Dịp tình cờ, Ngọc lọt vào một chốn đầy bỡ ngỡ mà cảm như đang lạc vào một thế giới khác, kỳ ảo đến nao lòng!
Đêm. Dưới ánh sáng tạm đủ của những ánh đèn néon trắng là bầu không khí ngỡ như yên bình trầm mặc, tựa chốn thanh tu, lại hình như rất thân quen và nhiều xao động khiến cho con người ta tự nhiên cảm khái. Tất cả nỗi niềm khó tả đó gói gọn trong một khuôn viên rộng lớn nhưng ít người để ý. Trạm Tâm Thần.
Khi Ngọc vẫn chưa thoát khỏi trạng thái bồi hồi lạ lùng kia, thì một tên trai đã đứng ngay trước mặt tự lúc nào, chăm chú ngắm nhìn Ngọc qua hàng song sắt kiên cố. Hắn rất đẹp trai, gương mặt thật sáng với nụ cười tươi thắm tỏa ra từ hai hàm răng trắng bóng, đẹp và đều như bắp. Bắt gặp tia nhìn quan sát của Ngọc, hắn lập tức cất tiếng khẩn trương:
“ Chị, chị tên gì vậy chị?”
“ Tôi à?”- Ngọc tự chỉ vào mình.
Thấy hắn gật, Ngọc mỉm cười:
“Tên Ngọc. Bộ quen hả?”
“ Quen!”- Hắn gật đầu khẳng định, đột ngột hắn trớ qua- “Mà không phải! Bà con”.
Ngọc chột dạ nhìn kỹ đôi mắt hắn. Thường những người tâm thần khá nặng đang được điều trị tích cực sẽ có cặp mắt lồi ra như ốc bươu. Mắt hắn không thấy "ốc bươu" mà tia nhìn lại rất nhu hòa. Vậy mà không thể tin rằng, hắn lại là bệnh nhân ở đó!
Hôm nay Ngọc đưa mẹ đi thăm con của một người bạn già bị bệnh tâm thần. Trí, con của cô Lài đến giờ mắt vẫn còn lồi sau hơn cả tháng dài điều trị, nhưng trông em vẫn từ tốn, hiền hòa. Ngẫu nhiên hay trùng hợp, lại có thêm mọt kẻ khác đến đứng sát bên hàng rào nhìn Ngọc, như nhìn một người bạn thân lâu lắm rồi không gặp (!) Tự nhiên Ngọc vô cớ vui mừng khi thấy đôi mắt hắn không bị… ốc bươu.
“ Em bớt rồi phải không?”
“ Dạ em bớt. Nhưng vẫn bị tái phát nhiều lần nên vào luôn trong này ở để làm công quả. Ở đây em thấy… sướng hơn ở ngoài nhiều!”
Hắn tên Tâm. Gã đẹp trai lúc nãy tên Lịch vội vã bước qua bên này nghe ngóng và góp chuyện. Dường như họ - những người bệnh tâm thần - ít có cơ hội được nói chuyện với… đời thường. Ngọc nghĩ thế nên cắc cớ chỉ vào Trí để thử Lịch, dù đoán ở trong đó ba người họ có lẽ cũng chơi thân với nhau:
“ Em biết cậu ấy tên gì không?”
Lịch điềm đạm một cách hóm hỉnh:
“ Dạ biết! Nó tên Trí. Chí - cắn - thức - sáng- đêm - không - ngủ - được!”
Ha ha ha! Ngọc càng thêm phì cười khi Tâm chêm vào:
“Là trí thức đó!”
Lịch không tỏ thái độ gì sau câu sửa lưng của bạn, khiến Ngọc hài lòng. Ừ thì trí thức, trí ngủ, hay trí khôn trí tuệ gì gì cũng được! Lịch không cần phải tỏ ra khôn dại hay hiểu biết mà vẫn khiến người khác thích thú và tâm đắc. Ngọc mường tượng đến một mẻ than đen (là Tâm) đang kề bên bếp lửa hồng đỏ rực reo vui (là Lịch). Tương phản như hình vóc cao lớn của Tâm trước dáng dấp tầm thước và khôi hài một cách tự nhiên của Lịch lúc này: hắn đang đứng nghiêm và khoanh tay lễ phép như một cậu học trò đang bị phạt; lại vừa giống y một chàng rể tốt đang đứng hầu cha mẹ vợ. Điều đó làm Ngọc áy náy:
“ Em bỏ tay xuống đi. Đừng lễ phép quá như thế!”
Lịch ngoan ngoãn buông thõng hai tay, nhưng vẫn lễ phép đứng nghiêm đó y như đang chờ cô giáo hỏi bài. Nếu hắn không nghiêm trang như thế, chắc chắn Ngọc sẽ quên mất mình đang đứng ở đâu để mà hồn nhiên hỏi chuyện…
Rồi cũng đến lúc phải giã từ . Ngọc nói:
“ Các em nhớ quan tâm nhau nghen! Mấy đứa ráng hết bệnh đi, để còn về nhà lấy vơ, giúp đời hén!”
Người gật, kẻ đồng thanh dạ ran . Rồi tự nhiên nắm lấy tay nhau quay lưng bước đi về chỗ của mình. Từng bước chân lạ lùng, nhịp nhàng, vững chắc!…
*
Đêm ấy trở đi, Ngọc thường trằn trọc khó ngủ. Chắc chắn vì họ, những người khách "tâm thần". Hình ảnh ba người bạn ấy nắm chặt tay nhau bước đi khiến Ngọc hoài thao thức. Có một cái gì nhẹ len lõi trong tim, gây âm trầm nhói buốt nơi ngực trái như những cơn gió hú giữa đêm nay. - Gió lạnh đêm hè!- Gió giông ngoài trời của báo động áp thấp nhiệt đới đang lồng lộng thét gào, như muốn giật tung đi những nóc nhà đang triền miên vùi sâu trong đêm vắng, như sắp cuốn phăng đi những phiền lụy của đời thường. Gió cứ hú từng cơn thê thiết từng giờ… từng giờ… cho đến khi Ngọc thiếp đi lúc nào không biết…
*
Sớm mai, trời vẫn âm u. Dường như còn đọng lại dư âm của đêm qua một nỗi buồn nhân thế. Tiết trời lúc giao mùa hình như dễ khiến tâm tư con người trở nên quạnh quẽ!
Có lẽ sự hiện diện của một người xa lạ là Ngọc lúc này, giá trị và hiệu lực hơn những viên thuốc an thần họ đang phải dùng. Cho nên, khi thấy Ngọc lững thững đi vào thì một trong ba người (là Lịch) cứ nhìn theo đăm đăm:
“ Chị đến thăm Trí phải không?”
“ Ừ. Thăm cả em nữa!”
Ngọc không ngờ con người Lịch lúc nửa tỉnh nửa mê mà vẫn ăn nói có duyên và hóm hỉnh; đa mang, văn nhã đến như thế! Lịch nói:
“ Em tên Thái văn Lịch, hai mươi hai tuổi, nhà ở miệt thứ. Em yêu một người con gái lớn em hai tuổi. Nhà nghèo, nên em học tới lớp sáu phải bỏ ngang đi làm lò đường. Mẹ em không biết nên đi kiếm, thấy mồ hôi em rơi lã chã nên khóc và bắt về. Từ đó em về làm ruộng và đặt vó tiếp mẹ nuôi gia đình, vì cuộc sống”.
“ Vậy sao em đến nỗi bệnh như vầy, có còn nhớ không?”
“ Dạ. Tại em tham quá!”- Lịch nhìn Ngọc nheo mắt, đáp tỉnh queo- “Em đi xe đạp, thấy người ta đi Cub thì ham, muốn có cho được mới nghe. Tới khi có Cub có Dream rồi, thấy người ta đi xe hơi du lịch, Toyota em cũng muốn… Cứ như vậy luẩn quẩn loanh quanh... em muốn luôn cả máy bay, xe… tăng. Rồi khùng luôn lúc nào không biết!”
Kiểu nói ấy khiến Ngọc không nhịn được, bật tiếng cười khì. Đột nhiên Lịch nói:
“ Em sẽ nhớ chị hoài! Chị tên gì vậy chị?”
“ Tối qua em hỏi rồi mà?”
“ Em quên. Nhưng từ giờ trở đi em chắc chắn nhớ hoài!”
Ngọc gật đầu “Vậy à!”, rồi hỏi Lịch:
“Bây giờ, em còn nghĩ đến tình yêu nữa không?”
Lịch cười độ lượng với hàm răng sáng bóng thật đẹp:
“ Dạ không. Bây giờ thời gian là tiền bạc, con người cũng của tiền bạc. Em thấy mình bỏ học như vậy là sai lầm chị à! Em sẽ không như vậy nữa”.
Lịch thì thầm như đang nói cho chính mình nghe, khiến những thân nhân nuôi bệnh nãy giờ đang chăm chú lắng nghe hắn nói cứ ngẩn ngơ… Và khiến Ngọc khâm phục: có thể nghĩ được như thế trong một trạng thái thần kinh bất định như vậy, thật đáng nể! Còn hơn những người…
Ngọc chợt nhìn thẳng vào mắt hắn:
“ Bây giờ em đang nghĩ gì?”
Câu trả lời đã khiến Ngọc sững sờ:
“ Dạ, em nghĩ đến … tiền”.
“ (Trời, thực tế vậy à!). Tại sao?”
“ Vì có tiền em sẽ mua được tình. Rồi em sẽ có cả hai”.
Ngọc giật mình, cười mếu:
“ Ha ha...Tiền mua được tình sao em?!”
“ Dạ được chớ!” - vẻ mặt Lịch kiên quyết- “Mình có tiền rồi mới cưới hỏi được người ta. Cưới rồi mua heo gà về nuôi, cho cuộc đời sung túc yên ổn”.
“ Hay vậy ta!” - Ngọc tỏ vẻ đồng tình, khen ngợi.
Lúc này Tâm đã đứng cạnh Ngọc. Tâm ở ngoài hàng rào nhìn giống như một quản đốc, trông nom quản lý những người bệnh ở đây. Tâm nói:- Chị đến thăm tụi em à. Hỏi để mà hỏi, chứ Tâm thừa biết cái gật đầu lặng lẽ cuả Ngọc. Bỗng nhiên có một kẻ lạ mặt chợt hiện ra ngay sát bên Lịch, chìa một cái ca nhôm lớn ra trước mặt cô, ôn tồn mà như đang cầu khẩn:
“ Chị cho tui xin một ngàn, tui mua nước uống đi chị!”
Ngọc ngước nhìn. Anh ta trạc ba mươi ngoài, hai chân bị cột bằng sợi dây dù, kiểu cột lấy có nên tướng đi trở thành… hai hàng. Ngọc lạ lùng: không lẽ trong này không có nước uống sao! Có tiếng người nuôi bệnh xen vào:
“ Nó muốn uống nước đá đó. Mà cô đừng cho, rủi nó mua thuốc lá hút thì phản phé hết ba cái thuốc đang điều trị!”.
Ngọc lưỡng lự một chút rồi cũng đi mua, trong khi đó Lịch cứ chạy theo cô phía trong hàng rào nói lớn:
“Chị, cho em với chị ơi!”
“ Gì em?” - Ngọc dừng chân khi thấy Lịch đang cười hì hì hớn hở.
“ Em cũng xin nữa, nhưng không xin tiền. Em xin tình thương của chị!”.
Trời đất ơi! Ngọc quá xá thất cười. Cô trố mắt nhìn vẻ mặt vừa lém vừa thiệt tình kia mà dở cười dở khóc: Lịch ngheò mới cần tiền. Nhưng nếu phải chọn lựa thì chắc chắn Lịch cũng sẽ chọn tình như trước kia thôi. Phải không?! Ngọc tủm tỉm cười, định chọc quê hắn: "Sao hồi nãy em nói chỉ thích tiền. Bây giờ lại quẳng tiền đi để xin… tình như thế". Lại thôi.
Mới đi được vài bước thì có thêm một cái ca nữa "chọt" thẳng vào mặt Ngọc qua hàng rào sắt với một giọng khẩn nài:- “Mua dùm em với chị ơi!”- Theo phản xạ Ngọc né ngang, thoáng thấy cái đầu đinh hai phân lại càng kinh hãi (trời trời! Nhờ cậy xin xỏ gì mà còn hơn… ám sát người ta không bằng!) nhưng vẫn đáp:
“ Ừ thôi cầm đi, lát nữa đem về… chai hia”.
Tâm chỉ đường cho Ngọc đi ra căn-tin, Ngọc nói với người chủ quán:- “Bán cho tôi một hai nước đá, chặt làm hai dùm!”
Bà ta cứ nhìn Ngọc lom lom. Nhác thấy tướng Ngọc khù khờ, chắc tưởng là… bệnh nhân tâm thần trong đó mới trốn viện, nên bà lừng khừng cứ hỏi tới hỏi lui như không nghe Ngọc đã nói gì. Cô buồn cười nhìn vào mắt bà lặp lại:
“Thì bán cho tôi hai cục nước đá bỏ vô ca này!” (Tôi nói tiếng Việt mà!- Ngọc lầm thầm).
Cũng may chị Xuyến y sĩ làm ở đó biết Ngọc, chứ không thì… Ngọc cười lùng bùng quay đi. Đến lúc gặp được cô Lài (đang ở trong hàng rào để chăm sóc cho con trai) Ngọc gửi quà cho Trí và hỏi thăm được vài câu thì Lịch lại che áng mất cô Lài đi, rồi cứ nhìn Ngọc kêu lên:
“ Chị chị, cho em chút tình thương đi chị!”
Ngọc cũng kêu lên:
“ Em làm sao vậy Lịch? Để chị và cô Lài nói chuyện một chút. Em lịch sự tí đi!”
“Em là Lịch bại, không phải lịch sự đâu!”- Hắn đột nhiên bướng ngang khiến Ngọc càng tức cười hơn.
Tâm điềm đạm hơn, chỉ vào người thanh niên xin tiền khi nãy để mua nước đá, em nói:
“ Tối hôm kia em bị anh Minh đánh trúng cằm. Đau thấy bà!”
“ Ua, mà ổng là ai vậy?”
“ Anh là đặc công lận đó! Cho nên em đánh làm sao lại! Lúc trước em không biết. Thấy tự nhiên ổng hay uýnh em, nên em phải tự vệ. Để không thôi, chết oan mạng sao? Vậy mà cũng đánh không lại ảnh nên em… chảy máu răng luôn!”.
Chợt Tâm đổi giọng như rao:- Ra uống thuốc các bạn ơi! Tới giờ rồi!
Tâm nói chị chờ em một chút. Em tiếp họ cho mấy người đó uống thuốc rồi sẽ ra với chị. Ngọc ừ, khẽ liếc đồng hồ tay: đã 11 giờ trưa. Ngọc ngồi xuống chiếc ghế đá cạnh tường, nhìn chị Xuyến đang bê một hộp thuốc lớn và một thùng nước có nắp đậy. Các bệnh nhân tập trung lại để từng gói thuốc được gọi tên và phân phát tận tay cho từng người uống tại chỗ, uống trước mặt những người thầy thuốc. Những người nặng hơn như Trí thì qua dãy phòng bên kia để được chích thuốc.
Ngọc đưa mắt quan sát chung quanh kỹ hơn, thầm nhủ: Cảnh trí ở đây vắng lặng và yên tĩnh như một khu vườn đẹp. Duy chỉ thiếu tiếng chim ca và những cảnh sắc đời thường của thế giới bên ngoài.
*
Lát sau khi Tâm trở ra, Ngọc liền hỏi Tâm cái điều mình băn khoăn khi nãy:
“Sao em biết ông Minh đó là đặc công? Mà sao ổng lại vô đây?”
“ Em nghe người nhà kể”- Tâm đáp - “Anh hồi đó đi bộ đội đặc công. Cái kỳ Việt Nam mình qua Miên đóng quân và giúp bảo vệ dân Miên đó, ảnh có quen một người con gái khơ-me. Rồi hứa hẹn với người ta khi về quê rồi sẽ trở qua cưới. Chừng Việt Nam rút quân rồi, gia đình ảnh không cho ảnh trở qua nữa, nên người ta bỏ bùa Lỗ Ban làm ảnh khùng luôn tới bây giờ. Cũng hơn mười năm rồi đó chị!”
Cô Lài tiếp lời:
“ Nhà nó giàu lắm đó! Có lần lên cơn khùng, nó lỡ tay đập một bà già bể trán chết queo! Giờ cũng có lúc hay lên cơn nên nó mới bị cột chân lại để nhắc chừng như thế”.
Tâm gật đầu tán đồng:
“ Hồi ảnh mới vô đây tướng tá "phong" lắm nghen! Nhìn ảnh giống hịt Việt kiều. Vậy mà giờ trông ảnh “tàn” như vậy đó!”
Ngọc gật đầu rồi quay sang cô Lài:
“ Lúc trước con có người bạn điều dưỡng làm ở đây lúc trạm còn nhập chung với bệnh viện tỉnh. Mới đầu tướng đó hiền khô như con cù lần. Làm riết rồi hắn… có võ luôn!”
*
Chiều ấy tiện đường, nên Ngọc ghé chỗ tôi làm. Tôi trông nét mặt ấy phảng phất niềm ưu tư nhưng khoáng đạt, khó lòng lý giải. Em cứ luôn ho khan, tằng hắng khiến tôi bật cười hỏi nhỏ:
“ Sao tự nhiên ho hoài vậy?”
“ Em cũng không biết nữa! Chắc tại đêm qua ngủ ít thì phải!”- Ngọc nhìn tôi cười hiền. Nhưng tôi không đồng ý:
“ Không phải. Vì nhỏ đa mang tâm sự”.
“Chà! Anh tài ghê!”- Ngọc đỏ mặt… bó tay.
Trong một dịp tình cờ, tôi kết giao với em như một bằng hữu tốt, có lẽ vì cảm nhau tính khí. Chừng như lúc nào em cũng xem tôi như một người anh tốt bụng, độ lượng; như một chỗ dựa tinh thần vững chắc của em. Và Ngọc đã kể tôi nghe về giấc chiêm bao đêm qua; về những số phận không may ấy. Có một chỗ tôi không hiểu, nên đã hỏi em:
“ Vậy thằng Tâm tại sao nó khùng?”
“ Hắn từ nhỏ theo đạo Cao Đài”- Ngọc thở dài- “Tốt nghiệp phổ thông xong, vì hoàn cảnh gia đình nên Tâm đi buôn chuyến. Tiền lời nhiều cũng có giúp cho gia đình Tâm sống thoải mái hơn trước. Nhưng lại là nỗi khắc khoải khôn cùng đã dằn vặt lương tâm Tâm không ít. Hắn cứ ở trong cái vòng luẩn quẩn như thế cho đến một ngày kia, phát lên bày đặt ngồi thiền, không ngờ lại điên luôn vì không được chỉ dẫn đúng cách. Cuối cùng, Tâm đã chọn trạm Tâm Thần làm điểm dừng chân cho đời mình. Chấp nhận suốt đời làm công quả, yên vui với công việc giúp đỡ mọi người”.
Rồi Ngọc từ giã ra về, tôi ngồi nhìn theo dáng em dần khuất, nhoà nhạt trong sắc chiều lãng đãng mà chạnh nhớ đến giấc mơ kỳ lạ đêm qua Ngọc vừã kể tôi nghe…
… Ngọc đi lang thang bất định, hoang mang không biết mình lạc tới chốn nào…
...Trong rừng sâu có một con chó tên Can đang bị sư tử rượt chạy trối chết. Trong lúc hốt hoảng vội vàng, nó rớt xuống một cái giếng sâu ai đã bỏ hoang từ lâu, tìm mọi cách cũng không làm sao lên được. Lúc tuyệt vọng nằm đói lả chờ chết, Can bỗng hối hận than rằng:
“Nếu biết trước thế này, thà ta "cúng" thịt cho sư tử ăn mất, còn hơn phải chết thối ở đây không ai hay biết. Lại còn làm dơ lây cái giếng nước trong này, uổng thật!”
Đang ngồi buồn than thân trách phận thì may thay có vài người khách lữ hành bị lạc đường đi ngang đó, nghe tiếng than rền rĩ kia vọng ra từ lòng đất ở đâu đây nên hiếu kỳ tìm kiếm. Mới biết có chú chó lạ nghe và nói được tiếng người đang kẹt dưới đáy giếng sâu kia.
Sau khi được cứu lên và chỉ đường cho họ ra khỏi khu rừng thần bí, Can cảm tạ họ và hỏi:
“ Can tôi với người không quan hệ hay quen biết, mà sao lại nhọc lòng tốt bụng cứu tôi?”
Cả nhóm lưỡng lự, rồi cũng có người mỉm môi cười lên tiếng:
“ Vì ông đã giúp chúng tôi "ngộ" được rất nhiều. Tựa một người thầy!”
Bấy giờ Ngọc choàng tỉnh giấc, ngỡ ngàng mới biết mình vừa qua giấc chiêm bao. Ở giấc mộng như in kia, thấp thoáng trong nhóm khách lữ hnh có bóng dáng của Ngọc trong đó!…
Tháng 5.2001