“ ‘Nóng’ trở lại trên biển Đông” là một thông tin nóng trên báo Tuổi trẻ ngày hôm nay 4/8/2011.
“Báo Philippines Star cho biết Thứ trưởng năng lượng Philippines Jose Layug vừa tuyên bố Manila đã có kế hoạch đấu thầu thăm dò và khai thác dầu trên vùng biển phía tây đảo Palawan. “Đây không phải là vùng tranh chấp. Nó nằm trong lãnh hải của Philippines” - ông Layug khẳng định và cho biết khu vực thăm dò cách xa quần đảo Trường Sa của Việt Nam và nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.
Ông Layug cho biết Tập đoàn Khai thác dầu khí ngoài khơi quốc gia Trung Quốc (CNOOC) cùng hai công ty dầu khí khác của Trung Quốc cũng quan tâm đến việc thăm dò, khai thác ở khu vực này. Manila sẽ công bố các công ty thắng thầu vào năm tới, và ông hi vọng Trung Quốc sẽ không quấy rối các tàu thăm dò dầu khí của Philippines ở khu vực này”.(1)
Trước sự kiện này làm chúng ta nhớ lại chuyến đi vội vã của Tổng thống Philippine Gloria Macapagal Arroyo tới Trung Quốc cuối năm 2004 đã cho thấy một ngạc nhiên lớn. Trong hàng loạt những thỏa thuận được ký mang tính hình thức giữa hai nước Trung Quốc và Philippines là một bản cho phép các công ty dầu khí nhà nước của họ được quản lý một hoạt động hợp tác cùng nghiên cứu địa chấn trong vùng biển Đông đang có những tranh chấp, một tương lai đáng quan ngại cho các vùng lãnh thổ Đông Nam Á.
Khi hiệp định được ký kết ngày 1/9/2004, chính phủ Philippines nói rằng việc nghiên cứu khảo sát chung sẽ “thu thập và xử lý tiến trình địa tầng học, kiến tạo học, kết cấu địa chất…và sẽ không sản xuất và khai thác nguồn dầu tại đây nhưng 2 nước không công khai về nội dung trong “Hiệp định về khảo sát các khu vực chắc chắn trong khu vực biển Nam Trung Hoa giữa China National Offshore Oil Corporation (CNOOC) và Philippines National Oil Company (PNOC)”. Và không ai ngờ rằng cho đến khi các báo đài loan tin rằng CNOOC và PNOC đã ký một thư thỏa thuận về việc tìm kiếm dầu và khí gas.
Việt Nam là nước phản đối gay gắt nhất hiệp định này. Tuy nhiên, trong vòng 6 tháng, Việt Nam đã từ bỏ những phản đối của mình và lao vào cuộc mạo hiểm, dẫn tới một mối liên minh tay ba và được thảo luận trong vòng bí mật.
Trong sự thiếu vắng những bước tiến bộ hướng tới giải quyết những tranh chấp phức tạp về lãnh thổ và chủ quyền trên vùng biển Đông, cái khái niệm cùng phát triển có ý nghĩa hơn bao giờ hết. Ý tưởng hoàn toàn đơn giản: tạm thời xếp lại những yêu sách về chủ quyền và thiết lập những khu vực cùng phát triển nhằm chia sẻ hoạt động đánh bắt hải sản trên biển, khai thác dầu khí và những nguồn lợi khác. Thỏa thuận giữa Trung Quốc, Philippines và Việt Nam, ba trong sáu chính phủ của những nước có những xung đột yêu sách, được nhìn nhận như là một bước đi đúng đắn và một khuôn mẫu hợp lý cho tương lai.
Nhưng theo như những chi tiết trong cam kết đang nảy sinh, nó bắt đầu tỏ ra chẳng giống với những gì đáng lẽ sẽ diễn ra. Khởi đầu, chính quyền Philippines đã phá vỡ trật tự thứ bậc với các nước ASEAN, theo đó việc cư xử với Trung Quốc là như với một khối trong vấn đề Biển Đông. Philippines còn có một nhượng bộ ngoạn mục bằng việc chấp nhận việc nghiên cứu ở vùng biển này, bao gồm cả những vùng thềm lục địa của họ mà không cần đòi hỏi gì ở Trung Quốc và Việt Nam. Qua những hành động này, Manila đã trao một xác nhận hợp pháp nhất định cho cái “yêu sách mang tính lịch sử” không xác thực về pháp lý của Trung Quốc đối với hầu hết vùng Biển Đông.
Trước đây các nhà ngoại giao Philippines đã từng cảnh báo cựu Tổng thống Arroyo rằng việc phát triển chung có thành công ở mức độ nào đi chăng nữa thì việc hy vọng Trung Quốc nhân nhượng là điều khó có thể. Trung Quốc sẽ thống trị trong việc khai thác chung và điều này sẽ gây ảnh hưởng đến các mối quan hệ trong ASEAN.
Đây là một điều nguy hiểm, trong trường hợp Trung Quốc, họ tuyên bố vùng lãnh hải của họ như hình lưỡi bò và bao trùm lấy toàn bộ vùng biển Đông và tuyên bố khu vực này là hợp pháp đối với họ và luật pháp quốc tế không có nghĩa gì ở đây.
Nhưng đó chỉ là kinh nghiệm trong quá khứ.
Điều cần đáng quan tâm là kể từ sau sự kiện Ngày 2/3/2011, khi tàu tuần tra Trung Quốc hoạt động trong khu vực Bãi Cỏ Rong (mà Philippines đang chiếm đóng trái phép của Việt Nam), tiếp cận một tàu khảo sát địa chấn của Philippines và ra lệnh cho con tàu này rời khỏi khu vực đã dẫn đến xung đột Trung-Phi cho đến ngày hôm nay và cũng nhiều lần Philippines tuyên bố chủ quyền của họ tại khu vực này kể cả các quan chức cao cấp của Philippines thị sát nơi đây thì chúng ta cũng chưa nghe một lời phản đối nào từ Bộ Ngoại giao Việt Nam.
Về việc Philippines có có quyền trên quần đảo Trường Sa hay không? Trong bài viết này chúng tôi không lập lại (2) nhưng sự im lặng của Việt Nam đối với những hành động của Philippines trong thời gian qua đã là dấy lên dư luận “Có phải Việt Nam đã xem kẻ thù của kẻ thù của ta là bạn ta”?
Nếu đúng như vậy thì vô hình chung Việt Nam muốn tránh vỏ dưa đã gặp phải vỏ dừa!
Sự bế tắc trong một thời gian dài về giải quyết tranh chấp chủ quyền trên biển Đông đã khiến nhiều học giả ở hải ngoại đưa ra “sáng kiến” phân chia trên khu vực biển này, nhưng liệu những “sáng kiến” ấy có trở nên hiện thực không?
Thử hỏi, nếu Hoàng Sa-Trường Sa không phải là của Việt Nam trọn vẹn thì khi bước vào bàn đàm phán song phương hoặc đa phương thì Việt Nam đưa ra những yêu sách gì? Đối phương có nhân nhượng yêu sách của Việt Nam hay không?
Xin thưa rằng: Hoàng Sa-Trường Sa là của Việt Nam! Còn đàm phán giải quyết tranh chấp như thế nào cho công bằng, hợp lý, đúng luật pháp quốc tế đó là giải phải pháp chính trị.
Tóm lại, sự im lặng của Việt Nam trong thời gian qua trước việc Philippines lên tiếng và có hành động thực thi chủ quyền của họ ở khu vực bãi Cỏ Rong là một sai lầm ngoại giao nghiệm trọng, hay nói một cách khác trong một trận bóng đá có 3 đội cùng đá thì Việt Nam chưa đá thủng lưới đội Trung Quốc nhưng Philippines đã dẫn trước Việt Nam 2-0.
Chú thích:
(1) http://tuoitre.vn/The-gioi/449659/%E2%80%9CNong%E2%80%9D-tro-lai-tren-bien-Dong.html
(2) Xem: http://nguoilotgach.blogspot.com/2011/04/bai-co-rong-reed-bank-la-cua.html