Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.078
123.233.539
 
Hậu vận lây lất khá dài của Mikhail Gorbachev
Trần Ngọc Cư

(Một câu chuyện cảnh báo về những gì sẽ xảy xa khi người ta không thấy được cách mạng đang ập đến)

 

Anne Applebaun, Foreign Policy, July/August 2011, Trần Ngọc Cư dịch

 

 

Trong tấm ảnh đáng chú ý nhất trong số ảnh chụp tại bữa tiệc được tổ chức để đánh dấu ngày sinh thứ 80 của ông, Mikhail Gorbachev nom lùn hơn và tròn trịa hơn khi ông ở trong tuổi sung mãn sinh lực nhất vào thời điểm ông còn là một trong những nhân vật quan trọng nhất thế giới. Ông nom như có gì khó hiểu, chỉ cười nửa miệng; ông còn trông nhếch nhác, và có lẽ thiếu cả tự tin. Hẳn nhiên, những ấn tượng ấy có lẽ đã được cường điệu do sự kiện là trong tấm ảnh đặc biệt này, nhân vật một thời làm tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô đã quàng tay nữ diễn viên Sharon Stone để cô ta dẫn đi. Stone mang một chiếc áo đầm óng ả màu sâm banh, môi tô son đỏ chói. Và cười toe toét. Trong đôi giày cao gót, cô nom cao hơn Gorbachev đến gần 2 tấc, chiều cao này ắt đã lấy mất vẻ quyền uy của ông.

 

Nhưng dẫu sao, cái ngày Gorbachev thật sự có một hào quang quyền uy đã trôi vào dĩ vãng quá lâu rồi. Thật vậy, mọi sự kiện liên quan đến bữa tiệc sinh nhật lòe loẹt này như muốn bêu rếu “tính cách danh lưu hạng B” (B-list celebrity) của ông. Đã lâu rồi cô Stone chưa đóng được phim nào nổi tiếng; người đồng chủ tiệc bên cạnh cô, diễn viên Kevin Spacey, cũng thế. Cùng hiện diện hôm đó gồm có Goldie Hawn, Arnold Schwarzenegger, và, tôi xin lỗi phải kể đến, Lech Walesa. Bề ngoài, tiệc vui này là một buổi gây quĩ cho Sáng hội Raisa Gorbachev, nhằm quyên góp tiền bạc để chăm sóc trẻ em bị ung thư. Nhưng buổi dạ tiệc gần như chỉ để nêu bật số phận lạ lùng của Gorbachev. Đây là con người đã phát động chủ trương cởi mở (glasnost) và tái cấu trúc (perestroika), con người đã chủ trì sự tan rã của đế quốc Xô-viết và chính cả Liên Xô, một trong những chính khách đã sáng lập nước Nga hiện đại – song tiệc sinh nhật của ông lại được tổ chức tại Sảnh đường Royal Albert Hall ở London, giữa những người gần như không hề quen biết.

 

Đây không phải là một sự tình cờ: Hai mươi năm sau khi Liên bang Xô viết tan rã, cảm tình của nước Nga đối với Gorbachev bất quá cũng chỉ là thiếu rõ ràng. Gorbachev không được tung hô như một vị anh hùng; gần như ông chỉ được nhớ đến như là một nhà lãnh đạo thất bại thảm hại, ấy là nếu người dân Nga còn nhớ đến ông chút nào. Vâng, vào thập niên 1980, Gorbachev đã phát động một thời kỳ cởi mở mới mẻ với những quyền tự do mà trước đó người dân chưa dám nghĩ tới. Song hiện nay tại nước Nga, ông lại còn bị qui trách là đã gây ra sự suy sụp kinh tế của thập niên 1990. Hầu hết dân Nga cũng không muốn cảm ơn ông đã chấm dứt đế quốc Xô viết. Trái lại, đương kim thủ tướng Nga, ông Vladimir Putin, đã mô tả sự tan rã của Liên Xô là “thảm họa địa chính trị to lớn nhất” của thế kỷ 20. Kết quả của cuộc thăm dò ý kiến được tiết lộ vào tháng Ba, ở thời điểm sinh nhật của ông, cho thấy rằng có khoảng 20% dân Nga còn căm thù Gorbachev, 47% dân Nga “chẳng mảy may quan tâm đến ông”, và chỉ 5% khâm phục ông. Và đây là một cách biểu lộ có phần tốt đẹp hơn trước: Một cuộc thăm dò khác, tổ chức năm 2005, cho thấy 45% dân chúng Nga có thái độ căm thù đối với ông. Từ “perestroika” (tái cơ cấu) tại Nga hiện nay mang những ý nghĩa gần như hoàn toàn tiêu cực.

 

Tại London và Washington, tiếng tăm của Gorbachev đương nhiên là có ý nghĩa tích cực hơn nhiều. Ông được nhìn với nhiều thiện cảm – ông được mời tham dự tang lễ của Ronald Reagan và tiệc sinh nhật thứ 80 của George H. W. Bush – và thường xuyên được ca ngợi là một “biểu tượng” của hoà bình và của việc chấm dứt tốt đẹp cuộc Chiến tranh Lạnh. Song người ta thường dành cho ông những lời khen khá vô duyên và không thích hợp. Ở tiệc sinh nhật của ông, ca sĩ Gia nã đại Paul Anka song ca với một nhạc sĩ rock thời Sô viết. Lời hợp ca: “Một ngày kia chúng ta nhớ lại, người đã thay đổi thế giới cho tất cả chúng ta”. Tiếp đó, Stone ca ngợi Gorbachev bằng cách đặt một câu hỏi tu từ (rhetorical question): “Nước Nga sẽ đi về đâu nếu không gặt hái được những lợi ích của một nền dân chủ tự do?” Tôi ước ao được có mặt ở đó để thấy nỗi bối rối trên gương mặt của khách tham dự tại Sảnh đường Royal Albert Hall – vì nước Nga vẫn chưa thực sự gặt hái những lợi ích của dân chủ tự do, như mọi người Nga có mặt trong phòng tiệc hoàn toàn biết rõ. Thậm chí gần đây chính Gorbachev cũng mô tả thể chế dân chủ Nga là dân chủ trá hình: “Chúng ta có những định chế, nhưng chúng không hoạt động hữu hiệu. Chúng ta có luật pháp, nhưng chúng cần phải được thi hành”.

 

Dĩ nhiên, Gorbachev không chịu trách nhiệm về sự thiếu minh bạch chính trị tại Điện Cẩm Linh ngày nay, về sự yếu kém của các chính đảng, về sự xuất hiện trở lại của hệ thống tình báo KGB như là một nguồn tạo ra thanh thế và quyền lực, hay về nạn bạo hành mà nhà cầm quyền Nga thỉnh thoảng áp dụng cho các người bất đồng chính kiến đủ loại. Những nguyên nhân đích thực của sự suy sụp kinh tế trong thập niên 1990 – giá dầu lửa xuống thấp, 70 năm của một chính sách kinh tế tồi dở, và sự tham lam vô độ của giới tinh anh Nga vốn được đào tạo dưới chế độ cộng sản – cũng không phải là trách nhiệm của Gorbachev. Boris Yelsin, vị tổng thống đầu tiên của Nga, còn chịu trách nhiệm hơn ông rất nhiều về nền kinh tế đầy tham nhũng của Nga, và Putin chắc chắn đáng khiển trách hơn ông về tình hình chính trị bế tắc của Nga.

 

Thật ra, Gorbachev không mong muốn sự việc kết thúc như chúng đã diễn ra. Nhưng thực tình, Gorbachev cũng không bao giờ có ý định trở thành một trong những người cha khai sinh ra nước Nga hiện đại. Ông chỉ là một nhà cải cách, chứ không phải là một nhà cách mạng; ý định của ông, khi trở thành lãnh tụ Đảng Cộng sản Xô viết, là phục hồi sức sống cho Liên Xô, chứ không phải tháo dỡ nó ra từng mảng. Gorbachev biết rằng hệ thống kinh tế-chính trị lúc bấy giờ đang gặp bế tắc. Nhưng ông không hiểu tại sao. Thay vì bãi bỏ việc hoạch định kinh tế trung ương hay kêu gọi cải tổ giá cả, ông công bố một chiến dịch bài trừ rượu cồn rất nghiêm khắc: Có lẽ nếu công nhân uống rượu ít lại, thì họ sẽ sản xuất nhiều hơn. Hai tháng sau khi cầm quyền, ông đưa ra những hạn chế về việc bán rượu cồn, nâng tuổi uống rượu lên cao, và ra lệnh cắt giảm việc sản xuất rượu. Hậu quả là: thất thu to lớn cho ngân sách Xô viết và thiếu hụt trầm trọng các sản phẩm, như đường, những thứ mà dân chúng bắt đầu dùng để chế vodka lậu tại nhà.

 

Chỉ sau khi chiến dịch bài rượu bị thất bại – và chỉ sau khi đại họa hạt nhân Chernobyl giúp ông hiểu rõ hơn những mối nguy thực sự của việc bưng bít thông tin trong một xã hội công nghiệp có trình độ cao – Gorbachev mới thực hiện nỗ lực cải tổ thứ hai. Cũng như chiến dịch bài rượu cồn, chủ trương glasnost, hay cởi mở, thoạt đầu có mục đích cải thiện hiệu năng kinh tế. Ông tin rằng bàn luận công khai các vấn đề của Liên Xô sẽ tăng thêm sức mạnh cho chủ nghĩa cộng sản. Chắc chắn ông không bao giờ có ý định đặt ra chính sách thay đổi hệ thống kinh tế của Liên bang Xô viết một cách sâu rộng. Trái lại, không bao lâu sau khi nắm quyền, ông đã nói với một nhóm chuyên gia kinh tế của đảng: “Nhiều người trong các đồng chí tìm thấy giải pháp cho vấn đề của mình bằng cách nhờ đến các cơ chế thị trường (market mechanisms) thay vì hoạch địch trực tiếp (direct planning). Nhưng, thưa các đồng chí, ta không nên nghĩ đến những chiếc phao, mà phải nghĩ đến con tàu, và con tàu đó là chủ nghĩa xã hội”.

 

Tất nhiên, về sau Gorbachev rốt cuộc đã thay đổi tư duy của mình, về kinh tế cũng như trong các lãnh vực khác. Thật vậy, mô thức phát triển tư duy này sẽ lặp đi lặp lại nhiều lần. Với quyết tâm phải cứu lấy chính sách hoạch định trung ương (central planning), ông bảo dân chúng phải thảo luận chính sách này công khai -- hậu quả là, người dân đi đến kết luận chính sách này không có hiệu quả. Với quyết tâm cứu lấy chủ nghĩa cộng sản, ông cho phép người dân phê bình nó -- hậu quả là, người dân quyết định chọn chủ nghĩa tư bản. Với quyết tâm cứu lấy đế quốc Xô-viết, ông cho người dân Đông Âu nhiều tự do hơn – và họ đã sử dụng tự do ấy để vùng khỏi gọng kềm đế quốc càng sớm càng hay. Gorbachev không bao giờ thấy rõ mức độ hoài nghi, yếm thế (cynicism) của người dân trong nước hay mức độ chống cộng sâu sắc tại các nước Xô-viết chư hầu. Ông không bao giờ hiểu rõ các guồng máy quan liêu cấp trung ương đã trở nên thối tha như thế nào hay các quan chức đã trở nên phi luân (amoral) như thế nào. Ông luôn luôn tỏ ra kinh ngạc trước các hậu quả gây ra do chính hành động của mình. Rốt cuộc ông chỉ biết chạy đua để bắt kịp thời thế, chứ bản thân ông không tạo ra thời thế [lịch sử].

 

Thật ra, tất cả các quyết định có ý nghĩa nhất và mãnh liệt nhất của Gorbachev là những việc ông đã không làm. Ông đã không ra lệnh chính quyền Đông Đức nổ súng vào những người vượt Bức tường Bá Linh. Ông đã không phát động chiến tranh để ngăn ngừa sự đào ngũ của các quốc gia Baltic. Ông đã không chặn đứng sự tan rã của Liên Xô hay ngăn cản sự trổi dậy của Yeltsin trong địa vị quyền lực. Hồi kết thúc của chủ nghĩa cộng sản chắc chắn có thể đã đẫm máu hơn nhiều, và nếu một ai khác hơn cầm quyền lãnh đạo biết đâu một cuộc tắm máu đã có thể xảy ra. Nhờ đã từ chối sử dụng vũ lực, Gorbachev xứng đáng được nghe dạo khúc sướt mướt của Anka trong dạ tiệc sinh nhật của ông.

 

Nhưng vì không hiểu được những gì đang diễn ra, Gorbachev đã không chuẩn bị cho đồng bào mình đối diện với những biến chuyển chính trị và kinh tế quan trọng. Ông không góp tay vào việc thiết kế các định chế dân chủ, và cũng không đặt nền móng cho một cuộc cải tổ kinh tế có trật tự. Thay vào đó, ông cố gắng bám lấy quyền lực cho đến giờ phút cuối -- nhằm duy trì Liên Xô cho đến lúc quá trễ tràng. Do đó, ông không còn đất đứng chính trị sau khi Liên Xô sụp đổ. Từ khi rời chức vụ đến nay, ông đã ba lần cố gắng thành lập chính đảng mới. Cả ba lần đều thất bại.

 

Hành động đúng thời cơ là yếu tố quyết định trong chính trị, như chúng ta đang biết thêm một lần nữa qua những biến động chính trị tại Trung Đông vào năm nay. Nếu Hosni Mubarak của Ai Cập chịu kêu gọi bầu cử tự do một năm trước, ông đã được dân chúng nhớ đến như một chính khách tài ba và cao thượng. Nếu Muammar al-Qaddafi của Li-bi chịu thoái vị một cách đàng hoàng để trao quyền hành cho con trai là Saif al-Islam, thì giờ này tại các phòng họp ban giám đốc của các công ty ở châu Âu, ông là nhân vật được mọi người nâng ly chúc tụng. Nếu Zine el-Abidine Ben Ali của Tuy-ni-di chỉ việc chịu lên kế hoạch nghỉ hưu sớm hơn một chút, thì giờ này ông đã lặng lẽ sống yên thân trong một vùng ngoại ô của thủ đô Tunis, khỏi phải trốn tránh lệnh truy nã của Interpol (cảnh sát quốc tế) tại Á-rập Xê-út.

 

Tương tự như thế, nếu Gorbachev cẩn thận đưa lên kế hoạch cuộc tháo dỡ Liên Xô từ năm 1988, thay vì giận dữ chấp nhận việc này sau sự kiện 1991, thì năm nay ngày sinh của ông đã được người dân Nga biết ơn ăn mừng, thay vì nghe các nữ diễn viên Mỹ tuôn ra các sáo ngữ. Như chúng ta sẽ biết từ tình hình Trung Đông, một sự chuyển giao quyền lực từ chế độ độc tài sang chế độ dân chủ có hai yếu tố rất quan trọng: một giới chóp bu sẵn sàng trao quyền hành; và một giới chóp bu thay thế, được tổ chức đầy đủ để nhận lãnh quyền hành. Một phần vì tính cách miễn cưỡng và hổn loạn trong những năm cuối khi Gorbachev nắm quyền, nước Nga không có được hai yếu tố đó.

 

Rất có thể là Gorbachev không có khả năng hành động khác hơn. Ông không biết gì về một nền dân chủ đích thực, huống hồ gì kinh tế thị trường tự do. Được nuôi dạy trong văn hóa Xô-viết, ông ta không thể nào suy nghĩ theo một lề lối nằm ngoài hệ thống ấy. Ông đã không ngăn cản những thay đổi, đã không bắn bỏ những người đã nhiên hậu tạo điều kiện cho sự thay đổi diễn ra. Nhưng vào một giai đoạn lịch sử nghiêm trọng như thế, sự không biết (ignorance) không phải là một lý cớ biện minh.

 

Nguồn:  Foreign Policy, July/August 2011

Trần Ngọc Cư
Số lần đọc: 1447
Ngày đăng: 11.08.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Cuba đang chuẩn bị có những thay đổi lớn - Phạm Nguyên Trường
Anders Behring Breivik: Tại sao hắn muốn chúng ta nhìn hắn - Hiếu Tân
Sai lầm ưa thích của tôi: Madeleine Albright kể về cái lần bà thất thố với Putin - Hiếu Tân
Ấn Độ chinh phục Thế giới - Hiếu Tân
Mọi điều bạn tưởng bạn biết về sự sụp đổ của Liên Xô là sai lầm - Trần Ngọc Cư
Khóc thương những nạn nhân Utoeya: người Na Uy phản ứng với vụ thảm sát bằng lòng kiêu hãnh thầm lặng - Hiếu Tân
Toàn văn bài phát biểu của nhà văn Murakami Haruki tại lễ nhận giải thưởng quốc tế Catalunya - Nguyễn Quốc Vương
Một tên giết người ở thiên đường: bên trong những cuộc tấn công ở Na Uy - Hiếu Tân
Trung hoa là kẻ xâm lược? 2 - Hiếu Tân
Trung hoa là kẻ xâm lược? 1 - Hiếu Tân
Cùng một tác giả
Tan Chảy (nhìn ra thế giới)
Siêu cường tất yếu (nhìn ra thế giới)
Vương quốc trung bình (nhìn ra thế giới)
Khế ước tan vỡ (nhìn ra thế giới)
Khóc Kim Jong Il (nhìn ra thế giới)
Tương lai quan hệ Mỹ-Trung (nhìn ra thế giới)
Khuấy động Biển Đông (nhìn ra thế giới)