Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.191
123.213.894
 
Văn Hiến Nền Tảng Của Minh Triết - 8
Nguyễn Đăng Trúc

Chương VIII

 

Tinh thần kiểm thảo vô chấp

 

 tinh thần khai phóng

 của Minh Triết

 

 

Bản văn

Truyện Bạch Trĩ

Thời Thành-Vương nhà Chu, Hùng-Vương sai sứ-thần đem qua dâng cho nhà Chu giống chim bạch-trĩ, nhưng ngôn-ngữ bất-thông. Chu-Công sai người dịch lại mới hiểu.

Chu-Công hỏi rằng :

- Người Giao-Chỉ cắt tóc, vẽ hình, để đầu trần, ngón chân cong, là tại làm sao ?

Sứ-giả thưa rằng :

- Cắt tóc để tiện vào rừng; vẽ mình để làm hình rồng, khi lặn lội dưới nước thì giao-long không dám phạm đến; chân cong để tiện trèo cây, cày dao, đốt lửa, gieo lúa; đầu trần để khử nóng bức, ăn cau trầu để trừ ô-uế và làm cho răng đen.

***

Chu-Công hỏi :

- Vì sao mà đến đây ?

Sứ-giả thưa :

- Trời không gió lớn mưa dầm, biển không nổi sóng nay đã ba năm, ngỡ là Trung-quốc có thánh-nhân nên mới sang đây.

 

***

Chu-Công than rằng :

- Chính-lệnh không đến, quân-tử không bắt người xa làm tôi, đức-trạch không thêm, quân-tử không hưởng của cống.

Kịp nhớ đến Hoàng-Đế có lời thề rằng : "Giao-Chỉ ở ngoài phương xa, không được xâm-phạm", mới thưởng cho trọng-vật, khuyên dạy rồi bảo về. Sứ-giả quên mất đường về. Chu-Công cho một cỗ xe hai ngựa, khiến cứ chỉ hướng Nam mà về.

 

***

Đức-Khổng-Tử làm sách Xuân-Thu, cho nước Văn Lang là đất yêu-hoang, văn-vật chưa hoàn-bị nên bỏ mà không chép vậy.

 

*

*  *  *

 

 

Phần minh giải

 

I - Vị trí và vai trò câu truyện Bạch Trĩ trong quyển  I Lĩnh Nam Chích Quái

 

Truyện Bạch Trĩ được xếp vào truyện thứ 10, tức là truyện chót của quyển I phẩm Lĩnh Nam Chích Quái do Vũ Quỳnh hiệu chính và sắp xếp lại thứ tự. Phan Huy Chú, trong quyển Lịch-Triều Hiến Chương Loại Chí, quyển 45, ghi truyện nầy là truyện thứ ba của bản cũ được hình thành vào cuối đời Trần.

 

Trong hệ thống tư tưởng mạch lạc của 9 truyện ở quyển đầu Lĩnh Nam Chích Quái mà chúng ta vừa phân tích, Truyện Bạch Trĩ nầy có những nét cá biệt như được tách rời thành một chương riêng.

 

I.1-  Nguồn gốc câu truyện 

 

Đây là một mẩu chuyện đã được Sách Sử Ký của Tư Mã Thiên (đời Hán Vũ Đế) ghi lại. Tác giả Lĩnh Nam Chính Quái chỉ có công sắp xếp lại, và đặt nổi một vài nội dung theo cách hành văn riêng của mình.

 

So với chín câu truyện trước đó, ta thấy câu truyện nầy thường được ghi lại trong hầu hết các pho sử của văn học nước ta, nhưng là câu truyện ít được nhân gian biết đến. Nội dung câu truyện như diễn tả một biến cố lịch sử hơn là một mẩu truyện huyền sử phản ảnh sức sáng tạo văn chương của dân gian hoặc của tác giả cuốn Lĩnh Nam Chính Quái.

 

Đọc kỹ bản văn và đối chiếu với các nội dung tích cực, liên tục xây dựng nên một hệ thống toàn bộ của quyển I, ta sẽ thấy truyện nầy như một phần phụ chú hoặc một loại chìa khoá, có thể gọi là lời dẫn nhập giúp ta hiểu được thâm ý của tác giả và chiều kích văn hoá của chín truyện kia, hơn là gợi lên một nội dung mới hay đề nghị một chủ đề đặc biệt nào.

 

Nhưng, việc Vũ Quỳnh cố ý xếp truyện nầy vào phần cuối quyển I cho thấy, bên cạnh tầm quan trọng của nội dung xây dựng nên phần Thể, phần làm nền cho Minh triết mà tác giả đã xếp đặt thành hệ thống, truyện Bạch Trĩ ở đây cống hiến cho ta những chỉ dẫn cần thiết (truyền thống văn chương triết học gọi là phương pháp luận).

 

Thực ra, trong phần dẫn nhập vào Lĩnh Nam Chính Quái, Vũ Quỳnh đã nêu lên mục đích của tác giả trong lời tựa :

 

"...Việc tuy quái mà không đến đản, văn tuy dị mà không đến yêu, tuy rằng có hơi hoang đàng, nhưng tông tích còn có căn cớ, đó chẳng qua là để khuyên điều thiện, răn điều tà, bỏ điều ngụy, tồn điều chân, làm cho phong tục thêm phần khích lệ vậy..."

 

"...Lĩnh Nam có nhiều kỳ trọng, các truyện làm ra không cần phải chạm vào đá, khắc vào ván mà rõ ràng ở lòng người...thời việc có hệ ở cương thường, quan ở phong tục..." 110.

 

Nhưng vào thời Vũ Quỳnh, bên cạnh ưu tư văn hoá truy nguyên đạo lý làm người có tính cách thâm sâu và phổ quát, còn có những nhu cầu khai quật, sắp xếp các sự kiện lịch sử, đề cao tâm tình dân tộc, chủ quyền, độc lập quốc gia. Bên cạnh thực tế của một nếp sinh hoạt phong phú, vô chấp thu hợp các yếu tố tinh hoa của các nền văn hoá Phật, Lão, Khổng, còn có nhu cầu minh định sắc thái cá biệt của truyền thống dân tộc mình. Trong lúc đó, các câu truyện của Lĩnh Nam Chích Quái không những tập hợp nhiều yếu tố gọi là quái, dị, mà còn vướng mắc những tên gọi mượn từ ngôn ngữ Tàu...Những hiện tượng có thể gây tranh cãi như thế ngầm đòi hỏi một lối giải thích, biện minh cho giá trị minh triết trong các câu truyện, mà tác giả (đặc biệt là Vũ Quỳnh) muốn truyền đạt.

 

Có lẽ Truyện Bạch Trĩ  đã được Vũ Quỳnh nhận ra là có những yếu tố cần thiết đáp ứng được đòi hỏi đó, nên ông đã xếp vào phần cuối Quyển I như phần phụ chú :  một mặt chấm dứt phần trình bày nền tảng về yếu tính của hữu thể con người, mặt khác giúp cho người đọc khám phá phần Minh triết xuyên qua các câu truyện xem ra quái, dị (đi vào nội dung của huyền sử) những yếu tố văn chương tượng trưng còn vướng mắc dấu tích ngoại lai nầy.

 

I.2- Bố cục câu truyện

 

Sách Sử Ký của Tư Mã Thiên kể sơ lược sự kiện xảy ra vào "năm Tân Mão, năm thứ sáu đời Thành Vương nhà Chu, phía Nam - đất Giao Chỉ có họ Việt Thường dùng người thông ngôn ba lần mà tới, dâng chim trĩ trắng...".  Trong câu truyện tiếp có câu nói của sứ giả đất Giao Chỉ làm cho tác giả Lĩnh Nam Chích Quái đặc biệt lưu ý và ghi lại hầu như nguyên văn :

"Trời không gió dữ, mưa dầm; biển không nổi sóng: Ba năm rồi...ý giả Trung Quốc có thánh nhân chăng ? vì thế nên đến chầu" 111.

Dựa vào câu nói nầy trong sách  Sử Ký của Tư Mã Thiên, tác giả Lĩnh Nam Chích Quái sáng tác thêm một mẫu đối thoại rất lý thú giữa sứ giả của Hùng Vương và Chu Công. Thực ra nội dung chính của câu truyện lại nằm trong mẩu đối thoại ngắn đó.

 

 

Chu Công hỏi rằng :

- "Người Giao Chỉ cắt tóc, vẽ hình, để đầu trần, ngón chân cong, là tại làm sao ?"

Sứ giả thưa rằng :

- " Cắt tóc để tiện vào rừng; vẽ mình để làm hình rồng, khi lặn lội dưới nước thì giao long không dám phạm đến, chân cong để tiện trèo cây, cày dao, đốt lửa, gieo lúa; đầu trần để khử nóng bức, ăn cau trầu để trừ ô uế và làm cho răng đen.

Chu Công hỏi :

- Vì sao mà đến đây ?

Sứ giả thưa :

- Trời không gió lớn mưa dầm, biển không nổi sóng nay đã ba năm, ngỡ là Trung Quốc có thánh nhân nên mới sang đây"

Có hai yếu tố đáng lưu ý trong mẫu đối thoại nầy: Trước hết là nêu đích danh Chu Công. Chúng ta biết Chu Công là bậc đại thánh đối với người Trung Hoa, bên cạnh các nhân vật thần thoại cũng như lịch sử như Phục Hy, Văn Vương, Khổng Tử (bốn vị làm ra Kinh Dịch).

Nhưng ở đây, tác giả Lĩnh Nam Chích Quái lại muốn nói đến tính cách bất cập trong câu hỏi của Chu Công so với câu trả lời của sứ giả Vua Hùng.

Vào phần cuối, ta còn đọc thêm một nhận xét gián tiếp phê phán cả Khổng Tử :

"Đức Khổng Tử làm sách Xuân-Thu, cho nước Văn Lang là đất yêu hoang, văn vật chưa hoàn bị nên bỏ mà không chép vậy".

 

II - Giải thích truyện Bạch Trĩ

II.1- Tinh thần kiểm thảo vô chấp trong Minh triết

 

Chu Công, Khổng Tử được xã hội đời Trần, Lê cảm nhận như là mẫu mực của Đạo lý truyền thống trong sinh hoạt văn hoá, chính trị, xã hội. Nói đến Chu Công, Khổng Tử, người Việt Nam thời bấy giờ nhận là những vị thánh nói chung, nghĩa là của mọi người. Cũng như ngày nay khi nhắc đến Albert Einstein, ta sẽ không cần hỏi xem ông ấy quốc tịch nào, nhưng nhận ra ngay rằng đó là một bậc kỳ tài về khoa học. Khi gán cho Chu Công các câu hỏi xem ra bất cập trong truyện nầy, khi nhắc lại việc đánh giá của Khổng Tử cho nước Văn Lang là đất yêu hoang, tác giả Lĩnh Nam Chích Quái không nhằm hạ uy tín hai vị, nhưng muốn gợi lên:

- Tính cách từ chương gò bó một cách mù quáng của lối học hành thi cử, cũng như nếp sống hủ nho, hình thức của xã hội đương thời nhân danh các thánh hiền.

- Chân lý, nguồn sống đạo đức được ghi khắc nơi lòng của mỗi con người không phân biệt một ai; các thánh nhân chỉ là những người làm chứng, những kẻ truyền đạt Đạo với những giới hạn của thân phận con người như mọi người.

Gợi lên những bất cập hạn chế của hai vị Chu Công và Khổng Tử, không hàm ngụ một tâm tình bài ngoại, hay tơ vương xướng xuất một tinh thần dân tộc quá khích nào. Toàn bộ các mẩu truyện của Lĩnh Nam Chích Quái cho ta thấy các nhân vật tượng trưng cho phần tiêu cực, sa sẩy của con người có thể mang tên Hùng Vương, cũng như Đế Nghi hay Đế Lai.

Để gợi lên tính cách cao siêu, ẩn giấu của Chân lý, của Đạo, các bản văn cổ trong các truyền thống văn hoá nhân loại thường dùng đến các biểu tượng nơi quá khứ xa xôi thuộc thời gian lịch sử: Trong Đạo Đức Kinh, Đạo uyên nguyên được nhắc đến qua hình ảnh của các thánh nhân thời xưa (tích chi), Khổng Tử gợi lên thuở thái bình thời Nghiêu Thuấn...Lĩnh Nam Chích Quái lại muốn lấy khung cảnh huyền sử thời các Vua Hùng thuở ban sơ. Nhưng uy thế của Đạo, nền tảng chân lý không nằm nơi yếu tố lâu đời của lịch sử, hay dựa trên sự đồng tình chân nhận của đa số con người trong xã hội. Chu Công, Khổng Tử được hầu hết mọi người tôn kính như mẫu mực của kẻ thực thi Đạo, nhưng bên trên nhân chứng nầy, Lời của Đạo vừa vượt xa mẫu mực đó, lại vừa gần gũi với mỗi con người bình thường, cư ngụ ẩn giấu trong lòng họ. Tượng trưng xa xưa lấy từ hình ảnh của thời gian lịch sử nhắc nhở đến lời ẩn giấu đó, Lời tạo nên nguồn sinh lực, hơi thở của nhân tính, nhưng con người lại không nhận ra.

Lĩnh Nam Chích Quái, trong niềm tin và hy vọng vào sự gần gũi của Đạo, của chân lý, đề nghị phương pháp kiểm thảo trong tinh thần vô chấp :

- Không chấp nê phải biện minh cho một môn phái, một truyền thống văn hoá nào : Phật, Nho, Lão hay tập quán, sinh hoạt của một cộng đồng, ngay cả dân tộc mình... Điểm tựa của Đạo được cảm nhận và đề cao vượt lên trên cả điểm tựa truyền thống là Chu Công và Khổng Tử : đó là một tượng trưng rất hùng hồn.

 - Không ỷ vào một tiền kiến về khả năng sở đắc nào nơi mình, nơi cả xã hội : Lang Liệu trong truyện Bánh Chưng là tượng trưng của tinh thần vô chấp nầy: Không còn mẹ để nương nhờ, không tìm được tả hữu để toan tính, tài sức mình thì tự thấy bất cập... Vô chấp ở đây đạt đến mức tích cực nhất, đó là lòng khiêm tốn và lắng nghe, sẵn sàng đón nhận Chân Lý đến với lòng mình.

 

II.2-  Tinh thần khai phóng

Câu chuyện mở đề với chi tiết gượng gạo khi kể rằng sứ thần Vua Hùng không thông thạo ngôn ngữ phải cần thông dịch lại mới hiểu. Chi tiết lạ lùng nầy đáng lý không cần phải nêu lên để chép lại trong một cuộc triều cống. Chính vì sự bất thường đó chúng ta ngầm hiểu rằng tác giả muốn gợi lên một ý nghĩa đặc biệt: có sự khác biệt trong các mối tương quan, mở ra câu truyện tiếp theo sau đó với hai lập trường và thái độ về quan điểm văn hoá.

Với tiền kiến cho rằng xã hội Trung Quốc là trung tâm của nhân loại, đỉnh cao của cuộc sống văn minh, mẫu mực của văn hoá, Chu Công nhìn nếp sống, tập trục bên ngoài của người Giao Chỉ khác mình, như một giống người man di, thấp kém thiếu văn hoá.

"Người Giao chỉ cắt tóc, vẽ hình, để đầu trần, ngón chân cong, là tại làm sao ?"

Câu trả lời của sứ giả Vua Hùng, như muốn vượt lên hậu ý của Chu Công. Sứ giả nhảy vọt vào một chân trời khác, thành thực trình bày nguyên do của sự khác biệt nơi các nếp sinh hoạt xã hội. Những điểm khác biệt nầy được giải thích như là chiều kích tương quan giữa người và đất (không gian, thời gian, nhu cầu thích ứng, khả năng hiểu biết, thói quen, tập tục...).

 

Phần hai của cuộc đối thoại gay gắt và triệt để hơn .

Tác giả Lĩnh Nam Chích Quái cho ta thấy Chu Công chỉ ngừng lại nơi chiều kích tương giao người và đất nầy, để thiết định mối tương quan giữa hai dân tộc, giữa người với người. Chu Công hỏi rằng :"Vì sao mà đến đây ?" . Câu hỏi hàm ngụ ý nghiã :

- Phải chăng người Giao chỉ đến Trung Hoa vì tò mò tọc mạch, muốn hiểu biết tập tục văn minh khác lạ của xã hội Trung Hoa. Nếu vào thời đại chúng ta, Chu Công sẽ hỏi rằng : Quí vị phải chăng muốn  đến đây để truy cứu lịch sử, khai quật các lớp thổ địa tìm các dấu tích sinh hoạt, các dụng cụ sản xuất, bố trí nơi ăn chốn ở ? Quí vị phải chăng muốn học hỏi về ngữ học Trung Hoa, về tổ chức chính quyền, các sáng kiến khoa học, hệ thống tiền tệ. v. v. ? Phải chăng quí vị đến để nương nhờ sự trợ giúp kinh tế, cầu xin được thần phục để sống còn, hay rình mò để mở đường xâm lược ?

Nói cách khác tương quan người và người ở đây được đóng khung trong tương quan người và đất: hoặc vì nhu cầu tò mò muốn biết để biết, theo ngôn ngữ triết học gọi là tìm kiến thức khách quan về sự vật, hoặc vì lợi ích chủ quan chiếu theo dự kiến và ước muốn riêng. Sinh hoạt văn hoá nói chung nhằm thăng tiến nhân tính toàn diện Đất - Trời -Người, nay chỉ còn là sự trao đổi kiến thức về sự vật hay truy tìm những lợi ích vật chất.

Nhưng trong ý hướng Minh Triết, tác giả Lĩnh Nam Chích Quái lại mượn lời sứ giả để mở ra một chân trời khác, nêu lên những lý do căn đế hơn giải thích sự gần gũi, thân thiết giữa người với người :

- Trời không gió lớn mưa dầm (Trời)

- Biển không nổi sóng nay đã ba năm (Đất)

- Ngỡ là Trung Quốc có thánh nhân nên mới sang đây (Người).

Đây là một cách nói tóm kết của Thiên thời, Địa lợi, Nhân hoà, cảnh thái hoà trong các mối tương giao của Tam tài : Đất - Trời - Người.

Người đến tìm người, nối kết được một cộng đồng xã hội chân thật đòi hỏi có sự qui tụ trọn vẹn của ba chiều kích. Chính khi nhận ra được cái Gốc chung là Cha muôn vật, thì mới xác tín được những người bên cạnh khác mình là anh em và của cải mới có lý do để phân chia. Và mẫu mực của sự phối hợp hài hoà đó  có tên là Thánh. Thánh nhân có quốc tịch, có niên kỷ, là con người của xã hội, nhưng thánh nhân còn là hình ảnh của người thể nghiệm được Bao-dung-thể (Englobant) theo lối nói của Karl Jaspers, nên thánh nhân là gia sản của toàn nhân loại.

Chính vì  niềm tin vào một nguồn chung, gần gũi với mọi người, mọi thời đại, mà Lang Liệu vô chấp tiếp nhận những trực giác uyên nguyên như Phật, Lão, Khổng hay hay bất cứ một thánh nhân nào của dân tộc Việt Nam đã từng chứng nghiệm. Và chính nhờ ánh sáng chung nầy, mà  Lĩnh Nam Chích Quái không ngại tiếp nhận những tinh hoa của các nền văn hoá đến với dân tộc Việt Nam. Minh Triết không có tinh thần khai phóng thì không phải là Minh Triết, vì cửa ngõ đi vào Minh Triết là niềm tin vào Đạo Tâm Duy Vi, nguồn sáng chung đến tìm gặp con người, chứ không phải là sản phẩm của tài năng riêng một ai, một thời đại nào trong lịch sử.

Lĩnh Nam Chích Quái đã được sáng tác trong tinh thần kiểm thảo vô chấp và khai phóng nầy :

-          Khiêm tốn và tin tưởng vào chân lý của Đạo Trời,

-          Mở rộng lòng tiếp nhận những tinh hoa của văn hoá loài người,

-          Vận dụng tối đa những chất liệu lịch sử tình cảm tự nhiên, hình ảnh quen thuộc của cộng đồng dân tộc để sáng tác và thông đạt.

Suốt hơn năm thế kỷ qua, vì lãng quên chìa khoá bước vào chân trời của Văn hiến trong truyện Bạch Trĩ nầy, nên toàn bộ Minh Triết hàm ngụ trong những câu truyện bề ngoài có tính cách quái dị nầy đã biến thành những dữ kiện rời rạc, thô sơ của bộ môn sử học. Các học giả đã dừng lại nơi ưu tư của Chu Công trong truyện nầy và rụt rè, bất cập trước bước đi tiền phong của nhà văn hoá Vũ Quỳnh.

 



110 Tựa liệt truyện Lĩnh Nam Chích Quái - Vũ Quỳnh hiệu chính, bản dịch của Gs Lê Hữu Mục.

 

111 Bản dịch của Mạc Bảo Thần Nhượng Tống, trong phụ chú bản dịch Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Ngoại Kỷ, 1944, phụ chú 11, tr. 49.

 

 

Nguyễn Đăng Trúc
Số lần đọc: 2293
Ngày đăng: 28.09.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Văn Hiến Nền Tảng Của Minh Triết – 7-1 - Nguyễn Đăng Trúc
Văn Hiến Nền Tảng Của Minh Triết - 7 - Nguyễn Đăng Trúc
Văn Hiến Nền Tảng Của Minh Triết - 6 - Nguyễn Đăng Trúc
Văn Hiến Nền Tảng Của Minh Triết - 5 - Nguyễn Đăng Trúc
Văn Hiến Nền Tảng Của Minh Triết - 4 - Nguyễn Đăng Trúc
Văn Hiến Nền Tảng Của Minh Triết - 3 - Nguyễn Đăng Trúc
Văn Hiến Nền Tảng Của Minh Triết - 2 - Nguyễn Đăng Trúc
Văn Hiến Nền Tảng Của Minh Triết - 1 - Nguyễn Đăng Trúc
Chí-Tôn Ca - Bhagavad Gìtà 6. hết - Nguyễn Quỳnh USA
Chí-Tôn Ca - Bhagavad Gìtà 5 - Nguyễn Quỳnh USA
Cùng một tác giả
Nhớ Nguồn 1 (tiểu luận)
Nhớ Nguồn 2 (tiểu luận)
Nhớ Nguồn 3 (tiểu luận)
Nhớ Nguồn 4 (tiểu luận)
Nhớ Nguồn 5 (tiểu luận)