Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.186
123.211.639
 
Suối nắng
Anh Động

Một buổi chiều. Mặt trời ghé nghiêng qua tàn cây nhãn, chảy dài một con suối nắng vàng tơ xuống thảm hoa mười giờ trên khoảnh đất nhỏ sau một ngôi nhà ở xóm ngoại ô thị xã Rạch Giá. Trên hai chiếc băng gỗ đối diện nhau. Người chủ nhà là một bà cụ tuổi hơn sáu mươi. Vóc dáng bà hơi gầy nhưng sức lực trông còn sỏi lắm. Bà đang ngồi lặng lẽ nghe một người khách kể chuyện. Khách là người đàn ông tuổi khoảng ba lăm, mặc đồ bộ đội, ve áo mang quân hàm thượng úy. Anh có đôi mắt thoáng buồn và bao giờ cũng như muốn cười với xa xôi. Câu chuyện của anh kể nãy giờ thế này:

 

“... Cái ngày mà Nghĩa vừa tròn mười bốn tuổi, cũng là ngày Nghĩa thoát ly gia đình đi theo cách mạng. Hôm ấy cô ở tại tiền trạm, chờ người trong đội giao liên nội địa đến nhận về đơn vị. Chiều ấy cũng có những dòng suối nắng vàng tơ chảy lê thê trên đầu đám dừa nước ven bờ sông cái. Ngọn gió tết từ mặt sông thổi thốc lên bờ xóm Rẫy Mới, lùa qua mấy mảnh sân trống, tung bụi vào đôi mắt trong xanh ngơ ngác điểm đường viền của nó. Cái tết năm một ngìn chín trăm sáu bốn, là tết đầu tiên Nghĩa xa nhà.

 

Các anh mò cá dưới sông, vừa lên bờ là liền tấp ngang dẫn Nghĩa về trạm giao liên của mình. Gặp những người đồng đội mới này, Nghĩa bỗng thấy có cảm tình ngay. Anh đội trưởng tuổi sít soát hai mươi, có đôi mày xếch lá tràm, cặp mắt mơ mộng như chực cười với bất cứ ai. Anh đội phó có nước da ngăm đen, cũng lứa tuổi đó, người dân tộc Khmer, có hàm răng trắng muốt. Và kéo theo một dọc những anh từ dưới bùn mới ngoi lên, tất cả chỉ trông thấy có mỗi đôi mắt và hàm răng.

 

Anh đội trưởng tay cầm  giỏ cá, tiến đến vớ lấy gói đồ nhỏ xíu trên tay Nghĩa, nói một câu như đã quen nhau tự hồi nào:

 

- Đi! Về nhà mình, Nghĩa ơi !

 

Anh nói xong liền bị anh đội phó đứng sau khoèo chân té uỵch xuống đất. Nghĩa hoảng hốt, sợ anh đội trưởng đổ quạo là sinh chuyện lớn, nhưng không. Họ vụt cười ré lên rồi quay lại quần vật với nhau.

 

Không biết có một sức hút kỳ lạ nào, Nghĩa cũng nhào vô khi thấy anh đội trưởng sắp bị thua trận.

 

Đã xáp vô được, Nghĩa càng hăng, nó bốc một nắm đất nhão ở mộ tèng heng vừa trét vào miệng anh đội phó, vừa hô:

 

- Cái thằng cha ngoan cố này, chạy còn nghinh này! Cho mày chết luôn.

 

Tất cả những người quần vật cùng cười ầm lên rồi buông nhau, tốc chạy rụp rụp. Cái mái tóc cúp bom bê và bọ đồ mới của Nghĩa cũng dính bê bết bùn chẳng khác gì mấy anh mò cá kia. Nghĩa xách tiếp giỏ cá cho anh đội trưởng rồi hai người cùng chạy theo anh em. Dọc đường đi anh đội trưởng xuýt xoa bàn tay sưng húp, đưa cho Nghĩa xem và bảo:

 

- Anh bị cá “ba gà” đâm nãy giờ đau quá, chớ chừng nào mới chịu thua thằng Suôl.

 

Nghĩa nghe anh nói mà choáng váng mặt mày, muốn òa lên khóc được. Ở miệt biển nầy ai còn lạ gì giống cá “ba gà”. Thân nó bằng con cóc nhỏ, da đóng đầy rong rêu, đầu lớn, ba phía giương ba hàng gai sắc như mũi kim may. Nó đâm tay thì tay treo trên nóc nhà, đâm chân thì chân treo lên giàn bếp, giáp cử ba ngày đêm phải cúng vái ba con gà liền mới hết nhức. Người bị đâm hay nôn tháo, phải đốt lửa mà hơ cho ấm mới đỡ. Bởi vậy người ta mới đặt cho nó cái tên “ba gà”! Bàn tay đã sưng húp mắt cá mà anh vẫn coi như không. Nghĩa nghe mình toát mồ hôi lưng. Nó lo lắng hỏi:

 

- Anh có nhức dữ lắm không? Anh tên gì ?

 

- Anh tên Tùng.

 

Và từ đó về sau, Nghĩa không nghe anh Tùng kêu nhức gì cả. Nó chỉ thấy đôi môi anh mỗi lúc một khô đi và giật lên.

 

Cái tết năm ấy, các anh làm bữa cơm vừa rước ông bà vừa là bữa tiệc liên hoan nhận Nghĩa nhập ngũ. Tiệc toàn những cá do anh em mò được từ dưới sông cái lên. Các chị giao liên làm những món ăn rất lạ. Mấy con đẻn cá rằn ri đem đi “nướng lèo”, mấy con cá mang ếch mập ú, da đen sậm thì bẻ trái dác về nấu canh chua, còn con cá chẽm lớn được các anh chị đem chưng nước cốt dừa, bún tàu, đậu phộng... Bữa cơm ấy, anh Tùng ráng ngồi ăn với anh em vài chén. Anh chỉ múc đồ ăn bằng muổng có một tay. Còn tay kia được các chị bó thuốc, treo rịt lên cổ. Ngón tay anh sưng lên bằng trái chuối xiêm.

 

Rồi những tháng tiếp theo, Nghĩa trở thành một đội viên tích cực của đội giao liên ấy. Những ngày đầu vì không quen công tác chuyển khách, vì còn nhỏ, Nghĩa chưa được các anh phân công đi chuyến một mình. Nghĩa rất chăm làm việc “nhà” và khéo tay. Anh Tùng giao cho Nghĩa sắp xếp thư từ, tài liệu phát hành. Nghĩa đốn lá dừa nước chằm hàng mấy chục cái cà vung để đựng tài liệu riêng cho từng nơi, bên ngoài kẻ số hiệu dán lên rành mạch. Nghĩa còn chằm thêm cho các anh chị mỗi người một bịch để đựng đồ riêng. Các anh chị thường nói đùa với nhau: “Từ ngày có con Nghĩa về đây, cái trại của đội giao liên mình đã trở thành hiệu thuốc Bắc mất rồi”. Và không mấy lúc, Nghĩa đã trở thành “đứa em cưng” của đơn vị.

 

Có một lần Nghĩa đi công tác về có dẫn một chú khách cán bộ và một anh bộ đội, nhưng đồ đạc của hai người ướt sạch và mặt chú cán bộ bị ong đốt sưng vù. Anh Tùng hoài nghi kêu Nghĩa, hỏi:

 

- Ổ ong đó bọn mình còn lạ gì, tại sao em để cho ong đánh chú ấy !

 

Nghĩa mỉm cười tỏ vẻ đắc thắng:

 

- Cái ông già quan liêu đó xuống xuồng cứ ngồi khuỳnh ra không chịu động móng tay, lại còn hối thúc nặng nhe. Em “mần” một lần cho biết thân !

 

Anh Tùng không đồng ý, bảo “phải quấy gì thì về kiểm điểm sau, người chiến sĩ giao liên không nên vô trách nhiệm với khách đường dây”. Nghĩa lặng thinh, bỏ lại bộ vạt nằm chò co, không thiết gì đến cơm nước. Muỗi bu vào người như trấu vãi mà nó không đếm xỉa.

 

Anh Tùng hỏi thêm Nghĩa bằng giọng nghiêm khắc:

 

- Nghĩa bỏ xuồng đâu! Em muốn nằm vạ với ai đây ?

 

Thấy vẻ mặt anh Tùng nghiêm khắc quá, Nghĩa bật ngồi dậy, òa khóc:

 

Rồi Nghĩa ngã vật người xuống, co rúm, rên khừ khừ. Thấy mặt Nghĩa đỏ nhừ, anh hỏi:

 

- Bộ cảm nắng sao vậy ?

 

Nghĩa cứ nằm chép môi khô khan mà không nói. Anh Tùng sờ trán nó, vụt kêu lên:

 

- Sao vầy ?

 

- Em đạp chông tre !

 

Sau khi rửa vết thương, tiêm thuốc kháng sinh và băng bó chân cho Nghĩa, anh Tùng đi nấu cháo cho nó ăn. Lúc cơn sốt hạ bớt, Nghĩa đến chỗ anh Tùng đang ngồi viết lách, nó thỏ thẻ:

 

- Thằng cha ấy chửi em là “con đĩ mén”! Thằng cha Ba Minh bộ đội, mặt dài thòn như mu con rùa quạ đó. Em tức muốn nổ ruột. Trinh sát đặc công của tỉnh Trà Vinh gì mà lỗ mãng dữ quá. Em có chọc ghẹo gì thằng chả đâu. Đi đường xa, đói bụng rồi chửi ẩu. Cho giỏi chửi. Bỏ xuồng dắt lội bộ vòng vòng dưới lung bùn suốt một ngày cho bõ ghét !

 

Bây giờ đã rõ lý do, anh Tùng hơi hối hận. Anh vuốt tóc Nghĩa, ngọt ngào:

 

- Anh giăng mùng cho rồi đó, đi nghỉ đi! Lỡ to tiếng Nghĩa đừng giận anh nghe! Nhưng việc Nghĩa làm cũng không đúng đâu. Nghĩa thấy được cái thiếu sót đó không ?

 

Nghĩa ngồi lặng thinh hồi lâu rồi nói tiếp sang chuyện khác:

 

- Em ở đây nói chuyện chơi với anh, héng !

 

- Nghĩa muốn nói gì ?

 

- Tới chừng độc lập, em nói với ba gả chị của em cho anh nghe !

 

- Chị của Nghĩa tên gì, có đẹp không ?

 

Nghĩa lúng túng một lúc:

 

- Tên... tên là là chị Nhân. Giống hệt em vầy nè, em sao thì chị Nhân như vậy đó.

 

- Chị Nhân của Nghĩa lớn chưa ?

 

- Bây giờ chưa lớn, nhưng tới độc lập thì lớn lên kịp anh rồi. Nếu chị Nhân theo anh về Cần Thơ, em cũng được về Cần Thơ. Tụi em không có má, buồn quá anh à! - Nghĩa rơm rớm nước mắt - Anh Tùng ơi! Hay anh nhận làm má em đi. Em thương anh như thương má vậy.

 

- Nói tầm bậy hoài - Anh Tùng cười âu yếm, lại vuốt tóc Nghĩa - Anh thương hết thảy các em, nhưng làm má thì không được. Chỉ xin làm anh thôi nghe !

 

- Anh chê héng! A mà... anh viết cái gì vậy ?

 

Anh Tùng bẻn lẻn vội xếp cuốn sổ lại:

 

- Anh tập sáng tác chơi.

 

- Xong bài thơ nào chưa? Đọc thử cho em nghe coi !

 

Rồi Nghĩa nằm xuống, gối đầu lên chân anh Tùng, lặng thinh. Anh nghe đầu Nghĩa nóng hầm hập. Thỉnh thoảng anh quơ khăn đuổi muỗi cho nó, rồi cứ cắm cúi viết. Nghĩa bị cơn sốt hành trở lại, nằm mê man. Nó chúm môi chép miệng khô khan trong giấc mơ. Một chút Nghĩa quơ tay kêu hoảng lên. Anh Tùng buông viết gọi nó dậy. Nghĩa cầm bàn tay anh Tùng đặt vào trán mình, nói chuyện gì thì thào. Anh Tùng nghe không rõ, nghiêng đầu thấp xuống:

 

- Nói gì? Dậy vô mùng đi! Muỗi nhiều lắm.

 

- Trán em... Anh... anh - Nghĩa ghì cổ anh Tùng xuống - Anh sờ vào trán em coi nè...

 

Anh Tùng đặt tay lên trán Nghĩa. Nghĩa sốt cao lắm! Cơn sốt ấy hành hạ Nghĩa đến cả tuần, nhờ chị Đông trên văn phòng Ban xuống trị mới khỏi.

 

Nghĩa có biệt tài bắt cua biển. Mỗi lần đi bắt cua ở hang là Nghĩa giành đi chung với anh Tùng, vì anh là người Cần Thơ, bắt cua dở, nó theo để dạy anh và bắt anh quảy bao cùng cây leng. Có một lần, vào dịp tết năm một chín sáu sáu, toàn đội chia nhau đi bắt cua để về liên hoan cuối năm. Anh Tùng quảy bao và cây leng, Nghĩa cầm móc, lủi vào những lùm mắm, bụi đước để tìm hang cua. Đến nửa buổi, phần cua của hai anh em nhiều bằng bốn người dồn lại. Gặp hang cua ở chỗ nào trống, anh Tùng xin Nghĩa cho móc thử. Mỗi lần anh móc vuột con cua là bị Nghĩa vỗ tay cười ngặt nghẽo. Anh ức, càng móc càng mở cửa hang rộng ra, cuối cùng anh bỏ móc, thọc tay xuống hang cua. Nhưng bất ngờ anh la ré lên và cứ cắm đầu, chổng mông chịu trận. Nghĩa được thêm một trận cười bò lăn. Thấy anh mãi cắm đầu rên, Nghĩa mới luồn người phía dưới tay anh, rồi đứng bật dậy, con cua kình lớn bằng miệng chén theo tay anh lên luôn. Một càng con cua quơ quơ, một càng kẹp nghiến chặt tay anh, máu chảy ròng ròng.

 

Nghĩa thét lên:

 

- Nắm càng kia lại !

 

Xong Nghĩa liền kê răng cắn bể càng con cua đang kẹp tay anh Tùng. Có lẽ vì đau nên anh luống cuống làm vuột cái càng còn lại của con cua ra thế là cái càng đó đớp vào má Nghĩa. Lần này Nghĩa lại ré lên. Anh Tùng luýnh quýnh cắn nhanh càng cua để cứu Nghĩa. Má Nghĩa bị thủng hun hút một lỗ, máu ứ tím bên trong, Nghĩa cắm đầu lảo đảo. Anh Tùng ôm Nghĩa vào lòng, ngậm vết cua kẹp mà hút máu hồi lâu Nghĩa mới hết đau.

 

Cái tết năm trước anh Tùng bị cá đâm sưng tay, tết năm nay Nghĩa bị cua kẹp sưng mặt. Anh em nhắc lại mà cứ nhìn một bên má sưng húp của Nghĩa, cười hoài. Cái tên Nghĩa-cua được ra đời kể từ đó. Ai cũng bảo cái tên có ba ý nghĩa: Nghĩa có đôi mắt lộ như cua; Nghĩa tính tình ngang ngạnh như cua; Nghĩa bị cua kẹp thủng má !

 

Gần đến cái tết một chín sáu tám, Nghĩa được kết nạp vào Đảng và được đưa vào lực lượng giao liên công khai. Năm ấy Nghĩa đã hết cái tuổi mười tám. Mỗi khi nghĩ đến phải xa đơn vị lòng Nghĩa cảm thấy nao nao buồn bã. Rồi đây bạn bè quen thân mỗi đứa một nơi, biết bao giờ gặp lại! Ngót bốn năm qua, bao nhiêu là kỷ niệm vui buồn, gian khổ thân thương! Anh Suôl trắng răng, thằng Lướt cà lăm... Tất cả đều chia nhau đi khắp các chiến trường để chuẩn bị cho cuộc tổng tấn công nổi dậy Mậu Thân. Anh Tùng người có đôi mắt bao giờ cũng như muốn cười với bất cứ ai ấy, hôm nay buồn rười rượi...

 

Bữa liên hoan chia tay nhau được tổ chức trên bờ sông Trẹm. Có lẽ Nghĩa cũng như các chị em khác cùng chung một ý nghĩ: chia tay lần này hẳn là có kẻ còn người mất, sau nầy khó gặp lại đầy đủ được. Trong giờ phút này, Nghĩa không muốn rời anh Tùng nửa bước. Hai người cứ thủ thỉ bên nhau, cùng đi đổ lọp trong kinh Hăm Sáu, cùng đi mua đồ gia vị ngoài tiệm thiếm Tư Vững, cùng ngồi dưới bóng cây sao, giần xương rắn hồ ri để làm dồi. Anh Tùng lầm lì, Nghĩa lơ mơ... suối nắng chảy vàng tơ trên mái tóc huyền của Nghĩa, trộn lấp lóa trong đôi mắt nâu ray rứt của anh Tùng. Trong lòng hai người có cái gì thổn thức khó nói ra. Biết nói gì đây? Phải nói gì đây? Làm sao nói được cái điều vướng bận riêng tư trong lúc Tổ quốc đang cần cả hai đứa...? Tiếng vui đùa của cuộc liên hoan, bạn bè rối rít chuyện vãn đều bay phơn phớt bên tai họ. Đến lúc hai người lại sàn nước làm con cá lóc để nấu cháo, anh Tùng mới dạy Nghĩa làm cá kiểu Cần Thơ.

 

- Học cách làm thế này - Nghĩa nói - Để sau về làm dâu Cần Thơ cho khỏi lọng cọng. Ở xứ Cà Mau của em người ta làm cá lóc mổ ruột từ đầu đến đuôi, có ai cắt hầu lấy răng ra như thế này đâu.

 

Anh Tùng gật đầu, cười. Mắt anh dường như cùng cười xa xôi:

 

- Bao giờ Nghĩa về làm dâu xứ Cần Thơ ?

 

- Gần rồi. Tổng tấn công giành thắng lợi xong, anh cưới chị Nhân về xứ thì em cũng về theo.

 

Nghĩa liếc mắt nhìn anh Tùng rồi mỉm cười nửa miệng và đôi má ửng đỏ. Anh Tùng ngước mắt nhìn xa xôi vào khoảng bầu trời xanh màu trứng sáo.

 

Cuộc liên hoan đến chín giờ đêm. Những người ra đi sửa soạn đồ đạc, xuồng chèo. Anh Tùng qua nhà chị Chín Lê bên cạnh để từ giã. Đêm đen thăm thẳm, có nhiều hột sao rưng rưng chứa chất lân tinh. Nghĩa chạy theo anh. Nghe tiếng chân người, anh Tùng dừng lại. Đêm tối lắm! Một người con gái đứng ép sát vào vai anh. Tiếng cô kêu lên như rên:

 

- Anh Tùng !

 

Nghĩa thở hổn hển. Gió đêm. Tóc Nghĩa tung xòa vào mặt anh Tùng.

 

- Chúng ta không nói gì với nhau sao ?

 

Giọng của Nghĩa như van. Anh Tùng tự hỏi lòng mình: “Biết nói gì ?’ Nói lên cái câu ràng buộc cuộc đời hai đứa vào nỗi buồn vướng bận ư? Nói ra lúc này là tội lỗi. Làm khổ mình mà cũng chẳng đem lại sung sướng gì cho Nghĩa.

 

Tay Nghĩa sờ lên ngực áo anh Tùng để nhét vật gì vào túi anh. Gió tết hụ qua ngọn cây sao.

 

- Gì vậy ?

 

- Gởi anh. Em mới về gia đình... Chị Nhân lấy chồng rồi.

 

- Vậy à? Anh thờ ơ hỏi lại.

 

Bên trong nhà chị Chín Lê hắt ra một thứ ánh sáng le lói. Sao trên trời cứ lung linh như ứa nước mắt. Mọi người đã xuống xuồng. Chia tay lần ấy, anh Tùng mang theo một phong thư và năm trăm đồng bạc của Nghĩa trong túi áo...

 

***

Bà má tuổi hơn sáu mươi, khổ người gầy, mái tóc bạc quá nửa ấy, kể tiếp lời anh bộ đội một đoạn:

 

“... Khoảng gần tết năm một chín sáu chín, ngôi nhà má Hai ở xóm ngoại ô thị xã Rạch Giá này có nhận nuôi một nữ cán bộ hoạt động hợp pháp. Cô ấy tên Nhân, mình dây, có đôi mắt hơi lộ và một bên má có in một lỗ như lúm đồng tiền. Một già một trẻ sống trong ngôi nhà giữa lòng địch, họ gọi nhau bằng dì cháu. Ngôi nhà lợp thiếc, vách ván, nền tráng xi măng, phía trước sát lộ xe, phía sau có một lõm đất nhỏ trồng hai cây nhãn che bóng mát cho thảm hoa mười giờ và cụm hướng dương. Bên trong, ngoài chỗ làm bếp, nhà được chia ra làm hai phần: phần trong làm buồng, phần ngoài kê một chiếc giường thờ và bộ sa-lông giản dị. Chồng má Hai chết gần hai mươi năm nay, má chỉ có đứa con trai độc nhất đang ở bộ đội phòng thủ khu Tây Nam Bộ. Theo lời má, cái anh con trai của má hứa chắc là khi đánh giặc xong, độc lập về, anh giao má trọn quyền quyết định việc vợ con cho mình.

 

Có lần má Hai nhìn vào cô Nhân bằng ánh mắt rất âu yếm:

 

- Bao giờ thằng Tứ của dì về, nhất định dì phải chọn một cô dâu vừa bụng. Chừng ấy cháu làm mối cho dì nghe !

 

Má cô Nhân bừng đỏ trước đôi mắt mát rượi nhưng đầy ý tứ của má Hai.

 

Ngày gần tết, cô Nhân đang cặm cọc làm giàn phơi bánh tráng cạnh đám hoa mười giờ sau nhà, chợt má Hai kêu như rên:

 

- Đừng nên khuấy động vào vùng đất đó, con ơi !

 

Đêm ấy má thì thầm kể cho Nhân nghe câu chuyện bên dưới vùng đất chỗ đám hoa mười giờ ấy.

 

Vào những ngày tết Mậu Thân, chiến sự còn diễn ra ác liệt trong thị xã, một đêm chú Tư thợ mộc mang đến nhà má một xác anh bộ đội Giải phóng được bó kín trong mấy lần vải nhựa. Hai người hì hục đào đất chôn anh ấy chỗ khoảng giữa hai cây nhãn. Chôn xong, họ khỏa bằng lại, và bứng hoa mười giờ trồng lên. Chú Tư thợ mộc còn để lại cho má giữ những món đồ chú tìm được trong túi áo người đã chết. Chú Tư bảo phải về tiếp tục đưa một anh bị thương nặng còn nằm tại nhà chú ra vùng giải phóng.

 

Nhân được má Hai xeo hòm giường lấy số đồ của anh ấy cho xem. Vừa chợt thấy, Nhân nấc lên, đôi môi tái xanh, ôm mặt lảo đảo. Má Hai phải dùng dầu cù là đánh gió cho cô. Kế tiếp những đêm sau, mỗi khi Nhân giở từng món đồ ra xem, cô cứ khóc nức nở. Bức ảnh bán thân của người con trai đã loang lổ nhiều, nhưng đôi mày xếch lá tràm và cặp mắt mơ mộng như cười xa xôi vẫn còn rõ nét. Rồi đến chiếc khăn vải ka-tê trắng bị máu thấm bầm tím, có tám lỗ đạn xuyên thủng. Nhân biết, chiếc khăn này anh xếp làm tám, thường để trong túi áo ngực, lúc may khăn một người con gái bảo anh sáng tác cho mấy câu thơ để thêu vào. Nhưng anh ngượng nghịu lắc đầu. Cuối cùng người con gái ấy thêu vào khăn dòng chữ: “Em gái giao liên tặng anh giải phóng”. Dòng chữ đỏ thêu nắn nót ấy dù đã phai màu thời gian nhưng vẫn còn sắc nét. Rồi “Hồng Nghĩa - Việt Tùng”, bốn chữ ở góc khăn này làm cho anh vội vã xếp nhanh nó lại đút vào túi áo khi đón nhận. Người con gái bắt anh đổi khăn bằng một bài thơ do chính anh sáng tác. Anh hì hục viết mãi, chỉ được bốn câu. Lúc đọc câu đầu, người con gái hỏi:

 

- “Khăn gói tình em lặn núi sông” là thế nào, hở anh ?

 

- Ấy là bao giờ anh cũng ước mơ cho đất nước được tự do, con người được hạnh phúc.

 

Nhân khóc đến lịm đi là lúc cô đọc lại lá thư của người con gái nhét vào túi áo anh với năm trăm đồng bạc trong đêm nào...

 

“Anh !

Qua nhiều đêm nghe con tim mình trăn trở, con người sắp được hạnh phúc rồi! Vì lẽ sau cuộc tổng tấn công lần này đất nước ta sẽ được hoàn toàn giải phóng. Em biết phải nói gì đây, anh ơi! Sao lòng em nghe bồn chồn lạ. Có lúc em rụt rè tự hỏi: “Có phải tình cảm mình với anh ấy đã vượt khỏi ranh giới anh em rồi chăng ?”

 

Từ lâu, Nghĩa bảo chừng nào độc lập thì gả chị Nhân cho anh, anh có tin không? Những chuyện ấy đều là do Nghĩa bịa ra để xí gạt anh chơi vậy thôi, chớ Nghĩa làm gì có chị Nhân. Bây giờ nếu anh không nghe, Nghĩa sẽ xin đền tất cả cho anh để khỏi phải thất hứa”.

 

Người con gái tên Nhân ấy nắm cứng lá thư trong tay, hai hàm răng cắn chặt rồi người cô rung lên từng đợt.

 

Sau cái tết năm đó, cô gái mang tên Nhân đổi công tác đi nơi khác, không ai còn thấy cô ta trong ngôi nhà tại xóm ngoại ô này nữa...

 

***

Sau khi nghe lời bà mẹ kể, anh thượng úy thở dài, chớp buồn đôi mắt nhìn sâu xuống lòng đất chỗ thảm hoa mười giờ và cụm hướng dương trước mặt chiếc băng gỗ anh đang ngồi. Gió tết lùa nhẹ. Đôi tàn cây nhãn khua động lào xào. Những đóa hoa hướng dương nghiêng về phía ánh nắng mặt trời, lắc lay thảm hoa mười giờ đã nở rộ, tròn trĩnh làm người ta nghĩ đến một cái nong lớn đang dựng đầy ắp những trứng của loại chim gì đó.

 

Anh thượng úy nhìn lên bầu trời xanh màu trứng sáo cao lồng lộng, hỏi bà má, người chủ nhà đang ngồi chiếc băng đối diện:

 

- Mãi đến bây giờ cô gái tên Nhân ấy cũng không một lần nào trở lại ngôi nhà này sao má ?

 

- Sao lại không? - Bà má đáp và mỉm cười nói thêm - Cái tết sau ngày miền Nam toàn thắng, tình cờ không hẹn mà Nhân với thằng Tứ con của má trở về một lúc. Nhân về để làm lễ giỗ thứ tám cho người nằm đây. Con của má và Nhân quen nhau kể từ ấy.

 

Anh thượng úy chồm người tới nhìn chằm chặp vào má như muốn khám phá một sự bí mật gì còn ẩn nấp bên trong. Bà má chậm rãi nói tiếp:

 

- Má tổ chức lễ thành hôn cho hai đứa nó vào ngày giỗ thứ chín của người nằm đây. Lúc ấy thằng Tứ con của má được đổi về thị xã này làm trung úy lực lượng công an bảo vệ. Bây giờ má đã được một đứa cháu trai...

 

Anh thượng úy lặng người một lúc rồi mỉm cười, nhưng tiếp tục hỏi bà má bằng một giọng hơi run:

 

- Con nghe chú Tư thợ mộc, ông chủ tịch phường của mình nói, cô phó chủ tịch của ông định xây mộ cho đồng chí liệt sĩ nằm sau nhà má vào độ đầu năm này. Té ra cô phó chủ tịch ấy là Nhân, người con dâu của má ?

 

Bà má cười cởi mở, làm đuôi đôi mắt bà thêm nhiều nếp nhăn.

 

- Vợ chồng nó mang con về phép thăm bên ngoại ở Tân Duyệt, sau tết là về khởi công. Má nghe chúng nó định về xã Nhơn Nghĩa nào đó trên Cần Thơ để tìm hỏi gia đình của thằng con nằm đây - Giọng bà hơi se lại - Tội nghiệp! Đã mười năm rồi linh hồn nó vẫn vương vấn ở cái nhà này, với đứa em và bà mẹ không quen.

 

Vẻ mặt anh thượng úy thoáng buồn. Anh liếc mắt nhìn về phía mặt trời sắp lặn. Trước khi từ giã bà má, anh dặn lại:

 

- Có lẽ đồng chí liệt sĩ này, đơn vị con sẽ đưa về một nghĩa trang nào đó. Má nói giùm lại với cô phó chủ tịch phường rằng những di tích như ảnh, thư và khăn tay tìm thấy trên thi hài người chiến sĩ hiện đang yên nghỉ dưới khóm hoa mười giờ này, không phải là của anh ấy đâu.

 

Lúc ấy anh ấy bị thương nặng, một đồng chí nằm gần thấy anh đang ở trần mới cởi áo mình mặc vào người anh, mà quên lấy các thứ đó ra. Lúc anh ấy chết, người đồng chí kia cũng bị thương. Mặt trận di chuyển. Đồng chí bi thương được một bác thợ mộc cứu sống... và đồng chí ấy hiện đang công tác mãi trên miền Đông...

 

Bà má sững sờ! Bà nhìn chăm chăm vào anh thượng úy:

 

- Như vậy con dâu của má là con Nghĩa trong câu chuyện con kể từ hồi mới đến? Còn anh Tùng của nó...?

 

Đồng chí thượng úy không đáp, anh ngồi lặng lẽ. Cũng đôi mắt đượm buồn xa xôi như lúc mới đến ấy. Anh nhìn nghiêng qua tàn cây nhãn. Nắng chiều còn chảy nhiều sợi vàng qua thảm hoa mười giờ và trên tóc anh.

Anh Động
Số lần đọc: 2988
Ngày đăng: 17.01.2005
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Công an xã - Hồ Tĩnh Tâm
Miền hư ảo - Minh Châu
Song Sinh - Minh Châu
Bến cũ - Anh Động
Khai đập - Anh Động
Ừ đi! Ừ! - Trần Kim Trắc
Trăng đẹp mình trăng - Trần Kim Trắc
Gà đẻ gà cục tác - Hồ Tĩnh Tâm
Bến lội - Khôi Vũ
Tri thiên mệnh - Khôi Vũ
Cùng một tác giả
Ánh lửa Chông Nô (truyện ngắn)
Mũi lấn (truyện ngắn)
Tiếng bước chân (truyện ngắn)
Chung kết (truyện ngắn)
Tiếng đàn (truyện ngắn)
Thuốc đắng (truyện ngắn)
Chớp lửa đêm giông (truyện ngắn)
Cách chim không mỏi (truyện ngắn)
Đường còn xa (truyện ngắn)
Qua sông (truyện ngắn)
Khói lam vắt vẻo (truyện ngắn)
Trăng tháng chạp (truyện ngắn)
Hàng rào sậy (truyện ngắn)
Bến cũ (truyện ngắn)
Khai đập (truyện ngắn)
Qua cơn bịnh (truyện ngắn)
Suối nắng (truyện ngắn)
Khơi mạch (truyện ngắn)
Bên hàng Cù Oanh (truyện ngắn)
Tiếng trống Sampô (truyện dài)