Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.193
123.210.301
 
Một tên giết người ở thiên đường: bên trong những cuộc tấn công ở Na Uy
Hiếu Tân

William Boston, TIME, 23/7/2011

http://www.time.com/time/world/article/0,8599,2084835,00.html

 

 

Anders Behring Breivik: kẻ tấn công một mình, trù liệu kỹ lưỡng

Ảnh Scanpix Sweden / Handout / Reuters

 

Trong giây phút bi thảm của dân tộc, nhân dân có xu hướng kết cụm lại với nhau. Bản năng này – cái nhu cầu cộng đồng tập hợp lại để an ủi lẫn nhau trong một thời điểm chấn động và nỗi đau tập thể, là vũ khí thâm độc nhất của Anders Behring Breivik  trong kho vũ khí mà hắn mang vào hòn đảo nhỏ Utoeya, một vùng cây cối um tùm nằm ẩn dật trong hồ Tirifjord, cách Oslo khoảng một tiếng đồng hồ xe chạy.

 

Breivik, một gã Na uy 32 tuổi điển trai với đôi mắt xanh, tóc vàng cắt ngắn, đến bên bờ hồ ăn mặc như một sĩ quan cảnh sát Na Uy. Trước đó mấy giờ,  một chiếc xe chở bom mà cảnh sát tin rằng do Breivik gài và cho nổ giữa lòng trụ sở chính phủ Na Uy đã chạy hết tốc lực qua khu vực đó, giết ít nhất bẩy người và làm bị thương nhiều người khác. Bây giờ dường như vụ đánh bom Oslo là một sự đánh lạc hướng của kẻ giết người, một sự lạc hướng được tính toán trước tỉ mỉ. Một âm mưu rõ ràng nhằm vào Thủ tướng Na Uy Jens Stoltenberg, lúc đầu được cho là của bọn Hồi giáo cực đoan, đã kìm chân đội chống khủng bố ở Oslo trong khi Breivik chạy xe đến Utoeya. Hắn đưa ra tờ chứng minh của hắn – là giả nhưng khá giống đủ để qua mắt những người bảo vệ ở hồ. Và họ vẫy tay cho hắn đi vào. "Hắn ra khỏi xe và chìa giấy chứng minh, nói hắn được cử đến để kiểm tra an ninh, rằng đó chỉ là công việc thường lệ liên quan đến vụ tấn công khủng bố [ở Oslo],"  Simen Braenden Mortensen, một trong những người gác trại, kể với tờ Verdens Gang. "Tất cả mọi thứ trông có vẻ ổn, và người ta gọi một chiếc thuyền đến, và chở hắn sang đảo Utoeya. Mấy phút trôi qua, rồi chúng tôi nghe tiếng súng nổ," anh ta nói.

 

Khi tới đảo, Breivik thấy mọi người đang hối hả đi vào ngôi nhà chính của khu trại. Một số đang khóc, họ nắm tay nhau bước đi, khi cố hiểu những cảnh tượng tàn phá đang tràn ngập màn hình TV sau vụ đánh bom Oslo, mà lúc đó được mô tả như ngày 11/9 của Na Uy.  Những người khách trên hòn đảo này có lý do đặc biệt để choáng váng về sự kiện ở trụ sở chính phủ ở Oslo. Đã từ lâu lắm rồi, hằng năm cánh trẻ của Đảng Lao động Na Uy tập hợp ở đây. Được thành lập năm 1887, Đảng Lao động Na Uy là chính đảng lớn nhất, và nó là lực lượng chính trị chủ yếu của đất nước kể từ Thế Chiến II, chỉ nhường chính quyền cho Đảng Bảo thủ một thời gian ngắn. Tập trung tại khu trại của cánh trẻ Đảng Lao động là những lãnh đạo tương lai của đất nước, những con em tuổi thanh thiếu niên của giới tinh hoa đương quyền. Những người chứng kiến nhớ lại, lúc Breivik đến ngôi nhà chính, thì đã có khoảng 80 người đổ về đấy. "Chúng tôi tập trung mọi người về ngôi nhà chính để thảo luận về chuyện gì đã xảy ra ở Oslo," một thiếu niên 16 tuổi sống sót tên là Hana kể với tờ nhật báo Aftenposten của Oslo.

 

Breivik trong bộ đồng phục cảnh sát và lúc đó đeo nút bịt tai, hối thúc mọi người đi vào trong ngôi nhà chính. Hana kể, "hắn nói: Tôi muốn tập hợp tất cả mọi người." Rồi Breivik vung lên một khẩu súng tự động, chạy vào ngôi nhà chính và xả đạn vào đám đông.

 

Với sự chăm chú theo dõi của thế giới ở Oslo, phải mất hơn một giờ đồng hồ cảnh sát Na Uy mới hiểu và đáp trả vụ thảm sát đang diễn tiến ở khu trại thơ mộng trên đảo này. Trẻ em vừa chạy vừa gào khóc ra khỏi ngôi nhà và băng qua các khoảng rộng, nhưng rồi bị bắn gục trên đường chạy. Theo những người chứng kiến, Breivik vẫn bình tĩnh, đi tìm các nạn nhân của hắn một cách có phương pháp khi họ chạy vào những chỗ trống và nấp sau những tảng đá và bụi cây. Hắn săn đuổi họ đến tận bờ của hòn đảo, một giải đất mảnh 450m trong hồ nước xám nằm trong rừng Na Uy. Trẻ em nhảy xuống nước, cố bơi đi. Một số lên được những chiếc thuyền được đưa ra để cứu nạn.

 

Khamshajiny Gunaratnam, một sinh viên 23 tuổi sống sót qua cuộc tấn công Utoeya, viết về thời gian này trên blog của mình. Chị miêu tả mình bị hoảng sợ, nép mình trên sàn toa let trong ngôi nhà chính để trốn khỏi kẻ giết người, hắn đang mải miết bắn giết các bạn của chị còn đang phơi ra trước hắn. Chớp lấy một cơ hội, Gunaratnam và một vài người bạn của chị lao mình xuống hồ, nhẩy vào làn nước lạnh như băng và bơi như điên đến một chiếc thuyền đang chờ sẵn. "Ngay cả khi chúng tôi đã lên được thuyền, tôi cũng không thể buông lỏng. Hắn vẫn có thể bắn trúng chúng tôi bằng cây súng tự động của hắn!"

 

Những người dân sống gần hòn đảo đó miêu tả những cảnh khủng khiếp ấy: rất nhiều thiếu niên lao xuống nước khi kẻ giết người bắn theo chúng ở khoảng cách ngắn. "Bọn nó còn trẻ lắm, chỉ từ 14 đến 19 tuổi," Anita Lien, một người dân 42 tuổi sống ven hồ nói.

 

Vào lúc hắn bị bắt buổi tối Thứ Sáu, người ta tính Breivik đã giết 84 người trên hòn đảo Utoeya và ít nhất bẩy người trong cuộc đánh bom Oslo. Hôm thứ Bẩy, cảnh sát vẫn còn rà soát khu rừng và tìm trên hồ những xác người. Một chiếc xe tải chứa chất nổ chưa nổ được tìm thấy gần hồ. Khi những người Na Uy tìm hiểu điều gì đã xảy ra, một ít chi tiết về Breivik đã nổi lên và cho thấy hắn đã tìm cách thực hiện hành vi cuồng bạo của hắn tương tự như cuộc đánh bom thành phố Oklahoma năm 1995 của Timothy Mc Veigh, trong đó 168 người bị giết, hơn là giống với những cuộc tấn công khủng bố của al-Qaeda vào 11 tháng Chín, 2001.

 

Cảnh sát Na Uy mô tả Breivik như một tên bảo thủ cánh hữu quá khích và theo Cơ đốc giáo chính thống. Truyền thông Na Uy tường thuật rằng hắn đã vào học Trường Thương mại Oslo và mô tả hắn như một tên bảo thủ và dân tộc chủ nghĩa. Rất khó mô tả đặc trưng quan điểm của hắn. Hắn có vẻ ghét những người cộng sản, những người Hồi giáo và nuôi dưỡng những quan điểm phái hữu. Nhưng hắn không phải là một tên tân Quốc xã. Breivik là kẻ thường xuyên đọc những website và những blog cánh hữu như Gates of Vienna và là người hâm mộ blogger Fjordman. Trên một trang Facebook mà Breivik lập ra trước các cuộc tấn công nhiều ngày, hắn nêu một nhóm những anh hùng đủ mọi xu hướng trong đó có Winston Churchill, nhà dân túy cánh hữu Hà Lan Geert Wilders và chiến sĩ Na Uy kháng chiến chống Quốc xã Max Manus. Breivik có vẻ tự coi mình là một tên tay sai trong một cuộc chiến chống sự lan rộng của đạo Hồi ở châu Âu cũng như chống chủ nghĩa xã hội và sự thống trị nước ngoài của Na Uy. Là một người cộng tác với Gates of Vienna Breivik có vẻ ủng hộ những lý thuyết âm mưu của cánh hữu về Eurabia[1]: cái ý tưởng cho rằng những người Hồi giáo đang thâm nhập xã hội châu Âu với mục đích thống trị. Website Gates of Vienna chẳng hạn mang hình ảnh một thành Vienna xưa với dòng thuyết mình: "trong cuộc vây hãm thành Vienna năm 1683, đạo Hồi dường như đã sẵn sàng tràn vào châu Âu Cơ đốc. Ngày nay chúng ta đang trong một giai đoạn mới của một cuộc chiến tranh rất cũ."

"Không ai biết chính xác điều gì đã kích động hắn" Magnus Ranstorp, một chuyên gia về chủ nghĩa khủng bố tại Đại học Quốc phòng Thụy Điển nói với TIME.com. "Nhưng có vẻ hắn ta tự coi mình là một sứ giả truyền tin tận thế để cảnh báo châu Âu về hiểm họa Eurabia."

 

Ranstorp đã đọc qua hàng trăm trang blog của Breivik để tìm hiểu kỹ hơn. Ông nói, năm 2003 Breivik đã tìm hiểu trên mạng về một khẩu súng ngắn Bereta, nhưng các đoạn blog không nói rõ hắn muốn có loại vũ khí đó hay đã từng có. Mặc dầu những cuộc tấn công ở Oslo và Utoeya được lập kế hoạch và thực hiện chính xác, Breivik không có vẻ đã từng được huấn luyện về quân sự. Trên trang Facebook của hắn, Breivik nói hắn thích chơi những trò chơi trên máy tính như World of Warcraft và  Modern Warfare 2. Trong các thú chơi khác của hắn có săn bắn. Hắn ghi thành phố quê hương của hắn là Oslo.

 

Breivil lập kế hoạch đánh bom Oslo của hắn cũng cẩn thận như hắn bố trí phục kích Utoeya. Hắn cần nhiều tấn phân bón để chế tạo quả bom trong xe hơi; chính quyền Na Uy tin rằng hắn kiếm được số phân đó mà không gây nghi ngờ vì ra khỏi Oslo đến một thị trấn nhỏ ở nông thôn tên là Rena vào tháng Sáu hay tháng Bẩy, tại đó hắn lập một nông trại lấy tên là Breivik Geofarm. Người ta tin rằng hắn là người chủ duy nhất và có thể đã sử dụng trại đó làm vỏ bọc để có được vật liệu làm bom.

 

Cũng như cảnh sát đã lục tìm không thấy chứng cứ của một âm mưu Hồi giáo, các nhà đương cục cũng không tìm thấy chứng cứ nối kết Breivik với một nhóm cánh hữu cụ thể nào. Na Uy và Thụy Điển từng trải qua một đợt sóng cồn của bạo lực tân Quốc xã trong những năm 1990, nhưng những chương trình được cài đặt để làm lắng dịu tình hình đã quá thành công – một lý do khiến ngay cả Europol trong những báo cáo mới nhất của nó về bọn quá khích cánh hữu ở châu Âu, cũng không thấy có tín hiệu gì báo động rằng một cuộc tấn công như thế có thể xảy ra. Cảnh sát chỉ có thể suy luận về các động cơ của Breivik và phạm vi đầy đủ của hành động này, nhưng cho đến nay những chứng cứ chỉ ra rằng hắn hoạt động một mình, có lẽ là một tên tấn công khủng bố loạn trí với những quan điểm cánh hữu nhằm vào một biểu tượng của chính phủ.

 

"Có sự so sánh với Oklahoma, "Hagai M. Segal, một chuyên gia về chủ nghĩa khủng bố ở London cộng tác với Đại Học New York, nói với TIME.com. Đó có thể là một sự phát triển nghiêm trọng khó tin nổi. Tôi ngờ rằng có một nhóm cánh hữu lớn hơn liên hệ với chuyện này, nhưng tôi cũng không ngạc nhiên nếu chỉ có một tổ nhỏ. Thật cực kỳ khó khăn khi tự mình làm một vụ như thế này."

 

Trong những sách hướng dẫn du lịch Na Uy thường được mô tả như một nơi đẹp nhất hành tinh, một đất nước bé nhỏ với 4,8 triệu người có vùng nông thôn rộng bao la với thiên nhiên mỹ lệ, những ngọn núi phủ băng và vịnh hẹp, có ánh sáng bắc cực và mặt trời ban đêm. Khi họ đếm những mất mát trong những ngày những tháng khổ đau trước mắt, người Na Uy sẽ nhớ tiếc biết bao một quá khứ êm đềm. Utoeya bây giờ là biểu tượng của những gì đã thay đổi, nói như Thủ tướng Stoltenberg: "Một hòn đảo thiên đường đã biến thành một địa ngục."

 



[1] Eurabia: Thuật ngữ chính trị mới được tạo ra để chỉ một giả thuyết rằng dân cư Hồi giáo ở châu Âu nhờ nhập cư liên tục và tỉ lệ sinh đẻ cao sẽ trở thành đa số sau một số thế hệ. Từ này đặt tên sai vì đánh đồng A Rập với đạo Hồi.

Hiếu Tân
Số lần đọc: 2277
Ngày đăng: 30.07.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Trung hoa là kẻ xâm lược? 2 - Hiếu Tân
Trung hoa là kẻ xâm lược? 1 - Hiếu Tân
Bắc Kinh qua cặp kính màu hồng: Tại sao dân chủ không thể thuần hóa được Trung Hoa. - Hiếu Tân
Nhà nước đỏ - Hiếu Tân
SPIEGEL phỏng vấn Bộ trưởng Kinh tế Rösler: Tôi đã từng mơ tôi là một hoàng tử Việt Nam - Hiếu Tân
Bắc Kinh nổi giận vì Obama tiếp Đức Dalaï-Lama. - Hiếu Tân
Nổi dậy ở Belarus: Thế hệ Internet chấp nhận thách đấu của nhà độc tài cuối cùng ở châu Âu - Hiếu Tân
Thị trường tự do có làm băng hoại các giá trị đạo đức hay không? 7 - Phạm Nguyên Trường
Nỗi cô đơn của một siêu cường: tại sao Trung Hoa cần Hoa Kỳ. - Hiếu Tân
Thị trường tự do có làm băng hoại các giá trị đạo đức hay không? 6 - Phạm Nguyên Trường
Cùng một tác giả
Chuyện xứ Mitoman (truyện ngắn)
Vi đan (truyện ngắn)
Bàn tay phải (truyện ngắn)
Luận về nô tài (tiểu luận)
Putois (truyện ngắn)
Phá (truyện ngắn)
Khi Bắc Triều Tiên Đổ (nhìn ra thế giới)
Nô tài thi sĩ (tạp văn)
Putin nói trên truyền hình (nhìn ra thế giới)
WikiLeaks, theo kiểu Belarus (nhìn ra thế giới)
Ngăn cản WikiLeaks (nhìn ra thế giới)
Tại sao lại xóa từ-n ...? (nhìn ra thế giới)
20 tác giả dưới 40 tuổi (nhìn ra thế giới)
“Công lý” Nga (nhìn ra thế giới)
Say sưa với Tự do. (nhìn ra thế giới)
Cách mạng bằng Internet (nhìn ra thế giới)
Bật mí WikiLeaks (nhìn ra thế giới)
Bật mí WikiLeaks- tiếp (nhìn ra thế giới)
Học Để Yêu Cách Mạng (nhìn ra thế giới)
Shakespeare, chán ! (nhìn ra thế giới)
Rủi ro hạt nhân (nhìn ra thế giới)
Những tư tưởng lỗi thời. (nhìn ra thế giới)
Nước Nga sợ gì ở châu Á? (nhìn ra thế giới)
Tại sao nước Mỹ bị ghét (nhìn ra thế giới)
Nhà nước đỏ (nhìn ra thế giới)
Trung hoa là kẻ xâm lược? 1 (nhìn ra thế giới)
Trung hoa là kẻ xâm lược? 2 (nhìn ra thế giới)
The Internet và Iran (nhìn ra thế giới)
Mười năm mất mát (nhìn ra thế giới)
Gặp ông Mao mới (nhìn ra thế giới)
Kiếp sau của Tây Tạng (nhìn ra thế giới)
Nhân dân đấu với Putin (nhìn ra thế giới)
Tương lai của Lịch sử (nhìn ra thế giới)
Bụt nghe cổ tích (truyện ngắn)
BẮN MỘT CON VOI (truyện ngắn)
Gót chân Asin của Putin (nhìn ra thế giới)
The Duniazát (truyện ngắn)
Người xin lỗi (truyện ngắn)
Diễn văn Habana (nhìn ra thế giới)