Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.077
123.233.610
 
Trưng Vương Tân Truyện
Trương Hoàng Minh

Vua Hán Quang Vũ giật mình khi đọc sớ tấu về việc Trưng Vương dấy binh khởi nghiệp, lập quốc xưng vương ở Lĩnh Nam. Ông ta lo lắng nói với quần thần:

- Trưng Trắc là đàn bà mà cầm quân đánh trận như gió cuốn sóng trào, đuổi quan lại của ta dễ như đuổi nô lệ, hạ 65 thành nhanh như phủi bụi trên bàn đe doạ các quận ngoài biên. Đất linh sanh hào kiệt, không biết sau  lưng Trưng Trắc còn những ai? Ngũ Lĩnh là đất của ta nên phải sớm diệt Trưng Trắc, nếu để lâu sẽ sanh hoạ lớn. Các khanh thấy thế nào?

Quần thần đồng thanh tâu:

- Hoàng thượng anh minh. Phải sớm diệt trừ Trưng Trắc để tránh đêm dài lắm mộng.

 

Quang Vũ bèn huy động binh mã, vũ khí, xe thuyền, lương thực của các quận Trường Sa, Quế Dương…giao cho Mã Viện thống lĩnh sang đánh Trưng Vương. Viện chia quân làm hai đường thuỷ bộ tiến vào Lĩnh Nam. Trưng Vương chia quân chống cự nhưng thế lực của Viện rất mạnh nên Bà rút về cố thủ ở Lãng Bạc, Cấm Khê. Viện lại xua quân tấn công. Quân Bà vỡ tan, máu loang hồ Lãng Bạc! Cánh quân của Đô Dương rút về Cửu Chân cũng bị quân thù dìm trong biển máu!

 

Anh hùng mạt lộ chấp nhận hy sinh đáp đền ơn nước. Tuy nhiên, anh linh Trưng Vương được chung đúc bằng khí thiêng sông núi, bằng ý chí kẻ sĩ nên ngàn đời không tan. Bà bay về núi Nghĩa Lĩnh, vào đền Hạ khấu đầu phủ phục tạ tội với Quốc mẫu Âu Cơ. Quốc mẫu âu yếm nói:

- Con hãy bình thân, con gái yêu của me.

Trưng Vương đứng lên vòng tay cung kính tạ ơn Quốc mẫu. Mẹ nói tiếp:

- Từ khi nền quốc thống nước nhà rơi vào tay Triệu Đà rồi nhà Tây Hán đến nay đã gần 250 năm. Trong khoảng thời gian đó, bọn đàn ông con trai chỉ biết cúi đầu bó tay làm tôi tớ cho người phương Bắc chứ không ai làm nên chuyện khôi phục thật đáng xấu hổ. Con là goá phụ, tang chồng chưa hết mà vấn tóc quấn khăn xướng lên tiếng nói và ngọn cờ chính nghĩa, tập họp quân binh đánh đuổi bọn thống trị tham tàn đáng mặt nữ lưu hào kiệt. Con chẳng những khôi phục nền quốc thống, lấy lại đất đai bờ cõi của An Dương mà còn cứu muôn dân ra khỏi vực thẩm khổ đau, xua tan nỗi uất hận của họ bị đè nén mấy trăm năm dài. Thắng bại là chuyện thường tình của binh gia. Thời gian tồn tại lâu hay mau là do khí số. Điều đáng quí là con đã nói cho người phương Bắc biết rằng phụ nữ nước ta không chỉ là a hoàn, tì thiếp mà hãy còn đó những Nữ Oa đội đá vá trời, họ đừng coi thường chúng ta.

 

An Dương tiếp lời mẹ Âu Cơ:

-Việc muội dấy binh khởi nghiệp, lập quốc xưng vương đã làm chấn động hai miền Man Di, Hoa Hạ. Hán Quang Vũ diệt được quần hùng, thắng được đại địch nhưng vẫn quên ăn mất ngủ khi lo việc ngoài biên. Mã Phục ba từng làm cỏ nước Tiên Linh, tiêu diệt nước Tham Lang mà lúc dẫn quân sang Lĩnh Nam còn lo ngai ngái. Tuy muội thất bại nhưng tên tuổi vẫn vẻ vang, tuy phấn nhạt hương phai nhưng tiếng tăm vẫn bất hủ. Chẳng bằng con gái huynh, trong lúc vận nước như chỉ mành treo chuông, nó không giúp ích được gì còn nối giáo cho giặc làm nước mất nhà tan chẳng phải xấu hổ lắm sao?

 

Nói đến đây An Dương Vương có vẻ xúc động, buồn buồn. Hùng Vương thứ sáu nhìn An Dương, nghiêm nghị nói:

-Theo huynh thì đệ chớ trách Mỵ Châu mà hãy tự trách mình. Mỵ Châu trẻ người non dạ nên không biết Triệu Đà là tay giảo quyệt bội tín, Trọng Thuỷ là thằng chồng bất nghĩa mới lầm mưu gian của cha con bọn chúng. Suy cho cùng, việc Triệu Đà thôn tính Âu Lạc do lỗi của đệ hết bảy tám phần. Nước địch bên cạnh đáng lẽ đệ phải lo sửa sang chính sự, phải có kế sách giữ nước và phòng thủ ngoài biên, phải tuyển tướng luyện binh thuần thục…Đệ đã chẳng làm mà cứ trông cậy vào sức mạnh của nỏ thần, tin tưởng tình thông gia giả dối, đặt sự an nguy của đất nước trong cuộc vui chơi còn dẫn cừu thù vào tận nơi cung khuyết. Đến khi quân địch áp sát đế đô rần rật như lửa cháy mái nhà, nỏ thần không còn mới giật mình tỉnh ngộ thì quá muộn. Giả sử lúc đó có thiên tướng thần binh giúp sức cũng chẳng đuổi được giặc mạnh huống chi một chiếc móng rùa.

 

An Dương Vương ngồi nín thinh. Quốc mẫu Âu Cơ nói đôi lời phủ dụ rồi phong Trưng Vương là “Trung Trinh Tiết Liệt Phu Nhân”

 

*

 

Để tỏ lòng thương mến người nữ anh hùng, dân chúng bèn lập đền thờ Trưng Vương bên bờ sông Hát tại huyện Phúc Lộc. Toàn bộ đền đài cung điện và đồ thờ phượng đều sơn màu đen do hồi chống quân xâm lược máu của nghĩa binh nhuộm đỏ chiến trường nên kiêng màu đỏ. Dân chúng trong vùng cũng không mặc đồ đỏ còn khách thập phương đến viếng, nếu mặc đồ đỏ thì phải thay đồ khác mới được vào đền. Tương truyền Trưng Vương rất linh thiêng. Khi bị thiên tai dịch bệnh, dân chúng đều đến đền thờ Bà lễ bái, cầu khẩn Bà giúp đỡ Bà liền hoá thân vào một người nào đó chỉ cách cho dân đắp đê ngăn lũ, chỉ cây thuốc cho dân hái về chữa trị bệnh.

 

Một đêm mùa hè, Trưng Vương ra trước tiền đình đứng nhìn cảnh vật. Gió lặng tanh. Không gian phủ một màn khói sương mờ đục. Trăng thượng tuần mông lung huyền ảo. Giòng Hát giang trải dài một màu trắng tang tóc thê lương. Xa xa, tiếng vạc kêu sương rời rạc, tiếng quốc gọi hè như những tiếng kêu trầm thống của người dân mất nước. Trong cảnh giới u minh, từng đoàn nghĩa binh chết trận và nhân dân bị quân thù tàn sát không nơi nương tựa sờ soạng dẫn nhau đi. Ở trần gian, tiếng khóc than của những người mẹ mất con, những đứa con mất cha và những người vợ mất chồng cũng vang lên thảm thiết làm cho Trưng Vương xúc động nghẹn ngào. Cảnh vật chung quanh Bà cứ nhoè dần nước mắt lăn dài trên má.

- Thiện tai! Thiện tai!

 

Một giọng nói hiền từ, nhỏ nhẹ vang lên sau lưng Trưng Vương. Bà vội lau nước mắt và quay lại nhìn. Một cụ già râu tóc bạc phơ, phương phi cốt cách, bước từng bước nhẹ nhàng đến trước mặt Trưng Vương. Bà hỏi:

- Tiên sinh là ai?

Cụ già mỉm cười đôn hậu, chắp tay vái chào Trưng Vương:

- Thái Bạch Kim tinh kính chào Thi phu nhân.

Trưng Vương vội vàng quì xuống vòng tay cung kính đáp lễ:

- Trưng nữ bái kiến tinh quân. Không hay tinh quân hạ cố nên chậm trễ tiếp nghinh, xin tinh quân miễn chấp.

Thái Bạch đỡ Trưng Vương đứng lên, vui vẻ nói:

-Thi phu nhân hà tất đa lễ.

Trưng Vương mời Thái Bạch vào đền uống trà đàm đạo nhưng ông ấy khoát tay, nói:

- Không cần đâu. Ta vâng lệnh Ngọc Hoàng xuống truyền thánh chỉ cho Thi phu nhân. Ông ra lệnh. Trưng Trắc tiếp chỉ.

 

Việc Trưng Vương dấy binh khởi nghiệp, lập quốc xưng vương chẳng những chấn động hai miền Man Di, Hoa Hạ mà còn kinh động thiên đình. Một hôm, Ngọc Hoang nói với Thái Bạch Kim tinh: ”Không gì khó thu phục bằng lòng người, không gì khó tập hợp bằng thế nước, càng không gì khó bằng một phụ nữ mà tập hợp được nhiều nam nhi làm người cùng chí hướng với mình. Vậy mà Trưng Trắc chỉ hô lên một tiếng, đàn ông con trai trong cả nước đều cúi đầu chịu sự chỉ huy. Quan chức ở 65 thành trì cũng phải nín hơi không dám chống cự. Từ tạo thiên lập địa đến nay, Nữ Oa nương nương chỉ đội đá vá trời chứ không biết điều binh khiển tướng, Lữ Trĩ lấy quyền mẫu hậu cướp ngôi vua con trị vì thiên hạ  cũng không biết cầm quân đánh trận. Còn bọn Bao Tự, Tây Thi thì đem nhan sắc ra lung lạc và mê hoặc lòng người. Cho nên Trưng Trắc mới là người đàn bà có một không hai trong tam giới vậy”. Để nhìn tận mắt người nữ anh hùng đất Lĩnh Nam, Ngọc Hoàng bèn sai Thái Bạch Kim tinh xuống trần gian truyền cho Trưng Vương vào chầu ở điện Linh Tiêu.

 

Trưng Vương theo Thái Bạch Kim tinh lên thiên đình. Bà mặc bộ võ phục màu đen bó sát người trông thật oai phong lẫm liệt. Bà cũng không quên trang điểm thật đẹp như hồi mới khởi binh. Lúc bấy giờ có người hỏi Bà sao tang chồng chưa hết lại đang lúc xuất quân mà ăn mặc trang điểm đẹp đẻ đến thế? Bà thản nhiên trả lời: ”Việc binh không để ảnh hưởng. Nếu giữ lễ mà làm xấu dung nhan thì nhuệ khí tự nhiên suy kém. Cho nên ta mặc đẹp để mạnh thêm màu sắc ba quân và khiến cho bọn giặc trông thấy động lòng, lợi chí đấu tranh, dễ dành phần thắng”. Từ Nam Thiên môn đến điện Linh Tiêu, tất cả thiên tướng thiên binh đều nhìn Bà bằng ánh mắt khâm phục và thiện cảm.

 

Ngọc Hoàng hết lời khen ngợi Trưng Vương và sắc phong Bà làm “Lĩnh Nam Vương” cai quản toàn cõi Giao Châu. Trưng Vương nhận sắc phong nhưng trong bụng không mảy may vui sướng vì Bà cho đó là cái chức hão, hữu danh vô thực. Hồi còn giúp nước giúp dân được lại không cho, bây giờ âm dương đôi ngã liệu có thể làm được gì? Nói ra thì bảo do mệnh trời! Mệnh trời gì bất công đến thế? Những kẻ tham tàn bạo ngược thì được làm thái thú, thứ sử còn những người yêu nước thương dân thì cho làm thánh làm thần! Đây chỉ là cái lý của bọn thống trị để khống chế, tiêu diệt những người sức yếu thế cô.

 

Trở về cung điện ở Phúc Lộc, dù không có thực quyền nhưng Trưng Vương vẫn thường xuyên đi tuần thú, quan sát đời sống của nhân dân trong lãnh địa bà cai quản. Sau khi cuộc khởi nghĩa của Bà thất bại, Giao Châu lại nội thuộc vào nhà Đông Hán rồi nhà Đông Ngô. Chánh sách cai trị của họ vẫn không thay đổi, vẫn gò bó khắc nghiệt. Quan lại nhân từ độ lượng như sao buổi sáng, tham tàn bạo ngược như nấm mùa mưa. Cho nên, Lĩnh Nam là nơi rừng vàng biển bạc, đất đai màu mỡ, sản vật dồi dào, hàng hoá phong phú nhưng cuộc sống người dân vẫn còn nhiều khó khăn, nghèo đói do phải tiến cống hàng năm, sưu cao thuế nặng, sai dịch triền miên, quan lại nhũng nhiễu…Cũng có người nổi loạn nhưng không có người dẹp loạn. Nhân dân khổ sở vì sai dịch, tiều tuỵ vì đói nghèo, chết chóc vì giặc giả chưa bao giờ thậm tệ đến thế. Nhiều người bỏ nhà cửa, quê hương bồng bế nhau đi tứ xứ tìm kế sinh nhai hoặc vào ở trong rừng để không bị bọn tham quan ô lại áp bức, bóc lột. Họ chẳng biết trông cậy vào ai, chỉ biết cầu khẩn Bà nhưng Bà hoàn toàn bất lực. Trong khi đó bọn sĩ phu Lý Tiến, Lý Cầm, Bốc Long…lại cúi đầu cầu khẩn, van xin được làm tôi tớ cho người phương Bắc. Nhìn đồng ruộng bỏ hoang, làng xóm tiêu điều và từng đoàn người dắt díu nhau tha phương cầu thực Trưng Vương vô cùng xót xa, tự trách mình vô dụng và căm giận bọn sĩ phu nhu nhược chỉ biết sung sướng bản thân chứ không nghĩ đến nỗi đau của người khác. Bà cũng hằng mong và chờ đợi một vị anh hùng nào đó xuất hiện đánh đuổi bọn ngoại xâm như Phù Đổng Thiên Vương thuở trước.

 

*

 

Một hôm, trên đường tuần thú phương Nam, Trưng Vương phát hiện một hiện tượng lạ tại huyện Ninh Hoá quận Cửu Chân. Một vùng khí thiêng sông núi quần tụ trong vườn hoa nhà Triệu viên ngoại. Khí thiêng sông núi quần tụ nơi nào, nơi đó sẽ có nhân vật phi phàm xuất hiện. Nhân vật ấy có khi là vị minh quân có khi là đấng anh hùng. Hiện tượng nầy rất hiếm xảy ra. Gần 200 năm sau ngày Trưng Vương tuẫn tiết mới có lần đầu. Nhìn vùng khí thiêng quần tụ, Trưng Vương mừng rỡ nói thầm :”Thời cơ đã đến! Nước ta cởi được ách nô lệ hay không, khôi phục được nền quốc thống hay không là nhờ người nầy”.

 

Nhân vật phi phàm sắp xuất hiện được Trưng Vương đặt hết niềm tin và hy vọng không phải nam nhi mà là một bé gái còn nằm trong bụng Triệu viên ngoại phu nhân đang đi dạo trong vườn hoa. Hy vọng một vị minh quân hay một đấng anh hùng sắp ra đời không còn nhưng điều nầy không làm Trưng Vương thất vọng. Trái lại, Bà rất vui mừng khi biết bào thai là bé gái, khi biết bào thai chỉ mới được cấu tạo phần thể xác còn phần linh hồn vẫn chưa. Bà bước đến ngắm nghía, vuốt ve mơn trớn Triệu phu nhân một hồi rồi rùng mình biến đi mất dạng. Triệu phu nhân bỗng xây sẩm mặt mày, ngã dài trên thảm cỏ. Trong trạng thái nửa tỉnh nửa mê bà thấy bầu trời đầy mây ngũ sắc sáng rực, một làn bạch khí từ trên không trung bay xuống chun vào bụng bà. Mấy đứa a hoàn hốt hoảng chạy đến đỡ bà dậy định đưa vào nhà gọi đại phu đến chẩn mạch. Nhưng, bà đứng lên như chẳng có việc gì xảy ra, thản nhiên ngắm cảnh xem hoa, nói cười vui vẻ cùng mấy đứa a hoàn.

 

Bé gái chào đời. Triệu viên ngoại đặt tên là Triệu Ẩu. Lớn lên, Bà Triệu không chịu lấy chồng, không chịu học may vá thêu thùa mà chỉ luyện tập võ nghệ và đọc binh thư. Năm 19 tuổi, Bà  chiêu mộ nghĩa binh, mua sắm khí giới, tích trữ lương thảo chuẩn bị đánh đuổi quân Ngô. Triệu Quốc Đạt-anh trai Bà-khuyên can, Bà dõng dạc nói:”Tôi muốn cưỡi cơn gío mạnh, đạp luồn sóng dữ, chém cá tràng kình ngoài biển đông, quét sạch quân Ngô ra khỏi bờ cõi để cứu dân thoát nơi đắm đuối chứ không thèm bắt chước người đời cúi đầu cong lưng làm tì thiếp người ta”

 

Bốn năm sau, khi thấy thế lực đủ mạnh, Bà Triệu bắt đầu đánh chiếm các châu huyện. Khi xuất trận Bà thường mặc võ phục màu vàng, xưng là “Nhuỵ Kiều Tướng Quân” ngồi trên lưng voi chỉ huy tướng sĩ. Quân của Bà tiến như vũ bão, thắng như chẻ tre, chiếm toàn bộ Cửu Chân và chuẩn bị tiến sang Giao Chỉ. Bọn thái thú, thứ sử khiếp đảm rụng rời sai quân sĩ đánh trống “Trường thành” liên tục; đốt khói “Cam Toàn” suốt ngày đêm làm kinh động thiên đình. Ngọc Hoàng hỏi Thái Bạch Kim tinh:

- Nhuỵ Kiều tướng quân là người như thế nào?

- Tâu bệ hạ. Thái Bạch đáp. Nhuỵ Kiều tướng quân tức Triệu Ẩu, tuổi ngoài hai mươi, chưa chồng, có sức khoẻ, lắm cơ mưu  và võ nghệ cao cường. Khởi binh đánh quân Ngô từ năm 19 tuổi.

- Con gái chưa chồng mà tài cao chí lớn thế à? Ngọc Hoàng hỏi

- Tâu vâng! Nhưng, còn điều nầy thần không biết có nên nói cho bệ hạ nghe chăng?

- Khanh cứ nói cho trẫm nghe.

- Hơn hai mươi năm trước, trong một lần tuần thú phương Nam Trưng Trắc phát hiện ra Triệu Ẩu khi ấy mới là một bào thai. Biết Triệu Ẩu do khí thiêng sông núi chung đúc nên, Trưng Trắc bèn đầu thai làm con họ Triệu thành thử thân xác của Nhuỵ Kiều tướng quân là Triệu Ẩu còn linh hồn thì của Trưng Trắc ạ!

- Lại Trưng Trắc! Ngọc Hoàng kêu lên. Cùng một tiếng thì ứng nhau, cùng một khí thì tìm nhau. Người đàn bà nầy tài đức vẹn toàn nhưng liệu có  thắng được thời cơ hay không! Dù thắng hay không bà ấy vẫn thể hiện được tinh thần bất khuất và lòng yêu nước nồng nàn của con dân Lạc Việt hơn nhiều kẻ hèn nhát chưa thấy giặc đã tự bó gối quy hàng.

 

Ngọc Hoàng bước xuống ngai vàng, đi ra cửa Nam thiên đứng nhìn xuống trần gian với ánh mắt đăm chiêu, tư lự./.

 

Trương Hoàng Minh
Số lần đọc: 1652
Ngày đăng: 07.09.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Cõi Thiên Đường Rác - Phan Trang Hy
Những mảnh vỡ (27) - Nguyễn Thị Hậu
Chiến tranh - Huỳnh Văn Úc
Chiếc điện thoại oan nghiệt - Phạm Thanh Phúc
Khách Thơ - Quý Thể
Bữa Ăn Tối - Nguyễn Viện
Phố ly hương - Lưu Thuỷ Hương
Vết Xước Của Thời Gian - Nguyễn Đình Phư
Chìm Sâu Xuống Đáy - Nguyễn Lệ Uyên
Mưa Lạ - Lê Văn Thiện
Cùng một tác giả
Nghiệp dĩ (truyện ngắn)
Kiếp nghèo (truyện ngắn)
Lưới tình (truyện ngắn)
Giận cá chém thớt (truyện ngắn)
Nhãn đắng (truyện ngắn)
Bức tranh không lời (truyện ngắn)
Nhân quả (truyện ngắn)
Má tôi (truyện ngắn)
Mặt Trời Bé Con (truyện ngắn)
Con trâu thần (truyện ngắn)
Con chim tu hú (truyện ngắn)
Người Bạn Vong Niên (truyện ngắn)