Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.190
123.204.713
 
Lịch sử cải lương 2
Tuấn Giang

III. ý nghĩa ra đời sân khấu cải lương

 

1. Giải thoát người phụ nữ

 

Nghệ thuật là phương tiện truyền thông một kênh, truyền đạt thông tin, miêu tả, pha trộn, hoặc không miêu tả, sử dụng kí hiệu bên ngoài diễn tả cảm xúc bên trong con người. Nghệ thuật miêu tả là lĩnh vực sáng tạo của người diễn viên, không có sự phong phú về phương tiện chất liệu cấu trúc hình tượng không gian, thời gian mà tính chất động của diễn viên tạo ra hình tượng nghệ thuật. Hình tượng ấy truyền cảm lay động hàng triệu công chúng, thấm sâu vào ấn tượng mỗi con người tạo ra sức mạnh vật chất, ở đó là những diễn đàn xã hội cuốn hút và hấp dẫn. Với chức năng truyền thông đặc biệt, sự ra đời sân khấu cải lương là một diễn đàn thông tin văn hoá xã hội.

Sân khấu cải lương xuất hiện như một diễn đàn giải thoát người phụ nữ, trong các hình thái, loại thể nghệ thuật thì sân khấu cải lương có tính truyền thống trong từng vở diễn chỉ miêu tả, phản ánh thân phận người phụ nữ. Dù hôm nay sống trong thời đại văn minh, tính nhân văn trong con người được đề cao, nhấn mạnh toả sáng đến mọi nơi, sân khấu cải lương vẫn miêu tả thân phậm người con gái; hình như cái thiện và cái ác lúc nào cũng đồng hành khi cái thiện đề cao, cái ác ít xuất hiện, nhưng đã xuất hiện thì tính huỷ diệt tàn khốc hơn. Trở lại cái đêm trường phong kiến thực dân những năm đầu thế kỷ XX, sự ra đời sân khấu cải lương là lối thoát cho người phụ nữ, ở đó họ phơi bầy cái phi lý trói buộc con người, kêu gọi mọi người cải cách xã hội, đầu tiên cải cách đời sống hay cuộc sống người phụ nữ, họ có quyền dân chủ và bình đẳng. Người phụ nữ có quyền lựa chọn cuộc sống của mình, phá bỏ các hủ tục vô lý của xã hội phong kiến, tố cáo, lên án và hành động tự giải thoát như các vở: Kim Vân Kiều, Cô ba lưu lạc, Đoá hoa rừng, Tô ánh Nguyệt, Chị chồng tôi, Đời cô Lựu, Ngọn cờ hiệp nữ… sân khấu cải lương góp phần giải thoát người phụ nữ, tạo dư luận xã hội mạnh mẽ công phá bức tường lễ giáo phong kiến, tiếp nhận quan hệ xã hội mới để người phụ nữ làm chủ cuộc sống. Sự ra đời sân khấu cải lương như một điểm sáng mở đường phát triển văn hoá nghệ thuật, kế thừa truyền thống văn hoá nghệ thuật dân tộc, tiếp thu tinh hoa nền văn hoá nghệ thuật dân chủ mới. Đây như một phương châm, nguyên lý phát triển nghệ thuật dân tộc, là bài học cho hôm nay hướng phát triển nghệ thuật hiện đại, hậu hiện đại. Sân khấu cải lương Nam Bộ là đặc phẩm văn hoá sân khấu Nam Bộ và các vùng miền, đáp ứng nhu cầu công chúng các đô thị. Bởi đô thị là những điểm sáng dân cư, nơi tập hợp lớp người mới sản xuất công nghiệp và dịch vụ thương mại, nơi đầu mối giao thông, kinh tế đa ngành, là nơi phát triển phong phú, tạo ra quy luật hoạt động tồn tại. Sân khấu cải lương xuất hiện đáp ứng những bức xúc xã hội là quá trình cải cách văn hoá nghệ thuật, lòng dân mong muốn có một hình thức sân khấu, mang tinh thần thời đại, tâm lý, tình cảm con người mới. Giá trị của sân khấu cải lương là sự xuất hiện một hình thức sân khấu mới, để mỗi miền có một đặc phẩm sân khấu dân tộc, bản địa, Miền Bắc có chèo, Miền Trung có tuồng, Nam Bộ có cải lương. Ba hình thức sân khấu này, dù có ảnh hưởng pha trộn tràn lan thì vẫn là đặc phẩm sân khấu ba miền. Cái gốc tuồng Bắc khi vào Nam đã trở thành tuồng Nam, dù cải lương có phát triển đến mọi miền đất nước thì cải lương Nam Bộ vẫn là một đặc phẩm sân khấu Nam Bộ. Cải lương hay các hình thái nghệ thuật nào khác, dù phát triển tới đâu đi ra ngoài biên giới mỗi quốc gia, dân tộc, nó mang những đặc tính chung và dáng vẻ riêng mỗi vùng miền, đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ công chúng.

 

2. Đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ mới

 

Những bước phát triển ca nhạc tài tử đơn lẻ một hai nghệ nhân đàn ca bên chén rượu, vui bạn bè đến sự ra đời các ban đàn ca tài tử là từng bước đáp ứng thẩm mỹ công chúng.

 

Công chúng đòi hỏi mỗi hình thức nghệ thuật phục vụ một nhu cầu thẩm mỹ, ca nhạc tài tử đã tiến hoá từ dân gian lên chuyên nghiệp tiến đến sự liên kết trò diễn carabộ, ra đời sân khấu cải lương một bước chuyển hoá thẩm mỹ nghệ thuật. Sự xuất hiện xã hội đô thị, lớp người mới là sự biến đổi xã hội, biến đổi thẩm mỹ nghệ thuật. Những biến đổi ấy tạo sự xuất hiện cái mới, cái mới ra đời từ sự biến đổi xã hội. Biến đổi xã hội là một quy luật, khi xã hội ổn định nhất chỉ là sự ổn định bên ngoài có tính tạm thời, còn nội dung bên trong xã hội đang vận động biến đổi. Trong xã hội hiện đại toàn cầu hoá sự biến đổi ngấm ngầm và bộc lộ nhanh hơn, nếu ngày xưa các thanh niên mặc quần loe, tóc dài, quần bó… là sự vận động biến đổi, ngày nay họ mặc quần lửng, tóc nâu, vẽ móng… là đang biến đổi. Những biến đổi ấy đòi hỏi thẩm mỹ mới, thẩm mỹ mới nằm trong quy luật biến đổi xã hội chưa biết đúng hay sai nhưng đó là sự vận động của xã hội. Nhờ sự vận động ấy xã hội phát triển và xuất hiện nhu cầu mới, mà biến đổi xã hội phá bỏ những khuôn mẫu, các quan hệ xã hội, các hệ phân tầng tổ chức cấu trúc xã hội, kinh tế và các cá nhân thay đổi theo thời gian. Sự thay đổi ấy, xuất hiện những đòi hỏi mối quan hệ mới, cấu trúc mới, sân khấu cải lương Nam Bộ ra đời trong sự kìm hãm bảo thủ của xã hội phong kiến, sự xuất hiện cái mới của chế dộ thực dân có mối quan hệ mới, sức sống mới. Sân khấu cải lương đáp ứng thẩm mỹ mới của công chúng như sự chung hoà, hoà hợp giữa truyền thống với hiện đại. Một mặt công phá xã hội phong kiến phá bỏ hủ tục, tiếp nhận cái mới, nhưng không vọng ngoại mà mang tính tiểu tư sản phong kiến và dân chủ. Nghệ thuật cải lương đáp ứng nhu cầu cải cách xã hội, chứ không phá bỏ những mực thước đạo lý truyền thống. Cải lương xuất hiện như một cái đẹp thiện tốt, thống nhất thẩm mỹ với đạo đức hoàn thiện thể chất, tinh thần lớp người mới. Vì cái cốt lõi ấy, là một hình thức nghệ thuật mới, thẩm mỹ mới, sân khấu cải lương nhanh chóng phát triển rộng khắp Nam Bộ, có hàng trăm ban hát ra đời, doanh thu cao. Đó là điều kiện hốt bạc, cứu sống nhiều nghệ sĩ, làm giàu cho các bầu chủ, nhưng đã khai sáng một giòng văn hoá nghệ thuật đặc biệt đáp ứng công chúng mong đợi sân khấu cải lương.

 

Sân khấu cải lương ra đời đáp ứng công chúng một cái đẹp tổng hợp của sân khấu ca kịch, đặc biệt là hình thức thẩm mỹ âm nhạc ca hát, múa, trong đó bài Vọng cổ như một ma lực làm mọi người thoả mãn sân khấu cải lương. Đó là sự đổi mới phát triển văn hoá xã hội Nam Bộ.

 

3. Phát triển văn hoá, nghệ thuật bản địa Nam Bộ

 

Những biến đổi xã hội siêu hữu cơ của thời đại công nghiệp xâm nhập vào mảnh đất Nam Bộ đã đẩy nhanh sự phát triển văn hoá nghệ thuật, sớm ra đời nhiều loại thể nghệ thuật mới. Đó là xuất hiện những phạm trù thể thay đổi cấu trúc của một loại hình, vì sự sáng tạo nghệ thuật đáp ứng thẩm mỹ công chúng.

Những yêu cầu đổi mới nghệ thuật của công chúng là nguyên nhân thúc đẩy ca nhạc tài tử tiến nhanh, trở thành thể loại ca nhạc bài bản cải lương. Quá trình ấy, vô tình tham gia vào sự phát triển văn hoá, nghệ thuật bản địa Nam Bộ. Vì xã hội là sự tiến hoá siêu hữu cơ, nên các mặt văn hoá nghệ thuật sớm ra đời nhiều hình thức loại thể mới. Ca nhạc tài tử xuất hiện từ năm 1890, đồng hành với những người phương Nam đi lập nghiệp từ thế kỷ XIII, nhưng đến năm 1910 mới có các ban nhạc phong tục, nhạc lễ xuất hiện phổ biến ở Nam Bộ, đáp ứng nhu cầu các mặt phát triển văn hoá tâm linh, vui chơi giải trí. Năm 1912, nhạc tài tử biểu diễn doanh, năm 1914 carabộ, năm 1918 ra đời sân khấu cải lương và nhiều hình thái nghệ thuật khác. Sự phong phú ấy, khẳng định xã hội Nam Bộ có nhiều hình thức nghệ thuật đáp ứng các đối tượng công chúng. Sân khấu cải lương một biểu hiện sinh hoạt văn hoá mới, mang đến công chúng nền âm nhạc dân ca, dân tộc bản địa Nam Bộ, từng bước đưa vào các hình thức âm nhạc đương đại nhạc Tầu, nhạc Tây vào cải lương. Đó là phần âm nhạc, còn giá trị văn học, kịch bản cải lương đem lại những giá trị văn học dân gian, cổ điển Việt Nam, hướng mọi người ăn ở nhân nghĩa, đôn hậu thủy chung, đưa vào công chúng những quan niệm sống mới, tác động họ tiến nhanh cải tạo xã hội. Sân khấu cải lương đã giới thiệu các loại tác phẩm giá trị dân gian, cổ điển và đương đại của nền văn học Trung Hoa, văn học Pháp và một số nước phương Tây. Sân khấu cải lương là cầu nối giữa hai nền văn hoá Đông Tây, góp phần phát triển văn hoá đương đại, bảo tồn văn hoá truyền thống Việt Nam, văn hoá nghệ thuật bản địa Nam Bộ. Sân khấu cải lương một sản phẩm văn hoá thẩm mỹ, văn hoá nghệ thuật. Nghệ thuật cải lương xuất hiện bộc lộ sự hưng phấn của công  chúng như trào lưu ca nhạc nhẹ những năm 90 của thế kỷ XX, thấm sâu vào ý thức con người trong thế giới siêu sinh học các đối tượng và giải đối tượng. Đó là cái sân khấu cải lương đạt tới hành động là một sản phẩm văn hoá thẩm mỹ, mang đặc trưng tính chất văn hoá thẩm mỹ vật chất và nghệ thuật tinh thần. Sân khấu cải lương ngày ấy, nằm trong cấu trúc xã hội dưới các hình thức hoạt động sản xuất và tiêu dùng nghệ thuật, khác với ngày nay ta cứ hô hào xã hội hoá hàng chục năm mà Miền Bắc chưa có hướng tồn tại trong cơ chế là một sản phẩm văn hoá nghệ thuật thị trường. Một sản phẩm văn hoá nghệ thuật thị trường cần tồn tại bằng sự nuôi dưỡng của công chúng giữ gìn và truyền bá, nghiên cứu khoa học và giáo dục nghệ thuật. Ngay từ khi ra đời sân khấu cải lương đã có vị trí, vai trò là một sản phẩm văn hoá nghệ thuật, làm phong phú đời sống tinh thần xã hội, do nhân dân nuôi dưỡng.

 

Sân khấu cải lương ra đời làm phong phú nền văn hoá, nghệ thuật sân khấu Việt Nam đa hình thức thể loại. Sự hội tụ tinh hoa văn hoá, nghệ thuật đương đại vào sân khấu cải lương, giúp nó phát triển nhanh trên mọi miền đất nước có quá trình hình thành từ ca nhạc tài tử, tiến lên trò diễn xướng dân gian carabộ, một người độc diễn, đến một lớp diễn cải lương có ba nhân vật ca diễn, đối thoại. Sau ba năm, ra đời hai kịch bản đã công diễn là một thể loại sân khấu cải lương. Bên cạnh sự phát triển một chiều hình thành các bài bản cải lương có độ chín cho ra đời sân khấu cải lương, bước cải cách hát bội đã bổ xung vốn làn điệu cải lương giá trị là hình thức nói lối. Nói lối là cầu nối âm nhạc gắn kết mọi làn điệu cải lương và những lời đối thoại, sau này thêm ca nhạc mới. Nói lối là hình thức âm nhạc đặc sắc tiêu biểu cho tính chung hoà của cải lương, các hình thức tuồng chèo có nói lối nhưng thiếu mô hình mở để chắp nối các hình thức âm điệu khác nhau có tính li điệu như cải lương. Giá trị của cải cách hát bội sau ba năm đã hợp thành sân khấu cải lương, ra đời sân khấu cải lương tuồng cổ, sân khấu cải lương đương đại. Hai hình thức cải lương tuồng cổ và đương đại, đáp ứng hai nhu cầu thẩm mỹ văn hoá truyền thống nho giáo Việt Nam và văn hoá tân thời. Vì những ý do ấy, sân khấu cải lương mới ra đời nhanh chóng phát triển tới mọi miền đất nước, do công chúng nuôi dưỡng trong bầu không khí thời đại mới.

 

Chương II

 

Sự phát triển sân khấu cải lương

từ 1919 đến 1930

 

 

I. Những ban hát cải lương mới ra đời

 

Ngày đầu ra đời sân khấu cải lương diễn đông khách, doanh thu cao, nhưng nhiều ban hát carabộ chưa thể diễn cải lương vì thiếu vở diễn, cảnh trí trang trí, phục trang nhân vật… nên các ban hát thường diễn carabộ, tạp kỹ. Năm 1919 Ban Sáu Súng ra Hà Nội đi các tỉnh Bắc Giang, Việt Trì, Nam Định, mỗi đêm diễn carabộ hát các điệu Oán, Phú lục, Kim tiền… ca đến đâu diễn điệu bộ minh hoạ lời ca. Sau đó, các ban Tân Thinh, Phước Hội diễn một trò diễn carabộ có nhiều người tham gia vào từng vai diễn như Bùi Kiệm ghẹo Nguyệt Nga, Lục Vân Tiên… là những trò diễn nhỏ. Sau gánh ông Năm Tú có hai vở cải lương, các ban hát carabộ chưa có vở diễn, họ tiếp tục diễn carabộ với xiếc tạp kỹ, hoặc hoạt cảnh carabộ, ca bài lẻ…

 

Vào đầu 1919, diễn carabộ khó tồn tại, ông Andre Thận chủ gánh carabộ, ra đời từ năm 1914 tại Sa Đéc, lưu diễn nổi tiếng trên Sài Gòn nay bán trọn gói cho ông Năm Tú với nhiều đào, kép lừng danh như Hai Cúc, Tư Hương, danh cầm Ký Quờn, Phán Nhuộm… Ban hát bộ của ông Thận vang danh khắp lục tỉnh Nam Bộ với các hoạt cảnh diễn có hoá trang, phục trang như một trích đoạn cải lương, thêm vào đó các tiết mục xiếc đi dây, phi dao quanh người, đu bay… Cuối cùng đã trở thành nhàm chán trước công chúng, đổ vỡ doanh thu, ban không tồn tại. Ban hát nổi tiếng rơi vào tay ông Năm Tú, có lực lượng diễn viên mới, ông Trương Duy Toản viết thêm các vở Trang tử cổ bồn, Kiều gặp Kim Trọng, Kiều Hoạn Thư, Nhị độ mai, lớp Hạnh Nguyên cống Hồ… diễn từ Mỹ Tho lên Sài Gòn, ở đâu cũng được công chúng nồng nhiệt chờ xem. Sau ông Năm Tú đến giữa năm 1919, có các ban Nam Đông, Tân Phước Nam, Đồng bào Nam, Tân Hưng. Cả Nam Bộ có khoảng năm ban cải lương, còn lại các ban carabộ sống vất vưởng ở các vùng xa Miền Trung, Cao Lãnh, Tây Ninh… Cuối năm 1918, đầu năm 1919, hát  cải lương chỉ có tác giả Trương Duy Toản viết các vở cải lương tuồng cổ. Nội dung các vở cải lương dựa theo những truyện văn học dân gian, cổ điển Việt Nam và Trung Hoa, hầu hết là những câu truyện tình đề cao đạo đức hiếu nghĩa, trung thuỷ, một phần phê phán người phụ nữ có tinh thần đổi mới.

 

Nội dung những vở cải lương từ năm 1918 đến 1919, còn đề cao giáo lý phong kiến, có tố cáo xã hội phong kiến chỉ là một phần làm tăng thêm sự thương tâm của công chúng với thân phận nhân vật. Cái giáo lý, hủ tục phong kiến chưa bị công phá mạnh mẽ, vở Trang tử cổ bồn còn có phần trói buộc người phụ nữ. Vở diễn, kể lại câu chuyện Trang Chu có người vợ hiền, hai người yêu nhau hẹn thề son sắc thuỷ trung. Một hôm Trang Chu cầm quạt đi dạo ngoài cánh đồng, thấy ngôi mả mới có một thiếu phụ ngồi quạt, nước mắt nỉ non. Trang Chu bước tới hỏi đầu đuôi câu chuyện chàng hiểu ra lời trăng trối của chồng người thiếu phụ có một yêu cầu, khi nào ngôi mộ khô người vợ sẽ được đi lấy chồng. Trang Chu là người có tài phân thân, phép thuật cao nhân, chàng liền quạt ba cái ngôi mộ đã khô ráo sạch sẽ. Thiếu phụ mỉm cười, cảm ơn Trang Chu, xin về nhà để cưới chồng mới. Trang Chu đem chuyện về kể cho vợ nghe, hai người thầm trách người thiếu phụ sớm vội bạc tình. Bỗng một hôm Trang Chu lăn ra chết, chàng chỉ kịp nói một câu là cho vào áo quan để ở trong phòng ngủ của hai người, sau năm ngày sẽ đem chôn. Người vợ kêu khóc thảm thiết, sang ngày thứ ba có hai thày trò ở đâu đến xin học thày Trang Chu, vợ chàng nói chồng mới mất, hai người vào thắp hương và xin ở lại để học cái đức của thày, chị vợ không đồng ý. Nhưng sự nài nỉ của chàng trai làm thiếu phụ siêu lòng, sang ngày hôm sau chị vợ thấy yêu chàng trai nọ, nên đã ngỏ lời nhưng bị từ chối vì tình thày trò, thày mới mất, không được vi phạm vào đạo đức thày trò. Thiếu phụ tìm mọi cách lý giải để đi đến xe duyên vợ chồng, chàng trai đồng ý chờ nàng hết tang chàng sẽ tổ chức hôn lễ. Đột nhiên đến ngày hôn ước, chàng trai bị đau bụng, đau đớn khủng kiếp, không thể tổ chức hôn uớc được, nàng lo lắng không có thuốc nào chữa khỏi bệnh cho chàng. Nàng khóc đỏ hai mắt rồi hỏi chàng trai: bây giờ làm gì chữa khỏi bệnh? Chàng nói: chỉ có một cách lấy lá gan của người chồng trước ăn vào sẽ khỏi. Nhe xong, nàng săm săm cầm dao xông vào phòng, đập vỡ quan tài, nắp quan tài vừa bật ra, Trang Chu ngồi dậy chép miệng. Nàng ngượng quá, chạy ra nhà ngoài thì chàng trai nọ và người hầu kia đã không còn nữa. Đó là thuật phân thân của Trang Chu. Biết trúng kế của chồng, nàng tự tử, còn Trang Chu đốt nhà bỏ đi. Sau nhiều năm, mọi người đã quên chuyện cũ, thì trên cái nền nhà ấy mọc lên một ngôi chùa, có chú tiểu trông coi, đó là Trang Chu.

 

Qua câu chuyện Trang tử cổ bồn, phê phán người phụ nữ, ngầm đề cao giáo lý phong kiến, vở diễn lấy chốn thiền sư làm chỗ dựa tâm linh cho những tình cảm bi thương để an ủi phần hồn con người. Những cái mới như chớp bể mưa nguồn, bình minh hé sáng còn ở xa tác giả, Những vở cải lương tuồng cổ mới ra đời sân khấu cải lương còn quẩn quanh luyến tiếc giáo lý phong kiến, chưa hướng theo tư tưởng tiến bộ văn minh.

 

1. Những ban hát cải lương năm 1919

 

Ban hát đầu tiên là ban hát cải lương Năm Tú, có tác giả Trương Duy Toản viết kịch bản cải lương. Ban có nhiều diễn viên nổi tiếng từ các ban carabộ về hát cải lương .

Ban hát cải lương Năm Tú, nguồn gốc ra đời từ Ban carabộ của ông Andre Thận năm 1914, đến năm 1918 ông Năm Tú mua lại toàn bộ ban hát ông Thận, đổi tiên là Ban hát cải lương Năm Tú, đào kép có: Bảy Thông, Tám Cang, Hai Diêu, Năm Thoàn, Hề Chín Phót, Ba Đắc, Hai Cúc, Cô Tư Hương… Các vở diễn có phục trang theo nhân vật, mang tính hiện thực lịch sử. Trang trí sân khấu tả thực, có hai hình thức, một là vẽ phông cảnh theo nhạc kịch opera, đến cảnh nào thả phông xuống, sang cảnh mới chuyển cảnh cũ kéo lên, hai là đem cây cảnh thật lên sân khấu.

 

Ban hát Năm Tú là ban đầu tiên ra đời sân khấu cải lương, kịch bản, phục trang, trang trí mỹ thuật tả thực, có khi là vẽ phông cảnh, khi là phông cảnh kết hợp với cảnh thực. Nghệ thuật diễn còn nặng về carabộ, nhưng được công chúng hâm mộ vì có kịch bản, sân khấu mới, ca diễn mới hơn carabộ. Đó là lối diễn bộ, làm điệu bộ minh hoạ lời ca, có múa cách điệu,  đổi mới carabộ thành sân khấu cải lương. Mở màn, giới thiệu đào kép cùng cảnh trí đẹp, hát mở màn chào khán giả. Ban cải lương Năm Tú tỏ ra ảnh hưởng nhạc kịch opera về hình thức trình diễn và lối trang trí sân khấu .

 

Sau Ban Năm Tú, Ban Đồng bào Nam của bà Tư Sự, Mỹ Tho ra đời giữa năm 1919 bảng hiệu “Gánh hát kim thời Đồng bào Nam Mỹ Tho”. Qua bảng hiệu ấy, bà Tư Sự không dám sử dụng hai chữ cải lương mà ông Năm Tú giữ bản quyền, bà phải sử dụng chữ kim thời là hát mới, diễn tuồng mới. Ngày ấy chưa ra luật bản quyền, nhưng hầu hết các ban hát không dám vi phạm, sau này có một số ban vì phạm bị kiện phải nghỉ diễn.

 

Ban Đồng bào Nam, tác giả viết kịch bản Nguyễn Phong Sắc, soạn các vở: Tham phú phụ bần, Cô ba lưu lạc, Bội thê thiên xử… Những vở diễn ban hát của bà Tư Sự là những vở cải lương đương đại. Tác giả Nguyễn Phong Sắc người đầu tiên viết kịch bản cải lương đề tài cuộc sống mới. Mỗi vở diễn phản ánh thân phận người phụ nữ, có vở phê phán hướng về giáo lý phong kiến, thuỷ trung một vợ một chồng, một số vở lại tố cáo xã hội thực dân phong kiến, bênh vực người phụ nữ. Tác giả Nguyễn Phong Sắc, người đầu tiên có hướng đổi mới sân khấu cải lương, khai sinh ra hình thức cải lương đương đại, lên tiếng bệnh vực phụ nữ.

 

Sang năm 1919, có hai ban hát cải lương, hai tác giả kịch bản cải lương, khai sinh ra hai hình thức cải lương: cải lương tuồng cổ, cải lương đề tài cuộc sống mới. Bà Tư sự người đầu tiên đề xuất diễn cải lương đề tài cuộc sống mới.

 

Ban đồng bào Nam có các diễn viên khá nổi tiếng sau này là trụ cột của sân khấu cải lương như: Tám Danh, Năm Phỉ, Hai Giỏi, Hai Nữ, Ba Du, Ba Thâu, Hai Thà, Năm Thiềng, Sáu Huề… Nghệ thuật diễn là ca và bộ, nhưng đổi mới lối diễn gần với kịch nói, bởi dựa trên những kịch bản về con người cuộc sống mới. Các diễn viên hát đối thoại như kịch nói, những động tác đi lại, hành động gần với người thật việc thật. Sự sáng tạo lối diễn mới này không phải do đạo diễn chỉ đạo hành động, tự bản thân mỗi diễn viên xưa tiếp nhận tự nhiên, diễn tự nhiên mà thành (theo lời kể của nghệ sĩ Hai Cúc sau giải phóng năm 1977 tại nhà riêng).

 

Trang trí sân khấu ban hát tuỳ theo mỗi vở, có vở vẽ cảnh kết hợp với cây cảnh thật, có vở chỉ trang trí phông cảnh. Mỹ thuật phục trang của ban theo phong cách tả thực. Ban hát Đồng bào Nam, là ban đầu tiên diễn cải lương đề tài cuộc sống mới, lên tiếng mạnh mẽ bênh vực người phụ nữ, phê phán chế độ phong kiến thực dân, góp phần đổi mới tư tưởng xã hội.

 

Ban Nam Đồng ở Hậu Giang ra đời tháng 6 – 1919, soạn giả Nguyễn Công Mạnh viết các vở: Ơn đền oán trả, Thiện ác hữu báo… Ban diễn được một năm ở các tỉnh đồng bằng Mỹ Tho, Hậu Giang, sang đến năm 1920 tan rã. Nam Đồng ban chưa rõ phong cách, còn mập mờ giữa cũ và mới.

 

Các diễn viên có Năm Phỉ, Hai Giỏi, Hai Quảng, Bảy Thăng, Mười Lùn, hề Năm Tỵ, Sáu Chánh, Tư út, Hai Ngời, Hai Nữ, Ba Điều, Sáu Chức, Hai Thà, Sáu Đảnh, Hai Bông… Bản danh sách diễn viên trên cho thấy sự năng động của các diễn viên cải lương Nam xưa và hiện nay, một người thay đổi nhiều ban hát, ở đâu phù hợp nhất thì ở lâu, bằng không chuyển qua ban mới. Nghệ thuật diễn, tổ chức của Ban chưa ổn định thì cái chết bất ngờ của Hai Giỏi, thêm vào sự mất đoàn kết giữa các cổ đông, ban hát Nam Đồng tan rã giữa năm 1920. Nam Đồng ban tan rã phản ánh thực tiễn các diễn viên tự do lựa chọn ban hát, nhưng phải tổ chức tốt, có phong cách riêng mới tồn tại. hầu hết các ban cải lương xưa và các ban nhạc nhẹ hiện nay tan vỡ thường có ba nguyên nhân: một là mất đoàn kết nội bộ, hai  doanh thu không đủ chi, ba không có phong cách riêng để hấp dẫn công chúng.

 

Ban Tân Phước Nam, ra đời tháng 10 – 1919 tại Sóc Trăng biển hiệu “Gánh hát tân thời Tân Phước Nam”, tác giả của gánh là Giáo Quyển, Trần Tấn Chức. Gánh hát công diễn các vở: Bá di thúc tề, Châu mãi thần của Trần Tấn Chức. Diễn viên có: Tư út, Tư Kiều, Hai Nhỏ, Ba Thẹo, Bảy Cừ, Năm Được…

 

Tân Phước Nam diễn được sáu tháng tan rã tại Vĩnh Long, nhiều diễn viên chuyển qua ban mới. Ngày ấy, nhiều ban hát thành lập, nhiều diễn viên mới hôm qua ở ban này, mai đã sang ban khác. Sự lưu diễn luân phiên của các diễn viên Nam xưa và nay vẫn tồn tại, nhiều diễn viên từ đồng bằng Nam Bộ lặn lội ra Miền Trung xin hát được ba tháng lại về quê… Sự bất ổn định diễn viên, góp một phần vào sự tăng trưởng và tan giã các ban hát, gây khó khăn phức tạp cho các bầu chủ về chế độ đãi ngộ hiền tài.

Vào cuối năm 1919, ông Hai Hon ở Cần Thơ lập gánh Tân Hưng, soạn giả Trần Phong Sắc từ ban hát khác chuyển về đây. Ban diễn lại những vở cũ của Trần Phong Sắc. Các diễn viên khá nổi: Tư Thạch, Kim Hui, Năm Phỉ, hề Năm Tỵ… Ban diễn được tám tháng tan rã tại Cần thơ.

 

Những ban hát cải lương ra đời năm 1919, có đội ngũ diễn viên nổi tiếng, diễn nhiều kịch bản mới, kịch bản cải lương cổ, ra đời hai hình thức sân khấu cải lương. Đến năm 1919, sân khấu cải lương đã khẳng định rõ một hình thức sân khấu mới, có hai loại trình diễn: cải lương tuồng cổ, cải lương đương đại (các ban hát Kim thời, Tân thời). Đây là một cách trưng bảng hiệu khác biệt với ông Năm Tú là cải lương tuồng cổ, còn của họ là cải lương tân thời: Những cách trưng bảng hiệu ấy, họ tự khẳng định phong cách riêng của mỗi ban hát, không vi phạm bản quyền của ai. Sân khấu cải lương ổn định trên các hướng diễn cải lương, có đội ngũ diễn viên mạnh chinh phục công chúng, đội ngũ tác giả viết kịch bản vững chắc, có những vở hấp dẫn như Kiều gặp Kim Trọng, Trang tử cổ bồn, Cô ba lưu lạc, Tham phú phụ bần… Từ cuối năm 1918 đến hết năm 1919, có 12 ban cải lương ra đời, nhưng nay hợp mai tan, cuối cùng còn lại bốn ban có thể ổn định, phát triển. Đây là sự hoàn chỉnh nghệ thuật cải lương đầu tiên về các hướng phát triển: đội ngũ tác giả, diễn viên và công chúng yêu thích hình thức sân khấu mới – một đặc phẩm văn hoá, dân tộc, Nam Bộ.

 

2. Sự phát triển sân khấu cải lương

 

Sự phát triển sân khấu cải lương từ năm 1919, ra đời hàng loạt các ban hát nay hợp mai tan, mỗi ban có tên gọi riêng, dàn kịch mục riêng, đây là bước đầu khởi nghiệp các hướng diễn cải lương thoát khỏi nghệ thuật carabộ, hướng tới sân khấu cải lương và công chúng. Từ năm 1920, sân khấu cải lương bùng nổ nhiều ban hát mới, nhiều diễn viên mới, kết hợp với lớp diễn viên tên tuổi tạo thành sự phát triển cải lương rộng khắp các tỉnh Nam Bộ. Đặc biệt nghệ thuật cải lương vào các đô thị lớn, nơi có lớp công chúng thích nhạc Tây, vũ trường, văn minh Âu Tây, loại bỏ hoặc không thích ca nhạc sân khấu dân tộc. Sân khấu cải lương chiếm lĩnh phần đông khán giả các đô thị Miền Nam lan ra Bắc Kỳ, Trung Kỳ, đó mới đích thực là phát triển sân khấu cải lương.

 

Lần theo dấu vết thời gian, những nghệ sĩ cải lương Sài Gòn cũ kể lại, qua các nguồn tư liệu, ghi nhận của nghệ sĩ, tác giả, các ban hát cải lương dần hiện lên trong quá khứ lịch sử cải lương. Theo ông Sáu Trọng là nhạc công của ban Tân Thinh, ở số nhà 29 Cao Bá Quát, thành phố Cần Thơ, kể lại ngày 10 – 9 – 1997: vào năm 1920, ông ở Ban Tân Thinh, Ban này do ông Năm Thông mang tiền lên Sài Gòn lập ban lấy tên là: “Đoàn hát cải lương Tân Thịnh”, có rạp ở đường Yecxanh. Trước đây các ban hát thường sử dụng thuật ngữ “ban hát”, “gánh hát”, ít sử dụng các thuật ngữ cải lương, bởi không ai dám vi phạm bản quyền. Nhưng bước qua năm 1920, tình hình đã thay đổi, ông Thông người đầu tiên phát minh ra và sử dụng thuật ngữ Đoàn hát cải lương, đây là một tên gọi mới, khẳng định sân khấu cải lương trở thành tên gọi chung của ngành sân khấu, không ai có quyền độc chiếm. Sự thay đổi tên gọi ấy, là bước đổi mới sân khấu cải lương trở thành tên gọi chung của một sản phẩm nghệ thuật toàn dân. Ban Tân Thinh đến năm 1920 mới ra đời, sáng tác hai câu thơ treo trước cửa rạp:

 

Cải lương ca hát theo tiến tiến bộ

Lương truyền tuồng tích sánh văn minh

 

Theo cuốn lịch sử sân khấu Việt Nam trang 49, nhóm biên soạn ghi như vậy, riêng ông Sáu Trọng đã công nhận có treo băng rôn hai câu thơ ấy. Tư liệu này chắc là có thật, nhưng sang năm 1920 thì cải lương không còn là mới, vậy vì sao họ lại treo hai câu thơ này? Theo nhóm nghiên cứu cải lương của Hội sân khấu thành phố cung cấp do một trong hai soạn giả Lâm Hoài Nghĩa và Nguyễn Quốc Biểu nghĩ ra, còn ông Sáu Trọng cho là cả hai ông cùng trao đổi mà thành. Điều ấy chứng minh hai câu thơ trên đã có tác giả, nó ra đời sau sân khấu cải lương. Qua tư liệu khá chính xác ấy, khẳng định hai chữ “cải lương” không phải do ông Năm Tú ghép từ hai câu thơ trên, vì ban hát của ông ra đời năm 1918, chắc chắn ông đã sử dụng lại thuật ngữ “cải lương” của các nhà báo.

Trở lại Đoàn cải lương Tân Thinh có hai soạn giả viết vở: Bạch tuyết Kiên Trinh… Diễn viên khá nổi danh như Hai Nhiễu, Hai Nữ, Bảy Nam, hề Chín Phót, Chín ích, Năm Phồi, Ba Ngưu, Hai Thành… Đoàn Tân Thinh là đoàn đầu tiên định hướng diễn cải lương gọi là “tuồng xã hội”. Nếu xét theo lịch sử không phải Đoàn Tân Thinh là đoàn đầu tiên diễn cải lương xã hội, nhưng giới cải lương xưa thường phân biệt có hai loại cải lương. Loại sân khấu cải lương diễn những vở cải lương tuồng cổ, gọi là “tuồng cải lương”, còn những vở cải lương tân thời (đương đại), gọi là tuồng xã hội. Nếu phân loại sát hơn nên gọi là: cải lương tuồng cổ, cải lương đương đại, vì những vở cổ như Kiều Đạm Tiên, Kiều Từ Hải, Kiều Nguyệt Nga… là tuồng xã hội, nhưng các cụ xưa gọi thế để phân biệt cải lương cổ với cải lương tân thời.

 

Đoàn cải lương Tân Thinh, ca diễn ngọt mùi mang bản sắc sân khấu cải lương thủa ban đầu, nổi bật lối ca Tứ đại xuân của Hai Nhiêu, hề gây cười Chín Phót. Trang trí sân khấu lộng lẫy, là Đoàn hát đầu tiên trang trí tả thực mỹ lệ hoá sân khấu, nhiều cảnh sơn thuỷ hữu tình, đẹp lộng lẫy. Đoàn Tân Thinh hấp dẫn công chúng tại Sài Gòn và các tỉnh đồng bằng Nam Bộ.

 

Sang năm 1921, cải lương phát triển mạnh, nhiều ban hát mới xuất hiện, có thanh thế, diễn các hướng cải lương. Văn Hý ban của Mười Vui, tuyên ngôn diễn cải lương tuồng Tầu. Soạn giả Đào Trí Phú, viết các vở Kỳ duyên phố, Triệu Kinh Nương… Mấy vở công diễn hướng cải lương tuồng Tầu thành công vì sân khấu mới, đẹp sang trọng, diễn viên ca cải lương pha Triều Quảng hấp dẫn.

 

Diễn viên Văn Hý ban: Ba Mật, Chín Thêu, Tư Dầu, Hai Tỷ, Tư Thạnh, Tư Đề, Năm Phỉ, Mười Nhường, Kim Hui… Hình thức diễn những vở tuồng Tầu, trang phục đẹp, nhiều diễn viên tài sắc. Nổi nhất ban hát được công chúng hâm mộ là nghệ sĩ Chín Thêu, mỗi Show diễn có cô chật kín rạp, giọng ca cao sáng mượt mà, hình thể đẹp, khiến nhiều công tử siêu lòng tung tiền để chiếm đoạt cô.

 

Văn Hý ban trở thành ban lớn nhất Sài Gòn - Chợ Lớn, làm nhiều ban cải lương khác không dám lên diễn vì sợ thất thu, không hoành tráng, lộng lẫy bằng.

 

Tại Long Xuyên năm 1921, Tập ích ban ra đời bằng nguồn diễn viên địa phương, tác giả địa phương diễn cải lương Triều Quảng. Nhiều vở diễn là truyện Trung Quốc, chủ ban là người Hoa, mọi người gọi là ông Vương. Ông Vương chắc là họ, còn tên thì không rõ, nhưng ông Vương đã làm cho Tập ích ban nổi tiếng bằng sự đào tạo diễn viên của riêng mình để chuyên diễn cải lương Triều Quảng.

 

Tác giả của Tập ích ban, Nguyễn Trọng Quyền, ông thường lấy bút danh Mộc Quán với các vở: Tây Sương Ký, Thế nhận oan ương, Lưu Hiền nữ, Tình phai phấn lạt, Châu Trần phải nghĩa… Diễn viên có một số người Hoa, người Việt, nhiều diễn viên sau này khá nổi tiếng như Bẩy Nhiêu, Tư Thới, Văn Chuông… Tập ích ban có lớp diễn viên trẻ đẹp như Năm Hỷ, Sáu Ty, Sáu Trâm, Hai Hiến, Ba Vinh, Kiều Loan, Song Hỷ, Lâm Sanh, Dương Hoa, Đại Hồng, Tần Văn, Kiều Mỵ… Tập ích ban là ban hát đầu tiên tổ chức chặt chẽ, có quy chế sinh hoạt, trả lương tháng cho diễn viên theo định mức tài năng. Nghệ thuật ca diễn, diễn vũ đạo trụ bộ gần giống tuồng cổ, ca cải lương pha Triều Quảng, trang phục kim sa, kim tuyến lộng lẫy. Sân khấu cảnh trí tả thực, hoành tráng đẹp và hấp dẫn.

 

Tập ích ban là ban hát kiểu mẫu đầu tiên về tổ chức, các diễn viên diễn theo dàn cảnh của ông bầu, gần như có đạo diễn cho mỗi vở. Mỗi     diễn viên học thuộc bài ca, lời kịch, tập ráp, sau đó xét duyệt rồi mới duyệt  công diễn.

 

Qua hai ban cải lương Văn Hý ban, Tập ích ban là hai ban cải lương diễn cải lương tuồng Tầu đầu tiên, xuất hiện hướng cải lương mới. Nghệ thuật diễn gần tuồng cổ, ca cải lương pha Quảng. Sân khấu cải lương từ năm 1918 đến năm 1920 thuần Việt, những vở diễn là truyện văn học dân gian, cổ điển Việt Nam. Năm 1919, xuất hiện cải lương đề tài cuộc sống mới, năm 1921, ra đời cải lương diễn tuồng Tầu. Cải lương tuồng cổ Trung Hoa, ca cải lương pha Quảng.

 

Từ năm 1921, sân khấu cải lương có ba hướng: một là cải lương tuồng cổ, những vở diễn là cốt truyện văn học Việt, hai là những vở cải lương đề tài con người Việt Nam đương đại, ba là những vở cải lương tuồng cổ diễn tích truyện Trung Hoa, gọi là cải lương tuồng Tầu. Đến đầu năm 1921, sân khấu cải lương phát triển mạnh, đa phong cách, hình thức thể loại, có đội ngũ tác giả, diễn viên chuyên nghiệp, tổ chức chặt chẽ. Mỗi đoàn hát, ban hát ra đời mang phong cách riêng tồn tại, phát triển từng nơi có rạp diễn hằng đêm đảm bảo doanh thu, đáp ứng công chúng hâm mộ.

 

Sau những ban hát có tổ chức, diễn viên, tác giả có tính chuyên nghiệp cao, phải kể ra nhiều ban hát khác ở các tỉnh đồng bằng Nam Bộ như Tiểu học ban, Sì đồng du, Như thuỷ, Võ hý ban… Ban Nam đồng ra đời năm 1919 tan rã đầu năm 1920, đến tháng 4 năm 1926, Nam đồng ban thành lập lại do bầu chủ Hai Cu, chiêu nạp diễn viên lấy biển hiệu là: Tái đồng ban tại Mỹ Tho. Tác giả biên kịch của ban là Nguyễn Công Mạnh, có thêm hai tác giả mới Năm Châu, Tư Chơi. Qua đây cho thấy đội ngũ tác giả cải lương ngày càng đông, người trước giúp người sau nối nghiệp cải lương. ông Mạnh là nhà nho đã giúp hai diễn viên giỏi nghề Năm Châu, Tư Chơi từ năm 1926 tham gia viết cải lương. Sau này, Năm Châu chủ trương diễn cải lương: “cải lương phải thật, thập phải đẹp”. Ông đã thành lập gánh Việt kịch Năm Châu để thực hiện các hướng diễn cải lương như cải lương opera, kịch Tây, cải lương Việt kịch, mỹ lệ hoá sân khấu cải lương. Cải lương diễn gần với kịch nói, ca diễn theo lối tân thời. Quan niệm của Năm Châu gần với cải lương đề tài cuộc sống mới, ngày xưa gọi là tuồng xã hội. Vở cải lương Cô ba lưu lạc ra đời năm 1919 của Nguyễn Phong Sắc, gọi là cải lương tuồng xã hội làm cho ba ông: Vương Hồng Sến, Bẩy Nhiêu, Nguyễn Ngọc Cương, bỏ học đi theo cô đào diễn vai Cô ba lưu lạc, các ông “lưu lạc” dưới các tỉnh đồng bằng Nam Bộ.

 

Tái đồng ban lại chủ chương diễn tuồng Tầu, nhưng do có phong cách mới hơn Tập ích ban, Văn hý ban, tuồng Tầu “đánh đồ thiệt”. Nghĩa là đạo cụ sân khấu, kiếm kích, đao thương thiết kế như thật, trang trí sân khấu phông vẽ tả thực như thật, đôi cảnh bày đồ thật. Vẽ tả thực là những phong cảnh vẽ theo tranh thuỷ mạc cảnh Tầu, tả lá cây chi tiết đến từng cái gân lá, những hàng răng cưa to nhỏ của các loại lá. Phục trang kim sa, kim tuyến long lanh như thật, còn nữ trang trên tay, bông tai là đồ thật. Sự hấp dẫn ấy tạo ra một phong thái cải lương mới nguy nga, tráng lệ, ca diễn cải lương pha Quảng theo thị hiếu công chúng. Tác giả Nguyễn Công Mạnh viết các vở công diễn ăn khách như: Sử Cấm Bình, Mộc Quế Anh, Anh hùng đại náo Tam Môn Nhai, Thất Huyền Quyến, Phụng Nghi Đình… Theo một số tư liệu cho là hai vở sau có sự tham viết của Năm Châu, Tư Chơi. Diễn viên có: Ba Du, Năm Châu, Tư Chơi, Tám Mẹo, Tư út, Tư Anh, Hai Ngời, Tư Nhỏ, Ba Điều, Ba Liên, Ba Nhàn, Phùng Há, Hai Bông, hề: Năm Tỵ, Sáu Chánh. Đây là ban hát mạnh, nhiều diễn viên nổi tiếng, hai diễn viên hài thay nhau pha trò chọc cười, góp phần hấp dẫn, đáp ứng bốn đặc tính cải lương: bi – hùng – trữ tình – vui hài.

 

Sự lớn mạnh đội ngũ diễn viên, nghệ thuật diễn phong phú của Tái đồng ban, làm chao đảo nhiều ban hát chạy theo lốt diễn cải lương “hát có đánh đồ thiệt”. Từ năm 1926, thêm một hướng cải lương tả thực như thật của Tái đồng ban.

 

Ban Mười Vui là người có tiền, có thế lực ở Chợ lớn ra đời năm 1921, đến năm 1927 chuyển theo hướng Tái đồng ban “hát có đánh đồ thiệt”, đổi tên thành Văn võ hý ban. Ban hát Mười Vui diễn tuồng văn, tuồng võ. Ban hát Ông đã tồn tại bẩy năm, tiếp tục phát triển hướng diễn mới, theo tên gọi mới. Tại Sài Gòn đã có các ban hát: Văn hý ban, Võ hý ban và Văn võ hý ban. Mỗi tên ban hát diễn một loại cải lương tuồng cổ: tuồng văn, tuồng võ và pha trộn văn võ. Đó là bước phát triển phong phú cải lương tuồng cổ.

 

Năm 1921 có cải lương tuồng Tầu: Văn hý ban

Năm 1926, Tái đồng ban – diễn tuồng Tầu, đánh đồ thiệt 

Năm 1927, cải lương tuồng cổ: Văn võ hý ban

Đây là những ban hát, bầu chủ người Hoa, diễn cải lương pha tuồng Tầu theo tuồng văn, tuồng võ của Kinh kịch, Việt kịch Trung Hoa.

 

ảnh hưởng lớn mạnh của sân khấu cải lương từ năm 1927, lan rộng đến mọi đối tượng công chúng Nam Bộ, từ nông thôn đến thành thị, các tầng lớp lao động nông công thương, thợ thủ công đến sinh viên, các nhà tri giả yêu thích cải lương. Đầu tiên là giới báo trí Sài Gòn các ký giả nổi tiếng như Trương Vĩnh Kỳ, Đặng Thúc Liếng, nguyễn Văn Kiều, Nguyễn Chánh Sắt, Nguyễn Thành Phương, Nguyễn Văn Hanh, Lê Hoàng Mưu… Đội ngũ ký giả khá đông có người lập ban hát, nhiều người viết bài tuyên truyền, cổ động sân khấu cải lương, giới thiệu đào kép… Sân khấu cải lương trở thành diễn đàn văn nghệ sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân Nam Bộ, là hình thức vui chơi giải trí mới được công chúng hâm mộ. Sự hâm mộ của công chúng dẫn đến nhiều ban hát cải lương mới gia tăng, xuất hiện các hướng diễn cải lương phong phú.

 

Năm 1925, Ban Phước Cương ra đời thu hút các đào kép Văn hý ban, Tập ích ban… làm cho ban nhanh chóng lớn mạnh. Các đào kép nổi tiếng như: Bẩy Nhiêu, Năm Phỉ, Tám Danh, Sáu Thương, Năm Định, Bảy Thành, Sáu Lê, Bảy Nhỏ, Hai Lợi, Hai Trì, Tư Huề, Chí Lê, Bảy Lựu…

 

Tác giả Đặng Công Danh là người của ban, còn có cộng tác viên như Nguyễn Trọng Quyền, Nguyễn Công Mạnh… vở diễn khai trương ban hát: Tam Tinh xuất thế, diễn ở rạp Modecno, trên đường Lê Thánh Tông hiện nay. Mục đích ban hát diễn ba loại: cải lương Việt, tuồng Tầu, tuồng Tây. Đây lại xuất hiện một hướng mới, khẳng định năm 1925 xuất hiện cải lương diễn tuồng Tây. Các soạn giả của ban và bầu chủ có những người Pháp học, họ bắt đầu đưa văn học Pháp vào cải lương .

 

Bầu chủ Phước Cương là ông Ngọc Cương từng du học ở Pháp, ông khuyến khích các tác giả dịch văn học Pháp, chuyển thể vào cải lương. Người đầu tiên soạn vở cải lương từ tác phẩm văn học Pháp là ông Ngô Vĩnh Khang vở Tơ vương đến thác (La Dame aux camelias), tiếp đến ông Đặng Công Danh chuyển thể vở Sĩ Vân công chúa từ tác phẩm văn học Pháp: Tristanet Iseuet.

 

Ban hát Phước Cương khá mẫu mực về các mặt sinh hoạt, nghệ thuật biểu diễn, một số nghệ sĩ cải lương  thời ấy kể lại, ông bắt các diễn viên sinh hoạt theo giờ, ra đường ăn mặc lịch sự để khẳng định cái vinh của người nghệ sĩ giầu lòng tự trọng. Ông lại cấm các tệ nạn xã hội, không uống rượu, cờ bạc, vay tiền trong ban hát để đánh bạc. Một ban hát vào thời ấy, lại tổ chức quy chế như vậy quả là chặt chẽ, có hướng tiến bộ.

 

Năm 1927, ông Trần Đắc ở Cần Thơ lập gánh cải lương Trần Đắc công diễn ngày 15-9-1927 tại thành phố Cần Thơ. Ban Trần Đắc diễn cải lương tâm lý xã hội tuồng Việt và tuồng Tây. Ngày nay gọi là những vở cải lương đương đại và những vở cải lương chuyển thể từ tác phẩm văn học Pháp vào cải lương, đây lại thêm hướng diễn cải lương mới.

 

Ông Trần Đắc quê ở Mỹ Tho, công tử điền chủ gánh hát lớn bậc nhất Nam Kỳ thời ấy, có nhiều diễn viên từ các ban khác chuyển về như: Kim Thoa, Sáu Huề, năm Châu, Phùng Há, Tư út, Tư Anh, Ba Thâu, Năm Thiềng, Ba Nhàn, Tư Sạng, Sáu Huề, Ba Liên… Tác giả biên kịch có các ông: Trần Hữu Trang (Tư Trang), Tư Chơi (Huỳnh Thủ Trung), Năm Châu (Nguyễn Thành Châu)… Ông Năm Châu soạn vở Giá trị và danh dự, phỏng theo kịch bản văn học Pháp Lecid của Corneille. ông Tư Chơi vở Khúc oan vô lượng, Tư Trang vở Lửa đỏ lòng son… Ban hát Trần Đắc chủ chương diễn các vở cải lương tâm lý xã hội, dù là tuồng Việt hay tuồng Pháp chỉ theo một hướng. Đây là một hướng mới, ca diễn cải lương ngọt mùi, mùi mẫn, sướt mướt, bắt đầu ảnh hưởng văn học lãng mạn Pháp. Sân khấu có mầu vàng và mầu sám trên trang phục và ánh sáng. Các tác giả thể hiện những câu chuyện tình bi lỵ, giải thoát theo đạo giáo như vở Giá trị và danh dự, ông Năm Châu sửa đoạn kết nàng tiểu thư Mari vào làm bà sơ trong nhà cô nhi viện…

 

Hai ban hát cải lương Phước Cương, Trần Đắc lẫy lừng Nam Bộ, ban Trần Đắc còn sang Pháp diễn cải lương. Đây là những ban hát mở ra hướng diễn cải lương mới, đầu năm 1925 xuất hiện cải lương diễn những tác phẩm văn học Pháp và phương Tây vào Việt Nam.

 

Ban Phước Cương ra đời năm 1925, diễn cải lương tâm lý xã hội Việt Pháp hoạt động ở Chợ Lớn và các tỉnh Nam Bộ đến năm 1929 ta rã dưới    Mỹ Tho.

 

Ban Trần Đắc ra đời năm 1927, diễn cải lương tâm lý xã hội, đầu năm 1930 đổi thành Ban Huỳnh Kỳ có thêm các diễn viên Hai Nữ, Năm Long, Ba Giỏi, Phùng Há, Tư Bé, Ba Châu, Năm Kiệt… Ban Huỳnh Kỳ chuyển hướng diễn cải lương dã sử dân gian Việt Nam, đây lại một phát hiện mới của cải lương. Nhưng Ban Huỳnh Kỳ tan rã tại Hà Nội sau năm 1930, vì đây là giai đoạn thoái trào sân khấu cải lương, bị ảnh hưởng từ tình hình kinh tế, chính trị xã hội, nhiều ban hát tan rã.

 

3. Sự ra đời các khuynh hướng diễn cải lương

 

Nhiều người trong giới nghiên cứu ngại sử dụng thuật ngữ khuynh hướng, cho là trong nghệ thuật ít xuất hiệt khuynh hướng. Khái niệm khuynh hướng hiểu đơn giản chỉ một hiện tượng, sự vật nào đó, bộc lộ rõ một thiên hướng trong quá trình phát triển, đó là khuynh hướng. Dựa trên ý nghĩa nội dung khái niệm khuynh hướng như thế, khẳng định quá trình các ban hát cải lương đã thể hiện ý đồ, khuynh hướng riêng. Sự phát triển hưng thịnh và suy thoái sân khấu cải lương, qua các khuynh hướng diễn cải lương của nhiều ban hát đã phát hiện nhiều hình thức diễn cải lương mới lạ để hấp dẫn khán giả.

 

Sân khấu cải lương hưng thịnh từ năm 1921 đến 1928, ra đời nhiều ban hát, có đội ngũ tác giả, diễn viên nổi tiếng. Những ban hát thời mới ra đời, họ có tác giả riêng của mỗi ban, chỉ riêng điểm ấy đã hơn hẳn các Đoàn, Nhà hát cải lương thời nay, không ở đâu chăm sóc cho riêng một tác giả ở đoàn hát của mình. Bao nhiêu năm xây dựng sân khấu với những tên gọi các cuộc liên hoan khá kêu “Nửa thế kỷ sân khấu Việt Nam”, nhưng chỉ một số đoàn kịch, chèo, tuồng có tác giả của riêng đoàn, còn những tác giả có tính chuyên nghiệp cao lại ở các cơ quan khác. Chỉ riêng điểm ấy, đã làm cho sân khấu chậm phát triển, ít có khuynh hướng riêng đặc sắc và độc đáo. Sự phát triển cải lương những năm đầu thế kỷ XX, dẫn đến sự cạnh tranh quyết liệt trong thị trường sân khấu, những ban lớn tồn tại năm mười năm, những ban nhỏ từ một đến ba năm tan rã. Cả Nam Bộ có các ban: Năm Tú, Tân Thinh, Tân phước nam, Đồng bào Nam, Tân hưng, Văn hý ban, Như thuỷ ban, Sĩ đồng du, Phước Cương, Trần Đắc, Thi phát huê, Nhã Tinh, Huỳnh Kỳ, Tân đồng, Đồng nữ, Tăng minh, Nghĩa hiệp, Vạn phước, Nam hưng, Phước trung nam, Ban Lê Quang Liêu, Đặng Thúc Liếng, Ban Quốc trái, phường tuồng Hội nhà báo, Tân Phước Nam, An Tri Thuận, Thanh Minh, Hai Cu, Văn hý ban, Văn võ hý ban… Theo con số chưa đầy đủ là 32 ban cải lương, có hai ban Phước Cương, Trần Đắc lớn nhất, tổ chức chặt chẽ về các mặt hoạt động doanh thu mang tính chuyên nghiệp hoá. Hai ban cải lương này, truyền bá cải lương ra Bắc – Trung, ảnh hưởng tới nước Pháp và Đông Dương. Từ những ban diễn carabộ lan toả ra Bắc năm 1919, năm 1926, ban Trần Đắc ra Hà Nội diễn cải lương. Sân khấu cải lương đã phát triển ảnh hưởng tới ba miền: Nam – Bắc – Trung.

 

Sự ra đời các hướng diễn cải lương phát triển mạnh:

 

- Năm 1918, ra đời sân khấu cải lương tuồng cổ, đa phần tuồng tích Việt.

- Năm 1919, diễn cải lương đề tài cuộc sống con người đương đại.

- Năm 1921, cải lương diễn tuồng Tầu

- Năm 1925, cải lương diễn tuồng Tây.

 

Sự phát triển cải lương lần thứ nhất: 1919 đến 1930, bộc lộ các khuynh hướng cải lương, mỗi khuynh hướng là một trào lưu diễn cải lương. Ngay giai doạn đầu, sân khấu cải lương  thể hiện những điểm mạnh, những yếu điểm của tự do cạnh tranh. Mỗi ban hát ra đời mang phong cách, khuynh hướng riêng, thể hiện tính đa dạng, đa phong cách về sự tiếp thu nghệ thuật đương đại, bảo tồn truyền thống. Ngày nay, cải lương chỉ kế thừa những tinh hoa nghệ thuật đương đại trước sự hội nhập nghệ thuật toàn cầu hoá.

 

II. Sự phát triển ca nhạc cải lương

 

1. Những ban nhạc tài tử – carabộ

 

Sân khấu cải lương hình thành từ ba bộ phận quan trọng: âm nhạc, kịch bản văn học và các hình thức nghệ thuật khác, trong đó hai bộ phận đầu tiên tạo thành nghệ thuật âm nhạc và kịch bản văn học, không có âm nhạc không thể có cải lương. Âm nhạc là đặc trưng bản sắc, phong cách sân khấu kịch hát chèo, tuồng, cải lương … của nền sân khấu kịch hát Việt Nam.

Sân khấu cải lương Nam Bộ ra đời, mang phong cách đặc phẩm văn hoá Nam Bộ, bắt nguồn từ sự hình thành nền âm nhạc dân gian Nam Bộ. Nền âm nhạc ấy, có các điệu hò, điệu lý… sau này ra đời dòng ca nhạc tài tử Nam Bộ. Ca nhạc tài tử là tên gọi độc đáo, từ tên gọi đến hình thức hoà tấu dàn nhạc, hệ thống bài bản… mang phong cách đặc trưng riêng của ca nhạc tài tử. Một hình thức tổ chức biên chế dàn nhạc, lề lối hoà tấu, đến tên gọi khắp cả nước không vùng nào có “dàn nhạc tài tử” chùng hợp với các dàn nhạc tài tử Nam Bộ. Ca nhạc tài tử ra đời từ dân gian lên chuyên nghiệp vào năm 1910, xuất hiện hàng loạt các ban nhạc, nhạc công nổi tiếng khắp Nam Bộ. Nhiều nhạc công sáng tác bài bản cho vốn ca nhạc tài tử. Năm 1899, Vua Thành Thái từ Huế vào Sài Gòn đã nghe dàn nhạc tài tử hoà tấu bản Ngự do nghệ nhân sáng tác. Đây là loại nhạc lễ của dàn nhạc Cung đình Huế, bản tài tử này ảnh hưởng Cung đình Huế, nhưng sáng tác trên đất Nam Bộ. Sau này vào cải lương bản nhạc, đã cải lương  hoá. Nhạc tài tử là nhạc lễ ra đời năm 1899 tại Sài Gòn, nhạc tài tử có tập bài bản đầu tiên xuất bản năm 1909 đến 1915 ra đời các tập bài bản: Lục tài tử, Bát tài tử, Thập tài tử, Tứ tài tử, Ngũ tài tử… Ông Trần Quang Quờn sáng tác, truyền bá các bản: Bình bán, Phẩm tuyết, Nguyên tiêu, Hồ quảng… Ca nhạc tài tử phát triển thành dàn nhạc chính quy, có bài bản hoà tấu quan trọng, các nghệ nhân cải lương ai cũng biết luật chơi. Những bài bản ấy được xếp hạng: nhất lý, nhì ngâm, tam nam, tứ oán, ngũ điểm, lục xuất, thất chính, bát ngự, cửu nhĩ, thập thủ liên hoàn.

 

Sự xếp hạng ấy, là luật chơi nhạc của ca nhạc sân khấu cải lương. Ca nhạc cải lương ra đời từ ca nhạc tài tử, những ban nhạc tài tử nổi tiếng từ năm 1910 đến 1915:

 

Ban Nhạc Khị – Bạc Liêu [1]

Ban Kinh kịch Quờn – Vĩnh Long

Ban Tư Triều, Cái Thia – Mỹ Tho

Ban Hồng Triều, Vĩnh Kim – Mỹ Tho

Ban ái Nghĩa, Phong Điền – Cần Thơ

Ban Bẩy Đông – Sa Đéc

Ban Ba Chột – Bạc Liêu

Ban Đăng Đàn – Vĩnh Long

Ban Mười Khôi

Ban Cao Huỳnh Diêu

Ban Cao Huỳnh Cư

Ban Mường Nhường

Ban Tư Khôi

Ban Mười Lý

Ban Bẩy Triều

Ban Tống Hữu Định – Vĩnh Long

Ban Andre Thận – Sa Đéc

Ban Phó Mười Hai – Vĩnh Long

Ban Đặng Thúc Liếng – Mỹ Tho…

 

Hai mươi ban ca nhạc tài tử, carabộ, là con số còn quá ít so với sự phát triển ca nhạc tài tử lúc ấy, nhưng đây là những ban nhạc tiểu biểu cho sự phát triển ca nhạc và carabộ. Những ban nhạc nổi tiếng chứng minh sự phát triển mạnh ca nhạc tài tử, carabộ, khắp các tỉnh đồng bằng Nam Bộ.

 

Mỗi ban nhạc có những nhạc công nổi danh như Sáu Tài, Tư Hiên, Bảy Thạch, Giáo Tiên, Trần Quang Quờn, Bảy Thông, Bảy Cảnh, Huỳnh Diêu, Huỳnh Cứ, Mười Nhường, Mười Lý, Tư Khôi, Đăng Đàn, Mười Khôi… Những ca sĩ ca nhạc tài tử, carabộ có: Ba Đắc, Hai Nữ, Hai Cúc, Hai Nhiêu, Bảy Kiên, Ba Điều, Ba Niệm, Tám Sâm, ông Bảy Kiên, Bảy Cừ, Hai Giỏi… Những ca sĩ này hát, diễn ca nhạc tài tử lúc đầu ngồi nghiêm trên bộ ván tứ ca, sau mặc quốc phục nghiêm trang đàn ca. Nhưng có hai giả thiết, một cho là vào năm 1914 cô Ba Đắc ca có điệu bộ, lúc ấy là ngồi ca nhưng đưa tay lên, hạ tay xuống, sau đứng ca có điệu bộ. Giả thiết thứ hai, theo nhóm biên soạn của Hội sân khấu thành phố cho rằng carabộ ra đời vào năm 912 – 1915. Qua nhiều nhà nghiên cứu, có thể lấy khoảng thời gian 1914 đến 1918, là quá trình ra đời, phát triển hình thức carabộ, một trò diễn ca nhạc tiền thân của sân khấu cải lương. Ca nhạc tài tử ra đời từ ca nhạc dân gian, nhạc phong tục, nhạc lễ, nhưng phát triển thành các dàn nhạc chuyên nghiệp có tổ chức dàn nhạc, vào năm 1918 đến 1920 có:

 

- Lục tài tử (1918)

- Tứ tài tử (1919)

- Ngũ tài tử (1920)

 

Những dàn nhạc tài tử, tạo ra vốn bài bản có khoảng 120 bản đàn ca tài tử, đây là số bản nhạc đủ để ra đời sân khấu cải lương. Những ban nhạc tài tử từ 1914 đến 1918 – 1920, thường diễn đàn ca tài tử carabộ, chỉ một số ban có diễn cải lương sau năm 1918. Những bài bản cải lương là bài bản carabộ và tài tử, bản Oán là bản chủ đạo của carabộ và sân khấu cải lương. Vào năm 1918 – 1920, mới có bản Dạ cổ hoài lang.

 

2. Bản Dạ cổ hoài lang

 

Sự ra đời bản Dạ cổ hoài lang, theo các nhà nghiên cứu Vũ Đào, Lê Văn Chất… cho là nó ra đời vào năm 1917. Còn theo ông Vương Hồng Sến, Trần Văn Khải… cho là vào năm 1920 xuất hiện bài Dạ cổ hoài lang của ông Sáu Lầu ở Bạc Liêu. Hiện nay nhiều bài viết của các nhà nghiên cứu cho rằng bản Dạ cổ hoài lang ra đời vào năm 1917 – 1918, nhưng theo các báo Nông cổ mín đàm, Phan yên báo, Tạp chí Đông Dương… đăng những bài nói về sân khấu cải lương năm 1918, thường ca bài Tứ đại oán hơi xuân, hơi Nam, chưa có ca Vọng cổ. Do đó, bài Dạ cổ hoài lang chỉ ra đời vào năm 1920, có phần chính xác hơn.

 

Dạ cổ hoài lang, ý nói đêm nghe tiếng trống nhớ chồng, một bài ca tâm trạng của người phụ nữ xa chồng, mỏi mắt chờ mong. Bài ca nhanh chóng đến với công chúng, năm 1928 Bẩy Kiên đặt lời xen vào bài Dạ cổ giữa bốn lớp Dạ cổ có ba lớp Tây thi, ông gọi là Cổ thi. Đây là hình thức ca sáng tạo phá cấu trúc bài Dạ cổ đầu tiên để nó gắn với thực tiễn phong phú trong đời sống xã hội. Bài Dạ cổ ông Sáu Lầu viết là nhịp hai, kết hợp với bài tây thi nhịp tư, thế là bài Dạ cổ chuyển thành bài Cổ thi nhịp bốn. Tiếp theo nghệ sĩ Tư Chơi phổ biến bài Vọng cổ thi lên nhịp tám năm 1936, từ nhịp tám tăng lên nhịp mười sáu, cô Phùng Há làm cho nó càng nổi tiếng và hấp dẫn. Bài Vọng cổ nhịp mười sáu là bài bản cải lương hay nhất trong vốn ca nhạc cải lương, những người yêu thì trân trọng nâng niu, người ghét coi là đồ bỏ đi. Năm 1951 ca nhạc cải lương bị cấm vì cho rằng nó là bài Vong quốc, tình cảm uỷ mị, thiếu tinh thần chiến đấu, năm 1952 mới phục hồi cải lương vùng kháng chiến. Bài Vọng cổ và nghệ thuật cải lương đặc sắc có một thân phận như nàng Kiều “hồng nhan bạc phận”. Bài Dạ cổ hoài lang để có điều kiện tồn tại đã phát triển biến đổi, sau ngày kháng chiến năm 1945 có tên gọi là bản Vong quốc, Vọng cố đô, Sầu vạn cổ, sau khi phục hồi cải lương bài Vọng cổ được sống lại. Bài Dạ cổ hoài lang đã qua các tên gọi: Năm 1920 Dạ cổ hoài lang, năm 1928 gọi là Cổ thi, năm 1936 gọi là bản Vọng cổ. Bản Vọng cổ tiếp tục phát triển kỹ thuật ca cao siêu trong ca nhạc cải lương, là những bí quyết thành công của các nghệ sĩ cải lương. Mỗi người có một kỹ thuật ca, một phong cách riêng, nên được gọi với cái tên riêng: Vọng cổ út Trà Ôn, Vọng cổ Năm Châu, Vọng cổ Phùng Há, Vọng cổ Thanh Tuấn, Vọng cổ Bạc Liêu… Bài Dạ cổ hoài lang là tư liệu quý, nguồn gốc bài Vọng cổ khi mới ra đời của ông Sáu Lầu, lời ca do ông Trần Văn Khải ghi lại bài Dạ cổ hoài lang (nhịp đôi).

 

Từ là từ phu tướng

Bảo kiếm sắc phong lên đường

Vào ra luống trông tin chàng

Đêm năm canh mơ màng

Em luống trông tin nhạn

Ôi gan vàng quặn đau

Đường dầu xa ong bướm

Xin đó đừng phụ nghĩa tao khang

Còn đêm luống trông tim bạn

Ngày mỏi mòn như đá Vọng phu

 

Vọng phu vọng luống trông tim chàng

Lòng ai xin chớ phũ phàng

Chàng hỡi chàng có hay

Đêm thiếp nằm luống những sầu tây

Biết bao thủa đó đây xum vầy

Duyên sắt cầm đừng lạt phai

 

Thiếp xin nguyện cho chàng

Nguyện cho chàng hai chữ bình an

Mau trở lại gia đình

Cho én nhạn hợp đôi.

 

Từ bài Dạ cổ hoài lang cổ xưa đến bài Vọng cổ, có lời ca, khung nhịp âm nhạc đã biến đổi vô định trong nghệ thuật ca diễn. Bài Vọng cổ biến đổi nhịp điệu theo thời gian và thẩm mỹ công chúng:

 

- Năm 1920 bài Dạ cổ hoài lang nhịp hai

- Năm 1928 bản Cổ thi nhịp tứ

- Năm 1936 bản Vọng cổ nhịp tám

- Năm 1945 bản Vọng cổ nhịp 16

- Năm 1965 – 1985 bản Vọng cổ nhịp 64

- Năm 1990 Vọng cổ nhịp 16…

 

Những thay đổi nhịp điệu bài Vọng cổ là sự phát triển kỹ thuật ca, sự thay đổi ấy gia tăng về lời ca, nội dung bài bản và nhịp điệu âm nhạc. Bản Vọng cổ qua nhiều lần biến đổi lại quay về nhịp 16, khẳng định đây là nhịp điệu cấu trúc hay nhất. Bản Vọng cổ giống như nghệ thuật cải lương, hoặc coi đó là linh hồn của cải lương, mà bản Vọng cổ là cái bóng thu nhỏ. Bản Vọng cổ luôn biến đổi tồn tại, đáp ứng công chúng qua những khoảng thời gian, dù quay về nhịp 16, không có nghĩa là theo đường xưa cũ. Ngay nhịp điệu 16, bản Vọng cổ không ngừng sáng tạo kỹ thuật ca của các nghệ sĩ. Kỹ thuật ca bản Vọng cổ luôn là những bí ẩn sáng tạo, thành công của mỗi nghệ sĩ. Kỹ thuật ca bản Vọng cổ luôn ở phía trước như nghệ thuật sân khấu cải lương đang phát triển trước công chúng. Đó là giá trị bài Vọng cổ và nghệ thuật cải lương.

 

3. Bước phát triển ca nhạc mới vào cải lương.

 

Sự phát triển ca nhạc vào cải lương xuất phát từ thực tiễn nội dung kịch bản sân khấu, nội dung kịch bản sân khấu bị ảnh hưởng dưới sự tác động của các trào lưu tư tưởng văn hoá xã hội. Những phong trào đổi mới lối sống, đổi mới xã hội tác động vào sân khấu cải lương, ảnh hưởng đến sự phát triển âm nhạc. Sự phát triển bản Vọng cổ là một khuynh hướng cải cách ca nhạc, cùng với nghệ thuật ca là sự cải cách các nhạc khí. Dàn nhạc cải lương thuần Việt ban đầu là dàn nhạc tứ tài tử, dần thay thế các nhạc khí mới dẫn đến những thay đổi bất ngờ, nhưng những thay đổi nhạc cụ, dàn nhạc bắt đầu từ các khuynh hướng sân khấu cải lương.

 

Năm 1921, cải lương tuồng Tầu, có dàn nhạc Quảng vào dàn nhạc cải lương.

Năm 1926, dàn nhạc phương Tây vào dàn nhạc cải lương. Các nhạc công cải tiến nhạc cụ phương Tây vào dàn nhạc cải lương:

Năm 1920, ông giáo Tiên đưa ghi ta vào dàn nhạc cải lương.

Năm 1925, Tư Chơi cải tiến đàn ghi ta phím cao.

Năm 1926, thành đàn ghi ta phím lõm.

Năm 1927, Tư Thạch đưa ghi ta Hawai vào cải lương.

Năm 1925, Sáu Tài chơi violon.

Năm 1926, lên giây cải lương sòn rê són (của Tư Hiệu).

Năm 1927, Tư Hiệu đưa Sello vào dàn nhạc cải lương.

 

Sự phát triển các dàn nhạc mới lạ vào cải lương, do yêu cầu công chúng. Vào những năm 20 của thế kỷ XX, công chúng thích hát cải lương pha Quảng, thích dàn nhạc Tầu. Nhiều ban hát đưa cả hai dàn nhạc lên sân khấu, dàn nhạc tài tử đánh bài bản cải lương, dàn nhạc Quảng hoà tấu, đệm cho ca những bài hát Quảng đậm đặc, phong cách ca nhạc Trung hoa. Từ năm 1928 đến 1936, dàn nhạc Tây ngồi trước sân khấu cùng dàn nhạc tài tử. Dàn nhạc Tây có piano, kèn, trống tăng bua ranh… hoà tấu những bản nhạc Tây chào khán giả, kết thúc vở… thật hùng tráng, lộng lẫy đầy hấp dẫn. Theo phong trào tân thời du nhập các loại nhạc khí vào dàn nhạc cải lương, nhưng cuối cùng có những nhạc cụ phương Tây Việt hoá thành nhạc cụ của dàn nhạc cải lương. Đây là phương pháp đặc biệt của nghệ thuật cải lương, là cải lương hoá các trào lưu nghệ thuật đương đại vào cải lương. Phần ca nhạc, những nhạc cụ cải lương hoá thành công là hai nhạc cụ: ghi ta phím lõm và violon lên dây cải lương, quãng năm, quáng tám trở thành hai nhạc cụ trong dàn nhạc cải lương. Vào năm 1928, phát triển đầy đủ, hoàn chỉnh ca nhạc, dàn nhạc sân khấu cải lương, làm phong phú bản sắc âm nhạc và phong cách nghệ thuật cải lương, tiếp thu tinh hoa nền âm nhạc văn hoá thế giới để tồn tại, phát triển trước cuộc sống mới.

III. Mấy đặc điểm phong cách ca diễn cải lương một số ban hát

1. Khái niệm phong cách

 

Phong cách có nhiều khái niệm theo nghĩa rộng và hẹp, phong cách lối sống giản dị, phong cách lao động công nghệ, phong cách ngôn ngữ… nhưng phong cách nghệ thuật là phạm trù mỹ học. Phong cách nghệ thuật phản ánh sự thống nhất hữu hình tương đối ổn định của hệ thống hình tượng, qua các phương tiện biểu hiện có tính độc đáo. Những đặc điểm phong cách thể hiện trên tác phẩm những nguyên tắc cấu trúc nội dung, hình thức như một quy luật phát triển nghệ thuật. Phong cách là cái riêng tạo ra những cảm nhận tác phẩm có thiên hướng về cảm xúc tình cảm, tư tưởng, phản ánh thế giới qua hệ thống hình tượng nghệ thuật mang tính thời đại.

 

Dựa trên những đặc tính khái quát phong cách nghệ thuật thuộc phạm trù mỹ học, nhìn lại sự ra đời những ban hát cải lương giai đoạn đầu thế kỷ XX, tuy còn non trẻ nhưng mỗi ban đã có phong cách riêng. Phong cách riêng mỗi ban hát thể hiện đặc tính thẩm mỹ, đáp ứng từng đối tượng khán giả. Nhận rõ ý thức phong cách là sự sống còn của nghệ thuật, mỗi ban hát ra đời tạo dựng một phong cách, dù khuynh hướng có ban mang nhiều khuynh hướng, nhưng phong cách chỉ có một. Ban hát cải lương Năm Tú, ra đời năm 1918, khuynh hướng diễn cải lương tuồng cổ, cải lương tuồng Việt, phong cách cải lương cổ thuần Việt. Năm 1919, Gánh hát kim thời Đồng bào Nam, khuynh hướng diễn cải lương đề tài cuộc sống mới, phong cách cải lương hiện thực xã hội. Năm 1924 Văn Hý ban, Tập ích ban, khuynh hướng diễn cải lương tuồng Tầu, phong cách cải lương tuồng cổ Việt Hoa. Năm 1925, Phước Cương diễn cả ba khuynh hướng: tuồng Việt, tuồng Tầu, tuồng Tây, phong cách cải lương pha trộn ba nền văn hoá Việt Hoa và phương Tây. Năm 1927, ban Trần Đắc khuynh hướng diễn cải lương Pháp Việt, phong cách pha trộn cải lương, kịch nói phương Tây, thể hiện sự thích nghi môi trường xã hội của sân khấu cải lương. Nghệ thuật cải lương luôn biến đổi, không định hình một khuynh hướng, một phong cách từ xưa và mãi mãi cải lương không định hình. Sự định hình của nghệ thuật cải lương chỉ là tương đối, có thể thấy các dạng định hình như cải lương tuồng cổ dựa theo những câu chuyện dân gian, cổ điển thuần Việt, cải lương tuồng Tầu, cải lương tuồng Pháp, Pháp – Việt… Nhưng sau một thời gian công diễn trước công chúng năm, mười năm những khuynh hướng ấy, phong cách ấy, trở thành quá khứ lịch sử. Qua các khuynh hướng diễn cải lương, biểu hiện cải lương có tính xu thời, luôn chạy theo thời cuộc, thị hiếu thẩm mỹ công chúng. Đây là những đặc điểm cải lương, luôn biến đổi, vận động để tồn tại. Ngay giai đoạn những năm đầu thế kỷ XX, các ban hát cải lương ra đời biểu hiện tính cạnh tranh quyết liệt gây ra những đổ vỡ và tồn tại theo nguyên tắc mạnh được, yếu tan, đó là một quy luật của nghệ thuật thị trường.

 

Những khuynh hướng, phong cách diễn cải lương từng ban hát qua mỗi giai đoạn đáp ứng thị hiếu công chúng, trở thành văn đàn cải lương trên mọi miền đất nước. Năm 1926, sân khấu cải lương phát triển mạnh, lần đầu tiên các ban hát ra Bắc lưu diễn và trở về Trung Kỳ, nhờ đó cả nước ra đời một sân khấu kịch hát, có đặc điểm nghệ thuật các vùng miền.

 

2. Tác giả, tác phẩm

 

Sự phát triển nghệ thuật nhờ vào đội ngũ tác giả, sân khấu cải lương biểu hiện những khuynh hướng mới, mỗi khuynh hướng của một ban hát do tác giả tạo dựng nên. Những ban hát cải lương có phong cách riêng nhờ chủ trương của các ông bầu, những ông bầu phụ trách ban hát là nhà chỉ đạo nghệ thuật, đạo diễn, lãnh đạo quản lý tổ chức diễn viên, và quan trọng hơn là quản lý doanh thu, để ban hát tồn tại. Mỗi ban hát cải lương ra đời phải có một tác giả riêng, tác giả viết vở cho ban hát, vì thế mới có phong cách và khuynh hướng hoạt động nghệ thuật.

 

Phong cách mỗi ban hát biểu hiện qua khuynh hướng trong mối quan hệ tổng hợp sân khấu, từ vở diễn đến nghệ thuật diễn viên. Tuy vậy, không phải tác giả kịch bản nào cũng có phong cách riêng, nhìn lại nhiều tác giả sân khấu đương đại nửa thế kỷ sân khấu Việt Nam, chỉ có thể thấy một số tác giả có phong cách, còn phần đông là giống nhau. Các tác giả giống nhau trong cấu trúc tác phẩm, nội dung đề tài, ngôn ngữ văn học. Những tác giả có phong cách, là tác giả thoát ra khỏi trào lưu sáng tác kịch bản chung, tìm đề tài, hướng phản ánh riêng, có nguôn ngữ văn học riêng kiểu như phong cách Tào Mạt, Doãn Hoàng Giang, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Khắc Phục, Xuân Trình, Lưu Quang Vũ… Còn quá ít trước một đội ngũ tác giả có tới năm bảy trăm người. Riêng tác giả sân khấu cải lương đương đại, tính cả chuyên nghiệp và không chuyên, tuy là không chuyên nhưng họ đã có vở được các đoàn dựng ở trong Nam có khoảng bốn trăm người, ngoài Bắc khoảng năm, sáu người, con số này không nhỏ. Nhưng sân khấu hôm nay không có công chúng vì thiếu tác giả, thiếu tác phẩm đáp ứng công chúng bằng những khuynh hướng, phong cách cải lương  mới. Trở lại sân khấu cải lương giai đoạn đầu phát triển có một số tác giả, nhưng họ là những người mở đường các khuynh hướng, phong cách sân khấu cải lương.

 

Khuynh hướng diễn cải lương tuồng cổ thuần Việt, Trương Duy Toản, ông có hàng loạt các vở: Kiều, Kiều xe duyên cùng Từ Hải, Kiều Hoạn Thư, Kiều gặp Đạm Tiên, Lục Vân Tiên, Kiều Nguyệt Nga, Trang tử cổ bần… Khuynh hướng diễn cải lương đương đại, tác giả Trần Phong Sắc có các vở: Thu phú phụ bần, Cô ba lưu lạc, Bội thê thiên xử… Tác giả Đặng Công Danh các vở: Duyên chị tình em, Tứ đổ tường (1925), Tư Trang vở Lửa đỏ lòng son… Nguyễn Công Mạnh vở Giọt máu chung tình, Bạch Thu Hà…

 

Khuynh hướng diễn cải lương tuồng Tầu, tác giả Nguyễn Trọng Quyền (Mộc Quán) vở Thế nhận Oan ương, Lưu hiếu nữ, Tây sương Ký, Châu Trần phải nghĩa, Tình phai phấn lạt… Tác giả Đào Trí Phú (Đào Châu), vở Kỳ duyên phố, Triệu Trinh Nương… Nguyễn Công Mạnh vở Sử cấm bình kháo võ, Thất huyền Quyên, Phụng Nghi Đình, Mộc quế anh dâng cây, Anh hùng đại náo Tam môn nhai… Đặng Công Danh vở Tam trinh xuất thế, Khai trương ban hát Phước Cương tại rạp Modecnơ, nay là rạp chiếu phim trên đường Lê Thánh Tông thành phố Hồ Chí Minh.

 

Khuynh hướng diễn tuồng Tây, tuồng Tầu, tuồng Pháp – Việt, ngô Vĩnh Khang vở Tơ vương đến thác (LaDame aux camelias), Đặng Công Danh vở Sĩ vân công chúa (Tristan et iseuet)… Năm Châu vở Giá trị và danh dự (1925), phỏng theo kịch LeCid của Cornelle…

 

Những tác giả cải lương là người viết kịch bản cải lương, họ nắm vững bài ca và cấu trúc kịch bản, viết thẳng vào sân khấu cải lương đã có 12 tác giả, số vở diễn khoảng 35 vở, là những vở diễn nổi tiếng được công chúng hâm mộ. Nhiều vở có cốt truyện hay như Trang tử cổ bồn, Kiều Hoạn Thư, Kiều xe duyên cùng Từ Hải, Cô ba lưu lạc, Kiều Nguyệt Nga, Tây Sương Ký (Dưới mái tây hiên), Giá trị và danh dự… Nhiều vở diễn tiêu biểu cho những khuynh hướng, phong cách cải lương, đó là sự phát triển sân khấu cải lương, những vở diễn còn để lại giá trị nghệ thuật diễn ngày đầu ra đời sân khấu cải lương và quá trình phát triển cải lương Nam Bộ.

 

3. Nghệ thuật biểu diễn

 

Nghệ thuật diễn cải lương hình thành, ra đời từ ba yếu tố sân khấu, một là trò diễn carabộ, có tính nguồn gốc ngôn ngữ hành động diễn là ca và bộ. Ca và bộ, không phải theo trụ bộ hành động của tuồng mà bộ của cải lương có hai giá trị hành động. Giá trị thứ nhất, bộ là ra bộ minh hoạ giải nghĩa cụ thể ý lời ca miêu tả, ca đến đâu, bộ đến đó. Giá trị thứ hai, bộ là ra điệu bộ theo điệu hát, điệu hát mạnh, điệu bộ mạnh, điệu hát nhẹ, điệu bộ nhẹ. Điệu bộ theo ca không phải minh hoạ cụ thể lời ca mà điệu bộ ở đây là động tác diễn kể, có hành động cụ thể, thể hiện sắc thái tình cảm nhân vật từ lời ca, lời thoại, lời thơ. Đây là ngôn ngữ đặc trưng nghệ thuật diễn cải lương . Yếu tố thứ hai, ngôn ngữ hành động ra bộ bắt nguồn từ cải cách hát bội, mở đầu từ điệu hát Nam, hát Khách, nhưng các nghệ sĩ carabộ sáng tạo thành hình thức nói lối cải lương. Yếu tố thứ ba, ngôn ngữ ra bộ xuất phát từ sự ảnh hưởng kịch nói Pháp, hành động bộ từ ngôn ngữ hành động kịch nói, nhưng cải lương hoá mềm đi thành hành động điệu bộ cải lương. Đây là đặc trưng ngôn ngữ bộ hành động ngôn ngữ diễn cải lương.

Sân khấu cải lương mới ra đời, vở diễn đầu tiên vở Kim vân Kiều của Ban hát Năm Tú, còn lưu danh trong giới nghệ sĩ như Hai Cúc, Hai Nhiêu, Kép Bảy Thông, Tám Cang… Các nghệ sĩ diễn cải lương theo cải lương tuồng cổ, những động rác ra bộ diễn minh hoạ chậm theo hình thức ca nhạc tài tử carabộ. Các vai diễn gần với hình thức ca nhạc sân khấu cải lương hơn là hình thức diễn nội tâm nhân vật, hành động diễn theo điệu bộ và minh hoạ - vở cải lương đầu tiên chinh phục công chúng bằng nghệ thuật ca là chính, nghệ thuật diễn được công chúng tiếp nhân qua phần thân phận nhân vật với lời ca ngọt mùi. Nhận xét nghệ thuật diễn vở Kim Vân Kiều nhiều nghệ sĩ Nam Bộ cho là diễn theo lối cải lương cổ, điệu bộ tuồng Tầu, diễn cải lương ảnh hưởng Tầu hay Việt có vẻ khó xác định. Bởi chính cô hai Cúc người trong cuộc không nói gì về những nhận xét của người ngoài cuộc, nhưng xem cách bài trí sân khấu, xuất phát từ câu chuyện văn học thuần Việt với quan niệm nho giáo của tác giả Trương Duy Toản, ông là người Tây học, nhưng ông lại hơi nghiêng về nho giáo và văn hoá Việt. Nên có thể suy đoán hình thức diễn cải lương đầu tiên là lối trình diễn carabộ, cách điệu cao thành hành động diễn cải lương thuần Việt theo hình thức sân khấu tả thực. Suốt năm 1918, ông Toản thường viết những vở cải lương tuồng Việt, sang năm 1919, mới có những vở tuồng Tầu, trong đó vở Trang Tử cổ bồn là vở tuồng trích truyện Tầu đầu tiên ông thể hiện khuynh hướng cải lương tuồng Tầu theo quan niệm giáo lý phong kiến Việt Nam. Nghệ thuật diễn cải lương vở Kim Vân Kiều là sự kết hợp các lối diễn hành động tả thực của carabộ, hành động ngôn ngữ kịch nói, nhưng nghệ thuật diễn chính là ca và bộ theo phong cách cải lương tuồng cổ.

 

Nghệ thuật diễn từ năm 1919, xuất hiện ngôn ngữ hành động mới từ những vở cải lương đề tài cuộc sống mới, các nhân vật diễn tự nhiên đi lại gần với hành động con người cuộc sống. Đây là ngôn ngữ diễn kịch nói, nhưng đã nhẹ hoá thành ngôn ngữ cải lương, cách điệu hành động con người cuộc sống hiện thực. Đó là ngôn ngữ hành động cải lương. Nghệ thuật diễn cải lương tả thực của các nghệ sĩ nổi tiếng: Cô Ba Đắc, Hai Cúc, Hai Nữ, Hai Nhiêu, Phùng Há, Năm Phỉ, Ba Liên, Ngọc Xứng, Ngọc Sương, Thanh Tùng, Long Ngà, Hai Nhỏ, Cô Năm, Bảy Nam, Tư Hương, Kim Thoa, Ngọc Bích, Sáu Thôi, Ba Xuân, Ngọc Phương, Ba Viện, Bảy Lựu, Tư Bé, Tư LeNơ, Ba Nhàn, Bảy Lựu, Chín Lê, Tư Huề, Ba Điều, Tư Nhỏ, Tư Sang, Chín Lê, Chín Thêu, Mười Nhường, Kim Hui, Ba Mật, Sáu Ty, Sáu Trâm, Ba Vinh, Sáu Huề, Tư Huề, Hai Hiếu, Ngọc Xoa, Kiều Mỵ, Kiều Loan… Khoảng trên 40 nghệ sĩ nữ khá nổi từ năm 1918 đến 1930, là một lực lượng diễn mạnh để phát triển cải lương. Sánh vai bên những cô đào có nhiều kép nổi danh như Tư Chơi, Văn Chuông, Bảy Nhiêu, Năm Hỷ, Lâm Sanh, Dương Hoà, Đại Hồng, Song Hưng, Tư Anh, Năm Châu, Tư út, Tư Thới, Ba Vân, Bảy Nhiêu, Hữu Phước, út Trà Ôn, Tư Dậu, Tư Thạch, Hai Tỷ, Tư Đề, Tám Mẹo, Ba Du, Hai Ngời, Hai Bông, Năm Tỵ (hề), Sáu Chánh, Tám Danh, Sáu Chương, Năm Định, Bảy Nhỏ, Bảy Thành, Sáu lê, Hai Lợi, Hai Trì, Ba Thâu, Năm Thiềng, Tư Trang (Trần Hữu Trang), Ba Giỏi, Ba Duy, Năm Thắng, Ba Châu, Ba Đổng, Chín Món, Năm Kiệt, Hai Sự, Tư Long, Năm Long, Tư út, Tư Mão, Ba Cương, Mười Bửu… Những đào kép nổi danh này thường là diễn viên trụ cột của nhiều ban hát, nhờ có lớp nghệ sĩ đầu tiên xây dựng cải lương ngày càng phát triển trong thời đại mới.

 

Nghệ thuật diễn ngày một nâng cao, từ chỗ diễn theo hát bộ của carabộ và tuồng, dần hình thành các loại ngôn ngữ diễn cải lương: Kỹ thuật ca và bộ, múa cải lương. Đây là những đặc trưng ngôn ngữ mới ra đời từ sự phát triển sân khấu cải lương. Nghệ thuật diễn bộ có nhiều ngôn ngữ hành động diễn tả hình tượng nhân vật, hình tượng nghệ thuật vở diễn, xuất phát từ các khuynh huớng diễn cải lương. Từ những động tác ra bộ minh hoạ lời ca, tả thực, như thực đến tả thực cách điệu, ước lệ ngôn ngữ hành động kết hợp ngôn ngữ múa làm cho nghệ thuật diễn có hành động hoàn mỹ. Giai đoạn đầu phát triển cải lương đã hoàn thiện các mặt đội ngũ:

 

- Tác giả, tác phẩm

- Diễn viên chuyên nghiệp

- Nghệ thuật diễn

- Nghệ thuật hoà tấu dàn nhạc

- Tổ chức đoàn hát có khuynh hướng, phong cách riêng.

 

Nghệ thuật cải lương tương đối hoàn chỉnh các mặt hoạt động nghệ thuật, để tiếp tục phát triển trước công chúng hâm mộ lan toả trên cả nước.

 

4. Âm nhạc và mỹ thuật

 

A. Âm nhạc

Âm nhạc cải lương góp phần khẳng định khuynh hướng, phong cách cải lương, hỗ trợ cho toàn cảnh sân khấu là mỹ thuật. Âm nhạc, mỹ thuật là hai loại hình nghệ thuật phù trợ góp phần nổi bật đặc trưng phong cách sân khấu cải lương từng ban hát.

 

Âm nhạc cải lương từ năm 1918 đến 1920, sử dụng bài bản ca nhạc tài tử của những ban hát carabộ thường diễn doanh thu ở những nơi đông người. Vốn ca nhạc ấy có bài Oán chủ đạo của ca nhạc cải lương, bài Oán hát với nhiều tâm trạng nhân vật, tình huống sân khấu, xen giữa bài Oán, bài Cổ Thi có nói lối, nói dặm, ngâm thơ, nói thơ Nam Bộ. Nói thơ một hình thức gần với hát nói có vần điệu, còn ngâm thơ là ngâm Kiều, lẩy Kiều, là một làn điệu cải lương  đến nay thường hay sử dụng khá đặc sắc. Từ năm 1920, xuất hiện bài Dạ cổ hoài lang chỉ là thêm một chút màu sắc, bài Oán vẫn là bài hấp dẫn công chúng với những ca sĩ ca nổi tiếng như Ba Đắc, Tư Sự, Bảy Nhiêu, Năm Nở, Năm Phỉ, Phùng Há, Hai Cúc, Tư Hương… vào năm 1925, bài Vọng cổ có giá trị ngang bài Oán, và nổi hơn bài Oán, bởi được các nhạc công Giáo Tiên đưa ghi ta đệm cho bản Vọng cổ, Sáu Tài chơi Violon… Đầu năm 1927, Bảy Thạnh chơi ghi ta hauayen đệm cho ca Vọng cổ, thực sự nổi tiếng không chỉ là giọng ca hay của những cô đào, còn có tiếng ghi ta viên độc đáo tung hứng với nhau làm người nghe khâm phục tài nghệ đàn ca. Sự hỗ trợ của các nhạc công bằng kỹ thuật biểu diễn điêu luyện, với những âm sắc khác lạ của những nhạc khí phương Tây cải lương  hoá làm mất vai trò bài Oán, bài Vọng cổ dần độc chiếm ca nhạc cải lương. Qua đó, cho thấy vị trí quan trọng của các nhạc công xưa góp phần không nhỏ tôn vinh các giọng ca, tôn vinh nghệ thuật cải lương. Từ ca nhạc tài tử – carabộ – tiến lên ca nhạc cải lương  là quá trình phát triển kỹ thuật ca nhạc.

 

Kỹ thuật âm nhạc tiến một bước dài nâng cao kỹ thuật cá, nhân xuất hiện những nhạc công độc tấu ghi ta viên, hoà tấu tung hứng cùng ca sĩ chạy ngón biến tấu làm mưa, làm gió trên cây đàn ghi ta. Sự phát triển kỹ thuật mới, những âm sắc mới của các loại nhạc khí đủ sức thu hút công chúng hâm mộ các đào kép cùng nhạc công tài năng. Từ năm 1927, xuất hiện ghi ta phím lõm đàn cho bài Vọng cổ lại thêm một nhân tố mới tô đậm bài Vọng cổ. Bài Vọng cổ có hai nhạc khí mầu sắc ghi ta viên, ghi ta phím lõm, hai loại đàn này không cùng hoà đệm cho bài Vọng cổ. Tuỳ từng ban hát, mỗi ban chỉ sử dụng một loại, có cái này không có cái kia, lúc mới xuất hiện ghi ta hawai (viên), hấp dẫn hơn ghi ta lõm, bởi chất âm thanh nó tạo ra nhiều bồi âm như âm thanh điện tử, óng ánh như kim cương, long lanh mỹ miều, có phần xa xăm huyền ảo, nhưng thiếu cái thật của tiếng đàn con tim. Ghi ta viên hết sức hấp dẫn đến kinh ngạc khi mới xuất hiện, lúc ấy ghi ta hauayen, ghi ta viên như cô gái son phấn mầu mè, chẳng bao lâu đã rơi vào quá khứ. Ghi ta lõm phím độc chiếm sân khấu cải lương  với bài Vọng cổ. Sự độc tôn này hoà nhập ăn ý với nhau từng ngón nhấn, từng âm rải chờ đợi nhau giữa ca và đàn, người đàn chạy ngón dạo chơi chờ người ca xuống hò câu Vọng cổ, người đàn cùng hạ một âm chết lặng tình đời. Đó là sự thành công hoàn mỹ đàn ca, phát triển đến không cùng bài Vọng cổ, cứ chạy đua mãi trên sân khấu cải lương. Những nghệ sĩ nổi danh thường bắt đầu từ ca, còn diễn như là để lại thêm ấn tượng cho ca. Vì thế công chúng gọi là nghe ca cải lương và xem hát bội, đó là lối thẩm mỹ cải lương xưa. Ai thích xem diễn thì đến xem hát bội, đến cải lương là nghe ca và đuổi theo đào kép đẹp, giọng ca hay. Ngày nay, nghệ thuật diễn cải lương nâng cao rất nhiều, chiếm lĩnh chủ đạo sân khấu, nhưng công chúng thường vỗ tay cho câu Vọng cổ xuống hò. Diễn viên nào ca Vọng cổ không giỏi không thể nổi tiếng, đó là dấu tích của ca nhạc tài tử cải lương, là đặc điểm thẩm mỹ ca nhạc cải lương. Một thế mạnh chưa có dàn nhạc sân khấu nào có sức chinh phục công chúng bằng dàn nhạc cải lương.

 

Kỹ thuật hoà tấu dàn nhạc cải lương phát triển đến đỉnh cao về tổ chức dàn nhạc, nghệ thuật hoà tấu các loại nhạc khí, kỹ thuật độc tấu bài bản hoà cùng dàn nhạc có tính tài tử và tính ăng săm dàn nhạc. Đây là kỹ thuật đặc biệt độc đáo của dàn nhạc cải lương, không có người chỉ huy dàn nhạc thì người đàn người ca, người độc tấu nhạc khí vẫn tự do và hoà nhập. Người chỉ huy dàn nhạc chỉ xuất hiện trong các dàn nhạc cải lương từ năm 1956, ở ngoài Bắc, sau năm 1975 ở trong Nam, còn các dàn nhạc tài tử, người chỉ huy là người đánh phách gõ nhịp, còn nữa nhịp hoà đồng là ở con tim mỗi người, đó chất tài tử của cải lương. Ca nhạc cải lương phát triển cùng sân khấu cải lương  hoàn chỉnh các mặt, các khuynh hướng phong cách dàn nhạc:

 

- Dàn nhạc tài tử cải lương: đàn ghi ta phím lõm, đàn cò, đàn tranh, đàn kìm…

- Dàn nhạc Quảng: Tiu, cảnh, chũm choẹ, hồ, tiếu, nhị, sáo.

- Dàn nhạc Tây: Ghi ta gỗ, kèm trompette, cla, piano, violon, trống     tăngbuaranh, sello, flutte…

Sự phát triển phong phú dàn nhạc cải lương, là những bước phát triển âm nhạc, kỹ thuật hoà tấu dàn nhạc, sự phong phú màu sắc âm nhạc mang đậm tính dân tộc và thời đại. Những dàn nhạc cải lương ra đời, đáp ứng các khuynh hướng diễn cải lương của các ban hát, đáp ứng các hướng thẩm mỹ cải lương của công chúng. Sự phong phú dàn nhạc cải lương, kỹ thuật ca diễn trên các hướng ca cải lương.

 

Kỹ thuật ca phát triển ca bài bản, ca ngâm làn điệu, ca Vọng cổ, hát ca khúc mới. Kỹ thuật hát ca khúc mới là kỹ thuật ca bài bản cải lương hoà cùng ca khúc mới. Đây là sự khác biệt kỹ thuật ca cải lương với ca khúc mới, những nghệ sỹ cải lương không hát kỹ thuật ca khúc mới! Kỹ thuật hát ca khúc được cải lương hoá bằng lối ca bài bản, làn điệu dân ca và xử lý ca khúc mới. Kỹ thuật này bắt nguồn từ lối ca cải lương pha Quảng, lối hát ly điệu, điệu cải lương với những bài hát Quảng đã cải lương hoá những bài hát Quảng. Từ kỹ thuật hát cải lương pha nhạc Quảng chuyển thành ca cải lương pha ca khúc mới, đó là sự thành công kỹ thuật hát ca khúc mới.

 

Kỹ thuật hát cải lương pha Quảng xuất hiện từ năm 1921, đã trở thành thói quen thẩm mỹ công chúng, là thói quen của nhiều nghệ sĩ ca cải lương, đến năm 1924 trở thành điêu luyện. Đó là một phát hiện mới về kỹ thuật ca. Nghệ thuật ca cải lương mỗi lần phát triển nhân tố mới là một bước hấp dẫn công chúng, làm mới âm nhạc cải lương. Sang năm 1925, xuất hiện lối hát ca khúc mới, là những bài hát Pháp, hát lời ta điệu tây, hoặc điệu tây, lời Tây ngày một nâng cao, hấp dẫn khán giả. Từ năm 1926, thêm kỹ thuật mới vào bài Vọng cổ, là kỹ thuật ca Vọng cổ nhịp tư, mở rộng khung nhịp kết nối Cổ thi, Vọng cổ với ca khúc mới. Kỹ thuật ca đến năm 1925, ca cải lương đã có các loại kỹ thuật:

- Ca bài bản cải lương

- Hát ca khúc mới với bài bản cải lương

- Ca Vọng cổ, nói lối, nói thơ Nam Bộ liên kết với hát ca khúc mới.

Sự phong phú kỹ thuật ca cải lương, là tiền đề cho bước phát triển kỹ thuật ca cải lương sau này. Nghệ thuật ca cải lương đến năm 1925, đã có đủ các loại kỹ thuật ca, kỹ thuật ấy là nền tảng kỹ thuật ca tồn tại đến nay. Ngày nay các nghệ sĩ luôn sáng tạo nhiều lối ca mới, nhưng chỉ là dựa trên những kỹ thuật ca cơ bản đã có phát triển nâng cao theo tài ca của mỗi người. Đây là sự sáng tạo đến không cùng của kỹ thuật ca bài bản, ca làn điệu, ca Vọng cổ và hát ca khúc mới của kỹ thuật ca cải lương.

 

Nghệ thuật âm nhạc đến năm 1925, hoàn chỉnh các dàn nhạc, các khuynh hướng dàn nhạc, kỹ thuật hoà tấu dàn nhạc, kỹ thuật độc tấu các nhạc cụ trong dàn nhạc cải lương. Ngày nay dù dàn nhạc cải lương có biến đổi, vận động phát triển phải dựa trên nền tảng dàn nhạc tài tử cải lương. Nếu mất dàn nhạc tài tử cải lương, chắc sân khấu cải lương sẽ chuyển sang một hình thức khác. Dàn nhạc cải lương xuất hiện cùng các hướng diễn cải lương, các hướng ca cải lương, xuất hiện nhiều mô hình dàn nhạc khác nhau, kỹ thuật ca khác nhau, nhưng không thoát khỏi dàn nhạc tài tử và kỹ thuật ca cải lương. Dù dàn nhạc tài tử là một mô hình “ổn định”, nhưng ngay mô hình ấy chỉ  ổn định tương đối, bởi các nhạc cụ trong dàn nhạc tài tử luôn thay đổi. Có dàn nhạc lấy đàn ghi ta phím lõm thay thế cả dàn nhạc, có dàn nhạc tứ, ngũ, lục, tam tài tử… Không ít ban hát có dàn nhạc tài tử chỉ có một, hai đàn dân tộc, nhưng có đoàn lại sử dụng bốn năm, đến 20 nhạc cụ dân tộc… Mô hình dàn nhạc cải lương luôn biến đổi, nhưng chất kỹ thuật, cấu trúc dàn nhạc tài tử không thay đổi, đó là đặc điểm dàn nhạc và ca nhạc cải lương. Nghệ thuật cải lương không mất đi bản chất cải lương là chất kỹ thuật diễn tấu tài tử, sự cấu trúc dàn nhạc tài tử, kỹ thuật ca cải lương tài tử. Những nhân tố kỹ thuật ấy, giữ vững bản sắc ca – nhạc sân khấu cải lương, luôn biến đổi và tồn tại.

 

B. Mỹ thuật sân khấu cải lương.

 

Mỹ thuật sân khấu cải lương nâng cao nghệ thuật cải lương, trang trí, hoá trang, phục trang là mối quan hệ tổng hợp biểu hiện khuynh hướng cải lương. Ngay từ khi ra đời sân khấu cải lương, mỹ thuật cải lương tả thực, từ ngày đầu diễn carabộ, mỹ thuật cải lương tạo sân khấu không gian ba chiều và cảnh trí tả thực.

 

Năm 1912, hát carabộ của ban Audre Thận, Sáu Súng, Hai Cu… sân khấu giới hạn phía sau bằng cái phông màu trắng gọi là Foud, hai bên sân khấu trái, phải trang trí cây cảnh. Đó là phôi thai sân khấu cải lương đầu tiên về trang trí mỹ thuật, hình thành một lớp diễn carabộ tiền thân của sân khấu cải lương. Khi ra đời sân khấu cải lương, Ban Năm Tú trang trí theo rạp hát Tây năm 1918 ở Sài Gòn, bày phông cảnh phông hậu, cánh gà, vẽ phông cảnh sơn thuỷ theo những cảnh trong vở Kim Vân Kiều. Mỗi cảnh vẽ phông trên vải lụa, hết cảnh diễn treo lên, sang cảnh mới lại thả xuống, vẽ cảnh thực theo nội dung cảnh diễn. Mở màn vở Kiều, ông Tú bày cảnh hoành tráng, đưa toàn bộ diễn viên phục trang theo các vai diễn ra hát chào khán giả, sau màn chào khán giả, mọi người vào hậu trường, mở cảnh mới bắt đầu vào câu chuyện kịch. Hình thức trình diễn này của ông Năm Tú ảnh hưởng nhạc kịch Opera qua màn Fơrelluytte, dạo đầu. Từ ban Năm Tú, các ban Tư Sự, Hai Cu (Đồng bào Nam, Nam đồng ban) Tái đồng ban, Tân Thinh… đua nhau trình diễn cải lương theo mỹ thuật tả thực. Từ năm 1921, mỹ thuật tả thực chuyển hướng tả thực như thật khi các ban Tập ích ban, Văn hý ban… diễn tuồng Tây. Mỹ thuật phục trang lộng lẫy tả thực chi tiết cụ thể hoá cảnh trí, tạo cảm giác sân khấu là như thật. Đây là sự khác biệt mới về quan niệm sân khấu cải lương, mỹ thuật tạo ra những quan niệm sân khấu mới. Ban đầu cải lương tả thực, kết hợp với cây cảnh thật từ trò diễn carabộ, tiến lên sân khấu cải lương, mỹ thuật tả thực tạo không gian sân khấu mỹ lệ hoá có tính ảo giác. Đây là đặc điểm độc đáo của sân khấu cải lương, cái ảo giác như thực mới là mỹ thuật nghệ thuật cải lương. Sự xuất hiện các ban hát cải lương diến tuồng Tầu “có đánh đồ thiệt” là bước chuyển mới. Một số ban đã kết hợp sân khấu ảo giác với sân khấu tả thực vào cải lương, họ tả thực đến như thật. Khuynh hướng mỹ thuật tả thực như thật xuất hiện vào năm 1926, là một phát hiện mới, đã lôi cuốn công chúng đến sàn diễn số đông, làm nhiều ban hát chạy theo lối trang trí tả thực. Khuynh hướng này kéo dài đến năm 1940, mới trở thành nhàm chán. Sau những năm 30 của thế kỷ XX, khuynh hướng tả thực, có đánh đồ thật hấp dẫn và lấn át các ban hát sân khấu gợi cảm ảo giác. Mỹ thuật sân khấu cải lương có các khuynh hướng:

 

- Tả thực - ảo giác.

- Hiện thực như thật.

 

Mỹ thuật phục trang cải lương gắn liền với các khuynh hướng diễn cải lương có các hình thức trang trí tả thực, như thật, cây cảnh thật, ảnh hưởng hoặc tiếp nhận gần như nguyên si sân khấu Triều Quảng, kịch hát opera. Mọi sự phát triển mỹ thuật cải lương theo trào lưu diễn cải lương, không ổn định, biến đổi chạy theo thị hiếu công chúng. Nhưng mỹ thuật phục trang cải lương đã hoàn chỉnh các hình thức nghệ thuật trang trí sân khấu, là hạt nhân cơ bản cho trang trí mỹ thuật sân khấu những giai đoạn sau.

 

IV. Vị trí xã hội của nghệ thuật cải lương.

 

Sân khấu cải lương ra đời vì sự mong đợi của công chúng trước xu huớng cải cách nghệ thuật, cùng vơi các phong trào cải cách xã hội đòi đổi mới. Những yêu cầu đổi mới văn hoá, nghệ thuật, lối sống đô thị… là những điều kiện phát triển sân khấu cải lương mang lại giá trị thẩm mỹ có tính thời đại. Những vở cải lương có tác dụng đẩy mạnh phong trào dân chủ xã hội, chống phong kiến thực dân, nêu cao tinh thần đổi mới, lòng yêu nước, chống áp bức, đòi độc lập dân tộc.

 

Vị trí của sân khấu cải lương ngay từ khi ra đời đã chiếm lĩnh lòng hâm mộ của công chúng, nhờ đó nhanh chóng phát triển từ một ban đến hàng chục ban hát khắp các tỉnh Nam Bộ. Sân khấu cải lương trở thành nơi hội tụ công chúng, nơi tâm sự cùng mọi người về đạo đức lối sống con người, tình cảm yêu thường đồng loại, nỗi lo lắng băn khoăn của lớp người cấp tiến, đặc biệt đề cao và giải thoát người phụ nữ trước vận mệnh dân tộc, đất nước. Sân khấu cải lương xuất hiện nhiều khuynh hướng khác nhau, không tập chung thống nhất vào một mục tiêu, mục đích có tính lãnh đạo hoặc định hướng chung. Mọi hướng diễn cải lương mang tính tự do, tự phát trong mỗi ban cải lương hoạt động tồn tại trong nền kinh tế xã hội thành thị, nhưng các vở diễn lại tập chung vào những nội dung thời sự xã hội. Đó là vị trí, vai trò quan trọng của sân khấu cải lương, thông qua những vở diễn góp phần cải tạo xã hội đem đến công chúng nhận thức mới về lối sống ứng xử xã hội. Sự phát triển cải lương là bài học lịch sử về tổ chức ban hát, đoàn hát, sự chiếm lĩnh công chúng và doanh thu. Mỗi ban hát muốn tồn tại cần có phong cách nghệ thuật, đội ngũ tác giả, diễn viên chuyên nghiệp hoá, tổ chức quản lý các mặt đạt hiệu quả: chất lượng nghệ thuật – doanh thu để tồn tại. Các ban hát cải lương tư nhân tự ra đời, tồn tại trong nền kinh tế thuộc địa tự do cạnh tranh, cạnh tranh lành mạnh và cạnh tranh bẩn. Dù trong tư liệu chưa tìm thấy bài nào nhắc đến lối cạnh tranh bẩn, nhưng nhiều nghệ sĩ cải lương kể lại trong các ban hát cải lương thường xảy ra những chuyện không đẹp. Nghệ sĩ Nhân dân Ngọc Dư, Nghệ sĩ ưu tú Lệ Thanh đã kể lại những thủ đoạn cạnh tranh bẩn của cac bầu chủ cải lương Hà Nội những năm 30 của thế kỷ trước. Còn các ban hát Nam Bộ xưa, những chuyện cạnh tranh bẩn không nổi cộm, bức xúc như ngày nay. Ngày nay, những năm 90 của thế kỷ XX, diễn ra nhiều chuyện cạnh tranh đào kép, sân bãi… của cac ban hát cải lương tư nhân. Những ban hát, đoàn hát cải lương những năm đầu thế kỷ trước nhanh chóng ra đời, tan rã rơi vào quên lãng là những bài học về sự tự do cạnh tranh tồn tại một sản phẩm nghệ thuật thị trường. Các ban hát không ai bao cấp, đỡ đầu tự hoạt động tồn tại, nên ngay khi mới ra đời họ cần có: đào kép hạng sao, vở diễn hay và quản lý các mặt có tổ chức khoa học. Những ban nào thiếu một trong ba điều kiện ấy sẽ nhanh chóng tan rã, bởi đó là sân khấu thương trường. Nghệ thuật sân khấu thị trường ngay những ngày đầu sân khấu cải lương đã có chỗ đứng trong công chúng, là vị trí không thể thiếu của một hình thức nghệ thuật. Sân khấu cải lương đã có vai trò lịch sử.

- Ra đời một hình thức sân khấu dân tộc bản địa Nam Bộ

- Có vị trí xã hội, là một kênh thông tin, diễn đàn văn hoá, tư tưởng tiến bộ nhằm giải thoát người phụ nữ và những người lao động.

- Sân khấu cải lương trở thành sức mạnh tập hợp công chúng, nâng cao đời sống văn hoá tinh thần nhân dân trên mọi miền đất nước.

 

Giá trị nghệ thuật sân khấu cải lương giành được trong quá khứ lịch sử là tình cảm công chúng, yêu thích và hành động theo tinh thần tiến bộ thời đại. Mỗi ban hát cải lương góp phần cải tạo con người, cải tạo xã hội, hưóng tới thẩm mỹ văn hoá dân tộc và tiến bộ. Sự phát triển phức tạp những khuynh hướng, phong cách cải lương còn tiếp diễn ở những giai đoạn sau, nhiều hướng thẩm mỹ khác nhau. Nhưng ở giai đoạn đầu những nhân tố tiến bộ, tích cực xây dựng con người, xã hội mới qua nhiều vở diễn bộc lộ vai trò của sân khấu cải lương. Sân khấu cải lương như một động lực phát huy lòng yêu nước, tự hào dân tộc, hướng tới những giá trị chân chính. Giai đoạn đầu ra đời phát triển cải lương từ năm 1918 đến 1930, đã xuất hiện cao trào lần thứ nhất từ năm 1926 đến 1930, nhiều ban hát có số dông diễn viên, tổ chức nhiều đoàn hát lớn đi diễn ở trong nước và nước ngoài, đến cuối năm 1930 bắt đầu tan rã. Sau năm 1930 – 1936 cao trào sân khấu cải lương mạnh hơn, nhiều ban hát, nghệ sĩ nổi danh như sự bùng phát mới lạ hấp dẫn công chúng.

 



[1] Trích trang 22 – Ca nhạc và sân khấu cải lương – Tuấn Giang, NXB Văn hoá dân tộc 1997.

Tuấn Giang
Số lần đọc: 5756
Ngày đăng: 01.08.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Lịch sử cải lương 1 - Tuấn Giang
50 năm trong một liên hoan - Hiền Lương
Trò chuyện giữa Ea Sola và Hoa Hạ - Nguyễn Thị Minh Ngọc
Quá trình hình thành nghệ thuật sân khấu cải lương : Từ ca ra bộ đến hình thành .phần 1 - Nguyễn Ngọc Bạch
Quá trình hình thành nghệ thuật sân khấu cải lương : Từ ca ra bộ đến hình thành .phần 2 và hết - Nguyễn Ngọc Bạch
Suy nghĩ về nhạc cải lương - Nguyễn Ngọc Bạch
Cải lương chi bảo: Bạch Tuyết - Thanh Hiệp
Nghệ sĩ Hồng Tuyết “Sân khấu là chổ đứng khán giả là niềm vui” - Võ Quê
Nghệ sĩ Nhân dân Tám Danh - Cây đại thụ của nghệ thuật cải lương - Khuyết danh
Thương nhau hát lý qua cầu - Thanh Bình
Cùng một tác giả
Đặc trưng xiếc (nghệ thuật)
Thực trạng xiếc. (đối thoại)
Tổng luận ca trù (nghệ thuật)
Hát Cung văn (văn hóa)