Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.186
123.211.621
 
Phát hiện mới về lối hát Ca trù cổ
Nguyễn Mạnh Hà

Sau 9 tháng điền dã không ngừng nghỉ, những người làm Hồ sơ Ca trù đã tìm ra nhiều điều mới lạ. Hóa ra những gì còn lại của ca trù phong phú hơn chúng ta tưởng.

 

Tiền phong  đã gặp ông Đặng Hoành Loan- nguyên Viện trưởng Viện Âm nhạc- tại hành lang Hội thảo quốc tế Hát Ca trù của người Việt  diễn ra ngày 20/6 tại HN.

Dù đã nghỉ hưu, ông vẫn là người chỉ đạo và chịu trách nhiệm về nội dung khoa học của hồ sơ.

 

Ông có thể cho biết những thông tin mới về ca trù được tìm ra trong quá trình làm hồ sơ?

Một thông tin quan trọng trước nay chỉ được miêu tả trong sách báo là các làng giáo phòng.

Xưa chúng ta chỉ biết tổ chức giáo phường. Chúng tôi đã đến được 6 làng giáo phòng. Hàng năm vua tổ chức các cuộc hát chúc hỗ trong triều đình. Khi vua yêu mến một đào nương nào đấy trong cuộc hát, thì thường là vua ban đất kèm theo tên gọi giáo phòng...

Có cái này mà sách báo cũng chưa biết đến là toàn bộ vùng Nghệ An Hà Tĩnh chia ca trù ra làm 2 đẳng cấp: nhà trò tiểu hàng và nhà trò đại hàng.

Tại sao phải chia ra và quan hệ giữa 2 “hàng” ấy ra sao thì hiện chúng ta chưa có dịp để nghiên cứu. Các cụ kể rằng ngày xưa, nhà trò đại hàng đi đến đâu thì nhà trò tiểu hàng buộc phải cắp gánh đi nơi khác.

Như là một luật định không giải thích.  Chúng tôi có gặp một cụ nhà trò đại hàng của dòng họ Trần ở Yên Lý, Nghệ An, năm nay 86 tuổi, cực kỳ giỏi. Đền Cờn ngày xưa có 8 giáp. Mỗi lần đền Cờn mở hội, 8 giáp phải đi tìm đào nương giỏi nhất, và có lần 8 giáp đều đi tìm cụ ấy cả, và cuối cùng 8 giáp phải bắt thăm vào giáp nào hát trước.

Qua quá trình tiếp xúc với các nghệ nhân tuổi 80 trở lên, chúng ta mới làm sống lại được các bài hát chỉ có trong sách thôi, tưởng không ai hát được nữa.

Chúng tôi đã tìm ra bà Nguyễn Thị Kưu là người biết hát bài Xích Bích phú cổ nhất. Hay bà Đỗ Thị Dị, 96 tuổi ở Vĩnh Phúc đã dạy lại bài Ngâm vọng, bà Phạm Thị Bang ở Phú Thọ dạy bài Hồ mã Bắc phương.

Hiện nay, nếu chúng ta đầu tư khai thác thì mỗi nghệ nhân như thế còn có thể truyền dạy được 4-5 làn điệu cho hậu thế.

 

Với những gì thu thập được, chúng ta có thể khẳng định ca trù là thể loại hát đầu tiên của người Việt?

Là thể loại hát chuyên nghiệp duy nhất có thời gian lịch sử dài nhất, có tổ chức Nhà nước dành cho nó quy mô nhất, và có phương pháp đào tạo diễn viên chuẩn nhất trong lịch sử. T

ôi lấy ví dụ, đào nương mới học nghề đều phải hát chữ đàn cái đã, đánh phách theo chữ đàn rồi mới vào bài. Không có một nghệ thuật nào ở VN có đào tạo đọc “nốt nhạc” - các cụ gọi là chữ đàn - như vậy.

Trong lịch sử nghệ thuật VN không có nghệ thuật nào được tuyển chọn quy củ và bài bản, trong khi còn rất nhiều văn bia ghi rõ quy cách tổ chức cuộc thi để tuyển chọn đào nương.

Muốn dự thi, người đào nương phải hát hay, múa giỏi, và đặc biệt phải làm được 4 câu thơ chữ Hán. Sáng tác xong, phải gõ phách hát 4 câu thơ của mình.

Toàn bộ những vùng ả đào có sắc phong của nhà vua đều có quy định giống nhau, thi thế nào, tư cách đạo đức ra làm sao…

 

Theo ông, Nhà nước cần có những biện pháp gì để bảo tồn và phát huy nghệ thuật ca trù trong tình hình hiện nay?

Trước mắt Nhà nước phải dành kinh phí để làm 2 việc trọng đại. Một, tổ chức đào tạo ngay trong các trường chuyên nghiệp (như Nhã nhạc), trước tiên là các diễn viên đang làm nghề chuyên nghiệp truyền thống học cái đã. Sau đấy, phải đầu tư lập tức cho công tác sưu tầm và nghiên cứu.

Dần dần, chúng ta phải đưa ca trù vào thành các tổ chức nghệ thuật. Nếu có một nhà hát chèo thì cần phải có một nhà hát ca trù.

Chèo mà chúng ta biết hiện nay là Nhà nước đầu tư vào nó, chuẩn hóa nó. Dù nó có bị pha tạp nhưng nó còn có cơ tồn tại. Trong khi đó, ca trù có 3 không gian trình diễn với 3 biểu mục nghệ thuật lớn, quá đủ để thành một nhà hát…

Chúng ta nên cấp tốc phục hồi ca trù theo phương pháp chúng ta đã phục hồi tuồng và chèo, đương nhiên đừng hiện đại hóa nó mà thôi!

 

Có ý kiến cho rằng, trong cái rủi có cái may, thời gian qua chính vì  chưa được thể chế hóa nên ca trù mới còn được nguyên gốc như thế?

Chính xác. Vì nếu được phục hồi cách đây mấy chục năm thì nó sẽ bị hiện đại hóa. Bởi lúc bấy giờ người ta có một khẩu hiệu hiện đại hóa toàn bộ. Cho nên giao hưởng hóa chèo, giao hưởng hóa tuồng.

Rất may, đúng như anh nói, ca trù bị tìm đến cuối cùng nên nó còn lại trong tri thức nghệ nhân nguyên vẹn.

Chẳng hạn, thời kỳ di từ Nghệ An vào Thanh Hóa trong cuộc chiến Trịnh Nguyễn, đến Bắc sông Gianh người dân cụm cư lại bên cạnh bến phà Tuần, mang theo cả ca trù hát thờ.

Và ở nơi ấy, chúng tôi đã tìm ra một tập hát ca trù Hán Nôm 64 trang, nơi mà không ai nói đến vì tưởng là không có. Và chúng tôi tìm thấy cả một nghệ nhân năm nay 96 tuổi, bà Thiếu, nghệ nhân cuối cùng của Quảng Bình.

 

Ông đánh giá ra sao về khả năng Ca trù được UNESCO công nhận?

Đại diện UNESCO VN đánh giá rất cao. GS Trần Văn Khê- cố vấn của dự án- thì cho biết ông yên tâm hoàn toàn. Tôi chứng minh giá trị của ca trù trong 1 cuốn sách, 3 bộ phim, hồ sơ khoa học, hệ thống tư liệu. Khả năng nó là kiệt tác về nghệ thuật thì riêng tôi đánh giá là đương nhiên.

Nguyễn Mạnh Hà
Số lần đọc: 2588
Ngày đăng: 23.06.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Bàn chất của sáng tạo là sự áp đặt - Ngọc Anh
Nhà thơ Phạm Thị Ngọc Liên: Đôi khi chỉ cần một tích tắc yêu... - Ngô Thị Kim Cúc
Thuận và - Thu Hà
Kinh doanh cũng cần lãng mạn - Huỳnh Kim
GS-TS Trần Luân Kim : - Tuyết Minh
TS Thái Kim Lan và tủ sách tuyển tập văn học Đức - Việt - Lam Điền
Nhà văn Lý Lan trả lời phỏng vấn SCL : “TÔI ĐANG GIÀU CÓ NIỀM HẠNH PHÚC” - Huỳnh Kim
Nguyễn Ngọc Tư, chuyện mới nghe qua - Huỳnh Kim