Góc vườn cây cảnh nhà anh chỉ trồng duy nhất một loại cây, đó là loại dủ dẻ vô danh.Có cây cao ngang rốn một người đứng, có cây chỉ mới công phu đưa về từ rừng sâu, còn dâm dưỡng trong chậu sứ. Lẩn khuất giữa đám lá xanh là những búp hoa nhỏ chỉ bằng đầu ngón tay út hoặc lớn hơn, chúm chím nở như đôi môi phụ nữ sẵn sàng chờ được cười tươi.
Ở quê tôi, dủ dẻ mọc nhan nhản ngoài rừng.Trước ngày chị sinh mấy tháng trời, mẹ đã vác cuốc ra rừng đào gốc và cành lá dủ dẻ mang về chặt nhỏ, phơi khô, để dành sắc uống cho đỏ da thắm thịt. Ngày tết Đoan Ngọ, cha cũng chặt cành lá dủ dẻ về trộn nấu với chè xanh, gọi là để uống làm thuốc…Vậy mà, khi dủ dẻ được đưa về phố, nó thành độc nhất vô nhị. Mà thứ gì đã hiếm thì bao giờ cũng quý.
Sau những giờ căng thẳng đầu óc với công việc của một nhà doanh nghiệp, anh thường ra ngồi ở đó, nơi có những bông dủ dẻ nhỏ xíu, trăng trắng, tỏa hương thơm lựng cả một góc vườn. Có lần tôi tình cờ bắt gặp anh ngồi thừ người ở góc vườn đầy hương dủ dẻ ấy, giống như một pho tượng sắp sửa bị bóng hoàng hôn nuốt chững. Anh vẫn không hay biết rằng tôi đã đến gần, vì hình như đang mải mê thả hồn rong chơi ở một phương xa nào đó. Hoàng hôn vẫn thản nhiên trôi phần hoàng hôn, hưong dủ dẻ vẫn miệt mài thơm, rút ruột để thơm, để hút hồn cả ma quỷ. Lần ấy là lần đầu tiên trong đời, tôi được sống bồng bềnh giữa một cảm giác thật lạ lùng: nửa ma quái, nửa rất thực, nửa sâu dày hun hút, nửa mỏng mảnh giản đơn.
Nhưng cũng chính từ lần ấy, tôi đâm nghiện cái góc khuất đầy hương dủ dẻ của anh. Và rồi tôi hay đến đó, ngồi lặng lẽ cả giờ, rồi cũng lặng lẽ ra về. Chẳng phải vì thèm một tách trà lúc hoàng hôn. Cũng không phải thèm đối thoại, vì dường như không cần đối thoại, nên chỉ nghe có tiếng nước rỏn rẻn chảy từ chiếc ấm trà cổ sang hai chiếc tách bằng sứ. Tôi cũng chẳng cần hỏi lý do vì sao có góc vườn đầy cây dủ dẻ, anh cũng chẳng cần biết vì sao tôi có mặt ở đó, như một cơn nghiện hoàng hôn.
Cô gái là một diễn viên nghiệp dư, từ một vùng sơn cước ít người biết đến được rút về đoàn văn nghệ lưu động của tỉnh. Hôm ấy tôi gặp cô lần đầu trong tư thế là một cán bộ quản lý văn hóa văn nghệ đi dự trình duyệt một vở diễn mới. Còn cô gái là người đóng vai chính, vai một sơn nữ, trong vở diễn Hương rừng. Không hiểu sao đất trời lại có sự trùng lặp lạ đời. Xem Lan, tên cô gái, diễn tôi cứ nghĩ về một loài hoa rừng cùng mang tên Lan. Loài hoa đã lấy mây trời để che mưa nắng, hít thở hương rừng để sống và uống sương trời để mà tươi xanh. Lan có mái tóc dài trời phú, hai mắt xanh trong như nước suối, đôi môi không cần trang điểm và giọng nói như gíó reo. Nhìn Lan diễn, tôi thấy sông rừng, đồi núi, mây trời cứ cuộn trôi, hút tôi về phía xa xăm của tuổi thơ đầy cỏ dại, có những chiếc túi nặng hoa dủ dẻ, sim chín, ổi rừng…Dòng đời nào bình yên lạ lùng, bình yên đến có va đập nghe cũng dễ chịu
Tôi mang ấn tượng về một vai diễn, một con người ra ngoài hành lang.” Dạ, em quê ở Sơn Khê..” Thì ra cô gái sinh ra và lớn lên từ mảnh đất mà tôi đã từng cầm súng suốt môt thời trai trẻ, cái mảnh đất gần như nát tan sau ngày chấm dứt bom đạn.Tôi về phố giống một cuộc hành trình lỗi hẹn, hơn ba mươi năm sau chỉ mới một lần trở lại. “ Hồi chú ở đó, cháu đang còn trôi đâu trên mây’’. Cô gái cười, nụ cười như có nam châm hút tất cả đàn ông. Cái lúm đồng tiền không thể chê vào đâu được.
Lan kể tôi nghe chuyện ở quê, không đầu đuôi như cổ tích mà cũng hút hồn thiên hạ.Tôi ngồi nghe say sưa như đứa trẻ được nghe người lớn kể toàn chuyện lạ lẫm.Thỉnh thoảng Lan lại cười, lại lúc lắc cái đầu làm cho đuôi tóc dài cũng trở nên ngộ nghĩnh lạ thường. Lần ấy, dường như Lan đã mở toang trong tôi một cánh hồn mà từ lâu bị đóng chặt Nhưng sau khi chia tay Lan, tự dưng tôi lại thấy lòng buồn rượi. Có lẽ do tôi đang nghĩ quá nhiều về một khoảng cách giữa Lan và tôi, một khoảng cách mù mờ nhưng không kém gay gắt, khi nông, khi sâu, lúc mờ, lúc tỏ. Đó không chỉ là khoảng cách về tuổi tác, mà còn là khoảng cách của thời đại, của lich sử. Lan vẫn uống nước suối từ trong hố Tiên chảy ra, Lan vẫn đi những con đường mà ngày xưa tôi đi, thở hít hương rừng mà ngày xưa tôi từng thở hít.Vậy mà dưòng như vẫn thấy thiếu ở Lan một cái gì đó mà hồi bằng tuổi Lan tôi thừa rất nhiều. Tôi nhấn ga cho xe chạy nhanh hơn. Mùi sim chín, mùi hoa dủ dẻ, rừng bạt ngàn, suối róc rách, mây trắng, lửa đạn, tiếng cười của Lan vỡ trong veo, đôi mắt sân khấu ngây thơ, tấm áo vải quê mùa…cứ nhập nhoạng, tụ lại rồi tản ra trong tôi.
.
Phải chăng tôi ghiền cái góc vườn đầy hương dủ dẻ của anh chỉ từ khi tôi quen với Lan? Em như cây dủ dẻ ở phố, lạ mà quen, gần mà xa. Còn tôi thì càng ngày càng đắm vào thứ hương lạ lùng đó như quy luật bù trừ những gì đã đánh mất trong chiến tranh. Tình cờ một lần, dù không hỏi, tôi vẫn được nghe anh kể về mình, như lời độc thoại vẳng lên từ trong sâu thẳm trái tim. Hồi còn là học sinh trung học, làm gia sư cho một gia đình giàu có, anh mê cô gái con ông chủ. Thơ anh gởi tặng cô bé có những câu thật đến xót xa: “Biết mình thương nhưng soát lại một đời. Anh chẳng tìm ra bóng cây nào che em kín’’.Thế là anh ra đi, để lại mùi hương dủ dẻ ngát thơm mang từ trên quê xuống. Giống như một thứ bùa ngải đã vương rồi thì khó dứt, cô bé đòi anh phải đưa về quê, dẫn đi hái hoa dủ dẻ. Không biết cô bé đã tưởng tượng ra từ những bông dủ dẻ ấy là nàng tiên hay mụ phù thủy mà mẹ đã kể? Và anh đã hứa-lời hứa như một món nợ đời nặng trịch. Khi anh kể tiếp, sau nỗi xa xót không kiềm giữ nổi, ánh mắt như sắp òa vỡ những giọt nước tụ đọng từ hơn ba mươi năm. “Nhưng em như một giọt sương long lanh mà mong manh nên dễ vỡ lắm. Chiến tranh, cái chết rình rập từng bước chân người, làm sao tôi có thể…Thà rằng những rủi ro của cuộc sống chỉ đến với tôi, chỉ mình tôi”
…
“Thế là tôi nợ em, nợ suốt đời một chuyến đi, một mùi hương dủ dẻ”. …Tôi quên hỏi anh, rồi cuối cùng câu chuyện đi đến đâu. Bới tôi đang nghĩ về Lan, lảng vảng đâu đó giữa mùi hương dủ dẻ lừng lựng cả hoàng hôn. Cho đến một hôm. Hôm ấy Lan và tôi cùng dự một buổi chiêu đãi lớn mừng sinh nhật ba mươi năm của đoàn văn nghệ. Quan khách đông nghịt, người ta chen nhau đến dẫm chân lên nhau. Lan cũng chen lấn trong rừng người và hình như đã chạm nhẹ vào người tôi. Mùi nước hoa sặc sụa rớt lại, sau khi đôi chân trần ngúng nguẩy lao về phía trước. Tấm váy ngắn bằng lụa ngoại đỏ chót phô cả một tấm lưng trần ra trước mắt tôi. Đến khi bắt tay xong với nhiều người, dường như đã hoàn hồn, Lan mới nhận ra tôi. “Em chào thầy!” Lan vẫn hay gọi tôi là thầy, dù em không học với tôi chữ nào. (Có lẽ do trước đây tôi có dạy cho mấy người bạn cùng tuổi với Lan).
Rồi Lan bắt tay tôi, nói cười như là bạn bè. Sau đó, lẩn nhanh vào đám quan khách.
Nếu chỉ có thế thì chưa đến nỗi tôi phải bỏ buổi tiệc sớm hơn, về ngồi với anh ở cái góc vườn đầy hương dủ dẻ nầy. Ngẫu nhiên, tôi cho rằng đó là sự ngẫu nhiên tàn nhẫn, hướng nhìn của tôi khi ngồi ăn không cách nào tránh khỏi Lan. Dẫu cách xa đến ba chiếc bàn tròn, tôi vẫn có thể nhìn Lan ăn uống một cách rõ ràng. Lan cầm cái đùi gà vừa nhai vừa nói chuyện với khách, thỉnh thoảng lại nâng ly mời: “Nào, một trăm phần trăm nè...một, hai, ba…Dô!”.Tiếng cười của Lan băng qua mấy chiếc bàn đầy người, lọt hết vào tai tôi, nghe như có sự rách vỡ toét toẹt. Tôi hơi cúi mặt, không phải để ăn mà để nhớ lại cái hồi Lan mới xuống phố, làm một diễn viên không chuyên, có khi phải phụ với đồng nghiệp để treo một tấm pano. Hình như chính tôi là người đã khen Lan hết lời trong vai diễn một sơn nữ ngây thơ như cỏ dại. Và hình như cái ngày ấy chỉ cách hôm nay mới hơn một năm trời. Nhìn cung cách Lan nâng ly, mời, uống, cho đến cách cầm cái đùi gà, nhồm nhoàm nhai, tôi bỗng nhớ một nhân vật nào đó trong phim nước ngoài đã được xem. Chỉ khác, người ta tóc ngắn, Lan tóc dài.
Anh vẫn trầm tư lặng lẽ, nhưng đến khi nói thì như mạch suối ngầm tuôn chảy. Năm 1975, trong sự nhốn nháo của biển người reo vui, hớt hãi, cô bé, như bông dủ dẻ hàm tiếu đơn côi giữa đất trời, đã đến tìm anh. Nước mắt đầm đìa, mái tóc rối bù, mặt tái tím. Cơn bão rừng đã quất quật, va đập làm bầm đen đóa dủ dẻ trắng trong của lòng anh. Hình ảnh cô bé học trò kiêu sa, nhung gấm năm nào chợt lóe sáng rồi tắt ngấm. Cô bé sà vào anh, ôm chặt anh, nức nở…Anh mở tất cả mọi ngóc ngách tâm tình để ấp ủ cho cô bé với hy vọng sẽ giúp cho bờ vai kia ấm dịu lại, đủ sức để tựa vào đâu đó. “Anh đi cùng em…” Đó là câu nói duy nhất và cuối cùng của lần găp gỡ ấy. Còn lại là sự lặng im kinh khủng. Và nước mắt. Giữa những khoảnh khắc lặng im là xô bồ quá khứ, hiện tại, phương trời xa, trời gần…Mẹ anh, người mẹ mỏi mòn chờ đợi, hình như đang chống gậy ra đứng ngoài đầu ngõ. Cái gió nắng của miền Trung hình như đang cần anh, cần bàn tay khỏe hơn hết trong một gia đình đơn chiếc. Còn đối với cô bé thì quả đất tròn vo, mất đi đâu được.
Ngoài đường phố, tiếng người la hét, gọi nhau chí chới nghe mỗi lúc mỗi khẩn trương hơn. Thỉnh thoảng lại có một loạt súng chõi vào tai nghe rợn người. Khi cô bé đi rồi, đúng hơn là lao ra cùng bão táp, anh mới thấy lòng mình rỗng không đến đơn độc. Anh giận anh, trách anh, tự sỉ vả chính anh, rồi gục xuống như lá rũ. Cái còn laị sau mất mát lần ấy là một quảng đời mênh mông lặng ngắt và chút hương dủ dẻ thơm cho đến tận bây giờ.
“Câu chuyện vẫn chưa kết thúc, đúng không anh?”-Tôi hỏi. Và anh cũng chẳng vội trả lời. Hoàng hôn thả xuống mặt đất một màn đen hư thực, càng lúc càng đậm hơn. Hương dủ dẻ đặc quánh lại như có thể chạm vào được, vo tròn và ôm vào lòng được. Hình như tôi và anh đồng tọa, đối ẩm mà dị mộng. Chấp chới trong tôi cái bữa tiệc hôm ấy cứ giỡn đùa, hành hạ. Lan vẹo xiêu lê người qua các bàn tiệc, cái váy ngắn không còn làm chủ được mình nữa, xộc bên nầy, xệch bên kia. Một cánh tay vờ đỡ nhẹ, rồi bất ngờ ôm chặt thân hình mềm oặt của Lan. Em cười ngặt ngụa. Nụ cười làm tôi nhớ hôm em diễn vai sơn nữ trong vở Hương rừng, dường như chỉ thấy hai hàm răng trắng tinh mà không nghe tiếng cười. Có phải khi đã nổi tiếng, con người cần phải đạo diễn cho chính mình một nụ cười riêng?
Khi không còn nhìn rõ được mặt nhau nữa, tôi lặng yên ra về, trân trọng tối đa khoảnh khắc một mình của anh với hoàng hôn, với góc vườn đầy hương dủ dẻ. Không biết anh sẽ ngồi như thế cho đến bao giờ? Rồi hôm sau tôi lại đến, như cơn nghiện không thể chống chọi. Và còn một lẽ nữa, tôi chờ đợi những phút thiêng của đời anh, để được nghe tiếp câu chuyện. Chỉ chờ đợi, vì giữa chúng tôi đã có sự thỏa thuận ngầm: không hỏi chuyện riêng của nhau. Lâu ngày, phút thiêng ấy tồn tại như một quy luật: anh chỉ mở miệng khi hương dủ dẻ bắt đầu lan tỏa, nhẹ nhàng và dịu êm, giống một thiền sư chờ cho quanh mình mọi hoạt động của con người ngưng lại để được nhập vào trời đất.
Hòa bình, anh tìm cô bé, cô bé tìm anh, nhưng tất cả đều như thể tìm chim, biết đâu mà lần mò giữa mênh mông đất trời. Điều kiện sống, cùng với những đổi thay quá lớn đã khiến anh phải đầu hàng ước muốn. Anh cố tìm quên bằng công việc, thậm chí là bằng suy nghĩ, rằng cô bé đã chết đâu đó ngoài biển khơi. Nhưng công việc không phải lúc nào cũng lấp đầy những khoảng trống tâm hồn. Sợ nhất là những lúc ấy. Còn tin rằng cô bé đã chết thì mặc dầu có xót đau lúc đầu nhưng lâu dần cũng thành quen. Thế là anh quyết định để tang cho mối tình đầu vĩ đại ấy. Cho đến một ngày…
“Ấy là cái ngày anh lấy vợ?”.Anh dừng lại lâu lắm rồi mới trả lời tôi. “ Không, không phải…”.Là cái ngày anh bất ngờ nhận được thư cô bé, từ một vùng đất hoang vu ở miền Tây Nam bộ. Tất cả đều chỉ là sự tình cờ thôi, cũng như anh đã tình cờ xách cặp đến làm gia sư tại nhà cô bé. Hôm ấy cô bé gặp một người miền Trung đến mua hàng, hỏi ra, người khách có quen biết với anh. Thư cô bé gửi về cũng chỉ đề một địa chỉ rất chung chung, nhưng may là vẫn đến được tay anh…
Tôi giật mình và cố tưởng tượng ra nỗi xúc cảm của anh khi cầm trong tay phong thư của cô bé sau hơn năm năm. Hẳn là cái màu mực xanh hôm ấy lạ mà quen đến làm anh phải run lên?. Hẳn là những con chữ học trò dẫu có pha sương gió cũng ngây ngô ra phết?...Giống như Lan đã làm sống lại trong tôi cái thời nguyên sơ hương rừng vậy đó. Khi tôi đã mất nó mới biết quý nó. Không, có thể tôi đã nhầm. Kể đến đây lẽ ra khuôn mặt anh tròn vo như rằm trăng rạng rỡ thì lại đuỗng đuộc, thẫn thược một cách lạ lùng. “Lúc đó tôi sắp sửa lấy vợ anh ạ…”.Câu nói như lời giải thích cho tất cả những mắc mứu trong tôi có âm sắc lạ lùng lắm. Nó từ trên cao vút bỗng chùng xuống, rồi mất hút đâu đó; nó như cỗ máy lâu ngày không được bôi trơn, ngọng nghẹn đứt rời…
Cuối buổi chiều hôm đó tôi được biết thêm, hiện cô bé mà anh thường gọi là “ đóa hoa dủ dẻ luôn hàm tiếu” không còn ở trên đất Việt Nam. Cô đang sống cùng một người chồng nước ngoài và hai đứa con, không còn liên lạc với anh nữa. Mọi việc xảy ra sau khi anh từ chối lời đề nghị trong một bức thư của cô: “Hòa bình rồi, anh đưa em về quê anh hái bông dủ dẻ được chứ?”
Tôi hỏi anh: “Vì sao anh lại nhẫn tâm đến thế? Anh không trả lời tôi mà hỏi lại: “Nếu anh là tôi, bây giờ có dịp được gặp lại cô bé, tính sao đây?” Thú thực, tôi chưa thể trả lời anh được, bởi tôi đang nghĩ về Lan. Giá mà tôi chỉ gặp Lan một lần, một lần thôi, hồi còn là sơn nữ đóng vai sơn nữ. Giá mà không có cái bữa tiệc hơn một năm sau đó.
-Tôi sẽ không gặp lại cô bé lần thứ hai
-Vậy, anh không trách tôi chứ?...
Còn nhớ, buổi chiều hôm đó bầu trời xanh hơn mọi lần xanh. Và hương dủ dẻ tha hồ bay. Tôi lại hẹn hôm sau sẽ đến cùng anh./.