Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.182
123.222.316
 
Đêm New York
Trần Hoài Thư

Rong bút

 

Có ở một nơi mà thời tiết khắc nghiệt như ở vùng đông bắc Mỹ, với mùa đông lạnh giá, với những trận bão tuyết thường xuyên thổi qua, mới hiểu được niềm ân sủng diệu kỳ  của những ngày nắng ấm.

 

Đêm ấy, không biết trời có trăng hay sao không, bởi vì những vách lầu, những tòa cao ốc sừng sửng chọc trời đã che khuất phần lớn bầu trời đêm, nhưng tôi thấy có rất nhiều đốm sao long lanh. Những đốm sao từ đôi mắt của những người con gái đi bên người tình. Những đốm sao từ những ô cửa của những cao ốc sừng sửng.  Và muôn ngàn đốm sao  rực rỡ, dưới cánh con tàu khi người phi công cho biết, tàu đã bay trên không phận thành phố New York. Dưới cánh tàu nghiêng để chuẩn bị cho lần đáp xuống phi đạo, cả một thành phố như thể tắm trong một biển màu hoàng kim, có chỗ như một vương miện kim cương ngà ngọc. Đó là những đỉnh tòa nhà chọc trời. Hay có chỗ thì lốm đốm những đốm sao lẻ loi. Đó là giòng sông Hudson với những con tàu bỏ neo ngoài cảng.

 

Thời tiết lý tưởng. Trời mát dịu. Lại ngày cuối tuần. Từ ngã tư đại lộ số 6 và 33, tôi hòa nhập với cả một khối người xuống phố. Đưa em xuống phố đêm nay... Dòng người như một giòng suối khi chảy khi ngừng. Ngừng để chờ đèn báo hiệu cho phép băng qua đường. Rồi sau đó con suối ấy lại tiếp tục chảy, Đám đông tiếp tục bước đi. Những triều sóng người nhấp nhô, giữa hai hàng lầu cao cùng với hàng hàng ngọn đèn xe quét sáng cả mặt lộ. Thỉnh thoảng có tiếng còi từ một xe cứu thương chớp đèn xanh đỏ chạy vút qua, làm tăng thêm phần sinh động của một thành phố về đêm.

 

Giữa hai hàng lầu cao ốc, những ô cửa đã mở đèn, như những con mắt mời gọi kẻ lãng du...Dựa vào vách tường chìm khuất trong màu mờ mờ của ánh đèn chưa lấn áp, là một đôi nam nữ. Họ hôn nhau nồng nàn.

 

 

● Khi qua một góc đường thiếu ánh điện, tôi lại gặp thêm hai đốm sáng nữa. Đôi mắt của một người homeless. Tôi biết ông ta đang vui vì từ ánh mắt ấy đã toát ra một cái nhìn say đắm người qua kẻ lại. Lưng dựa vào vách tường, hai chân duổi thẳng bên cạnh những tấm bìa cứng, và vài lon bia, ông cười khi tôi nhìn ông. Tôi cũng cười lại. Như cùng nói với nhau một ý nghĩ: Đêm nay chúng ta là hai kẻ hạnh phúc. Chúng ta phải cảm tạ NY. Nó là tặng vật của trần gian. Nó cho không, biếu không., không phân biệt giàu nghèo sang hay hèn. Có phải vậy không?

 

Tự nhiên tôi nhớ đến những câu thơ của Hoài Khanh trong bài Ngồi Lại Bên Cầu:

 

Người con gái trở về  đây một bận

Con đường câm và ánh sáng diệu kỳ

 

Đối với tôi bây giờ không phải là con đường câm mà là con đường ca hát. Và không phải người con gái chỉ về một bận. Mà trái lại, rất nhiều người con gái. Người nào cũng xinh, cũng đẹp. Có nàng mặc áo dạ hội. Có nàng quần ngắn, áo hở ngực. Trên cái áo shirt đầy trẻ trung có quả táo cùng hàng chữ I love N.Y....

 

 

● Không phải riêng tôi đâu. Đêm nay, một nhóm 8 người chúng tôi đã xé lẽ ra thành những nhóm nhỏ. Nhóm trẻ trung thanh niên có lý do để đi riêng. Nhóm phụ nữ trong đó có người chị bà con 84 tuổi cũng đã  đi riêng. Còn lại tôi, Gout đã bắt tôi ngồi nhìn phố  qua cửa kính của quán cà phê Starbucks.

 

Tôi bỗng nhớ đến tấm tranh Đời ngồi như dấu hỏi của nhà thơ Du Tử Lê mà ông đã có nhả ý tặng cho TQBT. Với dấu hỏi to tướng trên hai chiếc ghế bỏ trống.. Đối với tôi, thứ nhất, chúng tượng trưng cho tình thân. Ta về quán ấy đôi chân mỏi/Thương ghế thương bàn thương tách li. Chỗ ngồi trống làm tôi nhớ da diết những đứa bạn mới gặp, rồi ra đi, đi mãi không về. Thứ hai, nó tượng trưng cho một chỗ cuối cùng, có phải. Không dám nghĩ đến những ngôi mộ lẽ loi ở nghĩa trang, nhưng khi nhìn chúng, thấy mình muốn rưng rưng. Ôi đời quả thật buồn và cô độc thế sao ?

 

Nhưng đêm nay thì khác. Câu hỏi ấy và những chổ ngồi trống vắng ấy sẽ không đến với tôi.

.

Bởi vì NY đã quyến dụ tôi như một người đàn bà đang ra sức mời mọc khiêu gợi một chàng trai ngây thơ. Thật vậy, tôi đã vào Starbucks, đã gọi cốc cà phê, đã ngồi ở chiếc ghế sát vào cửa kính, để dễ dàng nhìn NY bên ngoài. Nhưng cuối cùng, tôi chịu không nổi vì sự quyến dụ bên ngoài. Đành phải lao ra ngoài đêm, để quên đau mà bước.

 

Không phải riêng tôi đâu. Xin được lập lại một lần nữa. Bởi vì bà chị thân mến của tôi, đã qua mặt tôi. Không thể ngờ chị, dù tuổi đã 84, bước đi rất chậm, khi lên hay xuống bậc thềm, phải có người đỡ hoặc dìu dẫn. Vậy mà đêm ấy chị đã lội bộ đến 17 block từ đường 33 đến  đường 50 !

 

Tôi bắt tay chị bày tỏ lòng ngưỡng phục. Chị hết lời ca ngợi NY, về những ngôi lầu cao ốc vĩ đại, về xe và người đông đúc như kiến cỏ. Gương mặt chị tươi rói. Chúng tôi cũng vui theo.

 

Chị làm sao biết là tôi cần phải cảm ơn chị. Nhờ chị tôi mới càng yêu NY.

 

Tưởng tượng một ngày phải bỏ NY mà đi, để lại chổ trống như bức tranh của Du Tử Lê, chắc buồn lắm.

 

Phải không?./.

 

Trần Hoài Thư
Số lần đọc: 1843
Ngày đăng: 01.10.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
The National Gallery - Lữ Quỳnh
Nụ hôn trầm tích - Từ Sâm
Những Chiếc Cầu Trên Sông Thames - Lữ Quỳnh
Nơi Không Còn Tiếng Là Xứ Của Sương Mù - Lữ Quỳnh
Im nghe tình thở - Thụy Vi
Tưởng Niệm Họa Sĩ Thái Tuấn - Văn Quang
Lê Ngộ Châu, 160 Phan đình Phùng - Đặng Tiến
Tường Linh - thơ một đời… - Huỳnh Như Phương
Dã Quỳ Trầm Lặng - Ban Mai
Nhân Kỷ Niệm 5 Năm Ngày Mất: Người Sáng Lập & Chủ Bút Tạp Chí Bách Khoa - Mang Viên Long