Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.144
123.227.068
 
Chí-Tôn Ca - Bhagavad Gìtà 5
Nguyễn Quỳnh USA

ĐỐI-THOẠI MƯỜI LĂM

TÂM VÔ-THƯỢNG

Purushottamayoga

 

 

8. Krishna: “Khi Đấng Thế-Tôn cần một thể-xác, thì rồi Người cũng sẽ phải xa lìa thân-xác.

Khi Người đi, Người mang theo cả ngũ-quan và trí-tuệ, giống như gió thổi hương bay ra khỏi cội-nguồn.”

 

  

ĐỨC THẾ-TÔN

 

1.                     Ta nghe có cây Bồ-đề vĩnh-cửu (Asvattha) 1 , rễ nó mọc ngay dưới cành, lá của nó là những bài kinh Vệ-đà (Chandàmsi). Ai biết cây Bồ-đề ấy, người ấy là người uyên-bác những tập Vệ-đà (Vedavit).

 

2.                     Cành Bồ-đề toả ra trên dưới và được nuôi-dưỡng bởi đẳng-tính (Gunas) với đối-tượng của quan-năng xiên ra như mầm-lộc, còn duới rễ cây là nguồn-mạch của hành-động (Karmànubhandìni) trong trần-thế (Manussyaloke).

 

3.                     Không ai mường-tượng được hình-dạng của nó trong thế-gian này. Không ai biết được lúc nó đi, lúc nó đến và lúc nó ở. Rễ cây Bồ-đề này lớn mạnh chỉ có thể bị chặt đứt bằng bằng cái rìu giác-ngộ 2 . 

 

4.                     Đó là điểm con người phải thấy, vì từ điểm đó ai đã ra đi không bao giờ trở lại, khi nghĩ rằng “Ta đã trú-ngụ ngay trong tinh-thần nguyên-thủy ấy.”

 

5.                     Không ngu-lậu, không lầm-lẫn, thắng mọi xấu-xa của lòng luyến-mộ, sống mãi (Nityàs) trong Đại-ngã vô-thượng, tránh xa dục-vọng, thoát khỏi tính nhị-nguyên (Dvandvàis) của vui và khổ. Người sáng suốt như thế đi về Vô-thượng.            

6.                     Đó là cảnh giới không có mặt trăng, mặt trời và lửa soi sáng, cho nên đã đi thì không trở lại, và hiện-hữu trong miền Vô-thượng của Ta.            

 

7.                     Ta chỉ thị-hiện một phần nho nhỏ trong cõi hồng-trần mà thôi. Cái phần nho nhỏ ấy trở thành tâm-tư bất-tử với ngũ-quan và trí-tuệ  3 cho thế-gian vật-chất.

 

8.                     Khi Đấng Thế-Tôn cần một thể-xác, thì rồi Người cũng sẽ phải xa lìa thân-xác ấy. Khi Người đi, Người mang theo cả ngũ-quan và trí-tuệ 4, giống như gió thổi hương bay ra khỏi cội-nguồn 5 .

 

9.                     Ai điều ngự được ngũ-quan: thính-giác, thị-giác, xúc-giác, vị-giác, khứu-giác và trí-tuệ 6, thì người đó thoả vui cùng những đối-tượng quan-năng.

           

10.                    Ai có tâm-tư mờ tối không thấy Đức Thế-tôn khi Người đi hay ở lại, cũng như khi Người vui hưởng các đẳng-tính (Gunas) 7. Chỉ có người nào có trí-tuệ mới thấy Người mà thôi. 8

 

11.                    Bậc Sa-môn (Yogins) cố-gắng thấy được Người ngay trong Tiểu-ngã của mình. Nhưng những ai thiếu tư-duy, tức là những người có tâm chưa toàn-thiện, không thấy được Người.

 

12.                    Các nguồn sáng chói chan trong mặt trời, mặt trăng và lửa, và ngay cả trong vũ-trụ đều thuộc về Ta.

 

13.                    Khi đến với trần-gian Ta mang theo nguồn-lực phù-trì vạn-vật. Ta giúp cho cây cối vươn lên để có chất rượu linh-thiêng (Somas) 9.

 

14.                    Ta là lửa tiêu-hóa của con người (Vàsvànaras). Ta nhập vào thể xác của mọi phù-sinh đang hít thở. Ta hít vào thở ra (Prànàpàna). Ta nếm cả bốn loại thức ăn (Caturvidham).

 

15.                    Ta bước vào tâm của tất cả phù-sinh. Từ Ta mới có trí-nhớ, kiến-thức và  lí-luận. Chỉ có Ta trong những tập Vệ-đà. Ta cũng là tác-gỉa của tư-tưởng Vedànta 10, và là nhà uyên-bác của tư-tưởng Vệ-đà.

 

16.                    Có hai tinh-thần (Purusàu) trong thế-gian – Tinh-thần hủy-diệt và tinh-thần vô hủy-diệt. Hủy-diệt là tính của mọi phù-sinh. Vô hủy-diệt (Aksaras) là tính bất-biến (Kùtasthas).

 

17.                    Nhưng tinh-thần cao nhất lại là Đại-ngã Vô-thượng, hiện ra trong ba thế-giới dưới vóc-thể Đức Thế-Tôn.

 

18.                    Vì Ta vượt khỏi tinh-thần hủy-diệt, nên Ta cao hơn vô hủy-diệt. Cho nên Ta hiện-hữu trong thế-gian và trong tư-tưởng Vệ-đà, và Ta được vinh-danh là Tinh-thần Vô-thượng.

 

19.                    Này Nam-tử Bharata. Ai không còn ảo-tưởng, biết Ta là Tinh-thần Vô-thượng, người đó là người quán-triệt, kính-ngưỡng Ta với tất cả tấm lòng.

 

20.                    Ta là Đấng Toàn-thiện 11 đã giảng về tôn-chỉ kì-bí tối-thượng này. Ai thức-tỉnh với tôn-chỉ đó, người đó giác-ngộ, chu-tất mọi bổn-phận của mình (Krtakrtyas). Hỡi Nam-tử Bharata.

 

 

 

ĐỐI-THOẠI MƯỜI LĂM

GHI-CHÚ

 

 

1.         Asvattha: Cây Bồ-đề. Chữ này còn có nghĩa là “nơi cột ngựa”, có trong Vệ-đà nhưng không phải là cây lạ-lùng miêu-tả như trong hậu tập Katha Upanishad, được coi như là một loại cây linh-thiêng, cũng như cây Parna, dùng để châm lửa tế-lễ. Cây Bồ-đề là biểu-tượng của Tinh-thần Vô-thượng, có rễ mọc từ cành xuống đất.

 

2.         Chặt đứt cây Bồ-đề có nghĩa loại bỏ mọi dục-vọng và cũng là chấm dứt kiếp luân-hồi.

 

3.         Manas: Trong Chí-Tôn Ca, Trí-tuệ (Manas) có nghĩa tâm-lí, và được coi như giác-quan thứ sáu.

 

4.         Trí-tuệ và ngũ-quan cầ đến xác-thân.

 

5.         Bất-cứ thể xác nào linh-hồn hay tiểu-ngã (Àtman) bước vào thì rồi cũng từ thân-xác đó linh-hồn hay tiểu-ngã ấy ra đi. Như vậy, theo chú-giải của Ràmànuja, tiểu-ngã hay linh-hồn không thể thoát-khỏi những tính-chất của các kiếp-sinh.

 

6.         Câu này có nghiã một phần của Đức Thế-Tôn hiện-thân trong tiểu-ngã của mỗi người.

 

7-8.       Theo chú-giải của Ràmànuja, đoạn này có nghĩa “Những ai bị ngu-muội hành-hạ không thấy được là ‘tiểu-ngã cùng với Gunas’ chỉ là một trong tính người.”       

 

9.         Nhiều học-gỉa suy nghĩ rất nhiều về nguồn gốc chữ Soma, có nghĩa là rượu thần – một chất nước chắt ra từ loại cây nhỏ (không phải là mộc) để cho các tu-sĩ, dân-dã và thần-linh cùng uống trong nghi-lễ miêu tả trong những tập Vệ-đà. Khi người Aryans thuộc văn-hóa Vệ-đà vào trú ngụ tại Ấn-độ thì những hiểu biết vế cây Soma dường như cũng biến mất luôn, ngay cả trong thời đại văn-hóa Vệ-đà. Cho nên có những loại cỏ cho chất sữa được dùng thay thế. Gần đây. R. Gordon Asson rất quen thuộc với các bản dịch Vệ-đà đưa ra giả-thiết rất lôi-cuốn, nhưng cũng rất sôi nổi là cây Soma là loại cây nhỏ giống như nấm (Amanita muscario) trồng ở tây địa của người Aryans và cả ở miền núi Đông Nam Á. Uống nước nấm hay cỏ này vào đầu óc con người trở nên lâng lâng với ảo-giác, i như có ghi trong Rig Veda.( Xin đọc Soma the Divine Mushroom do Stamperia Valdonega, Verona xuất-bản. Không ghi năm. Phỏng theo W. Sargeant, trang 614.)            

 

10.        Vedànta có nghĩa là phần cuối của Vệ-đà, là hệ-thống tôn-giáo lớn ở Ấn-độ, ghi rõ trong Kinh Brahma của Bàdaràyana và trong Ảo Nghĩa Thư (Upanishads), xuất hiện khoảng 500 năm trước Công-nguyên. Vedànta có rất nhiều khác biệt với kinh Vệ-đà nguyên-thủy của người Aryans, khi nhóm người này chinh-phục Ấn-độ vào khoảng 1600 trước Công-nguyên.

 

11.        Bản của Swami Prabhupàda dịch như sau;         

 

20. Hỡi con người thanh-sạch (không tội lỗi). Đây là phần sâu-sắc của kinh-ngữ Vệ-đà, do chính ta trình bày. Ai hiểu phần này, người đó trở nên minh-triết, và cố gắng của người ấy sẽ trở nên toàn-thiện. (Trang 737)

 

Swami Prabhupàda bỏ chữ “Nam-tử Bharata”. Bản của tôi bỏ chữ “Hỡi con người thanh-sạch (không tội-lỗi), ám chỉ Arjuna, vì rườm rà qúa.

 

 

 

 ĐỐI-THOẠI MƯỜI SÁU

THÁNH- THIỆN VÀ XẤU-XA

Daivàsurasanpadvibhàgayoga

  

 

24. Krishna:  “(...) Khi đã biết được lời khuyên trong kinh-sách, nhà ngươi phải hành-động

ngay tại đây, trong thế-gian này.”

 

  

ĐỨC THẾ-TÔN

 

 

1.                     Tâm không sợ-hãi, bản-ngã trong-sạch, trì cửu trong đạo Yoga về tri-thức, hảo-tâm (Dànam), tự kỉ-luật, hi-sinh, đọc kinh linh-diệu (Svàdhyàyas) cho chính mình, sống khổ-hạnh, ngay-thẳng,

 

2.                     Bất bạo-động, ngay-thẳng, không giận-hờn (Akrodhas), khước-từ (Tyàgas), thanh-tịnh, dối-trá, có lòng nhân, không dục-vọng, uyển-chuyển (Màrdavam), khiêm-nhường, lừa lọc (Acàpalam).

 

3.                     Này Bharata. Nghị-lực, kiên-nhẫn, can-đảm, trong-sạch, không lừa lọc, không hãnh-diện thái-qúa (Atìmànità) là tính tốt cho những người sinh ra có sứ-mệnh linh-thiêng (Dàivìm).

 

4.                     Này Nam-tử Prithà. Giả đạo-đức (Dambhas), kiêu-căng (Darpas), hãnh-diện thái qúa, giận-hờn, dụng-ngôn thô-bạo (Pàrusyam) và ngu-lậu là tính xấu cho những người sinh-ra để làm chuyện bất-nhân.

 

5.                     Kiếp thánh-thiện là con đường giải-thoát; kiếp tôi-mọi đưa đến xấu-xa. Này Nam-tử Pàndu. Đừng than-khóc. Nhà ngươi sinh ra với kiếp thánh-thiện.   

 

6.                     Này Nam-tử Prithà. Có hai loại người sinh ra trong thế-gian này. Loại người thánh-thiện và loại người độc-ác. Ta sẽ cắt nghĩa kĩ càng về loại người thánh-thiện. Nhưng bây giờ hãy nghe Ta bàn về loại người độc-ác.

 

7.                     Con người xấu-xa không hiểu khi nào hành-động và khi nào phải tiết-chế hành-động. Con người xấu-xa cũng không hiểu sự trong-sạch và đức-hạnh (Àcàras). Không thể nào tìm thấy chân-tính trong hạng người này.

 

 

8.                     Hạng người này không có chân-tính và thiếu đức quân-bình. Cho nên họ nói: “Làm gì có Thượng-đế trong vũ-trụ.” “Sinh ra đâu phải là kiếp luân-hồi.” 1  “Sinh ra là do khát-vọng mà thôi.”

 

9.                     Với í-nghĩ như thế, những con người không có bản-ngã, trí thông-minh kém cỏi, hành-động thô-bạo, trở thành kẻ thù hủy-diệt trần-gian.

 

10.                    Mê đắm vào dục-vọng không biết sao cho vừa (Duspùram), chuyên lo chuyện đạo-đức gỉa, ngu-lậu và dâm-dục, chỉ tin sằng bậy vì huyễn-hoặc, là tính của những người thích thề làm chuyện vẩn-đục (Asuci-vratàs).

 

11.                    Băn-khoăn thái qúa (Aparimeyàm) thì chết. Những người mê dục-vọng coi dục-vọng là mục-đích cao-cả nhất, và cho rằng đời chẳng qua là dục-vọng.

 

12.                    Sa vào hàng trăm cái bẫy của hi-vọng (Àsàpàsa), hết mình cho dục-vọng và giận-hờn (Kàmakrodhaparàyanàs), cho nên những con người ấy đi kiếm nguồn-lợi giầu-sang (Artha-samcayàn) để thoả-mãn dục-vọng bằng mọi cách đê-hèn.

 

13.                    [người ấy nói] 2 “ Hôm nay ta phải lấy được cái này; ta sẽ đạt được ước vọng này (Manoratham) 3. Giầu -sang (Dhanam) này thuộc về ta;

 

14.                    “Ta sẽ giết kẻ thù ấy, rồi ta sẽ giết những đứa khác. Ta là vị Chúa-tể, ta là kẻ hưởng-đời, ta thành-công, ta có quyến-lực, hạnh-phúc,

 

15.                    “Ta giàu-sang, sinh ra là con nhà quyền-qúi. Đâu có ai bằng ta nữa? Ta sẽ tụng-kinh (Yaksye), ta sẽ ban-bố, ta sẽ liên-hoan (Modisya).” Đó là những người bị ảo-tưởng vì ngu-lậu.

 

16.                    Lầm đường vì vọng-tưởng, chìm đắm trong lưới ảo-mộng, mê-say dục-vọng (Kàmabhogesu), cho nên những người ấy rơi vào địa-ngục dơ-bẩn (Narake sucàu).

 

17.                    Tự mình lừa dối mình, bướng-bỉnh, vì giầu sang nên kiêu-hãnh và ngạo-mạn, họ hi-sinh cốt để lấy danh, lòng đầy đạo-đức giả, nên họ không noi theo giáo-huấn (Avidhipùrvakam) của tư-tửng Vệ-đà.

 

18.                    Chỉ ích-kỉ (Ahamkàram), chỉ thích quyền-lực, chỉ hỗn-láo (Darpam), chỉ mê khoái-lạc, và hay giận-hờn, cho nên những người như thế có lòng ghanh-tị đâm ra ghét Ta. Họ ghét Ta trong thân-xác họ cũng ghét Ta trong thân-xác của người khác (Abhyasùyakàs).

 

19.                    Vì họ là những kẻ ghanh-gét, hung-tợn, thấp-hèn, và xấu-xa nên mãi mãi ta ném họ vào kiếp luân-hồi, vào ngay trong bào-thai của quỉ.

 

20.                    Này Nam-tử Kuntì. Khi đã vào trong bào-thai của qủi, thì lầm lẫn mãi, làm sao đạt được đến Ta. Hêt kiếp này sang kiếp khác, họ đi mãi vào mục-đích thấp-hèn.

 

21.                    Ba cửa địa-nguc này (Trividham) là: Tham, Sân, Si. Những thứ này hủy-diệt (Nàsanam) bản-ngã. Cho nên là người phải biết tránh ba cửa ngục ấy (Trayam).

 

22.                    Này Nam-tử Kuntì. Khi thoát khỏi ba cửa ngu-tối này, người nào làm cái gì tốt nhất cho mình, người đó đạt tới mục-đích tối-thượng.

 

23.                    Ai chỉ nghe theo những tham-vọng của mình mà quên mất những lời khuyên trong kinh-sách, người đó không đạt được toàn-thiện, hạnh-phúc và mục-đích vô-thượng.

 

24.                    Cho nên, hãy vạch ra con đường của mình qua kinh-sách để biết cái gì phải làm và cái gì không nên làm. Khi đã biết được lời khuyên viết ra trong kinh-sách, nhà ngươi phải hành-động ngay tại đây, trong thế-gian này.

 

 

ĐỐI-THOẠI MƯỜI SÁU

GHI-CHÚ

 

 

1.         Theo W. Sargeant (1979, 1984), đôi khi câu ‘Aparasparasambhùtam’ được dịch là ‘phối-hợp nam-nữ’. Diễn-í này thường được các dịch-gỉa người Ân ưa chuộng. Nhưng nếu dịch theo nghĩa luyến-ái, thì câu cuối cùng thừa (trùng-phức). Dịch theo nghĩa luyến-ái là quan-niệm của nhóm Lokàyatikas, đệ-tử của phái Nàstika, tức phái triết-học vô-thần chống lại dòng chính-thống.   

 

2.         Câu [người ấy nói] tôi tự thêm vào để làm sáng-tỏ í, nếu không độc-giả không hiểu ai nói.

 

3.         Manoratham: nghĩa chính là “Cái xe của trí-tuệ”. Ở đây có nghĩa ‘ao-ước’, ‘khát-khao’.

 

 

 

 

Nguyễn Quỳnh USA
Số lần đọc: 3739
Ngày đăng: 16.09.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Chí-Tôn Ca - Bhagavad Gìtà 4 - Nguyễn Quỳnh USA
Chí-Tôn Ca - Bhagavad Gìtà 3 - Nguyễn Quỳnh USA
Chí-Tôn Ca - Bhagavad Gìtà 2 - Nguyễn Quỳnh USA
Chí-Tôn Ca - Bhagavad Gìtà 1 - Nguyễn Quỳnh USA
Ngồi Bên Lề Rất Trái - Nhiều Tác Giả
Về một nhà thơ mới qua đời - Lê Văn Ngăn
Gặp Nhau Lúc-O-Giờ Với Trần Hữu Dũng - Nhị Ka
Bản Quyền Lục Bát 2-Trong-1, Tại Sao Không? - Bùi Hoằng Vị
Bát Cú 6-Trong-1, Tại Sao Không? - Bùi Hoằng Vị
Thông báo: Về lễ tưởng niệm đồng bào chiến sĩ hi sinh - Nhiều Tác Giả
Cùng một tác giả
Suy-Tư Hai (triết học)
Một Tí “Rilke” (tiểu luận)
Khoảnh-Khắc (tiểu luận)
Nắng Hè (tạp văn)
Fôi-Fa (tạp văn)
Bến-Xưa (tạp văn)