Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.193
123.204.956
 
Sống
Nguyễn Hồng Nhung

Người lái xe cúi lom khom chuyển chiếc va li vào thùng xe, khi tôi và Thủy từ biệt nhau. Bọn con gái Hà nội có thói quen không thích bộc lộ tình cảm, chúng bộc lộ bằng cách dấu nó đi. Hai đứa cười cười, nhìn nhau, đứng cạnh nhau nhưng đưa tay lên ngang mắt vẫy vẫy. Rồi Thủy lên xe, tôi xuống metro ra bờ sông Đanuyp.

 

Một cảm giác quen thuộc ập đến: thiếu vắng.

 

Tôi biết tên cảm giác này. Trước kia, khi chưa gọi đích danh, cảm giác này thường làm tôi buồn vẩn vơ, hoặc đau xót, thậm chí có lúc còn khụy xuống, như một kẻ ốm vờ. Thuở đó ta còn trẻ, chưa hiểu hết sự đời? hay chưa có óc khái quát như bây giờ? Không đúng lắm. Có thể ta sẽ già đi như rất nhiều người, thận trọng thờ ơ và tưởng mình đã rất từng trải như nhiều người, mà vẫn không biết gọi đích danh trạng thái này.

 

Thiếu vắng-trước kia tôi cứ tưởng đây là trạng thái của một kẻ lưu vong, nghĩa là sống trên đất một người khác, thiếu cái phần người ta gọi là”hồn quê hương”. Nhưng nhiều lần, quay về quê cha đất tổ thăm viếng, tôi lại  phảng phất nhớ thương cái gọi là”đất người” trong tâm khảm. Nghĩa là sao vậy? đành tạm cho rằng: thiếu vắng là thứ tình cảm thiếu hụt một cái gì rất thân thiết, ta đã quen thuộc, đã biết nó từ lâu. Nhưng chưa đủ.

 

Năm tháng trôi qua, tôi trầm ngâm bổ sung thêm tri thức cảm nhận của mình vào cụm từ thiếu vắng này. Đấy là trạng thái của một kẻ thiếu bạn. Bạn tâm sự, bạn chuyện trò, bạn trao đổi, bạn hòa hợp, bạn cùng một sở thích, bạn cùng một dạng năng lượng hoạt động, bạn cùng đam mê, sở thích, và…tóm lại: một kẻ biết gây hưng phấn cho mình.

 

Theo nghĩa này, có thể đặt tên khác cho trạng thái thiếu vắng: thiếu tri kỷ. Tôi bùi ngùi nhận ra: dù sống ở bất kỳ xứ sở nào, thiếu tri kỷ vẫn là một trạng thái thiếu vắng dai dẳng nhất của tôi. À ra thế! Đây là lời giải thích cho sự lựa chọn cuối cùng của mình: đơn độc. Thà đơn độc còn hơn. Để nhấm nháp thiếu vắng tri kỷ.

 

Thủy đi rồi, mang theo một phần chia xẻ sống của tôi. Dù chỉ trong vài ngày. Trong vài ngày cái lối nói, lối tỏ tường vấn đề, lối suy nghĩ, điệu cười, cách so sánh, kiểu bông đùa của mấy đứa con gái Hà nội khi gặp nhau ríu rít đã đi khuất. Nắng tràn ngập trên mặt nước long lanh Đanuyp, nắng rải lăn tăn trên tóc đứa con gái Hà nội ở lại lặng thinh bên bờ sông suy nghĩ, nắng gió rượt đuổi nhau trên các vòm cây, chắc đang gợi niềm thơ thẩn mông lung trong đầu đứa con gái Hà nội khác ngồi trên xe buýt.

Đây là trạng thái: ôi, sao cứ xa, xa mãi…đây là vơ vẩn của gió hồ Tây lang thang trên đường Thanh niên khi lũ bạn gái sánh vai nhau đi giữa lòng đường nói cười chí chóe, hay chỉ là trạng thái câm lặng im lìm một mình”ta với ta” lững thững bên dòng Đanuyp ngắm hoàng hôn? Có thể biết được hay không bạn hỡi, khi nào ta ở trong bạn và khi nào bạn ở trong ta? Con người ơi, mi đành chọn tư thế thiền định chỉ vì muốn luôn luôn gặp đúng người tri kỷ?

 

Thiếu vắng- giờ đây tôi biết, mình cần bổ sung thêm ý nghĩa gì vào từ ngữ quen thuộc này: đấy là một trạng thái khao khát sống.

 

Mọi giá cần phải sống, trả giá thế nào cũng được, miễn là sống. Trong không gian ấm áp này, trong cơ thể mềm mại uyển chuyển này. Để cảm thấy và nhận ra. Nhận ra sự phong phú của chính mình-của bạn, qua bạn, cùng với bạn, một sinh linh sống. Để làm gì cơ chứ? Để so sánh. So sánh sống và chết.

Tôi nghĩ rằng tôi đã trải qua những cảm nhận kinh nghiệm ít người biết: CÁI CHẾT là gì. Không phải tôi chết. Đời sống quý báu chính vì tôi không cần chết để biết chết là gì, mà vẫn biết cảm giác ĐÃ CHẾT. Biết từ người sống bên cạnh mình. Nếu một ngày, cái đầu của một người thân bạn đang ôm trong tay bỗng ngoẹo sang một bên, thả lỏng, đôi mắt trước đó vừa nhìn bạn khép lại, không bao giờ mở ra nữa, tất cả chỉ còn là bất động, lúc đó bạn sẽ biết cái chết là gì.

 

Là từ  sau cái ngày một người quen không bao giờ quay lại, mọi hình dung và cảm giác sống của bạn  không bao giờ như cũ nữa. Bạn sẽ không bao giờ BIẾT cười mà lòng dâng trào hạnh phúc như trước kia, bạn vẫn cười nhưng lòng bạn lặng thinh và thiếu vắng, không phải thiếu vắng một người nào đó mà thiếu vắng một cảm giác vô tư lự, chưa biết đến một cái gì đó.

Đúng thế, ôi cuộc sống, ta ĐÃ TỪNG chưa biết sống là gì, yêu là gì, đau khổ là gì chịu đựng là gì! Cũng như hôm nay-PHÚT NÀY- ta CHƯA biết tuổi già là gì, đau bệnh lão là gì, cho dù ta đã NẾM trước mùi vị vĩnh biệt của sự SỐNG dừng lại, mùi vị của CHẾT.

 

Thủy lên xe buýt và đi tiếp đến một quốc gia khác, tôi ở lại thành phố, mọi việc nơi này, trong cuộc sống hàng ngày của tôi sẽ lại tiếp tục như trước khi Thủy đến đây thăm tôi, tôi biết. Năm tháng đã giúp tôi nhận ra cảm giác của mình, đặt tên chính xác cho nó, và vì thế tôi không buồn, hẫng hụt như trước nữa. Đây có lẽ là phần thưởng duy nhất cho một kiếp sống người.

              

Chỉ có điều: dường như chữ đối với tôi không còn quá nhiều trọng lượng như trước nữa. Chữ vẫn là một công cụ giãi bày. Tôi không muốn giãi bày tiếp.

 

Tôi muốn đặt sự vật lên trước mặt mọi người như là nó: đây là màu trắng-nỗi lòng yên tĩnh của tôi. Đây là màu úa, màu của mùa thu-đã mang đi vài ba ngày vội vã của hai đứa con gái Hà nội ríu rít gặp nhau. Đây là màu ghi ngọc-màu của mấy buổi tối ngồi ăn bên nhau trên phố và kể lể tâm tình chuyện yêu đương da diết của nhau cho nhau. Còn đây là màu hổ phách vàng óng, Thủy mua một mặt đá thật lớn và đẹp rực rỡ để nhớ đến nhựa thông châu Âu. Còn đây nữa, màu xanh biếc êm ả của Danuyp, bên những đường viền vàng suộm sã, đỏ ối, nhợt nhạt xanh mờ, trộn nâu của những bụi cây um tùm đôi bờ, khi hai đứa đứng trên triền đê chỉ tay xa xa : Levintan.

 

Thượng đế ơi, làm sao để biết vẽ?

 

BP.2011.09.30.

Nguyễn Hồng Nhung
Số lần đọc: 2905
Ngày đăng: 04.10.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nhà Thờ St Paul’s, Một Kiến Trúc Tuyệt Vời - Lữ Quỳnh
Có Một Đà Lạt Ở Phía Nam Luân Đôn - Lữ Quỳnh
Viện Bảo Tàng Anh Quốc - Lữ Quỳnh
Đêm New York - Trần Hoài Thư
The National Gallery - Lữ Quỳnh
Nụ hôn trầm tích - Từ Sâm
Những Chiếc Cầu Trên Sông Thames - Lữ Quỳnh
Nơi Không Còn Tiếng Là Xứ Của Sương Mù - Lữ Quỳnh
Im nghe tình thở - Thụy Vi
Tưởng Niệm Họa Sĩ Thái Tuấn - Văn Quang
Cùng một tác giả
Chim sẻ (truyện ngắn)
Thời gian (tạp văn)
Tuyết rơi (truyện ngắn)
Tách… (thơ)
Đêm nhạc jazz (truyện ngắn)
Vô danh (thơ)
Mùa thu chết (truyện ngắn)
Nhát đâm cuối cùng (truyện ngắn)
Bi hài biên tập (truyện ngắn)
Tang (thơ)
Buốt. (thơ)
Bóng (thơ)
Anh (thơ)
Đợi (thơ)
Szepes Maria (chân dung)
Mùa (thơ)
Tự do (thơ)
Xanh xao (thơ)
Câu chuyện tháng Hai (truyện ngắn)
Mưa Đêm (tạp văn)
Tình yêu (truyện ngắn)
Rát (thơ)
(truyện ngắn)
Jesse (truyện ngắn)
Sài gòn và em (tạp văn)
Năm Đổi Mới Đã Đến (nhìn ra thế giới)
Sống (tạp văn)
Ba Nguồn (triết học)
Jesse-3 (tạp văn)
Noel (thơ)
Arlequin – Anh Hề (triết học)
Ngôn Từ (tạp văn)
Các Hình Ảnh Cổ (triết học)
Phục Sinh (tạp văn)
Người Đàn Bà (triết học)
Cổ Tích Da Đỏ (triết học)
Chữ Tháng Sáu (tạp văn)
Thuật luyện vàng (triết học)
TẢ TƠI (truyện ngắn)
Sekina (tiểu luận)
Trở về nhà (tạp văn)
Cái gương (tiểu luận)
Sự nô lệ (truyện ngắn)
Có thể lắm (truyện ngắn)
Sống (tiểu luận)
Giữa (tạp văn)
Tuổi thu (tạp văn)
Bí ẩn đời sống (truyện ngắn)
Hạ ký (tạp văn)
Sáu mươi (tạp văn)
(ký)
Có đường đi lên (tiểu luận)
Có lẽ (thơ)
Về bản chất (tiểu luận)
Chị của Bố (truyện ngắn)
Lớp học Tiếng (truyện ngắn)
Mi và thượng đế (tiểu luận)
Tử vi Ai Cập (nghệ thuật)
Quê nhà (truyện ngắn)
Hưu (thơ)
Chết (thơ)
Bảy năm (truyện ngắn)
Cây táo vàng (truyện ngắn)
Quả bong bóng lợn (truyện ngắn)
Từ duy nhất (truyện ngắn)
Thu (thơ)
Kẻ giết mẹ (truyện ngắn)
Tặng (thơ)
Cây mận (truyện ngắn)
Cổ tích (truyện ngắn)