Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.198
123.208.469
 
Vịnh Xuân Đài: Duyên Cách Và Sự Kiện
Nguyễn Lục Gia

[Tóm tắt: Phú Yên từ thời mở đất đã định danh một trong ba vịnh biển nổi tiếng nơi đây là vịnh Bà Đài. Trên hai trăm năm sau, đầu triều vua Minh Mạng, Bà Đài được mang danh xưng mới Xuân Đài. Trong một thư tịch cổ khác, cửa biển Bà Đài lại được gắn với truyền thuyết dân gian địa phương mà gọi thành cửa Đêm Trăng. Còn các văn bản của người Tây phương thì ghi chép Bà Đài là Baday, Xuân Đài là Xuân Day. Có khi vũng biển Bà Đài được đồng nhất với cảng thị Vũng Lấm, trung tâm thương mại đồng thời là cửa ngõ đi vào Phú Yên từ hướng Đông các thế kỷ xưa; hoặc Xuân Đài được gọi thay bằng địa danh hành chính bao quát cả khu vực Sông Cầu. Tuy nhiên, dù gì thì vịnh biển này vẫn luôn nhận được sự ngưỡng mộ từ nhiều phương diện, hấp dẫn về tự nhiên lẫn sống động trong sự kiện. Hãy cùng nhau khám phá vịnh Xuân Đài].

 

Vương quốc Champa trong suốt quá trình tồn tại khoảng mười lăm thế kỷ đã từng chiếm hữu một vùng đất đai rộng lớn từ Nam dãy Hoành Sơn đến giáp Bắc vương quốc Cao Miên sau khi đế chế Phù Nam phân rã. Cho dù niên đại khá dài, song lịch sử thành văn của Champa để lại dường như quá ít ỏi so với các lân quốc cùng thời. Xét ở phạm vi danh xưng, ngoại trừ một số trung tâm với vai trò thu hút lẫn chi phối quan trọng, hầu như các địa phương khác trên toàn bộ lãnh thổ đã không được ghi chép lại một cách rõ ràng. Ngay cả những khảo sát qua nhiều thời kỳ của các nhà hàng hải, thương gia và quan chức nước ngoài cũng đa phần quá cô đọng hoặc thiếu chính xác. Từ đó, vương quốc cổ này đã phải chịu thiệt thòi bởi lỗ hổng quá lớn về mặt địa danh học.

 

Trong vùng thung lũng giữa hai dãy núi cao chắn hai đầu Bắc, Nam thuộc miền Trung của vương quốc, có thể từng được gọi là tiểu vùng Aryaru [1], gần như biệt lập bởi tính chất đặc trưng về phương diện địa lý, đã sớm hình thành trung tâm thương mại vùng nằm sâu trong một vịnh lớn chếch về phía Bắc, đó là vịnh Xuân Đài với cảng thị Vũng Lấm. Vũng Lấm hoặc Vũng Lâm đã được Nôm hoá thành tục danh mà Hán tự ghi là Lấm Úc trong Đại Nam thực lục tiền biên [2] xuất hiện khá muộn trong thời kỳ người Việt đã lập phủ Phú Yên. Trước Đại Nam thực lục tiền biên, trong các văn bản đánh thuế thuyền buôn ngoại quốc của chính quyền chúa Nguyễn còn lưu tại Phú Xuân, tên gọi Vụng Lấm đã lừng lững vinh danh trên thương trường để đến năm 1776, khi quản chức Hiệp trấn trong đoàn quân Lê - Trịnh chiếm cứ nơi đây, Lê Quý Đôn đã thu thập nguồn tư liệu tại chỗ viết ra sách Phủ biên tạp lục, mô tả rằng: “Các xã Minh Hương, Hội An, Lao Chiêm [cù lao Chàm], Cẩm Tú, Làng Câu thì giữ việc thám báo, hễ tàu đến xứ Quảng Nam, vào các xứ cửa Đại Chiêm (tục gọi cửa Châm) phố Hội An, cửa Đà Nẵng (tục gọi cửa Hàn), Vụng Lấm để buôn bán, thì phải nộp các hạng thổ vật, còn thuế đến, thuế về thì định lệ theo thứ bậc” [3]. Như vậy, cùng với địa danh thương cảng Vụng Lấm hay Vũng Lấm, Vũng Lâm, Lâm Úc và cả Ao Xóm Lưới như tên gọi sau này khi bị bồi lấp, hẳn vịnh Xuân Đài bao quanh rộng lớn bên ngoài đã được các thư tịch cổ biết đến từ rất sớm.

 

Như đã nói, người ta không tìm thấy một tư liệu thành văn nào đề cập các danh xưng trên vùng đất Phú yên trước khi người Việt đặt chân đến vào nửa sau thế kỷ XVI bằng ngôn ngữ Sanskrit, trừ bi ký Chợ Dinh niên đại thế kỷ V trên Tháp Nhạn ở Tuy Hoà nhưng nội dung lại thuần tuý ca ngợi ân sủng của một vị thần Bhadesvara nào đó trong tín ngưỡng Hindu giáo. Có chăng là những tên gọi đã được dân gian hoá bởi người Việt mà ít nhiều còn sót lại một phần gốc gác, âm hưởng tiếng Champa cổ, chẳng hạn như Bà (Bà Thê, Bà Đài...) hoặc Đà (Đà Diễn, Đà Nông...); Trà hay Chà (Trà/Chà Lang, Trà Nông...)

 

Tên gọi Bà Đài xuất hiện sớm nhất có lẽ là trong bức Công văn của Tổng trấn Thuận Quảng Nguyễn Hoàng gửi cho thuộc quan Lương Văn Chánh vào đầu năm 1597 với nhiệm vụ được giao tổ chức di dân khẩn hoang lập làng trên vùng đất mới mở phía Nam dãy núi Cù Mông, rằng “Hãy liệu đem số dân xã Bà Thê đã trục vào hạng dân và các thôn phường khách hộ theo hầu công việc, lấy riêng số dân khách hộ đến các xứ Cù Mông, Bà Đài, Bà Diễn, Đà Niễu, trên từ nguồn Mọi dưới đến cửa biển, kết lập gia cư địa phận, khai khẩn ruộng đất hoang cho tới khi thành thục sẽ nạp thuế như thường lệ” [4]. Xứ Bà Đài ở đây chính là thung lũng trong vùng sông Cái mà về sau trở thành một châu thổ trù phú bậc nhất ở phía Bắc phủ Phú Yên.

 

Với những hoạt động truyền đạo rầm rộ của giới giáo sĩ phương Tây từ đầu thế kỷ XVII trở đi, phủ Phú Yên vừa mới ra đời (1611) trực thuộc dinh Quảng Nam mà ngay sau đó tách riêng ra lập thành dinh Trấn Biên (1629) cũng đã lần lượt tiếp đón các cuộc viếng thăm của các vị chức sắc đạo Kito này. Linh mục Alexandre de Rhodes (Á Lịch Sơn Đắc Lộ) hai lần đến Phú Yên vào các năm 1641 và 1642 cùng với nhiều lần giảng đạo khắp xứ Đàng Trong lẫn Đàng Ngoài như những dòng ghi chép mà ông kể lại “Tôi bắt đầu đi về phía Nam, qua hết các tỉnh, đến tận [Phú Yên - TG] biên cảnh Chiêm Thành, rồi lại ngược lên phía Bắc, đến tận giáp giới Đàng Ngoài” [5], cho thấy sự am hiểu sâu rộng của ông, trong đó có lĩnh vực địa danh học. Trong một bức thư viết năm 1641 sau lần đến Phú Yên đầu tiên, được Linh mục R. Cardim kể lại, danh xưng Bà Đài tiếp tục được A. Rhodes ghi lại dưới dạng mẫu tự Latinh là Baday như  sau: “thứ sáu Tuần Thánh, tức 29 tháng 3 năm 1641, ông xuống tàu đi Phú Yên. Ngày hôm sau, giáo sĩ bị một trận bão dữ dội, tưởng chừng không sống sót, nhưng, theo giáo sĩ nói, Đức Chúa Trời đã cứu giáo sĩ, vì sáng ngày lễ Phục Sinh (31.3.1641) giáo sĩ bỗng thấy mình ở trong một vụng êm lặng song không biết là đâu. Giáo sĩ làm lễ sốt sắng cho mọi người trong tàu dự. Sau đó, nhận được phương hướng, tàu trực chỉ cửa bể Bà Đài [Baday – như trên]...” [5]. Như vậy, thêm một đặc điểm tự nhiên hữu dụng của vịnh biển Xuân Đài với tính chất là bến cảng trú ẩn của tàu thuyền, tránh những cơn dông bão cuộn dâng ngoài biển khơi trên tuyến đường hàng hải ngang qua khu vực.

 

30 năm sau, Giám mục Pierre de la Motte Lambert với tư cách đại diện Tông toà (Vicariat apostolique) cai quản địa phận thứ nhất ở Viễn Đông, bao gồm xứ Đàng Trong cùng với 5 tỉnh của Trung Quốc và Nhật Bản, năm 1671 đã mở chuyến viếng đạo từ Gia Định ra Hội An, rồi từ Hội An vào Phú Yên. Dựa theo nhật ký giáo hành của Linh mục A. Rhodes, Giám mục Lambert và người tuỳ tùng là Linh mục Vachet đã theo tàu vào cửa biển Bà Đài, uỷ ái bổn đạo ở đây đồng thời ghé chào người đứng đầu bộ máy chính quyền địa phương tại toà thành Trấn Biên đóng gần đấy. Những trang ghi chép của hai vị chức sắc Kito này tuy không đề cập trực tiếp địa danh Baday, nhưng câu chuyện về các ông liên quan đến vùng đất nằm kề bên bờ vịnh lại hết sức thú vị. Lambert và Vachet “được vị Tổng trấn ở đây mời về nhà riêng khoản đãi. Ông này, tuy đã quy theo Thiên Chúa giáo, nhưng vẫn theo chế độ đa thê, có nhiều vợ lẽ nàng hầu. Lambert đã nhẹ nhàng phê bình thế là trái với các lời răn dạy của Chúa và khuyến cáo ông nên chỉ giữ lại một người vợ chính thức thôi, còn cho tất cả những người khác về đi lấy chồng. Vị Tổng trấn tỏ ý nghe theo lời khuyên và cho làm một bữa tiệc thịnh soạn để thết đãi hai vị khách quý. Nhưng trong bữa tiệc này, tất cả các món ăn đưa ra mời hai vị đều có thuốc độc. May sao, hai vị cảnh giác chỉ ăn có hai quả cam làm mứt, nhưng cũng bị ngộ độc, suýt chết, phải nằm lại ở Qui Nhơn hơn sáu tuần lễ” [6].

 

Dư địa chí của Nguyễn Trãi biên soạn từ rất sớm (1435) nhưng phần Phụ lục được bổ túc bởi một số tác gia qua nhiều thế kỷ, có thể kéo dài đến tận thế kỷ XIX, đề cập trực tiếp danh xưng Xuân Đài với tính cách là một trong số 14 cửa biển trải dài từ Cổ Luỹ (Quảng Ngãi) đến Phan Dương (Phan Rang) thời vua Lê Thánh Tông mở đất về Nam [7]. Tuy nhiên, văn bản này bất hợp lý ở nhiều điểm, chẳng hạn lãnh thổ Đại Việt từ sau cuộc chinh phạt Champa của vua Lê Thánh Tông kéo dài đến Bắc dãy Cù Mông nên chỉ ứng với cửa bể Thi Nại chứ không thể Phan Dương. Do đó, địa danh Xuân Đài ở đây hoàn toàn bị gán ghép về mặt sự kiện.

Đến Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn năm 1776, danh xưng Xuân Đài được sử dụng chính thức hai lần: tuần cửa Xuân Đài và kho Xuân Đài [3]. Trong hai lần khác, sử gia họ Lê đề cập đến Xuân Đài một cách gián tiếp bằng tên gọi đầm Vụng Mỏ (hay Vụng Cười) và Vụng Lấm với tính chất là một bộ phận nằm trong vịnh lớn Xuân Đài. Tuy vậy, Phủ biên tạp lục vẫn có sự bất cập riêng của nó, vì rằng danh xưng Xuân Đài đến thời điểm này chưa từng hiện diện.

 

Vậy tên gọi mới Xuân Đài có mặt từ lúc nào để thay thế Bà Đài?

 

Quốc Sử Quán triều Nguyễn cuối thế kỷ XIX trong Đại Nam nhất thống chí ở mục Cửa quan và tấn sở xác định: “Tấn Xuân Đài... trước gọi là Bà Đài, năm Minh Mạng thứ 1 đổi tên hiện nay” [8]. Sách cùng một thể loại như trên, sử thần Cao Xuân Dục trong công trình biên khảo chung với Lưu Đức Xứng và Trần Xán cho biết thêm thời gian còn tồn tại địa danh Bà Đài: “Thuở đầu Trung hưng, Thế Tổ Cao Hoàng đế [Nguyễn Ánh] đóng binh tại đây để ra đánh Qui Nhơn. Các quan đi theo có phú thơ như sau: Duyệt nguyệt chu sư bạc tiểu thành; Bà Đài ngạn thượng thả hưu binh (Trải tháng chu sư đậu ở tiểu thành; lên bờ biển Bà Đài để tạm nghỉ binh)” [9]. Rõ ràng, suốt thời gian dài từ khi bắt đầu lập địa danh hành chính cấp phủ năm 1611 đến hết triều vua Gia Long năm 1820, Bà Đài vẫn là danh xưng duy nhất để chỉ cửa ngõ ra vào Phú Yên từ mặt biển. Có lẽ nhằm chấn hưng phong tục cùng với việc chuẩn bị cải cách hành chính quy mô trong những năm tiếp theo, mà với tên huyện là Đồng Xuân có từ thời mở đất, nhà vua Minh Mạng đã khai sáng triều đại của mình trước tiên bằng những thay đổi về danh xưng, trong đó có Xuân Đài. Còn hơn thế nữa, một vịnh biển với khí hậu trong lành, sóng yên gió lặng so với cảnh sóng gió cuồng nộ ngoài khơi, cây quả tốt tươi suốt bốn mùa ấm áp, thời khắc nào trong năm cũng mới mẻ biếc ngời, tương hợp với mọi sự khởi đầu của vạn vật nên hoàn toàn xứng đáng với mỹ danh mới Xuân Đài. Những mô tả của địa chí thời Nguyễn càng làm tăng thêm sự hấp dẫn các sản vật quanh đây: “Dưới núi Xuân Đài có suối, mọc nhiều cây chanh, thường hái để tiến vua” [10]; hoặc “chân núi có khe, trên khe nhiều cây xoài, hằng năm hái để tiến” [8]...

 

Dường như sẽ là không hoàn mỹ nếu như Xuân Đài thiếu vắng sự hoà quyện giữa đặc tính tự nhiên với không gian sử thi điểm xuyết chút bóng dáng huyền thoại. Một lưu ý nhỏ trong những trang sử nội chiến phân tranh quyết liệt giữa hai thế lực họ Nguyễn năm 1800 đã làm bật lên chớp sáng về một danh xưng hết sức lạ lẫm và quyến rũ. Hậu duệ của Ngô Gia là Ngô Giáp Đậu chép lại trong bộ tiểu thuyết lịch sử nổi tiếng của thời đại mình như sau: “Đoàn thuyền chiến dừng đóng ở Vũng Tích, Thế Tổ [Nguyễn Ánh - TG] sai Nguyễn Văn Thành chỉ huy quân theo vũng Xuân Đài (ở đầu địa giới Phú Yên, còn có tên là cửa Đêm Trăng) đổ lên bộ, tiến lên miền thượng đạo Phú Yên” [11]. Cửa bể Bà Đài, đúng ra vẫn gọi bằng tục danh như vậy cho tới lúc này, còn có danh xưng là cửa Đêm Trăng, từ đâu?

 

Lần lại truyền thuyết về bãi Tiên trong vùng vịnh Bà Đài, xưa có tên là bãi Trù hay bãi Mắm, nơi mà “Trong một đêm trăng sáng, những ngư dân nằm mơ màng trên ghe, bỗng nghe tiếng nước quẫy như có người đang ngụp lặn trong làn nước xanh, như đàn cá đang khua động mặt nước vượt vũ môn. Thấy lạ, họ mở mắt ra và thấy một cảnh tượng mà họ không thể nào ngờ tới được. Đó là một bầy tiên nữ xuống tắm trong đầm. Tiếng cười đùa, tiếng nói lao xao trong tiếng sóng vỗ. Các ngư dân nhẹ nhàng bơi thuyền tới gần để nhìn cho rõ mặt; nhưng tiếng động của mái chèo, tiếng khua nước đã phá vỡ sự yên tĩnh khiến những nàng tiên kiều diễm kia vụt mất” [12]. Tiên nữ và đêm trăng là cặp đôi hình ảnh truyền thần đối với người xưa. Phải chăng nuối tiếc lẫn hối hận vì hành vi phạm giới của mình, dân gian đã kiêng gọi đích danh các vị thần tiên mà chệch ra thành Đêm Trăng cửa (?). Dù gì thì đây cũng là một danh xưng đẹp, kỳ ảo và lãng mạn.

 

Có thể với vai trò kinh tế cảng thị quan trọng trong mối quan hệ với các trung tâm vùng khác thuộc khu vực miền Trung, đôi khi Vũng Lấm trở thành địa chỉ quen thuộc cụ thể thay cho địa danh Xuân Đài ở tầm bao quát. Ghé qua vùng biển Xuân Đài trên đường công du sang Batavia năm 1832, cho dù thời tiết lúc này đang là mùa đông, sứ thần Phan Huy Chú vẫn cảm nhận được những điều tuyệt vời về cảnh trí và sinh hoạt con người nơi đây qua đoạn đặc tả trong Hải trình chí lược: “Cửa tấn Vũng Lấm của Phú Yên, bốn bề núi vây quanh, có một cảng cho thuyền đi qua. Trong cửa tấn rộng như cái đầm lớn. Trên bờ nhà cửa vườn cây liên tiếp trù mật. Cảnh sắc cũng đẹp, nhưng ngoài cửa tấn nhiều núi, mỗi khi gió nổi lên thì sóng to cuồn cuộn, làm người ta kinh sợ. Thuyền ghé vào đây một ngày, nửa đêm đi ra biển, vừa gặp khi gió bấc thổi mạnh. Tiếng sóng như muôn ngựa phi dồn, thuyền bị nghiêng ngửa tới ba bốn lần rất là nguy hiểm” [13]. Thật là một quang cảnh vừa thanh bình vừa tráng liệt. Cùng thời điểm đó, tháng 12.1832 hạm tàu Peacock của Hợp chúng quốc Mỹ với sứ mệnh thiết lập bang giao Mỹ - Việt trực chỉ theo hướng cảng Tourane, nhưng đã bị gió lớn đánh dạt vào vùng biển Phú Yên và phải neo đậu tại Vũng Lấm là một sự cố chứng tỏ nơi trú ẩn tuyệt vời của vịnh biển Xuân Đài.

 

Người Pháp cuối thế kỷ XIX khi đặt chân đến Phú Yên đã nhận ra ngay nơi đây “là một trong những sắc thái đặc thù của Đông Dương” [14] về phương diện địa lý, gọi Xuân Đài là Xuân Day, na ná như phiên âm Latinh Baday của giáo sĩ A. Rhodes hơn ba thế kỷ trước. Dưới tầm nhìn của một nhà khảo cứu văn hoá Tây phương, thành viên ban đầu của Viện Viễn Đông Bác Cổ, Henri Parmentier, vịnh Xuân Đài hiện lên vô cùng hấp dẫn bởi sự kết hợp uyển chuyển giữa môi trường thiên nhiên phóng khoáng với những lợi ích hàng hải lẫn hành chính thiết thực: “vịnh Xuân Đài: nước sâu, núi bao quanh và cả một vành đai dừa, vịnh này là một nơi thả neo rất tốt cho thuyền bè. Trên bến, dưới bóng những rừng dừa phong phú là làng Sông Cầu, trị sở hành chính mới của tỉnh” [15].

 

Đúng vậy, năm 1890 Tirant, viên Công sứ đầu tiên của Phú Yên thời thuộc địa đã đồng nhất Xuân Day với địa danh Sông Cầu, quả quyết khẳng định “Vịnh Sông Cầu là một trong những vịnh đẹp nhất trên toàn thế giới mà 100 tàu có thể đến thả neo ở đây”, kèm theo lời bảo chứng “nó phải được thừa nhận như là hải cảng chính của miền Trung An Nam”, được người kế nhiệm về sau là Công sứ A. Laborde lý giải rằng “có thể cung hiến cho tàu thuyền một hải cảng an toàn và có thể tiện lợi hơn vịnh Qui Nhơn, như người ta nói, mà lối vào càng ngày càng trở nên khó khăn hơn... cảng Sông Cầu hẳn đã được ưa chuộng hơn cảng Qui Nhơn, vì hơn Qui Nhơn, nó dễ dàng giao thông với vùng cao nguyên theo ngả La Hai, và nhất là ngả Củng Sơn, cửa khẩu dễ dàng dẫn đến Kontum và Darlac [14]. Đáng tiếc là những nổ lực vì mục đích kinh tế thương mại của các vị chức trách địa phương này không vượt qua được những trở ngại ở tầm thực thi cao hơn của Chính phủ thuộc địa.

 

Gần một thế kỷ trôi qua dưới danh phận bình thường của một vùng biển ít nhiều bị bỏ rơi bởi chiến tranh và lạc hậu, vịnh Xuân Đài chợt bừng dậy trong thời đại hội nhập đa chiều của thế giới cùng với sự phục hưng của khu đô thị Sông Cầu trong điều kiện hiện đại hoá ở thế kỷ XXI. Riêng về phương diện sinh thái và cảnh quan, có lẽ kết luận của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư từ nửa sau thế kỷ trước vẫn nhận được sự ngưỡng mộ tuyệt đối đối với những người yêu biển: “Chính nhờ có vịnh Xuân Đài mà bờ biển Sông Cầu rất ngoạn mục” [16]. Hãy cùng chung tay góp sức và dành trọn niềm tin cho biển đảo quê hương.

 

Tài liệu chú dẫn.

 

[1] Trần Huiền Ân (2010), Mây trắng Dinh Phoan, NXB Văn học, tr.78.

[2] Quốc Sử Quán triều Nguyễn (1962), Đại Nam thực lục tiền biên, NXB Sử học, HN, tr.253.

[3] Lê Quý Đôn (2007), Phủ biên tạp lục, NXB Văn hoá – Thông tin, tr.276, 290-291, 300.

[4] Trần Viết Ngạc (2000), “Về một công văn của Tổng trấn Thuận Quảng Nguyễn Hoàng năm 1597”, tạp chí Xưa và nay (số 72B), tr.13.

[5] Phạm Đình Khiêm (1959), Người chứng thứ nhất, Tinh Việt Văn đoàn, SG, tr.72.

[6] Ngô Văn Quỹ (2001), “Các nhà truyền giáo phương Tây với việc du nhập tây y vào Việt Nam”, tạp chí Xưa và nay (số 103), tr.37-39.

[7] Nguyễn Trãi (1960), Dư địa chí, NXB Văn học sử, HN, tr.46.

[8] Quốc Sử Quán triều Nguyễn (1971), Đại Nam nhất thống chí, tập III, NXB Khoa học xã hội, HN, tr.67, 73.

[9] Cao Xuân Dục, Lưu Đức Xứng, Trần Xán, Đại Nam nhất thống chí, quyển thứ 10, Văn hoá Tùng Thư số 23, tr.34.

[10] Cao Xuân Dục (2003), Đại Nam dư địa chí ước biên, NXB Văn học, tr.141.

[11] Ngô Giáp Đậu (1993) Hoàng Việt long hưng chí, NXB Văn học, tr.254.

[12] Đào Minh Hiệp, Đoàn Việt Hùng (2007), Các truyền thuyết, huyền thoại liên quan đến di tích lịch sử và danh thắng ở Phú Yên, Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Phú Yên, tr.67-68.

[13] TTT (2009), Biển đảo miền Nam qua Hải trình chí lược, Online.

[14] Nguyễn Cửu Sà (dịch) (2003), Những người bạn cố đô Huế, tập XVI, năm 1929, NXB Thuận Hoá, tr.382.

[15] H. Parmentier (1908), Thống kê khảo tả các di tích Chàm ở Trung Kỳ, bản đánh máy phô tô tại Thư viện Ninh Thuận, tr.26.

[16] Nguyễn Đình Tư (1965) Non nước Phú Yên, NXB Tiền Giang, tr.43.

 

Nguyễn Lục Gia
Số lần đọc: 2547
Ngày đăng: 01.09.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Họ Tộc Lê Văn, Cuộc Chia Ly Gần Hai Thế Kỷ - Diệp Hồng Phương
Công Nghiệp Tiên Chúa Nguyễn Hoàng - Nguyễn Lục Gia
Từ một cuộc hành quân phối hợp dưới thời nhà Thanh, thử so sánh khả năng hàng hải giữa hai nước Trung Việt thời bấy giờ. - Hồ Bạch Thảo
Một Cuộc Phiêu Lưu Quân Sự Của Nhà Thanh Và Sự Vụ Đòi Người Từ Phía Thanh Triều - Nguyễn Lục Gia
Việt Nam - Philippines: 0-2 trên sân bóng biển Đông - Đinh Kim Phúc
Chính Phủ Pháp Ở Đông Dương Có Liên Tục Thực Thi Chủ Quyền Của Việt Nam Trên Hai Quần Đảo Hoàng Sa-Trương Sa Trong Giai Đoạn 1909-1945 Hay Không? 1 - Đinh Kim Phúc
Chính Phủ Pháp Ở Đông Dương Có Liên Tục Thực Thi Chủ Quyền Của Việt Nam Trên Hai Quần Đảo Hoàng Sa-Trương Sa Trong Giai Đoạn 1909-1945 Hay Không? 2 và hết. - Đinh Kim Phúc
Phản biện lập luận của nhà nghiên cứu Hàn Chấn Hoa về lãnh vực sử địa cổ có liên quan đến Biển Ðông….1 - Hồ Bạch Thảo
Phản biện lập luận của nhà nghiên cứu Hàn Chấn Hoa về lãnh vực sử địa cổ có liên quan đến Biển Ðông…2 - Hồ Bạch Thảo
Tư Tưởng Việt Nam Ngang Hàng Với Trung Quốc Và Mục Tiêu Bảo Vệ Độc Lập Dân Tộc Của Nhà Nước Đại Nam - Nguyễn Lục Gia