Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.186
123.216.249
 
Tháng Ba Tây Bắc Hoa Ban Nở
Minh Nguyễn

Không biết từ lúc nào tôi bỗng quan tâm tới các loài hoa. Điều này kể ra e có người sẽ mỉm cười cho rằng: đàn ông ai lại quan tâm tới mấy chuyện hoa hòe hoa sói; trừ trường hợp sinh nhật cha mẹ, bạn bè hay người yêu.

 

Tưởng chuyện đơn giản, vậy mà tôi đã phải chưng hửng trước câu hỏi đầy sự đánh đố  nơi cô bạn vì, biết tôi đã nhiều lần đi lên vùng Tây Bắc :  ngoài mùa hoa đào hoa mận ra, nghe nói trên vùng Tây Bắc còn có mùa hoa gì đặc biệt lắm, anh có biết không ?

 

Tôi chợt nhớ lần ghé lên Lào Cai,đi cùng Mây vượt chặng đường dài qua hàng ngàn bâc đá, đặt chân lên vườn hoa thiên nhiên Sapa trên đỉnh núi Hàm Rồng. Ở đó ngoài việc ngắm thỏa thuê hàng trăm loài hoa lan đẹp lộng lẫy quí hiếm, trước khi ghé sang vườn Châu Âu kỳ thú nhìn thấy cơ man hoa hồng, hoa thươc dược, tuy-líp, lay-ơn để, cuối cùng dừng chân lại bên rừng hoa đào hoa mận bạt ngàn; tuyệt nhiên không nghe nhắc tới loài hoa nào khác. Đem thắc mắc hỏi Mây, cô cười thật xinh bên hai chiếc răng vàng bắt nắng sáng lấp lánh, khiến tôi mỗi lần nhìn thấy phải phát ghen lên với mấy tay thợ Trung Quốc, cô cho biết : tuy cùng ở vùng Tây Bắc tổ quốc nhưng người H’ Mông ở Lào Cai hay Hà Giang chỉ trồng hoa đào hoa mận. Còn muốn khám phá mùa hoa Ban, phải chờ cho đến tháng ba đi qua Sơn La - Điện Biện, ở đó tha hồ ngắm mùa hoa trắng ngần nở khắp trên đỉnh núi, ở lưng chừng đồi hay bên những vách đá dựng đứng.

 

Hoa ban. Có thật, có một mùa hoa ban trên vùng Tây Bắc, tôi chưa hề biết đến? Nhất định, tôi tự nhủ mình sẽ lên đó một lần, nhìn tận mắt mùa hoa ban này mới được. Tiếc thay, thời gian chưa đến tháng ba, nếu trở về Sàigòn lúc này e chẳng bỏ công sau chuyến đi dài ngày, trong khi tôi đang có mặt ở Hà Nội. Nghĩ vậy, tôi a-lô về Nam Định rủ mấy anh chị bên gia đình bác Tiển, lấy xe ô-tô đi thăm đền phủ Dầy- Vân Cát, thưởng thức ba mươi sáu giá đồng cùng với các nghệ sĩ hát văn, sau đó xuôi về bến Đục, đi thuyền trên suối Yến, lên động Hương Tích đọc bài thơ chữ nôm do Chu Mạnh Trinh đề trên vách đá.

Đi chơi hết một vòng quê hương, đến khi quay về Hà Nội, tôi vẫn còn thừa thời gian để ghé lên Tây Bắc xem mùa hoa ban nở. Trong lúc đang do dự chưa biết đi bằng phương tiện gì, may sao có người mang xe máy kèm theo bản đồ đến cho tôi thuê xe. Không phải chần chờ gì nữa, tôi xuôi đường Thăng Long ra Xuân Mai, qua Lương Sơn, lên Hòa Bình thả hồn trong khung cảnh thiên nhiên mướt xanh từ hai bên đường dẩn lên miền sơn cước. Con đường đi qua khiến tôi không khỏi bồi hồi nhớ tới những câu thơ “  Sông Mã xa rồi tây tiến ơi!/ Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi/ Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi/ Mường Lát hoa về trong đêm hơi/ Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm/ Heo hút cồn mây súng ngửi trời/ Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống “(*)

 

Vượt qua chặng đường heo hút cồn mây với rừng núi chơi vơi, với dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm, với ngàn thước lên cao ngàn thước xuống; chẳng mấy chốc tôi đã chạy xe lên tới Hòa Bình. Thay vì chạy vòng tới hồ thủy điện ngắm cảnh hùng vĩ sông Đà, tôi lái xe thẳng tuột tới dốc Cun. Mới đầu, nhìn con dốc tôi tưởng bình thường như bao con dốc tôi từng đi qua, nhưng khi đặt chân lên con đường uốn lượn ngoằn ngoèo, tôi có cảm giác như đang trôi bồng bềnh trong mây hoặc chìm sâu dưới nhiều đoạn cua gấp khúc. Ở đó, một bên vách đá cheo leo, một bên vực sâu trắng xóa một mùa hoa lạ lẫm đang nở trắng trời trắng đất. Xứ sở hoa ban đây rồi? Loài hoa đẹp tựa những bông tuyết bám trên đỉnh Phăn-Xi-Păng vào những hôm nhiệt độ xuống dưới không độ. Hoa trắng trước mặt, hoa trắng sau lưng, hoa trắng trên đầu, hoa trắng dưới chân, hoa trắng đuổi theo tôi chạy miết tới con đường mới  bạt núi, nhằm làm giảm độ cao nguy hiểm. Bất ngờ, từ một bên vách núi còn lởm chởm đá,  mấy chị em phụ nữ đầu chít khăn len (**), mặc áo “xửa cóm” bỏ trong váy ống đen, ngồi bên những chiếc bàn làm từ vỏ cây rừng, buôn bán hàng quà đặc trưng: cơm lam, mía lùi, ngô luộc, rau rừng ngay trên đỉnh đèo Thung khe. Đứng trước hình ảnh khá ấn tượng giữa môt bên là các phụ nữ người Thái trắng, một bên là cảnh vật thiên nhiên trắng xóa màu hoa ban, buột tôi không thể nhắm mắt làm ngơ, dừng xe chụp vội mấy bức hình về hoa ban, đồng thời thưởng thức những món ăn đặc sản “ năm thì mười thuở “ mới gặp, để lấy sức đi tiếp lên đèo Thung Nhuối. Ngọn đèo cuối cùng trong số những ngọn đèo nguy hiểm nằm trên cung đường dài mười hai cây số. Và, khi đã đứng trên đỉnh đèo cuối cùng này, nhìn xuống thung lũng bạt ngàn màu hoa trắng muốt nở đầy bên dưới ruộng đồng, bên mươi nếp nhà sàn mái đỏ xinh xinh ẩn hiện bên các bản làng người Mường người Thái, toát lên vẻ đẹp thanh bình mà tôi chưa biết nơi đây là đâu? Kịp khi quay nhìn, tôi nhận ra đám người gồm đàn ông mặc áo cánh màu chàm có hai túi dưới, cổ tròn xẻ trước ngực cài những chiếc nút làm bằng vải hoặc làm từ xương, tay dắt ngựa hoặc cặp nách gia súc mới mua, đi lẫn vào đám phụ nữ mặc áo cổ xẻ chữ V, đính hàng nút bạc hình những con vật có cánh chạy dài từ cổ xuống tới cạp váy màu mạ non trông thật gợi cảm. Họ đi lẫn vào nhau nói cười vui vẻ, sau buổi tan chợ trở về thôn bản. Hỏi thăm, mới hay thung lũng đang nở tràn một mùa hoa ban bên dưới là “ Mai Châu mùa em thêm nếp xôi”. (***). Nơi hàng năm có tục lệ mở hội xên Bản, xên Mường vào dịp hoa ban nở nên có tên gọi “ hội hoa ban “. Hội hoa ban tổ chức với qui mô lớn nhỏ tùy thuộc vào điều kiện thời tiết có liên quan tới sự được mùa hay mất mùa trong năm. Là cơ hội dành cho thanh niên nam nữ thi tài, vui chơi, tìm hiểu tâm tình của nhau. Từ sáng sớm tinh mơ của ngày hội, tiếng trống, tiếng chiêng âm vang khắp núi rừng. Các bếp lửa trong các ngôi nhà sàn bập bùng lửa đỏ đồ xôi, luộc gà, thái măng, mổ lợn bày cổ. Rượu cần từng vò lớn được mang ra đãi khách. Riêng đám thanh niên nam nữ áo  váy chỉnh tề, gọi nhau đi đến những cánh rừng có nhiều hoa ban nở nhất. Ở đó họ chọn ra những cánh hoa đẹp nhất tặng người yêu để tượng trưng cho sự chung thủy và một ít mang về nhà biếu bố mẹ để chứng tỏ lòng hiếu thảo cùng sự biết ơn.   

 

Do háo hức muốn khám phá ngay một mùa hoa ban, tôi hỏi thăm đường rẻ xuống thung lũng Mai Châu. Con đường dẩn vào huyện lị thơ mộng chẳng kém bao con đường phố núi tôi từng đặt chân đến. Con đường chạy suốt chiều dài huyện lỵ với một bên núi đá chấp chùng, một bên là những cánh đồng xanh mởn lúa non. Để chiêm ngưỡng tận mắt màu hoa ban giữa núi rừng Tây Bắc, tôi nhờ cô gái người Thái con chủ nhà trọ bản Lát, hướng dẩn đi chơi núi. Trên đường đi, cô vui vẻ cho biết hoa ban có nhiều loại : hoa ban đỏ, hoa ban tím; đặc biệt vào tháng ba trên đường từ Hòa Bình đi Lai Châu, Sơn La, đặt chân đến bất cứ nơi nào trên miền sơn cước này, người ta cũng đều bắt gặp màu trắng hoa ban báo hiệu mùa nương rẫy,hội hè, đình đám. Và, lần đầu tiên trong cơn gió nhẹ thoảng đưa đến bên cánh mũi, tôi biết thế nào là thứ hương thơm khó phân biệt được với mùi cỏ cây, hoa lá mọc ven đường. Tôi giữ chặt những chiếc hoa ban do cô gái trao cho. Hoa ban. Từ khi mới còn là nụ, cho đến lúc mọc dài thành búp mãn khai, hoa trông chẳng khác gì ngón tay búp măng nơi cô gái trẻ. Đến khi trưởng thành, hoa mọc ra năm cánh hoặc đôi khi chỉ còn bốn, riêng một cánh để ý thấy nổi lên chùm tia màu hồng đỏ ở về phía cuối cuốn; thoạt trông cứ  tưởng đó là những mạch máu nhỏ li ti. Chỉ cần một cơn gió nhẹ thoảng qua cũng đủ làm cho những chiếc tua mang đầy nhụy hoa, khẻ lay động theo điệu luân vũ của gió, làm nổi bật hai chiếc lá xanh tượng hình nửa trái tim của nàng Ban và chàng Khun ghép thành đôi qua câu hát: “ Nàng Ban xinh đẹp/ Yêu chàng trai Khun/ Tình duyên không thành/ Chết hóa thành Ban “ .

 

Theo truyền thuyết của dân tộc Thái: “ ngày xửa ngày xưa có chàng trai Khun, giỏi nghề nương rẩy lại có tài săn bắn đã, đem lòng yêu cô gái tên Ban xinh đẹp hát hay dệt  giỏi. Thế nhưng, vì ham giàu cha Ban đem gả cô cho con trai nhà tạo Mường, vốn là một thanh niên lười biếng lại có tật gù lưng. Mặc cho cô van xin hết lời nhưng cha cô quyết không từ bỏ ý định. Ông bàn với nhà tạo Mường sữa sọan lễ cưới sớm cho hai người.Trong bước đường cùng, nàng Ban đã chạy sang bản núi tìm tới nhà chàng Khun để cầu cứu. Đến nơi, nàng nghe tin chàng đã đi mua trâu ở những bản làng thật xa. Để làm tin nàng lấy chiếc khăn Piêu đội đầu, buộc vào tay cầu thang nhà rồi bươn bả ra đi tìm chàng. Nàng đi hết ngọn núi này đến ngọn núi khác, ngày này qua ngày khác, cuối cùng vì quá đau khổ, mệt mỏi nàng đã gục chết trước một cửa hang nơi lưng chừng núi. Thương tình, dân làng xúm nhau đắp đất lo cho nàng có được nấm mộ giữa rừng. Trong khi đó Khun cũng vừa đi mua bán về đến nhà. Chàng bất ngờ nhìn thấy chiếc khăn của Ban vắt trên cầu thang,chàng biết ngay đã xảy ra chuyện chẳng lành cho nàng nên vội đi tìm. Dò hỏi khắp nơi, Khun biết nàng đã bỏ nhà ra đi tìm chàng ở tận trong rừng sâu núi thẳm. Chàng vội băng rừng, vượt suối, trèo hết núi này sang núi kia vẫn tìm không thấy nàng. Cuối cùng do kiệt sức, chàng ngã xuống trên một mô đất ở trước cửa hang. Ngay lúc đó, mặt đất bỗng dưng lay động phủ kín lấy người chàng. Sau này, từ trên ngôi mộ thấy mọc lên một cái cây có những chiếc lá xanh thẩm mang hình hai nữa trái tim ghép lại. Và, đến mùa đông lạnh giá cây trút hết lá, dệt thành tấm thảm che kín lấy ngôi mộ, đợi đến tháng ba trổ lộc non và cho ra những chiếc hoa trắng như làn da nàng Ban. Người dân vùng Tây Bắc cảm thương cho mối tình chung thủy của hai người, bèn lấy tên nàng Ban đặt cho loài hoa này.Từ đó,ngoài vẻ đẹp thuần khiết ra hoa ban còn có vai trò quan trọng trong đời sống vật chất, tinh thần người Thái. Cho nên mỗi khi đi rừng thấy hoa ban là biết sắp đến bản làng của họ với những nếp nhà sàn xinh xinh quyện lấy làn khói bếp, bốc lên hương vị thơm lừng của món hoa ban đồ chõ xôi.

 

Sau buổi đi ngắm hoa ban trở về, tôi được chủ nhà hiếu khách mời ăn bữa cơm tối. Ngồi trên sàn nhà lót bằng tre nứa, trải chiếu hoa, bên cạnh bếp lửa ấm cúng; uống rượu cần được ủ những lúa nếp, lá hính ho,gừng cùng với ngực mèo ngon tuyệt vời. Đặc biệt các món ăn được thể hiện đầy bản sắc văn hóa ẩm thực của người Thái qua việc sử dụng lá non hay hoa ban nấu các món ăn như: Hoa ban xào thịt lợn rừng. Hoa ban nộm củ riềng. Hoa ban hầm thịt chân giò. Hoa ban đồ chõ xôi. Hoặc lá hoa ban non đồ chấm chéo cá. . . ăn nhớ đời.

 

Sáng ra, tôi chào tạm biệt những ngôi nhà sàn, những hàng cây cọ, những thửa ruộng lúa non đẹp như bức tranh đặc tả về Mai Châu xuôi đường quốc lộ sáu đi lên Sơn La bên cái nắng hanh vàng vắt hờ hững bên sườn đồi, bên lưng chừng vách núi cùng với màu trắng hoa ban đang nở trắng trời trắng đất, chạy đuổi theo ngay sau lưng.

 

Tự dưng, tôi cảm thấy mất đi sự hào hứng ban đầu, cho dù cảnh quan thiên nhiên ở Sơn La nghe nói xinh đẹp, thơ mộng không thua gì Đà Lạt phương Nam với hai cao nguyên Mộc Châu, Nà Sản nổi tiếng cùng cây trà cây cà phê và chăn nuôi bò sữa.

 

Vì sao ư. Có lẽ do tôi đã khám phá đầy đủ về một mùa hoa ban nở trắng ngần trên vùng trời Tây Bắc ?     

 

(*)(***) Tây Tiến ( trong tập thơ Mây Đầu ô của Quang Dũng

(**) Để phân biệt với phụ nữ Thái đen đầu đội khăn Piêu

Minh Nguyễn
Số lần đọc: 3298
Ngày đăng: 23.07.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Lan Man Chuyện Qua Tàu... - Hà Thúc Sinh
1 Ngày Của Hắn - Phạm Ngọc Ánh
Nhạc Sĩ Trương Thìn & Dạ Khúc Trăng Thơm… - Mang Viên Long
Một buổi sớm bình minh trên biển vắng. - Klanvy
Chàng thi sĩ viết văn - Lữ Kiều
May mà ta còn có em... và Sài gòn và Thủ Đức - Trần Hoài Thư
Trăng Hát - Khuất Đẩu
Em đi mau kẻo trễ chuyến phà đêm… - Đỗ Hồng Ngọc
Nghe Trương Thìn hát thơ … Bích Khê - Nguyễn Lê Thu An
Lời Gió Gọi - Âu thị Phục An