(Đọc Mùa lữ hành của Uông Thái Biểu, NXB Trẻ, 2010)
Uông Thái Biểu, một chàng trai xứ Nghệ sôi nổi và khoáng đạt. Những ngày đầu tiếp xúc, tôi thấy anh viết báo chuyên nghiệp và dè dặt chuyện văn chương. Đến khi tập thơ Gió đồng (NXB Trẻ, 2001) ra đời, mới cảm nhận được trong từng câu chữ của thi sỹ họ Uông có ngọn gió ngầm thổi dào dạt, phiêu du qua từng ngóc ngách tâm hồn về thân phận con người, về cuộc đời. Những tưởng, sau Gió đồng, Biểu sẽ hà hơi thở tiếp theo cho thơ và tiếp tục với những thi phẩm mới. Nhưng không, Uông Thái Biểu đã dừng lại. Dừng lại mà lan tỏa. Và niềm xung động từ ngòi bút đến nhân cách Uông Thái Biểu, đã có chỗ đứng yêu quý trong lòng bạn cầm bút và công chúng mọi miền…
Một nhà thơ, một nhà báo trong Uông Thái Biểu, bên nào cũng sâu sắc, cũng tạo được dấu ấn riêng. Nhưng quan trọng hơn cả là anh đã biết vượt lên trên chính mình, vượt lên bằng chính tác phẩm. Biểu đi nhiều, đọc rộng và viết sâu. Nhờ vậy, làm thơ và làm báo với anh, tuy song hành, nhưng không lẫn vào nhau mà tương hỗ cho nhau. Đầu năm 2011, Mùa lữ hành (tập ghi chép - đối thoại - nhân vật) của Uông Thái Biểu ra mắt bạn đọc. Tập sách chỉ quy tụ một số bài viết về đề tài văn hóa, nghệ thuật. Đó là những bài viết sắc sảo, đầy ấn tượng của Biểu với tư cách là một nhà báo về văn hóa các vùng miền, nơi anh từng đi qua và để lại nhiều thương nhớ, nhiều ấn tượng khó quên trong hành trình khám phá, suy nghiệm.
Cuốn sách cuốn hút ngay từ những bài viết mở đầu. Uông Thái Biểu đưa người đọc vào thế giới ca trù, nơi Uy Viễn Tướng Công từng xướng đôi dòng “thuyền quyên ứ hự…” Với cách xây dựng mạch văn độc đáo, lối viết sắc sảo, ngôn ngữ hào hoa, Biểu đã tôn vinh những nghệ nhân dân gian nuôi dưỡng ngọn lửa ca trù, bồi đắp dòng chảy di sản trong kho tàng văn hóa phi vật thể Việt. Anh viết: “Trong lam lũ bần hàn, câu hát không lấm bùn, vẫn trọn vẻ sang trọng, quí phái, dù thân phận người đàn, người hát từng trải bao tủi hờn, cơ cực…” Gĩa biệt những kép đàn, đào nương làng Cổ Đạm, đất Nghi Xuân địa linh nhân kiệt, Biểu dắt chúng ta về Kinh Bắc. Bên dòng sông Cầu thao thiết, nghe quan họ chảy từ trong máu mình. Rồi cùng anh về đất Hà thành nghe xẩm; nghe kể về thân phận của những câu hát tháng năm dài luân lạc, giờ lại được tái sinh và làm đẹp hơn non nước đất Kinh kỳ. Không dừng lại ở “những câu hát có nguy cơ bị lãng quên”, Uông Thái Biểu làm người dẫn đường, đưa người đọc khám phá nhiều vùng miền văn hóa. Những trang viết như thả hồn hoài niệm trong không gian một phiên chợ quê, một cảnh núi sông cẩm tú, một câu chuyên lạ trên đường và những di tích, danh thắng, những đền đài, miếu mạo, những di sản quý giá của dân tộc theo dòng chảy lịch sử mà trong đó không ít sự xâm thực, sự bào mòn bởi thời gian. Với giọng văn thiết tha, trầm lắng, Uông Thái Biểu đã chinh phục được bạn đọc theo chân anh suốt cuộc hành trình trải nghiệm của chính mình. Kể cả những bước chân khám phá của người lữ hành qua mọi miền đất nước, cho đến ngày trở về chiêm nghiệm giữa phố xá Đà Lạt nơi anh có hai mươi năm lập nghiệp, lập thân như một tiền định. Ở nơi đó, một góc quán cà phê khiêm nhường, một nẻo đường vắng, một buổi sáng cuối Đông lặng lẽ ngắm màu hoa phượng tím thao thiết nở…cũng vào trang viết của Biểu và khuấy lên trong lòng anh và lan tỏa tới người đọc nhiều nỗi niềm. Khi phản ánh và suy ngẫm về vùng đất Tây Nguyên, nơi anh đang sống và viết, ngòi bút của Uông Thái Biểu không lẫn với ai khác. Ngược lại, những bài viết của Biểu về không gian văn hóa độc đáo, hùng vĩ này đã hằn lên đất bazan một vết dao khắc riêng, khẳng định vị trí của một người con được già làng buộc chỉ cổ tay. Ví như: “Hãy trả sử thi về cho nhân dân”, một bài viết lập luận chắc chắn, dẫn chứng phong phú và đặt ra nhiều vấn đề đáng báo động. Hãy trả sử thi về cho nhận dân, về đúng với không gian tâm linh, không gian núi rừng, bên bếp lửa nhà sàn. Đừng sân khấu hóa, “đừng nhìn văn hóa truyền thống bắng con mắt thị trường, mà phải hiểu rằng trên vai là gánh nặng.” Vâng, gánh nặng của một người tâm huyết với Tây Nguyên, là ý thức, là tình yêu rộng lớn, là “lo lắng khi không gian huyền thoại ấy hình như đang bị mai một và mờ nhạt dần” (Như chim phí bay về cội nguồn). Tôi rất thích bài tùy bút “Mùa lữ hành” của Biểu, bài viết đã khắc họa thành công tâm thức đi của người Tây Nguyên. Hãy đọc những dòng Biểu viết: “Mùa gió, mùa đi. Những chuyến lữ hành không hẹn trước. Nhưng những người bạn núi của tôi đang đi trong tâm thức trở về.” Một bài viết bay bổng và đầy chất thơ như vậy đã khiến Tây Nguyên đẹp và lãng mạn hơn. Thật ra tìm được cái “vía” của mùa, Uông Thái Biểu đã làm bật lên cái quán tính di truyền trong máu của người Tây Nguyên là “đi”. Vừa hoang dã, vừa tha thiết, vừa đa tình vừa bạo liệt. Biểu đã phát hiện ra, “gùi trên lưng và giáo cầm tay” như nhận xét của Dam Bo là họ cần đi, tức cần lữ hành như đời sống cần gạo muối vậy. Ôi, khi họ đi là trở về đã trở thành câu thơ vô giới tuyến trong những dòng ghi chép của Uông Thái Biểu. Trong không gian đó, những cư dân bản địa ngàn đời nơi núi đỏ, rừng xanh đã thật sự là “những hiền nhân của rừng”…
Ở phần hai của cuốn sách, một lần nữa Uông Thái Biểu cho ta thấy một cây bút tài hoa, sắc sảo trong những cuộc trò chuyện thú vị. Từ các nhà sử học nổi tiếng như Dương Trung Quốc, Hà Thúc Minh đến các nhà nghiên cứu văn hóa như Tô Ngọc Thanh, Phan Đăng Nhật, Inrasara rồi kiến trúc sư tài danh Ngô Viết Thụ, đạo diễn Đặng Nhật Minh, nhạc sỹ Tô Vũ và rất nhiều các nhà nghiên cứu, các văn nghệ sỹ tên tuổi khác. Là những bài phỏng vấn, đối thoại, nhưng với lối viết có chủ kiến rõ ràng, Uông Thái Biểu đã khẳng định là một nhà báo có trách nhiệm với lịch sử và văn hóa dân tộc. Anh có duyên đặt câu hỏi đúng địa chỉ, và người được hỏi cảm thấy sáng tạo qua việc trả lời các câu hỏi của anh. Để có được sự tự tin trong việc gợi ý và tranh luận, Biểu đã thể hiện rõ nét sự trải nghiệm, nghiên cứu, tìm tòi nghiêm túc trong nhiều lĩnh vực. Phía sau những bài viết là một Uông Thái Biểu với phong thái lịch lãm trong từng câu chữ.
Tuy nhiên, với nhận định của cá nhân tôi, Uông Thái Biểu vẫn thể hiện mình rõ hơn trong những bài bút ký, tùy bút, ghi chép. Là một nhà báo đi nhiều, viết chắc, viết khỏe và sâu, tôi tin anh sẽ có nhiều hơn những bài viết sinh động, sáng tạo và chân thực, những trang viết với kiến giải rõ ràng và nặng lòng với quê hương, đất nước./.