Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.148
123.226.109
 
Chiếc điện thoại oan nghiệt
Phạm Thanh Phúc

Chuyến xe 16 chỗ của công ty du lịch Lửa Lộc bò mãi đến hơn sáu giờ chiều mới đến được trung tâm thị xã KonTum. Mọi người trong đoàn ai cũng mệt nhoài. Chẳng là theo tour Tây nguyên hùng vĩ đã được lên lịch trước đó thì từ Sài Gòn, đoàn sẽ qua đường 14 đi tắt đường Bình Phước đến Đaklak, ở lại hai ngày, sau đó sẽ thẳng tiến lên Playku, vui chơi ba ngày, hai ngày còn lại sẽ dừng ở KonTum, rồi quay về Sài Gòn, kết thúc chuyến du lịch bảy ngày. Lịch trình là vậy, nhưng giờ chót, mãi khi khách tập kết ra xe thì mới nhận được điện thoại báo là toàn bộ số phòng book cách đó nửa tháng ở Daklak đã bị người khác thuê mất, vậy là cả đoàn thống nhất đi theo hành trình ngược-nghĩa là đến thẳng điểm cuối cùng trước, sau đó mới quay ngược trở về.

 

KonTum không quá rộng và cũng không quá “rừng thiêng, nước độc” như nhiều người vẫn nghĩ về vùng đất này qua các câu chuyện đường rừng. Nhiều ngôi nhà khang trang đã mọc lên sát ven đường nhựa phẳng lì, dưới ánh đèn cao áp trông KonTum không khác đường phố ở Thủ Đức-Sài Gòn là mấy. Buổi tối, đoàn được ăn ở nhà hàng Hương Rừng, ngon nhất thị xã. Cũng đúng, bởi ở đây thịt heo rừng còn tươi nguyên, được giữ tươi đúng theo kiểu Tây nguyên: xông khói rồi treo lên chạng ba cây, chứ không đặt vào tủ lạnh như các nhà hàng Sài Gòn vẫn làm, vậy mà thật kỳ lạ, thịt vẫn tươi roi rói, mềm và thơm như vừa mới săn và xẻ thịt. Ngoài heo rừng, quán còn có món dê núi tái chanh và nấu cháo đậu xanh, uống với rượu địa phương ngâm ngọc dương của dê núi, ngon khỏi chê, và đặc biệt là thấy người khỏe khoắn chứ không nhức đầu như khi uống các loại rượu khác. Có lẽ nhờ rượu nên sau khi ăn xong, ngà ngà say, lúc mọi người quay về khách sạn nhận phòng thì Phương chưa muốn về mà rủ Thùy-thành viên nữ đi tour một mình duy nhất trong đoàn-đi bộ lang thang “Cho biết phố đêm ở KonTum ra sao”, và hẳn có lẽ cũng nhờ rượu nên cô gái nhận ngay lời mời có phần vội vàng của người đàn ông mới quen. Ngoài 23 tuổi, xinh đẹp, trẻ trung, Thùy mới vào làm việc cho một tập đoàn kinh tế nước ngoài chỉ sau hai năm tốt nghiệp đại học, lương 3000 đô la/tháng nên cô không ngại tốn kém và thường dành những dịp nghỉ phép dài ngày để đi du lịch. Phương tò mò biết được điều này sau khi thấy Thùy móc trong túi du lịch ra một chiếc điện thoại vertu lấp lánh vàng, trị giá nghe đâu tới hơn 200 triệu đồng, í ới: “Ê, tao đang lang thang ở phố núi cao phố núi đầy sương nè, nhưng mà là KonTum chứ không phải Playku, tuyệt lắm, để về tao kể cho tụi mày nghe…”. Còn Phương, thất nghiệp dài hạn, chạy việc bảy tám chỗ trong năm khiến túi rách lại càng thêm rách, nên xin ông chú đang làm phó giám đốc công ty du lịch đi xa một chuyến, vừa cầu may xem có việc gì làm không, vừa xả stress. Tất nhiên, đó vẫn chưa phải là lý do chính để họ gắn kết với nhau, mà một nguyên nhân khác cũng không kém phần quan trọng là các thành viên khác trong đoàn đều đi “có cặp, có đôi”, chỉ có họ là đi du lịch riêng lẻ.

 

Cho đến sáng hôm sau, qua cái đêm lang thang trên phố núi cao phố núi đầy sương, lang thang nhưng vẫn trong sáng và yên bình, Phương và Thùy đã nhanh chóng trở thành một đôi bạn thân. Vậy nên không có gì đáng ngạc nhiên khi Thùy xin hướng dẫn viên cho tách đoàn đi khám phá một ngọn thác mới, còn hoang dã phía bên kia núi, dĩ nhiên là đi với Phương. Mọi người trong đoàn không ai phàn nàn gì mà trái lại còn dường như ngầm khuyến khích họ đi bên nhau theo cái kiểu “vun vào cho một mối tình”. Chỉ có anh hướng dẫn viên du lịch là thoáng e ngại, vì sợ nếu khách gặp rủi ro, anh sẽ lãnh đủ mọi trách nhiệm với công ty du lịch, thế nhưng thấy mọi người có vẻ ủng hộ cho chuyện đi riêng nên anh cũng chỉ phản đối cho có lệ sau vài câu dặn dò.

Thực ra, anh hướng dẫn viên lo cũng đúng, bởi muốn đến được ngọn thác đó, không dễ dàng gì, nhất là đối với những du khách từ Sài Gòn lần đầu tiên lên rừng.Từ khách sạn, phải kêu taxi đi một chặng khá xa, mất gần trăm rưỡi ngàn tiền taxi, sau đó tới đoạn đường mòn xe ô tô không vào được, cả hai phải ngoắt xe ôm đi tiếp, và đến chân đồi, trước đường vào thác thì cả xe ôm cũng chịu nên Phương và Thùy đành xuống xe cuốc bộ thêm 200 mét đường rừng nữa. Đến được chân thác thì trời đã quá trưa. Vất vả, nhưng quang cảnh nơi đến cũng xứng đáng với công khó nhọc.

 

Thác đẹp và hoang dã đúng như cái cách mà người ta nói về nó. Những tảng đá đầy rêu phong bên bờ thác cho thấy hình như đã lâu rồi không có ai ghé lại đây, lại thêm xung quanh đấy là mấy bụi cỏ hoang mọc cao gần bằng đầu người lớn, gió thông thốc trong tiếng ầm ào của nước chảy nghe dữ dội và bạo liệt, hệt như tiếng một đàn thú hoang khổng lồ đang di chuyển. Chỉ có tiếng gió rừng và tiếng nước chảy, vắng như chưa bao giờ vắng đến thế, tịnh không một bóng người, cả tiếng chim hót, tiếng thú rừng cũng không, có vẻ thế giới văn minh đã lùi rất xa đâu đó trong sâu thẳm của rừng xanh. Phương rờn rợn người khi nhớ lại câu chuyện ma mà ông bảo vệ khách sạn kể cho anh nghe tối qua, nghe đâu ở thác này đã có mấy người mất mạng, theo dạng đi du lịch trượt chân xuống thác, phải vài ba ngày mới tìm thấy xác, do dưới chân thác có “huông” cái chết của một thiếu nữ người dân tộc ít người, bị một chàng trai người Kinh phụ tình, đã nhảy xuống thác tự tử. Từ đó, oan hồn cô gái nọ cứ quanh quẩn bên thác, “gọi” thêm nhiều người cùng xuống cho bớt cô quạnh. Vậy nên Phương cực lực phản đối khi Thùy đòi thay đồ xuống tắm “cho biết một lần tắm thác với người ta!”. Có điều, Thùy với tính cách mạnh mẽ của một người trẻ, khỏe, lại là người làm ra tiền, tự tin với chính mình…đời nào chịu nghe lời Phương. Cô cười: “Anh cứ để em tắm một chút, để về Sài Gòn còn có chuyện kể cho mấy đứa bạn chứ?”, rồi nhanh nhẹn thay đồ, nhảy xuống nước. “Mát lắm anh ơi, xuống chút đi!”-Thùy cười sảng khoái. Phương lắc đầu.

 

Trong lúc Thùy vẫn đang vẫy vùng dưới dòng thác thì trên bờ, Phương thoáng thấy ánh sáng lấp lánh chớp tắt trong đống quần áo của Thùy. Là tiếng điện thoại ấy mà. Hẳn Thùy để chế độ rung nên không có tiếng nhạc chuông nào. Phương tò mò kéo chiếc áo sang bên, ồ, chiếc Vertu quá đẹp và sang trọng. Phương cứ nhìn rất lâu, rất lâu, rồi không hiểu sao, anh ấn phím tắt máy và cho nó vào một hốc cây gần đó. Thùy tắm khá lâu, nên khi lên được bờ, người đã lạnh run, môi tái đi, mặc vội quần áo và hối Phương về khách sạn cho lẹ. Phương cười nhạo: “ giỏi khoe sức, giờ biết đá, biết vàng rồi chứ gì?”. Thùy lúng túng không trả lời được câu nào.  Nói vậy, nhưng Phương cũng hấp tấp khoác giùm Thùy ba lô, rồi cả hai đi như chạy ra đường mòn, kêu xe ôm về thẳng khách sạn, chứ không đi thêm chặng taxi nữa. Thùy lí nhí cảm ơn, cả hai chia tay về phòng riêng. Phương chỉ đợi có thế nên vừa vào phòng, anh đã bước vội vào nhà vệ sinh-từ sáng đến giờ Phương ngượng không dám kiếm chỗ xả bầu tâm sự, bụng căng cứng, đau đau.

 

Nhưng…Phương chưa kịp bật nước nóng từ vòi sen thì bên ngoài đã có tiếng đập cửa. Là Thùy. “Thật ngại quá, hông dám hỏi câu này, nhưng thực ra…lúc nãy vội quá, em không để ý, giờ về đến phòng, kiểm lại mới thấy thiếu cái điện thoại, anh Phương có…tiện tay cầm về giúp em không?”-Thùy ngập ngừng, cái kiểu nói sợ làm tổn thương người khác, đối với một chuyện khá tế nhị. Phương ngơ ngác: “Không. Anh còn chưa kịp nhìn mặt mũi cái điện thoại của em ra sao nữa. Em để đâu mà mất? Hay rớt lại bờ thác trong lúc thay đồ?”. Thùy lắc đầu: “Em không nhớ. Nếu tiện, anh đi với em ra thác kiếm thử nghen!”. Phương nhanh chóng nhận lời: “Em cứ xuống trước, ra cửa hông khách sạn chờ anh, anh thay đồ xong, đi tắt cầu thang xuống cho nhanh!”. Chờ Thùy khuất trong thang máy, Phương không xuống bằng đường cầu thang ra tiền sảnh khách sạn, mà băng ngang dãy hành lang vắng, qua cửa thoát hiểm, là đã xuống ngay tầng trệt bên hông khách sạn.

 

Chiều nhạt nắng, thác vắng đến rợn người. Gió không còn ầm ào như ban sáng mà thay vào đó là những âm thanh rất lạ, không phải tiếng gió, không phải tiếng lá cây chạm nhau, cũng không phải tiếng thú rừng…mà là một thứ âm thanh hỗn hợp, thê lương đến cùng cực. Bất giác, Thùy nép sát vào người Phương: “Trời, em quên, biết vậy hồi nãy đợi đến sáng mai ra kiếm thì hay hơn…”. Cả hai gần như lục tung đám cỏ xung quanh nơi Thùy đặt quần áo buổi sáng, nhưng không tìm thấy dấu vết gì của chiếc điện thoại. Tìm kiếm được một lúc, Phương nghĩ, thôi, mình đùa thế là đủ, giờ mình giả bộ phát hiện ra chiếc điện thoại hẳn cô nàng sẽ mừng lắm đây, có khi còn cảm ơn mình khôn xiết nữa kia. Nhưng…Thật kỳ lạ, kể cả khi Phương cho tay vào hốc cây mà anh đinh ninh ban sáng mình đã đặt điện thoại vào đấy, cũng trống không, hệt như nó đã biến mất tăm vào không khí.

- Chiếc điện thoại không thể tự dưng mà mất được!

 

Thùy thất vọng nói, nhưng trong thanh âm, Phương nghe như một lời trách móc, thậm chí nghi ngờ.

- Em nói vậy là sao?

- Anh nghĩ xem, nơi đây hoang vắng, gần như không có người qua lại, nếu nó rớt đâu đó thì xung quanh chỗ đặt quần áo, chúng ta đã tìm thấy…và thú rừng cũng không làm sao biết cầm điện thoại?

- Vậy em nghĩ…

- Em không nghĩ gì hết, chỉ thấy lạ…mà thôi

 

Nói xong, Thùy lại lò dò tìm kiếm ở một bụi rậm gần đó, Phương định nói, thôi mình về đi em, mai kiếm tiếp tục, nhưng không hiểu sao, anh lại ngần ngừ rồi im lặng. Trong lúc Phương còn đang suy nghĩ thì chợt nghe tiếng Thùy kêu thất thanh. Một cảnh tượng kinh hoàng trước mắt Phương: thì ra trong lúc loay hoay tìm kiếm, Thùy đã trượt chân xuống vực, tay cô chỉ kịp bấu vào nhánh cây nhỏ mọc ven thác, tình trạng ngàn cân treo sợi tóc. Phương kêu lên: “Chờ anh chút!”, rồi anh tháo vội dây thắt lưng, một đầu vòng vào gốc cây cạnh đó, một đầu buộc vào chân mình, nằm ngã người, tay vươn hết cỡ về phía vực. Tuy vậy, vẫn còn thiếu chừng một gang tay nữa, thì tay Phương mới chạm được đến nhánh cây, nơi tay Thùy đang níu chặt. “Rán lên, anh sẽ thẳng người ra để thêm chút nữa là với tới em!”-Phương nói. Nhưng…không kịp nữa rồi, sức nặng của Thùy đã làm cho nhánh cây gãy ngang, Phương chỉ kịp nhìn theo đà rơi của Thùy, mắt cô-ánh mắt cuối cùng-nhìn Phương như trách móc điều gì đó.

 

Phương chụm tay lại, bắc loa lên miệng kêu to: “Thùy ơi! Thùy!”, nhưng đáp lại anh chỉ có tiếng vọng và tiếng gió xào xạc. Phương thẫn thờ. Với độ cao 25 mét, phía dưới là những hốc đá nhọn và dòng nước sâu, chảy xiết, hung hãn…Phương có muốn nhảy xuống cứu cũng không thể được, và chắc gì Thùy có thể sống sót sau cú ngã từ trên cao trong điều kiện đó. Điều bất ngờ kỳ lạ là trong lúc vẫn đang loay hoay suy nghĩ tìm cách cứu Thùy thì Phương chợt nhìn thấy chiếc điện thoại Vertu nằm ngay trước mặt mình, dưới hốc cây cách đó không xa. Trời nhá nhem tối, rừng đêm bắt đầu có những tiếng động kỳ quái, Phương rùng mình bỏ chạy hộc tốc ra đường mòn, không dám ngoái đầu lại, mãi cho đến khi ra được đoạn đường lớn có taxi, anh mới nhớ ra mình đã chạy bộ quảng đường gần 3 cây số, đoạn đường mà lẽ ra phải đi bằng xe ôm.

 

*

Hơn bảy giờ sáng, Phương còn đang ngái ngủ thì đã nghe tiếng đập cửa ồn ào. “Anh có biết chị Thùy đi đâu hay không? Tối qua không thấy về…”-Người hướng dẫn viên du lịch hỏi. Phương nhướng cặp mắt mở không lên, nói : “Tôi có đi cùng Thùy vào thác, nhưng chúng tôi về đến khách sạn từ chiều tối qua, ông hỏi mấy em lễ tân thì biết, mệt quá, tắm xong, tôi xuống nhà hàng của khách sạn ăn qua quýt rồi về phòng ngủ vùi luôn…”. Qủa tình, các cô lễ tân xác nhận có thấy hai người cùng về khách sạn, nhưng lát sau, chỉ mình Thùy tất tả bước ra đi đâu không rõ, riêng Phương thì ai cũng xác nhận là không hề thấy Phương bước ra khỏi khách sạn. Những lời khai này còn được gia cố thêm tại cơ quan công an. Đến hơn 9 giờ sáng thì xác Thùy được tìm thấy trong hốc đá dưới chân thác, có lẽ dòng nước quá mạnh đã cuốn Thùy vào, rồi mắc kẹt ở đó. Phương cũng có mặt trong đám người tìm kiếm. Phương lạnh tóat người khi thấy tay Thùy vẫn nắm chặt chiếc điện thoại đắt tiền-điều mà anh biết là không thể nào xảy ra được. Mắt Thùy nhắm nghiền như ngủ say trong khi các anh công an làm một số thủ tục cần thiết để các bác sĩ pháp y giảo nghiệm tử thi. Thùy chết vì ngạt nước, đơn giản là vậy, không có dấu hiệu bị xâm hại, hay hành hung, có vẻ như cô tình cờ trượt chân ngã xuống thác; tuy vậy, theo thủ tục, các cơ quan chức năng vẫn phải tiến hành điều tra. Chuyến du lịch, thế là đã thành thảm họa với mọi người, vì ai trong đoàn cũng bị mời lên lấy lời khai, Phương cũng không ngoại lệ, mà thời gian thẩm vấn còn lâu hơn những người khác-do anh là người “thân thiết” nhất và là người cuối cùng nhìn thấy Thùy, trước khi cô mất tích. Phương là kẻ đáng tình nghi nhất, song, mọi chứng cứ dường như đều đứng về phía anh. Giờ Thùy chết-theo giám định pháp y-thì các nhân chừng đều xác nhận là không thấy Phương ra khỏi khách sạn, mà ngược lại, lúc đó anh đang ăn tại nhà hàng của khách sạn, cô nhân viên lễ tân còn nhớ rõ anh hỏi mấy giờ rồi mà sao buồn ngủ quá, cô có xem đồng hồ, đáp còn sớm, và anh chàng này còn khen cô xinh quá, tán tỉnh vài câu, sau đó mới từ từ leo cầu thang lên phòng mình. Chứng cứ ngoại phạm khá rõ đã nhanh chóng giải thoát Phương ra khỏi tình trạng nghi can số một.

 

Không ai còn lòng dạ nào để du lịch nên mọi người thống nhất là cả đoàn nên lên xe quay về Sài Gòn. Chuyến về đầy mệt nhọc, vì gần như mọi người vẫn còn đang thấm mệt bởi hành trình ngồi xe chưa lâu của chuyến đi, cùng với tâm trạng bị đè nặng từ cái chết bất ngờ của cô gái trẻ nhất trong đoàn. Mưa nhẹ khi xe vừa xuống đèo Bảo Lộc, cả đoàn dừng lại dùng cơm trưa ở quán Phượng dưới chân đèo. Phương không kêu nổi cơm, một ly cà phê đen không đường là quá đủ cho tâm trạng Phương lúc này. Đang lơ ngơ, bỗng chuông tin nhắn điện thoại của Phương vang lên. Hờ hững mở điện thoại, Phương giật nảy mình, khi trên màn hình hiện ra số điện thoại quen thuộc của Thùy,cài khuôn mặt kèm nụ cười có má lún đồng tiền, với hai nếp nhăn trên miệng ngoác đến tận mang tai. Phương khẽ bấm, tin nhắn hiện ra: “Sao anh muốn giết em?”. Phương ngó quanh quất, trong những khuôn mặt đang ngồi quây quần bên bàn ăn, không có ai đang cầm điện thoại, nên dĩ nhiên đó không phải tin nhắn của ai đó chọc ghẹo Phương. Và điều cực kỳ vô lý là Phương thừa biết chiếc điện thoại ấy đang nằm trong kho lưu trữ hồ sơ tang vật của vụ án, nó đang được bảo quản rất kỹ bởi đây là một vụ trọng án, lại đang trong quá trình điều tra, nên không thể nào có chuyện nó bị lọt ra ngoài để ai đó gửi tin nhắn trêu chọc. Mà ai có thể biết gần như tường tận để gửi một tin nhắn đầy ý nghĩa buộc tội như vậy?

 

Xa hơn nữa, bên ngoài là màn mưa trắng đục, những hàng cây lờ mờ ẩn hiện trong mưa, hơi lạnh của mưa cộng với không khí lạnh quen thuộc của Đà Lạt có làm xung quanh trở nên rét hơn; nhưng cũng không đủ để khiến người Phương đột ngột sởn gai ốc. Trong bóng núi tít đường chân trời, giữa màn sương mù che khuất, hình như có một cái bóng trắng vẫy tay về phía Phương. Không tin vào mắt mình, Phương dụi mắt vài lần để nhìn cho rõ. Thì ra, trong mắt Phương, bóng trắng ấy ẩn hiện một gương mặt quen thuộc: gương mặt của Thùy. Lạ một điều là cho dù dưới màn mưa mờ nhạt, Phương vẫn thấy rõ mồn một ánh mắt của Thùy, ánh mắt nửa buồn bã, nửa van lơn, nhưng nửa như trách móc, nửa như oán thù. “Này, ông có thấy bóng trắng ngoài kia không?”-Phương lơ ngơ hỏi người đàn ông ngồi ghế bên cạnh, nhưng tay kia lắc đầu. Hỏi thêm hai ba người nữa thì Phương cũng nhận được câu trả lời tương tự, có người còn nhìn Phương bằng ánh mắt kỳ kỳ, hệt như anh chàng này có vấn đề về tâm thần đây. Phương dụi mắt lần nữa, thì cũng vẫn ánh mắt ấy. Phương nhoài hẳn đầu ra cửa xe để nhìn cho rõ. Thì vẫn gương mặt ấy. Phương cứ nhìn trân trối vào gương mặt đã nhòe nhoẹt nước mưa nửa như cố tìm ra sự thật, nửa như muốn bày tỏ một điều gì đó giống như lời xin lỗi, nhưng môi mấp máy không thốt ra lời.

- Cốp!

 

Một tiếng khô đanh, vang lên. Mọi người hét lên: “Chết người ta rồi, dừng lại, dừng lại!”. Thì ra trong lúc mãi mê thò đầu ra ngoài nhìn bóng trắng phía xa, một chiếc xe chạy cùng chiều vượt lên đã quẹt vào mang tai Phương.

 

*

Bệnh viện tâm thần Biên Hòa vào những ngày mưa, người ta vẫn thường hay thấy một người điên trẻ lang thang bên ghế đá, tay cầm viên gạch, miệng lảm nhảm: “Thùy ơi, anh đâu có cố ý lấy điện thoại của em, đây, anh trả lại nè…”. Rồi như trong vô thức, người thanh niên ấy cứ chìa viên gạch về phía trước, như muốn đưa cho ai đó.

 

Không ai nhớ tên người điên trẻ nọ, nhưng trong hồ sơ bệnh án có một chi tiết, tiền sử bệnh: chấn thương đầu do tai nạn giao thông…/.

Phạm Thanh Phúc
Số lần đọc: 1935
Ngày đăng: 02.09.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Khách Thơ - Quý Thể
Bữa Ăn Tối - Nguyễn Viện
Phố ly hương - Lưu Thuỷ Hương
Vết Xước Của Thời Gian - Nguyễn Đình Phư
Chìm Sâu Xuống Đáy - Nguyễn Lệ Uyên
Mưa Lạ - Lê Văn Thiện
Cỏ Hát Tìm Nhau - Vương Hà
Làm Quen - Thảo Trường
Những đóa mẫu đơn - Đặng Phú Phong
Châu long - Trần Yên Hòa