Nếu lại lấy tháng 4 năm 1975 làm mốc thời gian, hai ba thập niên đang qua đã cho nhiều người Việt cái diễm phúc(!) thấy hết "nhãn tiền" trong một phần đời tương đối ngắn đó những "họa phúc, nhân quả, thắng thua, mất còn, quốc gia, cộng sản, thiên đàng, địa ngục,..." liên tục thay đổi định nghĩa và nội dung! "Bể dâu, bến lở, sông bồi" trong văn chương Việt Nam cũng đã xảy ra!
Thời chiến tranh trước 1975, thanh niên sinh viên sống ở đô thị theo dõi và chịu ảnh hưởng không thể tránh của báo chí và văn chương dấn thân, của ca nhạc phản chiến và của cả những biến cố và phong trào ở nước ngoài như Hippies, sinh viên Paris nổi dậy năm 1968, phản chiến Mỹ, v.v. Trong bầu không khí vừa "căng thẳng" vừa "oi bức" và "ẩm thấp" đó, truyện thơ của những Dương Nghiễm Mậu, Thế Uyên, ... đã có một ý nghĩa nào đó đối với tuổi trẻ. Miền Trung của đất nước, nơi xuất phát của nhiều nhà cách mạng cũng như nơi bộc phát những nổi loạn và phản kháng, đã có những cây bút trẻ rất nhập cuộc của những Phan Nhật Nam, Luân Hoán, Vũ Hữu Định, Sương Biên Thùy, Trần Hoài Thư, Nguyễn Nho Sa Mạc, Ngụy Ngữ, Mường Mán, Kinh Dương Vương, ... với những tác phẩm xuất hiện trên Bách Khoa, Đối Diện, Văn Học, Văn, Đất Nước, Vấn Đề, Ý Thức, Chính Văn, Thời Tập, Tân Văn,... hoặc trên một số tạp chí "văn nghệ đen" "đứng bên lề" như Hành Trình, Trình Bày,... Một thiểu số người làm văn nghệ có thể hăng say thiên một phía thành mù quáng hoặc quá lý tưởng bị lợi dụng, nhưng cái cần nói đến là thái độ lựa chọn của họ.
Rồi hơn hai thập niên, tị nạn và lưu vong, cứ tưởng phần văn học đó đã bị chôn vào quá vãng cùng với cuộc chiến, cũng như bao nhiêu thứ quý giá khác bị chôn vùi. Nhưng không, thế giới xoay vần rất nhanh và phúc họa vẫn vô lường. Những Kinh Dương Vương, Trần Doãn Nho, Sương Biên Thùy (Lê Mai Lĩnh), Phan Nhật Nam, ... tưởng đã bị định mệnh "chôn vùi" đâu đó trên phần đất chữ S điêu tàn đã tái xuất trên văn đàn hải ngoại, một hai thập niên sau đợt "thuyền nhân" của những Nguyễn Mộng Giác, Trần Hoài Thư, Luân Hoán, Thái Tú Hạp,... Kẻ thua trận hoặc đứng "lầm" phía đã bị trả thù tận tình, nhưng luật nhân quả - nay còn được gọi là luật kinh tế - khiến kẻ chiến thắng phải quỳ gối trước sức mạnh vạn năng của đô la kẻ thù và đẻ ra chương trình H.O.. Cũng nhờ vậy mà chúng ta lại được đọc những tác phẩm đầy sinh khí của nhiều cây viết cũ nói trên, trong số ấy có Hồ Minh Dũng! Hơn bốn năm, với sức phấn đấu trong vô vàn nghịch cảnh ở xứ người, Hồ Minh Dũng đã thường xuyên có mặt trên nhiều tạp chí văn học và đã xuất bản ba tập truyện: Hoa Vạn Hạt, Cuối Mùa (Đại Nam, 1996), Câu Nam Ai, Thất Lạc (Văn Mới, 1997) và mới đây, Một Mình Em, Đến Giữa Đời (Văn Mới, 1998).
Ở ngoài nước, lần đầu chúng tôi đọc lại Hồ Minh Dũng là những truyện đăng trên Hợp Lưu và Văn Học; chúng tôi đã nghi ngờ trí nhớ của mình. Trước 1975, những truyện ngắn của Hồ Minh Dũng sôi sục nhiệt huyết của những người trai trẻ sống trong chiến tranh loạn lạc không lối thoát. Họ dấn thân, đi lính, xông pha ngoài trận tiền, nếu bị địch bắt, thì mổ bụng tự sát (Vết Cuồng Lưu, Văn số 136, 15-8-1969). Hoặc làm nghề chuyên môn như dạy học, y tá... Nhưng người đọc nhìn thấy họ luôn đơn côi và đối đầu với những bế tắc của thân phận con người và chiến tranh. Lâm, hiệu trưởng một ngôi trường trên Cao Nguyên buồn bã, yêu Thục. Riêng Thục, đây là mối tình đầu đời nhưng nàng cho mà không là dâng hiến và tận hưởng hạnh phúc, nàng xem như "không có gì đáng quan tâm, như một ngọn nến bị cơn gió thổi phụt tắt đi, giữa biên giới của hai trạng thái mất, còn đó phải có một ngọn khói lơ lửng, vật vờ, khó biến tan nổi" (Giọt Nước Trôi Sông, Văn số 210, 15-9-1972). Và với bút hiệu Hồ Nghi Triều, ông đã để thêm nhiều ấn tượng về một mùa Xuân Mậu Thân (1968) bi thảm nơi người đọc trẻ thời bấy giờ với những truyện ngắn như Ngôi Nhà Trên Thượng Thành, Thi Hài Số... trên Bách Khoa. Trước 1975, ông làm thơ cũng nhiều, có bài nổi tiếng như Bài Kinh Chiều Của Mẹ đăng trên tạp chí Văn giữa năm 1964, lúc bối cảnh xã hội lọan ly đang cần những lời nguyện cầu.
Truyện và thơ Hồ Minh Dũng xuất hiện trên văn đàn hải ngoại từ khi ông sang Nam California theo chương trình H.O., nói chung, có tính cách điển hình, độc đáo. Xưa và nay, thực tại và dĩ vãng, mỗi tác phẩm hoặc tác giả lệ thuộc thời đại hoặc giai đoạn lịch sử mà họ sống. Trước 1975, Hồ Minh Dũng viết "không bằng" sau 1993, vậy cái gì đã khiến cho tác phẩm của ông "khác" và "hay" hơn vậy?
Trước hết có thể thấy Hồ Minh Dũng sau 1993 độc đáo và điển hình hơn do tích lũy kinh nghiệm sống dồi dào hơn và sau những biến động lịch sử mà ông cũng đã phải nhận hậu quả chung; nhân vật, câu chuyện và cả bối cảnh đều cô đọng, mới và độc đáo, người và vật sinh động và có "hồn" hơn ! Cái sôi sục, nhiệt thành vẫn còn đó nhưng chín hơn, có khi bi phẫn hơn. Đọc Hồ Minh Dũng thấy rõ nghệ thuật là một cách nhìn, là cái "thấy" của một tác giả, bằng trực giác, bằng quan sát và kinh qua. Kết quả của một suy niệm đã chín hay vẫn ở giai đoạn khai phá, tìm tòi. Kết truyện có thể đã là đoạn cuối của một cuộc đời, dở dang hay trọn vẹn, cũng có thể là một đối chiếu, một nghĩ lại, nhưng cũng có thể vẫn là một "thất lạc" hay kiếm tìm chưa xong. Cũng có thể là một hối hận hay một hy vọng hoặc một viễn tượng thử đưa ra. Với Hồ Minh Dũng, nghệ thuật là cái cớ để người nghệ sĩ trình với đời cảm xúc và trực quan của mình. Và ở vào một hoàn cảnh, không thể không viết ra!
Chúng tôi tạm tập trung các truyện ngắn trong ba tập truyện của Hồ Minh Dũng đã xuất bản, vào bốn đề tài chính: chuyện đời xưa, chuyện Huế, chuyện chiến tranh, tù đày và chuyện đời sống mới H.O. ở xứ người.
1. Chuyện xưa
Hồ Minh Dũng viết chuyện người và đời xưa có vẻ khác những nhà văn cùng thời với ông. Hình như ông không dùng ẩn dụ để nói lên một thông điệp chính trị, văn hóa như Nguyễn Huy Thiệp. Ông cũng không dùng chuyện xưa như một thể loại sáng tác hoặc có tính cách ngụ ngôn như Trần Long Hồ, Trần Vũ, mà ông yêu cái tinh hoa vốn tiềm ẩn trong chuyện xưa tích cũ và muốn viết lại với cái nhìn và hiểu biết của mình. Ông lại tỏ ra sành sõi điển tích, khiến lời văn có được không khí cổ xưa và địa phương thích hợp. Dù vậy, các chuyện xưa của Hồ Minh Dũng cũng có dấu ấn của hôm nay, của thực tại, của tâm tình tác giả hoặc của những người sống đồng thời chung quanh ta. Chúng tôi nghĩ cuộc tang thương dâu bể nặng nề sau 1975 đã đưa ông đến với thể loại này! Hồ Minh Dũng đến nay thường viết về hai đề tài: chuyện cung cấm lạ đời ở Cố Đô Huế và chuyện vua chúa thăng trầm ở đất Thăng-Long. Xuất sắc là những chuyện vua chúa rối rắm nhà Nguyễn, có thể vì tác giả có điều kiện hơn với tài quan sát và nghiên cứu kỹ lưỡng hơn ở một nơi chốn mà mình đã tận tình sống nhiều tháng năm dài.
Chỉ riêng truyện Hoa Vạn Hạt, Cuối Mùa đã đưa người đọc trở lại với thế giới cung cấm đầy lạ lùng của vua Minh Mạng, vị vua nổi tiếng "biết" hưởng lạc thú cũng như biết ổn định xã tắc. Ngòi bút tài hoa của tác giả gợi cảnh mà không sa đà cũng đủ để người đọc "thấy" lối hoan lạc đặc thù của vua, "hoan lạc trong đau thương ngang trái", với Hoàng Hoa, tân giai phi, hoa-vạn-hạt-đầu-mùa đầy bí ẩn và trớ trêu.
Đất Thăng Long, nơi bao đời lịch sử thăng trầm xuất hiện những nhân vật lặn lờ không mệt mỏi quanh bãi vinh hoa đã được tái tạo dưới ngòi bút của Hồ Minh Dũng một cách cặn kẽ làm cho người đọc nghiền ngẫm thêm cuộc nhân tình thế thái thời nào cũng có. Riêng chuyện Thị Lộ ông đã vẽ lên cho người đọc chân dung của một người thiếp yêu của công thần Nguyễn Trãi đời nhà Lê; một Thị Lộ nõn nà, đa cảm, thích cái đẹp của thơ văn. Và một Nguyễn Trãi cũng rất con người, biết yêu mùi hương đàn bà cũng như đã yêu mùi hương thiên nhiên của rừng núi Côn-Sơn. Hoa cói nơi chốn bùn lầy đã đưa hai kẻ yêu đến tuyệt đỉnh tình thì hoa thiên lý vương giả chóng tàn sẽ kết thúc chuyện tình đẹp thời phong kiến ấy.
2. Chuyện xứ Huế
Hồ Minh Dũng còn điển hình hơn khi ông viết về Huế, sinh quán của ông, nơi ông đã sống một thời với những cảm xúc thăm thẳm đầu đời. Viết về Huế, lúc ở xa, đối với ông, như một cứu vãn tình thế: "Trong bước phiêu lưu dạt trôi cùng trời cuối đất, mới thấy rằng, không nhớ Huế, không có Huế trong trí tưởng thì chúng tôi chẳng thể nào viết được... " như ông đã viết lời Tựa cho tập truyện Vầng Trăng Nội Thành (1998) của Hồ Đình Nghiêm. Và cả lời thơ ông, tình sâu sông núi ấy không ngừng đeo đẵng:
“ ... Nợ sông, mấy nhánh, qua cồn cát
Thân ta tôm đất có gì vui
Xa rong, mới biết bùn chua ngọt
Đời trôi xuôi, mình bò giật lùi.
Và :
“Lọng người che đồi hoang kín mít
Co ro mình ta vạch lá nhìn trời
Vầng trăng ngày ấy, lời thề ấy
Trấn nước với ta, đuối giữa đìa người".
Nếu Huế của Túy Hồng, Nguyễn Thị Hoàng, Hoàng Xuân Sơn, Trần Doãn Nho, Hồ Đình Nghiêm, v.v. là Huế thị tứ và hiện đại, xô bồ, thì Huế của Hồ Minh Dũng là Tám cửa thành một mình em đứng đợi, là của cô gái mồ côi Tịnh Quyên từng buổi chiều nhìn phong rêu tàn úa trên những bậc tam cấp lên thượng thành. Của những hàng mù u tả tơi ở đền Xã Tắc hay từng giọt nắng vàng rơi xuống trên một dòng sông âm vang lời nguyền.
Đọc truyện Hồ Minh Dũng viết về Huế, ta yêu thích thêm cái xứ sở đầy huyền thoại ấy, ta sửng sốt biết bao điều trong thế giới quyến rủ tuyệt vời ấy. Trong mất mát đau thương mù mịt của trần thế, nhà văn đã dẫn ta lên một nơi quang đãng để nhìn thấy. Và ai cũng cảm nhận rằng, chỉ có tình yêu ở lại. Tình yêu thật cần thiết cho con người và cả vạn vật bên ngoài !
Nhan sắc người con gái Huế xưa nay được ca ngợi. Vẽ đẹp đó ra sao? Đẹp như hai chị em Thiều Dung và Thiều Hoa trong Câu Nam Ai Thất Lạc chăng? "Thiều Hoa có đôi mắt nhìn vào ai thì người đó phải bồn chồn, lo lắng. Các chàng thanh niên chỉ nhìn đôi mắt ấy một lần thì về nhà trùm chăn mà mộng tưởng tới, có khi cả mấy ngày không cần ăn. Còn Thiều Dung thì có mái tóc khác đời, nếu nàng đi một mình trên vệ cỏ ven sông Hương thì mây phủ trên dòng sông đó kéo đổ dồn về phía tóc nàng". "Tóc nàng nhiều quá, mượt, từng sợi óng ánh. Gió thổi tóc nàng, tức là gió làm cho lòng người lay động, cuốn theo". Hồ Minh Dũng nghĩ "một người đàn bà đẹp, tự nó đứng lên trên tất cả cái tầm thường khuôn thước" (MME,ĐGĐ). Vì "nếu con gái Huế đẹp, thì vẻ đẹp đó kỳ diệu, chạm khắc những đường nét cổ điển, hài hòa, tinh vi nhưng vững vàng, không nhất thời mây bay gió thoảng" (Tà Huy). Nhan sắc của con gái Huế, qua ngòi bút của Hồ Minh Dũng, "lạ đời" hơn, "trù phú" và cả "thăng hoa" hơn những trang văn chương khác đã được viết ra. Vì tình dù vốn ích kỷ nhưng khi cần vẫn có thể chia xẻ, không luôn cả biên giới và giai cấp. Người con gái đó có thể là thiếu nữ người tình thôn Vĩ Dạ, như ông đã có lần thú: "Ta yêu em trong cuộc đời mấy thuở/ Vĩ Dạ ơi! Ta yêu người lúc nào? (Bài thơ do nhạc sĩ Nguyễn Tất Vịnh phổ nhạc, 1998).
Ở giai đoạn văn học Miền Nam trước 1975, nhà văn Túy Hồng đã vẽ chân dung người con gái Huế sôi nổi, đa tình, nặng bản năng, trong các tập truyện Thở Dài, Vết Thương Dậy Thì, Tôi Nhìn Tôi Trên Vách, v.v. Trước 1975, Hồ Minh Dũng cũng đã viết về con gái Huế với một số cá tính đặc biệt, nhưng từ khi ông trở lại văn đàn sau 1993, người con gái Huế mới thật sự... rõ nét, có lẽ quan sát và sự "hiểu biết" của ông đã "chín" hơn, rõ rệt hơn? Có thể nói tiêu biểu một cách đặc sắc cho tiếng nói và cung cách nói của con người xứ Thần-kinh về thơ đã có Sử Mặc Hoàng Xuân Sơn, và nay về văn có Hồ Minh Dũng!
3. Chuyện chiến tranh, "học tập"
Trong chương trình "Tác giả và tác phẩm" của đài VOA gần đây, nhà thơ Du Tử Lê đã nhận định: "Cuối thập niên 60, đầu thập niên 70, trên một số tạp chí xuất bản ở miền Nam Việt Nam, người đọc đã bày tỏ lòng yêu mến đặc biệt dành cho một cây bút trẻ thời đó: nhà văn Hồ Minh Dũng. Sau Thế Uyên, Y Uyên, có thể nói, Hồ Minh Dũng là một nhà văn phản ảnh thường trực chiến tranh trong sáng tác. Nếu kể cho những nhà văn ở đất Thần-Kinh thì Hồ Minh Dũng là người đầu tiên mang văn học vào chiến tranh".
Thật vậy, chiến tranh vừa qua với Hồ Minh Dũng là một cuộc chiến khắc nghiệt, tàn nhẫn, với người dân thường cũng như những người cầm súng chiến đấu. Chiến tranh đã làm mai một biết bao niềm vui vốn đã quá ít ỏi của phận người Việt Nam. Và hậu quả của nó sinh ra vô số câu chuyện thương tâm: một người nữ đảng viên vì mưu cầu hạnh phúc riêng, đã nhẫn tâm chở mẹ ruột mình bỏ dưới chân tượng Đức Mẹ trong sân một nhà thờ quạnh quẽ ở Saigon, để bà phải chết trong đêm đẫm sương khi đôi mắt còn ngoái ra đường trông bóng con trở lại. Người phụ nữ tên Ngọc này trước đó đã gặp lại người yêu cũ, lấy nhau, nhưng vì hậu quả của cuộc chiến đã tác động lên tình cảm của họ, tình yêu đã nhạt. Lân, nay làm chủ vườn đào, đã mê hoa hơn đàn bà. "Hoa có thể làm cho người đàn ông nghi ngờ về sự tuyệt hảo của thân xác đàn bà, bù vào đó hoa làm cho người đàn ông hồ nghi về những màu sắc nhất thời không vững bền". Còn người chồng sau, ông "giám đốc cơ sở" mà Ngọc lấy là vì "hoàn cảnh", thì lại ham muốn "con gái Bắc kỳ" từng đi xẻ dọc Trưòng Sơn nên da thịt có mùi rừng sâu, ghềnh thác hiểm hóc... (Một Lần Da Đến Thịt).
Người thua trận bị nhục, khổ và bị đày đọa. Do đó dù muốn dù không, họ đã phải sống và sống thực. Có thể trong tù có người thành công "trừu tượng hóa" thực tại, có người thành công tu nghiệm. Nhiều người lại lấy "sáng tác", mà thường là "sáng tác" trong tâm tưởng và trí nhớ vì họ không dại gì để lộ ra ngoài rước lấy họa vào thân. Thơ văn trở thành phương tiện giải thoát, để quên hoặc để "nín thở qua sông".
Trong Nước Mất, anh binh nhì Nguyễn Phúc Bảo Lâm, tự dẫn thân vào tù, bị cán bộ quản giáo chiếu cố tận tình chỉ vì họ bị "bệnh" nghi ngờ anh che dấu lý lịch. Nhưng sự khôn ngoan đáo để của anh đã khiến những người "bệnh" đó không còn thuốc chữa. "Trong lúc, Tổ Quốc lâm nguy, Dân Tộc hấp hối, phần lớn các vị lãnh đạo, chỉ huy chúng tôi đã đem vợ con và vàng bạc chuồn lẹ ra nước ngoài thoát thân. Thì người bạn binh nhì trẻ tuổi, lòng đầy nghĩa khí đã vào tù chia sẻ niềm đau chung trên dòng lịch sử bị bức tử, anh đã giúp chúng tôi (những người vai vế chỉ huy anh) nhận ra nhiều điều phải làm, phải nghĩ khi đem tấm thân - hồn kinh phách lạc - đứng ngơ ngáo giữa pháp trường đời và tinh vi đưa kẻ thù vào một đường hầm lòng vòng choáng ngợp ảo ảnh một thời gian dài...".
Bên Trời Hoa Chẩu Nở hay Lá Thư Về Trước Tết, là những chuyện khác Hồ Minh Dũng đã làm cho ta hình dung ra toàn bộ cảnh tù đày khốn cùng, tuy rằng khi viết về một đề tài dưới đáy sâu của bi kịch, ông vẫn sử dụng một lối hành văn nhẹ nhàng, điềm tĩnh hiếm có.
4. Chuyện H.O. và đời sống mới ở xứ người
Đây là những mảnh đời sống riêng của Hồ Minh Dũng, nên ông đã có những quan sát và tình ý đặc biệt không kém những đề tài vừa nói qua. Trong bài ký Khi Xa Cali, ông đã nêu nhiều nhận xét nhạy bén về đời sống mới phải tái tạo cuộc đời khi không còn lựa chọn. Ông đã nhìn thấy những con người "lạ lùng", "đi lộn đầu xuống đất", những tình người đổi dạng đến đáng sợ hãi! Thê thảm như cuộc đời tàn tật của Đào Tường (Bế Mạc) lúc đầu mới đến Mỹ bị hất hủi, bị đồng chủng xem là mối sỉ nhục lớn, dọa sẽ cột đá ném xuống biển, không cho trôi xác về cố hương. Đắng cay như ông Thuần (Mạt Lộ), một anh hùng ngoài trận mạc, nay sa cơ ở xứ ngườI phải ngồi gãi ngứa những vết kiến cắn trên da chân một người đàn bà chồng bỏ...
Người Ăn Mày Trên Phố Bolsa là cảnh đời buồn nhiều uẩn khúc của một người Việt, mà oái oăm, kỳ quái thay lại bị mang cái uẩn khúc từ trong nước ra đến xứ người. Phía Bên Kia Đồi Thông là một tình huống khác mà chỉ những người không còn nước để ở mới nếm trải. Bên nầy hay bên kia đồi thông có gì và không có gì? Những thân cây trần trụi ngoài trời bão tuyết hay những thân cây kiểng để trong nhà có gì khác nhau?
Viết, với Hồ Minh Dũng, như một quay nhìn lại quá khứ, như ông từng thú nhận trong truyện Phủi Bụi Cuối Ngày: "Thời gian và bóng tối với tốc độ nước rút đuổi theo sau lưng tôi và tỏa lan giữa xã hội tôi đang sống". Cũng có thể ông đi tìm "một sự hồi tưởng lạc thú" vì theo ông "con người sống với kỷ niệm hay với ký ức của mình có khi còn yên ổn hơn thực tế..." (MME,ĐGĐ).
Sau tháng 4 năm 1975, văn chương đã thay đổi ý nghĩa đối với nhiều nhà văn ở trong nước. Họ bị cấm in; nhiều người vẫn buông bút, cả nhiều năm sau thời Cởi Trói văn nghệ đã có người cộng tác với báo chí chế độ v.v. Có thể họ "ngắn hơi", có thể hoàn cảnh. Văn chương còn có giá trị gì khi con người phải đầu tắt mặt tối lo miếng ăn, lo cho sự sống còn của bản thân và gia đình ? Thêm một trong khi đã mất mát quá nhiều, liệu có bõ công chăng? Nhưng đối với nhiều nhà văn rời khỏi nước sau này, từ những đợt H.O., văn chương như có ý nghĩa mới cho họ và cho người đọc họ. Văn học hải ngoại được phong phú hơn với những cảnh đời, tâm tình thế hệ "trẻ" ngày xưa và "mới mà cũ" này, những người đã phải "trải qua một cuộc bể dâu" đúng nghĩa !
Với Hồ Minh Dũng, viết văn có vẻ là một nhu cầu sống thật sự: ông viết mạnh và dồi dào hình thức lẫn nội dung. Cuộc đời qua cho ông nhiều kinh nghiệm sống lẫn văn chương để ông sống ngày hôm nay... Trong một bài viết về đời tư của tác giả Hoa Vạn Hạt, Cuối Mùa đăng trên Saigon Times (12-1996) ở Los Angeles, nhà văn Đan Thanh TNC đã viết: "Ngày anh Nguyễn Mộng Giác giới thiệu Hồ Minh Dũng với tôi là một hạnh ngộ khó quên. Phải nói ngay, tôi rất mừng khi gặp anh. Tình cảm sẵn có nơi tôi về văn chương anh từ lâu có dịp phát triển mạnh. Có một Hồ Minh Dũng "rặc Huế" bằng xương bằng thịt đang đứng trước mặt tôi. Anh ăn nói từ tốn, hiền từ, chân chất, luôn mỉm cười, nhưng ánh mắt hằn lên một chút băn khoăn, một chút lo âu, một chút thảng thốt. Phải chăng đó là dấu vết còn sót đọng của những ngày nhọc nhằn trong quá vãng. Rồi một ngày cuối năm Giáp Tý, đến thăm anh trong một căn gác nhỏ, đơn sơ ở Midway City, Nam California, tôi mới thực sự thấu hiểu nỗi đam mê sáng tạo nơi anh đến mức độ nào. Và câu hỏi, có mãnh lực nào giúp anh viết vững vàng như thế luôn ám ảnh tôi ". Chỉ một đoạn văn như thế của Đan Thanh cũng giúp ta hiểu thêm về một con người nhẫn nại cầm bút trong một hoàn cảnh không giống ai. Nhưng Hồ Minh Dũng như muốn chứng minh viết là có mặt - tôi viết vậy tôi hiện hữu, không như cỏ cây mà tôi còn là nhân chứng, là nạn nhân của những ý niệm cao cả như Tổ Quốc, Dân Tộc, v.v. Hơn một lần ông tâm sự: "Gần hai mươi năm không được viết, nay được, còn gì vui hơn! ". Và Hồ Minh Dũng đã và tiếp tục viết, dồi dào, độc đáo !
Nhà văn (écrivain) điển hình, Hồ Minh Dũng dĩ nhiên đã không dễ dàng như nhiều "thợ văn" (écrivant). Ông rất kỹ lưỡng về ngôn từ, tình tiết cũng như nội dung. Người đọc có thể bồi hồi, có thể không đồng ý với tác giả khi xem đến đoạn cuối, nhưng không thể không trân quí sự cẩn trọng của ông. Truyện của ông cân đối, thăng bằng, mang dấu ấn của kinh nghiệm, của tro tàn, đau khổ và hạnh phúc. Hồ Minh Dũng cho người đọc cảm tưởng khi viết ông có nghĩ đến họ.
Trong nhiều truyện ngắn, Hồ Minh Dũng hay nói đến vai trò của nhà văn. Trong Một Mình Em, Đến Giữa Đời, ông đã để vào miệng Lai Hương, một cô gái tập làm văn, lời khẳng định: "Cuộc đời đối với riêng em, chưa bao giờ và không bao giờ nhân danh bất cứ một điều gì để cầm bút. Còn văn thơ em, vẫn không hề chùn bước trước bất cứ một ám ảnh nào, trên đời. Em thừa hưởng thiên nhiên, đúng hơn là Tạo Hóa, sự bộc bạch ngời sáng của mãnh lực con tim (...) Trong văn học, em không muốn ăn khớp với bất cứ những cái mộng tương ứng nào. (...) Khi cầm bút ngồi trước trang giấy trắng, người nghệ sĩ luôn cảm thấy mình đang nhận lãnh một sứ mệnh. Y như sứ mệnh người chiến sĩ ngoài trận mạc. Mực với máu, nghĩ cho cùng, chẳng khác gì nhau, một trạng thái tồn tại và thăng hoa tùy thuộc vào vật chứa của tâm hồn, cả hai đều vô hình, vô sắc...". Ở một chỗ khác, Hồ Minh Dũng cho rằng "văn chương không thể hòa nhập với bất cứ cái gì trên đời này, ngoại trừ nỗi khổ" (Phía Bên Kia Đồi Thông).
Gần đây có nhiều bài viết trên tạp chí Văn Học bàn về tác phẩm lớn nhỏ, một vấn đề muôn thuở của văn chương và con người. Nhà văn sống cho nghệ thuật, nhà "dùng văn" lại cho mình có sứ mạng lịch sử, chính trị hay văn hóa, trong khi "thợ văn" dùng văn làm lẽ sống. Trong thời gian chiến tranh, tác phẩm "lớn" thường có sứ mạng chính xác, trong khi văn học sau chiến tranh, trong cũng như ngoài nước đang bơ vơ với sứ mạng, dù sứ mạng thật của văn chương lúc nào cũng tự tại. Một mặt văn học có thể bị chiến tranh làm cho bế tắc nhưng cũng "nhờ" chiến tranh mà có những tác phẩm đặc sắc, dù có khi chỉ là giai đoạn - nhưng văn chương nào mà không trước hết thỏa mãn con người một thời đại trước khi trở thành văn chương vĩnh cửu! Nhật Tiến, Duyên Anh, Nhã Ca, Nguyễn Mộng Giác, Nguyễn Huy Thiệp, v.v. đã có những tác phẩm đặc sắc một thời, đánh dấu những chặng đường văn chương Việt Nam và có thể tồn tại lâu dài! Đây là vấn đề liên hệ giữa nghệ thuật với cuộc sống, với thực tại cụ thể hơn là một vấn đề tâm linh, triết thuyết. Bàn về tác phẩm lớn nhỏ về chiến tranh vừa qua chẳng hạn là nhìn nhận rằng văn nghệ rõ ràng bị thực tại chi phối. Việc xây dựng tiểu thuyết, tác phẩm liên hệ mật thiết đến sự sống, đến kinh nghiệm của tác giả với nhân vật và tác phẩm của mình. Docteur Zivago, Người Mẹ, Đoạn Trường Tân Thanh, Cung Oán Ngâm Khúc, ... sẽ không sống lâu và có giá trị nếu không có ít nhiều kinh nghiệm sống hay tâm sự của Pasternak, Gorki, Nguyễn Du, Nguyễn Gia Thiều,...!
Hoàn cảnh hiện nay dù có nhiều trở ngại cho văn chương, nhưng chúng tôi tin vẫn đã là môi trường thuận lợi cho những tác phẩm lớn hay ít ra là những tác phẩm điển hình. Ngoài Hồ Minh Dũng ta có thể nêu những tên tuổi như Nguyễn Xuân Thiệp với những vần thơ độc đáo, Lâm Chương và Nam Dao với những ray rứt tính người, v.v. Cứ nghĩ là các nhà văn thơ đang chuẩn bị! Mong đợi của người đọc mà Nguyễn Hưng Quốc đã nêu trên tạp chí Văn Học (số 144, 4-1998) hy vọng sẽ được đáp ứng.
Hồ Minh Dũng, Trần Hoài Thư, Kinh Dương Vương, Trần Doãn Nho, và gần đây, Lâm Chương,... những người "trẻ" ngày nào, đã viết lên những thảm kịch của đất nước, những trang chữ cấu trúc với vật liệu lấy từ cuộc đời họ và từ giòng sinh mệnh nghiệt ngã của dân tộc. Người đọc hy vọng họ sẽ không thu hẹp trong vũ trụ và quá khứ riêng của họ, hy vọng họ sẽ không bị rơi vào ảo tưởng của quá khứ, của tương đối, của đòn thù và bất mãn! Chúng tôi nghĩ có mở-ra, có hướng-về, văn chương mới sẽ có lối thoát, ít ra văn chương sẽ phổ quát và nhân loại hơn!
7-1998