Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.093
123.230.814
 
Thử tìm cách giảng bài văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc
Lê Xuân Lít

Hỏi: Bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc là một viên ngọc quý trong nền văn học Việt Nam, nhưng cũng thuộc loại bài khó và dài.

Nên giảng như thế nào: ngắn gọn mà vẫn đảm bảo yêu cầu?

 

Đáp: Bài này quả là khó. Có câu đến nay giới nghiên cứu phê bình vẫn chưa thống nhất một cách hiểu (xin bàn dịp khác). Với học sinh lại càng khó. Nếu các em không biết chuyện triều đình phong kiến nhà Nguyễn bắt lính nhằm vào hai loại người phạm tội: trộm cướp và trốn lính, làm sao các em hiểu câu: chẳng phải án cướp, án gian đày tới, mà vi binh (làm lính) đánh giặc cho can tâm; vốn không giữ thành, giữ lũy bỏ đi, mà hiệu lực theo quân cho đáng số. Nếu các em không hiểu hoàn cảnh lúc bấy giờ: giặc xâm phạm đất nước ta đã ba năm và đã có mặt nơi quê hương bản quán hơn mười tháng mà triều đình vẫn làm ngơ lại có ý (và sau này) hàng giặc thì không hiểu câu: Tiếng phong hạc (nghe tin giặc đến) phập phồng hơn mười tháng, trông tin quan như trời hạn trông mưa; mùi tinh chiên (tanh hôi) vấy vá đã ba năm, ghét thói mọi như nhà nông ghét cỏ.

 

Bài văn đã khó lại dài. Có thể tìm thấy ba cách giảng: theo bố cục văn tế (lung khởi, thích thực, ai điếu, ai vãn) - phân tích hình ảnh người nông dân nghĩa sĩ (thường các thầy cô giáo hay giảng theo cách này và ra đề tập làm văn cũng nhấn mạnh vào điều ấy) - đi vào vấn đề trung tâm của tác phẩm (đột phá nhất điểm rồi bung ra toàn bài). Cách giảng theo bố cục nếu không khéo bài giảng sẽ dông dài, vụn vặt. Đi vào hình ảnh người nghĩa sĩ nếu không mạnh tay ấn cũng dễ đi vào nhặt nhạnh, lắp ghép. Cách giảng thứ ba chúng tôi đã mạnh dạn đề xuất mong để thầy cô tham khảo.

 

Thầy cô chỉ đọc mà không giảng hai câu đầu (lung khởi). Đọc hay, diễn cảm, vừa xót thương vừa tự hào để gây ấn tượng.

 

Đột phá, giảng kỹ mấy câu trong phần thích thực. Phần giảng này cố gắng đi vào trung tâm vấn đề của bài văn tế: chuyện nghịch lý! (không đưa kết luận này từ đầu bài giảng mà nằm trong ý đồ sư phạm, phương hướng khai thác bài văn).

 

Những người nông dân tội nghiệp ấy chỉ biết côi cút làm ăn, toan lo nghèo khó họ chưa hề biết chuyện cung kiếm, luyện tập (chuẩn bị cho ý: thế mà họ đã đứng lên đánh giặc!). Tay họ quen làm: việc cuốc, việc cày, việc bừa, việc cấy làm sao họ dám nghĩ đến chuyện đánh nhau, chinh chiến. Quân sự chưa được tập tành, thậm chí mắt chưa từng ngó thế mà họ một lòng sống mái với kẻ thù!

 

Cứ thế; thầy cô cho các em tìm các chi tiết nghịch lý khác: Trách nhiệm (đáng lẽ đánh giặc giữ nước là việc của quan quân triều đình), hành động (đánh giặc cần rèn luyện, cần trang bị vũ khí, còn họ... ấy thế mà mã tà ma ní hồn kinh, cũng đốt xong nhà dạy đạo nọ... Đấy là chưa nói chuyện vì không được tập rèn nên họ chỉ đâm ngang, chém ngược, lấy tấm lòng yêu nước lo cho dân mà liều mình...) chuyện mất còn: chết mà tiếng vang như mõ, ưng đình miếu để thờ (ngược với bọn sống bán nước cầu vinh: chia rượu lạt, gặm bánh mì). Chết mà vẫn còn: linh hồn theo giúp cơ binh...

 

Dưới dạng thức: chẳng phải là... mà là

 

chẳng được... mà cũng...

 

Tất cả nghịch lý ấy vừa tỏ lòng thương tiếc, tôn vinh các liệt sĩ nghĩa quân vừa là lời kết tội bọn phong kiến nhà Nguyễn vô trách nhiệm, đầu hàng. Bài văn mang chất trữ tình lại bừng bừng, sắc nhọn tính chiến đấu. Cách giảng như vậy, nói theo các nhà quân sự gọi là đột phá nhất điểm phát triển toàn diện.

 

Trên đây chỉ là đề xuất, sự giảng dạy có trăm nghìn khó khăn, mong sao mỗi giờ giảng thầy cô giáo như hái được một đóa hoa đẹp sắc thơm hương.

Lê Xuân Lít
Số lần đọc: 4754
Ngày đăng: 19.01.2005
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Ook – Om –Bok Hay Sampeah Preah Khe của đồng bào Khmer ở Trà Vinh - Hồng Băng
Đi tìm - Võ Tấn Cường
Văn xuôi ĐBSCL qua cái nhìn của những người trong cuộc - Trương Trọng Nghĩa
Có một loài rau dân dã - Nhật Linh
Hành trình cây khóm - Nhật Linh
Sóng Trắng - Lê Ái Siêm
Cà Mau và hạt ngọc phù sa - Lê Tương Ứng
Chùa cổ Tiên Châu - Trần Thành Trung
Đặt trúm ở rừng U Minh - Phan Trung Nghĩa
Đọc “Diện mạo văn học dân gian Nam bộ” của Nguyễn Văn Hầu - Nguyễn Viết Chung