận áo đen luật sư.

 

*

 

Người tử tù cùng đoàn người vừa bước tới thì những flash liên tiếp, liên tiếp loé sáng, loé sáng. Những đầu người lố nhố. đủ mặt các phóng viên nhiếp ảnh, truyền hình quốc tế và quốc nội, những tiếng xì-xào tuy nhỏ nhưng rõ ràng cô đọng biết bao tiềm lực của những thần kinh hệ căng thẳng đến tột độ.  Người tử tù bước lên bực, Khiết đi sát bên, vô tình cả hai cùng ngẩng nhìn thẳng về phía có chiếc cột cao sơn trắng, ánh sáng của tất  cả những ngọn pha mắc theo hình bán nguyệt phía trước đến rọi vào tiêu điểm đó.

 

Bỗng Khiết thấy người tử tù đứng khựng, tia mắt dừng lại chiếc áo quan sơn trắng đặt cách chiếc cột không xa, và xa hơn một chút nữa ngoài tiêu điểm các pha, nép trong một vùng tối lờ mờ là chiếc xe bịt bùng cũng sơn trắng. Các flash tiếp tục sáng loé, sáng loé. Người lính ngục phía sau dẫn người tử tù tiến bước, vô tình đẩy cả Khiết nữa.

 

Người tử tù đã tới trước chiếc cột sơn trắng, xoay lưng lại, mắt nhắm nghiền, cả khuôn mặt nổi bềnh lên lấp-loáng ánh những hạt mồ hôi ứa đều. Ánh sáng ở vào đúng tiêu điểm này như chợt cô đặc lại thành thuỷ ngân.

 

Ông đội già đã mở còng tay và cột thừng ghì cánh khuỷu vào cột trắng, chiếc thừng xiết mạnh nâng lên cao quá khiến người tử tù phải kiễng chân, hơi nhăn mặt và hướng về phía Khiết nói khẽ :

-  Đau quá luật sư ơi.

Khiết tiến tới sát cột nói với ông đội già:

- Xin ông làm ơn nới giây thừng cho một chút.

Và một lần nữa Khiết đặt tay lên vai đã lạnh toát của người tử tù và hỏi một lần cuối:

- Anh cần trối trăn thêm điều gì xin cứ nói.

- Xin giúp đỡ cho vợ con tôi !

Có tiếng đàng sau nói lên cùng với những ánh flash tiếp tục lóe không ngớt :

- Maître, tránh ra Maître ơi !

Khiết chỉ lùi lại có chừng dăm bước đã gặp vùng bóng tối.

 

Tiếng hô sắc gọn. Một loạt súng lóe sáng. Người tử tù gục mặt...đầu ngoẹo về phía trái tim.,. miệng há tròn…rùng mình một cái... rồi im lìm. Người trưởng toán hành quyết đã tiến tới nắm tóc, banh ngửa bắn một phát tối hậu vào thái dương bên trái, khi buông ra mớ tóc vừa nằm xõa xuống một cách thê thảm, nhưng đầu vẫn trở lại vị trí cũ, ngả về phía trái tim.

 

Kể cả những kẻ sống thuần lý trí, suốt đời nô lệ cho lý trí mù lòa, khi chết trong trường hợp tương tự,  đầu bao giờ cũng ngả về trái tim như vậy.  Những dòng máu chảy dọc xuống đùi,  thấm qua quần,  chảy dọc xuống gót chân... Bao Ruby vị linh mục nhét vào túi quần cho khi nãy cũng như vừa muốn giẫy thoát ra khỏi vùng kinh hoàng, sắp rơi xuống đất.

 

(trích "Đàm Thoại Độc Thoại" sắp xuất bản)

(Nguồn: Bách Khoa T.Đ số 233 tháng 9 năm 1966)

Doãn Quốc Sỹ
Số lần đọc: 1609
Ngày đăng: 20.07.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
phòng x khu nội trú - Bùi Hoằng Vị
Sống - Lưu Thuỷ Hương
Kẻ Cầu Mưa - Vương Hà
Người Giữ Nhà Thờ Họ. 2 - Khuất Đẩu
Góc Khuất Của Trái Tim - Trần Minh Nguyệt
Nơi Không Có Mặt Trời - Xuân Tuynh
Người Giữ Nhà Thờ Họ. 1 - Khuất Đẩu
Đêm Nổi Lửa - Nguyễn Xuân Tường Vy
Kẻ săn bướm - Lưu Thuỷ Hương
Hôn Thú - Hôn Không Thú - Quý Thể
Cùng một tác giả