Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.181
123.219.206
 
Văn Hiến Nền Tảng Của Minh Triết – 7-1
Nguyễn Đăng Trúc

II .2- Truyện Dưa Hấu

Hùng Vương của truyện Bánh Chưng là tượng trưng tiên thiên của niềm tin và hy vọng. Hùng Vương trong truyện Dưa Hấu lại là tượng trưng của một thực tại con người lịch sử, xã hội lạc lầm đang chiến đấu để hoàn thành. Hai câu truyện đều được đưa vào phần kết, gợi lên hai khả thể và cũng hai thực tại nơi nhân sinh.

 

     Phần dẫn nhập 

   Phần nầy có hai yếu tố :

- Yếu tố đầu mô tả tình trạng sa sút của hiện sinh đã biến thành những quái vật.

- Yếu tố thứ hai là câu nói nghịch thường, hầu như là phi lý, phi nghĩa qua phát biểu của Mai An Tiêm.

Đặc điểm chung là ở mỗi yếu tố đó hàm ngụ một tình trạng dị dạng, như lối diễn tả của thi hào Hölderlin trong bài ca ngợi Đại Ký Ức (Mnémosyne) :

"Chúng ta là một quái vật dị dạng thiếu sức sống (sens).

Ở ngoài nổi khổ đau

Và hầu như đã mất

Tiếng nói của mình nơi vùng xa lạ..."

Quái vật, hay dị dạng vì mỗi chi tiết nêu lên hàm ngụ một tình trạng tương tranh như hình thù một giống vật hai đầu.

Nhìn từ "xứ lạ", nơi đã mất hết lời nói chân thật, nơi chỉ có làm (Tài), thì các sự kiện nêu lên là một sự bình thường, nếu không nói là một điều may mắn, hạnh phúc nữa : "Chuyện một đứa trẻ, bơ vơ, nghèo nàn lạc vào xứ ta, may được Vua Hùng cho về làm tôi tớ, làm quan...". Một câu chuyện diễn tả những điều may mắn, một điều ai cũng ước ao như trúng số hay câu truyện  thiếu nữ lọ lem gặp được hoàng tử. Nhưng Lĩnh Nam Chích Quái lại thấy đó là một tình trạng nguy nan và bất hạnh.

Mai An Tiêm cưu mang hai tình cảnh :

Mai         : là chết, mất hết sự sống (mai một)

An Tiêm : hay an tiềm là sức sống còn đó, nhưng ẩn giấu, bị che khuất

Ai làm cho chết ? Là cuộc sống của con người xã hội mà Hùng Vương ở đây là tượng trưng cho khung cảnh đó : An Tiêm được mô tả như đồ vật đem ra buôn bán do thuyền buôn chở, người ngoại quốc (ở đây có nghĩa là bị biến thể thành một thứ đồ vật xa lạ) vua mua về làm đầy tớ.

Thế mà An Tiêm đó vốn là người :

bảy tuổi : số bảy tượng trưng cho đỉnh cao của sự tiến hoá Đất Trời, là nhân vị hoàn thành. (Xem phân tích ý nghĩa số bảy ngày trong truyện Âu Cơ sinh con, truyện Hồng Bàng Thị trên đây).

Diện mạo đoan chính, nhớ biết nhiều chuyện nay được đánh giá là món hàng đem bán : Vua mua để dùng và sai bảo.

Nhưng An Tiên được đánh giá là đồ vật vua dùng nay trở thành quái vật có đủ của cải, huyền uy đánh ngã cả tước vị của vua.

"dần dần Yển thành phú quí, ai ai cũng mến phục, và chen nhau đến dâng lễ vật không gì là không có".

Thế giới chỉ còn là của cải vật chất và quái vật, rõ rệt rằng nơi đây không còn là nơi cư ngụ cho cho Đất - Trời - Người.

Tình trạng đầy ứ đồ vật đó, tác giả gọi là Yển, tên gọi mới của Mai An Tiêm khi rơi vào thế giới của Hùng Vương nầy.

 Nhưng bên cạnh Yển kiêu căng bị giam mình vào vòng điên đảo của thế giới của Hùng Vương, còn có Yển với một ý nghĩa khác trong câu nói không đầu không đuôi, vượt ra ngoài qui luật do chính vua nầy tiên liệu :

"Của cải nầy là vật tiền thân của ta, ta không trông nhờ vào ơn chúa".

Yển theo nghĩa ngầm nầy tượng trưng cho thái độ ngạo đời, phủ định qui luật của xã hội suy thoái, mất hồn.

Vấn đề đặt ra cho chúng ta là do từ đâu phát sinh ra sự phủ định nầy. Có phải rằng chính nơi tình trạng phú quí, nghĩa là một giai đoạn tiến bộ dư tràn của vật chất, tự mình chuyển qua một cảnh giới khác không ? Câu hỏi nầy được đặt ra một cách khác trong bối cảnh của một loại chủ thuyết khá thịnh hành ngày nay là xét xem đây có phải là manh nha cho duy vật biện chứng pháp hay không ? Đà tiến hoá tự nhiên phải chăng có khả năng tự phủ-định nơi mình để tự-chuyển-biến và tự-thăng-tiến qua từng giai đọan tiến hoá hay không?

Ta thấy phủ định hàm ngụ lúc ban đầu chính là con người đã bị từ chối là người để biến thành đồ vật, món hàng trao đổi. Và đến câu nói thứ hai nầy lại là một sự phủ định thứ hai. Chỉ đọc hời hợt đến đây ta thấy dường như có tiến trình tiến hoá đường thẳng như thế. Nhìn vào lịch sử đổi thay, sau mỗi lần chinh chiến tang thương, dường như nhân loại tiếp tục tiến bộ hơn lên trong mọi mặt. Trong truyện Kiều, ta cũng thấy sau mỗi lần gian truân Kiều lại biến qua cảnh đời khác; và nếu xét xem tình cảnh bị bán vào lầu xanh của Tú Bà đến vai vế làm vợ của Từ Hải, ta dễ đi đến kết luận đây hẳn là con đường tiến bộ rõ rệt của hành trình xây dựng cuộc đời của Kiều. Lĩnh Nam Chích Quái và Truyện Kiều của Nguyễn Du không hề phi bác hiện tượng nầy. Từ thân phận làm đầy tớ, nay Mai Yển đã có quyền uy phú quí trong triều đình Hùng Vương. Nhưng sự diễn tả tình trạng bên ngoài của xã hội đó không phải là ưu tư chính và thiết yếu của câu truyện, chưa nói đến ngụ ý của tác giả đánh giá rằng những điều gọi là tiến hoá đó chỉ là trò đùa giả ảo, tiêu cực. Phủ định lúc ban đầu, không những không hàm ngụ sự biến hoá đầu tiên của thiên nhiên như một bước tiến tích cực, mà chỉ muốn nêu lên một tình trạng suy thoái của nhân tính.

Ở đây không có một ưu tư nào truy nguyên hay mô tả khả năng của sự vật hay vũ trụ thiên nhiên, nhưng chỉ nhằm một thao thức duy nhất là nhân tính. Phủ định nầy đã từng được mô tả trong truyện Đổng Thiên Vương, là một khả tính, một nét của tự do, nơi nhân tính qua tượng trưng là Ân Vương.

Phủ định thứ hai chuyển từ của cải đến tiền thân của ta gợi lên nhiều nội dung đáng lưu ý : đây không phải tiến về đàng trước, tiến hoá, nhưng là trở về.

Phủ định nầy là sự phủ định toàn khối thế giới trước mắt, nhằm xoá bỏ đi, có thể gọi là sự nhảy vọt, bước ra khỏi. Điểm tựa của phủ định nầy, hay tiềm năng phủ định toàn khối đó nằm nơi An Tiêm hay An Tiềm, là một dấu tích còn lại của nhân tính nguyên sơ bất chấp sự bạo hành của thế giới nhân vi. Sách Sáng Thế mô tả dấu tích đó như sau :

Cain đã giết em mình và rước lấy hậu quả là xa Trời, xa Đất, sợ bóng Người :

"Ngài xem, nay Ngài đã đuổi tôi ra khỏi vùng đất phì nhiêu, tôi sẽ phải ẩn mình xa mặt Ngài và sẽ lưu lạc bơ vơ trên đất; nhưng người ta gặp thấy tôi sẽ giết tôi mất!"

Giavê trả lời cho Cain :

"Hễ ai giết Cain, người ta sẽ trả thù cho nó bảy lần và Gia-vê ghi một dấu tích trên người Cain để người nào có gặp nó thì không giết nó " (St. 4, 14-15).

Dấu tích đó là An Tiêm, nhân tính ẩn kín nơi con người, có khả năng phủ định khi gặp nguy cơ, như câu nói của Hölderlin :

 "Nhưng nơi đâu có nguy cơ, thì ở đó cũng nảy sinh điều cứu độ"  103.

Tuy thế, thấy được nguy cơ để có thể phủ định không nảy sinh từ nơi thế giới tạo ra nguy cơ, mà trào vọt lên từ sức mạnh của tiền thân. Lĩnh Nam Chích Quái xác định như thế qua câu nói tiêu cực : "Ta không từng trông nhờ vào ơn Vua Hùng Vương".

 

    Phần hai 

Hùng Vương nghe được, cả giận và đày ải Mai Yển

Thân phận của chân lý, của Minh Triết là thân phận của Mai Yển, của Tiên Dung Công Chúa, chịu sự ghét bỏ, đày ải của các vua Hùng Vương tượng trưng cho xã hội mê lầm. Minh Triết không là tiếng nói của đa số, cũng không hứa hẹn sẽ ích dụng cho cuộc sống theo mẫu mực đánh giá thông thường.

Trong hai bản văn Truyện Đầm Nhất Dạ, cũng như Truyện Dưa Hấu nầy, điều thiết yếu của Minh Triết cũng không phải nhằm bênh vực hay phê bác một nề nếp tổ chức xã hội, gia đình có sẵn được tôn vinh là truyền thống. Nhưng ở đây cũng như trong truyện Gióp của Thánh kinh Do Thái, tác giả nêu lên yêu sách của sự khôn ngoan hay Minh Triết là nỗi khắc khoải về phần hồn tức là sự sống bên trong làm nền tảng cho ngôi nhà sinh hoạt của con người và xã hội. Đặt vấn đề,  gợi lên yêu sách đó mà thôi đã là một điều làm cho con người khó chịu.

Các người bạn của Gióp lo ngại rằng yêu sách của Gióp sẽ làm lung lay truyền thống tôn giáo của cha ông, đi ngược lại sự khôn ngoan của kẻ lão thành, tài trí. Ở đây, vua Hùng nêu lên tính cách vô đạo của Mai Yển theo mẫu mực truyền thống, tính cách phi lý, thiếu kinh nghiệm, thiếu thực tế của lời nói ngược đời của ông. Nói tóm lại, chân lý xuất lộ ra như một cái khác đối với tất cả các nền móng con người đã tự xây lên qua lịch sử.

Cái khác nầy làm Vua Hùng Vương choáng váng và tức giận. Nhưng sự kiện không dừng ở thái độ dị ứng đó. Vua Hùng thách thức Chân lý dựa trên những tiêu chuẩn giá trị của mình. Tiêu chuẩn đó là đẩy xa Mai Yển vào sống trơ trọi trên bãi cát cạnh biển Nga Sơn (Nga là chỗ không người). Mai Yển sẽ không còn quyền uy với ai nữa, không có người úy phục và dâng lễ vật. Tiêu chuẩn thứ hai là giới hạn lương thực. Chân lý không đem lại cơm gạo; và sự chết thể xác sẽ là chứng cớ phi bác chân lý. Người vợ của Mai Yển không quá quắt như vợ của Gióp để trách móc, khinh bỉ và nguyền rủa Mai Yển về niềm tin của ông, nhưng được nêu lên như sự thách thức của nỗi cô đơn : bà đi theo ông nhưng lòng của bà đang vọng về những tiêu chuẩn của thế giới vua Hùng Vương. Mai Yển như bị tước mất tất cả, cô đơn, chỉ còn ấn tích nhân tính ghi khắc trên mình.

Và đến lúc nầy, ấn tích đó bất chấp thử thách, lên tiếng : "Trời sinh thì trời dưỡng, có lo gì !"

Thường đi trước hai động từ sinh - dưỡng, truyền thống ngôn ngữ ta thường dùng các thành ngữ : Trời sinh; đất dưỡng cha sinh, mẹ dưỡng. Ở đây, tác giả Lĩnh Nam Chích Quái lại dùng đến hai lần trời. Kỳ thực, tất cả những lối dùng chữ nầy chỉ nhằm gợi lên một nền tảng vượt quá sức lãnh hội của khả năng hữu hạn. Đất,Trời, Cha, Mẹ gợi lên hình ảnh một cái gì Trên Trước, không do mình tự làm ra. Nên Trời đây nghĩa là: Một sự gần gũi của một thực thể ẩn giấu. Chứng nghiệm thực thể nầy như kèm theo một sự phủ định rằng không vật nào hiện diện trước mắt, trong trí tưởng tượng của con người là chân trời đó cả; do đó hầu như mọi ngôn ngữ trong nhân loại đều dùng lối nói tiêu cực (phủ định) để gợi lên Thực Thể Trên Trước nền tảng nầy: như Vô-cùng Vô-tận, Vô đối...

Có lo : khi xác định rằng tiền thân là nơi cư ngụ của Trời, nơi mở ra một Nền Tảng Trên Trước, thì Mai Yển giải toả được mối lo.

Lo, nếu đọc bản văn trong khuôn khổ mô tả tâm lý với các sự kiện làm đối tượng cho ngành khoa học mang tên nầy, thì ta hiểu Mai Yển đạt tới tình trạng vô cảm (ataraxie), buông thả, phó mặc, và trên mặt đạo đức có thể gọi là một thái độ vị kỷ, vô trách nhiệm.

Một Vũ Quỳnh muốn ghi lại những ấn tích cao cả trong lòng người làm cương thường cho cuộc sống con người và xã hội, hẳn không thể đề cao một nhân vật Mai An Tiêm liệt nhược tâm lý và tắc trách như thế !

Lĩnh Nam Chích Quái nêu lên hai nội dung của hiện sinh liên quan đến chữ lo.

Trong Truyện Bánh Chưng, nhân vật chính cưu mang giá trị tích cực của Lĩnh Nam Chích Quái lại có tên là Lang Liệu (người biết lo).

Lo trong khung cảnh của truyện Bánh Chưng là nét đặc trưng của con người tại thế, biểu lộ sức linh hoạt của nhân tính còn gọi là thời tính. Thánh Augustinô nhìn lại hiện sinh của mình và thấy sống thực theo đúng bản tính chân thật là lo, là sự bất an "cor inquietum". Vào thế kỷ 20 (năm 1927), Martin Heidegger đã đặt nổi nội dung nầy như là khả tính hữu thể toàn diện của Dasein (hữu thể tại thế) và là ý nghĩa của thời tính 104.

"Cấu trúc của lo được hiểu trọn vẹn hàm chứa hiện tượng của hữu thể gọi là ngã" 105.

Nhận thức thông thường của chúng ta, được xác minh bởi quan điểm chung của triết học truyền thống, luôn cho rằng  khởi nguyên mọi sinh hoạt đều phát xuất và xây dựng trên một nền tảng bền vững đó là cái "tôi". Chẳng hạn câu nói thời danh của Descartes : "tôi suy tư, vậy tôi hiện hữu..."

Nhưng, theo Heidegger, thì nội dung ta có về cái tôi đó không phải uyên nguyên như thế, mà là kết quả của một hình thái biểu lộ của Dasein gắn liền với thời tính của nó :

"Ưu lo không cần một ngã tự tại làm nên, nhưng chính sự mở ra của nhân tính (existentialité) được hiểu là cơ cấu của ưu lo đem lại cho Dasein cơ sở hữu thể học về sự thường tại của tự ngã..."106.

Nói theo ngôn ngữ nhà Phật, ngã tự tại vốn là sản phẩm của dục, chuyển khổ nguyên sơ hay cảm thức thiếu vắng thành ước muốn một cái gì trong tầm tay (Karma).dụchành, đó là cơ sở của ngã tự tại.

Nhưng nhân tính trong thời gian được đồng hoá với ngã tự tại không diệt tận căn nỗi thiếu vắng nguyên sơ về một chân trời khác lạ, và như ta thấy ở phần dẫn nhập có lúc Mai Yển hốt nhiên lên tiếng nói ngược đời. Heidegger dùng một lối diễn tả khác, khi dùng chữ khả tính nghe của thời tính (possibilité de l'écoute de la part de la temporellité)  gắn liền với nhân tính. Nghe là nghe âm vọng của hữu thể (être) qua cảm thức về một nỗi lo không có phương thức cứu chữa được, nỗi lo đó có tên là khắc khoải.

"Trong nỗi khắc khoải trước cái chết, Dasein bị đặt mình đối diện với chính mình trong tình cảnh phải bước vào một khả tính không vượt qua được"107.

Ngã tự tại không chịu nổi cảm thức phi lý của hữu hạn tính, của cái chết không thể né tránh, như một hố thẳm trước mắt mà mình đang lao đầu xuống. Và chính vì nghe được âm vọng nầy, nên cái khác mà con người thèm, thiếu có thể xuất hiện ra trong ngôn ngữ phủ định: một mặt ý thức hữu hạn tính được nhận ra, mặt khác hữu thể cũng được lắng nghe như cái bên trong, cái chưa thấy được, cái không phải là cái gì bất kỳ nơi khả năng của nhân tính hữu hạn.

Và cũng chính vì lắng nghe âm vọng nầy, mà Minh Triết cũng mãi luôn mặc lấy một lối diễn tả tượng trưng, một loại huyền thoại.

Đến đây ta thấy Lang Liệu cưu mang nỗi lo, nỗi khắc khoải phải đối điện với một nghĩa vụ mà mình không thể tránh né, nhưng tự sức mình và kể cả khả năng xã hội chung quanh mình không giải quyết được.

Còn nội dung chữ lo trong câu nói của Mai Yển là tình cảnh bận rộn, ưu tư có cái nầy hay làm cái khác của thế giới Ngã tự tại. Mai Yển không còn lo gì, có nghĩa là vượt qua được cái gốc, cái nghiệp của Tài trong truyện Kiều. Thánh Augustinô diễn tả việc gặp, "ngộ", là khởi điểm của tình yêu. Và đã yêu rồi, thì không còn lo, không còn lao khổ, mà nếu có lao khổ, thì lao khổ trong yêu thương.

 

     Phần ba

Đón nhận lương thực từ trời.

Truyện Hồng Bàng Thị đã nêu lên con người nguyên thủy của dân tộc là Lộc-Tục.  Lộc là ơn trời, của ăn không do bàn tay của con người làm ra. Ta có hình ảnh tượng trưng đó trong tập tục ngày đầu năm hái lộc : Tượng trưng đi tìm nguồn sống mới, khai nguyên một thời mới đầy hứa hẹn đem lại hạnh phúc cho năm sắp đến. Sách Sáng Thế Do Thái gọi ân lộc nầy là thánh thần, hơi thở của Gia vê Thiên Chúa thổi vào bùn đất làm nên sinh lực tạo nên nhân tính. Trong Sách Xuất Hành, khi dân Do Thái ra khỏi Ai cập và vượt sa mạc đi về vùng đất hứa, Giavê Thiên Chúa nuôi dân bằng bánh từ trời :

"Từ Elim, họ lại lên đường, và cả cộng đồng con cái Israel đến sa mạc Sin ở giữa Elim và Sinai vào ngày thứ 15 của tháng thứ hai sau khi họ đi ra khỏi xứ Ai cập...Gia vê nói với Maisen : "Ta sẽ làm mưa bánh từ trời xuống cho các ngươi. Dân chúng đi ra khỏi lều và lượm được phần bánh mỗi ngày của họ, từ ngày nầy qua ngày khác" (Xh. 16, 1 và 4).

Tương quan con người với thần thánh, tước vị cao cả thường đi đôi với một loại lương thực khác thường, đặc biệt : Ta thấy ý nghĩa đó được tượng trưng qua việc ăn của dâng cúng Trời - Đất, tổ tiên, hoặc qua một loại lương thực đặc biệt (khởi thuỷ của Roma là hai anh em khai quốc Remus và Romulus uống sữa sói rừng để sống...). Các nền văn hoá cũng cô đọng nét đặc trưng của cuộc sống nhân tính qua tượng trưng là cây : Minh Triết Tây phương lấy biểu tượng của nhân tính qua cây hiểu biết, và cũng một biểu tượng đó Kinh Thánh Do Thái gợi lên cuộc sống con người như một cuộc vật lộn của tự do:

"Chúng tôi có thể ăn trái cây của các trái trong vườn. Nhưng trái của cây giữa vườn, Thiên Chúa đã nói : Các ngươi đừng ăn, các ngươi đừng đụng đến nếu không, sẽ phải chết" (St 3, 2-3).

Trái ở giữa vườn, sự sống nối kết với Thần Thánh, làm cho con người thành "Linh ư vạn vật",  gần với con người, nhưng con người không đụng đến được, sách Kinh Thượng Thu Trung hoa gọi là Tâm Duy Vi : gần nhưng thật xa. Thường ta hay gọi là trái cấm, hàm ngụ sự thèm muốn đạt cho được, nhưng không có phép đụng đến. Vì thế những nơi thờ tự linh thiêng, các nền văn hoá cũng gọi là vùng cấm địa. Kẻ muốn đến gần phải là người mang một sứ mạng thiêng liêng, như là một sứ giả của Thần Minh. Nói cách khác tiếp cận được vùng cấm địa được xem là một ân huệ đặc biệt. Khi xem trái cấm nầy như bao trái khác trong vườn thì gọi là tội "phạm thánh", làm biến thể bản chất của hành vi và tục hoá thần thánh. Sách Sáng Thế gọi đó là sự chết, khi chuyển "nguồn linh ư vạn vật", khả tính nối kết Đất - Trời - Người thành một loại phê phán nhận thức tốt - xấu theo sức hữu hạn của chính mình.

Ở đây, tiếp theo câu nói "Trời sinh, trời dưỡng" của Mai An Tiêm, tác giả Lĩnh Nam Chích Quái không vận dụng tâm thức tôn giáo về ý niệm "cấm", nhưng dùng một lối nói thi ca gợi lên một khung cảnh khác, lạ, bất ngờ, vụt xảy đến .

Của ăn lạ ấy không gì hơn là trái dưa, một hình ảnh thông thường của cuộc sống, cũng như trước đây là chiếc bánh chưng, bánh dày. Lối dùng biểu tượng đơn sơ, bình dị như thế gợi lên nét cao cả của con người không phải là tìm tòi những cái gì quái lạ, nhưng là niềm tin vào sự cao cả ở gần với mỗi giây phút thường ngày của đời người.

Nhưng gần mà thật xa, vì cao cả không phải là sự kiện bên ngoài, mà phát xuất từ cái ẩn giấu bên trong. Trong một câu, tác giả đưa ra những chi tiết về thời gian, không gian tượng trưng cho sự xa cách của nguồn gốc cao cả đó :

bỗng thấy một con bạch hạc từ phương Tây bay lại, đậu lên một mõm núi cao.

bỗng thấy : là sự xuất hiện bất ngờ, ngoài tiên liệu, dự trù, tính toán hằng ngày.

con bạch hạc : con chim màu trắng, gợi lên cảnh vực vượt lên trên đất và uyên nguyên.

phương Tây : theo địa lý Việt Nam, phương Tây là núi

núi cao : núi là tượng trưng nơi cư ngụ và quyền uy thần thánh, một hình ảnh quen thuộc của tất cả các nền văn hoá để chỉ về cảnh vực siêu nhiên.

Từ trên trời cao, hạt dưa rơi xuống cát, đâm chồi nẩy lộc...nhiều không kể xiết.

Trời gieo hạt, và cát tiếp nhận để cây đâm chồi, nẩy lộc và cho trái dư đầy.

Cát của vùng Nga Sơn, đất uyên nguyên chưa có dấu chân người. Cũng như trước đây ta thấy Công Chúa Tiên Dung và Chử Đồng Tử vui sống cảnh thái hoà nơi vùng đất gọi là Hà Loã, vùng đất còn tinh nguyên, trong trắng tiếp nhận niềm yêu thương do trời giao kết với con người. Tục như đám đất chưa từng trồng trọt xin vâng tiếp nhận Lộc từ trời để Lộc lớn lên sinh hoa trái và hoàn thành con người mẫu là Lộc-Tục, thánh tổ của giống nòi con người theo vương đạo.

Nhìn thấy sự việc, An Tiêm mừng rỡ. Trong truyện Bánh Dày-Bánh Chưng, khi nghe được sứ điệp của thần nhân trong giấc mộng, tỉnh dậy Lang Liệu mừng. Ở đây An Tiêm cũng nhảy mừng. Tiếp cận với lương thực từ trời, nghe được âm vọng của Tâm Duy Vi, cuộc sống của con người trở thành một ngày đại lễ, một sự hoan lạc. Và chính đây là nét cao cả, nét đẹp của văn hoá, sứ điệp của niềm vui và hy vọng; sứ điệp đó đã được gợi lên trong tên gọi Lạc Long Quân.

Minh Triết có thể là quái lạ, là tiếng nói nghịch đời tưởng chừng như điên dại, nhưng An Tiêm lại nói :

 "đây đâu phải là quái lạ, đó là trời cho để nuôi ta đó".

An Tiêm ăn dưa, thấy ngon và tinh thần sảng khoái; ông liên tục gieo vãi thêm, nuôi vợ con, và đem phân phối cho khách chài lưới.

Của trời ban là của ăn làm tinh thần sảng khoái. Cũng như Bánh Dày, Bánh Chưng ăn không chán, ở đây trái dưa làm sung mãn cuộc sống tinh thần.

Từ sáu bảy hạt dưa lúc ban đầu nay con người tham dự với việc của trời, tiếp tục gieo vãi không ngừng, để ân lộc của trời nhờ nổ lực của con người nuôi sống muôn dân. Lương thực phân chia đó được gọi là Tây qua, trái dưa đến từ Núi. Phân chia được với người vì thành quả công việc con người làm vốn là của trời gieo xuống cho mọi người. Mọi người không những hưởng của kẻ khác, của trời cho mà còn bắt chước gieo trồng.

Tác giả lại dùng chữ bắt chước làm như đã dùng chữ bắt chước việc Trời - Đất trong truyện Bánh Chưng. Khổng Tử gọi là thuật lại mà không tự làm ra. Nhưng truyền thống văn hoá được bảo tồn và phát huy không phải chỉ là bắt chước theo nghĩa lặp lại một tập quán, nhưng vun trồng (culture) theo một quá trình Mẫu có tính cách tượng trưng của Mai An Tiêm. Mỗi một lần gieo trồng hàm ngụ một khởi nguyên bất ngờ, một khám phá kỳ diệu mở ra những tương giao Đất - Trời - Người phong phú, mới mẻ. Truyền thống đó sinh động được như thế vì mẫu mực nầy vốn là một tượng trưng, một huyền sử thế giới của niềm tin và hy vọng, khi Minh Triết còn được hiểu theo nguyên nghĩa là yêu, thèm sự khôn ngoan (philo-sophia) gợi lên thân phận của một nhân loại đang trên đường lữ hành.

Nơi thế giới mà An Tiêm tin và hy vọng mở ra sau khi tiếp nhận của ăn từ trời, con người sẽ chia sẽ với nhau các mối tương giao của nhân tính trọn vẹn, nhận ra nhau là người thật và liên đới giúp mỗi người phát huy nhân tính cao cả riêng của mình. Thế giới đó không phải là sử, nghĩa là đã xảy ra, nhưng cũng không phải là một ảo tưởng vu vơ. Nó là huyền sử, nghĩa là một dấu tích của một sự thèm khát sâu kín mà con người tiếp nhận được như một ân lộc để ngày ngày hoàn thành nhân tính cao cả của mình.

Huyền sử tiên đoán những khám phá mới mẻ, thúc bách con người vượt qua những lần dừng chân giả tạo của lịch sử và những xác quyết ngây thơ của các ý thức hệ, sản phẩm của trí tưởng tượng của con người. Huyền sử ghi dấu niềm tin về sự cao cả không lường được của nhân tính, đồng thời phản ảnh trình độ trưởng thành khi nhận ra hữu hạn tính của thân phận con người như một ân lộc để mở ra và tôn trọng kẻ khác, phát huy những mối tương giao chân thật. Minh Triết là huyền sử khi Minh Triết có nghĩa là lòng khiêm tốn; nhưng điều kỳ lạ là chữ nầy, tâm tình nầy đã vắng bóng từ lâu trong các truyền thống triết học !

Tây phương đã khai triển ngang dọc câu sấm ngôn của các đồng nữ nói với Socrate : "người ơi hãy tự biết mình", nhưng lời tự thú của Socrate khi nhìn vào sự hữu hạn mình và thấy mình ngu dốt, thì truyền thống đó lãng quên. Socrate đã được tôn làm thầy ở câu đầu, như một kẻ đồng loã với nhóm ngụy biện trong câu châm ngôn : con người là thước đo vạn vật; nhưng kỳ thực chính vì Socrate đã truyền sự khiêm tốn cho giới trẻ đi theo ông tìm chân lý mà ông bị nhóm ngụy biện nầy kết án tử. Khổng Tử được tôn làm thầy tưởng chừng như là kẻ dạy các lễ nghi, viết sách dạy học trò làm quan, làm vua..., kỳ thực con người tài ba đó chỉ nói mình truyền lại Đạo mà không sáng tác, Đạo mà bậc thánh nhân còn bất cập. Phải chăng vì yếu tính của Minh Triết được nhận ra là lòng khiêm tốn, nên đạo của ông truyền còn gọi là Đạo nho, đạo của kẻ khiêm nhường. Đức Phật đã không gợi lên cho thấy con đường tự mình tìm đạo là con đường bế tắc hay sao. Dự phóng cho rằng con đường giải thoát là khắc khổ, là tìm các kỹ thuật tu luyện để kết hợp với Trời - Đất trong giai đoạn đầu, không khác gì việc làm của ông Phêrô, Gioan và bạn bè: "Đêm đó, họ không bắt được gì cả" (Gioan. 21, 3). Và Tất Đạt Đa đã thành Phật khi gặp. Đây là bài học khiêm tốn nổi bật của con người muốn tìm gặp nhân tính nguyên sơ của mình.

Và chính vì nêu cao sự khiêm tốn là sức mạnh của Minh Triết, nên tác giả Linh Nam Chích Quái ghi rằng Hùng Vương lúc ban đầu tượng trưng cho một xã hội giả tạo, vô đạo, từng biến con người thành con vật trao đổi mua bán, cuối cùng vì biết lỗi của mình nên tìm lại được nhân tính.

Hùng Vương nhớ đến An Tiêm, nghe được câu truyện Dưa Hấu thì hối lỗi :

"Nó bảo là vật tiền thân của nó, thực là không nói dối vậy"

Xem ra vua Hùng Vương thua cuộc, nhưng kỳ thực ông đã thắng. Thắng lợi của ông là ông khiêm tốn để chân lý thắng con người mình. Nhưng chân lý vẫn cần một An Tiêm để thức tỉnh một Hùng Vương.

Trong toàn câu truyện Dưa Hấu, cũng như trong các câu truyện khác, chân lý được khám phá, được thực hiện, luôn là nỗ lực chung của tình liên đới giữa các con người với nhau. Không có triết gia cô đơn ở trong Lĩnh Nam Chích Quái.

Kết cục truyện nầy là sự trở về của An Tiêm trong cuộc sống bình nhật, như Kiều kết cục trở về với mái ấm gia đình.

Ý nghĩa của phần kết là ý nghĩa của vị thế văn hoá trong cuộc sống. Sự kiện bên ngoài của xã hội trước khi An Tiêm bị đày và sau khi An Tiêm trở về dường như không có gì khác nhau. Nhưng từ con mắt kẻ đã ngộ, của ánh sáng văn hoá, xã hội ban đầu là một xã hội vô đạo, vắng bóng Trời - Đất - Thần - Người, xã hội sau nầy là cõi nhân sinh chân thực. Chi tiết để gợi lên nét khác biệt căn cơ đó là câu :

"đến nay còn lấy tây qua tôn phụng tổ khảo mà tế tự"

Đây là tượng trưng của một xã hội kết hợp được Lộc và Tục, ngày ngày ân cần gìn giữ Đạo Tâm, tiếp nhận của ăn từ trời (tây qua : dưa từ trên núi).

Về mặt văn chương, truyện Dưa Hấu cũng như  câu truyện Phù Đổng Thiên Vương trước đây minh chứng tài năng lão luyện của tác giã Lĩnh Nam Chích Quái.

Các sự kiện được xếp đặt liên tục, hầu như không có chi tiết nào thừa, vừa vẽ ra nhiều hình ảnh linh hoạt nhưng vừa hàm ngụ những ý tưởng súc tích liên hệ đối xứng với nhau.

Ba câu nói của An Tiêm nêu lên :

- Của cải nầy là vật tiền thân của ta, ta không từng trông nhờ vào ơn Chúa.

- Trời đã sanh thì trời phải dưỡng, có lo gì ?

          - Đây đâu phải là quái vật, đó là trời cho để nuôi ta đó.

 

diễn tả con đường thực chứng dần hồi của kẻ ngộ đạo :

 

-          Giai đoạn nhìn vào mình, hoài nghi về giá trị của thế giới giả ảo bên ngoài.

-          Nhận ra một sự hiện diện cao cả khác nơi mình, và tin tưởng, hy vọng.

-          Xác minh sức sống của nhân tính khi tiếp nhận và thực thi mối tương giao với Đất - Trời - Người.

Hai câu nói của Hùng Vương lại diễn tả thái độ của xã hội trước sự hiện diện và sức mạnh của Minh Triết.

-          Giai đoạn đầu là sự đánh giá tiêu cực, thử thách, đầy ải.

-          Giai doạn sau là sự đón nhận một cách khiêm tốn.

-           

III- ‘ Thù đồ nhi đồng quy, bách lự nhi nhất trí ’ 108

Sau khi phân tích ý nghĩa của hai truyện Bánh Chưng và Dưa Hấu đã được Vũ Quỳnh xếp lại làm phần kết của quyển nhất tác phẩm Lĩnh Nam Chích Quái, ta thấy kỳ cùng chỉ có một điều thiết yếu là hữu thể con người, dù tên gọi tượng trưng có thể tùy lúc, tùy khung cảnh được biểu lộ khác nhau như Đạo, Vương Đạo, Thiên tính, Nhân tính, Chân tính...

Đọc toàn bộ truyện Bánh Chưng ta có thể thấy hữu thể con người được trình bày tương hợp với trực giác về "Thiên mệnh chi vị tính" của sách Trung Dung : bầu khí văn hoá cảm nhận cái tích cực và "đi bước trước" của hữu thể (Être), của Đạo. Lối trình bày nầy gọi là khởi từ "hữu vi" của Đạo và do từ nơi Đạo.

Truyện Dưa Hấu, trong một bối cảnh khác, nhìn từ hiện sinh (Existence) thực tế và sa sẩy của con người, thì hữu thể con người, Đạo thường xuất hiện ra như "Cái không phải là", sự vắng bóng (Absence), hay phủ định toàn bộ các hình ảnh của nhân vi; sách Đạo Đức Kinh gọi là "Đạo Vô Vi" qua câu mở đầu sách nầy :

"Đạo khả đạo phi Thường Đạo"  109

Nhìn từ trong khung cảnh giả ảo của xã hội nhân vi, hủ nho đã hiểu hữu vi là nói bàn tay con người phải động, con người phải học hành mong ra làm quan...; và cũng tự giam mình trong khuôn chấp của"Đạo khả đạo" mà Phái Tân Lão đã thực hiện "vô vi" bằng cách sống bên lề xã hội, đi tìm bùa phép ma thuật, tu tiên trên núi, say sưa phóng túng, quên đời...

Lĩnh Nam Chích Quái hiểu hữu vi như là việc làm mở ra của Đạo, và vô vi là sự rút lui của Đạo. Mở ra nhưng mở ra trong đêm nghĩa là đồng thời từ khước "ngày" của con người.

Và rút lui cũng là mở ra hiện diện trong âm vọng của sự phủ định. Nếu Đạo không phủ định, không xuất hiện ra với con người qua cảm thức Vắng Đạo, Thiếu Đạo, thì đó là sự chết vĩnh viễn, sự tràn lan đáng ngại của sa mạc hết sinh lực phục hồi.

Hai lối cảm nhận Đạo, hữu vi của Đạo trong Bánh Chưng và vô vi của Đạo trong Dưa Hấu cũng chỉ là một Đạo duy nhất nơi Lộc Tục, hữu thể trọn vẹn của con người tại thế.

Ta tưởng chừng đây là hai câu truyện rời rạc, vô tình được sắp xếp gần nhau, nhưng từ hình thức hành văn đến sự nhất quán của tư tưởng, chúng chỉ là một phần kết.

Phần kết đó mở ra nơi cảnh thái bình nguyên sơ ở phần dẫn nhập của câu truyện Bánh Chưng và kết vào cảnh thái hoà trong câu kết của truyện Dưa Hấu.

Phần hữu vi của Đạo trong truyện đầu tiên đoán một sự lạm dụng Đạo từ phía con người, nghĩa là tiên đoán phần vô vi của Đạo trong phần đầu của truyện hai: Việc tiên đoán đó ở câu cuối phần kết truyện một, như một cái cầu làm cho hai truyện thành một phần kết duy nhất.

"về sau, họ tranh nhau làm trưởng, mỗi người dựng mộc sách để che kín..."

Đạo luôn mở ra nhưng con người có tự do để từ khước Đạo, và xây những hố, những mộc sách cắt đứt các mối tương quan. Và tiếp đến là phần đầu truyện Dưa Hấu, Đạo nay chỉ còn là Vô, là sự "vắng mặt" nơi xã hội hay lầm và hay quên . Mở đầu của truyện nầy bằng chữ ngày xưa. Nơi thế giới ban ngày, tân thời của xã hội lầm lạc, vô đạo nầy, Đạo chỉ còn là âm vọng, như một ký ức của thời thật xa xưa...; và Hùng Vương trong truyện nầy phê phán Mai An Tiêm là bất trí, bất nghĩa, bất trung chỉ vì Mai An Tiêm đã nghe được Âm vọng của Đạo trong cái "Vô vi" hay sự vắng mặt của Đạo nơi cõi đời.

Sau khi phân tích ý nghĩa từng mẩu truyện, khám phá được những mối liên hệ nối kết các mẩu truyện nầy thành một chuỗi ý nghĩa liên tục, ta thấy cái hồn bên trong tức là lý nhất quán tạo sự mạch lạc của toàn bộ cuốn đầu tác phẩm Lĩnh Nam Chích Quái chính là hữu thể con người. Nội dung duy nhất, qui hợp các yếu tố sinh hoạt của cuộc sống, bao gồm các chiều kích tương giao Trời - Đất - Người còn mang những tên gọi tượng trưng khác như Tam Tài, Vương Đạo, Chân tính...

Nhưng qua lối trình bày tiêu biểu trong phần kết bằng sự kết hợp hai câu truyện Bánh Chưng và Dưa Hấu, Lĩnh Nam Chích Quái cho thấy sự khác biệt  về các cách diễn tả để chỉ một nội dung duy nhất không phải là để chủ trương một quan điểm tương đối, một thái độ bao dung (tolérance) có tính cách xã hội, nhưng thiết yếu là do sự hiện diện của Đạo ở gần con người bằng nhiều cách khác nhau. Những điều dị biệt (thù đồ) có thể đồng qui được vì Nguồn chung là hữu thể đã đến gặp từng người, từng thời đại, từng khung cảnh sống của mỗi dân tộc để nối kết mỗi tham thể khác biệt qui về một mối duy nhất.

 



103  Hölderlin IV, 190

104 Martin Heidegger, Le propre pouvoir- être entier du Dasein et la temporellité comme sens ontologique du souci - Sein und Zeit, chương II, tr. 301.

105 Sđd, tr. 323.

106 Sđd, tr. 323.

 

107 Sđd, tr. 254.

108 Lê Quý Đôn, Văn Đài Loại Ngữ

109 Lão Tử, Đạo Đức Kinh, chương I. (Đạo mà con người có thể với đến được thì không phải Đaọ Thường)

 

Nguyễn Đăng Trúc
Số lần đọc: 2068
Ngày đăng: 25.09.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Văn Hiến Nền Tảng Của Minh Triết - 7 - Nguyễn Đăng Trúc
Văn Hiến Nền Tảng Của Minh Triết - 6 - Nguyễn Đăng Trúc
Văn Hiến Nền Tảng Của Minh Triết - 5 - Nguyễn Đăng Trúc
Văn Hiến Nền Tảng Của Minh Triết - 4 - Nguyễn Đăng Trúc
Văn Hiến Nền Tảng Của Minh Triết - 3 - Nguyễn Đăng Trúc
Văn Hiến Nền Tảng Của Minh Triết - 2 - Nguyễn Đăng Trúc
Văn Hiến Nền Tảng Của Minh Triết - 1 - Nguyễn Đăng Trúc
Chí-Tôn Ca - Bhagavad Gìtà 6. hết - Nguyễn Quỳnh USA
Chí-Tôn Ca - Bhagavad Gìtà 5 - Nguyễn Quỳnh USA
Anh-Hùng Ca Mahàbhàrata Và Xuất-Xứ Của Chí-Tôn Ca - Nguyễn Quỳnh USA
Cùng một tác giả
Nhớ Nguồn 1 (tiểu luận)
Nhớ Nguồn 2 (tiểu luận)
Nhớ Nguồn 3 (tiểu luận)
Nhớ Nguồn 4 (tiểu luận)
Nhớ Nguồn 5 (tiểu luận)