Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.209
123.205.935
 
Lịch sử cải lương 3
Tuấn Giang

Chương III

 

Cao trào sân khấu cải lương từ 1930 đến 1945

 

I. Sự ra đời nhiều ban hát cải lương trên mọi miền đất nước

 

Cao trào sân khấu cải lương là giai đoạn tập chung dồn dập ra đời liên tục nhiều ban hát mạnh, nhiều vở diễn hay, tác giả, nghệ sĩ nổi tiếng. Cao trào tập chung những tinh hoa nghệ thuật so với quá trình phát triển sân khấu cải lương trong nhiều giai đoạn.

 

Sự phát triển cải lương giai đoạn 1918 – 1930, cao trào của giai đoạn từ năm 1926 đến 1930, nhưng phát triển cải lương từ năm 1930 đến 1945 là cao trào của hai giai đoạn. Đó là sự ra đời liên tục dồn dập các đoàn cải lương Nam – Bắc – Trung. ở Nam bộ hàng trăm ban hát lớn nhỏ đua nhau ra đời, nhiều bầu chủ bỏ vốn kinh doanh nghệ thuật cải lương, có các thành phần tham gia. Người là địa chủ, tư sản, cảnh sát, công tử Bạc Liêu, nhà báo… đứng ra lập các ban hát để chơi, hoặc kinh doanh. Những bầu chủ mới xây dựng các ban hát cải lương khẳng định ảnh hưởng, tác động lớn  đến mọi tầng lớp xã hội. Nghệ thuật cải lương có vị trí quan trọng không thể thiếu trong đời sống văn hoá, xã hội. Sân khấu cải lương không chỉ đáp ứng công chúng, kinh doanh, kiếm sống, còn là thú chơi nghệ thuật của những người có danh tiếng vị trí trong xã hội. Vì nhiều lý do thiết thực, cải lương Nam Bộ phát triển mạnh dẫn đến cao trào, tập trung những giá trị mới về số lượng các ban hát, chất lượng nghệ thuật và diễn viên ngôi sao. Sân khấu cải lương Nam Bộ ảnh hưởng đến mọi miền đất nước, công chúng hâm mộ, ra đời nhiều ban hát cải lương trở thành môn nghệ thuật duy nhất có ở khắp vùng miền. Đó là sức mạnh chinh phục của nghệ thuật cải lương trước công chúng, trở thành một hình thức sinh hoạt văn hoá cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

 

Sân khấu cải lương từ một hình thức sinh hoạt văn hoá nghệ thuật Nam Bộ, đã hội tụ nhiều nhân tố nghệ thuật đáp ứng công chúng yêu thích sân khấu trên cả nước.

 

1. Sự ra đời các ban hát cải lương Nam Bộ

 

Nghệ thuật cải lương tiếp tục ra đời các ban hát, trước kia còn tập chung ở một số tỉnh Nam Bộ như Mỹ Tho, Bạc Liêu, Cần Thơ… Chủ yếu là Mỹ Tho, nơi khai sinh sân khấu cải lương. Ngay giai đoạn một cải lương phát triển trên nhiều tỉnh Nam Bộ, sang giai đoạn hai mở rộng đến hầu hết tỉnh lỵ, các huyện thị, làng xã có ban hát và diễn cải lương.

 

Cuối năm 1929 - đầu năm 1930, ở Châu Đốc, ông Charler Hai, lập gánh Nhã tinh ban, diễn quanh tỉnh Tây Ninh như một thú chơi cải lương của riêng mình. Nhã tinh ban diễn cải lương các vở tuồng Tây – tuồng Việt, chủ yếu là tuồng Tây, có dàn nhạc Tây hoà tấu làm chủ sân khấu.

 

Ban Vạn phước của cô chủ Lai Pháp Giannơvaecdel, mời các diễn viên nổi tiếng: Mười Bửu, Tư út, Tám Cang, Ba Cương… diễn tuồng Tây, dàn nhạc Tây, đoàn hoạt động ba năm tại Sài Gòn, sau năm 1933 nghỉ diễn. Ban Nghĩa hiệp, chủ là cô Sáu Thôi ở Chợ Lớn cùng ông Trần Phong Sắc, lập ban diễn tuồng Tầu. Diễn viên tự đào tạo thế hệ mới là những người trẻ thành phố, chỉ có một số nghệ sĩ trụ cột: Ba Vân, Ba Xuân, Hữu Phượng, Tư Bồ, …

 

Ban Nam hưng, do Sáu Ngọ làm chủ, hoạt động sau hai năm tan rã, diễn viên có đào chính Bảy Năm, diễn cải lương tuồng Tầu.

 

Đồng nữ ban bầu chủ Ba Viện. Ban có phong cách độc đáo, diễn các loại tuồng, nhưng diễn viên toàn nữ không có nam. Các vai nam do nữ đóng, từ ban Đồng nữ, sau này cải lương có mốt các tướng nam do nữ đóng. Những nhân vật tướng võ do nữ đóng thay nam trong các vở cải lương, kéo dài hàng chục năm của những đoàn hát từ Nam ra Bắc. Cải lương Bắc đến năm 1954 mới hết nữ đóng vai võ tướng, cải lương Nam phải sau năm 1975 mới gần như chấm dứt các vai tướng võ do nữ đóng.

Cải lương Nam phát triển mạnh từ Sài Gòn đến các tỉnh cực Nam, có thể kể đến các tỉnh đồng bằng Nam Bộ.

Rạch giá, có các ban Tấn Thành, Nghĩa Thinh… Ban Tấn Thành diễn tuồng Tầu, đào kép: Xuân Thời, Tấn Thành, Bảy Bình, Hoa Nhi… hoạt động trên năm năm tan rã 1938.

 

Ban Nghĩa Thành, ra đời 1937, chủ ban là cô Ba Nghĩa, diễn tuồng Tầu là ban thứ hai diễn viên toàn nữ, diễn một số vở cũ như Bàng Quý Phi, Bao Công… vì không có phong cách riêng đoàn tan rã năm 1939.

 

Năm 1930, đoàn hát Phước Hưng của ông Năm Thời công diễn tại Cà Mau, đoàn chỉ diễn ở trong tỉnh, các đào kép không nổi, sau ba năm tan rã năm 1933.

 

Đoàn Thái dương ở Bạc Liêu, hoạt động sáu tháng tan rã. Bầu chủ là nghệ sĩ Thái Dương, tập hợp một số nghệ sĩ chung vốn thành lập ban, nhưng thiếu nhiều điều kiện nên không tồn tại lâu. Ban  ra đời năm 1936 tan rã năm 1936.

 

Đoàn Chấn Hưng do ông Năm Thành và Chín Diệp bầu chủ, diễn cải lương kiếm hiệp kỳ tình của Mộng Vân. Có một số đào kép nổi tiếng: Mộng Vân, Bảy Cao, Năm Nghĩa, Ba Khuê… Đoàn có phong cách riêng diễn cải lương trinh thám qua những câu chuyện tình ly kỳ, đánh chưởng giật gân nên hấp dẫn công chúng. Sau này, Mộng Vân phát huy thế  mạnh tiếp tục sự nghiệp của ban. Ban ra đời năm 1935 ra rã năm 1939 tại Bạc Liêu.

 

Đoàn Sở Sanh ra đời tại thành phố Cần Thơ, bầu chủ là nghệ sĩ Ba Sanh và hoạ sĩ Hai Sở. Đoàn diễn tuồng Tầu, do các diễn viên trẻ ở trong tỉnh đào tạo nghề ca diễn. Đoàn thường diễn những vở của các tác giả Nguyễn Công Mạnh, Ba Miêng, Thanh Sơn, các vở: Hàng Châu quy vị, Quách Sùng An…

Đoàn ái Nghĩa, Cần Thơ do một nhà giáo làm chủ, mua lại các đào kép ở các ban khác về diễn tuồng xã hội, tuồng Việt có các vở: Nặng gánh giang sơn của Ba Phát… Vì tổ chức không chặt, chưa đủ lực sau hai năm tan rã năm 1934.

 

Đoàn Long Phụng, chủ là Chín Quảng, một công tử Cần Thơ bỏ vốn lập gánh hát chơi. Từ thú chơi, bầu chủ thành kép chính diễn cùng các diễn viên. Đoàn diễn các loại tuồng Việt, thường là các vở của ban ái Nghĩa, sau ba năm tan rã năm 1935.

 

Từ năm 1926 một số ban hát cải lương ra đời mang tên bầu chủ, đến năm 1930, có hàng chục ban hát đứng tên riêng của các bầu chủ. Mỗi ban hát không cần thiết phải có tác giả biên kịch, họ có thể diễn lại những vở cải lương của các ban khác, đây là nét mới của giai đoạn cải lương lần thứ hai. Vì sự ra đời quá nhiều ban hát, không thể có đủ tác giả cho mỗi ban, nên mọi người chỉ quan tâm đến thành lập ban và lưu diễn doanh thu. Những chuyện bản quyền, độc chiếm các vở diễn trong khuynh hướng của mỗi ban, không còn quan tâm nữa, bởi sự trăm hoa đua nở không kiểm soát nổi các quyền lợi khác. Đó là nguyên nhân dẫn đến sự ra đời nhiều ban hát, hợp tan, thoái trào sân khấu cải lương, nghệ thuật giảm sút mất công chúng. ở các tỉnh Nam Bộ tiếp tục ra đời nhiều ban hát cải lương, bởi còn đang là bước đầu giai đoạn hai dẫn đến cao trào cải lương. Thoái trào sân khấu cải lương từ năm 1939 đến 1945, còn 15 ban cải lương Nam Bộ.

 

Tại Long Xuyên có các đoàn hát:

 

Đoàn Tư Hoà, có các nghệ sĩ Tám Điền, Ba So, Tư Xe, Tám Củi, Sáu Mão… chuyên diễn tuồng Tầu. Ban ra đời năm 1932, tan rã năm 1935.

 

Đoàn Tân Đồng, chủ Ba Sô, chuyên diễn tuồng Phật và một số vở đương đại. Đoàn ra đời năm 1935, tan rã năm 1939. Diễn viên nổi Ba Đắc, Năm Thoàn, Hai Nhiêu… Đoàn có những vở nổi như Phật nhập niết bàn, Lỗi lầm…

 

Đoàn Hải Triều, bầu chủ là hoạ sĩ, ông chủ chương diễn tuồng Phật. Đoàn ra đời năm 1936, tan rã năm 1939. Dù những vở tuồng Phật cố ý làm mới lạ bằng lối trang trí sân khấu, nghệ thuật diễn có đánh đồ như thật, nhưng thiếu diễn viên ngôi sao đã nhanh chóng tan rã.

 

Đoàn Tân Thành, tỉnh Vĩnh Long, ra đời năm 1933, tan rã năm 1935. Diễn viên có: Hai Nữ, Ba Hồng, Ba Trường… Đoàn diễn cải lương đương đại, sân khấu đượm mầu văn học lãng mạng, trang trí thuỷ mạc sương khói.

 

Đoàn Trường Thịnh, bầu chủ Năm Bùi. Đoàn ra đời năm 1936 tan rã năm 1939. Đoàn diễn tuồng Tầu, sân khấu lộng lẫy, hoành tráng có đánh đồ thiệt.

 

Đoàn Tân Thinh Sa Đéc, bầu chủ Ba Thông. Ông diễn các loại tuồng đương đại, tuồng Tầu, tuồng Phật. Diễn viên: Ba Nghĩa, Ba Mảng, Hai Nữ, Hai Nhiêu… Đây là đoàn lớn nhất tỉnh Sa Đéc, họ thường chia làm hai đoàn diễn những vở cải lương tuồng cổ. Đoàn khai trương tại Sài Gòn năm 1930, tan rã năm 1944 ở Vĩnh Long.

 

Đoàn cải lương Đồng ấu, không rõ bầu chủ, họ tập hợp các em nhỏ diễn cải lương, có tác giả Lê Hoài Nở tức Năm Nở, Ba Phát viết kịch bản. Đoàn ra đời năm 1936, tan rã năm 1939 tại Sa Đéc.

 

Tỉnh Trà Vinh có đoàn Thanh Điền, bầu chủ là ông Tám Thạch. Đoàn ra đời năm 1939, tan rã năm 1941. Đoàn diễn cải lương tuồng Phật, tuồng xã hội. Diễn viên có Ba Điều, Hai Nhiêu, Tám Mẹo… Đoàn không tồn tại lâu vì phong cách diễn chưa rõ, doanh thu thấp không tồn tại.

Đoàn Dân Hồng, bầu chủ Sáu Cường. Ông diễn cải lương tuồng võ hiệp, đây là một hướng mới theo cải lương kiếm hiệp của Mộng Văn. ông cố tạo phong cách riêng, mỗi đêm diễn có màn đánh võ hấp dẫn, nhưng thiếu đào kép trụ cột đoàn đã tan rã.

 

Đoàn Phụng Hảo, do bà Phùng Há bầu chủ. Phụng Hảo ra đời năm 1936 tồn tại đến giai đoạn sau. Diễn viên Phùng Há, Năm Phỉ (1940), Tư Sạng, Hai Giỏi, Tư Chơi… Ban diễn tuồng Tầu, tuồng Việt. Những vở tuồng Tầu của Nguyễn Trọng Quyền và Nguyễn Công Mạnh. Những vở cải lương đương đại của Nguyễn Phong Sắc, Năm Châu. Đoàn diễn hai loại cải lương khá hấp dẫn, phần ca đượm mầu âm nhạc lãng mạn.

 

Đoàn Huỳnh Thanh ra đời tại Bến Tre, bầu chủ ông Năm Đào, chủ nhà máy xay, đầu tư cho ban hát. Ban chuyên diễn tuồng Tầu và các vở cải lương đương đại như Tham phú phụ bần, Trường tình bí mật, Giữ lời non nước…

 

Đoàn Long Vân, ra đời tại huyện Ba Tri, Bến Tre. Bầu chủ Ba Giỏ, Ba Sanh. Ban chuyên diễn tuồng Tầu của Mộng Vân, Ba Phát. Diễn viên có Ba Giỏ, Ba Sanh, Tư Mão, Hai Nhiêu, Tám củi… Ban khai trương năm 1938, tan rã năm 1940, tại Bến Tre.

 

Đoàn Tân Đồng Minh, ra đời tại Bến Tre, năm 1934 tan rã năm 1937. Bầu chủ Văn Cảnh, chuyên diễn tuồng Tầu, có các vở: Tống Địch Thanh, Thất Huyền Quyền, Phụng Nghi Đình của Văn Cảnh.

 

Đoàn Thái bình, ra đời năm 1938, tan rã năm 1944 tại Bến Tre. Bầu chủ Ba ngọc, chuyên diễn cải lương đương đại, các vở: Một tấm lòng son, Mảnh gương đời, Ăn mày đã muộn… do chính bầu chủ biên soạn và đạo diễn. Tuy nhiên, đạo diễn xưa là tập cho diễn viên vào từng vai rồi ghép lại thành vở diễn. Vì thế có đoàn bỏ nhiều tiền luyện tập công phu, sau đó diễn được ít ngày bị vỡ gánh, do thu không đủ chi.

 

Đoàn Vạn Phước, ra đời năm 1938, tan rã năm 1943 tại Bến Tre. Bầu chủ Ba Vạn chủ nhà hàng khách sạn, thú chơi cải lương đã lập ban hát. Ban chuyên diễn tuồng cải lương kiếm hiệp kỳ tình của Mộng Vân.

 

Đoàn Đồng Thinh, ra đời năm 1938, tan rã năm 1940 tại Bến tre. Bầu chủ là nghệ sĩ Ba Liên, chuyên diễn tuồng Tầu, các vở: Tôn Tẫn hạ sơn, Hoa mộc lan của Sáu Đỏ, một số vở kiếm hiệp kỳ tình của Mộng Vân.

 

Đoàn Nhạn Trắng, bầu Huỳnh Hữu Huân ra đời năm 1926, ra Hà Nội năm 1944, tan rã.

 

Đoàn Nhạn Trắng ra đời 1930, bầu chủ Ba Quận, năm 1944 ra Quy Nhơn năm 1945, ra Vinh, ra Hà Nội. Các diễn viên ái Hựu, Cò Lý, Ngọc Sương, Ba Khuê… diễn cải lương xã hội.

 

Tại tỉnh Mỹ Tho có các đoàn: Tân Phong, Vạn Phước… Đoàn Vạn Phước diễn tuồng Phật các vở Phật nhập miết bàn, Quan âm bồ tát…Đoàn thành lập năm 1936, tan rã năm 1939.

 

Đoàn Tân Phong, bầu chủ Hai Châu, đoàn diễn tuồng Tầu, các vở: Kiếm khách, Tây du ký, Bồng lai hiệp khách… Đoàn công diễn năm 1937, tan rã năm 1939.

 

Đoàn cải lương Tân An, ra đời tại tỉnh Tân An, bầu chủ là một thương gia, ông chủ chương đào tạo diễn viên trẻ, nhưng hoạt động được một năm thì tan rã.

 

Đoàn An Lạc, ra đời tại Tân An năm 1938, tan rã năm 1944. Bầu chủ là nghệ sĩ Tám Quảng, tập hợp một số đào kép nên hấp dẫn và tồn tại. Đoàn chủ chương diễn cải lương đương đại, nói về những người lao động nông thôn của hai soạn giả: Tám Quảng, Ba Miêng.

 

Tại Gò Công có các ban cải lương: Hồng nhật và nhiều đoàn nhỏ, nhưng nhanh chóng tan rã. Đoàn Hồng nhật có các nghệ sĩ: Tư Lực, Năm Diệp… Đoàn diễn tuồng Tầu, có múa võ, múa sinh hoạt Triều Quảng mới lạ hấp dẫn. Đoàn Hồng nhật ra đời năm 1939, tan rã năm 1944 tại địa phương.

 

Điểm qua sự ra đời các ban cải lương đồng bằng Nam Bộ, có 70 ban hát, trong đó có 35 ban tên tuổi, diễn các loại cải lương:

 

- Cải lương kiếm hiệp La mã năm 1935

- Cải lương tuồng Phật năm 1936

- Cải lương kiếm hiệp kỳ tình năm 1935

- Cải lương đương đại nhuộm mầu lãng mạn năm 1933

- Cải lương chiếu cinema minh hoạ năm 1942.

 

Năm khuynh hướng diễn cải lương dưới đồng bằng, đại diện cho các khuynh hướng diễn cải lương lúc ấy, nổi bật là ba khuynh hướng cải lương tuồng Phật, cải lương lãng mạn, cải lương kiếm hiệp kỳ tình. Cải lương tuồng Phật do Tân đồng ban đề xướng, tác giả là Ba Sanh, diễn cải lương kiếm hiệp của Mộng Vân. Hai khuynh hướng cải lương này nổi bật vào giai đoạn cao trào cải lương từ 1930 đến 1938, tại các tỉnh Nam Bộ. Sau này, đến giai đoạn thoái trào, cải lương kiếm hiệp kỳ tình bị quyên lãng, nhưng cải lương tuồng Phật còn tồn tại như một điểm tựa tâm linh của công chúng. Cải lương phát triển sô bồ, lúc hợp, lúc tan, khi mạnh, khi yếu, dù là của các bầu chủ tư nhân tự do  phát triển, nhưng xu hướng cải lương hoàn toàn phụ thuộc vào chính trị thời cuộc. Khi đất nước thuận lợi, kinh tế phát triển phong trào cải lương lên cao, khi kinh tế khủng hoảng các ban hát đổ vỡ từng mảng. Vào thời gian sau năm 1934, sau nạn khủng hoảng kinh tế thế giới, phong trào dân chủ lên cao, cải lương phát triển mạnh. Tại Sài Gòn có 41 đoàn cải lương, đây là con số chưa bao giờ lịch sử lặp lại số lượng các ban hát nhiều như thế.

 

Tại Nam Bộ từ năm 1930 đến 1945, có các ban hát tên tuổi tan rã lại tái sinh: Phước Cương, Văn Hý ban, Huỳnh Kỳ, Hồng Nhật, Tân Thinh, Hồng Châu, Trường Châu, Phụng Hảo, Kỳ Quang, Trường sanh, Nam phương, Thái bình, Tân xuân, Phương đông, Nhạn trắng, Tân hoà, Tiến hoá, Kim Khánh, Kim Chung, Thanh Vân, Tiếng chuông, Viết kịch Năm Châu, Đại Phước, Nghề mới, Thanh Tùng, Tô Huệ, Tỷ Phượng, Đông dương, Thanh long, Phước tường, Trần Đắc…

 

Đoàn Phước Cương tái diễn năm 1937, bầu chủ ông Ngọc Cương, diễn cải lương Pháp – Việt, soạn giả cải lương mới nổi tiếng Sáu Hải. Diễn viên Năm Cần Thơ, Ba Tuý, Ba Bến Tre, Ba Trà Vinh, Bảy Nam, Ba Giỏi, Bảy Cao, Năm Nghĩa, Sáu Vi, Hồng Châu… Đoàn Phước Cương lớn nhất Nam Bộ, ra Quy Nhơn, tan năm 1945.

 

Đoàn Trần Đắc, diễn viên: Phùng Há, Ba Liên, Tư Chơi, Tư út… hoạt động dưới các tỉnh lẻ, tan rã năm 1944.

 

Quốc gia kịch đoàn, đoàn cải lương, và kịch do chính phủ Pháp bảo trợ, lưu diễn tại Sài Gòn. Đoàn có tính chất văn nghệ quốc gia phục vụ nhiệm vụ bang giao Việt – Pháp.

 

Đoàn Nam Phương, do Bảy Nhiêu làm bầu, kiêm soạn giả của đoàn. Diễn viên Kim Lan, Kim Cúc, Thanh Loan… đây là ba nữ diễn viên được hâm mộ. Đoàn Nam Phương ra đời năm 1940, tan rã năm 1944. Đoàn diễn cải lương đương đại và kiếm hiệp.

 

Đoàn Tân Hoà, ra đời năm 1938, tan rã năm 1941, bầu chủ Năm Ngầu. ông chủ chương diễn cải lương kiếm hiệp kỳ tình, vở diễn là những vở cải lương dã sử, sử thi La Mã, A Rập… tạo những màn đấu võ ly kỳ, rùng rợn. Những pha bay người, phi dao, bắn tên cắm phập vào người… Đây là hướng diễn cải lương võ hiệp, sau này ở Hà Nội, Ngọc Dư trong đoàn Kim Phụng, ông đã diễn một số vở cải lương La Mã giống như ban Tân Hoà.

 

Đoàn Tỷ Phượng, ra đời năm 1944, công diễn được tám tháng thì kháng chiến bùng nổ, đoàn tan rã. Đoàn có các diễn viên Hai Tỷ, Ba Phượng, Ba Nữ, Ba Điền… diễn tuồng Mộng Vân. Tiếp tục hướng cải lương kiếm hiệp kỳ tình, cải lương tình cảm xã hội.

 

Đoàn Nhạn trắng khá nổi tiếng, thành lập năm 1938 đến năm 1945 tan rã. Bầu chủ Nguyễn Công Huân, nhiều diễn viên nổi tiếng, nên ban được công chúng hâm mộ, chuyên diễn cải lương đương đại, tuồng Tầu.

 

Đoàn Việt kịch Năm Châu, do nghệ sĩ Năm Châu làm bầu, có đội ngũ tác giả hùng mạnh, Huỳnh văn Tiểng, Mai văn Bộ, Tư Trang, Năm Châu, Năm Nở… có ba người của đoàn, với đội ngũ diễn viên danh tiếng: Ba Vân, Bảy Nhiêu, Tám Danh, Kim Lan, Kim Cúc… Việt kịch Năm Châu là đoàn được dư luận cho là hay nhất Sài Gòn lúc ấy, thu hút nhiều giới trí thức, những công chức, quan chức đến xem. Đoàn diễn những vở cải lương đương đại, một số vở có tinh thần yêu nước, tiến bộ như Chiếc áo thiên nga của Bạch Sơn, Hậu chiến trường, Trần Hữu Trang, Nguyễn Huệ bình Thăng Long,   Điêu Huyền, Tây Thi gái nước Việt của Huỳnh Mai Lưu, (nhóm tác giả bộ ba: Huỳnh Văn Tiểng, Mai Văn Bộ, Lưu Hữu Phước)… Còn nhiều ban cải lương Sài Gòn nổi tiếng, nhiều đào kép với các hướng diễn cải lương đặc sắc không thể kể hết. Mỗi ban hát ra đời, thêm một hướng phát triển cải lương. Những giai đoạn phát triển cải lương Nam Bộ đã hình thành phong cách cải lương nổi lên hai loại:

 

- Phong cách ca diễn cải lương đồng bằng Nam Bộ

- Phong cách ca diễn cải lương thành thị (cải lương Sài Gòn.)

 

Hai phong cách diễn cải lương đặc sắc này còn tồn tại đến nay, ngày càng tô đậm qua các Hội diễn sân khấu cải lương toàn quốc.

 

Phong cách ca diễn cải lương đồng bằng Nam Bộ mang tính dân dã, đồng quê chân chất giản dị. Các vở diễn nói về sinh hoạt thôn quê của người nông dân. Mỗi vở có lối ca diễn tự nhiên, tiết tấu chậm rãi, kể chuyện tâm tình, ít xung đột bạo liệt, cảnh trí tả thực trữ tình, mộc mạc. Nghệ thuật ca đằm thắm đầy chất dân ca sông nước Hậu Giang của đồng bằng Nam Bộ, ngọt mùi sống thực.

 

Phong cách cải lương thành thị, lộng lẫy, phù hoa, hào nhoáng cuốn hút. Nghệ sĩ ca diễn xưa nặng về khoe giọng ca trưng mốt thời trang. Giọng ca óng chuốt, kỹ thuật ca cao siêu, nghệ thuật diễn điêu luyện mang chất văn hoá đô thị. Trang trí sân khấu biến ảo sử dụng nhiều kỹ xảo, gây ảo giác thực, cảm giác mới lạ hấp dẫn.

 

Hai phong cách diễn cải lương thành thị và thôn dã phát triển mạnh vào giai đoạn hai, mỗi giai đoạn để lại ấn tượng giá trị nghệ thuật cải lương. Tại cái nôi cải lương Nam Bộ là Mỹ Tho và các tỉnh đồng bằng, nhưng khi lên Sài Gòn cải lương trở thành hình thức nghệ thuật phát triển nhiều hướng diễn. Tại Nam Bộ từ năm 1918 đến 1945, có bốn đoàn cải lương lớn ảnh hưởng đến cả nước: Đoàn cải lương Trần Đắc, Đoàn Phước Cương, Đoàn Việt Kịch Năm Châu, Đoàn Quốc gia kịch đoàn, là những đoàn tổ chức quy mô, nhiều tác giả nổi tiếng, diễn viên ngôi sao. Mỗi đoàn có phong cách nghệ thuật ca diễn đặc sắc, hấp dẫn công chúng.

 

2. Đội ngũ tác giả, tác phẩm.

 

a. Tác giả, tác phẩm

 

Sự xuất hiện nhiều ban hát cải lương, diễn các loại đề tài cuộc sống xã hội, đòi hỏi ra đời đội ngũ tác giả hùng mạnh, có đội ngũ tác giả, đội ngũ diễn viên đáp ứng mọi yêu cầu sân khấu cải lương. Đội ngũ tác giả đã đáp ứng vở diễn cho mỗi ban hát hoàn chỉnh phong cách, khuynh hướng nghệ thuật. Đội ngũ diễn viên giúp các ban hát thực hiện ý đồ nghệ thuật, mỗi ban hát  có diễn viên ngôi sao để tồn tại lâu dài, không có sao sẽ không tồn tại. Thực tiễn nghệ thuật cần đội ngũ tác giả quyết định khuynh hướng, phong cách và thẩm mỹ công chúng, nhưng người thực hiện cuối cùng là diễn viên. Các ban hát, thiếu tác giả có thể lấy kịch bản ở nơi khác về diễn, nhưng thiếu diễn viên không thể doanh thu.

 

Đội ngũ tác giả, diễn viên luôn quan hệ với nhau, quyết định phương hướng nghệ thuật có tính xã hội, nhưng tác giả là người mở đường phát triển nghệ thuật. Nhờ đội ngũ tác giả, có nhiều vở diễn đáp ứng công chúng, từ năm 1930 đến năm 1945, xuất hiện gần 80 tác giả biên kịch cải lương. Những tác giả gạo cội của giai đoạn trước tiếp tục làm trụ cột ở giai đoạn sau. Nhiều tác giả ở giai đoạn trước như hoa mai hé nở, sang giai đoạn 30 – 45, trở thành những người viết chính, đề xuất các hướng cải lương: lãng mạn, hiện thực xã hội, tuồng Tây, tuồng Phật, cải lương kiếm hiệp kỳ tình… như Mộng Vân, Trần Hữu Trang, Năm Châu… Các tác giả sáng tác tự do, nhưng họ luôn bám sát hiện thực đời sống chính trị xã hội. Tác giả Năm Châu khi viết vở Ngọn cờ hiệp nữ năm 1927, tại Cần Thơ do đoàn Trần Đắc dựng bị gọi đến sở cảnh sát tỉnh, bọn mật thám bắt đưa kịch bản đọc duyệt, buộc tác giả đổi tên là Tấm lòng quê, đến ngày công diễn thì có lệnh cấm. Bắt đầu từ vở cải lương Ngọn cờ hiệp nữ, chế độ Pháp đề ra quyền kiểm duyệt vở diễn của các ban hát từ năm 1927, còn trước đó mọi người tự do sáng tác, dàn dựng và diễn chẳng ai bận tâm đến nội dung vở diễn, tư tưởng tác phẩm và nghệ thuật. Sân khấu cải lương tác động tới tinh thần dân tộc, tinh thần yêu nước, là một diễn đàn có tính chính trị, thời đại, buộc nhà cầm quyền Pháp phải kiểm duyệt. Sân khấu có đội ngũ tác giả vững vàng; bản lĩnh nghề nghiệp, đạo đức, nhân cách dân tộc, viết nhiều kịch bản, nổi danh trong giới cải lương. Số tác giả sưu tầm được trên 50 người, đây là con số gồm nhiều thế hệ tác giả của hai giaiđoạn. Những tác giả đầu tiên viết cải lương, như Trương Duy Toản, Giáo Quyển, Trần Phong Sắc, Trần Tấn Chức, Lâm Hoài nghĩa, Nguyễn Quốc Biểu,  Nguyễn Công Mạnh, Đào Châu, Đặng Công Danh,… Lớp sau: Tư Chơi, Năm Châu, Tư Trang (Trần Hữu Trang), Nguyễn An Khương, Ba Phát, Bảy Nhiêu, Thanh Sơn, Ba Sanh, Lương Võ Đố, Ba Mảng, Ba Miêng, Ba Nghĩa, Sáu Mẹo, Năm  Nở, Duy Lân, Văn Cảnh, Ba Ngọc, Sáu Đỏ, Sáu Hải, Hai Chấn, Mộng Vân, Mười Bửu, Song Hỷ, Nguyễn Trọng Quyền, Năm Lâm, Sáu Hồng, Ngọc ấn, Tử Long, Phạm Công Bình, Nguyễn Đăng Phong, Sáu Cương, Phú Đức, Trúc Viện, Ba Đô, Ngô Vĩnh Khang, Viễn Châu, Quang Sô, Phạm Thị Phương…

 

Nhiều tác giả có vở cải lương được xếp vào loại kinh điển, tiêu biểu cho các khuynh hướng cải lương, là sự lớn mạnh về đội ngũ tác giả và chất lượng kịch bản. Những tác giả có tính chuyên nghiệp hoá, tạo sự phong phú cho sân khấu cải lương về các mặt nghệ thuật.

 

Tác giả Mộng Vân khởi xướng cải lương kiếm hiệp kỳ tình có các vở: Long hình quái khách (vở khai sinh trường phái mới, có đánh duy đô, phi dao găm nhào qua vòng lửa), Chiếc lá vàng, Bích Liên vương nữ, Hoàng Hà đẫm máu, Đả Nguyệt Nương, Đường xích đạo, Quan công trá hàng, Bồng lai hiệp khách…

 

Nhiều tác giả viết cải lương theo hướng hiện thực xã hội: Trần Phong Sắc vở: Tham phú phụ bần, Cô ba lưu lạc… Đặng Công Danh: Tứ đổ tường, Duyên chị tình em… Tư Chơi: Đời cô Lý, Ai bạn chung tình, Bạc trắng lòng đen, Chàng và nàng, Lỡ tay đã chót nhúng chàm, Khúc oan vô lượng, Ba chị em, Cô gái mới, Tôi xin chừa… Trần Hữu Trang: Chị chồng tôi, Tô ánh Nguyệt, Đời cô Lựu, Sấm sét, Đầu xanh vô tội… Năm Nở: Những kẻ vứt đi, Nỗi lòng chị Bếp, Hội yêu chồng, Thử làm bé, Ông huyện hâm hâm, Anh chị ăn mày… Ba Ngọc: Ăn mày đã muộn, Mảnh gương đời, Một tấm lòng son… Phạm Công Bình: Tối độc phu nhân tâm…

 

Những vở cải lương lãng mạn, tác giả: Trần Hữu Trang: Lá ngọc cành vàng, Lan và Điệp… Ba Đô: Biển tình chìm nổi, Trường tình bí mật… Ngô Vĩnh Khang: Tơ vương đền thác… Phạm Thị Phượng: Quả báo kỳ duyên… Số vở cải lương lãng mạn không nhiều, nhưng khi trào lưu văn học, ca nhạc lãng mạn thâm nhập vào cải lương, ngoài những vở có tính mở đường cho hướng cải lương lãng mạn sau năm 1930 của thế kỷ XX, có giai đoạn cải lương chìm đắm trong đám mây mù của chủ nghĩa lãng mạn thì vở cải lương nào cũng trở thành cải lương lãng mạn. Đó là lối ca diễn lê thê, vàng vọt, sướt mướt thê lương… Cải lương lãng mạn ra đời sau những vụ đàn áp đẫm máu của Pháp vào phong trào yêu nươc cách mạng, con người mất niềm tin, không lối thoát. Từ đó, lối ca hát uỷ mị xuất hiện trên hầu hết các vở cải lương kéo dài sau năm 1930 đến 1945, và sau nữa. Sân khấu cải lương đan xen nhiều trường phái khác nhau, nhằm đáp ứng công chúng.

 

Cải lương tuồng Phật là hướng mới, tiếp sau cải lương lãng mạn, bởi nó tạo chỗ dựa cho niềm tin bế tắc không lối thoát của con người sau những chấn động xã hội, chiến tranh, nô lệ, mất nước, nạn lụt, nạn đói liên miên đè lên nỗi sống khổ của nhân dân. Sân khấu cải lương tuồng Phật tìm hướng giải thoát có phần tiêu cực, nhưng bước đầu khủng hoảng niềm tin, thì đây là lối thoát. Sau này xã hội vận động sân khấu tìm đi hướng mới. Hướng cải lương tuồng Phật ban đầu khá hấp dẫn công chúng, nhiều ban hát chạy theo diễn có đánh đồ thật, tác giả đầu tiên viết cải lương tuồng Phật: Trần Phong Sắc các vở: Tam tạng thỉnh kinh, Mục Liên Thanh đề, Phật nhập miết bàn, Tam Tạng xuất thế… Nguyễn Công Mạnh: Quan âm Thị Kính; Ba Mảng: Tạo thiên lập địa, Phật nhập miết bàn, Lương Võ Đố: Bà Chúa thượng ngàn, Thích ca đắc đạo…

 

Những khuynh hướng, cải lương hiện thực phê phán, lãng mạn, cải lương diễn tuồng Phật… tạo chỗ dựa tâm linh con người, khơi dậy niềm tin cuộc sống. Một số tác giả xuất hiện những vở cải lương yêu nước, nêu cao tinh thần cách mạng và tự hào dân tộc. Đây là niềm tin, hướng công chúng đến với sự tiến bộ xã hội, tin vào truyền thống yêu nước cách mạng.

 

Tác giả Năm Châu vở: Ngọn cờ hiệp nữ, Đêm không ngày, Ba Phát: Nặng gánh giang sơn, Giữ lời non nước… Đào Châu: Triệu Trinh Nương, Trưng Trắc Trưng Nhị… Nguyễn Công Mạnh: Lê Lợi khởi nghĩa… Nguyễn Thành Châu: Đời hàm oan, Phạm Thị Phương: Triệu ẩu. Đặng Công Danh: Tiểu anh hùng võ Kiệt, Nguyễn Trọng Quyền: Trần Hưng Đạo bình nguyên, Võ Tánh thủ tiết…

 

Những vở cải lương hiện thực xã hội như Tô ánh Nguyệt, Đời cô Lý, Đời cô Lịu, Cô ba lưu lạc, Men rượu hương tình, Ngọn cờ hiệp nữ… Những vở đề tài dã sử, lịch sử… hợp thành đề tài cải lương yêu nước nêu cao tinh thần dân tộc, tinh thần khởi nghĩa, hướng tới cuộc Cách mạng Tháng tám. Đây là thành tựa của cải lương Nam Bộ, khởi xướng từ những tác giả giàu lòng yêu nước, tự hào dân tộc cùng các bầu chủ, diễn viên dũng cảm đưa sân khấu cải lương đến với cách mạng.

 

Đội ngũ biên kịch cải lương Nam Bộ, qua hai giai đoạn phát triển sân khấu, các tác giả tự học, tự kèm cặp nghề trở thành tác giả. Tuy nhiên có nhiều tác giả nho học, Tây học, là những nhà trí thức Nam Bộ, hầu hết lớp tác giả này không học qua trường lớp biên kịch, nhưng họ lại là những tác giả lớn. Đây là đặc điểm tác giả biên kịch cải lương, tính chất tài tử đến nay còn những tác giả tự yêu thích cải lương viết kịch bản, nhiều đoàn diễn mặc nhiên thành tác giả.

 

b. Nghệ thuật diễn và diễn viên

 

Cao trào cải lương ra đời nhiều khuynh hướng, khó kể hết nghệ thuật diễn của đội ngũ diễn viên, với số đông nhiều thế hệ đan xem nhau, nghệ thuật diễn phức tạp qua các hướng. Mỗi hướng cải lương xuất hiện những diễn viên ngôi sao, biểu hiện thành công ca diễn, dù chưa có lý luận nghệ thuật diễn cải lương, các diễn viên tự hoàn thiện mình, sáng tạo từng vai diễn. Các diễn viên cải lương tự tìm ra nghệ thuật diễn từng nhân vật, từng khuynh hướng, ngày càng hoàn chỉnh hệ thống ngôn ngữ hành động ca diễn cải lương.

 

Giai đoạn cao trào cải lương 1930 – 1945, là đỉnh điểm mọi hướng phát triển cải lương, phong phú, hình thức nghệ thuật diễn. Năm 1935, Mộng Vân thông qua khuynh hướng cải lương kiếm hiệp kỳ tình bộc lộ một số quan niệm về cải lương, nhưng đến Năm Châu năm 1936, những tuyên ngôn của ông làm sáng tỏ quan điểm lý luận nghệ thuật biểu diễn. Năm Châu quan niệm biểu diễn cải lương “thật phải đẹp, đẹp phải thật”. Hai từ rất đơn giản đúc gọn lại thành chân lý tổng hợp của nghệ thuật cải lương, đây là một phát minh lý luận vĩ đại. Chỉ có hai từ ghép thành hai vế như hai câu đối, rút ra bản chất biểu đạt nghệ thuật cải lương.

 

Chữ thật, theo ông diễn phải tự nhiên như người thực việc thực, nghĩa là nhân vật có như thế nào nói đúng như thế, ca như thế và hành động diễn ra như sự thật. Hình thức diễn này đến nay các diễn viên cải lương Nam vẫn diễn nguyên như thế, có phần gần gũi cuộc sống như thật. Cải lương Bắc lại diễn tự sự giãn cách có phần xa rời chữ thực, xem cải lương Bắc hơi “thánh thiện”, hoặc kịch nói hoá. Quan niệm của Năm Châu tuyên bố: diễn cải lương càng giống thực càng hay, diễn làm sao dẫn công chúng nhìn thấy đúng là sự thật. Đó là nói về diễn cái thực, nhưng cái thực ông quan niệm có phần trìu tượng là “thực phải đẹp”, thật mà làm đẹp lên đôi khi là khác cái thật, nhưng thật mà không đẹp thì đâu phải là nghệ thuật. Đây là cái nút của nghệ thuật. Nghệ thuật không như thực mà thực. Quan niệm về cái đẹp, đẹp phải thật, đẹp mà không thực thì chẳng có giá trị nữa, bởi mọi cái đẹp đều bắt nguồn từ cuộc sống, cái đẹp nào không bắt người từ cuộc sống không thể tồn tại, đó là “cái đẹp” không nhận thức được. Quan niệm mỹ học của Năm Châu về cái đẹp sân khấu, nghệ thuật diễn cải lương là đẹp phải thật, thật phải đẹp, không đạt những tiêu chí này cải lương không tồn tại. Đây là luận điểm mỹ học sân khấu cải lương từ trang trí mỹ thuật, phục trang đến nghệ thuật diễn tạo hình tượng, vũ đạo, ca nhạc… cho nhân vật đạt tới cái đẹp và thật. Là sân khấu tả thực của cải lương, nếu làm sai quan điểm mỹ học này cải lương không còn bản sắc sân khấu kịch hát Nam Bộ.

 

Năm Châu diễn giải về nghệ thuật biểu diễn cho các diễn viên, mỗi diễn viên muốn đạt tới “cái đẹp, đẹp thật tự nhiên ấy, diễn viên phải: thành thật, sống với vai tuồng của mình để đạt bản sắc của vai tuồng”[1]. Qua lời dẫn của Năm Châu, ông đã chỉ đạo nghệ thuật diễn cải lương cho diễn viên diễn chân thật, giản dị, mọi hình thức diễn ngoại hình khoa trương, diêm dúa, chơi trội, hơn người là phi nghệ thuật. Đây là căn bệnh các diễn viên xưa thường mắc phải, ông đã sớm phát hiện ra những sai lạc của hoạt động diễn cải lương để nêu lên quan điểm chính thống của nghệ thuật diễn cải lương độc đáo, mang tính bản chất sân khấu cải lương khác biệt với các hình thức sân khấu khác. Đó là cái đẹp đoan trang, duyên dáng, cách điệu nhẹ nhàng của sân khấu cải lương.

 

Những mong muốn ước nguyện của Năm Châu, sớm chỉ ra nhận thức bản chất nghệ thuật cải lương, còn thực tiễn sân khấu cải lương thì sao? Các ban hát đua nhau chơi trội, diễn cải lương đánh đồ thật, như thực, kiếm kích, đao thương không làm bằng gỗ dẻo, mà làm bằng sắt sáng loáng đánh vào toé lửa, chém rơi đầu, tay sách đầu lên tỏa hào quang sáng loé cả sân khấu… Các diễn viên diễn đủ các loại vai, công tử, làng chơi, ăn mày, quan chức, ban thì phục trang như thật, ban lại tô vẽ cho nhân vật thêm hoa lệ… Nghệ thuật diễn tung ra các loại xảo thuật cải lương, không còn là thực như thực mà sử dụng kỹ xảo, xảo thuật để diễn tả hành động nhân vật, diễn ngoại hình xô bồ… Những người giữ khuôn mẫu nghệ thuật diễn theo lối cổ điển bị coi là cổ hủ. Nghệ thuật diễn xuất phát từ các khuynh hướng cải lương hết sức phong phú, một số diễn viên vào các loại vai: cải lương đương đại nhân vật công nhân, nông dân, kẻ ăn mày, người là bà đầm, ông tây, kẻ là vua quan, chú tiểu, ông phật, ông thánh, cô tiên, công chúa, hoàng hậu, ác ôn, trộm cướp, thằng nghiện, cờ gian, bạc bịp… Vậy họ nhập vai thế nào, một diễn viên thể hiện hàng chục mẫu người ở các tầng lớp xã hội khác nhau, qua các mẫu nhân vật ấy đã thấy sực phong phú nghệ thuật diễn cải lương.

 

Quy tụ lại nghệ thuật diễn cơ bản ngôn ngữ hành động của các nghệ sĩ nổi tiếng ngày ấy:

 

1. Diễn kinh điển theo hát bội và carabộ

2. Diễn tự nhiên như kịch nói

3. Diễn cương xuất thần vào nhân vật

 

 

Nguồn gốc hình thành sân khấu cải lương mở đầu từ trào lưu cải cách hát bội thành hát bộ. Hát bộ là khởi hình ngôn ngữ diễn cải lương, lấy điểm tựa ngôn ngữ hành động diễn tuồng chuyển thành diễn cải lương bằng cách ra bộ, nhẹ hoá những động tác khuôn mẫu tuồng thành ngôn ngữ ra bộ. Khi diễn những vở cải lương tuồng Tầu, cải lương lịch sử, dã sử, dân gian, các nghệ sĩ, diễn viên thường diễn theo ngôn ngữ hành động tuồng nhẹ hoá, hoặc diễn theo ngôn ngữ carabộ. Carabộ là ngôn ngữ diễn cải lương, hình thức diễn ngôn ngữ ra bộ vận dụng vào các vở cải lương cổ, hoặc cải lương đương đại. Đây là lối diễn phổ biến của diễn viên cải lương khi nói, hát lấy điệu bộ minh hoạ cho lời văn, hoặc đi điệu bộ theo lời ca. Hình thức diễn theo hát bội và carabộ, phổ biến trong ngôn ngữ hành động diễn cải lương ở các giai đoạn phát triển nghệ thuật diễn. Đó là đặc điểm ngôn ngữ hành động biểu diễn có tính kinh điển, mở đầu nghệ thuật diễn cải lương tuồng cổ.

 

Bước phát triển tiếp theo, các nghệ sĩ, diễn viên diễn tự nhiên như diễn những lớp thoại kịch nói, ngôn ngữ thoại và hành động diễn cải lương chỉ khác kịch nói ở chỗ ngôn ngữ  kịch nói là hành động, còn ngôn ngữ cải lương là ra bộ. Ra bộ là ngôn ngữ hành động diễn cải lương, dù có xung đột hành dộng, thì cải lương nghiêng về xung đột tâm lý, lời thoại mềm hơn, đây là ranh giới giữa hành động diễn cải lương và hành động kịch nói. Về điểm này giống như các nghệ sĩ cải lương diễn theo ngôn ngữ hành động của tuồng nhưng nhẹ hơn tuồng, đó là ngôn ngữ hành động cải lương. ngôn ngữ hành động diễn cải lương tạo ra đặc trưng nghệ thuật cải lương, dù có những lớp diễn cải lương tuồng cổ, hay lớp thoại kịch nói thì cải lương là cải lương. Đó là nghệ thuật diễn ngôn ngữ hành động tự nhiên theo đề xướng lý luận của Năm Châu. Nhiều diễn viên, nhiều ban hát, học tập và diễn cho ra ngôn ngữ hành động cải lương: như kịch nói nhưng không phải sân khấu ngôn ngữ hành động của kịch nói.

 

Ngày xưa, nổi bật trên sân khấu cải lương Nam – Bắc –Trung, phần lớn các nghệ sĩ tài danh diễn tuồng cương. Họ cương những màn đối thoại xem như là viết sẵn, nhưng thực ra là đối đáp cương trực tiếp trước khán giả. Trong Nam có: Ba Du, Tám Danh, Năm Châu, Tư Chơi, Phùng Há, Hai Cúc… Ngoài Bắc có: Phan Ninh, Bellanhư Nhung, Hồng Hiệp, Sĩ Tiến… Trong Nam nổi danh Ba Du cương hài, cương nói móc châm biến xã hội, làm bạn diễn lúng túng, nhưng gặp những đối thủ ngang tài, ngang sức làm khán giả bái phục. Diễn cương xuất thần vào nhân vật, là sự nhập vai, người diễn viên đứng trên nhân vật để chỉ đường nhân vật, đó là thoát vai. Những diên viên tài ứng biến thông minh mới có bản lĩnh thoát vai theo lối diễn cương nhảy ra khỏi nhân vật, khỏi lối thoại kịch bản là lời nhân vật, lời của kịch bản – kịch trong kịch – nhân vật của nhân vật. Đó là diễn cương xuất thân vào nhân vật, Nữ có hàng loạt nghệ sĩ Năm Phỉ, Kim Cúc, Năm Cần Thơ, Hai Cúc… Nhưng nổi bật hơn cả là nghệ sĩ Năm Phỉ, bà diễn nhiều loại tuồng: cải lương tuồng Tàu, cải lương tuồng hương sa, tuồng xã hội, cải lương tình cảm, cải lương sắc mầu, kiếm hiệp, võ hiệp… Đây là những thuật ngữ của giới cải lương đặt tên cho các hình thức diễn cải lương, thực ra không nhiều đến thế, cải lương sắc mầu là loại cải lương lãng mạn, hay hương xa có khác nhau đâu, cải lương tình cảm, cải lương nào không tình cảm…? Nhưng hàng loạt cách đặt tên các hình thức diễn cải lương ấy, không phải là vô lý, vì mức độ mỗi hình thức diễn có khác nhau đôi chút. Cải lương tình cảm là những câu chuyện thương tâm thiên hướng diễn tình cảm qua những cuộc tình đẫm lệ, éo le, người diễn viên chìm đắm trong mộng mị, nước mắt khổ đau, còn cải lương mầu sắc, mỗi thứ một tí, tình cảm một chút, võ hiệp một chút, tường trình bí mật một chút… Những nhân vật Tây, Ta, Tầu… nghệ sĩ Năm Phỉ xuất thần, nhập vai diễn loại nào ra loại ấy, đó là tài năng đặc biệt của lớp nghệ sĩ nổi danh cải lương Nam Bộ. Nghệ thuật diễn cải lương đạt tới đỉnh cao của nghệ thuật ca, ngôn ngữ hành động, mỗi nghệ sĩ vào vai đem lại hình tượng nhân vật tạc vào ký ức khán giả, khiến họ chỉ thích xem những đào kép chính. Dù xem nhiều lần nghe câu Vọng cổ xuống hò, khán giả cứ bám theo ban hát, cô đào, anh kép mà khán giả thành kẻ liu lạc giang hồ. Đó là sự chinh phục đến mê hoặc công chúng, các thế hệ nghệ sĩ diễn viên cải lương của hàng trăm ban hát cải lương Nam Bộ, có đội ngũ diễn viên nổi tiếng. Các đào kép: Năm Châu, Tư Chơi, Tư út, Tư Anh, Bảy Nhiêu, Mộng Vân, Ba Du, Tám Danh, Tấn Thành, Tư Xe, Ba Giáo, Hoàng An, Tám Củi, Tám Dô, út Trà Ôn, Mười Bửu, Ba Đắc, Ba Đĩnh, Ba Trà Vinh, Ba Bến Tre, Năm Cần Thơ, Bảy Nam, Sáu Lực, Năm Bé, Hai Hy, Năm Nghĩa, Bảy Cao, Thanh Tao, Ba Giáo, Sáu Vị, Tư Phức, Hồng Châu, Ba Tuý, năm Phỉ, Phùng Há, Kim Cúc, Kim Thoa, ái Hữu, Kim Lý, Ngọc Sương, Ba Khuê, Tám Quắn, Văn Lắm, Hề Sách, Năm Diệp, Ba Bé, Ngọc Toàn, Hoàng nghi, Văn Trọng, Ba Giỏ, Ba Sanh, Kim Hoàng, Hề Lập, Kim Chưởng, Hoa Tươi, Tư Thới, Ba Ngư, Ba Nhạn, Nam Ninh, Như Long, Bảy Lục, Ba Tọt, Kim Anh, Tô Huệ, Ba Đua, Cao Long Ngà, Chín Phót, Sáu Chầu, Mười Bửu, Tư Lực, Năm Diệp, Bầu Liêm, Ba Điều, Hai Xáng, Sáu Tý, Tư út, Ba So, Tám Điền, Chín Quý, Ba Cương, Mười Bửu, Sáu ngọc, Tám Mẹo, Chín Móm, Ba Giỏi, Hai Nữ, Ba Duy, Năm Thắng, Ba Châu, Tư Lenơ, Ba Đổng, Năm Kiệt, Hai Sự, Tư Long, Năm Long, Ba Nhàn, Ba Liên, Ba Thâu, Năm Thiềng, Sáu Huề, Tư Sạng, Tư út, Tư Anle, Sáu Chương, Năm Định, Bảy Nhỏ, Bảy Thành, Sáu Lê, Hai Lợi, Hai Trì, Bảy Lựu, Chín Lê, Tư Huề, Hai Ngời, Hai Bông, Sáu Chánh, Năm Tỵ (hề), Tư Đẩu, Tư Thạch, Tư Đề, Chín Thêu, Hai Tỷ, Ba Mật, Tư Thới, Văn Chuông, Năm Hỷ, Sáu Ty, Sáu Trâm, Ba Vinh, Hai Hiền, Lẫm Sanh, Dương Hoà, Kiều Loan, Kiều Mỵ, Ngọc Xoa, Đại Hồng, Song Hỷ, Tần Văn, Hai Giỏi, Hề Chín ích, Năm Phồi, Hai Thành, Ba Ngư, Sáu Đảnh, Hai Thà, Sáu Chức, Hai Đàn, Sáu Chánh, Tư Kiều, Bảy Cừ, Tám Sâm, Ba Niệm, Ba Lùng, Bảy Kiên, Năm Điệp, Châu Xương, Sáu Lực, Tư An, Năm Nở (Kiêm soạn giả), Tư Chơi, Ba Vân, Hai Tùng…

 

Trên đây là những diễn viên nổi tiếng trong giới cải lương Nam Bộ, họ là trụ cột của những ban hát cải lương, tổng số là 160 người, con số này còn bỏ sót không ít nghệ sĩ có tiếng chưa sưu tầm đầy đủ. Với đội ngũ diễn viên mạnh từ thế hệ carabộ kéo dài đến năm 1945, cải lương Nam Bộ hoàn chỉnh nghệ thuật diễn các khuynh hướng cải lương, hoàn chỉnh các hình mẫu nhân vật kép văn, võ, đào, các vai hài, kép độc, kép xanh, kép đổ, kép mặt trắng… Sau năm 1938 đến năm 1945, cải lương Nam thoái trào tan rã cả trăm ban hát, chỉ còn một số ban ở lại Sài Gòn và các tỉnh. Ban đi diễn về các vùng quê chạy loạn, ban diễn tài tử thu đĩa, ca nhạc thính phòng, chờ thời.

 

 



[1] Trích trang 103, Lịch sử sân khấu Việt Nam tập 2. Sách đã dẫn.

Tuấn Giang
Số lần đọc: 4711
Ngày đăng: 02.08.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Lịch sử cải lương 2 - Tuấn Giang
Lịch sử cải lương 1 - Tuấn Giang
50 năm trong một liên hoan - Hiền Lương
Trò chuyện giữa Ea Sola và Hoa Hạ - Nguyễn Thị Minh Ngọc
Quá trình hình thành nghệ thuật sân khấu cải lương : Từ ca ra bộ đến hình thành .phần 1 - Nguyễn Ngọc Bạch
Quá trình hình thành nghệ thuật sân khấu cải lương : Từ ca ra bộ đến hình thành .phần 2 và hết - Nguyễn Ngọc Bạch
Suy nghĩ về nhạc cải lương - Nguyễn Ngọc Bạch
Cải lương chi bảo: Bạch Tuyết - Thanh Hiệp
Nghệ sĩ Hồng Tuyết “Sân khấu là chổ đứng khán giả là niềm vui” - Võ Quê
Nghệ sĩ Nhân dân Tám Danh - Cây đại thụ của nghệ thuật cải lương - Khuyết danh
Cùng một tác giả
Đặc trưng xiếc (nghệ thuật)
Thực trạng xiếc. (đối thoại)
Tổng luận ca trù (nghệ thuật)
Hát Cung văn (văn hóa)