Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.214
123.207.241
 
Người Thày Của Đời Sống
Nguyễn Hồng Nhung

( Trích tiểu luận triết học: Scientia sacra)

Hamvas Béla - Nguyễn Hồng Nhung dịch từ nguyên bản tiếng Hung

 

 

 

1.

 

Trước công nguyên khoảng sáu trăm năm, trước ngưỡng cửa của thời cổ, một đội quân những con người xếp hàng, như ở Trung Quốc là Khổng tử và Lão tử, ở Ấn độ là Buddha, ở Irán là Zarathustra, hoặc, không cần đi đâu xa, ở Hy lạp: Heracleitos, Pythagoras, Empedokles.

 

Hình ảnh về những con người này tỏa sáng ngay từ giây phút đầu tiên. Họ khoan thai với sự tự chủ vô bờ bến; lượng kiến thức của họ nằm trong thiên văn học, địa chất học, trong tôn giáo, giáo dục, y học, trong lý thuyết cai trị nhà nước, trong siêu hình học, trong thi ca.

 

Các nhân vật lớn lao với sự đa tài của họ trở nên đáng nghi ngờ trong các thời đại sau này, và sự đa tài của các nhân vật trước thời kỳ lịch sử đã bị truyền thuyết hóa. Sự nghi ngờ này thực ra vô nghĩa.

 

 Lĩnh vực hoạt động của Pythagoras xảy ra vào thời điểm rấp ranh của thời gian lịch sử, của Empedokles còn muộn hơn nữa. Mọi dấu hiệu đều chỉ ra rằng họ nếu không hoàn toàn như người thường thì cũng không hẳn chỉ là nhân vật truyền thuyết. Và nếu họ trong thời gian lịch sử gần như ta có thể thấy được bằng con mắt của mình thì không có lý do gì không đặt giả thuyết, họ cũng đã từng như vậy cách đây một-hai trăm năm.

 

Những cá nhân mang tính vũ trụ trở nên đáng nghi ngờ trong cái thế giới ngày nay bị thu hẹp bởi những kẻ mang tính chất chuyên môn. Người Hy lạp gọi họ là các nhà thần học (palaioi theologoi). Để có thể đi ngay vào bản chất sự vật, ta có thể xác định tính chất và vị trí vũ trụ của những nhân vật này là: chủ thể thần thánh (szakrális szubjektum).

 

Bởi vì kể cả Pythagoras, lẫn Orpheus, lẫn Solón lẫn sự hiện diện phương Đông hay Cận đông đều không nằm trong ý nghĩa quan trọng là gần như với  cùng một hình thức tự chủ như nhau, họ điều hành công việc nhà nước, viết thi ca, chữa bệnh, dạy học và sáng tạo ra toán học.

 

Tầm quan trọng không nằm trong sự giàu có về các khả năng mà trong cái tên người Hy lạp đã đặt cho họ. Đây là những chủ thể thần thánh. Ý nghĩa vũ trụ của họ vượt quá tầm con người. Sự rạng tỏa tự chủ và chuẩn xác thể hiện trong lời nói và hành động của họ, tính siêu việt vượt tầm con người của họ có thể thu nhận được từ cảm giác, dù nhiều khi chỉ thông qua các giai thoại ngu xuẩn.

 

Nhà thần học cổ xưa là kẻ trước thời gian lịch sử không phổ biến, nhưng quả thật từng hiện hữu. Từ đó tới nay chủ thể thần thánh này đã bị biến mất. Sau sự xuất hiện của một cá nhân vĩ đại cuối cùng, Platon, lịch sử không biết thêm một kích thước siêu việt nào nữa.

 

Chống lại cá nhân thần thánh, ngày nay người ta thường đưa ra một luận điểm: thời đó-người ta nói-cuộc sống còn thô thiển(primitiv), hệ thống các mối quan hệ chưa hình thành, các nhân tố kết hợp nhau ít ỏi, tri thức ít ỏi, cộng đồng thì bé nhỏ, nên ở một ý nghĩa nhất định nào đó, tầm phổ quát không thể có.

 

Quan niệm này sai lầm như thế nào thiết tưởng không cần nhấn mạnh thêm. Tầm phổ quát không phải là kiến thức bách khoa toàn thư và đa ngành. Cả hai thứ này đều là tri thức cóp nhặt vật chất, thiên về số lượng. Tri thức hay vô tri thức cả hai đều không đủ, kinh Veda từng nói. Còn Heracleitos cho rằng: tri thức không dạy được nhiều điều. Trang tử cũng nói đúng như vậy.

 

 Thực ra con người thời cổ phát triển chín muồi hơn rất nhiều. Tính phổ quát không phải là tri thức vật chất mà là phẩm chất tinh thần. Không nảy sinh từ bản chất đời sống nguyên thủy, mà từ những sức mạnh tinh thần không thể tưởng tượng nổi, từ sự trực tiếp và độ sâu sắc của những sức mạnh ấy.

 

Có thể trong thời cổ, sự xuất hiện và hoạt động của các chủ thể thần thánh là tất nhiên; và có thể chủ thể thần thánh thể hiện sự sống cổ còn sống động, xác thực, sinh động hơn các những văn bản truyền lại ghi chép về họ.

 

 Về vai trò, vị trí và nhiệm vụ của họ có thể thu nhận một điều, họ là người Thày của Đời sống. Giảng hòa các nhà nước như Bias? Chấm dứt các mối quan hệ xã hội và viết các cuốn luật như Solón? Là nhà thơ, nhà tiên tri, linh mục và thánh như Orpheus?

 

Đúng. Chuyên môn hóa trong mọi lĩnh vực đời sống chưa chứng tỏ hết bản chất hoạt động của họ, họ còn biết ứng dụng vào từng lĩnh vực ấy khả năng tổng quát của mình. Chưa hết. Sau nhiều thế kỷ khi sự sống cổ dường như một lần nữa nổi lên trong thời đại của Julius Caesa, có vẻ như chủ thể thần thánh này một lần nữa xuất hiện. Trong một giây như thể sự sống mở lần nữa quay lại, và xoa dịu mọi mẫu thuẫn của đời sống, Schuler viết; như thể trong đó xuất hiện sự sống tinh túy; như thể bằng cá nhân này trích dẫn một lần nữa tính chất thần linh cổ.

 

 Nhưng khoảnh khắc ấy trôi qua, từ trời đất cổ không có gì quay lại hết. Caesar không phải là một chủ thể thần thánh. Sau ánh hào quang siêu việt đem ra trình bày trước công chúng và lịch sử là những che dấu bẩn thỉu của cuộc đời riêng ma quỷ và đen tối của ông ta.

 

 Bên cạnh đời sống trong sạch như pha lê và như khí ê ter của Empedoklész và Pythagoras, đời sống của Caear như vũng nước bùn. Caear chỉ là một nhân vật lịch sử lớn, nhưng không phải một chủ thể thần thánh, không phải người Thày của Đời sống. Trọng tâm đời sống Caear là cái TÔI cá nhân, không phải sự sống thượng đế.

 

Chủ thể thần thánh có thể và là người Thày của Đời sống vì, như lời của Schuler, bằng cá nhân mình triệu tập thần linh,bởi bên trong họ là sự sống tinh túy tuyên bố, bởi từ bản chất tổng quát của họ toả sáng sự tỉnh táo của sự sống cổ. Sự sống vũ trụ, thứ từng hiện thực hóa trong thời cổ, cô đọng trong họ, và vẫn tiếp tục duy trì trong vài trăm năm sau khi thời cổ đại biến mất. Những con người này là chủ thể thần thánh bởi bên trong cá nhân của họ họ giữ gìn bản chất thần thánh- thượng đế của sự sống cổ.

 

2.

 

Trong những khổ thơ của Đạo Đức Kinh có một (khổ XV) nói về người Thày thời cổ.

 

Những người Thày cổ xưa biết mở các bí ẩn khóa kín.”- khổ thơ vào đề như vậy.

 

Sau sự trình bày về sự sống và đời sống, sự khép kín và sự khóa kín, sự thức tỉnh và sự mê muội, khổ thơ không đề cập tới nhữnggì khó hiểu hơn. Hành động và tiêu chí lớn nhất của người Thày của Đời sống là sự tháo gỡ. Nơi nào đời sống bị khóa lại, nơi nào bắt đầu trở thành đời sống bị chìm đắm, không là gì khác, chỉ là một quá trình sinh học, ở đó có người Thày, như kẻ dẫn đường cho dân chúng trong sa mạc, khi nước phụt lên từ khe núi, đời sống dành cho sự sống lại một lần nữa mở ra.

 

Tại vị trí, nơi đời sống bình yên mềm mại bắt đầu trở nên chai sạn, người Thày giải phóng cho nó, khiến nó tiếp cận với những sức mạnh tâm linh. Đây là tri thức của người Thày.

 

Bởi vì cuộc sống cần phải bình yên, mềm mại, cần phải nhậy cảm, nhậy cảm cao độ để có thể tiếp nhận được những sức mạnh thần thánh của sự sống. Cần phải mềm mại như người đàn bà hoặc như trẻ sơ sinh.” thứ gì trên quả đất mềm mại nhất sẽ chiến thắng thứ cứng nhất trên quả đất”.” Mềm thắng cứng, yếu thắng mạnh”- „nếu con người mạnh lên sẽ già đi”.

 

„ Họ nhận biết và hiểu sự vật”- khổ thơ nói tiếp.” Sức mạnh của họ là sự tỉnh táo”. Tình thế ngày càng rõ ràng hơn. Lão tử trong câu thơ thứ hai đã nói có một khả năng duy nhất của con người để nhận biết và hiểu được sự vật, đấy là sự tỉnh táo.

 

Câu thơ thứ ba như sau:” Trong sự tỉnh táo của sức mạnh của đời sống họ trở nên lớn lao.” Không còn gì rõ ràng hơn. Cái gì là chủ thể thần thánh của người Thày Đời sống? Cái không thể học và truyền lại, gắn bó với một cá nhân duy nhất, một tài năng không bao giờ lặp lại trong chất lượng này hướng tới sự nhậy cảm cao độ với sự sống thượng đế.

 

Cái khả năng này của toàn bộ thời cổ tồn tại một cách cơ bản trong người Thày. Khả năng này là chủ thể; chủ thể sự tỉnh táo; chủ thể thần thánh và cao độ. Tài năng này bản thân nó là thời gian, là dân tộc với số phận, sự hoạt động, sự sùng bái, trật tự sống của nó trích dẫn những sức mạnh thượng đế của sự sống, kêu gọi, tiếp nhận, bắt buộc, sống cùng và vì những sức mạnh ấy- và tài năng này là một chủ thể yên ả, là sự mềm mại, nhún nhường, phục vụ: đây là chủ thể trong người Thày, xuất hiện trong cường độ thường xuyên.

 

Ta thử kể lại- Lão tử nói- họ như thế nào. Họ miễn cưỡng như kẻ mùa đông đi qua sông. Tỉnh táo như kẻ sợ quân thù ẩn dật. Họ minh mẫn như kẻ đến từ quốc gia khác. Họ yếu thế như băng tan chảy. Họ nguyên sơ như vật chất chưa chế biến. Họ sâu sắc như vực thẳm, bí ẩn như nước khuấy động.”

 

Người Thày không chủ động. Người Thày là công cụ. Công cụ của các sức mạnh thượng đế trích dẫn ở cá nhân và bằng cá nhân của họ. Người Thày là thực thể thần thánh, kẻ tuyên bố bởi sự sống vũ trụ.

 

 Bản thân họ là cái TÔI con người, miễn cưỡng,yếu thế, nguyên sơ, minh mẫn, sâu sắc nhưng trên tất cả, họ tỉnh táo. Họ không hành động:” Thế giới là sự vật tinh thần, không thể hành động bằng nó. Kẻ nào hành động kẻ đó làm hỏng nó.”.

Họ thụ động cho phép sức mạnh hoạt động thông qua nó. Họ cẩn trọng, minh mẫn, kiên trì: không tin vào bản thân mình, luôn luôn sống trong sự tỉnh táo để chú ý và nhận ra bản tính của các sức mạnh. Họ bí ẩn, không thể nhìn thấu qua  như nước khuấy động. Bởi vì các sức mạnh luôn luôn chiến đấu trong họ, không bao giờ có thể biết sức mạnh như thế nào đến trong họ. Chỉ có một điều không thể nghi ngờ đấy là sức mạnh thượng đế.

 

Ngày nay ai có thể bằng sự tỉnh táo của mình làm tan biến đi sự mê muội của cái TÔI?” Ngày nay ai có thể một lần nữa nâng đời sống của cái TÔI con người lên sự sống?

 

 Tiếng kêu thét của câu hỏi này vang lên từ ranh giới thời cổ. Thời hoàng kim đã trôi qua. Người Thày của Đời sống đã câm lặng. Không một ai có thể đánh thức dân chúng khỏi sự mê muội đờ đẫn. Bởi vì con người còn không xua đuổi nổi sự đờ đẫn của bản thân mình. Không còn một ai biết phá vỡ đời sống trên những phần đã chai sạn của nó và biết mở  nó ra. Không còn một ai biết trích dẫn những sức mạnh thượng đế trong cá nhân của họ.

 

 Con người giờ đây chỉ còn là những cái TÔI. Cái TÔI đắm chìm vào sự mê muội, tích góp của cải, thèm khát quyền lực, chạy theo dục vọng. Người Thày của Đời sống không cần thiết cho những thứ đó.” Ai đi trên con đường này, không thèm muốn sự giàu có” Bởi vì:” Kẻ giàu có vẫn có thể là kẻ vô giá trị.”

 

Người Thày của Đời sống không phải là người hoàn hảo. Sự hoàn hảo và hoàn thiện là giấc mộng ngu xuẩn của con người. Người Thày từng là con người, với tất cả đặc tính của sự sống người. Một đời sống đẹp, lớn lao, rõ ràng, cao quý không do sự toàn vẹn mà do sự thiêng liêng mang lại.

 

Đây là câu kết của khổ thơ:” Trong sự khiếm khuyết của mình họ nhận ra sự hoàn hảo.” Đây là tôn giáo, sự tin kính, sự nghiêm trang trong bản thân họ: họ biết họ là những con người, nhưng cũng chính vì thế họ biết và cảm nhận sự hoàn hảo của sự sống thượng đế vô tận cao hơn họ.

 

 Con mắt của họ không bị trói buộc, phụ thuộc vào cái TÔI riêng của họ mà vượt qua cả thế giới của cái TÔI. Trọng tâm và nội dung cá nhân của họ, số phận họ, cuộc đời họ không chỉ là cái TÔI bé nhỏ mà còn là cái VÔ HÌNH VĨ ĐẠI. Bởi vậy họ là lời tuyên ngôn của sự sống thượng đế. Và bởi vậy dân chúng bị thu hút về phía họ. Và bởi vậy họ thiêng liêng.

 

Bởi vậy họ là những người Thày của Đời sống.” Người nào mang trong bản thân mình hình ảnh lớn lao của VÔ TẬN, cả thế gian sẽ đến với người đó.”

 

3.

 

Người Hy lạp gọi người Thày của Đời sống là nhà thần học cổ, bởi công cụ của người Thày là theosz logos, là lời của thượng đế.

Logos tất nhiên không chỉ là từ, mà còn là ý nghĩa, động từ, tinh thần, quy tắc, mức độ, dấu hiệu, tượng trưng,luật lệ, bản án, và nhiều thứ khác nữa.

 

 Heracleitos có một câu nói về giá trị hợp nhất của logos, dịch ra là: sự tỉnh táo. Khi ông nói tất cả mọi người đều có một logos, nhưng mọi người không đồng tình, ở đây ý nghĩa sự tỉnh táo đã hoàn toàn che phủ logos. Một trích dẫn khác của ông có thể dịch như sau: pszükhész eszti logosz heauton auxón- linh hồn có sự tỉnh táo biết nuôi dưỡng bản thân nó.

 

Trong thời cổ ngôn từ là thứ vô hình; Trong hoạt động của ông Thày Đời sống là sự vô tư và không thể nắm bắt. Hoạt động này chỉ nhìn thấy khi bước vào thời gian của lịch sự, khi người ta bắt đầu viết. Khi chủ thể thần thánh biến mất, chuyển lại ngôn từ cho thế hệ sau: cho sách.

 

Ngôn từ trong sách đã đạt được kích thước cuối cùng của nó. Ở đây nó trở thành biểu tượng thật sự; thành ý tưởng. Ở đây nó bóc trần bản chất rằng ngôn từ là ma trận của mọi sự vật, như Baader viết: là nguyên tắc của mọi cái tồn tại nối kết tinh thần với thiên nhiên, và hiện thực hóa cả hai.

 

Bởi vì ngôn từ không phải là sự diễn đạt; điều này chỉ do cái TÔI cá nhân cho là như vậy, và nó sống trong một sự lừa phỉnh rằng thế giới xoay xung quanh nó.

 

 Ngôn từ là tuyên ngôn, và là tuyên ngôn của sự sống tạo hóa thượng đế. Bởi vậy nó là sự tỉnh táo, là sự đánh thức, bởi vậy nó là hành động gọi tên sự vật, là sự thống trị phép thuật. Và ngôn từ gìn giữ khả năng này trong mọi thời gian và trong mọi ngôn ngữ kể cả khi ngôn ngữ đã hư hỏng, gần như đánh mất hết ý nghĩa thần thánh thiêng liêng của nó, và trở thành công cụ thể hiện của cái TÔI cá nhân. Ngôn từ thực ra là biểu tượng của sự sống thần thánh và vũ trụ.

 

Thời kỳ của sáu trăm năm trước công nguyên mang hai ý nghĩa lớn vẫn ngự trị trên đầu nhân loại từ đó đến nay: chủ thể thần thánh và sách.

 

 Hai thứ này là người Thày của Đời sống. Chủ thể thần thánh phù hợp với sự sống của thời cổ: bởi vì nó sống, tan ra, mở, tự do, trực tiếp, có tính chất cá nhân, tuyệt đối, cô đọng và hiện thực hóa.

 

Còn sách phù hợp với sự sống của thời gian lịch sử: bởi nó là đối tượng, ràng buộc, hình thức hóa, gián tiếp, không mang tính chất cá nhân, tương đối, mang tính mở rộng, phản xạ. 

 

Trong thời cổ người Thày của Đời sống là chủ thể thần thánh đang sống( tồn tại), còn trong thời gian lịch sử người Thày của Đời sống là sách, là khách thể thần thánh.

 

4.

 

Những cuốn sách cổ được viết dưới dạng kinh.

 

Kinh (sutra) là từ Sanscrit, về mặt ngữ pháp là câu ngắn gồm những từ gần như không liên hệ lẫn nhau. Đoạn văn gồm những từ gốc này có thể gọi là văn bản bí mật. Trong các bản kinh người đánh dấu sử dụng các từ ngữ như các biểu tượng.

 

Bởi vậy về mặt bản chất cuốn sách cổ ghi bằng từ ngữ Ấn độ hoặc Iran so với sách cổ ghi chép bằng ký hiệu của Trung quốc, với sách viết trên giấy cói Ai cập bằng chữ tượng hình, hoặc chữ khắc trên đá Babilon, hay chữ gút bằng dây (quipu) Peru hoặc Azték Mexiko không có gì khác nhau.

 

Tác dụng của phong cách này trong toàn bộ các cuốn sách thiêng, trên giấy cói tử thư, trong Kinh thánh Hê ber đều giống như trong các bản lưu cổ Kabbla, và ngay cả trong các tác phẩm của Heracleitos, Pythagoras, Hermes Trismegistos và phái Khắc kỷ( gnostikus) cũng có thể nhận thấy.

 

Phong cách sutra (kinh) xuất hiện khi truyền thống truyền miệng vẫn còn, nhưng các văn bản do người Thày viết bằng các ký hiệu đã tiếp tục bảo lưu truyền thống. Về điều này có một chuyện kể rằng năm tám mươi tuổi Lão tử rời bỏ quê hương, nhưng ở biên giới, ngài đã viết lại toàn bộ kiến thức của mình vào một vài khổ thơ ngắn ngủi khi một viên quan trấn thủ yêu cầu.

 

Nơi chưa từng tồn tại các ký hiệu, hoặc nơi mà đẳng cấp tinh thần cao miễn cưỡng ghi lại truyền thống, như trong rất nhiều trường hợp, ví dụ ở người Kelta, ai dám viết về bất kỳ cái gì đều bị người Druida trừng phạt bằng cái chết, ở đó theo thời gian truyền thống cổ một phần bị mất, phần khác hòa tan vào truyền thống mới.

 

Tại nơi truyền thống mới hòa lẫn một cách hữu cơ với truyền thống cũ, tại đó nhiều khả năng xuất hiện một tập hợp mới giống như các tầng địa chất; đây là trường hợp của Tử thư Tây tạng hoặc của Hermes Trismegistos.

 

Việc giải nghĩa phong cách của sutra trong Kinh Dịch của Trung quốc có thể lần theo từng bước. Cuốn sách này ngày nay, về nguồn gốc không là gì khác ngoài sự kết hợp 64 cách của 8 nhóm những đoạn que xương ngắn và dài( âm và dương). Những mối quan hệ nhất định của những đoạn que xương này mang những ý nghĩa khác nhau. Sáu lần đoạn que dài là biểu tượng nguyên lý Tạo hóa; Sáu lần vạch ngắn là kẻ Tiếp nhận. Sau này người ta sử dụng những biểu tượng này để bói bằng các nhánh cỏ thi (achillea millefolii). Toàn bộ hệ thống này tượng trưng cho một thế giới khóa kín. Hệ thống này là một trong những tổng hợp xưa như Kabbala của Heber như chiêm tinh học hoặc lý thuyết số học.

 

Việc viết thành văn bản các hình ảnh tượng trưng và ý nghĩa của nó là một cuộc cách mạng mà đẳng cấp tinh thần lớn nhất của Trung quốc phản đối đến cùng. Đây là một trong những cuộc khủng hoảng lớn đầu tiên của thời kỳ(gọi là) lịch sử.

 

Việc ghi chép lại ý nghĩa của các hình ảnh tượng trưng diễn ra trong hình thức khế kinh. Cuốn sách được Khổng tử cứu vãn tương đối muộn. Hoàng đế VŨ và con trai viết chú giải cho Kinh Dịch, và như vậy cuốn sách được mở rộng và liên tục hơn. Lời bình luận xưa cuối cùng là tác phẩm của Khổng tử. Lúc này cuốn sách về mặt ngữ pháp cũng trở nên dễ hiểu với cả những người chưa nhập định.

 

Rất có thể những cuốn sách khác như Vedanta, Brahmana, Bundahisn, Sankhija cũng xuất hiện như vậy. Rất ít cuốn giữ được hình thức gốc ban đầu, ví dụ như Joga-sutra của Patandzsali hay Sankhja-karika.

 

Sự tiếp xúc phép thuật của những từ ngữ thoạt trông không liên quan đến nhau trong câu kinh, giống như điều người ta mong muốn thực hiện trong thơ cổ nhân loại thời lịch sử- rất ít khi được thực hiện. Bởi vì thơ cổ La Rochefoucauld  tẩy rửa hết những điều thừa thãi trong nó so với sutra( kinh) vẫn là một sự lải nhải. Và sự khác biệt không nằm trong đặc trưng hình thức. Ngôn ngữ viết trong sự cô đọng, trong trọng lượng, trong sự nghiêm chỉnh và sức mạnh không thể bì kịp với sutra.

 

Bí ẩn cuối cùng của sutra là cái nó đưa ra không phải là khái niệm và hình ảnh, nghĩa là không liên quan gì đến kiến thức duy lý cũng như huyền thoại. Sutra là sự tiếp xúc siêu hình nguyên thủy, dùng để đánh thức. Đây là sự tiếp xúc trực tiếp của người Thày của Đời sống. Thiếu việc tiếp xúc với sự tỉnh táo không thể thấy bất cứ cái gì trong truyền thống cổ. Dấu hiệu đặc điểm thức tỉnh cơ bản của sutra là bằng chìa khóa cần thiết, chạm vào tâm linh người đọc và lay thức họ.

 

Sutra (kinh) phần lớn, cho dù được tập hợp từ nhiều từ, đều thiếu một từ cho một câu hoàn chỉnh. Nếu để làm thức tỉnh cần sáu từ, sutra chỉ đưa ra năm. Từ thứ sáu là chìa khóa, hoặc người Thày trao, hoặc cần phải đi tìm. Hoặc như vậy vẫn hiểu được, có thể nhầm lẫn hoặc có thể hiểu ngược lại.

 

Chừng nào tia chớp thức tỉnh chưa làm người ta hiểu ra, chừng đó con người không giải mã được sutra. Bởi tia chớp là căn nguyên. Đây là tia lửa bùng lên mà Platon nhắc đến trong lá thư thứ 7. Nội dung sâu xa nhất của sutra luôn luôn siêu hình và tuyệt đối. Nội dung hình ảnh thần bí là thứ yếu. Ngữ pháp tuyệt nhiên không có. Đôi khi sutra vang lên như một lời tiên tri, hoặc như một sự tưởng tượng. Püthia từng nói như thế, các nhà thơ từng viết như thế, thánh thần thường tuyên bố như thế.

 

5.

 

Sách cổ không thể dịch ra ngôn ngữ châu Âu hiện đại không phải vì vật cản ngữ pháp, mà vì những từ ngữ của sách cổ hoàn toàn thiếu hụt trong ngôn ngữ châu Âu. Thiếu hụt vì ngôn ngữ cổ là hệ thống ký hiệu vũ trụ, còn ngôn ngữ châu Âu là những công cụ thể hiện cái tôi cá thể.

 

Châu Âu ngày nay trừ trường hợp ngoại lệ, còn đâu tất cả  những từ ngữ có ý nghĩa và mang tính chất phổ quát đều phải vay mượn từ hai thứ ngôn ngữ vũ trụ cuối cùng là tiếng Hy lạp và La tinh.

 

Ngôn từ cao cấp của tinh thần là Hy lạp và Latinh. Những từ ngữ mang tính chất tổng quát đều hoặc là Hy lạp hoặc là Latinh. Bằng hai ngôn ngữ này tinh thần vũ trụ của truyền thống được thể hiện. Các ngôn ngữ châu Âu đã đánh mất khả năng này của nó, mà phần lớn chỉ là công cụ truyền đạt cái TÔI cá thể.

 

Gúenon đặt giả thuyết thời kỳ vô truyền thống này bắt đầu từ thời Phục hưng, khi ngôn ngữ không có khả năng biểu đạt nội dung vũ trụ của các dân tộc thay thế cho vị trí của tiếng latinh. Tất nhiên quan điểm (gọi là) khoa học ngày nay nói ngược lại, cho rằng ban đầu các dân tộc còn thô sơ nguyên thủy nên ngôn ngữ cũng thế, càng cổ càng đơn giản. Nhưng thật ra điều ngược lại mới đúng.

 

Ngôn ngữ nào càng cổ càng siêu hình. Vì nếu không như vậy chúng ta đã không bắt buộc phải vay mượn các từ ngữ có tính chất vũ trụ phổ quát từ tiếng Trung quốc, tiếng Sanscrit, tiếng Hy lạp, La tinh. Trong tiếng Latin khả năng vô tận ẩn dấu của ngôn ngữ cổ để diễn tả toàn bộ sự vật đã từng có. Sự phổ quát này vẫn giữ được trong chừng mực nào đó ở tiếng Hy lạp.

 

 Không cần nêu ví dụ bởi khả năng này không nằm trong dữ liệu mà ở các mức độ tổng quát. Nhưng nếu ai chưa tìm ra một cách chóng vánh từ ngữ nào mà sự giàu có về ý nghĩa của nó vượt qua cả không thời gian, hãy đến với từ Logos. Logos cần một từ điển với hàng trăm ngôn ngữ châu Âu, từ điển dựng lên từ từ logos có thể đến cả nghìn cuốn, nhưng những từ ngữ mới mỗi ngày lại hình thành và hình thành tiếp. Đây là không gian tinh thần để đặt tên và khám phá, không bao giờ cạn. Sự giàu có về ý nghĩa và hình ảnh của siêu hình trong tiến sanscrit và tiếng Trung quốc cũng giàu có hơn.

 

Các ngôn ngữ khác của châu Âu so sánh với tiếng Latinh và Hy lạp giống như những thứ tiếng này đã văn minh hóa, là ngôn ngữ của đẳng cấp tinh thần cao, có học thức, và các thế hệ của tiếng roman và Đức như tiếng địa phương. Gần như ( được gọi) là ngôn ngữ bếp núc.

 

Chỉ bằng các từ ngữ Latin và Hy lạp mới thường xuyên duy trì nổi những hiện thực và các hoạt động đời sống cao hơn, những tư tưởng ở cấp độ cao hơn. Các ngôn ngữ sau này không thể nào đạt tới sự giàu có về ý nghĩa, tính dồi dào của ngữ pháp và cấp độ siêu hình.

 

Còn việc quốc hữu hóa nhân tạo và bạo lực mà người ta muốn dùng để dịch ngôn ngữ sẽ dẫn đến việc đánh mất toàn bộ ý nghĩa, cấp độ và sự giàu có của ngôn ngữ- Bởi ngôn ngữ không thể tùy tiện chọn lựa.

Giữa các ngôn ngữ  nhiều ý tưởng nhất phải kể đến tiếng sanscrit. Tiếng gần gũi với chúng ta nhất là Hy lạp. Đây là thứ tiếng biết gọi tên những nhân tố thế gian trong bản chất tuyệt đối của chúng, nói cách khác: biết gọi tên một cách chính xác. Cái gì tiếng Hy lạp đã đánh dấu, đều là hình ảnh tượng trưng.

 

Tư tưởng không phải việc của cái TÔI cá thể mà của cái TÔI tinh thần vũ trụ. Nếu cái TÔI cá thể suy nghĩ, có thể thấy ngay tự bản thân nó tách rời khỏi sự vật. Nó tưởng rằng nếu nó đứng tách xa một khoảng cách nhất định và từ đó nhìn sự vật, nó sẽ thấy sự thật. Thực ra như vậy nó chỉ nhìn thấy một cách trừu tượng.

 

Tư tưởng cần khoảng cách, tiêu chuẩn và sự tỉnh táo. Nếu ai tỉnh mới thấy bản chất, và nếu ai nhìn thấy bản chất, người đó có thể chính xác. Sự chính xác chỉ nảy sinh từ cách nhìn phổ quát vũ trụ. Những tín hiệu siêu hình, những hình ảnh huyền thoại đều chính xác. Cái nhìn chính xác là cái Platon tuyên bố trong siêu hình-ý tưởng; là cái hiện diện trong lý thuyết số học của Pytagoras, trong chiêm tinh học của người Chaldea, trong Kinh Dịch, trong thuyết giả kim, trong tư tưởng của Böhme hoặc Baader, trong tác phẩm của một vài nhà thơ châu Âu lớn như: Shakespeare, Molie, Keats, Hölderlin, George, Rilke.

 

Nằm ngoài những vòng này, cùng lắm là sự trừu tượng, còn đâu đại đa số là một sự nhiễu loạn. Không phải là những tín hiệu hoặc hình ảnh, chỉ là các khái niệm. Nền tảng của khái niệm là sự trừu tượng; còn sự trừu tượng giống như sự không tưởng: từ sự thật, từ bản chất, từ tổng quát, từ toàn bộ từ sự sống cũng không tưởng nốt.

 

6.

 

Đặc trưng hình thức của sách cổ là sự nhập định, của nội dung sách cổ là siêu hình học. Vai trò cộng đồng của con người là sự duy trì hoạt động của chủ thể thần thánh thời cổ: sự đánh thức. Sách cổ, khi chủ thể thần thánh không còn nữa, đã trở thành người Thày của Đời sống.

 

 Sách trở thành người cầm quyền, thành nhà tư tưởng, thành nhà tiên tri, thành thánh, thành linh mục, thày giáo, thày thuốc. Sự hoàn thiện của sự sống giờ đây không cất lên từ cá nhân con người sống động nữa, mà từ sách. Sách bảo tồn chủ thể thánh thần; truyền bá tiếp truyền thống. Trên đôi môi con người cất tiếng theos logos đã hóa câm.

 

Ở đây để khỏi hiểu lầm cần nói ngay: khi sách trở thành thế hệ tiếp nối của ngôn từ sống của chủ thể thần thánh thời cổ, nhưng không phải cuốn sách nào cũng thừa hưởng sự thiêng liêng này. Đặc trưng của thời khải huyền chính là, cho dù ngôn từ kết án, nhưng bản thân ngôn từ cũng đứng dưới bản án. Lời tuyên ngôn lẫn việc gọi tên sự vật đều trong sự khủng hoảng.

 

Ngõ cụt của sự khủng hoảng là có khả năng tuyên bố, nhưng không bao giờ trở thành cái gì khác ngoài khả năng, nghĩa là không thực hiện nổi. Bởi vậy cuốn sách thần thánh thật sự chỉ có một, hoặc còn lại từ thời cổ hoặc vẫn trực tiếp tồn tại từ tinh thần cổ.

 

Đặc thù sâu sắc nhất của thời khải huyền là nó nằm trước sự giải quyết, nhưng không nhận ra điều này; nó luôn luôn bỏ lỡ thời cơ để bộc lộ; nó không tỉnh- mà mộng du. Thậm chí bằng những công cụ để cứu vớt và chạy trốn nó sử dụng để chống lại bản thân.

 

Trong thời cổ sách trò chuyện như con người, từ đó đến nay con người cũng cần trò chuyện như vậy như với sách. Sự phê chuẩn của sách cổ là con người; ngày nay sách cần thánh hóa con người. Trong thời cổ Lời tuyên bố cần phải làm gì và viết gì; từ lúc đó đến nay Chữ tuyên bố cần phải nói gì.

                                   

( 2011.09.13)

 

Nguyễn Hồng Nhung
Số lần đọc: 2700
Ngày đăng: 27.09.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Friedrich Nietzsche : Der Wille Zur Macht - Chí Hùng-Vĩ, (Í-Chí Vươn Tới Quyền-Lực) - Nguyễn Quỳnh USA
Tạp-chí Bách Khoa và văn-học miền Nam - Nguyễn Vy Khanh
Đọc Và Fê-Bình Sein Und Zeit Nguồn-Sống (Bản-Thể)Và Thời-Jan của Martin Heidegger (1889-1976)- 4 - Nguyễn Quỳnh USA
Friedrich Nietzsche-Der Wille Zur Macht, Chí Hùng-Vĩ - Nguyễn Quỳnh USA
Trào Lưu Lãng Mạn Ở Phương Tây Và Việt Nam 2 - Nguyễn Phú Yên
Trào Lưu Lãng Mạn Ở Phương Tây Và Viêt Nam 1 - Nguyễn Phú Yên
Đọc Và Fê-Bình Sein Und Zeit Nguồn-Sống (Bản-Thể)Và Thời-Jan của Martin Heidegger (1889-1976)- 3 - Nguyễn Quỳnh USA
Friedrich Nietzsche : Der Wille Zur Macht - Chí Hùng-Vĩ, (Í-Chí Vươn Tới Quyền-Lực) - Nguyễn Quỳnh USA
Vài tư tưởng của Khalil Gibran - Nguyễn Ước
Đọc Và Fê-Bình Sein Und Zeit Nguồn-Sống (Bản-Thể)Và Thời-Jan của Martin Heidegger (1889-1976)- 2 - Nguyễn Quỳnh USA
Cùng một tác giả
Chim sẻ (truyện ngắn)
Thời gian (tạp văn)
Tuyết rơi (truyện ngắn)
Tách… (thơ)
Đêm nhạc jazz (truyện ngắn)
Vô danh (thơ)
Mùa thu chết (truyện ngắn)
Nhát đâm cuối cùng (truyện ngắn)
Bi hài biên tập (truyện ngắn)
Tang (thơ)
Buốt. (thơ)
Bóng (thơ)
Anh (thơ)
Đợi (thơ)
Szepes Maria (chân dung)
Mùa (thơ)
Tự do (thơ)
Xanh xao (thơ)
Câu chuyện tháng Hai (truyện ngắn)
Mưa Đêm (tạp văn)
Tình yêu (truyện ngắn)
Rát (thơ)
(truyện ngắn)
Jesse (truyện ngắn)
Sài gòn và em (tạp văn)
Năm Đổi Mới Đã Đến (nhìn ra thế giới)
Sống (tạp văn)
Ba Nguồn (triết học)
Jesse-3 (tạp văn)
Noel (thơ)
Arlequin – Anh Hề (triết học)
Ngôn Từ (tạp văn)
Các Hình Ảnh Cổ (triết học)
Phục Sinh (tạp văn)
Người Đàn Bà (triết học)
Cổ Tích Da Đỏ (triết học)
Chữ Tháng Sáu (tạp văn)
Thuật luyện vàng (triết học)
TẢ TƠI (truyện ngắn)
Sekina (tiểu luận)
Trở về nhà (tạp văn)
Cái gương (tiểu luận)
Sự nô lệ (truyện ngắn)
Có thể lắm (truyện ngắn)
Sống (tiểu luận)
Giữa (tạp văn)
Tuổi thu (tạp văn)
Bí ẩn đời sống (truyện ngắn)
Hạ ký (tạp văn)
Sáu mươi (tạp văn)
(ký)
Có đường đi lên (tiểu luận)
Có lẽ (thơ)
Về bản chất (tiểu luận)
Chị của Bố (truyện ngắn)
Lớp học Tiếng (truyện ngắn)
Mi và thượng đế (tiểu luận)
Tử vi Ai Cập (nghệ thuật)
Quê nhà (truyện ngắn)
Hưu (thơ)
Chết (thơ)
Bảy năm (truyện ngắn)
Cây táo vàng (truyện ngắn)
Quả bong bóng lợn (truyện ngắn)
Từ duy nhất (truyện ngắn)
Thu (thơ)
Kẻ giết mẹ (truyện ngắn)
Tặng (thơ)
Cây mận (truyện ngắn)
Cổ tích (truyện ngắn)