Alfred Schutz 1966, Lê Hải dịch
Theo Alfred North Whitehead, khoa học luôn có hai mục tiêu: Thứ nhất là sản xuất ra một lý thuyết phù hợp với thực nghiệm, và thứ hai là sự giải thích của các khái niệm sử dụng trong hiểu biết thông thường về tự nhiên, ít nhất là về mặt khái quát; giải thích này được thành lập bằng cách giữ lại các khái niệm đó trong lý thuyết khoa học của tư duy phù hợp. Vì lý do này khoa học vật lý (là khoa học duy nhất theo cách hiểu của Whitehead) đã chế tạo các thiết bị mà qua đó các vật thể mang tính tư duy (thought objects) trong nhận thức đời thường được thay thế bằng các vật thể mang tính tư duy của khoa học. Các vật thể này, như là phân tử, hạt nhân, và điện tử đều có cùng tính chất là khả năng thể hiện ý nghĩa trực tiếp trong nhận thức của ta và được ta biết đến chỉ nhờ một chuỗi các sự kiện mà chúng có tham gia. Nói một cách chắc chắn hơn là các sự kiện được thể hiện trong nhận thức của ta bằng các thể hiện ý nghĩa. Thông qua thiết bị này một cầu nối được tạo ra giữa sự mơ hồ dao động của ý nghĩa và sự định nghĩa chính xác của tư duy.
Mối quan tâm ở đây không phải là theo từng bước phương pháp thông minh mà Whitehead đã dùng như vừa tóm tắt để phân tích các tổ chức của tư duy, bắt đầu từ “giải phẫu học các tư tưởng khoa học” và kết thúc bằng các lý thuyết được toán hóa cho vật lý hiện đại và các nguyên tắc vận hành cho logic hình thức. Chúng ta quan tâm nhiều đến quan niệm cơ bản mà Whitehead cùng chia sẻ với các nhà tư tưởng lớn khác trong thời của chúng ta như William James, Dewey, Bergson và Husserl. Quan điểm này có thể trình bày một cách rất khái quát như sau:
Tất cả kiến thức của chúng ta về thế giới, theo hiểu biết thông thường cũng như theo kiến thức khoa học, đều là các kết cấu, ví dụ như là một tổ hợp các khái niệm trừu tượng, hệ thống phổ quát, hình thức hóa, tuyệt đối hoá phù hợp riêng với một mức độ tổ chức tư duy nhất định. Nói cụ thể hơn, không có gì gọi là thực tế, thuần chất và đơn giản. Tất cả dữ kiện đều từ một hệ thống dự kiện được chọn trong một bối cảnh phổ quát nhờ các hoạt động của trí não. Vì vậy tất cả đó đều là dữ kiện đã được diễn giải, là dữ kiện được xét tách rời khỏi môi trường bằng tư duy trừu tượng nhân tạo hoặc dữ kiện được xét trong một hoàn cảnh đặc biệt. Bất kể là trường hợp nào thì các dữ kiện đó đều hàm chứa giá trị diễn giải bên trong hoặc bên ngoài. Điều này không có nghĩa là chúng ta không thể nắm bắt thực tại thế giới trong cuộc sống hàng ngày hay trong khoa học. Điều đó chỉ có nghĩa là chúng ta chỉ nắm bắt một số góc cạnh mà thôi, chính xác là những gì chúng ta cần tới trong toan tính cuộc sống hàng ngày, hay từ góc nhìn của một qui trình với những nguyên tắc đã được công nhận trong tư duy được gọi là phương pháp khoa học.