Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.095
123.231.160
 
Mặc áo soi gương
Lưu Thuỷ Hương

Lão Roizen khoe, tháng sau cưới vợ qua dịch vụ.

 

Tôi chẳng quan tâm. Lấy vợ thì có gì vui mà lão hớn hở khoe. Lão Roizen thất nghiệp mãn tính, người lôi thôi, nhếch nhác. Vợ lão bỏ nhà đi từ mười năm nay. Một mình lão gõ gậy lọc cọc trên cầu thang, ra vào lầm lũi, ít khi chào hỏi xóm giềng, cũng không thấy làm phiền ai.

 

Lão Roizen lấy vợ thật.

 

Buổi chiều tôi đi làm về, loay hoay tìm chìa khóa cửa. Căn hộ nhà Roizen kế bên bỗng xịch mở. Một mái tóc bù xù, lơ láo. Đôi mắt bén như dao cạo, lướt trên mặt tôi, sát rạt.

- Anh đi làm về đúng giờ nhỉ.

- Tôi... tôi đang tìm...

- Anh siêng thật đấy. Sáng tám giờ đi, chiều năm giờ về, anh nhỉ.

- Tôi... tôi tìm chìa khóa cửa.

- Ấy, anh để em giúp. Trong túi quần bên phải đây. Cả nhà anh đi vắng cả. Con trai anh vừa ôm bóng đi độ nửa giờ. Quần đùi xanh, giày thể thao trắng, oai ra phết. Vợ anh lái xe đi trước khoảng một giờ.

Ôi, bóng bẩy lắm, thơm sực nước hoa. Đàn bà bên Tây có khác.

- Tôi... cô cho xin lại cái chìa khoá.

- Em là Lan. Anh có rỗi, bấm chuông sang nhà chơi nhé. Xóm giềng cả.

 

Tôi vào nhà, đóng xập cửa, cởi giày, pha nước uống, vẫn còn ngơ ngẩn bần thần. Lúc đi tắm, xoa xà bông đùi bên phải, tôi chợt nghĩ, a ha, hóa ra mình vừa nói tiếng Việt với cô hàng xóm. Hóa ra lão Roizen tẩm ngẩm lấy vợ Việt qua dịch vụ thật. Hóa ra ở thành phố này có những loại dịch vụ dựng vợ gả chồng lạ lùng như vậy.

 

Vợ tôi thì biết cả. Loại nấu cháo điện thoại như cô ấy, biết mọi chuyện. Vợ tôi răn đe. "Bên đó... người ta dám làm mọi chuyện. Anh đừng có léng phéng… Đàn ông, khôn ba năm với vợ, dại một giờ với người dưng".

 

Tôi gật đầu, không cãi. Cãi làm sao được. Quan điểm đạo đức của vợ tôi vốn khắt khe.

 

Mỗi buổi chiều, Lan vẫn mở cửa chào tôi. Bao giờ cô ấy cũng mở cửa đúng khi tôi thò tay vô túi bên phải tìm chìa khóa. Lan bảo tôi là người siêng việc. "Anh khoẻ thật đấy, bắp tay săn chắc thế này thì vật đổ cả trâu". Đôi môi Lan suýt xoa. Bàn tay Lan mày mò xoa nắn cánh tay tôi, cánh tay một ngày tám tiếng lọt tọt gõ bàn phím. Thon thót, nhột nhạt. Chắc ở quê Lan làm nghề buôn trâu.

 

Vợ tôi vừa lại lái xe đi, Lan thông báo. Tôi biết, shopping. Đến tám giờ tối, chợ đóng cửa thì vợ tôi về. Thằng con tôi cũng đi đá banh. Đến tám giờ tối, câu lạc bộ đóng cửa thì nó cũng về. Tôi mở lò vi ba, hâm lại món spaghetti của ngày hôm qua.

Lan lại sang, bưng cho tôi chén mắm kho cà, tô canh chua dưa cải. Lão Roizen vừa ngửi thấy mùi mắm đã bịt mũi chạy ra hiên. Lan cười, hàm răng trắng lấp lánh.

 

Tối cuối tuần vợ tôi đi suốt. Thằng con trai cũng đến tuổi đi. Tôi không theo con, nó lớn rồi, không còn cần cha trông nom. Tôi cũng không đi theo vợ. Vợ tôi nói, tôi lùi xùi như gã nhà quê. Những nơi nàng đến, toàn là côn trùng lột xác thành bướm đêm. Họ sáng rực, lập lòe, diêm dúa. Tôi không lột xác được, mang mãi trên mình cái xác "Việt quê" làm tủi thân vợ. Ở xứ văn minh, cần phải tôn trọng cảm xúc của người khác, nhất là phụ nữ.

 

Tôi ở nhà, nằm dài xem tivi, yên tĩnh, thoải mái, chẳng ai làm phiền. Buổi sáng, tôi thức dậy, hai mẹ con đã về nhà. Hai bản mặt phờ phạc, trưa trật trưa trờ, ngồi uể oải ăn sáng. Tôi cũng uể oải không hỏi, đêm qua, ai về trước.

 

Buổi chiều, Lan vẫn hay sang, niềm nở xông thẳng vào bếp. "Anh cho em xin củ hành. Anh mở hộ em lọ tương". Bao giờ cũng vào những lúc vợ tôi vắng nhà. Tôi không ngại gì chuyện giúp đỡ phụ nữ, lâu rồi cũng chẳng còn dịp giúp ai. Dù gì cũng tình hàng xóm, tình bầu với bí. Lan bảo, bầu ơi, tuy rằng khác giống...

 

Lão Roizen chậm lụt quá, Lan than thở, chờ mãi cũng chưa động tĩnh gì. Lan lại cần gấp một đứa con lai để chạy giấy tờ ở lại Đức. Lão Roizen không cưới Lan được. Vợ lão bỏ đi đường nào, chưa ly dị.

 

Vợ tôi có lần bảo, lão Roizen bị tai nạn lao động, chấn thương cột sống, tạng ấy khó có con. Lão lọm khọm chống gậy, gõ lọc cọc lên xuống cầu thang. Vợ tôi thương hại xì xào. "Thảo nào vợ lão ấy bỏ đi. Tội nghiệp! Cứ phải sống một mình côi cút, hẩm hiu". Vợ tôi biết cả mọi chuyện, chuyện xóm giềng.

 

Dạo này, Lan sang chơi cả tối cuối tuần. Vợ con tôi đi biền biệt, thâu đêm. Lão Roizen uống vài lon bia, ngáy rung rinh cả tường hàng xóm. Lan thủ thỉ, thì thào. Bầu ơi, thương lấy bí cùng. Bàn tay lái trâu của Lan… thon thót, nhột nhạt. Biết nói sao đây. Trời ơi, đàn ông không là gỗ đá.

Lan có bầu, bụng càng ngày càng lớn. Mỗi ngày Lan ì ạch mang thuốc lá đi bán ở cổng chợ. Tôi xoa bụng Lan bảo, cũng nên nghỉ ngơi một chút. Lan cười. "Còn làm việc được ngày nào thì cố ngày ấy. Một đồng xu đối với em quý lắm. Sắp đến, em còn bao việc phải lo".

Trời mùa đông, Lan nặng nề ôm bao thuốc lá leo tàu đi. Tuyết đổ dồn trắng cả thành phố. Nơi Lan đứng, tuyết ngập cao đến đầu gối. Gió giật, tấp từng tảng bông vào chân tường. Tấm áo khoác to xù, sờn cũ của lão Roizen trùm kín hai mẹ con Lan. Tôi dừng xe bên này đường, nhìn cái bóng run rẩy nép vào cổng chợ vắng. Trong xe tôi, quạt gió thổi hơi ấm vù vù. Máy sưởi mở ba mươi độ. Hơi lạnh bên ngoài vẫn lầm lì xuyên qua lớp kính xe. Tôi rùng mình. Hàn thử biểu báo, ngoài trời âm hai mươi độ. Tôi nhìn lần cuối chiếc bóng đen xiêu vẹo trên tuyết trắng. Bánh xe tôi trượt từ từ trên con đường đóng băng. Xe nối xe, chậm chạp, lầm lũi. Bóng chiều nhập nhoạng. Bóng Lan liêu xiêu, ở lại phía sau.

 

Tôi về đến nhà. Cánh cửa căn hộ bên Lan đóng im ỉm. Dạo này Lan làm việc nhiều hơn cả tôi. Cô ấy cần tiền. Vợ tôi hôm nay ở nhà. Trời lạnh quá, chẳng ai dại gì lái xe ra ngoài. Nàng phải huỷ giờ học khiêu vũ ở trường, mất một buổi chiều đàm đạo với bạn bè.

 

"Dạo này, đám phụ nữ bên Đông kéo cả sang bên này bán thuốc lá, đứng nheo nhóc trước cổng chợ. Không còn biết sợ là gì". Vợ tôi thông báo bên bàn ăn. Tôi gật đầu. Vợ tôi tỏ tường mọi chuyện, chuyện ngoài đường.

 

Lão Roizen khua gậy lọc cọc ở cầu thang. Lão tóm lấy tôi, hớn hở báo tin. Đứa con trai cân nặng hơn bốn ký. Đôi mắt lão xanh lè, sáng rực. Nụ cười bỗng xuất hiện từ sau mười năm thất nghiệp, vợ bỏ. Lão mừng. Hàm râu bờm xờm đỏ quẹt như râu bắp rung rinh. Đứa con trai mang họ Roizen được đưa về nhà, sau một tuần ở bệnh viện phụ sản. Tóc nó đen. Mắt nó đen, nhìn tôi long lanh. Lan lập bập vài câu tiếng bồi nhăng nhít với lão Roizen. Rồi Lan tủm tỉm nhìn tôi cười. "Thằng cu ngoan lắm. Mong cho nó được như bố, siêng năng, giỏi giang".

 

Thằng bé ngoan lắm. Dạo này nó đã biết nắm ngón tay tôi, bập bẹ cười.

Vợ tôi bảo: "Quái lạ, nhà lão Roizen dạo này nuôi mèo hay sao. Suốt buổi tối cứ nghe leo nheo bên ấy". Vợ tôi vớ điện thoại, xì xầm, rả rích với bạn bè cả thành phố. "Lão hàng xóm nhà mình, dạo này, trở chứng nuôi mèo. Nhà hôi như ổ cú".

 

Nhà lão Roizen, từ ngày có Lan về, sạch sẽ hẳn, hơn cả nhà tôi. Lão Roizen nghèo, đồ đạc đều cũ kỹ, nhưng bàn tay Lan mát mẻ gọn gàng. Thằng nhỏ nằm trong lòng mẹ, bú chút chít. Lão Roizen nhìn hai mẹ con cười khà khà. Tôi với lão nâng ly, tung hô tình hữu nghị Việt - Đức. Món nộm bao tử kiểu nhà quê miền Bắc, Lan trộn ngon quá. Cay, chua, đậm đà. Lão Roizen cuốn rau sống, chấm miếng bao tử vào chén mắm tôm, hít hà khen. Lão bắt đầu say mùi mắm. Tây Berlin bỗng có những buổi chiều nắng, êm đềm ấm áp làm sao.

 

Lan ôm con đi mất. Đi đâu, không ai biết. Lão Roizen tìm tôi, rưng rưng nước mắt. Giấy tờ xong rồi, trợ cấp có rồi. Vậy là Lan dứt áo ra đi, làm lại cuộc đời ở một nơi nào đó. Nơi không có tôi, không có lão Roizen. Nơi không ai biết đến cha thằng bé.

Gió đưa cây cải đi đâu? Rau răm ở lại...

 

Tôi đi tìm Lan, lòng vòng, lang thang trong những khu buôn bán của người Việt bên Đông Berlin. Mùi mắm, mùi rau thơm, mùi tôm cá, mùi nhang khói... Ngôn ngữ miền Bắc quê Lan, lao xao, lao xao. Một cô hàng rau, mái tóc bù xù đang còng lưng lôi kéo, vật lộn với mấy bao tải hàng. Mồ hôi đổ thấm ướt vai. Tôi chen vào nhìn mặt cô ấy. Vợ tôi túm áo lôi ra, bảo, con nhỏ này mặt đầy mụn, rau cải hàng này đầy sâu.

 

Tôi bị đẩy vào hàng phở. Phở Bắc nhiều hành, nhiều gừng, không giá, không đường. Cô bưng phở dáng người xiêu vẹo, tất tả chạy từ bàn này qua bàn khác. Tôi vẫy tay gọi cô. Vợ tôi bảo, bọn bên này luộm thuộm, không biết phục vụ khách hàng. "Nè cô, lau dùm cái bàn, đổi cho dĩa chanh mới, thay cho mớ rau héo, lấy cho mấy đôi đũa sạch, có tương ớt không?". Vợ tôi xua xua bàn tay vào mặt cô bán hàng. Bàn tay có những cái móng đỏ chót, lấp lánh kim tuyến.

 

Tôi ngồi im. Bức tường Berlin trong mắt vợ tôi bôi xanh bôi đỏ, lòe loẹt, cao hơn bức tường cũ mười mét.

 

Thằng bé nhà ai nằm trong xe nôi, đôi mắt đen láy. Tôi đến gần nó, ngơ ngẩn xoa mái tóc con nít mềm mại, lưa thưa. Nó lạ người, khóc thét lên. Vợ tôi bĩu môi, thằng này đen thui, không đẹp bằng con mình lúc nhỏ. Mẹ nó ở hàng áo quần xông ra, nhìn tôi gườm gườm. "Bác giai này nặng vía thật đấy".

 

Tôi không biết, mình đi tìm Lan để làm gì. Để nói gì với Lan?

 

Tối nay cuối tuần, vợ tôi lại đi. Con tôi cũng đi. Tôi ra, tôi vào, mở tivi, tắt tivi. Chương trình nhạt nhẽo quá. Tôi mở cửa nhà, lặng nhìn cánh cửa căn hộ hàng xóm đóng im ỉm. Lão Roizen chắc thui thủi nằm trong ấy. Tôi với lão giờ đây lại chẳng còn gì để gần gũi. Chẳng còn lý do gì chia nhau ngụm bia.

Tôi xuống xe, mở máy, chạy loanh quanh, loanh quanh. Nhà thờ ở góc đường Alt - Moabit nhập nhoạng ánh đèn. Vợ tôi khi chiều có tán vào máy điện thoại, cuối tuần này bà Tám tổ chức sinh nhật, giã từ U50, mượn một góc nhà thờ để đãi khách. Vợ tôi gói mang theo hai chai rượu. Nàng cười rấm rích, rượu hối lộ đức cha.

 

Sân giáo đường mát lạnh sương đêm. Tôi bước ra khỏi xe, bàng hoàng vì tiếng nhạc tình rạo rực. Giờ này, chắc đức cha đã ngấm rượu ngủ ngon ở một góc thiên đàng. Thiên thần, quỷ sứ gọi nhau í ới trong dãy nhà nguyện phía sau bờ trắc bá diệp. Gian phòng đèn mập mờ, ánh sáng xanh đỏ quay mòng mòng. Mùi thức ăn lẫn vào mùi nước hoa, mùi rượu chát. Từng đôi lả lướt, dập dìu theo điệu nhạc. Một dãy quý bà sang trọng, chải chuốt, ngồi tựa thành ghế, não nề ngáp vặt. Đôi mắt họ thỉnh thoảng lại đảo quanh, khoắc khoải chờ đợi. Chắc chưa có anh kép già nào đủ liều lĩnh mời họ ra sàn nhảy. Vợ tôi đã ở trên đó. Tấm áo lụa chật căng. Thân hình thắt ngấn như đòn chả, chơi vơi trong vòng tay của một gã hom hem thắt thòng lọng đỏ. Gã ấy, hôm qua, là bạn tôi.

 

Tôi ngồi vào góc, lẩn thẩn nhìn quanh, nhìn xuống chân mình. Ánh đèn màu rọi lên mảnh quần Jean bạc phếch, hoen ố. Đôi giày sandale mốc meo. Một chiếc ngón chân ló ra từ lỗ vớ lủng. Tôi thụt ngón chân vào. Nó lại cố tòi ra, ngọ ngoạy. Đôi giày da của gã ngồi bên sáng bóng, gõ lộp bộp trên sàn gỗ theo điệu nhạc. Chách chách chách chùm chum. Tôi ngước lên nhìn, nhiễu điều phủ lấy phấn son, những lớp áo phất phơ, quay cuồng.

 

Tôi quay cuồng đứng dậy, lần mò ra cửa.

 

Chiếc xe hơi màu đỏ của ai đậu ngang ngược trên lối ra. Tôi đi tìm chủ nhân chiếc xe vô duyên. Đám người đang bị cuốn vào dòng âm thanh xầm xập, hối hả. Vợ tôi chết đuối ở góc nhà. Giữa vợ tôi và gã thắt thòng lọng đỏ, con ruồi chen qua không lọt. Tôi cũng chẳng chen qua làm gì. Bà Tám chân gõ nhịp, ngồi nhấp nhổm không yên bên cửa sổ. Tôi đến bên bà ấy, cúi xuống. Cổ áo bà này khoét sâu quá, tối thui, hun hút. Bèo nhèo. "Ai chạy chiếc xe màu đỏ biển số...". Tôi gào lên. Bà Tám nhìn tôi chớp chớp mắt, ra vẻ cảm động lắm. Tôi không lái xe ra được. Bà Tám gật đầu. Tôi lại gào lên. "Chiếc xe màu đỏ, trên lối ra, biển số...". Nhạc đánh xầm xập. Tôi không nghe cả tiếng hét của mình. Bà Tám cười cười, ỏn ẻn đứng dậy, vòng đôi tay qua cổ tôi. Mềm lạnh như con rắn. Cặp môi đỏ chót vểu ra. Tôi giật mình làm rớt luôn chìa khoá xe. Thiệt tình!

 

Đường về, đêm vắng tanh. Căn hộ nhà tôi im ắng lạ lùng. Tôi mở đèn nhìn sự lặng im, chỉ thấy trống không. Đêm rơi thõng thượt ngoài hiên. Tôi ôm lon bia, nằm dài trong đám dây thằn lằn buông lơ lửng ngoài balkon. Suốt buổi tối, tôi quơ quào đập được bảy con muỗi.

Dạo này tôi đã bắt đầu lẩn thẩn. Buổi tối, vợ tôi lại cằn nhằn. "Thùng rác đầy rồi, sao không nhớ đổ?"  Tôi ôm bao rác đi. Cánh cửa căn hộ nhà lão Roizen bỗng xịch mở. Một mái tóc dài, một đôi mắt đen, một giọng phụ nữ thì thào:

- Hôm nay anh đổ rác muộn thế. Chị nhà ngủ rồi à? Em tên Huệ...

- Tôi... tôi đi đổ rác.

- Anh có rỗi sang chơi nhé. Xóm giềng cả.

Bên ngoài trời se lạnh, thẳm đen. Ngày đã qua, đêm đến. Đêm rồi cũng qua. Ngày rồi sẽ lại đến. Ừ, đến rồi qua.

Tôi đi đổ rác.

 

Berlin, tháng 9. 07

Lưu Thuỷ Hương
Số lần đọc: 1770
Ngày đăng: 21.09.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Mộng Bá Vương - Quý Thể
Bàn Tay Ấm Áp - Lê Văn Thiện
Viên Đạn Định Mệnh - Hoàng Ngọc Hiện*
Đêm Sương Trôi Rơi - Vương Hà
Con Heo Đất - Minh Nguyễn
thiên thu - Hoàng Chính
Xanh như lá - Lưu Thuỷ Hương
Chị Bẹo - Hoàng Ngọc Châu *
Tiếng nói - Dương Nghiễm Mậu
Trưng Vương Tân Truyện - Trương Hoàng Minh
Cùng một tác giả
Cái áo mùa cũ (truyện ngắn)
Đường viễn xứ (truyện ngắn)
Bay đi chim bồ câu (truyện ngắn)
Kẻ săn chó (truyện ngắn)
Dạ yên thảo (truyện ngắn)
Kẻ sát nhân (truyện ngắn)
Làng Tàm Thực (truyện ngắn)
Kẻ đội mồ (truyện ngắn)
Kẻ tự vẫn (truyện ngắn)
Kẻ săn kiến (truyện ngắn)
Kẻ săn bướm (truyện ngắn)
Sống (truyện ngắn)
Mạt lộ (truyện ngắn)
Kẻ đồng hành (truyện ngắn)
Tao Khang (truyện ngắn)
Phố ly hương (truyện ngắn)
Mặc áo soi gương (truyện ngắn)
Xanh như lá (truyện ngắn)
Hội thi hương (truyện ngắn)