Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.100
123.202.464
 
Bàn về mỹ nghệ
Lê Hải*

Soetsu[1] (Muneyoshi) Yanagi (1889-1961) là triết gia Nhật Bản nổi bật trong nửa đầu của thế kỷ 20, đặt ra khái niệm mingei không chỉ được dùng rộng rãi ở Nhật mà còn cả trong ngành nghệ thuật thế giới. Tạm dịch là mỹ nghệ, mingei là chữ viết tắt của minshuteki kogei tức là loại hình nghệ thuật đại chúng, do quần chúng mà thường là những nghệ nhân vô danh tạo ra, hướng đến các giá trị dân gian. Yanagi cũng là người sáng lập bảo tàng thủ công mỹ nghệ nổi tiếng của Nhật Bản, ảnh hưởng lên các trào lưu mỹ nghệ ở Hàn Quốc và Đài Loan. Khái niệm mingei được phát triển tiếp tục theo nhiều chiều hướng khác nhau qua các thời kỳ, và còn là một phong trào dân tộc trong văn hóa góp phần tạo ra bản sắc dân tộc Nhật Bản, thể hiện qua từ bảo tàng đến cửa hàng, nhà hàng và các câu lạc bộ sưu tầm, nghiên cứu.

 

 

Sau công trình tiếng Anh được giới thiệu trong nửa sau của thế kỷ 20, khái niệm mingei của Soetsu Yanagi mau chóng được giới chuyên gia nghệ thuật thế giới tiếp nhận và ứng dụng vào các nghiên cứu nghệ thuật dân gian đương đại, và coi đó là giá trị mỹ thuật cũng như quan điểm trong các trào lưu nghệ thuật đại chúng ở phuơng Tây. Bảo tàng mingei không chỉ nằm ở Tokyo (www.mingeikan.or.jp) mà còn được xây dựng ở San Diego, Hoa Kỳ

(www.mingei.org).

 

Yanagi đã đưa ra 12 định nghĩa về cái đẹp mà các nhà nghiên cứu nghệ thuật bản địa trên thế giới không thể nào không nhắc đến. Ví dụ[2]: đẹp thủ công, đẹp nhờ chất liệu tự nhiên, đẹp vì truyền thống, đẹp nhờ đơn giản, đẹp vì hữu dụng, hay đẹp qua đa dạng và đẹp vì không mắc tiền v.v. Cuối đời ông thường diễn giải cái đẹp theo xu hướng Phật giáo với ảnh hưởng mạnh từ trường phái thiền Suzuki của người bạn là triết gia Suzuki Daisetz. Theo đó, nghệ nhân chỉ tạo ra được cái đẹp hoàn hảo khi nào bỏ qua được cái tôi tức là ý thức của một người nghệ sĩ như thường gặp trong sáng tác theo cách hiểu phương Tây, và toàn tâm toàn ý đi theo truyền thống và tự nhiên.

 

Một số nghiên cứu cho rằng sở dĩ mingei dễ lan truyền sang phương Tây là vì tư tưởng của Yanagi vốn có sẵn nếu không phải là các trào lưu lúc bấy giờ như Arts and Crafts ở Anh của John Ruskin và William Morris thì cũng là triết học Occident (phương Tây – trong nghĩa đối lập với phương Đông là Oriental) của Henri Bergson và William James cùng các hệ phái Công giáo như Meister Johann Eckhart. Tất nhiên, hệ thống triết học tổng hợp là do chính Yanagi tự mình xây dựng nên, mà theo đó cái đẹp tuyệt đối là do cảm nhận trực giác chứ không phải thông qua kiến thức. Do vậy, cốt lõi của thẩm mỹ không thể nào cấu thành từ khái niệm của tri thức.

 

Giai đoạn thập niên 1910 và 1920 là một trong số những mốc thời gian quan trọng nhất trong lịch sử trí thức Nhật Bản, mà nếu liên kết với Việt Nam thì đây cũng là lúc nhiều luồng tư tưởng từ Nhật Bản được du nhập qua phong trào Đông Du. Nước Nhật lúc bấy giờ cũng giống như nước Anh, nước Đức, Thụy Điển, Nga và Ấn Độ với các trào lưu “nghệ thuật cho dân chúng”, “nghệ thuật và thẩm mỹ của cuộc sống”, “nghệ thuật của nông dân” trở thành những khái niệm quan trọng cho quá trình hiện đại hóa Nhật Bản. Viễn kiến về một nước Nhật dân chủ hiện đại được xây dựng như hình ảnh đối lập với truyền thống thông qua những tư tưởng phương Tây về phản lịch sử, phản hiện đại và tư tưởng xã hội cùng với huyền thoại về nông nghiệp được coi là bản xứ của Nhật Bản. Nói cách khác, mingei của Yanagi chính là góc nhìn phương Tây được áp dụng để chiếu sáng và tôn vinh nghệ thuật phương Đông. Nếu cách nhìn thực dân thường coi sản vật phương Đông là thủ công mỹ nghệ theo như cách hiểu hiện nay trong tiếng Việt, là tầm thường so với nghệ thuật là tiêu chuẩn cao quí của phương Tây, thì quan điểm mingei coi mỹ nghệ mới là trung tâm của nghệ thuật Nhật Bản và mở rộng ra là Đông Á. Các hệ phái mingei đương đại coi sản phẩm của những nghệ nhân vô danh, dùng trong các sinh hoạt đời thường, nhưng được chọn lọc qua năm tháng, mới là nguồn sống cho nghệ thuật đương đại, qua nhiều thước đo khác nhau về cái đẹp như Seotsu Yagagi từng khám phá. Mỹ nghệ không phải là nghệ thuật thấp theo cách hiểu như là giá trị thấp, mà là nghệ thuật của hạ tầng xã hội, của đại chúng, và do vậy, là nghệ thuật, là văn hóa.

 

Bản thân mỹ nghệ, theo Yanagi, có thể được chia thành bốn nhóm tùy theo qui trình và nơi sản xuất khác nhau. Trước hết là dạng mỹ nghệ của chốn dân gian, phân thành hai loại: sản xuất theo nhóm thợ thủ công hay ở mức công nghiệp. Tiếp theo là dạng mỹ nghệ do các nghệ nhân thành danh hay nhà nghệ thuật chuyên nghiệp làm ra, có thể là các loại hàng hóa cao cấp cho tầng lớp quí tộc - như trong truyền thống Nhật Bản, nghệ nhân được giới lãnh chúa nuôi để sản xuất đồ riêng cho mình - hay là các loại hàng hóa ngày nay được thiết kế và chế tác riêng cho cá nhân giàu có. Mối quan tâm lớn nhất của Yanagi là nhóm đầu tiên, tức là sản phẩm đời thường từ bàn tay của các nghệ nhân vô danh, cũng tương tự như khái niệm nghệ thuật thứ yếu (lesser arts) tương phản với nghệ thuật vĩ đại (great arts) của William Morris. Điểm khác biệt và cũng thường được coi là nét phương Đông trong triết học mỹ nghệ của Yanagi là cho rằng cái đẹp được nhận biết trực tiếp và duy nhất qua trực giác, ví dụ như khi nhận biết thẩm mỹ Nhật Bản qua trà đạo[3], tức là những gì nghệ nhân trà đạo tạo ra trong không gian và thời gian thưởng thức trà. Cứ như vậy, những gì phát triển từ hệ tư tưởng của Yanagi từ thập niên 1930 nay đang là tiêu chuẩn đánh giá và đồng thời cũng là đặc trưng của văn hóa nghệ thuật Nhật Bản. Nhiều nhóm nghệ nhân và nghệ sĩ được lập để kiến tạo ra sản phẩm mới phù hợp với thời đại. Nhiều chuyên gia nghệ thuật, tư tưởng và lịch sử tiếp tục nghiên cứu để gắn kết tư tưởng của Yanagi với nước Nhật đang không ngừng thay đổi trong thế giới hậu hiện đại. Mỹ nghệ truyền thống không bị đóng khung trong bảo tàng, cũng không bị xã hội thải hồi và trở thành hàng hóa cho khách du lịch, mà tiếp tục hiện diện trong đời sống thường ngày của người dân Nhật, với chất liệu mới, chức năng mới và có thể là cả hình dạng mới, nhưng vẫn tiếp tục là mingei./.

 

Tham khảo:

 

Kikuchi, Yuko 2004, Japans Modernisation and Mingei Theory,

 Routledge Curzon

 

Kikuchi, Yuko 2000, Refracted Colonial Modernity: Identity in

 Taiwanese Crafts from the Colonial Modern to the Contemporary National, p.13-30 in Asia-Pacific traditional Arts forum 9-12.X.2000

 

Brandt, Kim 2007, Kingdom of Beauty: Mingei and the Politics of Folk

 Art in Imperial Japan, Duke University Press

 

de la Paz, Cecilia S. 2006, Mingei: The Aesthetics and Politics of

 Japanese Folk Art, chapter 6, p.189-212 in Edsel L. Beja ed. 2006,

 Negotiating Globalisation in Asia, Ateneo de Manila Press

 

Yoon, Yeolsu & Roderick Whitfield 2003, Folk Painting (Korean Art),

 Laurence King Publishing

 

Yanagi, Soetsu (Muneyoshi) & Bernard Leach (1972) 1989, The

 Unknown Craftsman: A Japanese Insight into Beauty, Kodansha

 Internatioanal

 

Yanagi, Soetsy translated by Mimura Kyoko 1961, Works of the

 Artists and Mingei, Mingeikan Museum website at

 http://www.mingeikan.or.jp/english/html/works-of-artist-and-mingei.html (as accessed on 29th July 2011)

 



[1] Tên của ông thường được viết trong tiếng Anh là Soetsu, nhưng theo một người bạn Nhật Bản của tôi thì tên ông trong tiếng Nhật là Muneyoshi, và cách đọc Soetsu là do phiên âm tên viết trong tiếng Hán. Trang mạng tiếng Anh của bảo tàng do ông sáng lập giữ nguyên cách viết Yanagi Soetsu (Muneyoshi) 

 http://www.mingeikan.or.jp/english/html/yanagi_soetsu.html

và bài viết này đi theo cách viết đó.

[2] Danh sách 12 tiêu chuẩn đẹp của Yanagi

1-‘beauty of handcrafts’ (Shukógei no Bi)

2-‘beauty of intimacy’ (Shitashisa no Bi)

3-‘beauty of use/function’ (Yó/Kinó no Bi)

4-‘beauty of health’ (Kenkó no Bi)

5-‘beauty of naturalness’ (Shizen no Bi)

6-‘beauty of simplicity’ (Tanjun no Bi)

7-‘beauty of tradition’ (Dentó no Bi)

8-‘beauty of irregularity’ (Kisú no Bi)

9-‘beauty of inexpensiveness’ (Ren no Bi)

10-‘beauty of plurality’ (Ta no Bi)

11-‘beauty of sincerity and honest toil’ (Seijitsu na Ródó no Bi)

12-‘beauty of selflessness and anonymity’ (Mushin/Mumei no Bi)

[3] Tiếng Nhật là Sadou. Độc giả có thể tìm hiểu thêm về trà đạo qua bài giới thiệu trên trang mạng của blogger Jerrey Love http://my.opera.com/JerryLove/blog/show.dml/4027460. Người sáng tạo ra một trường phái trà đạo là Iemoto có thể tạm dịch sang tiếng Việt là trà sư (tiếng Anh gọi là tea master) hay nghệ nhân trà đạo, nhưng Iemoto cũng có nghĩa là người sáng lập ra một trường phái nghệ thuật http://en.wikipedia.org/wiki/Iemoto và đó có lẽ là điều mà Yanagi muốn ngụ ý.

Lê Hải*
Số lần đọc: 4020
Ngày đăng: 17.08.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Bàn về thứ hạng trong nghệ thuật - Lê Hải*
Đặc trưng xiếc - Tuấn Giang
Nghệ Thuật Múa Trên Đà Hội Nhập - Tuấn Giang
Sân khấu âm nhạc Việt Nam có gì lạ? - Bùi Đức Hào
Nổi Chìm Sân Khấu 2010 - Tuấn Giang
Đặc Trưng Nghệ Thuật Múa - Tuấn Giang
Những Thuyết Nguồn Gốc Nghệ Thuật - Tuấn Giang
Bài Lorca: - Hoàng Hưng
Văn Chương Cần Trình Diễn Hay Trí Thức ? - Trần Vũ
Đổi Mới Nghệ Thuật Xiếc - Tuấn Giang
Cùng một tác giả
Quê Mẹ (truyện ngắn)
Hiện tượng học (tiểu luận)
Bàn về mỹ nghệ (nghệ thuật)
Việt Nam là gì? (nghệ thuật)