Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.183
123.215.557
 
Tuổi thơ – trăng và minh triết phương đông
Trần Hạ Tháp

Thời gian tuôn chảy vô tình. Con người mê mải cuốn theo dòng cho đến khi nhìn lại thì tuổi đời chồng chất… Ngày thơ dại đã mịt mờ trong kỷ niệm.                                                                      

Mặt trăng rằm toả rạng còn đó nhưng dường như không còn là màu trăng xưa cũ. Thứ ánh sáng hồn nhiên một thuở mang sắc màu kỳ diệu không thể nào vẽ được. Dường như chưa trẻ thơ nào ngước nhìn trăng mà sợ hãi. Trong mắt chúng luôn đầy ngạc nhiên và hoan hỉ.

Hi Di tiên sinh đời Tống nổi tiếng sách luận giải Đẩu số nói rằng, mặt trăng tròn sáng - Thái Âm - liên quan tới Phật, thánh hay nói chung những bậc phi phàm, siêu việt.

Ước nguyện được nhìn ngắm thêm lần nữa thứ ánh sáng xưa cũ trong hồi ức chỉ có thể cho ta phần nào cảm xúc khi hoà đồng cùng trẻ thơ dưới ánh trăng đêm. Sự hoà đồng không mang theo ân huệ bề trên - ngược lại - là để được nhận phần khi chính ta quả đã “nghèo” đi chẳng biết tự bao giờ... Người lớn - phải chăng? - cũng đồng nghĩa là kẻ đã tiêu phí tuổi thơ và đang khánh kiệt thứ “gia tài nguyên thuỷ” ấy. Tuổi thơ quý giá một đi không trở lại.

Vâng, dường như chúng ta đã dần trở nên xa lạ hơn so với bao nét dễ thương, đa cảm vốn có hôm nào mà đâu cần ai ban tặng. Thứ của báu tồn tại qua ánh mắt nụ cười, lấp lánh tinh khôi và đầy thiện căn chất phác. Để rồi… Trong hành trang qua lại cõi nhân sinh, ta đánh mất tuổi thơ như một lẽ tất nhiên để dành chỗ cho bao điều phiền tạp.

Có mâu thuẩn không? Khi vừa thương tiếc những gì mất đi kia, mặt khác ta hết sức mong chờ những bé con quanh mình mau tới tuổi thành niên.

Tuổi thơ dường như chưa bao giờ thôi khát khao, trông ngóng những đêm rằm. Nô đùa, chạy nhảy dưới trăng là nguồn vui bất tận.

Trăng viên mãn là biểu tượng của trí huệ khi đức Phật đưa “ngón tay để chỉ mặt trăng”. Ngài giải khai cho chúng sinh sự nhầm lẫn giữa cứu cánh và phương tiện. Từ đó, đêm là biểu tượng của vô minh và trăng là nguồn tuệ quang hoá giải: Trí huệ. Từ đó, mặt trăng và tuổi thơ là giao thoa đầy vi diệu trong minh triết phương đông.  

Dịu hiền, trong sáng, thanh cao một cách tự nhiên - mặt trăng - dẫu quá xa, kỳ thực thân thiết nào khác thứ của riêng treo sẵn trước sân nhà, ẩn hiện tự tại bên ao nước, bờ tre.

Đi đến đâu vẫn cứ còn - như huệ tánh - người bạn đường trung thành, tịch tịnh đến vô ngôn. Ồ, nhưng mặt trăng cũng chung cho tất cả, không phân biệt ai, ở một nơi nào… Bình đẳng, đích thực cũng chính là thể hiện đức từ bi theo kinh nghĩa nhà thiền.  

Đôi khi, những suy diễn kiểu người lớn có thể sẽ làm mất đi sự tinh khiết của ánh trăng mầu nhiệm. Hãy lắng nghe đồng dao dưới trăng để thấy rằng tuổi thơ không chấp trú, không vướng mắc một khoa luận-lý-học nào:

“Ông trăng xuống chơi cây cau, thì cau sẽ cho mo.

Ông trăng xuống chơi học trò, thì học trò cho bút

Ông trăng xuống chơi ông Bụt, thì ông Bụt cho chùa

Ông trăng xuống chơi nhà vua, thì nhà vua cho lính

Ông trăng xuống chơi đền thánh, thì cụ Chánh cho mõ

Ông trăng xuống chơi nồi chõ, thì nồi chõ cho vung

Ông trăng xuống chơi cành sung, thì cành sung cho nhựa

Ông trăng xuống chơi con ngựa, thì con ngựa cho tàu

Ông trăng xuống chơi cần câu, thì cần câu cho lưỡi

Ông trăng xuống chơi cây bưởi, thì cây bưởi cho hoa

Ông trăng xuống chơi vườn cà, thì vườn cà cho trái…

Ông trăng xuống chơi gái đẹp, thì gái đẹp cho chồng

Ông trăng xuống chơi đàn ông, thì đàn ông cho vợ…”   (*)

Từ hình ảnh trọn vẹn, viên mãn của trăng rằm ta như thấy được tuổi thơ nơi nào cũng thế dẫu nhân loại có màu da, ngôn ngữ và văn hoá khác nhau. Thể hiện của tuổi thơ muôn ngàn lối song bản chất hồn nhiên không khác.

Trên trái đất chỉ có một mặt trăng. Chân lý thiên văn ấy - thật đơn giản - cũng là chân lý nhân văn. Vâng, mỗi đời người chỉ có một tuổi thơ.

“Mặt sáng như trăng rằm” Lời tán dương hảo tướng đức Phật. Khuôn mặt nói lên trí huệ tột cùng, lan toả đức từ bi cộng với nét tĩnh lặng sâu thẳm mà kỳ diệu thay! Vẫn hồn nhiên như thơ trẻ.

Không biết rõ đích xác từ lúc nào người phương đông bắt đầu trịnh trọng lấy ngày rằm làm mốc trong một chu kỳ để tự tu dưỡng thân tâm. Tiết giảm những việc không lành, kiềm chế nóng giận. Đó cũng là ngày để tâm làm thiện sự, phước duyên… Song  hình ảnh an lành, chân thật nhất trong mỗi một ngày rằm vẫn cứ là hình ảnh trẻ thơ tung tăng bên áo mẹ lên chùa. Tất cả thiện sự, phước duyên sẽ mất đi ý nghĩa hồn nhiên và trở nên nghi thức, khô khan nếu thiếu vắng trẻ thơ.  

Biết bao thi nhân, danh sĩ tài hoa chuyên lấy cảm hứng từ tửu, nguyệt để trứ tác nay còn lưu hậu thế. Trăng của chư vị thường là hoá thân từ mỹ nữ tuyệt vời, hoặc mặc nhiên coi đấy như tri kỷ tối cao để nỗi lòng được đem ra gửi gắm. Trăng trong thi ca cũng là sắc - nàng thơ - và vì vậy khó có chỗ cho hồn nhiên và rỗng rang, tịch tịnh.

Quảng Hàn cung đầy băng giá nên Hằng nga sầu muộn muôn năm, không thấy được nụ cười. Nàng không thể “xuống chơi”. Nàng còn phải lắng nghe biết bao thất tình lục dục của nhân sinh vang vọng mãi dưới đời. Nàng chỉ được ngợi ca suông và thực ra, làm chứng cho thi nhân luận đàm, thưởng rượu đến tàn đêm…    

Trăng với thế giới tuổi thơ - không còn là nàng - có thể là ông, là chị thân thương và gần gũi hơn nhiều. Nhất là trăng không còn cô đơn lạnh lẽo. Đêm rằm tháng tám với bao nhiêu đèn lồng cùng tiếng bước chân dồn dập chạy theo nhau. Đây đó vang tiếng cười đầy hoan hỉ đợi chờ…

“Ông trăng xuống chơi” như một mời gọi khẩn thiết, chân thành nhất sẽ được gửi đến vị khách danh dự của tuổi thơ cùng phá cỗ Trung thu. Lời mời ấy cũng là lời hứa rất đẹp mà chủ nhân của trần gian nầy - tuổi thơ - sẽ vì khách mà đem “cho tất cả”. Vâng, cho chứ không hề nhận lấy…

Rằm tháng tám ở phương đông ẩn chứa nền minh triết cao sâu và vô cùng nhân bản. Phải chăng? Nếu trăng là thần tiên - Hằng nga - thì chỉ có tuổi thơ của người dưới trần gian mới giúp nàng tìm lại được nụ cười đã mất. Ở cung Quảng Hàn tuyết phủ căm căm, nàng đã thấy hạnh phúc là đâu khi hiểu rằng - vì nàng, vị thần tiên lạnh lẽo - tuổi thơ dưới trần gian đã đốt lên rất nhiều ánh lửa. 

 

(*) “Ông trăng xuống chơi” – bài đồng dao, Phạm Duy phổ nhạc.

 

(Thành nội - Huế)

Trần Hạ Tháp
Số lần đọc: 2094
Ngày đăng: 16.09.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Quả - Trương Thị Kim Dung
Hẹn với nguyễn dương quang /Ghé Chiêu Ê thăm Hoàng đăng Nhuận - Đinh Cường
Bluebonnets - Nguyễn Võ
Có Phải Mùa Thu Tuyền Màu Vàng - Quỳnh Thi
Lục Bát Tình - Lê Văn Trung
Xưa - Mai Thanh Vinh
Trời Rộng /Bức Tranh Chiếc Xe Bò - Đặng Kim Côn
Quê Hương Của Tôi - Nguyễn Hồng Nhung
Những ngày mưa không dứt /Bài thăm dì toàn , đường phan đình phùng đà lạt /Bài tặng bạn vừa xây nhà xong trên finôm - Đinh Cường
Nếu Biết Được /Một Kẻ Ngơ Ngác - Nguyễn Thị Khánh Minh
Cùng một tác giả
Thế trận linh xà (truyện ngắn)
Nghĩa động càn khôn (truyện ngắn)
Thời đại quạt mo (truyện ngắn)
Cầm thú truyền kỳ (truyện ngắn)
Tặc lưỡi (truyện ngắn)
Vechaibaođồngnát@mgsh (truyện ngắn)