Năm nay lão Sửu năm mươi sáu tuổi, vợ lão năm mươi tư. Vợ đứng bán bánh mì cạnh một cái tủ kính tựa trên bốn bánh xe, phía trên có một cột thịt tự động quay và nướng, suốt ngày nóng sốt, bên cạnh ngăn đựng bánh mì là rau quả như dưa chuột thái lát và rau thơm để cạnh một lọ tương ớt. Xe bánh mì của mụ đông khách vào buổi sáng tầm từ sáu giờ đến hơn tám giờ, còn trưa và chiều thì khách ăn lai rai. Lão Sửu làm bảo vệ cho cửa hàng bán điện thoại di động ở ngay gần đấy, kiêm luôn cả chức năng trông giữ xe, lão mặc đồng phục quần xanh tím áo xanh lơ trên cầu vai mang cấp hiệu hai vạch chẳng rõ là cấp bậc gì. Cái mũ kêpi màu tím than vành viền sợi chỉ vàng ngự trên đầu càng tôn thêm vẻ oai vệ cho lão.
Nếu vợ chồng lão Sửu đứng cạnh nhau ta thấy hai người có chiều cao bằng nhau nhưng về hình thể thì lão lẻo khẻo mình dây còn vợ lão thì to như con tịnh. “Con tịnh là con gì?”
Thì nó là con tịnh trong thơ Hồ Xuân Hương:
Thoạt mới vào chàng liền nhảy ngựa,
Thiếp vội vàng vén phứa tịnh lên.
Hai xe hà, chàng gác hai bên,
Thiếp thấy bí, thiếp liền ghểnh sĩ.
Con tịnh hay con tượng trong bàn cờ tướng, tướng sĩ tượng, xe pháo mã, con tịnh là con voi, hiểu chưa? Mụ to béo phục phịch dễ có đến bằng con voi, da lại ngăm đen, mặt trông giống Trương Phi nhất là những lúc mụ thể hiện sự không hài lòng.
Sự mất cân đối về hình thể của vợ chồng lão Sửu khiến không ít người lo lắng. Lo như thế là thừa vì lão là người có võ nghệ cao cường. Có một fan hâm mộ ở sát vách nhà lão, đó là thằng Cò, năm nay mười bốn tuổi học lớp tám. Những lúc rỗi việc hai chú cháu thường đàm đạo với nhau về võ thuật, lão giảng giải để nó hiểu thế nào là xà quyền, nào là xà thần luyện nguyệt, kim xà lục khởi, xà đằng tẩu lộ, trong cương có nhu, cương nhu tương tế, trong tĩnh có động…Rồi lão làm các động tác minh họa, thân lắc lư, hình thể di chuyển không ngừng, chân bước vòng vèo, lấy mắt chuyển thần, uy phong ngời ngời, thần thái sung mãn. Thằng Cò há hốc mồm ngồi nghe, hai mắt mở to không chớp lấy làm khâm phục lắm. Nó tôn lão làm sư phụ.
Người ta chỉ thấy nụ cười thường trực trên môi vợ lão Sửu khi mụ đứng cạnh tủ bán bánh mì. Những lúc ấy Trương Phi đi vắng nên những lời mụ nói ra ngọt ngào êm ái dễ nghe, da mặt giãn ra, ánh mắt dịu dàng đưa đẩy khiến cho những người khó tính cũng thấy rằng ăn một ổ bánh mì nóng kẹp thịt nướng và rau tươi của mụ vào buổi sáng là một điều hợp lý. Thế còn khi chiều muộn về nhà? Khổ thay cho lão Sửu, lão tuổi Ất Mùi, mệnh Sa trung kim nghĩa là vàng trong cát, mụ vợ tuổi Đinh Dậu, mệnh Sơn hạ hỏa nghĩa là lửa tiều phu, mà kim khắc hỏa nên vợ chồng lão hay xung khắc lắm. Xung khắc về chuyện gì? Về tài chính chăng? Không phải! Cả hai đều có công ăn việc làm, chẳng ai phải sống nhờ vào ai. Hay là chuyện tình cảm, lão có chuyện lăng nhăng ở đâu đó chẳng may mụ biết được? Cũng không phải! Lão là người nghiêm chỉnh, từ cha sinh mẹ đẻ đến giờ chỉ biết có mỗi một người đàn bà là mụ. Xung khắc là xung khắc, thế thôi, nhiều khi chỉ vì những chuyện chẳng đâu vào đâu. Mụ là người ưa sự gọn gàng sạch sẽ, nhà mụ mới lau, thế mà lão hút điếu thuốc lào chẳng may làm rơi một ít tàn thuốc ra nền nhà, đã thế lại còn làm rơi vài giọt nước màu nâu trong điếu ra nữa. Thế thì ai mà chịu được. Ăn mắng. Đôi dép nhựa để lại ở bậu cửa để bước chân trần vào nhà cũng không xếp cho ngay ngắn, chiếc quay đằng này, chiếc lệch đằng kia. Người đâu mà vô tâm. Chỉ được cái lau chau, lau chau. Ăn mắng. Ta có thể liệt kê vô số những lý do chẳng đâu vào với đâu để lão phải ăn mắng. Ăn mắng? Chỉ có hai từ đơn giản thế thôi nhưng mỗi một lần phải ăn mắng kéo dài đến hàng chục phút bởi vì mụ có khiếu làm văn bẩm sinh nên mỗi một lần lão phải ăn mắng đều có đủ mở bài, thân bài và kết luận. Các nhà lý luận nói rằng chiến tranh là hình thức tiếp nối của đấu tranh chính trị. Vì vậy vợ chồng lão Sửu sau những cuộc cải lý với nhau căng thẳng, khi mà lão đã hết kiên nhẫn để nghe mụ thuyết giảng thì hay xảy ra chiến tranh. Những cuộc chiến xảy ra nhanh chóng, lão lẻo khẻo nhẹ như bấc mà mụ thì to như con tịnh nên dù lão có tinh thông xà quyền thì vẫn nhanh chóng bị mụ vợ đè bên dưới. Đau lắm, nhưng miệng lão vẫn thét to: ” Này thì cho mày chết này!”.
Chiều hôm nay thằng Cò vừa ở trường về thì nghe ở vách bên kia tiếng la hét và vật nhau huỳnh huỵch. Nó nghĩ: “ Lại xảy ra chiến tranh rồi!”. Nó mường tượng trong đầu cái cảnh sư phụ nó đi bài xà quyền một cách ngoạn mục và đến khi lão Sửu thét to: “Này thì cho mày chết này!”. Nó bất giác buột miệng: “ Thôi! Chuyến này mụ vợ cứ gọi là tan xương!”. ./.