Kỳ lạ thay, ấn tượng sâu đậm của tôi trong chuyến về thăm Huế vào mùa thu năm 1993 không phải là Sông Hương mơ màng, núi Ngự Bình với hoàng hôn tím biếc, hoàng cung với những đền đài, lăng tẩm… mà chính là tấm lưng đã còng của Má Lớn khuất dần sau lũy tre làng Hương Thủy, ngoại thành Huế. Đằng sau lũy tre xanh ngắt kia là những ngôi nhà bé nhỏ, nhưng nỗi đau, những số phận… Những ngôi nhà bé nhỏ kia chứa đựng những số phận không bé nhỏ chút nào. Nỗi cô đơn của người mẹ trong những năm tháng hoàng hôn của cuộc đời quá lớn, quá trĩu nặng, trĩu nặng đến nỗi tấm lưng của mẹ còng xuống, còng xuống đến mức như không còn có thể còng hơn được nữa. Đoàn làm phim tài liệu “Giữa ngàn thác lũ” do Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ thực hiện về Hương Thủy ghi hình Má Lớn. Má Lớn là một trong những chân dung cựu nữ tù giữa ngàn thác lũ . Hình ảnh người mẹ ấy chưa đầy nửa phút lướt qua phim… Nhưng với tôi, tấm lưng còng cô đơn của mẹ tựa vào cây gậy khuất dần trong ngõ tre hun hút vẫn đọng hoài trong ký ức. Hồi ức được viết ra giấy này xin được xem như một nén hương lòng thắp lên tưởng nhớ mẹ…
- Giặc ưng đánh mình, mình phải đánh lại nó, có chi mô mà lạ. Nhưng có những chuyện sâu kín mạ nuốt vào trong, cho mãi đến giờ mới kể cho các con nghe, đó là chuyện … thằng Phương của mạ…
Má Lớn nghẹn ngào nhìn lên bức di ảnh. Người con trai trong bức ảnh trạc hai mươi, gương mặt chữ điền, vầng trán cao, thanh tú. Gương mặt anh phảng phất giống Má Lớn. Một người con trai đẹp, ngời lên vẻ thông minh, phúc hậu. Má Lớn như đang trò chuyện với anh :
“Hôm ra đi, con xin mạ 15 đồng. Mạ chết đứng. Thương con đứt ruột nhưng trong bị gậy ăn mày của mạ trống trơn …
- Con xin tiền để làm gì?- Mạ hỏi. Con không nói, ôm chặt mạ rồi lao đi. Mạ đâu biết vậy là bữa đó con bỏ học, từ giã mạ nhập bộ đội. Phương ơi, bây giờ mỗi lần nhớ đến, mạ lại thương con đứt ruột. Mỗi khi cầm những đồng tiền liệt sĩ của con là lòng mạ quặn đau…”
Gió liên hồi đập vào bức vách. Khung ảnh lay động. Tôi có cảm giác anh Phương đang mỉm cười, đôi môi mấp máy lời trìu mến, an ủi má. Phải, làm sao má biết được đó là ngày vĩnh viễn chia ly, khi má đã từng dứt ruột gửi anh cho một người bà con xa, lo cho anh ăn học, để má bắt đầu bước vào một cuộc chiến không tiếng súng nhưng đầy đắng cay, nghiệt ngã. Đã có lúc má không còn là một con người nữa, bị đọa đày như một con vật đói khát, rách rưới, lang thang…
“ Mạ đã lặng người khi anh Phương đón má giữa ngã ba đường, ôm má nghẹn ngào:
- Mạ ơi, sao mạ ra nông nổi này. Mạ có nhận ra con ?!
- Mi về đi, chuyện mi mi biết, chuyện ta ta biết. Về mà lo học hành, mặc kệ mụ điên!
- Không, nhưng mạ là mạ của con. Con van xin mạ, con sẽ về sống với mạ, con sẽ bỏ học để kiếm tiền nuôi mạ. Mạ đừng lang thang nữa !
"Bốp". Mạ tát con. Con đứng ngẩn người, rồi nước mắt ứa ra. Phương ơi, mạ còn đau hơn con vì hồi nào tới giờ, mạ đâu có đánh con. Phương ơi, con có biết đó là cái tát gửi đầy tình thương của mạ. Ừ, thì mạ điên mà, làm sao mạ dám nói với con một lời yêu thương tử tế. Nhưng trái tim mạ tràn ngập tình yêu con…
- Ê, bà điên, bà điên !
Lũ trẻ vây quanh mạ con mình chế nhạo. Chúng lạ lẫm trước cảnh một anh học trò dáng dấp thư sinh, ăn mặc bảnh bao cù cưa với một người đàn bà điên dại, bẩn thỉu. Chúng xúm quanh mạ và con. Mạ nhớ con đã đánh một thằng nhỏ vì nó hỗn láo lấy đá ném vào mạ.
- Đây là mạ của tao !
Con xông vào bọn trẻ. Chúng chạy tán loạn. Thừa lúc ấy, mạ lẻn đi. Khi dẹp xong lũ quỉ nhỏ, con hốt hoảng gọi:
- Mạ, mạ ơi !
Tiếng gọi của con thảng thốt, ướt đẫm nước mắt. Con gọi mạ đến khàn giọng. Mạ muốn nhào ra khỏi nơi ẩn nấp, chạy ào đến bên con, ôm con vào lòng, cho thỏa niềm thương nhớ. Đã lâu lắm rồi, mạ chẳng được gặp con. Nhưng mạ cắn chặt răng, nấp trong lùm cây. Thôi, con hãy đi đi. Phương ơi, thương mạ, con cố học, đừng nghĩ gì đến mạ. Tiếng gọi của con tan vào buổi chiều tím biếc. Mãi đến giờ mạ không quên dư âm tiếng gọi ấy. Mạ đã nghe nó bao lần trong giấc chiêm bao, nó văng vẳng bên tai mạ mỗi ngày …”
- Ngày ấy, tại sao mạ phải giả điên, có cần thiết làm điều ấy không hở mạ?
Bà mẹ nhìn tôi chưng hửng. Tôi đọc được sự phẫn nộ trong đôi mắt ở tuổi 75 của bà. Bất chợt, bà nhìn xa xăm, tia nhìn trở nên buồn bã lạ thường:
- Con ơi, mạ cũng là người. Mạ cũng khao khát được sống yên ổn bên chồng con dưới mái nhà hạnh phúc. Nhưng nào có được yên. Chiến tranh, giặc giã,thôn xóm điêu tàn. Chồng hy sinh. Mạ góa chồng sớm, chỉ được mụn con trai, mạ yêu nó hơn bất cứ thứ gì trên đời. Nhưng mạ cũng không thể dửng dưng trước bao nhiêu mất mát. Mạ cũng phải góp tay làm một cái gì đó cho ngày thống nhất đất nước chứ. Mạ làm quân báo cho huyện Hương Thủy. Biết làm sao đây khi lưới địch dày đặc, quân đội của kẻ thù giăng mắc khắp nơi, được trang bị đầy đủ súng đạn. Mạ nhận nhiệm vụ quá khó khăn: liên lạc, thu thập tin tức… Mạ nghĩ ra: Chỉ có làm mụ điên mới có điều kiện đi đứng lang thang, xông vào mọi ngõ ngách. Thế là mạ giả điên …
Từ dạo ấy, đất Cố đô Huế có một người đàn bà điên. Bộ quần áo của bà rách bươm, trăm mảnh vá. Người bà hôi hám nồng nặc, khiến mọi người phải tránh bà từ xa. Có những lúc bà cởi trần, phô bộ ngực nhăn nhúm chảy xệ. Người điên lang thang rách rưới. Có người thương tình cho bà dăm ba đồng bạc. Bà nhận lấy cất vào bị gậy với sự ngớ ngẩn, hờ hững của người không biết đến giá trị và sức mạnh của đồng tiền. Người đàn bà điên khi xuất hiện trước đồn Mang Cá, lúc ở chợ Đông Ba, lúc trước Phú Văn Lâu… Có lúc bà biến mất giữa những con đường vắng lặng hun hút, lúc giữa nghĩa địa nhập nhoạng ánh hoàng hôn. Bóng đổ dài, liêu xiêu của bà thật cô đơn, lẻ loi. Bà đi qua những đồn bót, những xóm làng, những ngôi nhà, miệng hát vu vơ, lúc cười lên sằng sặc, lúc òa khóc nức nở. Những giọt nước mắt giả điên ấy nào ai biết được có cả máu tim bà… Nhờ được lang thang, tự do, bà nghe được nhiều chuyện, thuộc lòng từng ngõ ngách. Cố đô Huế trở nên quen thuộc với bà từng bức tường rêu, con đường, từng hàng cây, từng góc chợ, từng đồn bót… Người điên nào có biết gì, không ai cảnh giác bà. Dưới manh áo vá quàng xiêng, chằng đụp, hôi hám là những cuộn tài liệu. Bà thản nhiên đi qua dưới sự kiểm soát gắt gao của kẻ thù…
- Hãy cảnh giác con mụ điên!Tại sao mụ ta cứ lẩn quẩn quanh chỗ đóng quân này ?
Cũng có tên địch tỏ ra nghi ngờ bà:
- Sự thận trọng không bao giờ thiếu đối với sự an toàn của bí mật quân đội!
Hắn nói thêm với thuộc cấp:
- Mụ đàn bà điên này có nhiều điểm đáng ngờ. Có trời mới biết “V.C” là ai, sẽ làm gì, ở đâu?!
Con mắt nhà nghề khiến hắn nhìn người đàn bà điên bằng cái nhìn nghi hoặc, khám phá. Hắn bắt người đàn bà điên vào đồn thẩm vấn. Bà cười, nụ cười ngớ ngẩn như một đứa trẻ.
- Có đói không ?!
Hắn hỏi, đưa cho bà ổ bánh mì và hộp phô-mai. Bà cầm lấy, hờ hững. Bà ngửi ngửi miếng phô-mai, vẻ khó chịu. Mắt bà chợt sáng rực khi trông thấy đống phân chó. Bà lao tới bốc từng cục phân trây trét quanh người. Và không một chút tỏ ra ngần ngại, ghê tởm, bà bỏ vào miệng nhai lấy nhai để, nuốt ngon lành…
- Ối! Một mụ điên!
Tên chỉ huy nôn thốc nôn tháo. Hắn xua tay ra hiệu cho thuộc hạ tống cổ người đàn bà điên hôi thúi nồng nặc ra khỏi cửa…
Người đàn bà điên không cửa, không nhà, ngày cũng như đêm, lang thang qua chợ Đông Ba rồi về Phú Lương, xuống Hương Thủy, trở về Thành Nội… Nghị lực nào, sức mạnh nào khiến cho bà tồn tại suốt sáu, bảy năm trời trong cuộc sống của người điên. Có những lúc ánh mắt bà sáng lên khi nhìn thấy đồn bót bị hạ. Trong ánh lửa và tiếng súng, bà sung sướng đến trào nước mắt khi biết rằng trong chiến công ấy, có cả sự đóng góp thầm lặng của bà. Nhiều tin tức quan trọng của kẻ thù đã được bà đưa về Ban quân báo, nhiều tài liệu đã được bà chuyển đi, chuyển về. Đằng sau dáng vẻ của người điên, rách nát, hôi tanh, bà là cánh én bay vút qua những vòng kẽm gai chằng chịt, mang những bức thư thông điệp cho mùa xuân chiến thắng. Bà đã sống với một niềm tin không gì dập tắt nổi vào ngày thống nhất…
Những năm kháng Pháp, bà đã từng là một thành viên trong đội quân cảm tử. Bà đã gặp gỡ và yêu thương một người đàn ông. Hai người có với nhau có một đứa con trai. Rồi chồng hy sinh, bà thui thủi nuôi con. Nỗi đau không quật ngã được bà. Bà lại đứng lên, bước tiếp con đường của chồng. Bà đâu hay trong lúc giả điên, anh Phương đã bỏ học xin vào đội biệt động. Hôm ra đi, anh xin mẹ 15 đồng. Người đàn bà điên chết đứng, không biết con mình xin tiền để làm gì. Bất chợt một ngày bà hay tin con trai hy sinh , bỏ xác lại trong một trận công đồn. Anh được bà con chôn ở một nghĩa địa dưới tầm kiểm soát của kẻ thù. Đồng đội dù yêu thương anh cũng đành ngậm ngùi, không cách nào tới được. Không một bó hoa, một nén hương trước mộ người tử sĩ…
-Thằng Phương nằm ở đâu?!
Bà đau đớn hỏi người đưa tin.
- Gần đây lắm. Nhưng mạ đừng đến, kẻ thù sẽ phát hiện ra mạ nếu mạ không nén được xúc động mà khóc trước mộ anh Phương!
Mắt bà ráo hoảnh:
- Không, chỉ chỗ cho mạ đi, mạ sẽ không khóc. Mạ hứa!
Người đàn bà điên lần đến nghĩa địa. Bà liêu xiêu bước đi, dừng lại ở mỗi nấm mồ, tìm kiếm rồi dừng lại, đứng lặng trước một nấm mồ bằng đất mới tinh. Anh Phương đang nằm đó, cô đơn, lặng lẽ. Bà muốn chạy ào đến ôm mộ con, được gọi tên, được òa khóc. Được khóc lúc này cũng là một đặc ân cuối cùng của người mẹ mất con, cũng là niềm hạnh phúc. Nhưng bà cắn chặt răng, cố nén lại, như ngày anh Phương gọi bà. Ngày ấy, bà cũng đã cố gắng nén lại những đợt sóng tình mẫu tử trào dâng mãnh liệt trong lòng để không chạy ào đến bên con. Bà đăm đăm nhìn nấm mộ anh Phương một lúc rồi lặng lẽ bỏ đi. Bóng bà đổ dài trong hoàng hôn tím biếc, nhạt nhòa. Bà cắm đầu bước đi, mải miết. Từ những ngôi nhà đóng kín phát ra tiếng cười đùa, tiếng khóc của trẻ thơ. Ngôi nhà bà sẽ vĩnh viễn hoang lạnh… Bà muốn tìm một gốc cây kín đáo ngồi khóc cho thỏa. Chợt từ cửa sổ ngôi nhà xinh xắn của ai đó vang lên tiếng gọi:
- Mạ ơi!
"Trời! Tại sao mạ vĩnh viễn không còn được nghe tiếng gọi thân thương ấy trong đời nữa?”.
Người đàn bà điên thầm thốt lên câu hỏi. Trong ngôi nhà sáng ánh đèn kia, có một người mẹ sang trọng và quý phái bước ra, đi đến nơi phát ra tiếng tiếng gọi của đứa trẻ, ôm lấy đứa con xinh đẹp, bụ bẫm vào lòng, gương mặt tràn ngập hạnh phúc. Hai mẹ con ngồi bên hiên nhà trong khung cảnh bình yên, ấm áp đang nói cười ríu rít… Người đàn bà mất con không chịu đựng nổi. Bà kêu lên đau đớn:
- Con ơi!
Tiếp theo tiếng gọi con, bà mửa ra bụm máu. "Không, không được ngã gục, hãy nuốt nỗi đau ấy vào trong". Bà nuốt trở lại máu tim mình, gượng đứng lên tiếp tục cuộc hành trình …
Người đàn bà điên năm ấy bây giờ ngồi trước mặt tôi, trong ngôi nhà tình nghĩa của xã Thủy Phương, huyện Hương Thủy với lời kể chuyện khúc chiết, gãy gọn. Bà xem những năm tháng gian khổ, bị tù đày tra tấn là chuyện đương nhiên trong chiến tranh, mà người dấn thân phải đánh đổi, chịu đựng. Nhưng tôi biết có một điều thầm kín bà không muốn gợi đến. Đó là nỗi cô đơn. Trong những ngày dong ruỗi trên những nẽo đường đầy chông gai, giá lạnh, “ người đàn bà điên” đã từng mơ về một ngày hòa bình, bà sẽ được trở về quê hương, dựng lại ngôi nhà, sẽ cưới vợ cho con trai, sẽ được ẵm bồng cháu. Giấc mơ ấy đã từng đốt cháy lòng bà trong những năm tháng sống bụi bờ, lang thang, rách rưới…
Một mái nhà ấm cúng, mẹ con đoàn tụ?! Thì giờ đây, ngôi nhà đã được dựng lên, bà đã trở về với cuộc sống bình thường nhưng vĩnh viễn mất đi tiếng gọi "Mạ ơi!" đầy thiêng liêng, trìu mến. Tiếng gọi ngân vang từ lồng ngực mỗi bà mẹ. Tiếng gọi ấy cứ văng vẳng bên tai bà, trở về trong những giấc chiêm bao. Vào năm 1993, bà đã ở vào tuổi bảy mươi lăm. Bị ảnh hưởng những ngón đòn tra tấn, đôi chân bà rất yếu. Bà phải tựa trên hai cây gậy, lưng bà còng sát đất. Bà chống gậy bước đi, giữa ngôi nhà, quanh quẩn mấy gốc chanh ngoài vườn. Bà dừng lại trước di ảnh của anh Phương. Chợt bà khóc nấc lên:
- Mạ không điên, sao con không về với mạ nữa, Phương ơi, Mạ đã để dành cho con 15 đồng trên bàn thờ, con về mà lấy để đi chơi với bạn bè!
Đôi tay bà bám chặt trên hai cây gậy, nỗi đau trĩu nặng khiến đôi chân bà không còn đủ sức đỡ nổi. Một cuộc đời có quá nhiều mất mát. Có ngẫu nhiên không, khi tên của bà là Nguyễn Thị Lớn. Người dân xã Thụy Phương quen gọi bà là Má Lớn. Tôi thấy bà thật lớn lao khi hình dung ra cảnh bà mẹ đứng trước mộ con, mắt ráo hoảnh. Người đàn bà điên đi qua những ngôi nhà, thôn xóm, những nẻo đường gió bụi… chợt quì thụp xuống nuốt vào trong ngụm máu uất hận khi nghe tiếng gọi "Mạ ơi!" phát ra từ ngôi nhà ấm áp của ai đó. Người mẹ trước mặt tôi như bao nhiêu bà mẹ, bình dị mà lớn lao làm sao. Mọi ngôn từ đều trở nên vô nghĩa, khi sức nặng thời gian và nỗi cô đơn mất mát đè nặng lên tấm lưng còng của mẹ, khi đôi chân của mẹ đã trở nên bất lực, thời gian mỗi ngày thêm chồng chất …
Huế- Sài Gòn, mùa thu 1993