(……………)
Nhớ lời vợ dặn, rảnh đến Hàng Bột, tìm nhà cháu Thơ ở 33 ngõ Thông Phong - đến phố Nguyễn Thái Học trước, qua trường trung học Phan Đình Phùng ( nay Phan Chu Trinh ), cứ đi thẳng tới ngã ba, rẽ trái qua hàng Bột là tới nơi. Con đường tôi đang đứng đây, mắt dáo dác tìm biển tên phố lại chỉ thấy phố Tôn Đức Thắng.
Ghé trạm, hỏi thăm một cảnh sát viên, thì đúng đây là Hàng Bột. Từ trên đi xuống, bên tay phải số chẵn, bên trái lẻ; vậy ngõ Thông Phong nằm ở phía tay trái. Gặp đúng ngõ, đúng số nhà - ngoài lề có hàng bán nước chè - hỏi thăm chủ quán - biết chủ nhà đã chuyển tới địa chỉ mới 17b Lý Nam Đế. Căn nhà này xưa kia của bá Châu ( em ruột bố vợ tôi). Bà lấy chồng tri châu ( huyện quan miền thượng du, tương đương tri huyện), sinh hạ được hai cô con gái. Cô em gả cho Nguyễn Hiệp, ba cháu Thơ bây giờ, chủ căn nhà 33 ngõ Thông Phong. Nhà sửa sang lại để bán ( lời chủ quán bán nước đầu hè) và sang ở bên chồng, một sĩ quan Quân đội nhân dân ở phố Lý Nam Đế.
Tôi đi tắt ngõ băng qua đường Trần Quý Cáp, vẫn còn bắt gặp hàng chữ cổ lỗ sĩ Ga Saigon nằm trong dãy nhà Chemins de Fer xây cất từ thời tây sừng sững như con thù lớn nghênh ngang đứng đó. Đúng ra, khu này không thay đổi, quần thể kiến trúc thời thực dân vẫn còn dấu tích đậm nét, phải được coi như di tích hiếm hoi cần bảo tồn.
Len lỏi tới Cửa Nam lúc nào không hay- vậy nhà văn sĩ Nguyễn Minh Lang- xưa kia 42 Hàng Lọng –nay phố Lê Duẩn- là tìm gặp ngay được bạn cũ. Buổi nay, thì chưa thể tìm gặp, nhưng cũng biết tin nó đã đi xe lăn, tối ngày chỉ quanh quẩn xó nhà.
Rẽ phải qua phố Phan Bội Châu, tìm số nhà 36, xưa , nơi ở của thi sĩ Nhất Tuấn-Phạm Hậu. Biệt thự xây theo lối tây còn nguyên vẹn; nhưng được ngăn ra nhiều phòng cho nhiều chủ ở - ai cũng là chủ tập thể. Một chủ tập thể hiện ở đây- lão- thi- nam Khương Hữu Dụng trên 80 vẫn cứng cựa sống một mình- như gà trống tây hãnh diện xòe một bên cánh bảo vệ lũ con của mái Bội Tỉnh. Câu văn so sánh trên có được , nhờ lần cùng Lữ Quốc Văn đến thăm lão-thi-nữ Bội Tỉnh ở nhà con gái tai thành phố Bác - chúng tôi gặp lão-thi-nam ăn trưa ở đây, và ngồi rung đùi ngâm thơ Bội Tỉnh cho mọi người thưởng thức.
*
Hàng ngày đi qua phố Yết Kiêu họp hội nghị, thêm một ngày đi bộ tìm nhà quen cũ , ôn kỷ niệm Hà Nội trước 1954. Nhà báo Hồ Nam ở 8 Yết Kiêu, nơi tôi từng lại thăm, nhất định đòi bằng được uống cốc nước chè đường cho đã khát. Hồ Nam chiều bạn, bưng cả hũ đường cùng cốc, bình trà cho bạn tự do pha chế`- và không đoán được rằng từ sáng bạn nó chưa có một chút gì bỏ bụng ?
Vẫn phố Yết Kiêu, số 108, nơi từng đã sống , qua đời của một chàng nhạc sĩ tài hoa, cũng ở phố Yết Kiêu này - tôi nhìn lên căn gác như gửi lời chào vĩnh biệt Văn Cao muộn màng!
Nhắc lại, lần đầu tôi và nhạc sĩ Phạm Đình Chương gặp Văn Cao vào tối mùng một tết, tháng 2 năm 1980 ở nhà Nguyễn bá Châu, 92 Lê Lai, quận 1, tp. HCM.
Nguyễn Bá Châu, chủ xuất bản, nhà in trước 1954 ở Hà Nội – nhà in lúc đó đặt tại 59 Miribel (nay trần Nhân Tông). Châu là con trai đốc tờ Lương, thân phụ đặt tên Châu cho anh, còn là kỷ niệm khi ông làm việc ở Lai Châu- vì anh được sinh ra ở đất Thái. Nguyễn Bá Châu sống trên đất Thái, quen ăn cơm nếp xôi, gần như không ăn cơm tẻ. Sau 1975, gạo nếp rất hiếm, nếu có cũng rất đắt, nên anh thường uống bia chai Larue thay cơm. Khi ăn cơm, vợ nấu xôi nếp, mà khi ấy mỗi gia đình được phát sổ gạo chỉ bán gạo tẻ.
Nhà xuất bản Á Châu lúc ở Hà Nội chưa in một tác phẩm nào của tôi, ngay khi vào Saigon cũng vậy. Cùng lứa tuổi sàn sàn, lại quen biết từ lâu, thường xưng hô tao, mày- như đối với văn sĩ Thanh Nam, Nguyễn Minh Lang, Nguyễn thiệu Giang, Huy Quang- những tác giả đã giao du với nhà xuất bản của Nguyễn Bá Châu. Nxb Á Châu in tác phẩm của chúng nó – có đứa 1, 2, 5 hoặc 3 tùy thằng; riệng văn sĩ hàng đầu Nguyễn Minh l;ang được in nhiều nhất; tiểu thuyết mang tựa “ Gái Hà Nội”’, Trăng đồng quê””, Cánh hoa trước gió “( 2 tập) vv. Tiểu thuyết Nguyễn minh Lang bán rất chạy , nhất là” Gái Hà Nội” – chuyện tình tiểu thuyết hóa giữa ca sĩ số một T.V với văn sĩ tác giả- đến cả bìa sách, Minh Lang buộc Nhà vẽ Zuy Nhất ở bờ Hồ trình bày bìa 1 – phác họa chân dung phải giống hệt ca sĩ T.V, tai cô đeo hai chiếc vòng’ tổ bố’ tòng teng “!
Sau khi chúc tết xong, Bá Châu rủ tôi ra quán Lê Lai ( khách sạn New World bây giờ) vừa gần nhà Châu để làm mấy chai bia Larue cho đời lên hương . Châu uống như uống nước lọc, hút thuốc lá liên mien – có thể làm bạn chí thiết văn sĩ Olivier Rolin - có tranh gi, thì : ” mày 10 tao cũng 9,9“) . Olivier Rolin, nhà văn Pháp tới Hà Nội dự hội thảo văn chương Les Temps des Livres do Đại sứ quán Pháp tổ chức vào 1995. Nay Nguyễn Bá Châu đã xa rồi, không còn trên cõi ta bà, xa hẳn chốn đô hội, nhiều niềm vui lại không ít điều buồn ! Châu buông xuôi hai tay, hãy tự kỷ ám thị đi:” …mày chẳng còn điều gì nợ nần cuộc đời, phải vậy không ?”
Hai thằng vào quán Lê Lai- thơi kỳ này quán chỉ được phép mở băng nhạc hòa tấu. Ca khúc không lời được nghe đầu tiên, nhận ra ngay, rất lãng mạn với điệu nhạc cao bồi-giang hồ “ Tôi đi giữa hoàng hôn” / Văn Phụng – sau đó bắt qua ca khúc phổ thơ Đinh Hùng của Phạm Đình Chương .
Châu nói ngay:
…- “ chưa gặp em anh đã nghĩ rằng..” thằng này chết đi rất thiêng đây ! Nó hẹn sẽ tới gặp chúng mình thì đã có hành khúc đón chào rồi. !
( Châu ơi ! mày đâu có biết chuyện chàng thi sĩ Đinh Hùng lững thững vào giữa trưa nắn một buổi trưa thứ 7, để đón nàng Hoài Diệu tan trường, từ Trường Xã Hội Caritas 38 Tú Xương lững thững bước ra cổng, ù chạy, đưa vòng tay khóa chặt cánh trái Đinh Hùng ?- tôi rất muốn kể cho Châu nghe, rồi lại thôi không kể nữa).
Từ rất lâu tôi không gặp Phạm Đình Chương- rất mong gặp lại. Thời kỳ còn làm Tùy viên báo chí Bộ Thông tin ( 1955), tôi được cắt cử vào Hội đồng xét duyệt phim trước khi cho phép chiếu ngoài rạp. lần ấy, sau khi chia tay trước rạp Olympic, Chương khuyên tôi:” mày nên học hát làm ca sĩ Thế Phong ạ !”. Câu chuyện không đầu, không đuôi ấy- tôi vẫn còn nhớ như nó mới nói cho nghe hôm qua thôi- tôi chẳng hỏi cho biết từ ý nào mà nó khuyên tôi vậy ? Uống tới chai bia thứ 3, Châu nhìn ra thấy bóng Chương đi vào, Châu cười, đưa tay vẫy. Gặp tôi, Chương xiết tay rất chặt, lắc rất lâu, như cho bõ từ lâu đã không gặp. Câu nói đầu tiên:
- Mày còn làm thơ không ? Cứ cho thơ mày có nhiều tân ý đi nữa, thì tao có muốn phổ cũng” đếch” phổ đượ
-Tại sao? tôi hỏi.
-“ Sao” vói” “trăng “ gì, đọc báo” Văn nghệTiền phong” chúng chửi thơ mày và Thanh Tâm Tuyền là” thơ hũ nút”, thơ TT thì tao còn phổ được ” phổ hay “ là khác- còn” thơ hũ nút’ của mày, có tài mấy cũng chịu thua !
Nó vẫn hút thuốc lá Bastos de luxe, hít dài một hơi cho đã, rồi kể chuyện thường nhật, đi dạy nhạc kiếm cơm qua ngày, đoạn tháng.
Ba thằng đấu láo, tất nhiên tránh chuyện” chính chị, chính em” , còn tha hồ bàn về’ nhạc, nhiếc”, chẳng động chạm ai, vì sợ bị hại đến thân cò !
Xong, Châu lại rủ hai thằng về nhà” ăn tết”- nó còn để dành được” một chai duy nhất Moet Chandon cổ trắng “- …‘ ta vừa uống sâm-banh thời sau 75 vừa thưởng thực” nhạc sống” cho “ dzui” !”
Chương phản ứng”
-“ Nghe” hòa tấu’ còn” rét”, huống hồ” nhạc sống” , nghe xong để tế bằng” nhạc chết’ à ?
Nguyễn Bá Châu có lối chuyện úp úp, mở mở- như tay đạo diễn cứ khôi – nhất định không nói hết một lần, cứ từng câu dò phản ứng, sau mới tiếp. Chương sốt ruột:
- Mày thuộc loại” người khôn thì nói nửa chừng…“ nói mẹ nó ra, có ai đâu, úp úp, mở mở làm” đếch” gì! Vậy là Châu đành tiết lộ” tối nay tại phòng khách lầu 3 nhà tao, mới một nữ danh ca Thái Thanh, một “ pianiste” tài danh Nghiêm Phú Phi, “ một nhạc sĩ quốc ca” tham dự với bọn mình được không, hở hai đứa chúng mày ?”
*
Khi còn mở nhà xuất bản ở Hà Nội trước 1954, Nxb Á Châu in rất nhiều ca khúc Văn Cao, Nguyễn Xuân Khoát, Đỗ Nhuận, Nguyễn Thiện Tơ, Nguyễn Văn Tý, Tu My, Văn Chung, Châu Kỳ, Tô Vũ, Dương Thiệu Tước, Phạm Duy, Nguyễn văn Thương, Ưng Lang, Nguyễn Văn Khánh, Đoàn Chuẩn-Từ Linh , Hoàng Trọng, Hoàng Thi Thơ vv… Còn tiểu thuyết bán chạy nổi tiếng hàng đầu vẫn là tác phẩm nhà văn tiền chiến Lê Văn Trương, Nhất Linh, Khái Hưng.. sau là Hoàng Công Khanh.., và tập thơ chuyện kể tình sử bình dân Đồi thông hai mộ, riêng cuốn này tái bản không biết bao nhiêu lần- hình như nhà phê bình văn học Thượng Sỹ bị đánh, chạy quính quáng rơi tọt xuống ven hồ Gươm, chỉ vì một bài điểm sách chê bai” “hết cỡ thợ mộc” !
Buổi tiêc trên lầu ba, có một vị khách không mời vẫn đến.- tuổi chừng 20 mươi ngoài, mặc dân sự, vẫn ẩn chìm toát vẻ đầy quyền lực, hống hách, qua dáng điệu, cử chỉ, lời nói.
Phạm Đình Chương thấy vậy, nháy mắt, khều Bá Châu ra ngoài tỉ tê đủ nghe:
“… nhất thiết là.. mày không được giới thiệu chúng tao với bút danh, bút diếc gì hết. Cứ giới thiệu tao là Trung, họ hàng nhà mày… còn thằng này( chỉ về phía tôi) tên thật là gì? – Chương nhấn mạnh, phải dặn cả Nghiêm Phú Phi nữa, riêng em gái tao thì không cần, nó biết rồi !.
Văn Cao uống rượu tây như hũ chìm, ăn rất ít., kể cả đồ nhắm thì lâu lâu mới cầm đũa gắp đưa lên miệng, mặc dầu thức ăn bạn bè gắp vào bát khá đầy. Ai thích bài nhạc nào của Văn Cao , cứ yêu cầu – bữa nay chỉ hát ca khúc của tác giả làm nhạc quốc ca thôi. Hết Buồn tàn thu, đến Suối mơ, Bến xuân, Thiên thai, Đàn chim Việt, Trường ca sông Lô, Không quân Việtnam, Trương Chi.. – xấu người tốt tính, tài cao, hát giỏi- mà” cứ hát hay như Trương Chi là có vợ đẹp thôi “!. Thật lạ, giờ phút này có ai dám tổ chức hát nhạc sống đâu – cả thành phố này chỉ hát nhạc cách mạng có lời- còn nhạc vàng cấm lời, lại được phép nghe hòa tấu.
Chàng thanh niên đầy quyền lực nhấp nha, nhấp nhổm, đứng lên lại ngồi xuống, hết đi ra lại đi vào, lên tiếng hỏi trống không” cho gặp chủ nhà ngay”!
Thấy vậy, Văn Cao cầm ly rượu khề khà sang mời chàng thanh niên quyền lực cụng ly. Rồi Văn Cao còn choàng vai cậu ta tâm sự ,như đôi ba dòng tiểu sử tự bạch trích ngang :
“… Anh đây từng là cán bộ công an trước 1945- như chú em bây giờ; nhưng nghề ám sát thật nguy hiểm, vất vả khôn lường. Không bao giờ anh quên lần ám sát tên ác ôn, hại dân, hại nước- thằng này mang tên Đỗ Phin. Khi một đồng sự tổ chức chuốc rượu cho nó say, anh bước vào , lên nòng đạn Colt 45- hỏi có phải nó không, một giao liên gật đầu, ấy thế là anh nhắm mắt nẩy cò; sau khi nghe tiếng nồi thoát ngay ra ngoài, rồi trốn biệt tích. Vốn có máu nghệ sĩ lại ưa giang hồ, thích sáng tác, à này, anh hỏi thực- em nghe những ca khúc vừa hát có thích không ? cái bài” Suối mơ” ấy mà, lãng mạn nhưng lãng mạn cách mạng đấy em ạ ! Này nhé:” suối ơi bên rừng thu vắng, dòng nước trôi lững lờ ngoài nắng”- cái chất cách mạng này hoàn toàn là rung cảm thực của nghệ sĩ có tâm hồn, yêu non sông, đất nước; nhưng cũng biết yêu mình nữa. Em có hiểu anh nói gì không ? Cụng ly nào, uống cạn nhé ! Nhưng phải nói thực, anh là kẻ thất bại về tình yêu, thất bại, vì anh không giỏi tán chuyện với đàn bà- nhưng anh vẫn là” nhạc sĩ làm quốc ca” – em thấy có đủ bảo đảm chính trị cho buổi tấu nhạc đêm nay, và không còn’ có vấn đề” – có đúng vậy không ?
Người trẻ tuổi cầm ly rượu, giữ tư thế im lặng, không lên tiếng, cũng chẳng trả lời, không cần xác nhận đúng hay không, có vần đề hay không có vấn đề. Anh ta trở về chỗ ngồi và chỉ tin bài quốc ca được hát lên mới đánh tan sự hoang mang, thực sự tin tưởng “ ông này là nhạc sĩ làm quốc ca” thật sự. Nhạc sĩ lại tiếp tục dốc bầu tâm sự- chính vì không giỏi tán chuyện với đàn bà, con gái, nhạc sĩ đành dốc tâm sáng tác ca khúc thật mộng mơ, lãng mạn, say đắm chết lòng người, bù lại cho sự thiếu thốn kia trong lời ca, nốt nhạc. Văn Cao tâm sự tiếp:
“… Em có thể không nghe ca khúc” Thiên thai”,” Suối mơ”; hoặc không chừng chỉ thích tiếng nhạc ồn ào, gầm thét” Trường ca sông Lô”, như nước đổ ầm vang quyện hòa tiếng súng; hoặc” Tiến quân ca” , bài quốc ca mà chính anh là tác giả . Em có tin vậy không? Nếu em tin anh đúng là nhạc sĩ sáng tác quôc ca của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa- vậy thì em đã cảm thấy được điều này chưa ?
Cảm được điều này là thực chưa? Nhạc của anh rất nhiều, riêng ca khúc “ Tiến quân ca” trở thành quốc ca, thì em biết đấy – từ anh dân đen đến ông có chức có quyền, một khi nghe nhạc tấu lên, tất gần tật đều phải đứng dậy, và tất nhiên kể cả thích hay không thích nhạc anh đi nữa. Có đúng như vậy không nào? ..
Nói dứt, Văn Cao giơ tay bắt nhịp, tự hát: “ Đòan quân Việtnam đi… “ câu hát chưa dứt, thì người trẻ tuổi hạ bộmặt đăm chiêu, vội vã xin lỗi giã từ, đi công tác đột xuất- lẻn thật nhanh khỏi cửa.
Vĩnh biệt chàng nhạc sĩ tài hoa thượng thừa! nếu có ai bắt khai lý lịch trích ngang một lần nữa, chẳng hạn một nhà báo giỏi nghề, muốn biết đích xác nơi phong thổ, chốn nào tác giả chào đời- có phỏng vấn- thì nhạc sĩ chỉ lắc đầu thì phải ?!
Chẳng hạn, tác giả được sinh ra ở thành Nam, Hưng Yên, Hà Nam, Ninh Bình ? không đích xác địa danh, vì không còn nhớ rõ, bởi từ thuở nhỏ, người mẹ bồng bế các em, giắt díu anh đi tha phương, cầu thực- khi đến vùng đất Nước Mặn Đồng Chua ( Hải Phòng ) , đất lành chim đậu; thì Người Núi Ngự, Thành Tô lớn lên và trưởng thành, lấy vợ, sinh con ; sáng tác, thăng hoa- cả họa, thơ, nhạc, kịch- bộ môn nào cũng được coi như” trang bất tử của lịch sử văn học việt trong thế kỷ XX”.
Văn Cao qua đời vào một ngày thật dễ nhớ- có lẽ với riêng tôi không chừng- ngày 10 tháng 7 năm 1995. Vì cách đó 63 năm , với riệng tôi, ngày dễ nhớ- chính ngày này tôi được sinh ra đời vào một đêm mưa to, gió lớn, lụt lội ở Nhà thương Yên Thái, tỉnh Yên Báy (đúng chính tả thời tây).
Cũng không quên lần gặp ông lần cuối cùng ở Quán Nhạc sĩ trong khuôn viên Nhà Văn hóa Thanh niên ở Thành phố Bác. Văn Cao ngồi cạnh bên chiếc bàn nhỏ kê trên bục gỗ, bữa ấy giới thiệu là M.C Hữu Luân. Lời giới thiệu đi trước ca khúc biểu diễn như buộc phải có lời bình- bình kiểu Mao Tôn Cương, giải thích” tại sao” , “ bởi vì”- buộc khán giả phải nhập tâm trước khi nghe nhạc. Một lời giới thiệu rất ” phô” ( faux) đối với “ Trường ca sông Lô”, khiến Văn Cao nhăm mặt- ông ta thẳng cánh xua tay, phê thẳng thừng cách giới thiệu áp đặt chính trị tính ( thô thiển) cho ca khúc. Lần đầu tiên, tôi nhận giọng hát mượt mà tuyệt vời chim sơn ca số một hát nhạc lãng mạn cách mạng Văn Cao hay số một- đó là ca sĩ tài danh Ánh Tuyết. (các vị tuổi trung niên thời trước 1975 chớ lầ với vũ sư Ánh Tuyết- thân mẫu ca sĩ hát hay, nhảy giỏi Nguyễn Hưng ở hải ngoại ).
*
Chiều nay Lý Lan vẫn mặc váy đầm- không là Hà Nội mắc- xi –váy – vậy ra nữ văn sĩ trẻ chưa hòa nhập được với mốt thời thượng bây giờ. Câu hỏi:” sao không đặt câi hỏi hắc búa với diễn giả Didier Éribon ? “- Lý Lan hỏi tôi vậy? – Trả lời:-“ Dễ thôi, đã chuẩn bị mấy câu về thi ca để hỏi nhà văn Tahar Ben Jelloun- thì lúc đăng đàn, ông ta chỉ đặt câu hỏi văn chương đối với nhà văn Á Rập mà thôi. Đành “ stop” lại việc hỏi’ chuyện thơ” - Jelloun kết thúc buổi nói chuyện văn chương kia, quả không mấy
” interesting” ; song cũng giúp tôi có giấc ngủ vật vờ, và chỉ tỉnh dậy khi Lý Lan đánh thức. Và lúc đó thực ra tôi cảm thấy ngượng ngùng, xấu hổ. !”
Lý Lan lại hỏi:
- Sao tối qua không tham dự bữa ăn tối ở Hoa Ban, vui hết biết ! ( chủ quán : nhà văn Nguyễn huy Thiệp)
- Cô ta cho biết vì không có tôi, nên bị bắt nạt- cô muốn biết người ta nói gì thì chẳng ai thông dịch giùm ?
Ở quán Hoa Ban về đã 11 giờ đêm- chàng thi sĩ tướng ngũ đoản cao thuốc mốt lại rủ ra bờ hồ Gươm cho bằng được, lại phải ngồi trên băng ghế đá lạnh thấy cha ! “ …tâm sự cái cóc khô gì không biết?, chán ơi là chán !”- cô nhất định một mình lội bộ về gác trọ ở phố Cửa Đông.
- Còn chàng thi sĩ tướng ngũ đoản kia ( xin chớ lầm nhà văn viết về tuổi thơ Nguyễn nhật Ánh ) cảm thấy đơn độc, chán đời hay chán mình- nhất định không về nhà trọ- vịn cớ quá khuya khoắt, thôi thì thuê ghế bố ngủ lạnh bên bờ hồ, trả giá bèo 15 nghìn.
- Lý Lan lại còn trách cứ, rủ vào Công viên Gandhi ngồi chơi tâm sự thì không chịu, lấy cớ trời tối sợ ma. Thật làm mất giá phụ nữ quá chừng chừng !
Tôi biên bạch, bản thân nhút nhát, sau này có dịp kể lại- sẽ’ bật mí” cho con ,cháu nghe chơi –chuyện” kể của ông nội có ” phịa tí ti ” thêm mắm, thêm muối:, đại khái như thế này:
“… xưa kia nội dở lắm con ơi, cô ấy buộc nội” thắng” xe, nhảy từ yên sau xe đạp xuống- lon ton chạy vào ngồi bên đá công viên, theo hướng tay chỉ” dzô đây cha nội “ . Nôi không biết làm sao, trời thì xẩm tối, vào đó tâm sự - lỡ nổi” máu ham hố” nội giơ tay quàng bậy vai “ cổ” ,” cổ” thấy êm êm cho” qua luôn”. Được thể, nội” hun” đại một cái, ấy thế là nội đã đi vào cửa tử mà không biết ? “ Cổ” thấy” nội nhất định không tiến tới” , cổ lại hỏi:” Why not, tell me !” – tiếng anh-mỹ giỏi một” cây” dịch sách văn học” hết xảy”!
Nội đành giơ hai tay đầu hàng, chỉ tay vào yên xe phía sau xe đạp, mờ” cổ” lên- lòng muốn bầy tỏ, miệng không sao thốt thành lời ? ( tất cả đầu muộn màng, rồi sẽ qua đi thôi cô em ơi ! Em hãy ngồi phía sau xe này, anh sẽ chở tới nơi em muốn đến. Còn anh, sau đó- bằng mọi cách , đành như chiếc lá định mệnh phải rụng về đúng cội nguồn.”)
Hà Nội đêm thu 10 tháng 10 ,1995 … - đêm kỷ niệm tiếp quản Thủ đô được giải phóng lần thứ 41- tôi sẽ nhớ mãi, có muốn cũng không thể quên! ( ấy là chuyện chở nhà văn nữ ngồi sau xe đạp chạy khắp phố phường ). Buổi ấy, trời se lạnh, gió thổi lùa, đèn sáng hơn sao, đâu đây dậy mùi hoa sữa về đêm nồng nặng xộc lên mũi thật khó chịu đến vậy !
Nhà văn nữ nói rất nhỏ, câu được câu chăng,… rồi ra sẽ không còn cơ hội nào gặp lại nữa?!”
…. thật vậy rồi, không thể khác hơn được đâu, cô em” yêu không còn nơi nào để’ giấu” nữa ?! ?!
(trích” Hà Nội 40 năm xa “, Nxb Thanh niên tái bản 2006, trang 103-114 ).Bản của TP.