Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.184
123.215.851
 
Tâm thức hiện sinh trong thơ Cát Du
Trần Hoài Anh

Trong tập thơ Điêu tàn, nhà thơ Chế Lan Viên đã từng đặt ra một vấn đề mang tính bản thể luận với câu hỏi chứa đầy tâm thức hiện sinh

 

Mà phải đâu đã đến ngày tiêu diệt!

Ai bảo giùm: Ta có, có ta không?

 

Câu hỏi của nhà thơ Chế Lan Viên ngày ấy mãi mãi là điều tự vấn mà không phải dễ gì tìm thấy câu trả lời trong cõi nhân gian này. Chính vì thế, không chỉ có Chế Lan Viên, mà còn biết bao nhà thơ khác đã đặt ra trong thơ mình những câu hỏi có tính triết luận như một tâm thức hiện sinh về sự hiện hữu của chính mình, trong đó có nhà thơ Cát Du, một phụ nữ Nam Bộ* vốn không phải là một vùng văn hóa với những con người mạnh về tư duy tư biện. Vậy mà ở Cát Du, ta lại thấy điều ấy hiện hữu trong thơ như một giọng điệu riêng.

Ta hãy nghe nhà thơ tự bạch:

 

Nàng bé tẹo

Tuổi chất cao hơn nàng

Vậy mà

Nàng biết đặt những câu hỏi của nhân loại

Ta từ đâu tới?

Tới để làm gì?

Ta sẽ về đâu?

( Nàng)

 

Quả thật, cũng như Chế Lan Viên, những câu hỏi trong thơ Cát Du là những vấn đề mang tính bản thể luận, luôn tồn tại như ám ảnh của một tâm thức hiện sinh mà tác giả cứ mãi đi tìm như đi tìm cái Tôi bản thể của mình. Đó là một cái Tôi vừa thực lại vừa ảo, vừa có lại vừa không, vừa gần gũi lại vừa xa xôi như một thứ ảo giác, nên khi nhìn vào gương, một chiếc gương cũng được làm bằng ảo giác của mộng mị vô thường, nhà thơ đã hoài nghi chính sự hiện hữu của mình:

 

Em đang làm gì?

Soi gương

Soi gương tìm gì?

Tìm em

Em sao?

( Ủa, lạ nào!)

 

Chính vì vậy, cho dẫu nhà thơ đã hóa thân thành nhiều cái tôi hiện sinh khác nhau: Có khi giống “nàng Nguyệt Nga mặc đồ cổ trang và ngồi trên xe ngựa liếc tình với Lục Vân Tiên”. Có khi lại “thấy mình giống công chức mặc áo cổ cồn và có đeo ve / công chức mặt nghiêm không hé môi cười”. Có khi lại “thấy mình đang gặt hái trên cánh đồng lúa / êm ả cò bay”... Nhưng rồi, tất cả những sự hóa thân này cũng chỉ là hư ảo. Bởi chính em cũng chỉ là ảo ảnh của em, nên những sự hóa thân này cũng chỉ là sự hóa thân của những ảo ảnh.

 

Màn nhung khép lại

Thế em đâu rồi?

Không biết

( Ủa!lạ  nào!)

 

Tuy nhiên, chính sự hóa thân này đã tạo nên bầu khí quyển hiện sinh trong thơ Cát Du. Đó là một thế giới hiện sinh đầy hư - thực. Thế giới ấy đã đem đến cho người đọc những liên tưởng thú vị, bất ngờ khi đắm mình trong cõi thơ đầy ma mị của Cát Du, một cõi thơ đầy chất phiêu bồng vốn là một yếu tính của thơ. Bởi nói như thi sĩ Bùi Giáng “cõi thơ là cõi bồng phiêu”. Và cõi bồng phiêu trong thơ Cát Du như một ẩn số đầy huyễn hoặc mà thi nhân cứ mãi đi tìm, như đi tìm bản thể của mình nhưng chẳng bao giờ có lời giải đáp. Bởi khi “Soi gương chỉ thấy cuộc đời” mà đó chỉ là “những cuộc đời không em”.

 

Có thể nói, sự bất lực trong hành trình tìm kiếm chính mình là một tâm trạng điển hình của tâm thức hiện sinh trong thơ Cát Du. Câu hỏi tồn tại hay không tồn tại mãi ám ảnh trong suy tư của loài người dù là phương Đông hay phương Tây. Để rồi, trong hành trình tìm kiếm cái bản thể ấy, con người có khi lại bắt gặp ảo ảnh của mình, trở thành “kẻ xa lạ” với chính mình. Và cái điều mâu thuẩn tưởng chừng phi lí ấy lại là một điều hoàn toàn có lý được biểu hiện sinh động trong tâm thức hiện sinh ở thơ Cát Du

 

Em ngắm anh mỗi ngày

Mà sao bỗng lạ?

Những tế bào yêu của ngày hôm qua đã chết

Cuốn đi nụ hôn nồng của em

Đôi môi mới của ngày hôm nay lạnh lùng, thờ ơ quá thể

 

Em nhìn thấy người đàn bà hệt em

Trong mắt anh lạ lẫm

Em của ngày qua đâu rồi?

Đâu rồi anh?

Anh của ngày qua đâu rồi?

(Lạ hoắc)

 

Triết gia Héraclite đã khẳng định: “không ai có thể tắm hai lần trên cùng dòng sông”. Vì vậy, cũng không có ai sống hai lần trong một khoảnh khắc của cuộc đời. Mọi việc trong cõi nhân sinh này vẫn trôi đi lặng lẽ, vẫn cứ tuần hoàn theo quy luật tự nhiên. Và con người không thể nào thoát khỏi cái qui luật “sinh lão bệnh tử” mà Đức Phật đã chỉ ra. Cái tâm thức hiện sinh này ta cũng cảm nhận được từ trong thơ của Cát Du.

 

Người đàn ông nhìn tôi

Cái nhìn lạ hoắc

Cắm vào đêm lạ hoắc

Môi chụm môi lạ hoắc

Cái nồng nàn mới toanh

Lại bắt đầu

(Lạ hoắc)

 

Để rồi từ sự “bắt đầu”, con người lại hành trình đến một “kết thúc” trong vòng quay của sự sống và cái chết, của hiện hữu và hư vô, của hữu hạn và vô hạn của kiếp nhân sinh giữa cõi vô thường. Và đó cũng là hành trình của tâm thức hiện sinh trong thơ Cát Du.

 

Sáng nay có người mẹ qua đời

Mặt trời rựng lên rồi tắt

Tôi thấy dòng người như đi về nơi tẩm liệm

Hàng cây bên đường cũng buồn thiu

Gió lặng im

như khóc

Có tiếng nấc chồi non

trong cành gãy

Mẹ ơi!

Mẹ!

( Mẹ ơi !)

 

Mặt khác, cuộc hành trình của tâm thức hiện sinh trong thơ Cát Du còn được biểu hiện ở khát vọng nhục cảm tinh khiết được chưng cất từ sự hiện hữu của hai thực thể CON và NGƯỜI mà Cát Du không hề lẫn tránh, không cao đạo nhưng cũng không buông tuồng suồng sả trước những tiếng gọi đầy chất hiện sinh này. Vì thế, những khát vọng nhục cảm trong thơ Cát Du không rơi vào thế giới của sự tầm thường, không dẫn dụ người đọc vào những thèm khát bản năng, trái lại nó đưa người đọc vào thế giới của sự thăng hoa, của những sáng tạo đầy khát vọng hiện sinh

 

Gương mặt vừa được hôn ngày hôm qua

thức dậy

vẫn còn mơ

Mắt em anh ánh

Môi em nồng nồng

Vòng tay âm ấm

Vẫn còn đâu đây

Thế mà người đã xa khơi

Người mang vòng tay của em đi đâu?

Bỏ mặc em trong cõi người giá lạnh này!

Hãy siết em lần nữa

Siết em lần nữa đi nào

Siết!

(Hãy siết em lần nữa)

 

Quả thật, tâm thức hiện sinh trong thơ Cát Du là tiếng gọi thẳm sâu từ cõi vô thức. Đó là một vô thức tiềm ẩn trong ý thức vô ngôn

 

Người đàn ông của cỏ

Gặp người đàn bà của cỏ

Xoắn vào nhau

Tung xòe

Quên mất gió đông

(Người đàn ông của cỏ)

 

Và chính cái tâm thức hiện sinh này đã trở thành một cảm hứng sáng tạo được thể hiện trong khá nhiều bài thơ của Cát Du như: Thoát, Mơ, Đen, Nhìn, Va tình, Thắp lửa, Lửa, Trăng lu, Người đàn bà soi gương, Khiết, Rời khỏi giấc mơ, Rơi… Nó là một phần không thể thiếu trong thế giới nghệ thuật và tư duy thơ của Cát Du. Nó như một thứ nhan sắc trong bút pháp thơ của chị để từ đó định hình một phong cách thơ Cát Du trong dòng chảy của thơ Việt đương đại. Và đây cũng là tiền đề hình thành cõi thơ Cát Du, cõi thơ của một người phụ nữ mang đầy khát vọng hiện sinh như một thứ căn cước minh chứng cho sự hiện hữu của mình giữa cuộc đời. Và đây là một thông điệp đầy tính nhân văn của tâm thức hiện sinh trong thơ Cát Du.

 

Có thể nói một điều khá độc đáo cũng được thể hiện trong tâm thức hiện sinh ở thơ Cát Du đó là sự kết hợp hài hòa giữa tư tưởng hiện sinh với tư tưởng thiền học qua thế giới nghệ thuật thơ với những hình tượng thơ đầy hư - thực. Cái cảm thức sắc - không ấy như một ám ảnh của vô thức và tâm linh đã tạo nên cho thơ Cát Du một giá trị mới đó là giá trị của sự hợp lưu giữa hai nền triết học Tây - Đông mà ta có thể tìm thấy trong nhiều bài thơ của Cát Du:

 

Em ở đâu?

Em ở đâu?

Em ngồi trong hốc mắt

Em ngồi trong hốc mắt làm gì?

Em làm gì?

Em nhìn

Em nhìn gì?

Nhìn em

Em thấy gì?

Chả thấy

Sáng trưng em chả thấy!

Chả thấy!

(Nhìn)

 

Hay :

 

Không đánh động gì cả

Chỉ có gió khẽ khàng

Làm

Lá bàng lay, lá bàng lay

Ôi!

Lá vàng sắp rụng

Lá biết

Sự đánh động của gió

Nhẹ nhàng thôi

Nhưng thời gian thở gấp

Lá đi

Lá đi trong chiều

nhẹ tênh

Có gió

Rù rì…

(Rơi)

 

Và từ trong sự đốn ngộ về tư duy triết học của chủ nghĩa hiện sinh và thiền học, Cát Du đã nhận ra nỗi đau của phận người, một nỗi đau luôn đồng hành cùng với sự hiện hữu của con người trần thế như một tất yếu mà con người không thể phủ nhận.

 

Là người

Không có nỗi đau sao được

Em không tin đâu!

Không tin

( Cát)

 

Vì nhận rõ được nỗi đau và sự gới hạn tất yếu của sự mong manh phận người nên tâm thức hiện sinh trong thơ Cát Du còn thể hiện ở một thái độ sống tận hiến trong từng sát na của cảm xúc và đam mê. Và chính xuất phát từ tâm thức hiện sinh này mà sự cảm nhận về tình yêu trong thơ Cát Du cũng nhuốm màu sắc hiện sinh

 

Không mùi vị gì cả

Chỉ vòng ôm là thực

Siết chặt là thực

Giãy giụa là thực

…………..

Rơi tõm vào

Cơn cuồng nhiệt

yêu.

(Ám ảnh màu chì)

 

Có lẽ, vì thế chăng mà thi nhân đã thú nhận những điều mà người ta cứ mãi che đậy bằng những bài học luân lý đạo đức đầy giả tạo, tởm lợm đến buồn nôn với những bằng “tiết hạnh khả phong” mà nhà văn thiên tài Vũ Trọng Phụng đã từng vạch trần và lên án trong tiểu thuyết Số đỏ nổi tiếng của mình. Điều này đã tạo nên một giá trị riêng trong thơ Cát Du, giá trị của sự thành thực mang tính NGƯỜI mà không phải ai cũng dám tự thú!? Phải chăng, đây cũng là tiếng nói từ ý thức về nữ quyền vốn chưa phải là điều đã được khẳng định trong thơ Việt.

 

Ta hãy nghe nhà thơ chia sẻ và thú nhận, một sự thú nhận thật đáng yêu. Bởi vì đó là một sự thú nhận dũng cảm và thành thật mà nói như Hoài Thanh trong Thi nhân Việt Nam: “ Cái khát vọng cởi trói cho thi ca chỉ là cái khát vọng nói rõ những điều kín nhiệm u uất, cái khát vọng được thành thực. Một nỗi khát vọng khẩn thiết đến đau đớn.” (1)

 

Anh yêu!

Đêm qua có gã trai lạc vào ngôi nhà thiêng của chúng mình

Ngôi nhà em cất giữ tình yêu của anh thật chặt

Vậy mà

Hắn táo tợn

Dám nhìn xoáy vào tình yêu anh bằng cái nhìn thốc lửa

Làm tình yêu nóng ran

Nồng nàn

Thơm phức

Trời ơi!

Làm sao em cưỡng nổi một cơn giông?

Thôi đành để gió cuốn đi

Cuốn đi.

(Thôi đành để gió cuốn đi)

 

Thật vậy có thể nói, tâm thức hiện sinh trong thơ Cát Du không phải là một vấn đề gì mới mẻ và lạ lẫm trong thơ ca hiện đại Việt Nam. Trước 1975 ta thấy giòng tâm thức hiện sinh ấy đã ngập tràn trong thơ của Thanh Tâm Tuyền, Nguyên Sa, Vũ Hữu Định, Nguyễn Đức Sơn, Du Tử Lê, Tô Thùy Yên, Trần Dạ Từ, Cung Trầm Tưởng, Đinh Trầm Ca… với những câu thơ cũng đầy chất hiện sinh: “ Mười ngón tay sờ soạng giữa hư không / Đôi mắt đã trũng sâu buồn ảo ảnh” (2) Hay “ Anh sẽ còn chạy mãi dưới ngàn sao / Tìm ảo ảnh bay trên bờ bụi cát” (3). Và hiện nay cái tâm thức hiện sinh ấy cũng đang là một dòng chảy trong thơ của các nhà thơ trẻ đương đại như: Ly Hoàng Ly, Vy Thùy Linh, Phan Huyền Thư, Nguyệt Phạm, Nguyễn Hữu Hồng Minh, Lê Thiếu Nhơn, Đồng Chuông Tử, Trần Tuấn, Tuệ Nguyên,  Khánh Phương, Đỗ Doãn Phương

 

Sự biểu hiện của tâm thức hiện sinh ở mỗi nhà thơ không bao giờ giống nhau. Nhưng rõ ràng sự hiện hữu của tâm thức hiện sinh trong thơ của các nhà thơ hiện đại và đương đại Việt Nam là một thực thể không thể phủ nhận mà tâm thức hiện sinh trong thơ Cát Du không phải là một ngoại lệ. Có lẽ đây cũng là một xu hướng cho thấy sự tìm tòi, khám phá trong hành trình sáng tạo thơ của Cát Du nói riêng và các nhà thơ trẻ Việt Nam nói chung trong sự nỗ lực để vượt thoát sự sáo mòn công thức và tính đồng phục của thơ ca hiện đại Việt Nam ở một thời chưa xa cũng như sự cố gắng để khẳng định cá tính sáng tạo của họ trong nền thơ ca dân tộc.

 

Vì vậy, dẫu rằng trong thơ Cát Du không phải không còn những câu thơ chưa đạt đến độ chín của tư duy và chiều sâu của tâm hồn. Nhưng đó là một tất yếu trong hành trình sáng tạo đầy đau đớn của kiếp thi nhân. Song điều ấy chỉ là những bóng mờ trong cõi thơ Cát Du, còn phần sáng trong thơ chị nhìn từ mặt bằng chung của thơ Việt đương đại là đáng ghi nhận.

 

Và tôi tin rằng, người đọc có thể đồng cảm và chia sẻ với Cát Du những điều ấy để chỉ còn giữ lại trong tâm cảm của mình ý vị mặn nồng như một giá trị để chia sẻ với tâm thức hiện sinh trong thơ Cát Du, một tâm thức hiện sinh được chưng cất từ sự nghiệm sinh của cuộc đời thi nhân và đã bùng cháy thành ngọn lửa trong thơ và trong lòng người đọc khi đến với thơ Cát Du.

 

Hy vọng rằng, từ tâm thức hiện sinh này, Cát Du sẽ khám phá những chân trời mới trong cõi huyền diệu của thơ ca. Để từ sự hữu hạn của phận người nhà thơ sẽ đi vào sự vô hạn của nghệ thuật. Bởi nói như Saint-John Perse “…Thơ đã có từ khi con người ở trong hang đá, thơ vẫn sẽ có ở thời đại nguyên tử, vì thơ là phần không thể giảm trừ được ở con người”. Và “thế giới này rốt cuộc chỉ còn lại hai thứ, chỉ hai thứ thôi: Thi ca và lòng nhân ái… không còn gì khác” Cryian Norwid

 

Chú thích:

 

* Cát Du: tên thật Phan Kim Dung sinh và lớn lên tại tỉnh Bình Dương

(1) Hoài Thanh – Hoài Chân, Thi nhân Việt Nam, Nxb. Văn học, 2003, tr.18

(2) Thơ Nguyên Sa, Nxb. Thương Yêu, Sài Gòn, 1975, tr.18

(3) Vọng, Thơ Nguyễn Đức Sơn, Nxb. An Tiêm SG, 1972, tr.6

 

Gò Vấp, ngày 17/03/2011

Trần Hoài Anh
Số lần đọc: 4074
Ngày đăng: 03.08.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đi Trong Tâm Thức Trở Về - Nguyễn Thánh Ngã
Vết Của Những Viên Ngọc - Trầm Thanh Tuấn
Đọc Tập Thơ Dã Quỳ Tím Của Huỳnh Dũng Nhân - Bùi Chí Vinh
Cảm Thức Của Những Mùa Hương - Trần Hữu Dũng
Đỉnh Ảo, Một Đời Thơ - Nam Dao
Nhưng nhức nỗi buồn thế hệ - Hoàng Xuân Hoạ
Giọng châm chọc của Linda Lê - Lise-Hélène Smith
Nhớ Đến Một Người của Đỗ Hồng Ngọc - Khuất Đẩu
Trường-Ca Ca… - Đặng Thân
Đọc Lê Văn Thiện Trước 1975 - Nguyễn Lệ Uyên
Cùng một tác giả
Thanh Thảo và Thơ (tiểu luận)