Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.152
123.225.261
 
Một Ngày Không Như Mọi Ngày
Khuất Đẩu

Đó là ngày mà bốn người con sắp già của khúc ruột miền Trung, bỗng dưng nhớ về những ngày hoang dại của một thời tuổi trẻ ở phố núi. Một nơi, mà nếu không có một bác sĩ cũng có một thời rất chi là hoang dại như Yersin thì chắc đã không có một thành phố chìm trong sương mù và phấn thông vàng như Đà Lạt của hơn 50 năm trước đây.

 

 

Pano ngoài sảnh.

 

Một người là bác sĩ tim mạch Thân Trọng Minh.

Một người là họa sĩ Đinh Cường.

Một người đã từng là sinh viên Đà Lạt Hoàng Trọng Bân.

Và một người đã chọn những gốc thông già để đặt những bức tượng về tình yêu và hòa bình của mình, là nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng.

 

 

Không gian triển lãm

 

Bốn con người chẳng có chi là lớn về vóc dáng chính trị, nhưng về tình yêu nghệ thuật thì không bé chút nào. Một hôm không báo trước, cả bốn cùng nhớ về cái tháp chuông trên đỉnh có con gà cồ, nhớ những con đường vàng rực hoa quỳ, nhớ cà phê Tùng, nhớ cái miệng núi lửa cả triệu năm xưa đã trở thành hồ huyền diệu mà Hàn Mặc Tử đã từng nhìn thấy chị nguyệt trần truồng tắm, lộ cái khuôn vàng…

 

Bốn con người trong một ngày nửa chừng thu (6/8/20011), cùng làm một cuộc triển lãm tranh tượng.

 

Ban đầu, cũng chỉ là để bày ra cho nhau xem trong ngôi nhà trưng bày của Phạm Văn Hạng mà tiền sửa chữa đắt gấp mấy lần tiền thuê địa điểm trên đường Yên Thế. Dĩ nhiên ngoài bốn người đồng cảm với mây trời và sắc màu Đà Lạt, còn có bạn bè bốn phương lận đận. Sẽ là những cuộc trùng phùng nho nhỏ với những nhớ thương của một thời đã mất. Sẽ buồn ít hơn vui.

 

Nhưng ở một thời cấm tụ tập đông người, kiểu như cấm thắp đèn dưới thời Nguyễn Gia Thiều đến nỗi ông phải viết tác phẩm bất hủ Cung Oán ngâm khúc của mình một cách vụng trộm, cả bốn đành phải đem nhau đến phòng khánh tiết của khách sạn Hoàng Gia, là nơi chẳng những không cấm mà còn được chiêu dụ càng đông càng tốt của công nghiệp không khói là du lịch. Chủ nhân, một người cũng rất yêu nghệ thuật, đã biến cuộc chơi nhỏ của bốn người thành một sự kiện lớn, khiến những khách trốn cái nóng từ miền xuôi lên miền ngược rất bất ngờ.

 

 

Từ trái sang: Đinh Cường, Bửu Ý, Nguyên Minh, Hoàng Trọng Bân, Thân Trọng Minh, Khuất Đẩu

 

Bất ngờ hơn nữa, vì đây là một cuộc triễn lãm nghệ thuật mà những đài hoa chúc mừng nhiều đến nỗi phải bày ra cả bên vệ đường.

 

Bốn người tuy cùng mang nỗi nhớ Đà Lạt, nhưng cách thể hiện thì rất khác. Rõ nét nhất là Đinh Cường với rừng thông cao vút, nhà thờ trắng xám, những con dốc cao và những thiếu nữ mềm như lụa cổ quấn khăn len. Tuy tranh màu lạnh nhưng lại toát lên vẻ ấm áp của tình người. Hoàng Trọng Bân có vẻ như muốn phủ một lớp sương mù chẳng riêng gì đất trời Đà Lạt mà còn là sương mù của thời gian. Đến Thân Trọng Minh thì dữ dội với những đường nét mạnh mẽ và sắc màu nóng ấm như thể một ngày nắng đẹp làm bùng nổ những chùm hoa xác pháo và những lớp vỏ thông nứt toát để nhựa chảy đầm đìa. Trong khi, Phạm Văn Hạng, cả người và chim e ấp bên nhau như cảm được cái lạnh lúc về khuya.

 

Tôi không có được cái may có mặt trong ngày khai mạc, nhưng cái dư âm rộn rã của ngày hôm trước vẫn còn vang vọng trong giọng nói tiếng cười của các họa sĩ.

 

Sau một vòng dạo quanh hồ Xuân Hương, chúng tôi trở về điền trang của Thân Trọng. Phảng phất đôi chút quý tộc, anh đem rượu ra đãi các bạn. Và vì tất cả các anh đều là bạn của một người rất thích rượu tây, nên câu chuyện lại nói đến nhạc và họa của Trịnh Công Sơn. Như chạm đến những nỗi niềm sâu kín, Bửu Ý nói say sưa, như thể là anh đang đứng trên bục giảng của viện đại học Huế.

 

Rằng, trong hơn 500 ca khúc của Trịnh Công Sơn, chỉ có một và chỉ một thôi nói tới hai tiếng “nội chiến”. Ngoài những cuộc chiến tranh chống ngoại xâm, thì cuộc chiến nào của Việt Nam cũng là nội chiến. Và cuộc nội chiến vừa qua là bi thương nhất. Thử hỏi có cuộc chiến nào mà người đàn bà hóa điên như cuộc chiến vừa rồi. Mẹ vỗ tay reo mừng xác con! Mẹ vỗ tay hoan hô hòa bình!.

 

Trong khi Bửu Ý nói về người bạn nhạc sĩ thiên tài với một xúc cảm sâu sắc, thì Đinh Cường lặng lẽ ngồi phác họa chân dung người bạn cũ là Nguyên Minh với ánh mắt mơ màng nhớ về người yêu nghìn trùng xa cách bên kia bờ đại dương, miệng thì chúm chím cười để mong sự thông cảm của người vợ đang ngồi đối diện trong gang tấc. Bức họa tuy bằng than chì nhưng lột tả hết cả gan ruột của một người mà bác sĩ Thân Trọng Minh bảo là dị nhân vì tim anh có tới ba ngăn, một ngăn rộng nhất dành cho vợ, một ngăn nồng nàn nhất dành cho người yêu tên T. và một ngăn tràn ngập ánh sáng dành riêng cho người bạn gái mở đầu bằng chữ Th.

 

Tôi, người bạn mới, cũng được ăn theo với một bức Khuất Đẩu nhìn bỡi Đinh Cường, cứ như của Trời cho.

 

 

Nguyên Minh, Đinh Cường và bức chân dung do Đinh Cường vẽ.

 

Một ngày như thế không phải lúc nào cũng có được trong cái xô bồ của một đất nước đang bước thấp bước cao trên con đường “định hướng xã hội chủ nghĩa”. Một ngày thực khó quên khi cái lạnh rất ngọt ngào khiến chúng tôi xích lại gần hơn bên đống lửa vừa được đốt lên ở ngoài sân vườn. Chúng tôi, những người chỉ leo một con dốc ngắn trước nhà Thân Trọng đã thấy mệt quá cái đôi chân này, nhưng lại ngồi mãi tới tận khuya, như lúc còn là sinh viên của năm mươi năm về trước, ngồi hát những người con gái Việt Nam da vàng yêu quê hương như yêu đồng lúa chín, những ghế đá công viên dời ra đường phố, những người già co ro em bé lõa lồ, những người phu quét đường dừng chổi lắng nghe…

 

Một ngày mà một người vẫn cố hết sức từ Mỹ bay về, một người quý phái trong hoàng tộc từ Huế bay vào, một người từ dưới biển như ngư dân bị tàu lạ xua đuổi mang cả cua ghẹ lên…

 

Có một ngày như thế trong những ngày còn rất ít của tuổi đời, nên lại càng bối rối hơn khi ngày mai mỗi người một ngã, bỏ lại ngôi nhà gỗ với nỗi trống lạnh, một mình nhìn xuống cái thung lũng còn giữ được đôi nét hoang sơ của những ngày tháng cũ.

 

 

Ảnh chụp chung.

 

Và, cũng xin mượn chữ của Bửu Ý, tôi gọi đó là Một Thoáng Ngày. Vì là một thoáng nên thật bất ngờ và thật đẹp, đến nỗi hai tiếng cảm ơn trở nên nhỏ bé và lạc lõng./.

 

10/8/2011

*những chữ in nghiêng là lời nhạc của Trịnh Công Sơn.

Khuất Đẩu
Số lần đọc: 2257
Ngày đăng: 11.08.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Tôi Thành Lập Đại Nam Văn Hiến Xuất Bản Cục Như Thế Nào? - Thế Phong
Những khoảnh khó quên - Lâm Bích Thủy
Đứt Ruột - Nguyên Minh
Hành Giả Phiêu Dạt - Nguyễn Hàng Tình
Bài văn định mệnh - Trần Hoài Thư
Tình yêu, tình thân và tình bạn trong buổi ra mắt Tuyển Tập 12 tác giả và 9 ca khúc của nhạc sĩ Trương Thìn. - Nguyễn Hòa vcv
Đi tìm bút tích ( di cảo) của cha tôi ( nhà thơ Quang Dũng) - Bùi Phương Thảo
Những Lần Ra Mắt Sách 2 - Nguyên Minh
Những Lần Ra Mắt Sách 1 - Nguyên Minh
Cá Mòi – Món “Thời Trân” Phố Hiến - Phạm Minh Hoàng
Cùng một tác giả
Những con đom đóm (truyện ngắn)
Tiểu công chúa (truyện ngắn)
Vua Tango (truyện ngắn)
Phố Núi (truyện ngắn)
Bóng Tháp (truyện ngắn)
Không Thấy Núi (truyện ngắn)
Nguyệt Thực (truyện ngắn)
Để Tang Cho Sách (truyện ngắn)
Ai Đã Giết A.Q ? (truyện ngắn)
“Bộ Tam” (truyện ngắn)
Trăng Hát (tạp văn)
Cặp Đôi Bi Tráng (truyện ngắn)
Chôn Đứng (truyện ngắn)
Nguyễn Hòa VCV (tạp văn)
Những đêm trắng (truyện ngắn)
Bà chúa hời (truyện ngắn)