Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.184
123.211.236
 
Thể loại văn-chương: các thể loại ngắn
Nguyễn Vy Khanh

 

Thể loại là một hình thức của văn chương hay có thể nào làm văn chương với thể loại? Dù sao thể loại quy định nội dung và ngược lại. Mỗi thể loại là một cấu trúc ngôn ngữ đưa đến những hình thể nghệ thuật khác biệt: truyện dài, truyện ngắn, ký, thơ luật, Thơ Mới, thơ tự do,... Mỗi hình thái độc đáo giúp nhà thơ nhà văn thể hiện tư duy, cảm xúc, cảm hứng của mình. Hình thức và nội dung có sự hổ tương là sự kiện đưa đến văn chương, nghệ thuật; các thể loại văn chương, với phương tiện ngôn ngữ do đó là cách phản ánh cuộc sống. Mấy thập niên gần đây xác nhận đó là chuyện khả thể cũng như đã nghi nhận nhiều khuynh hướng và thử nghiệm. Sau truyện ngắn, truyện-thật-ngắn và cả truyện-không-truyện đã đến với văn học Việt Nam.

Từ thập niên 1960, văn học Việt Nam đã có những bước nhảy đáng ghi nhận về hình thức và kỹ thuật, văn vần cũng như văn xuôi. Trong chương này chúng tôi xin dùng thể loại truyện ngắn và tập truyện để thử tìm hiểu thế nào là văn chương, sau đó chúng tôi so sánh thử thể loại nào hiệu quả cho một mục tiêu văn chương hơn một thể loại khác cũng như thử dùng tin học như một cách nhìn tác phẩm văn học. Phần sau chúng tôi bàn đến hiện tượng truyện thật ngắn.

Truyện ngắn

Trước hết, ở Tây phương, truyện-ngắn là một thể loại văn chương xuất hiện từ thế kỷ XIII và đến khi Nouvelles exemplaires của Miguel del Cervantes xuất hiện năm 1613, đã trở thành một thể loại chính bên cạnh tiểu thuyết, kịch nghệ và thi ca. Một nửa tập truyện này, Cervantes dựng nên những nhân vật của đời sống hàng ngày và xã hội của họ. Một thể loại hợp thể, đa hình, một thể loại đại chúng với những đề tài của thời đại và của đời sống của chính tác giả, những chuyện thật, có thể thật; hoặc tác giả có thể điềm đạm đứng ngoài câu chuyện như một người quan sát thay vì chỉ là người mô phỏng, uốn ép. Thời giai cấp trưởng giả Âu châu cũng như Trung Hoa làm chủ lấy định mệnh, thể truyện ngắn đến, với những nhân vật thông minh, mánh lới, có thể chống trả định mệnh. Về phía người đọc, họ đến với truyện ngắn với ý đọc một mạch, một lần. Về cấu trúc, truyện ngắn ngắn về chiều dài câu chuyện, kiệm ước chi tiết và thời gian, ít nhân vật, tâm lý nhân vật sơ sài hoặc chỉ đậm nét với tâm điểm của câu chuyện, nhưng đầy cường độ, chính xác và thống nhất hành động. Truyện ngắn như một mảnh đời, một xuất hiện hay một qua đường, một du khách ghé chơi, một chứng nhân, một kẻ tò mò quan sát, một họa sĩ vẽ nhanh, cũng có thể là một khẩn cấp, một đau đớn hoặc một thiếu thốn, trong khi với tiểu thuyết hay truyện dài, tác giả phải nhảy xuống sông, phải theo dòng nước, phải dài hơi. Thành công của một truyện ngắn là cái hiệu lực trong toàn diện, tác dụng đậm đà, sâu đậm, dễ gây cảm hứng nơi người đọc, và một cái nhìn trực diện, toàn diện. Khi dấu chấm cuối cùng đặt xuống thì tác giả đã thành công đưa người đọc đến cái vô-ngôn, cái không thể tả, đến sự bất khả thể khó khăn là nối dây liên hệ với cuộc đời thường là cái luôn ở ngoài ở xa văn chương.

Ở Việt Nam ta, hành trình thể loại truyện ngắn kéo dài cả nghìn năm, khởi đầu với những truyện truyền kỳ như Truyền-Kỳ Mạn-Lục, Việt Điện U Linh Tập là những chuyện cổ tích, huyền thoại có tác giả đứng tên viết lại thay vì truyền tụng, vô danh. Ở mỗi giai đoạn, truyện ngắn thay đổi theo môi trường xã hội, thời thế, tâm tình con người thời đại đó. Đầu thế kỷ XX, truyện ngắn của Nam-Phong tạp-chí có tính cách kể lại, giảng dạy như những chuyện luân lý, đó là lúc xã hội Việt Nam xáo trộn vì phải dung hợp đông-tây. Truyện của các tác giả thuộc Tự Lực văn-đoàn và Nguyễn Công Hoan, v.v. một số có chủ ý luận đề, một số tả cảnh đời nho nhỏ, một số tả tâm trạng, thoáng nghĩ; thời người dân bị trị chấp nhận ngưng chống kháng bằng võ lực, sau những thất bại của Duy tân, Đông du, tìm kiếm phương thức văn hóa để canh tân đất nước. Thời này và cả thời kháng chiến sau đó, "cốt truyện" đóng vai chủ yếu. truyện ngắn là viết về một chuyện gì, một vấn đề gì, với mô hình cổ điển, lãng mạn, hiện thực, kiểu Trung-Hoa, Pháp, Nga hoặc Đông Âu, ...

Với văn nghệ sau đó, truyện ngắn khi hiện thực chiến tranh và cách mạng vẫn đưa ra những vấn đề lịch sử và dân tộc, vẫn luận đề. nhân vật quan trọng không kém cốt truyện, thuộc giai cấp nào,... Kết cấu chặt chẽ theo "sử thi" dựa trên mâu thuẫn nhị nguyên địch-ta, tốt-xấu...

Sau 1975, chiến thắng và thống nhất, dần dà con người khám phá của truyện ngắn thời 1946-1975, dần dà các nhà văn khám phá đời sống văn hóa rất văn chương, có độc đáo, có những tác giả và tác phẩm đáng đọc; rồi dần dà tâm tình con người thay đổi. Con người bất mãn, hững hờ với dòng "minh họa, sử thi". Nhà văn và người đọc đang phải đối phó với những phức tạp của đời sống, tác phẩm bén nhạy sẽ được đón chào. Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài,  Phan Thị Vàng Anh, Nguyễn Quang Thiều, Lê Minh Khuê, Tạ Duy Anh, ... làm mới thể loại truyện ngắn "xã hội hiện thực"; nay tâm tình con người được chăm chú hơn, cả nội tâm, có hổ tương ngoại vật-tâm hồn; con người cũng phong phú ra, ngay từ ngôn ngữ đa dạng, đối thoại nhiều và sống động hơn, độc thoại cũng được khai thác ! truyện ngắn có thể "không có gì", không cả truyện, có thể nổi loạn tâm hồn như con người thời đại. Kết truyện bất thường, vấn đề không hẳn phải giải quyết, có thể có nhiều màn kết như Vàng Lửa của Nguyễn Huy Thiệp. Cuối thế kỷ còn là thời của thể loại truyện thật ngắn và truyện dị thường, thời gian bị xáo trộn, xưa nay trước sau; hình thức ngắn hơn nhưng có khi dư vang, âm hưởng không ngắn!

Về đề tài, truyện ngắn đa dạng nhất trong các thể loại văn chương : trinh thám, giả tưởng, thần tiên, kinh hoàng, tả chân, siêu thực, tâm tình, đoán mộng, dự tưởng, nhưng nói chung truyện ngắn đặt vấn đề, nghi vấn với người đọc, khiến người đọc nhập cuộc. Truyện ngắn ngày nay không những chỉ liên kết những mảnh vụn của thực tại hoặc những kinh nghiệm sâu xa, truyện ngắn còn đi tìm ý nghĩa cuộc đời và những giá trị tiềm tàng.

Nhưng thế nào là một truyện ngắn? Nhà văn Thảo Trường cho rằng "Kỹ thuật viết một truyện ngắn thường phải xúc tích ngắn gọn, các tình tiết cần phải được gạn lọc, lựa chọn lấy những gì là điển hình nhất để đưa vào xử dụng mà thôi. Khi hành văn thì càng ngắn càng tốt. Với truyện dài có hơi khác vì một đề tài mình muốn viết thành truyện dài là do vấn đề mình muốn nói trong đó cần phải có một cốt truyện dàn trải ra với những tình tiết diễn tiến để dẫn tới điều mà mình muốn tác phẩm ấy phải đạt tới..."(1).

Các tác giả có tác phẩm đăng trong tuyển tập Những Truyện Ngắn Hay Nhất Của Quê Hương Chúng Ta của nhà xuất bản Sóng phát biểu ý kiến về truyện ngắn, xin ghi nhận vài nhận xét: "truyện ngắn là truyện không thể nào viết dài" (Thanh Tâm Tuyền); "Truyện ngắn thường là một chi tiết đủ nghĩa của một đề tài thu hẹp. Với khuôn khổ khó khăn của kỹ thuật nhưng tự nó không là một thể văn gò bó. Một truyện ngắn không bao giờ là một trích đoạn của một truyện dài thành công.. "(Dương Nghiễm Mậu); "Vấn đề quan trọng trong truyện ngắn vẫn là vấn đề kỹ thuật. Kỹ thuật truyện ngắn luôn thúc đẩy người viết đặt chính truyện ngắn tức là đặt vấn đề xử dụng chữ nghĩa thành vấn đề. Truyện ngắn thể hiện một sự tìm kiếm mãi mãi như thế"( Huỳnh Phan Anh), v.v.(2).

Như đã trình bày ở trên, truyện ngắn xuất phát từ thần thoại, trong khi truyện dài phát sinh từ truyện kể (récit, histoire) hoặc du ký và kỹ thuật phức tạp hơn, gây dấu ấn lâu hơn nơi người đọc; truyện ngắn có thể đơn giản hơn nhưng phải gây bất ngờ, kỳ thú. Thời tiền chiến ta đã có những tuyệt tác: Sợi Tóc, Dưới Bóng Hoàng Lan của Thạch Lam, Những Chiếc Ấm Đất của Nguyễn Tuân, Chí Phèo của Nam Cao. Thời miền Nam 54-75, truyện hay có Chiếc Chiếu Hoa Cạp Điều của Doãn Quốc Sỹ, Hoa Thiên Lý, Rừng Mắm của Bình Nguyên Lộc, Cái Vòng của Doãn Dân, v.v. Phía văn học "hiện thực xã hội chủ-nghĩa" có Bức Tranh Em Gái Tôi của Tạ Duy Anh,  Bức Tranh của Nguyễn Minh Châu,...

Truyện ngắn là thể loại phong phú về số lượng xuất bản và đăng trên các tạp chí văn học, chỉ đứng sau thơ. Chỉ lấy thí dụ một năm 1997 ở hải ngoại, đã có hơn 30 tập truyện ngắn được xuất bản do tác giả hoặc do các nhà xuất bản đứng tên; trong số đó có những cây viết mới ở hải ngoại như Khánh Trường (Chung Cuộc, tái bản Có Yêu Em Không?), Võ Đình (Lầu Xép), Trần Long Hồ (Sư Phụ), Trần Thị Diệu Tâm (Rong Biển), Trần Doãn Nho (Căn Phòng Thao Thức), Song Thao (Còn Đó Bóng Hình), Y Chi (Chân Trần), Trần Nghi Hoàng (Truyện Người Viết Sử), Hoàng Nga (Tháng Giêng Tháng Bảy Buồn Như Nhau),.. ; những tác giả đã thành danh trước như Hà Thúc Sinh (Đêm Hè), Lê Tất Điều (Thư Về Bloomington, Illinois)... ; trong số có tác-giả tác phẩm đã đăng báo từ lâu nay mới xuất bản như Kinh Dương Vương, (Những Chiếc Mặt Nạ Cười),...

Tân truyện

Đây là danh xưng thể loại hay được một số nhà văn miền Nam giai đoạn 1954-1975 dùng để chỉ sáng tác của mình nhưng hình như chưa có định nghĩa rõ ràng. Truyện có thể dài hoặc ngắn, nhưng về một khoảnh khắc diễn tiến. Kỹ thuật và đầu đuôi câu chuyện không quan trọng. Nhà văn Bình Nguyên Lộc quan niệm rằng "truyện dài không khác truyện ngắn (conte) vì conte cũng có đầu có đuôi có ‘chiều hôm trước, có sang hôm sau’ y như truyện dài. Nhưng tôi không bao giờ viết truyện ngắn. Những truyện mà tôi viết, thuộc loại khác, mà tôi mượn một danh xưng mà một người bạn trước bạ năm 1945, anh Nguyễn đình Thản, đó là danh xưng tân truyện, danh xưng đó dịch được tiếng nouvelle của Pháp. Tại các báo sửa lại là truyện ngắn chớ tôi ghi là tân truyện. Tân truyện thì rất khác, không có đầu có đuôi gì hết, đôi khi không có cả khúc giữa. Câu chuyện chỉ xảy ra trong 15 phút. Khác xa truyện dài, đành rằng truyện dài cũng có lắm truyện không đầu không đuôi và chỉ xảy ra trong 5 phút. Nhưng dù sao cũng có bóng mờ của một câu chuyện, và nhứt là có quá nhiều chi tiết còn tân truyện hoàn toàn không có cốt truyện nào hết (nếu có chỉ là tình cờ thôi, chớ các tác giả không muốn có), chi tiết trong tân truyện cũng không được dồi dào lắm như trong truyện dài vì phạm vi hạn hẹp của nó..." (3).

Viên Linh đặt tên tân truyện cho một số các "tiểu thuyết" của ông như Thị Trấn Miền Đông 1966, Mã Lộ 1969, Vườn Quên Lãng 1971 và Tình Nước Mặn 1973.  Túy Hồng gọi những truyện dài như Trong Móc Mưa Hạt Huyền (1970) là tân truyện. Lê Minh Hà hải ngoại có khuynh hướng viết những truyện như vậy, về những khoảnh khắc sống, những ý nghĩ nhân những sự kiện bất chợt, những gặp gỡ tình cờ, trong các tập Trăng Góa (1998), Gió Biếc (1999) và nhất  là những sáng tác về sau này.

Truyện Vừa

Truyện Vừa (novel, novella) được xem như thể loại của văn chương anglo-saxon, xuất hiện như để cứu vãn thể truyện ngắn ở Âu châu từ thế kỷ XVII, XVIII đang bị thể tiểu thuyết lấn đất, gần như mất dạng. Nay trở lại giữa thế kỷ XIX, đơn sơ và hiện thực, nhắm những sự việc đã xảy ra, vì đó là thời báo chí bành trướng và chủ nghĩa cá nhân mạnh hơn. Truyện Vừa từng là hiện tượng văn học với Turn of the Screw (1890) của Henry James, The Call of Wild (1903) của Jack London, và trở nên phổ thông với Procès, Métamorphose của Frank Kafka. Bên Trung quốc có AQ Chính Truyện của Lỗ Tấn. Phía Việt Nam từ năm 1887 đã có truyện Thầy Lazarô Phiền của Nguyễn Trọng Quản (28 tr.); trước 1975 có Thảo Trường với Chạy Trốn (1965 , 79 tr.), Thế Nguyên với Hồi Chuông Tắt Lửa (1964, 77 tr.), và Thanh Tâm Tuyền với Bếp Lửa (1957, 71 tr.) và Khuôn Mặt (45 trang chia 4 phần, một truyện ngắn trong tập truyện cùng tựa) v.v. Sau 1975 có Nguyễn Minh Châu với ba truyện Cỏ Lau, Mùa Trái Cóc Ở Miền Nam và Phiên Chợ Giát in trong tập Cỏ Lau (1987) mà mỗi truyện dài từ 80 tới 90 trang. Thiên Sứ của Phạm Thị Hoài thật ra chỉ là một truyện vừa, 121 trang khổ nhỏ. Thảo Trường ra ngoài nước gần đây có Đá Mục (1998) 112 trang. Và Nguyễn Ngọc Ngạn, Dòng Đời Lặng Lẽ với ba truyện vừa 37, 48 và 88 trang.

Người Việt lúc đầu dùng chữ Hán "tiểu thuyết" để chỉ truyện dài và "tân truyện" hay "đoản thiên tiểu thuyết" để chỉ truyện vừa và truyện ngắn. Tiểu-thuyết trong văn học Trung-Hoa thường là những chuyện ngoài sử sách, những chuyện của nhà văn ngoài lề giới nho-sĩ, văn gia chính thức, sau được dùng để dịch chữ roman của Pháp. Nhưng "tiểu thuyết" còn được dùng để chỉ một tác phẩm có nội dung tưởng tượng, để phân biệt với các thể tự-truyện, truyền kỳ, và truyện ngắn, truyện vừa, truyện thật ngắn hay truyện dài thường dùng để chỉ hình thức dài ngắn. Tiểu thuyết, truyện ngắn thực vậy có thể bằng văn vần, như tập Les Contes de Cantorbéry gồm những "truyện ngắn" bằng văn vần. Do đó một tiểu thuyết có thể mang hình thức truyện dài như thường gặp hay truyện vừa như các truyện vừa kể ở đoạn trên. Truyện Thầy Lazarô Phiền (1887) của Nguyễn Trọng Quản là một câu chuyện liên tục, có diễn tiến, đầy tình tiết, có phân tích và diễn tiến tâm lý, có đối thoại, nhân vật có cá tính - đã hết còn chung chung như trong truyện chữ Nôm hoặc Hán. Mọi tiểu thuyết hay, không thể có một câu thừa, dù dài, như Les Misérables của Victor Hugo, ngắn như Contemplations của Byron, hay thật ngắn như thể hài-cú (haiku) của văn học Nhật bản - chỉ với 17 âm tự (5-7-5), tác giả tư duy chín và sâu đã thu gọn trong khoảnh khắc của một bức tranh, một sự việc!

Cũng có thể phân biệt tiểu-thuyết thuộc lãnh vực thời gian dài, còn tân-truyện thuộc khoảnh khắc. Tân truyện và truyện ngắn có thể có mặt tác giả trong câu chuyện. Muốn rời xa tiểu thuyết, truyện vừa và truyện ngắn có khi thành những mảnh vụn của một tiểu thuyết, như Kim Bình Mai. So với tiểu thuyết, truyện ngắn và truyện vừa tập trung, thu vén, hành động mạnh, tả thực, xa rời lãng mạn, tượng trưng. Mặt khác, nếu truyện ngắn là một cửa sổ để nhìn vào một nhân vật, một sự chuyện, một khoảnh khắc thì truyện thật ngắn chỉ là một thoáng nhìn; truyện vừa sẽ là nhiều cửa sổ hơn nhưng truyện dài mới đủ mọi chiều hướng, góc cạnh, cả cuộc đời với tất cả sự phức tạp của nó. Nếu truyện ngắn và truyện vừa là một sát-na, một khoảnh khắc thời gian thì truyện dài là cả kinh nghiệm sống, là dòng thời gian! Mặt khác, truyện dài nói chuyện anh hùng liệt nữ thì truyện ngắn, truyện vừa nói chuyện cách mạng, cách nói cách mạng. Cuồng-nhân nhật-ký (1918) của Lỗ Tấn vừa cách mạng vừa ẩn dụ tài tình. Dù sao, truyện ngắn và truyện vừa thay đổi tinh thần truyện, chức năng của truyện thay đổi theo thời và đạo lý văn hóa cũng như nhân sinh và vũ trụ quan của thời đại. Mở ngoặc về truyện đời-Phật, đời-Chúa được tín đồ xem là "truyện" vì đó là truyện thực, trong khi người không cùng tín ngưỡng thì lại xem là thần thoại, hoang đường!

Tập truyện

Đến một lúc, người viết phải nghĩ đến xuất bản các truyện ngắn; vả lại, chưa tác phẩm chưa hẳn đã là tác giả! Từ đó nảy sinh "tập truyện ngắn" như một thể loại văn chương. Tập truyện ngắn từng bị lạm dụng vào những thời hiếm giấy như ở Đức sau Thế chiến thứ hai, hoặc hiếm người đọc như ở Phi-luật-tân cùng thời đó. Vấn đề luôn luôn phải đặt ra: tập-truyện nên cùng chủ đề, thể loại, thời gian sáng tác, hay ngược lại, tạp loại. Tập-truyện khác Tuyển-tập (anthology) thường cùng chủ đề (20 năm văn học hải ngoại, tình yêu, truyện đường rừng, tiền chiến, tuổi hồng, Hà-nội, Sài-Gòn, v.v.) hoặc tác giả nổi tiếng, cuối sự nghiệp hoặc khi tác giả mất (các tuyển tập Hoài Thanh, Nam Cao, Xuân Diệu, Chế Lan Viên,...). Tập truyện cũng có thể là tạp loại vừa truyện ngắn vừa thơ và tạp ghi, v.v. Vấn đề ảnh-hưởng-lây (cotextualisation) không thể tránh đối với truyện ngắn. Thí dụ Tướng Về Hưu của Nguyễn Huy Thiệp thời vừa "cởi trói văn nghệ" từng bị khoác lên một số truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp và dùng làm nền cho những truyện ngắn của tác giả khác cùng thời, có thể cùng khuynh hướng hay cùng nội dung (như tuyển tập do nhà xuất bản Đà Nẵng, 1988). Dù mỗi truyện ngắn độc lập, với cái hay, cái tài riêng của mỗi tác giả, nhưng khi đặt chung trong một tập thì khi đọc mỗi truyện ngắn, người đọc bị khung cảnh chung của tập ảnh hưởng đến sự thưởng thức, một loại ảnh hưởng bao trùm về nội dung.

Tập truyện ngắn đã trở thành một hình thức văn chương với nhiều khuynh hướng và ý nghĩa khác nhau: một tập hợp thuần nhất về chủ đề, một tạp hợp, cũng có thể là một tiểu thuyết gồm nhiều mảnh rời. Thể tập-truyện-ngắn đã có những tác động hỗ tương với độc giả, trở thành một thể loại hỗ tương tác động có giá trị tự tại và qua đó giúp hiểu cả nền văn học hay một thời đại văn học.

- Một số nhà phê bình cho rằng thể tập truyện ngắn phải là một cân bằng, như một kiến trúc. Một cách tổng quát, tập truyện ngắn là một kết tập nhiều văn bản có thể hại đến sự kết hợp chung của một tổng hợp vì có thể trong căng thẳng trầm trọng, chúng biến thể thành một tập hợp nghịch lý: những mảnh vụn văn chương cần có sự liên hệ hỗ tương nhưng đồng thời mỗi truyện là một độc lập tương đối. Hỗn tạp đưa đến đặc điểm nhị nguyên vì các truyện đều có những mở đóng riêng khi tập hợp. Sự thắt nút giúp kiến trúc truyện mềm mỏng. Trong tổng thể của tuyển tập, các truyện bị ngưng cắt nhưng vẫn có một sự tiếp nối về đề tài, chuỗi dây kể bị kết thúc ở mỗi truyện ngắn không hẳn mâu thuẫn với một số yếu tố một phần của đề tài, chính cái lẻ loi này bảo đảm cho tổng thể. Chính cái tổng hợp này của tập truyện ngắn khiến tác phẩm cho người đọc cái cảm tưởng cân bằng. Vào thời bình minh của thể tập-truyện, trong Les Nouvelles exemplaires của Cervantès, câu chuyện nối kết các truyện ngắn gần như vắng mặt, sợi giây liên hệ khó khăn lắm mới tìm ra. Độc lập và cân bằng rõ nhất ở trường hợp hai tác giả xuất bản chung một tập-truyện, như Khái Hưng và Nhất Linh (Anh Phải Sống, 1937), Du Tử Lê và Thảo Trường (Chung Cuộc, 1968), Duy Lam và Thế Uyên (Nỗi Chết Không Rời, 1966), Nguyễn Đình Toàn và Huỳnh Phan Anh (Phía Ngoài, 1969) hay Lê Tất Điều và Võ Phiến (Ly Hương, 1977), Vũ Phương Nam và Bùi Thanh Liêm (Mùa Thu Trên Phím Đàn, 1994), dù thường xuất bản chung để đánh dấu tình bạn hay chí hướng văn nghệ.

- Một số khác nhìn thể tập-truyện-ngắn như một tập hợp năng động. Tập truyện ngắn cho người đọc cảm tưởng năng động vì các truyện có tác động hỗ tương với cả tập: tác động nhân quả, luân hồi, như có sợi dây siêu hình. Và mỗi tập truyện có thể lại là một phần hỗ tương tác động với một tổng thể lớn hơn, toàn bộ tác phẩm của tác giả. Hỗ tương năng động nội tại của tác phẩm. Điểm này giúp hiểu làm thế nào mà các truyện cân xứng nối kết với nhau, làm sao mà các truyện hỗ tương tác động trong toàn thể, một toàn thể mà trung tâm điểm là chỗ mà các liên hệ gặp gỡ, tiếp giáp một cách hiệu quả. Hai truyện bổ túc cho nhau đem đến cái năng động tổng thể. Sự liên hệ giữa hai truyện đưa đến một thắng lợi ý nghĩa đáng kể cho mỗi truyện, truyện này sẽ là chuyển thể về đề tài cho truyện kia. Ba tập của Trần Hoài Thư có c Ra Biển Gọi Thầm, Ban Mê Thuột Ngày Đầu Ngày Cuối Về Hướng Mặt Trời Lặn hung đặc điểm là những sinh hoạt trong hoàn cảnh có thể khác biệt của một người Việt Nam, một người lính, hay nhiều người, ở nửa phần sau của thế kỷ XX - dù có truyện đã xảy ra trước 1975, có sau 1975, có truyện xảy vào cả hai thời gian! Tập Một Dây Trầm (1998) của Hoàng Du Thụy tiêu biểu cho sự kết tập này: mỗi truyện ngắn là một tình huống, nhưng tất cả đều là những kiếm tìm tình yêu cũ sau trên dưới hai mươi năm, kiếm tìm con người, người tình, và thời gian đã mất nhưng nhân vật chính vẫn chưa tin là mất, đã qua! Các truyện trong Kẻ Đưa Đường của Võ Kỳ Điền như nối tiếp, bổ túc cho nhau trong luận đề chống Cộng và chống những tàn ác vô nhân! Nguyễn Trung Hối qua Trong Mê Cung (1999) cũng theo một luận đề hội nhập cực nhanh của người Việt ở hải ngoại, trong khi quá khứ chưa thực sự dứt khoát rời xa! Song Thao qua nhiều tập truyện đã xuất bản cũng đem vấn đề hội nhập ra làm đề tài, nhưng càng xa trong thời gian thì cái nhìn của ông chín, chắc, và Việt Nam hơn!

Quan niệm thứ hai này căn cứ trên sự khả thi của một hệ thống thật sự hỗ tương những liên hệ và những tương quan nội tại là những đảm bảo cho một kết hợp mạnh mẽ. Liên hệ này hiện nay trong tin-học được gọi là hypertext (tân/siêu văn bản). Một tập truyện trở thành một khối, một cấu trúc, một tổng thể - trong đó có những dây-mơ-rễ-má. Văn bản viết về một đề tài chẳng hạn nhưng bên trong những đoạn những câu mở ra những chủ đề hoặc liên hệ, hoặc những đoạn những câu này bao gồm những chữ, những ký hiệu dùng để cắt nghĩa, diễn tả. Những chủ đề, những chữ hay những ký hiệu này tự nó có thể độc lập như một văn bản. Văn bản loại siêu-văn-bản khiến người đọc tự do lựa chọn đọc toàn thể văn bản một lần hoặc ngừng lại ở những dây-mơ-rễ-má đó. Rồi những dây-mơ-rễ-má này đưa người đọc lùi lại hoặc tiến xa hơn với những tác phẩm khác của cùng một tác giả. Mạch văn, chuỗi sự kiện có thể tiếp nối một mạch nếu người đọc chỉ đọc hàng ngang, từ trang 1 tới trang 200 chẳng hạn, nhưng vì mỗi dây-mơ-rễ-má của những mạch văn, của chuỗi sự kiện có sự hiện hữu độc lập tương đối đưa người đọc đi xa hay ngừng lại đó. Văn bản vẫn có bề dài bề ngang, nay được khám phá có thêm bề sâu bề dọc. Nghĩa là người đọc truyện ở đây cũng có thể trở thành người thưởng thức thi-ca, mà sự ngưng đọng ở một chữ dùng, một hình ảnh, ký hiệu, một âm điệu, khiến người đọc chạm đến chiều sâu, chỗ "tận cùng" chữ nghĩa. Sự thưởng thức do đó liên hệ đến không gian nổi thay vì chỉ là một "dọc" những trang giấy tiếp nối nhau hay một "trang" mà màn ảnh điện toán lướt qua trước mắt. Tác giả một tập truyện in trên giấy thông thường không có cách nào khác "làm khó" người đọc hơn là đọc từ trang trước tới trang sau, tới trang cuối nếu tác giả có tài lôi cuốn; nhưng với siêu-văn-bản qua phương tiện internet, tác giả có thể đề nghị người đọc theo một nhịp độ ấn định sẵn, bên trái hay phải, trên hay dưới, chữ lớn chữ nhỏ, thêm màu và hình ảnh hay âm nhạc, cả những tiếng động kịch tính.

Khái niệm siêu-văn-bản của lưới mạng nhện web siêu không gian của tin-học giúp giải tỏa những khúc mắc của nhiều tác phẩm tuyển-tập. Dù chưa đi sâu như chúng tôi vừa trình bày, nhưng một số nhà văn thơ Việt Nam ở hải ngoại đã có những gia-trang (webpage, website, homepage) trên hệ thống internet, hoặc do tự họ thiết trí, hoặc "ở đậu" nhà bạn : Bùi Thanh Liêm, Nguyễn Đức Bạt Ngàn, Trần Thái Vân, Luân Hoán, Quan Dương, Hà Huyền Chi, Trần Doãn Nho, Trần Hoài Thư, Trần Trung Đạo, Cao Xuân Lý, v.v. Vì một lý do hiển nhiên, các gia-trang này chưa chứa toàn bộ tác phẩm của các tác giả, nhưng nếu người đến với siêu không gian (cybernaute, internaute, ...) bấm con chuột lướt mắt nhanh cũng có thể có một ý niệm chung về nhân vật và nội dung các tác phẩm của một người viết. "Homepage" của Nguyễn Tấn Hưng là một thí dụ thú vị vì các truyện ngắn truyện dài dù người đọc chỉ xem được một phần rất nhỏ nhưng toàn bộ tác phẩm của nhà văn "hải quân" này xây dựng từ những mẫu đời tương cận, với nhiều nhân vật dù tên khác nhau vẫn nhắc nhở người đọc liên tưởng đến cùng một nhân vật, dù Tân, Hiếu, Tùng, Hùng, v.v.  thì vẫn là bóng dáng của nhà văn tên Hưng. Các truyện có thể dán liền, dính trết vào nhau hoặc có thể chồng hộp hoặc lồng vào nhau như những con búp-bê matriochkas hay những hộp trầm hương á-đông. Trường thiên tiểu thuyết Một Giấc Mơ Tiên gồm nhiều tập chương, mỗi chương như một truyện ngắn có thể phổ biến riêng rẻ; cái dây liên hệ nằm ở nội dung và nhân vật thay vì phải kết mỗi chương với câu "xem hồi sau sẽ rõ" và mở đầu chương hồi sau với "nay lại nói về..." như trong Tam Quốc Chí và các truyện Tàu xưa. Một người vào internet vài tiếng đồng hồ là đã có thể có một cái nhìn toàn diện toàn bộ sự nghiệp của một nhà văn nhà thơ! 

Mặt khác, chỉ đọc một truyện có thể người đọc chưa cảm được tâm tình tác giả, thì cũng như siêu-văn-bản đọc một đoạn chưa rõ, nhưng nếu bấm con chuột trên những phần hay chữ màu để đến những đoạn khác của một tổng thể là văn bản căn bản, người đọc sẽ hiểu hơn như đã đọc nhiều truyện của cùng tập truyện. Với người đọc, nhân vật xưng "tôi", Ba Cận Thị, thiếu uý Tân hay "ông thầy" trong các tác phẩm của Trần Hoài Thư trước 1975 như Những Vì Sao Vĩnh Biệt, và sau ở hải ngoại như ba tập truyện vừa kể ở trên dễ hiểu là một, mà nhân vật Năm Râu trong Thư Về Người Đồng Đội Cũ Sau 20 Năm Thất Lạc (Ra Biển Gọi Thầm) cũng vẫn có thể là một với đối tượng của Thư Gửi Năm Râu trong Về Hướng Mặt Trời Lặn. Anh sinh viên Hải quân tên Tần (Một Trời Một Biển), ông "trùm", hay Hiếu (Một  Giấc Mơ Tiên), Hùng (Một Đời Để Học), v.v. đều mang dáng dấp Nguyễn Tấn Hưng- chính tác giả cũng từng "khai" là "cả cuộc đời tôi nằm hết trong đó đó" khi nói về cuốn Một Lần Xuống Núi. Người lính tên Lực trong Chạy Trốn (1964) và anh sĩ quan hành quân vô xóm chị Tư trong Người Đàn Bà Mang Thai Trên Kinh Đồng Tháp viết thời Sài Gòn 1964 xuất bản trong tập truyện ngắn cùng tựa năm 1966 có thể cũng là một với viên sĩ quan đồn trưởng "đồn ba biên giới" trong truyện-vừa Đá Mục viết năm 1997 và xuất bản năm 1998 ở Nam Cali. Tưởng tượng nếu toàn bộ tác phẩm của ba tác giả Trần Hoài Thư, Nguyễn Tấn Hưng và Thảo Trường được bỏ lên liên-mạng internet, người đọc internaute sẽ thấy trên màn ảnh những chữ "Năm Râu", "ông trùm", "Hiếu", "Hưng", "đồn trưởng", ... in màu khác văn bản có thể bấm con chuột lên đó để mạng lưới chuyển lại cho người đọc những truyện khác có liên hệ đến các nhân vật đó. Trong trí tưởng nhà nhận định phê bình văn học cũng như người đọc tinh ý, những chữ in màu khác này là sự liên tưởng, là những nối kết, bổ chập lên nhau bằng trí thức, bằng tâm cảm thưởng thức.

Với cái nhìn này, toàn bộ tác phẩm của Võ Phiến, Thảo Trường, Trần Hoài Thư, Nguyễn Tấn Hưng, v.v. hiện ra như một văn bản nguyên thủy mà các truyện ngắn hay truyện-vừa như là những mảnh vụn hoặc phó bản trùng phức của cái trải dài (lineariat/linear) - như một cuộn "chỉ cảo" (papyrus). Toàn bộ văn nghiệp của Võ Phiến chẳng hạn hiện ra như một toàn-thể với những liên hệ nội tại từ nhiều tác phẩm và một liên hệ văn bản thu hẹp do chính tác giả dựng nên: những nhân vật của Bình Định, của Sài Gòn thời hậu chiến, đến chuyện và người thời kháng chiến, cách đặt tên gợi liên tưởng, ...

Cái nền trải dài là mối liên hệ giữa các truyện ngắn, mối giúp hiểu những khớp nối, dàn trận của các truyện, liên hệ nối chúng cũng như đưa chúng xa rời nhau. Mỗi tác giả có kỷ thuật văn pháp, những khớp và dàn này có hai lối: phép nhị phân, bẻ đôi cổ điển nội dung và hình thức. Những tương cận hoặc phản chiếu đề tài tạo nên chỗ neo đậu của nội dung. Cũng như nếu lấy hết những cá tính của những nhân vật xưng "tôi" trong nhiều truyện ngắn của cây viết trẻ Hồ Như, người đọc sẽ có một bức chân dung về một nhân vật, một người nữ với nhiều nét lúc rõ rệt lúc mờ nhạt và có thể đó chỉ là một nhân vật, một người thua thiệt, "thật tình" thua thiệt. Hồ Như có những nhân vật tự ti, chịu thua trước, đau khổ câm lặng, nhưng lại hay dây dưa với những mối tình hay tình huống khó khăn, ngang trái, v.v.  Một người nữ như thế quanh quẩn đâu đó ở Bắc hay Nam Cali, một địa danh dễ tìm thấy dấu vết trong các truyện ngắn của cô.  Những hoàn cảnh khác nhau, tương cận nhau, những truyện khác nhau, tức những mảnh đời khác nhau, nhưng như có cùng một đề tài, một "tự truyện" dù rời rạc! Phùng Nguyễn trong Tháp Ký Ức (1998) viết nhiều về nhiều nhân vật lúc xưng tôi lúc có tên tuổi khác nhau, nhưng khi gập tập truyện lại, các nhân vật của anh như đã cô đọng lại trong hình ảnh một người với một số cá tính và cuộc sống rõ rệt ta có thể vẽ lại thành một chân dung hay một mô hình toán học, dù nhân vật đó ở Việt Nam hay hiện đang ở trên đất Hiệp-chủng-quốc. Cậu học trò, người lính, anh chuyên viên, một người tình, một người bạn, nhiều khuôn mặt, nhưng giữa họ như có một giây dẫn điện, cả tập truyện đã là luồng điện dẫn nhiệt khiến người đọc không thể không có cảm tưởng đó!

Nói cách khác, nếu có đề tài rõ rệt như tự do, tình yêu, cái chết, ... thì dù những khuôn mặt có đa dạng, nhân vật có thay áo đổi kiểu tóc, bút pháp tương cận cũng khiến người đọc nhận ra siêu-văn-bản, cái chung và cái liên hệ. Cái nền văn hóa hiện diện trong nhiều truyện cùng một tập truyện cũng là một yếu tố khác. Toàn bộ các truyện truyền kỳ trong Lĩnh Nam Chích Quái như có Truyện Hồng Bàng làm nền, bao trùm, và toàn bộ truyền kỳ là chân dung và văn hóa nền tảng khiến cho tất cả có hồn - "hồn Lạc Việt"! Cũng như toàn bộ tác phẩm của một nhóm người như người Việt lưu vong, có những dây-mơ-rễ-má, những tình cảnh, tâm tình tương cận, nếu có thể gộp chung, sẽ là một toàn bộ nhiều tương đồng hơn dị biệt. Cùng với sự đáp ứng thuận lợi của độc giả, cùng nhu cầu tinh thần, tạo nên sự liên văn bản intertextuality: một tiếp nối về không gian và thời gian của một cộng đồng vì một lý do nào đó, đáng ra vẫn tiếp tục hay đã có một lúc bị gián đoạn, vì 1975 chẳng hạn, cái "văn học chính thống" mà có lúc ở hải ngoại đã được nói đến.

Có những tác phẩm có thể xếp chung như những bản nhạc phản chiến, các tác phẩm về cuộc chiến chống thực dân, về cuộc chiến, các tác phẩm về tù cải tạo, của thời "đổi mới", của người Việt hải ngoại, v.v. có những điểm tương đồng hoặc đặc điểm đối với người đọc vì cùng một loại diễn văn, một "sứ điệp", cùng những mốc thời gian tham chiếu, một loại diễn tiến và kết thúc, cùng một nền xã hội chính trị triết lý như nhau. Toàn bộ một "mảng" văn học nói trên thu lại, như một đại tác phẩm của một tập thể, một thời đại.

Ý niệm hypertext của tin-học giúp hiểu một văn bản, một tác phẩm, một tập truyện ngắn hay toàn bộ văn nghiệp một tác giả . Ý niệm này cũng còn có thể hiểu trong trường hợp một truyện là nguồn cảm hứng cho một hay nhiều truyện ngắn khác. Nguyễn Tấn Hưng có những truyện ngắn Trăng Mật Bến Sông trong Một Chuyến Ra Khơi, Sợi Dây Định Mệnh trong Một Đời Để Học như "nháp" cho truyện dài ra sau, Một Thuở Làm "Trùm". Hồ Minh Dũng viết truyện ngắn Tịnh Quyên trước khi quyết định viết thành truyện dài Cồn Mây (1999).

Tuy nhiên siêu-văn-bản có thể đưa người đọc lạc đường hoặc vì bấm con chuột không theo một thứ tự thuần lý hoặc những văn bản mới từ văn bản căn bản đưa người đọc đi quá xa, lạc đề cũng như những chú thích lịch sử trong một văn bản về văn học có thể đưa người đọc ra khỏi lãnh vực văn học mà lạc vào mê hồn trận lịch sử. Tưởng tượng đọc Vàng Lửa, Phẩm Tiết ... của Nguyễn Huy Thiệp, hay Sông Côn Mùa Lũ của Nguyễn Mộng Giác với đầy chú thích, dị bản, chính sử, v.v. Cũng như những truyện có hai ba kết thúc do tác giả đề ra hay chỉ gợi ý, như truyện Vàng Lửa của Nguyễn Huy Thiệp. Cái liên hệ do cùng dòng điện dẫn hay dây-mơ-rễ-má giữa các truyện thường tế nhị hoặc chỉ là hàm ẩn. Ở đây vai trò người đọc trở nên quan trọng. Chính người đọc lựa chọn kết thúc tùy hành trang văn hóa, xã hội, chính trị, tình cảm của mình, chính người đọc "giải mã" cái hàm ẩn theo ý họ (tác giả thường không lên tiếng về những bài phê bình). Chính người đọc tự tạo một siêu-văn-bản với những liên hệ mới khi hắn đọc theo hứng, trước sau. Một tập năm truyện có thể có nhiều cách đọc và cái đóng cũng có thể hiểu là đưa đến một ngõ khác, tiềm ẩn. Siêu-văn-bản tập-truyện thành hình khi viết, nhưng siêu liên hệ này chỉ chấm dứt khi đến với người đọc và nhà phê bình. Cách đọc, lúc đọc, cá nhân người đọc, ... làm nên một siêu-văn-bản có khi khác siêu-văn-bản nguyên thủy. Người chưa bao giờ đọc truyện của Thảo Trường lần đầu đến với ông qua Đá Mục, sẽ "thấy" ông thiếu úy "đồn trưởng" như một nhân vật chừng ấy thôi. Nhưng nếu người đọc ấy đã từng đọc truyện ngắn của Thảo Trường từ từ những thập niên 1950, 1960 sẽ nhận ra dây-mơ-rễ-má với những nhân vật tương cận như Lực, như ông đồn trưởng: cũng tâm hồn phản kháng, cũng bứt rứt siêu hình thượng đế-con người, cũng tư cách khác người, ... Tất cả nhập lại sẽ chiếu rõ nét một nhân vật có xương có thịt thời mới ra trường Võ bị nay già đi thành "ông lão" về hưu bên vợ và con cháu trong Đá Mục.

Trong chiều hướng siêu-văn-bản, một tập truyện cũng chỉ là một tác phẩm "mở" mỗi kết truyện như cần bổ khuyết, có thể cập nhật bất cứ lúc nào. Tập-truyện là một tác phẩm văn chương trở thành một hệ thống gồm nhiều liên hệ nối các truyện thành một tác phẩm "đặc" nhưng không khép kín. Các hệ thống ngữ ý, ngữ thanh hiển nhiên hay hàm ẩn trong lòng mỗi truyện, các hệ thống đó bảo đảm sự kết hợp của toàn tập. Việc đọc, thưởng thức đưa đến cho tập truyện một siêu-văn-bản mới, một cái nhìn mới, một ý mới, có khi chỉ là khoảnh khắc, có khi ở lại lâu với nhiều thế hệ độc giả. Mỗi truyện ngắn là cái hữu hạn của một kinh nghiệm văn chương trong khi kinh nghiệm này là toàn bộ tác phẩm của mỗi tác giả.

 

Hiện tượng truyện thật ngắn

Hiện tượng lão hóa trong văn chương gần đây được bàn đến trên một số tạp chí hải ngoại theo thiển ý không chỉ ở tuổi tác độc giả và tác giả, không chỉ ở nội dung đa phần cứ chuyện xưa ngày cũ rỉ rả. Hình như trong văn hóa người Việt chúng ta "quen" tự lão hóa sớm; trong văn chương chẳng hạn, phụ nữ 30 đã bị nhiều người viết gọi là "mụ". Và có thể có những dấu chỉ khác. Cuộc sống mới của con người ở những năm gần đây đã đẩy đưa đến sự thịnh hành của những thể loại như truyện-thật-ngắn vẫn xuất hiện đều trên các tạp chí trong cũng như ngoài nước, cũng như trong giới văn học thế giới. Truyền hình, video, CD, DVD, internet, v.v. cũng như những hình thức truyện đọc audio cassette, tiểu thuyết video đã khiến người ta bớt hoặc hết đọc sách báo in. Sáng kiến của Gutenberg từ năm 1434 đã phổ thông văn hóa đến với mọi người thay vì chỉ là độc quyền của một giai cấp, thì nay phương tiện này đang bị mất vị thế quan trọng. Nói đến tàng thư, văn khố trước ai cũng nghĩ đến kho sách khổng lồ, thì nay đã và đang trở thành một màn ảnh monitor nối với một máy điện toán dân chủ bình thường ai cũng có thể xử dụng. Nếu truyện thơ audio cassette khởi đầu là một bù đắp cho tình cảnh khiếm tật và là phương tiện văn hóa của người mù thì nay chúng sẽ "mù lòa hóa" người-đọc - một đề tài mà nhà văn Jose Saramago giải Nobel văn học 1998 đã triển khai cho xã hội con người nói chung trong tác phẩm Ensaio Sobre a Cegueira (1995) của ông: người mù là những người sáng bị lòa, một hình ảnh mà Dương Thu Hương đã có thời xử dụng trong Những Thiên Đường Mù: "thiên đường" chỉ hiện hữu với những người "mù" thật sự, một thiểu số ưu đãi, vì con người bình thường trong xã hội đó đều thấy cái thiên đường đó đầy hủ hóa, rác rưới, xa cái địa đàng vẽ vời xúi dại! Các băng truyện thính thị dù sống động đã làm mất ý nghĩa đích thực của văn chương tĩnh mặc và cùng với TV, nghệ thuật thứ tám, đã lần hồi hạ thấp giá trị của chữ viết và trình độ văn hóa người dân nói chung, như đã từng xảy ra với những phim ảnh phóng tác và "giết" tác phẩm viết: những trường hợp L'amant của Marguerite Duras - chưa kể đến ấn phẩm viết xuất hiện sau và viết theo phim ảnh nhất là ở Hoa kỳ.

Khoa học kỹ thuật tiến bộ đã khiến con người ở cái buổi giao thời của thế kỷ và thiên niên kỷ mới như phải đương đầu với nhiều cái mới, ngắn, gần, "đoản" trong cuộc sống hơn là những thường hằng, vĩnh cửu. Kinh tế, thông tin thì theo trào lưu toàn cầu hóa. Không gian rút ngắn, con người gần nhau hơn và nhanh hơn, kể cả tình yêu ở chốn siêu không gian internet cũng nhanh đến chóng đi (nhưng cô đảo cách biệt càng nhiều hơn); biên giới trong ngoài nước cũng mất dần đi! Điện thoại thay thư từ, điện thư thay điện thoại, nếu George Sand, Collette, Emile Zola, v.v. sống thời nay đã không có những tập Correspondances dày cộm. Xướng ngôn viên truyền thanh rồi truyền hình đã như đọc thế con người tin tức, chuyện bốn phương. Rồi kỹ thuật audio-cassette, rồi những "nghệ thuật thứ bảy", "thứ tám" đã tương đối vô hiệu hóa văn chương thế nào thì phương tiện internet và điện toán cũng đã biến văn chương thành sản phẩm cấp thời, ngắn, vội! Chưa kể đến những phong trào "siêu-tiểu-thuyết" (surfiction) của thập niên 70, một kỹ thuật thu góp những mảnh truyện từ truyền hình, phim truyện, v.v. cấu thành truyện như tranh cắt dán cũng từng là kỹ thuật của nhiều họa sĩ cùng thập niên ở miền Nam Việt Nam. Tuy vậy, văn chương vẫn tồn tại, có thể âm thầm hơn, với những phương tiện "chiến lược" như truyện-thật-ngắn, sinh ra từ những mới, ngắn, gần, "đoản" nói trên!

Truyện-thật-ngắn gây hiện tượng từ hơn thập niên qua, nhưng cũng không thật sự mới! Truyện cổ tích, truyện tiếu lâm, ngụ ngôn, trăm truyện liêu trai của Bồ Tùng Linh cũng như những bài hài-cú, những truyện 15 hàng như Novellino hay truyện Ise thời Yamato của Nhật, v.v. đã mang hình thức truyện-thật-ngắn. Ở Âu-châu vào thế kỷ XV có những truyện ngắn dài hai hoặc ba trang. Hơn 150 năm trước, nhà văn Đan-mạch Hans C. Anderson nổi tiếng về truyện thần tiên và trẻ em, cả nhà văn Nga A. Tchekov (1860-1904) cũng có nhiều truyện ngăn ngắn 2 hoặc 3 trang. Ở Việt Nam, Nhất Linh rồi Nam Cao đã từng viết những truyện khá ngắn, 4 và 5 trang. Nhưng xét kỹ thì hình như tất cả không có cái hình thức của truyện-thật-ngắn của hôm nay. Từ ngữ "truyện-thật-ngắn" là để dịch những từ brevissimo, short short story hay very short fiction / story "cực đoản thiên tiểu thuyết / tiểu tiểu thuyết". Tuần-báo Nghệ-Thuật ở miền Nam Việt Nam từ giữa thập niên 1960 đã đăng những "truyện-ngăn-ngắn" như Cầu Thang và Chơi Cờ Ca-Rô (4) của Thạch Chương. Trong nước gần đây, báo Văn-Nghệ gọi chúng là những "truyện ngắn mini" và Hội Nhà Văn Việt Nam khi xuất bản các truyện dự thi lại gọi là "truyện-rất-ngắn" (5). Nhà văn Nguyễn Văn Sâm đưa ra từ "truyện cụt" trong bài "Truyện Ngắn Là Gì?" viết năm 1992 đã đưa ra nhận xét "loại này chưa được xếp vào thể loại văn chương thật sự, ít nhất là trong những sách giáo khoa hay các tuyển tập có giá trị vì không đủ yếu tố đem đến thú vị cho người đọc" (6). Tạp chí Văn Học (CA) năm 1997 (7) có đăng 3 "truyện thật ngắn" của Kinh Dương Vương và 3 truyện của Hoài Mỹ nhưng lại ghi là "truyện ngăn ngắn". Đúng ba năm sau, trong số tháng tư năm 2000 (8) tạp chí này lại đăng 10 "truyện rất ngắn". Ba từ mà tạp chí văn học này dùng có thể có một sự phân biệt nào chăng? Riêng từ "đoản văn" thường được dùng để chỉ những bài tùy-bút hay tạp-ghi ngắn, một thể loại "ký" "ngắn" ! Trên cùng tuần báo Nghệ-Thuật vừa nói cũng có mục "đoản văn của nhiều người viết", một loại sổ tay văn học !

Thường truyện-thật-ngắn dài 3, 5 trang nhưng cũng có khuynh hướng triệt để một trang hay nửa trang. Truyện thật ngắn có lúc trở thành thời thượng, với những cuộc thi như cuộc thi truyện thật ngắn dưới 1000 "âm tiết" do tạp chí Thế-Giới Mới ở trong nước tổ chức năm 1994 hoặc giải truyện thật ngắn phát giải ngày 26-10-1997 do tuần báo Vietnam Weekly News ở Dallas (Texas) tổ chức (9). Thậm chí có tạp chí như Kiến Thức Ngày Nay trong nước mở mục "truyện dưới 100 từ" ! Văn xuôi mà lại như muốn vô lại khuôn ... thơ luật! Ngoài hình thức, cái khác của truyện-thật-ngắn thời đương đại là chúng có một nội dung "đặc sắc" của hôm nay. Truyện xưa thường đưa ra một thái độ sống phổ quát, một bài học chung chung, thì truyện-thật-ngắn tự do hơn, tùy tác giả, thường đưa ra một kinh nghiệm hoặc một thái độ sống riêng tư, bất chợt. Những truyện cổ tích, ngụ ngôn, ... thuộc thế giới thần tiên, siêu nhiên, trong khi nhiều truyện-thật-ngắn gần với cuộc sống thường nhật, thực tế, những mẩu đời, những dở dang, những chuyện tình, những suy nghĩ về một biến cố, sự việc, vv. Nếu truyện cổ, truyện kể thường được xem là những chuyện dễ dàng, dễ tin, thì truyện-thật-ngắn văn chương hơn, đòi hỏi kỹ thuật, bút pháp, "bác học" hơn. Tuy nhiên sự phân biệt này cũng có trục trặc.

Nếu truyện ngắn có biên giới thực-mộng rõ rệt với truyện Cổ tích, thì không khí nhiều truyện-thật-ngắn chịu ảnh hưởng của truyện cổ tích, như một trở-về. Với đơn sơ, huyễn hoặc! Sự cô đọng, "vô ngôn" để đa ngôn, thẩm thấu lâu. Nhiều truyện-thật-ngắn của Borges, Cortazar, Marquez ở trong loại này. Một tổng hợp mới của truyện xưa và truyện ngắn, của thần tiên và thường nhật. Mười đoạn gọi là "mười truyện trong bản nhỏ" của truyện Những Ngọn Gió Hua-Tát (10) của Nguyễn Huy Thiệp, Đường Tăng của Trương Quốc Dũng (11), v.v. thuộc hệ truyện-thật-ngắn này. Họ đã xử dụng thể loại truyện xưa hay thần tiên, phải chăng để phản ứng lại thời đại? Hay chỉ là những biểu tỏ những hoài cổ hoặc vô vọng, mù tối trước tương lai? Đường Tăng của Trương Quốc Dũng trong khoảng 700 chữ, dù bị "xuyên tạc" có dụng ý chính trị, đã thành công vẽ lên cho người đọc thấy cái biên giới của Người và Phật và cái hạnh phúc làm người. Nếu so sánh với Con Thằn Lằn Chọn Nghiệp (12) của Hồ Hữu Tường cũng một ý về nội dung, sẽ thấy rõ sự khác biệt giữa truyện-thật-ngắn và truyện ngắn, một bên khải thị chớp nhoáng, một bên lập ngôn!

Thời ở trong nước, Phạm Thị Hoài đã viết một số truyện thật ngắn in trong tập Mê Lộ (13): Kẻ Giết Ý Nghĩ chỉ là dăm ba tư duy thụ động, trong hơn hai trang. Người Suy Tư tiếp theo vẫn là những ý tưởng hướng nội trong phút giây. Cũng như Người Tốt Bụng, cái tựa đã nói hết một nội dung chưa đến hai trang khổ nhỏ. Nhưng Võ Phiến là người đã xuất bản tập truyện thật ngắn toàn tập đầu tiên: cuốn Truyện Thật Ngắn (14). Ngoài một vài truyện như Thằng Bé, Cô Áo Đen, Bố Khỉ, Em Đây là có kỹ thuật truyện-thật-ngắn hiện đại, các truyện khác trong tập này như Buổi Sáng Giữa Đồng, Ông Năm Chéo, Thực Chất, Làm Một Cái Gì, Tôi Nhiều Đứa, v.v. đều không khác những truyện ngắn "dài" hơn của ông từ những thập niên 60, 70. Lại có truyện gần với thể đoản văn hơn, như Em Đây, một loại tùy bút, vốn là sở trường của ông. Có thể nói phần lớn các truyện thật ngắn của ông là những tư duy chợt đến của một người đã sống nhiều trong đời, trong văn chương, với những quan sát, dí dỏm, những cái ngắn ở các nhân vật.

Nếu Trương Quốc Dũng nỗi tiếng với Đường Tăng thì Phan Thị Vàng Anh có Hoa Muộn, cả hai đồng thắng giải nhất cuộc thi truyện thật ngắn dưới 1000 chữ nói trên của tạp chí Thế Giới Mới. Trong hai tập truyện Khi Người Ta Trẻ (15) và Hội Chợ (16), Phan Thị Vàng Anh có những truyện thật ngắn như Khách Đêm kể chuyện thăm viếng vội vàng vào một đêm mưa gió, viếng người chết với những lời hứa của một xã hội. Những vội vàng và bất khả cảm thông cũng như nhiều nghi vấn. Hoa Muộn : Tết, hoa mai nở muộn giữa một khu vườn đầy lá rụng không ai nhặt từ mùa Thu. Động tác hiếm hoi hay nhân vật lười biếng? Nhưng truyện-thật-ngắn đặc sắc của tác giả đang lên (lúc bấy giờ) này là truyện Đất Đỏ. Trong truyện này, tác giả đã soi rọi những mảnh đời và tâm tình dồn nén, bi đát của một số người ở vùng đất cao-su khó khăn. Cái bi đát và phi lý luôn chực đến!

Ở ngoài nước, tập Dưa Cà Mắm Muối (17) của Hà Thúc Sinh gồm 12 truyện rõ ngắn trong gần 110 trang nhỏ, trong đó truyện Cư Sỹ đặc sắc hơn cả, gói ghém trong hơn ba trang - tác giả đã viết về diễn tiến lão hóa, cảm giác cũng như tư duy, của cụ Đạo, một quản thủ thư viện bất đắc dĩ ở xứ người. Hai truyện Lịch và Phượng của Kinh Dương Vương trong số Văn Học (4) đã dẫn, mỗi truyện dài nửa trang, có thể tác giả nghĩ đã đạt cái đích ở chữ cuối truyện! Riêng những "truyện thật ngắn" trên tạp chí Văn Học gần đây (7) có những truyện thật ngắn, bất ngờ như Giận của Thu Thuyền: nhanh như một hậu quả, một phải-đến-đã-đến, dù nguyên do có thể đã khởi từ một thời khắc trước đó không lâu. Nhiều tạp chí vẫn thường đăng những truyện gọi là truyện thật ngắn, chỉ chung cái ngắn, còn thì đủ loại kỹ thuật!

Như vậy truyện-thật-ngắn có những đặc tính chính xác về nồng độcường độ. Ngắn, gọn, tốc độ, không có chữ thừa, nhanh chóng đi tới cái đích! Nếu truyện-thật-ngắn mất đi bề dài lãng mạn và tư duy thì ngược lại, người đọc chờ đợi thể loại này giàu những đặc tính bề sâu. Trong truyện-thật-ngắn, tác giả của nó đắn đo mỗi chữ hơn. Văn bản đãi lọc, cẩn trọng, chính xác, bóc trần như phải đương đầu với chính văn chương. Truyện-thật-ngắn là văn chương vì là một lựa lọc kỹ lưỡng những yếu tố tình tiết diễn tả, kỹ thuật, giọng văn. Mạch lạc hơn, kết không xa khởi đầu là mấy, có khi không cả kết. Truyện-thật-ngắn thành công hay không là ở những chỗ trống, chỗ nổi, những chỗ hở, những đi tắt thiết yếu. Hình như truyện-thật-ngắn thời đương-đại đã bỏ quên cắt nghĩa, nguyên do, tâm lý. Nhân vật thì như người trốn tránh, những kẻ qua đường không quá khứ, không dây-mơ-rễ-má, những bóng dáng thật mờ nhạt, những bóng ma trục trặc với thế giới bên kia. Nhân vật nhiều khi không rõ nét, thường vô danh. Có truyện chỉ có bí danh và đại danh từ thay vì tên tuổi rõ rệt. Tên những vai chính hết quan trọng. Nhà văn như sợ mô tả, thời gian và không gian có nhắc đến cũng thoáng nhanh. Đối thoại, chân dung, miêu tả, v.v. thường trở nên vắng mặt. Phải chăng chỉ còn lại biến cố nguyên thủy, cái nhìn, cái chủ quan hay khách quan thuần túy? Hình như truyện-thật-ngắn thích sự câm lặng hơn là những âm bản mà người viết đã hãi sợ!

Lại có những truyện-thật-ngắn như những trực diện, đối đầu. Lúc Bé của Kinh Dương Vương (4) từ những cắt nghĩa bao dung của người mẹ và sự hiểu đời qua kinh nghiệm sống của đứa bé, tác giả đã nêu lên một triết lý làm người! Truyện Đường Tăng thật có "sứ điệp" chính trị nào không, hay chỉ là những ý tưởng nhân bản? Mà con người sống cho ra con người hình như đã đụng chạm đến chính trị! Võ Phiến trong Em Đây trước sự hờ hững của con người, thời đại, đã nghi vấn về sự trường tồn của những cái lâu dài như văn chương. Bến Lú của Đồng Thảo là thảm kịch làm người của một số người một bến sông, mà lại như một bức tranh tối thu hẹp của hơn một thế hệ.

Ngắn gọn, có những truyện-thật-ngắn đến gần thi ca nhất là thơ văn xuôi hơn là truyện, ở cách dùng văn, vần, ngắt câu, xuống hàng, hoặc ít hành động. Nhiều truyện thật ngắn cho người đọc cảm tưởng chúng có một thi pháp nào đó. Truyện Đường Tăng triết lý và gần thi ca, như có hồn và âm điệu riêng, trong một nghịch lý là nhân vật Đường Tăng của tác giả trẻ này người hơn là của Tây Du nhiều huyền hoặc thêu dệt. Trương Quốc Dũng tự "lão hóa" trong khi Phan Thị Vàng Anh đã nhẹ nhàng tinh nghịch với chữ nghĩa!

Truyện-thật-ngắn đặt nền trên giây phút hiện tại, nhắm sự thông hiểu, nối kết những lãnh vực tạm bợ với các thực tại tuyệt vời. Cái hồi hộp, đặc sắc được giản đơn, bất ngờ hóa. Tóm, những câu ngắn, những tựa đề phân tâm, chiến thuật cắt đứt và đổi chỗ, nhắm tránh những cái đương nhiên và khước từ những mẫu mực có sẵn. Truyện-thật-ngắn có khi không hẳn phải xoay quanh một nhân vật, sự việc, và cũng không hẳn phải có chuyện để kể. Trên tạp chí Văn Học đã kể (7), Một Ngày Và Buổi Sáng Hôm Sau của Phùng Nguyễn xoay chung quanh cái tưởng là cái cớ nào đó, với những chi tiết thật ra cũng chỉ là những tiếp nối của dòng đời; còn truyện Vành Khăn của Y Chi thì đúng là một thoáng mơ!

Có thể ví truyện-thật-ngắn với những bức tranh thủy mặc, bằng mực tàu, hoặc tranh nước, chất liệu đi với nước di động, ánh sáng đưa pha trộn đến, tràn ngập, với những bất ngờ đưa đến những kết cục như kết quả của vô thức. Sáng tác cái mới từ những yếu tố của vô định (nước, màu, ...) với ý thức, dù sao kỹ thuật tranh nước có những đòi hỏi riêng. Cái mà người họa sĩ đạt được, thành công đạt đến, cũng tương tự như cái mà người viết truyện-thật-ngắn đạt đến. Người họa sĩ trong truyện-thật-ngắn Oval Portrait (18) của Edgar Poe khi đạt tới đỉnh nghệ thuật, khi ông nhập thần, đạt "đạo", khi đã "nhìn thấy" màu sắc và sự sống động của cuộc sống, ông đã quên hẳn ngoại cảnh và người mẫu "đáng phải là" những yếu tố tạo thành tác phẩm của ông - người mẫu, cũng là người vợ yêu dấu của ông, đã chết tự bao giờ! Họa sĩ Võ Đình có lần đã dùng hội họa để nhìn văn chương: ông chứng minh một tác giả có thể có cái "nhìn và thấy" như một họa sĩ, cái "nhìn và thấy" có thể làm động tâm cảm người đọc (19). Trong ngôn ngữ latinh, động từ "nhìn" (voir, ver, vedere) đã bao gồm ý nghĩa trí thức của tác động "thấy"! Chúng tôi lạm ví với tranh nước vì truyện-thật-ngắn cũng có những yếu tố tạm bợ, tình cờ, ngắn ngủi, đang-thành. Truyện thật ngắn dễ cho người đọc cái nhìn toàn diện, như cái thú nhìn-và-thấy của hội họa, một hạnh phúc chợt đến, dễ đến. So truyện-thật-ngắn với truyện-vừa hay dài, thì cũng như so sánh tranh mực Tàu, tranh nước với tranh sơn dầu - đường nét và chất vẽ, một bên nhanh vẽ nhanh khô, bên nhanh kết cục bên phải bố trí lâu dài! Dù gì thì truyện hay hội họa đều đòi hỏi một nghiêm nhặt trên nền trắng và cũng khởi từ một cái khung.

Truyện-thật-ngắn có thể có những hiểm nguy như giản lược và nhại văn. Hành động thống nhất, thu gọn, ngắn gọn, như một bi kịch nhỏ thoáng qua, một bài báo không lý luận, một bản tin trên báo chợ. Viết thật ngắn, rõ là làm một cái gì khác, khác với truyện, với tiểu thuyết. Ngắn gọn, rập mẫu nhưng tiết kiệm phương tiện. Những đối thoại và diễn tả ngắn gọn như muốn bỏ rơi sự có thể gọi là hoang phí lãng mạn, mặt khác bỏ rơi những hiểm nguy của sự ngắn gọn, một ý niệm tương đối, liên hệ đến số lượng nhưng cũng cả về phẩm chất, kỹ thuật. Một kỹ thuật bỏ hàng ngang mà đi nhanh, tiến theo bề dọc hay chiều sâu. Kỹ thuật quên, cố tình quên những cắt nghĩa, biện luận. Rồi những sự kiện, diễn tiến sẽ đến và không hẳn phải hợp luận lý đương nhiên, bình thường! Phải chăng đây cũng là những "chất điện tín" và "văn thông tấn" mà Trần Đăng Khoa nói đến trong Chân Dung Và Đối Thoại (1998) khi ông bàn về truyện của Nguyễn Khải? Nơi Ẩn Náu của Hoàng Chính (7) cũng có cái "văn thông tấn" này dù đã lồng trong một không khí thật văn chương!

Truyện-thật-ngắn hình thức ngắn gọn nhưng thành công không chỉ ở ngắn gọn, mà còn phải có nội dung, một bút pháp, ngay cả nếu không có những thứ này thì cũng phải một dư vị tinh thần, một cái gì đó để lại. Đất Đỏ của Phan Thị Vàng Anh hay Bến Lú của Đồng Thảo đều dao động người đọc và để lại ít nhiều dư âm. Các truyện-thật-ngắn của Phạm thị Hoài và Phan Thị Vàng Anh cũng như nhiều người viết khác không phải tất cả đều hay. Đã vậy, truyện-thật-ngắn khó đứng một mình được mà phải được chọn đặt vào một tập-truyện.

Truyện-thật-ngắn nói cho cùng là một diễn văn rời rạc, chỉ đặt nặng ở một số ít yếu tố, khoảnh khắc, phúng thích nhẹ qua thay vì toàn thể, lâu dài và đứng đắn. Đặt bên cạnh những thể loại tiểu thuyết, thi ca, thì truyện-thật-ngắn như là một hoài nghi sâu xa vội đến mà có thể có tính cách triết lý, siêu hình, như một bài thơ tứ tuyệt ngũ ngôn. Truyện-thật-ngắn như một ẩn dụ của một tra hỏi không ngừng, tra hỏi đến khi hết cần tra hỏi, hoặc không còn văn chương !

Cái làm cho truyện-thật-ngắn là một tác phẩm nghệ thuật vừa ở nội dung vừa ở hình thức, bút pháp, ngôn ngữ xử dụng về phía tác giả và khả năng thẩm mỹ, khả-xúc, thẩm thức về phía người đọc; nếu không, truyện-thật-ngắn chỉ là một bản tin ngắn. Cái khác là tác phẩm đã làm-văn và nhắm mục đích nghệ thuật với đối tượng là người đọc qua hình ảnh, ý tưởng. tác giả cũng như người đọc phải vận dụng tưởng tượng, phải dùng ý hướng để lãnh hội, thẩm định, thưởng thức. Tức là, gói cái vô hạn, không biên giới vì đòi hỏi tưởng tượng,... trong cái hữu hạn của truyện-thật-ngắn!

Hai thập niên qua, xã hội Việt Nam trong cũng như ngoài nước đã bị đủ giao động và đảo lộn giá trị văn hóa, xã hội và văn chương, có thể thể loại truyện-thật-ngắn như một ý chí muốn gián đoạn với quá khứ đau thương, chuỗi dài lịch sử, với mọi ý thức hệ rồi ra cũng chỉ là đường cùng chăng? Một thử nghiệm cho tâm thức chung, một tâm thức đam mê trong cuộc chơi lớn, liên tục? So với thể loại truyện ngắn, các truyện-thật-ngắn sau hơn 10 năm hiện diện đã không có được nhiều "tuyệt tác", người đọc hãy còn chờ đợi nhưng đã có cảm tưởng chuyến tàu đang đi qua ... ! Trong nước hiện tượng đếm chữ tính tiền tác quyền ảnh hưởng không ít đến sự phát triển của thể loại truyện (ép buộc) thật ngắn; trong khi ở hải ngoại, có những cây viết có thể xem là đặc sắc khi viết truyện ngắn nhưng khi thử nghiệm qua thể truyện thật ngắn thì tỏ ra ... bất cập!

Truyện-thật-ngắn là một thể loại văn chương đòi hỏi tác giả có ý thức sáng tạo: chân trời mới, kỹ thuật mới, một thẩm mỹ học mới, dĩ nhiên với ý thức. Truyện-thật-ngắn có tương lai với văn học Việt Nam đương đại không? Có thể nói nếu phong trào "tiểu thuyết mới" (nouveau roman) đã "xáo trộn" thể tiểu thuyết thế nào thì truyện-thật-ngắn cũng có thể làm lung lay thể loại truyện ngắn thế đó! "Tiểu thuyết mới" đã là một kiếm tìm văn chương trong thể loại thì truyện-thật-ngắn là một thử nghiệm cho một lối thoát tinh thần bị bủa vây bởi kỹ thuật và những đoản vận của cuộc đời (20). "Tiểu thuyết mới" như tiên đoán một thời đại bất khả cảm thông, đầy bất trắc, trong khi truyện thật ngắn thu gọn hy vọng còn sót lại và đưa ra một diễn văn máy móc, vội vàng.

Truyện-thật-ngắn đã là một hiện tượng, một nỗ lực tách rời tinh thần hệ thống và độc đoán của văn chương và cuộc sống. Một cố gắng làm đổ vỡ những yếu tố tưởng tượng và tiểu thuyết của văn bản! Truyện-thật-ngắn có đó như để đặt nghi vấn, như để nối kết những thơ mộng vụn vặt, những gián đoạn, ở một thời đại khủng hoảng các giá trị, kiến thức, của những sở đắc tưởng vĩnh cửu thật ra đang lung lay. Truyện-thật-ngắn thời nay như nối kết thực tại với những khoảnh khắc cực lực, đồng thời đi tìm những ý nghĩa và giá trị tiềm ẩn. Ngắn gọn như một tổng hợp bất khả thi, hình ảnh của một kiếm tìm không thể đến gần. Có thể xem truyện-thật-ngắn là phản diện hay cứu tinh cho văn học? Phải chăng truyện-thật-ngắn là một trong những bề nổi của tâm trạng con người ở cuối một thiên niên kỷ - con người bí lối, bi quan, đi tìm chính mình. Không mạnh và phổ biến như những phong trào văn học khác, lời tiên đoán của nhà văn Nguyễn Văn Sâm nói trên đã thành sự thật? Phải chăng rồi ra truyện thật ngắn cũng chỉ là một "hiện tượng" văn chương của con người hôm nay? Nếu cuộc đời cũng như văn chương là một kiếm tìm theo chiều dài thời gian thì tác phẩm là một hành trình lâu dài, trong đó truyện-thật-ngắn là những bước nhỏ, thường ngập ngừng, nhưng cũng có thể dứt khoát!

Càng về cuối thế kỷ dù thể loại ngắn nào thì con người dần trở thành tâm điểm của tác phẩm, con người nhất nguyên nhưng đa dạng, tốt xấu, ... Việc làm của tác giả là đi tìm bề sâu con người, cái cất dấu, che kín. Với tư duy, kinh nghiệm sống của tác giả. Với ngôn ngữ của tình và xúc cảm!

Từ thời Aristote, ý niệm thể loại  đã nhiều lần thay đổi theo thời gian, có khi theo tiêu chuẩn hình thức, có khi từ nguyên như đối tượng. Thể loại hiện nay đa dạng và phức tạp, nhưng rồi bốn thể loại chính thường được phân biệt: thi ca, tiểu thuyết, kịch và nghị luận. Ý niệm văn bản (text) của R. Barthes và nhóm Tel Quel vẫn không  vật ngã được các thể loại vừa nói. 

Chú-thích :

1.    Phỏng vấn của Nguyễn Mạnh Trinh. Văn  CA, 163, 12-1996. In lại trong Đá Mục (Westminster CA:Đồng Tháp, 1998), tr. 132.

2.    Những Truyện Ngắn Hay Nhất Của Quê Hương Chúng Ta; 20 Năm Văn Học Miền Nam. Sài Gòn : Sống, 1974, tr. 541, 135, 175-6.

3.    Khởi Hành b.m., 5, 3-1997.

4.    Nghệ Thuật, 1, 1-10-1965; 2, 8-10-1965.

5.    40 Truyện Rất Ngắn. Thành phố Hồ Chí Minh : Hội Nhà Văn Việt Nam, 1994.

6.    Văn Học CA, 79, 11-1992, tr. 6.

7.    Văn Học CA, 132, 4-1997, tr. 89-92, 103-107.

8.    "Mười truyện thật ngắn". Văn Học, 168, 4-2000, tr. 50-62.

9.    Truyện trúng giải nhất là truyện Bến Lú của Đồng Thảo. Tạp chí Phố Văn TX đăng lại, 6, 1-2001, tr. 27.

10.  Nguyễn Huy Thiệp. Như Những Ngọn Gió. Hà Nội : Văn Học, 1995, tr. 432-472.

11.  Giải nhất đồng hạng giải Thế Giới Mới năm 1994, in trong 40 Truyện Rất Ngắn, sđd.

12.  Tuần báo Mới, 28 (16-5-1953), in lại trong Nợ Tinh Thần (Sài-Gòn: Tân Sinh, 1965), tr. 82-90.

13.  TpHCM: NXB Tổng hợp Phú Khánh, 1989. 166 tr., 20 truyện.

14.  Wesminster (CA): Văn Nghệ, 1991. 123 tr., 12 truyện.

15.  TpHCM: Hội Nhà Văn, 1993. 112 tr., 18 truyện.

16.  TpHCM: Trẻ, 1995. 118 tr. 17 truyện.

17.  Los Angeles: Văn Mới, 1996.

18.  Truyện hơn 2 trang, trong tập The Complete Tales and Poems bản Vintage, NY, 1975, tr. 290-293.

19.  "Võ Phiến: Nhìn Và Thấy". Văn Học, 150-1, 10&11-1998, tr. 21-32.

20.    Michel Butor. "Le roman comme recherche" p. 9 in Essais sur le roman (Paris: Minuit, 1960).

 

6-1999

 

Nguyễn Vy Khanh
Số lần đọc: 6740
Ngày đăng: 29.07.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Thơ Đường Luật Trong Dòng Chảy Của Thơ Việt Đương Đại - Bùi Công Thuấn
Người Lính Trong Truyện Trần Hoài Thư - Nguyễn Vy Khanh
Trung-Quốc Thế Kỷ 21 - Nguyễn Vy Khanh
Vốn xã hội, nguy cơ phá sản? - Nam Dao
Triết học cách mạng cho khoa học - Lê Hải*
Thơ Du Tử Lê - Nguyễn Vy Khanh
Thế-kỷ tiểu-thuyết 1 - Nguyễn Vy Khanh
Thế-kỷ tiểu-thuyết 2 - Nguyễn Vy Khanh
Các nhà văn nói về Môn Văn. - Yến Nhi
Triết học đại học - Lê Hải*
Cùng một tác giả
Thơ Du Tử Lê (tiểu luận)
Thơ Hôm Nay (phê bình)
Lục Bát Huy Tưởng (nghệ thuật)